Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Sống cùng thời với văn chương

Sống cùng thời với văn chương

“Sống cùng thời với văn chương” của Lý Hoài Thu đã tìm ra được chìa khóa, giải mã sinh thể tiểu thuyết của Bùi Việt Thắng về phương diện lý thuyết và khảo sát các hiện tượng một cách chặt chẽ, chính kiến rõ ràng.
Thể loại, nhân vật chính của câu chuyện văn chương luôn có một ý nghĩa quan trọng/ quyết định đối với sự nghiệp người cầm bút. Dù là người sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, sự lựa chọn thể loại không chỉ là sở trường mà còn làm nên “bản mệnh” của một đời văn. Từ hệ qui chiếu lý thuyết này, rất dễ dàng nhận thấy sự gắn bó dài lâu, tâm huyết của Bùi Việt Thắng với tiểu thuyết – một thể loại được mệnh danh là “hình thái chủ yếu của nghệ thuật ngôn từ” ngay từ thế kỷ XIX, trải qua nhiều chặng đường vận động và phát triển, bảo lưu và tiếp biến, “cỗ máy cái” vẫn là “mặt tiền” của mọi thời đại và luôn đứng ở vị trí then chốt trong đời sống văn học nhân loại. Mang tâm thế cộng cảm, chọn tiểu thuyết như một thứ “sinh ngữ trẻ”, một hình thái tư duy gắn với “thì hiện tại chưa hoàn kết”, sau Bàn về tiểu thuyết (Nxb Văn hóa -Thông tin 2000), Tiểu thuyết đương đại (Nxb Quân đội nhân dân 2005), Thi pháp tiểu thuyết hiện đại là sự tiếp nối mạch chuyên sâu lập nên “thương hiệu”, thi pháp phê bình, phản ánh tầm nhìn sâu sắc, đa chiều của một chuyên gia qua từng bước song hành cùng diễn trình tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và đương đại.
Từ nhãn quan thi pháp, nhằm diễn giải thực thể tiểu thuyết Việt Nam hiện đại qua hệ thống ký hiệu mang dấu ấn đặc trưng, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã triển khai nội dung cuốn sách thành 3 phần theo logic từ lý thuyết đến thực tiễn, từ tổng thể đến cụ thể, từ những vấn đề mang tính khái quát chung đến sự đặc tả các chân dung, trường hợp, hiện tượng sinh động… Bao hàm: Phần thứ nhất: Cảnh quan và vấn đề của tiểu thuyết đương đại. Phần thứ hai: Tiểu thuyết và những cách đọc. Phần thứ ba: Tác phẩm và dư luận. Chính từ sự phối kết các điểm nhìn, các góc tiếp cận đa dạng đó, bức tranh tiểu thuyết đương đại Việt Nam đã hiển thị rõ nét trong tính toàn cảnh và nhiều màu của nó.
Về phương diện lý thuyết, bằng những trải nghiệm khoa học chín chắn, sắc sảo, Bùi Việt Thắng đã tìm đến hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu tiểu thuyết đó là nhà thi pháp học người Nga M – Bakhtin và nhà tiểu thuyết/ tiểu thuyết học người Pháp gốc Séc M – Kundera. Trong phối cảnh đan xen nhiều trường phái lý luận mới được du nhập vào Việt Nam thì đây là hai chân dung khoa học đặc sắc, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng tiểu thuyết đương đại, bao gồm cả giới nghiên cứu và sáng tác.Với M – Bakhtin, Bùi Việt Thắng đã có sự tiếp nhận đồng bộ từ tư duy nghệ thuật đến thế giới hình tượng mà biểu trưng là nhân vật – con người số phận, từ cách kiến tạo văn bản đến tính phức điệu, đa thanh, tính đối thoại, nhiều bè của cơ chế ngôn ngữ tự sự. Với M – Kundera, về nội dung cảm hứng, anh đặc biệt quan tâm đến tính nhân văn khi nhà nghiên cứu thông thái gắn sứ mệnh của tiểu thuyết với phạm trù đạo đức và