Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Sông côi - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Sông côi - Truyện ngắn
của Trần Huyền Trang

Hỏi xứ này ai thuộc con sông cái lượn quanh bao xóm làng, thuộc đến từng ngã rẽ, từng cái ngạch nhỏ dẫn vào những con rạch qua ruộng qua đê, không ai khác ngoài Đơn. 
Đơn thuộc tính nết con sông, vừa đằm thắm dịu dàng như cô gái đương thì khi nhận được lời ong bướm hoa hòe của những gã trai làng, nhưng cũng có khi trở cơn ầm ào như đàn bà áo xống xênh xang đi đánh ghen ngoài chợ. Mà những cơn quăng quật của loại đàn bà ưa nổi ghen thì luôn luôn khó lường. Nó cuốn tất cả những thứ gì vướng víu trong tầm mắt lọt thỏm vào những xoáy nước thịnh nộ.
Hơn chục lần ghe máy của Đơn bị sông giận dữ vờn ở ngay giữa lòng, là khúc sâu nhất, xoáy mạnh nhất. Con sông có vẻ hả hê khi dần Đơn nhiều trận nhừ tử, trận nào trận nấy thâm tím cả mình mẩy, tay chân lỏng lẻo tuột khỏi khớp, phải nghỉ ngơi hơn tháng mới nguôi dần. Hai bắp tay Đơn không cần gồng lên cũng căng cứng như khúc gỗ. Nhiều lần bị sông vật cho trối chết vậy mà qua cơn là Đơn vẫn phăng phăng lái ghe đi chở hàng thuê cho mối lái ngoài chợ. Sông không vật chết Đơn nhưng nó chẳng ngại ngần lột sạch của anh mọi tài sản giá trị. Sóng nước hất tung những mảnh gỗ của chiếc ghe máy, vứt dưới đáy sông. Miếng nào nhẹ thì nước đánh dạt bờ dạt bụi xa tít mù. Đơn cũng chẳng buồn đi tìm. Mỗi lần vật nhau với sông y như rằng Đơn phải mất tiền triệu đóng lại ghe mới, máy thì phải mang bảo trì, sửa chữa, có khi phải thay hẳn động cơ. Vì vậy mà Đơn nghèo, nghèo lâu năm, nghèo truyền kiếp. Đến mức ba Đơn xỉa thẳng mặt anh mà chửi:
– Ngu như mày chắc không phải con tao!
Một hai lần đầu, Đơn còn nổi điên câng mặt lên cãi lại, không là con ba chắc tui từ đất nẻ chui lên? Nhưng mãi rồi thành quen, ba còn chửi được, còn muốn chửi Đơn nghĩa là ông cũng còn nhớ tới Đơn. Vậy cũng còn hơn ở với nhau mà cả câu chửi rủa cũng tiếc hờn ghim gút lại trong lòng.
Lớn lên, khi những bắp tay Đơn ngày càng xỉn màu nắng gió, nhuốm mùi phèn tanh lợ thì anh càng xa ba, chỉ bầu bạn với những con nước lớn ròng trên dòng sông cái xuôi ra chợ huyện. Ông nói mày như con chim đã đủ lông đủ cánh, đến lứa phải ra ràng, tao không còn sức để bảo bọc, khôn thì sướng cuộc đời, ngu thây kệ mẹ mày! Ông vậy, cái sỗ sàng như đã ăn vào máu, phun câu nào như có nọc độc trong đó. Nhưng cũng có lúc ông trở nên hiền lành, đó là khi ông thó được những sợi bạc trên đầu, rọi kiếng nhổ râu rồi nheo nheo mắt ngó mây trời xa xăm. Có lần Đơn muốn nói, ba ơi ba nhổ làm chi kẻo trọc đầu. Ai tới tuổi mà không bạc đầu bạc râu, không bạc thì nhược. Ba cứ vậy mà chi, cứ làm khổ mình, khổ người, khổ cả một đời dâu bể. Nhưng Đơn không nói được. Ba càng uống càng khó nghe ai nói. Ông bắt người ta phải nghe ông, ông là trời, là ngọc hoàng. Ông sai gì Đơn làm đó, nói gì Đơn nghe đó, cả con mẹ của mày nữa nghe Đơn, cấm cãi, cãi là chết cả lũ với tao! Ờ, thôi, ba là ngọc hoàng. Đơn cứ nghe mà như không, muốn cãi cũng chẳng buồn cãi. Bởi đến một lúc nào đó, buồn quá ông tuyên bố nghỉ chơi với cuộc đời, Đơn cãi quen, sẽ phải cãi với ai?
Năm Đơn ba mươi tuổi, ông kêu Đơn bán ghe, tìm đường lên huyện kiếm nghề gì đó mà làm. Đơn ở hoài với sông nước, ăn ngủ ngụp lặn trong lòng sông rộng lớn, nghe sông sâu vỗ về những nỗi buồn rất trai tráng, quen rồi. Ông bắt Đơn dứt ra khỏi con sông, như vợ dứt chồng, như con chưa thôi bú đã buộc phải dứt bầu sữa mẹ, Đơn thấy mình côi cút như sông. Ông không biết bao lần Đơn ngồi thu lu trên mũi ghe, dưới ánh trăng tàn, nốc cạn chai đế, nghe hai gò má phừng phừng như lò được cơi thêm lửa. Cứ vậy mà anh gục xuống thành ghe, khóc tu tu giống thằng điên diễn hề. Ba ác lắm! Ba muốn anh lên huyện là xua anh ra khỏi Lụa. Lụa có tội tình gì. Gái nạ dòng là gì? Gái có con thì coi như chấm hết, không được yêu thương, không được đòi hỏi gì nữa ư? Ba ghét Lụa đến mức chỉ cần thấy Lụa dẫn con đi ngang ông cũng cầm cục đất chọi rào rào, vờ như chọi chó, chọi mèo. Rồi ông còn cao kiến hơn, mua hẳn cái lồng đèn pin phát nhạc éo éo cầm trên tay đi qua đi lại quanh nhà Lụa. Thằng con Lụa dĩ nhiên thích quá, chạy theo xin ông. Ông nạt:
– Của đâu của cho mà xin! Mày kêu má mày đi kiếm thằng cha mày rồi kêu nó mua cho!
Thằng nhỏ dĩ nhiên sẽ khóc rống, giãy giụa đành đạch ăn vạ. Lụa dỗ hoài không xong, thằng nhỏ đang ở độ trái gió trở trời, rồi dĩ nhiên là nó sẽ được ăn tát. Con vùng vằng kể lể, mẹ thì giấu nước mắt ngắn dài sau vạt áo. Đơn nép sau bụi dừa nước, ngó lên sân nhà Lụa, nhìn hai mẹ con Lụa giằng co với nhau, lồng ngực anh nhói từng cơn quặn thắt. Cho dù Đơn có mua thật nhiều lồng đèn cho thằng nhỏ, nó vẫn tiu nghỉu ra sau hè nằm võng, ôm con mèo, không thèm đếm xỉa tới anh. Lụa bối rối nhìn mớ lồng đèn, kêu Đơn mang cho con nít trong xóm.
– Anh đừng bận tâm, con nít mà, nó đâu nghĩ được như người lớn. Đôi khi người lớn như mình mà có lúc đầu óc cũng tối thui, không nhìn ra được gì sáng sủa phía trước hết!
Đơn biết, Lụa nói vậy là nói khéo. Anh muốn giãi bày cho Lụa hiểu tình cảm của mình. Nhưng một kẻ thất học như anh, nói chuyện gì như nói chuyện tình là không thể. Anh cũng không có giọng hát trời phú để có thể hát tình ca ỡm ờ ve vuốt cái khao khát đàn bà một lần nữa bừng lên trong Lụa. Lụa cũng không phải loại dễ liếc mắt đưa tình với ai, nên Đơn có ra sức khoe thân hình vạm vỡ sáu múi chắc nịch, hai bắp tay bóng lưỡng đáng thèm thuồng cũng không đánh động được gì trong mắt Lụa. Có khi, ghe hàng Đơn chạy ngang ngôi nhà nhỏ xíu của Lụa, anh thấy cô đứng phơi áo mà ánh mắt thả trôi tận chân trời. Lụa từng chặn họng Đơn khi anh hỏi dò cha đứa nhỏ. Cô nói, anh có thấy mấy cái bông bần rụng nhụy xuống mặt sông kia không? Em với người đó cũng như vậy, mọi thứ đã tan tác theo sông sâu, biển rộng, có khơi lại cũng chẳng được bọt bèo gì. Ông già ngăn cấm Đơn nhằm nhò gì, nhưng Lụa cự tuyệt Đơn trong từng lời ăn tiếng nói, cả cái nhìn cũng dè sẻn, toan tính thiệt hơn. Lụa cũng như sông sâu, ngoài mặt thật yên bình phẳng lặng nhưng những cơn xoáy ngầm vẫn chòi đạp dưới đáy không bao giờ ngơi nghỉ.