coi hành vi viết là nhằm bảo vệ cuộc sống và xa hơn là chống lại sự lãng quên con người. Về nghệ thuật biểu đạt, lối viết, anh nhấn mạnh đến nghệ thuật kết cấu và phép tính lược, mô hình tiểu thuyết ngắn và hình thức kết cấu đa âm như là một “liên kết”, hòa trộn giữa tiểu thuyết và âm nhạc, đến “tiếng gọi của trò chơi”, “tiếng gọi của giấc mơ”, “tiếng gọi của thời gian”… như là những đặc tính tiêu biểu của thể loại. Thâm nhập, nghiền ngẫm những tư tưởng, triết lý được gửi gắm trong các công trình nổi tiếng như Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Mấy vấn đề thi pháp Đôxtôiépxki – M. Bakhtin; Nghệ thuật tiểu thuyết, Những di chúc bị phản bội – M Kundera…, Bùi Việt Thắng đã đúc kết vấn đề bằng một so sánh chí lý, thú vị: “Nếu như M – Bakhtin có cái phẩm tính vừa hàn lâm vừa nghệ sĩ trong cách thể hiện những tư tưởng khoa học của mình thì M – Kundera nghiêng hẳn về phía người nghệ sĩ”… Từ phát hiện đó, anh đã tìm ra được một cách ứng dụng khả thi, phù hợp với “tầm đón đợi” của cộng đồng diễn giải đương thời ở Việt Nam: “… điều đó khiến cho sự tiếp nhận của chúng ta hết sức phóng khoáng, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự uyên thâm uyên bác trong cách đề xuất và kiến giải các luận điểm khoa học mới mẻ về văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng” (tr. 26).
Dựa vào kinh nghiệm nghiên cứu tiểu thuyết dầy dặn, kết hợp với sự tiếp đón các xu hướng lý thuyết mới của thời kỳ hội nhập, giao lưu, soi rọi vào sinh thể tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Bùi Việt Thắng với cảm quan văn chương nhạy bén, khoa học, đã khái quát được một số vấn đề cơ bản của đặc trưng/ thi pháp thể loại: từ quan niệm về tiểu thuyết đến cách thức kiến tạo thế giới nghệ thuật, từ sự dịch chuyển của hệ thống đề tài đến sự mờ nhòe của lằn ranh thể loại, từ kết cấu đến ngôn ngữ… Trong tương quan lịch đại và đồng đại, cảnh quan tiểu thuyết Việt Nam được phác dựng, nhìn nhận, đánh giá trước hết là ở tinh thần đổi mới tư duy tiểu thuyết. Nghĩa là việc lý giải những dấu hiệu cách tân về thi pháp thể loại trong ngữ cảnh mới đều có nguồn gốc sâu xa từ trong ý thức sáng tạo, quan điểm sáng tác. Khi sự cởi mở trong nhận thức của các chủ thể tiểu thuyết được gặp gỡ với những tư tưởng lớn như M – Bakhtin, M – Kundera, thực thể tiểu thuyết Việt Nam được tiếp sức bởi một nguồn năng lượng mới và khởi sắc. Bên cạnh các yếu tố bảo lưu như một “mã di truyền” thể loại, tiểu thuyết Việt Nam hôm nay xuất hiện những phiên bản mới theo chiều hướng hiện đại hóa. Đó là sự biến đổi trong cấu trúc thể loại dẫn đến lối viết giản lược nhân vật và cốt truyện và sự ra đời của mô hình tiểu thuyết ngắn, nhằm thỏa hiệp với “góc độ kinh tế và cơ chế đọc mới”, là sự trở lại của đề tài chiến tranh và đề tài lịch sử song tồn cùng dòng tiểu thuyết “thân xác” và tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh, tiểu thuyết tâm linh v.v… Tất cả hợp lưu thành một dòng chảy chưa thể và không thể gọi là đã định hình nhưng sự linh hoạt trong các góc tiếp cận và độ tin cậy trong luận giải giúp chúng ta hình dung được diện mạo tổng thể của tiểu thuyết Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu XXI.