Vài lần Đơn gặp Lụa họa hoằn cắp giỏ lác đi chợ huyện mua ít bộ quần áo mới cho thằng nhỏ. Dù chưa kịp bốc hàng lên ghe, Đơn vẫn hộc tốc đuổi theo Lụa, rủ cô về cùng, anh cho quá giang, đỡ được mấy đồng đi xuồng máy cho thằng nhỏ ăn quà vặt. Lụa dù không ưng bụng nhưng vẫn ráng gật đầu nhằm tránh mấy lời chọc ghẹo của cánh đàn ông trung niên đang phì phèo thuốc lá, rảnh rang cà phê trong quán ven chợ. Thứ già mà không nên nết, cứ thấy gái đẹp là mắt sáng rực như mèo gặp mỡ, hú hét như bọn trai mới lớn mà học đòi ghẹo gái là Lụa khinh ra mặt. Bà chủ quán nước cũng khinh. Đôi lần đi ngang Lụa nghe tiếng bà lảnh lót trấn áp bọn già dê mất nết:
– Thôi nghen mấy cha! Lạng quạng về nhà vợ bửa sọ hết cả đám đó nghe!
Lụa chỉ kéo vành nón sụp ngang mũi rồi lầm lũi đi. Ai biết bà chủ đang đe đám khách khứa quen của bà hay đang đe chồng bà. Chồng bà là lão râu quặm, ưa ngồi bắt chéo chân trước cửa quán, tay quen vuốt bộ râu đen sì như con sâu róm. Lụa chỉ vô tình nhìn qua lão một lần, nhìn cặp sâu róm trên miệng lão là Lụa nổi gai hết trên người. Mà từ lúc dứt hơi đàn ông, Lụa lại thường nổi gai khắp người khi bất chợt nhìn vào một người đàn ông nào đó, dù họ chẳng thể làm gì mình. Cái khao khát bản năng của Lụa dần vỡ vụn. Nhưng với Đơn, Lụa chưa từng cảm thấy khó chịu khi đi cùng anh, khi trò chuyện dăm ba câu, dù chỉ xoay quanh đứa con.
Lần này, không phải chuyện đứa con.
Đơn ngồi rũ sau mũi ghe, mắt anh như giếng trời xanh thẳm. Rất lâu rồi, má hay nói với anh, Đơn à, nếu một mai má phải đi xa, thì con cứ theo con sông cái mà tìm má. Đơn ôm má khóc ròng. Rồi anh cứ giữ rịt má bên mình, không cho bà ra chợ buôn bán gì. Anh giả bệnh, giả đau để má phát rầu mà nghỉ bán ở nhà chăm sóc anh. Cuộc đời này, anh sợ nhất cái ngày phải ra sông tìm má. Ở với ba bao nhiêu năm, cũng là bao nhiêu bận đang đêm má chạy chân đất ra sông, nước mắt má nhễu thành vệt dài trên đất.
– Nếu anh không tin tui, tui chết cho anh vừa lòng!
Đơn không biết giữa hai người có chuyện gì mà căng thẳng đến mức má luôn luôn nghĩ tới cái chết. Lạ là, ba không bao giờ chạy theo cản má. Chỉ có Đơn tung chăn chạy theo quỳ níu chân má, rồi hai má con ôm nhau ngồi ở bờ sông. Má khóc tới sáng thì nín. Rồi lại lủi thủi dắt Đơn vô nhà, đi chợ, nấu cơm như chưa có chuyện gì xảy ra. Khi Đơn lớn hơn, ba má không gây nhau trong nhà. Nhiều đêm Đơn giật mình thấy nhà im ắng, anh phải đốt đuốc ra ao sen tìm hai người. Ao sen của ba gầy dựng nên. Sen ba trồng đẹp khó ai bì. Má không thích sen. Không bao giờ má đem sen chưng hoặc cúng trong nhà. Nhưng những vụ sen đều một tay má cắt, nhổ ngó, nhổ củ, trẩy tim sen phơi trà mang ra chợ bán. Má là con buôn thứ thiệt nhưng ít nói, lại không bao giờ la cà, buôn chuyện. Nhưng chừng đó vẫn chưa làm ba vừa lòng.
Đêm vắng, chỉ thoảng nghe bọn nhái mén ẽo ợt dưới ao. Đơn run rẩy tiến về phía chòi lá. Tiếng những cơn thình thịch, thứ âm thanh của da người miết vào nhau nghe nhói buốt. Ba đổ lên người má những cơn ghen trần tục. Cột kèo tạm bợ run rẩy kẽo kẹt. Tiếng má ứ hự đầy tủi hờn. Chắc má lại khóc. Đời má bất hạnh. Người đàn ông của đời má chưa bao giờ mua cho má cây son, hộp phấn hay thậm chí một cái áo ngực cho ra hồn. Bao nhiêu tiền ông mua rượu nốc cạn, rồi trút cơn sầu cơn ghen lên má, không nguôi.