Nhằm phóng chiếu tầm nhìn tổng quan với những vấn đề lý thuyết được khai mở trong phần thứ nhất, phần thứ hai của tập sách mang tên Tiểu thuyết và những cách đọc là các góc quan sát ở cự ly gần thông qua việc lựa chọn/ định vị điểm rơi tác giả và tác phẩm. Nếu như ở khung lý luận chung, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng viết bằng phong thái ngẫm suy, trầm tĩnh thì ở phần khảo sát các hiện tượng, trường hợp cụ thể này, ngòi bút của anh trở nên linh hoạt, uyển chuyển, có sự biến hóa và sáng tạo. Sự mở rộng trường nhìn tỏ ra hữu hiệu trong việc kiến tạo/ gia tăng các kênh giao tiếp. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở số nhiều, ở biên độ rộng rãi của mạng lưới tiếp xúc mà quan trọng nhất vẫn là tìm ra những cách đọc, cách giải mã sinh thể tiểu thuyết. Một đội ngũ đông đảo các cây bút tiểu thuyết hiện đại/ đương đại đã được qui tụ, phát hiện tạo thành một “liên chủ thể” có cùng hành vi sáng tạo trên cơ sở mẫu số chung là tư duy thể loại. Dù muốn dù không, đằng sau những thông tin đơn giản về thành phần, giới tính nhà văn (già trẻ, gái trai), “đọc chậm” hơn, chúng ta lại cảm nhận được ý thức “sắp đặt”, “quy hoạch” nhóm, phái của Bùi Việt Thắng. Rõ ràng, đó là cách thức hữu hiệu giúp nhà nghiên cứu thông qua bản thể nhà văn để minh định bản chất văn chương. Với loại hình tác giả “văn nhân quân đội”, bên cạnh việc tái khẳng định nguyên lý “chiến tranh là siêu đề tài”, “người lính là siêu nhân vật”, ở mỗi trường hợp cụ thể, anh đều có lối tiếp cận và cách “thông diễn” riêng. Nếu điểm nhấn trong Lính trận của Trung Trung Đỉnh là sự trở lại của “nhân vật đám đông” vốn được coi là sở hữu của văn học chiến tranh cách mạng nhưng lại được nhà văn khắc họa bằng một cảm thức phản tỉnh mới nhằm tỏ rõ sự bất bình trước thói vô cảm, thậm chí là thui chột cảm xúc về tình “đồng loại, đồng đội”, đồng chí… thì Mưa đỏ của Chu Lai là “một dấu mốc sáng tác” trên hành trình tiểu thuyết của một nhà văn có “bút lực dồi dào” và “cá tính văn chương mạnh mẽ” lại nổi bật ở tính nhân văn và tinh thần hòa hợp dân tộc. Nếu nhìn lại sự nghiệp văn học, đóng góp của Lê Lựu vào nền văn chương nước nhà là thuộc về tiểu thuyết và được nhà nghiên cứu bình chọn (vote) là 1 trong 5 nhà văn xuôi tiêu biểu trong giai đoạn chuyển giao cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI thì Khuất Quang Thụy vẫn rất sung sức và mới đây vừa tiếp tục chinh phục bạn đọc với Đỉnh cao hoang vắng – một tác phẩm viết về chiến tranh bằng trải nghiệm văn hóa có gốc rễ sâu bền trong tâm thức Việt: “Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về nhân dân, về đất nước… Đó là xác tín của nhà văn lúc đặt bút viết Đỉnh cao hoang vắng. Nhưng với tư cách là một độc giả, tôi nghĩ, đó là chiến thắng của văn hóa Việt Nam trong chiến tranh gian khổ và ác liệt” (tr. 349). Tương tự là một số tác giả cùng “châu tuần” quanh đề tài chiến tranh cũng đã được anh viết bằng nhiều suy tư xen cảm xúc như Những giọt nước mắt đỏ trong tiểu thuyết của Trần Huy Quang, Quyền uy của tư liệu nhìn từ hiện tượng“Biên bản chiến tranh 1, 2, 3, 4, 75” của Trần Mai Hạnh, Máu người không phải là nước lã (đọc Dòng sông mang lửa của Hồ Sỹ Hậu), Ký ức lương thiện (đọc Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân), Người đi từ trong rừng ra viết văn (đọc Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân), Một cách nhìn chiến tranh (đọc Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh)… Từ điểm nhìn và cảm quan đương đại, các bài viết của Bùi Việt Thắng về đề tài này đã có dáng dấp của một kiểu diễn ngôn phê bình thời hậu chiến, những vấn đề của chiến tranh được đặt trong bối cảnh sinh thái xã hội rộng lớn và thấm đượm tính nhân văn.