Mới mấy ngày trước Đơn còn lái ghe chở má đi chợ huyện mua mấy bộ đồ. Má nói, cho dù đi đám ma, cũng phải ăn mặc cho tử tế. Nghĩa tử là nghĩa tận, lần này, cho dù ba bây có làm dữ, thậm chí giết má, má cũng phải đi cho trọn nghĩa trọn tình. Người đó, cho dù không có gì để ràng buộc má sau bao năm dằng níu, thì vẫn còn cái tình người với nhau.
Mấy ngày má đi, ba không ló mặt về nhà, ở rịt ngoài chòi sen, tàn thuốc cứ lập lòe thâu đêm. Đơn lại bận chở hàng cho kịp chuyến, chủ hàng hối như giặc, Đơn không ngơi tay.
Nghe má nói người đó – tức chồng cũ của má, dù không có con cái với ai, không nợ nần ai nhưng khi nằm xuống cũng có phước được hai ba bà vợ sau này về đội tang. Má đâu có là gì mà đội tang. Má chỉ tới thắp nhang như một người họ hàng xa tìm về. Chồng má, lúc trẻ vào bộ đội, người từng cho má bao ngọt bùi thời con gái nhưng không thể cho má một mụn con. Ông lấy hai ba bà vợ sau này cũng vậy. Nghe nói ông nhiễm hóa chất từ chiến trường, đường con cái vô cùng khó.
Má về, không buồn không vui. Riêng ba thì hậm hực đá thúng đụng nia. Sáng má ra thăm bàng hoàng thấy đám sen bị phạt đứt ngọt ngang ngọn, nằm rạp trên mặt ao. Má biết điềm dữ rồi, nhưng không ngờ ông lại có thể trút lên má trận đòn thù kinh khủng đến mức đó. Mấy chai keo dán sắt bị ông bóp nát. Ông rống lên như bị chọc tiết:
– Còn dám đi tư tình nữa không? Tao cho mày khỏi làm đàn bà nữa!
Đêm đó, Đơn không về kịp. Má đã gieo mình xuống sông cái, trôi xa. Đơn ngụp lặn nửa ngày trời mới đưa được má về, rồi cứ vậy ngồi ôm má khóc.
Hôm đó, Lụa cũng có mặt. Lụa không nhớ được gì, ngoài đôi tay còn dính keo và đôi mắt người rất lạnh của ba Đơn. Lạnh lắm. Đơn không hiểu được.
Lụa sợ, rồi sau này Đơn cũng nhìn mình bằng đôi mắt đó.
Biết đâu…
Đơn vẫn thui thủi lái ghe chở hàng từ chợ huyện về ngang nhà Lụa. Chỉ thấy vài mảnh khăn phất phới bay, tàu lá dừa nước xào xạc tấu khúc nhạc buồn trong gió.
Lụa vẫn là Lụa, mềm mại mát lành như nước sông, Đơn có ra sức khum tay vớt lên nó vẫn lọt qua kẽ tay mà chảy về với sông thôi.
Hôm Lụa dẫn thằng nhỏ đi, Lụa cố chờ Đơn để nói một câu từ biệt nhưng anh không về kịp vì kẹt con nước ròng. Anh giận con sông ghê gớm lắm. Nó cũng biết làm buồn lòng anh lắm! Càng giận Đơn càng uống nhiều, uống cho say cho quên. Không có Đơn, mẹ con Lụa sẽ sống sao với bao gièm pha từ miệng đời? Ai sẽ che chở cho Lụa khỏi những lời trêu chọc của bọn người mất nết?
Má đã bỏ anh rồi, sao đến em cũng nỡ bỏ anh, hả Lụa?
Đơn nấc lên trên ghe. Tiếng nấc chỉ mình anh nghe. Đơn mệt lắm, mệt lắm nên phải nằm nghỉ thôi. Anh buông tay lái. Ghe trống, không có hàng, nhẹ hều nên cứ vậy mà trôi phăm phăm.
Đơn đã theo sông rồi, cũng ra ràng rồi, mà là cuộc ra ràng côi cút nhất anh từng có…
14/5/2022
Trần Huyền Trang
Nguồn: Trích trong tập truyện Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...