Trong cơ cấu loại hình của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Bùi Việt Thắng còn quan tâm sâu sắc đến các kiểu/ loại tác giả viết về đề tài lịch sử, đề tài thế sự, đề tài tình yêu, đề tài trinh thám…, và tương ứng với mỗi khuynh hướng, hiện tượng anh đều thiết lập được cách đọc, lối thâm nhập mang lại hiệu ứng thẩm mỹ tích cực. Nếu dòng tiểu thuyết lịch sử được hình thành, vận động và phát triển trên tinh thần “ôn cố tri tân”, lấy quá khứ để giải đáp hiện tại qua Tiếp cận tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ phương diện kết cấu thể loại, Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang, Giải mã những bí ẩn của lịch sử (đọc Phùng Vương của Phùng Văn Khai), Tiểu thuyết“Mỹ nhân với đồng cỏ” của Lê Hoài Nam, Tiểu thuyết“Trong vô tận”của Vĩnh Quyền,… thì mảng tiểu thuyết viết về đề tài thế sự mang tính chất luận đề là cách giải minh thực tại phồn tạp, xô bồ bằng cái nhìn trực diện gồm Làm người là khó (đọc Người thợ mộc và tấm ván thiên của Ma văn Kháng), Bi kịch lạc quan (đọc Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn), Phát lộ Đặng Vương Hưng (đọc Những kẻ giời hành của Đặng Vương Hưng), Chuyện tử tế (đọc Lạc giữa cõi người của Phạm Quang Long), Sống mà nhớ lấy (đọc Kiếp người của Hữu Ước), Đi tìm thời gian đã mất (đọc Ranh giới đỏ của Trương Đức Giáp), Cái nhìn lập thể đời sống (đọc Con chim Joong bay từ A đến Z của Đỗ Tiến Thụy), Tiểu thuyết “Hơn cả tình yêu”của Nguyễn Trường, Thức ăn tinh thần cho con người là bao nhiêu (đọc Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến), Xã hội Ba đào ký mới (đọc Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký của Trần Nhương)… Ngoài ra, lọt vào “con mắt xanh” của nhà nghiên cứu còn là gương mặt khả ái một số cây bút nữ đã tạo được dấu ấn riêng trong lối viết, trừ trường hợp khả kính Đạm Phương Nữ Sử – một đại diện tiên phong/ tân tiến của dòng văn học nữ lưu đầu thế kỷ XX ở Việt Nam được rút ngắn khoảng cách bằng việc vận dụng thuật ngữ “ca nông” trong phương thức đọc;còn lại đa phần là các tác giả xuất hiện gần đây trên diễn đàn tiểu thuyết. Tiếp cận văn chương phái đẹp, anh đã cảm nhận tinh tế sắc hương và cá tính, sở trường của từng ngòi bút bằng các tiểu luận Theo vết chân trần trong tiểu thuyết Thùy Dương, Phố Thúy (nghĩ về Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy), Huyết ngọc và dòng văn học trinh thám (đọc Huyết ngọc của Tống Ngọc Hân), Tiểu thuyết trinh thám Việt Nam – Trường hợp Di Li và “Trại hoa đỏ”. Cổ tích tình yêu thời hiện đại (đọc truyện dài/ tiểu thuyết của Meggie Phạm), Ngoài trời còn có trời (đọc Đáy giếng của Phạm Thị Bích Thủy), Nguyễn Thị Anh Thư từ truyện ngắn đến tiểu thuyết… Về lối dựng chân dung, có thể kể đến Sức vóc Nguyễn Hiếu qua tiểu thuyết, Bùi Việt Sỹ: “Đời văn của tôi thành công nhờ/với tiểu thuyết”vv và vv… Liên kết các mảnh ghép lớn ấy vào một màn hình tổng thể, “cấu trúc động” của tiểu thuyết Việt Nam đã được khám phá trên nhiều bình diện, từ bề rộng, chiều sâu đến từng phong cách, cá tính riêng, vừa có tầm vóc, vừa sống động.
Phần thứ ba: Tác phẩm và dư luận là hồi âm từ hai bài viết của đồng nghiệp được “tinh tuyển” một cách khiêm tốn như những sẻ chia về kinh nghiệm nghiên cứu – phê bình, đồng thời là tiếng nói khách quan, khẳng định tâm sức, tài năng và những cống hiến của Bùi Việt Thắng với tư cách là một chuyên gia về lý luận tiểu thuyết.
So với các chuyên luận về tiểu thuyết trước đây, Thi pháp tiểu thuyết hiện đại có sự chuyển hướng đồng bộ, khá mới mẻ và cuốn hút hơn cả trong tư duy nghiên cứu, cảm hứng phê bình lẫn nghệ thuật viết. Bên cạnh các tiểu luận phê bình còn có sự tham góp của các bản tham luận khoa học, các bài phỏng vấn, đàm đạo, tranh luận – đối thoại, thư ngỏ… Tuy vẫn nhất quán trong hệ thống lý thuyết kinh điển, hàn lâm nhưng đã có nhiều góc mở trong tiếp nhận các xu hướng lý luận hiện đại và vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn vào việc kiến giải cấu trúc nội tại của tiểu thuyết Việt Nam. Nhiều “tít” bài của Bùi Việt Thắng vừa gợi cảm, vừa hàm ẩn. Nhiều nhận định, xác quyết của anh rất có trọng lực. Chẳng hạn: “Nhưng sẽ là ngây thơ và dễ dãi nếu cho rằng bước chuyển của văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng đã là hoàn tất khi chuyển dịch từ phản ánh “tập thể” đến “cá thể”. Tiểu thuyết thế kỷ XXI cho thấy, từ “cá thể” đến “bản thể” mới là bước chuyển quan trọng, vì ở đó con người mới được khám phá toàn diện hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Định đề “văn học là nhân học” đã có lúc chúng ta nghĩ là cũ kỹ bỗng chốc lại phát sáng, soi rọi nhiều bí ẩn cuộc đời” (tr.94). Lý thuyết liên văn bản được anh khai thác như một tiềm năng để tiếp cận Truyện Kiều và chủ thể Nguyễn Du thật hợp lẽ: “Truyện Kiều là một văn bản mở, hậu thế có thể đọc nó từ nhiều phía (chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý, đạo đức, phong tục tập quán, triều chính, binh đao, tình dục…). Nguyễn Du là một con người đa nhân cách với ý nghĩa là một nhân vật văn học chính yếu trong tác phẩm cùng tên” (tr.255). Vai giao tiếp, điểm nhìn của nhà nghiên cứu luôn có sự xê dịch, chuyển đổi, cự ly trần thuật đã được rút ngắn/ hòa nhập để tạo nên sự thấu cảm, đồng điệu: “Có người thích cái cách nhà văn viết về những “thâm cung bí sử” của ngành Công an (trường hợp Hữu Ước). Tôi và những độc giả công tâm nhất quyết không nghĩ hạn hẹp theo lối này vì nếu như thế thì tác phẩm dễ rơi vào cái gọi là “tiểu khí văn chương”. Ở đây cao hơn là những nỗi đau, những bể dâu, những đoạn trường mà nhân vật chính (và có thể là chúng ta, gọi chung là “kiếp người”) đã trải qua” (tr.333). Chính cách viết biến hóa, linh hoạt đó đã hóa giải sự khô khan của hệ thống lý thuyết, tạo nên sự hài hòa, hô ứng giữa “luận” và “cảm” trong phê bình, là yếu tố tạo độ hấp dẫn và góp phần không nhỏ vào việc “làm đầy” giá trị cuốn sách.
Đồng hành với văn chương cùng thời, sống và viết bằng nhiệt tâm vì sự phát triển của nền tiểu thuyết nước nhà, Bùi Việt Thắng đã mang đến cho diễn đàn lý luận hôm nay một tập tiểu luận phê bình giàu ý nghĩa khoa học và thực tiễn: bài bản trong lập thuyết nhưng năng động, sáng tạo trong luận bình, kiến giải; mực thước mà không bảo thủ; khoan hòa mà không dễ dãi; đổi mới mà không thách thức, gây hấn… Những phẩm chất cần thiết đó luôn được điều phối để tạo nên sức cảm hóa của tập sách và tính chuyên nghiệp trong phong cách nghiên cứu, phê bình của một trong những chuyên gia hàng đầu về tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung.
Nếu cần một lưu ý với tác giả, tôi nghĩ anh nên quan tâm hơn đến sự cân đối giữa các phần bố cục và giá như anh vận dụng “phép tỉnh lược” của M. Kundera vào việc căn chỉnh, dàn dựng nội dung thì tập sách sẽ gọn gàng, thanh thoát và phù hợp hơn với cơ chế tiếp nhận đương thời. Song đây chỉ là cảm tưởng chủ quan của một người đọc luôn hướng đến sự hoàn mỹ, cầu toàn.
14/5/2022
Lý Hoài Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...