Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Về một cách viết chân dung văn học

Về một cách viết chân dung văn học

Nếu ai muốn biết một cách viết chân dung văn học xin hãy đọc Những gương mặt, những trang đời* của nhà thơ Vân Long. Ở đấy, những con người, câu chuyện, sự việc tưởng chừng xưa ngái nhưng vẫn còn mới nguyên, tươi rói, như những người cùng thời với chúng ta. Những câu chuyện về cuộc sống cá nhân, về thời đại lịch sử và các tác phẩm văn chương, mà các bậc cao niên tiên chỉ trong làng văn  để lại tuy đã xa cách chúng ta vài ba thập niên có khi cả thế kỷ, nhưng nó luôn sống động trong tâm trí bao thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả mai sau nữa. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Với nghệ thuật thời gian là ngắn ngủi.
Không chỉ riêng nhà thơ Vân Long, mà với bất kỳ người thợ may tài ba nào cũng không thể dùng một tấm vải quá nhỏ để may những tấm áo cho nhiều dông nhân cùng một lúc. Những gương mặt, những trang đời chỉ vỏn vẹn có khoảng 345 trang sách, khổ 13x19cm, in khá trang trọng, nhưng trong đó hiện lên 26 gương mặt, mà chính họ đã góp một phần không nhỏ làm nên diện mạo độc đáo của nền văn hoá dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.
Trước đây tôi chưa có dịp đọc nhiều sách của ông Vân Long. Nhưng khi đọc tập sách này tôi nhận ra một điều là có rất nhiều cách viết chân dung văn học khác nhau. Chẳng hạn như nhà thơ Xuân Sách trước đây đã viết chân dung các văn nghệ sỹ bằng thơ, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và dễ truyền miệng. Xuân Sách đã bắt khá trúng cái thần thái đặc tả chân dung con người cá nhân một số nhà văn, hơn là chân dung con người đó với tư cách là chủ thể sáng tạo ra các tác phẩm văn học có giá trị. Song cách làm này không tránh được có khi làm cho người được viết chân dung cảm thấy bực mình, phật ý và tự ái, vì cho rằng người viết chỉ quan tâm miêu tả những đặc tính thâm căn cố đế, thậm chí là những thói hư tật xấu trong các sinh hoạt cá nhân của mình, chứ không hẳn là chân dung văn học theo ý nghĩa đích thực của nó. Những chân dung văn học như vậy thực ra không hướng độc giả đến việc lĩnh hội và thưởng ngoạn các giá trị thẩm mỹ của văn chương, mà nó chỉ đem đến cho họ sự nhận diện một khía cạnh nào đấy của con người cá nhân nhà văn đôi khi không có liên quan gì đến văn chương của ông ta.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa có một cách viết chân dung riêng, nên một thời đã gây ra hiện tượng Chân dung và đối thoại trong dư luận công chúng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều báo, đài, các hội nghề nghiệp đã phải mở các cuộc hội thảo, làm các chương trình xung quông vấn đề Chân dung và đối thoại của ông. Khách quan mà nói cách làm sách chân dung của ông chí ít cũng đã gây được sự chú ý của dư luận, nhưng quan trọng hơn là đã tạo nên được một đầu ra ngon lành cho các nhà xuất bản và các tay đầu nậu với hàng vạn bản và in đi in lại tới bảy, tám lần trong một thời gian ngắn. Người khen nhiều, kẻ chê cũng không ít. Nhưng nếu đọc kỹ, bình tĩnh lại thì cách làm của ông Khoa cũng không có gì là mới hơn so với cách làm của Xuân Sách, chỉ khác là ông Khoa viết bằng văn xuôi, còn Xuân Sách viết bằng văn vần. Lại cũng vẫn là chuyện nhà văn Lê Lựu thích hút thuốc lào và ngửi tất hay chuyện nhà thơ Tố Hữu trước khi viết bài Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, ông chưa hề đến Điện Biên, nhưng vẫn cứ viết như mình đã từng chứng kiến, rồi chuyện cái lão Chộp nào đấy bắt phi công Mỹ thời chiến trông phá hoại, cuối cùng là cuộc trò truyện của chú nhà thơ Trần Đăng Khoa với ông ba mươi ở vườn thú Thủ Lệ… Ông thích kể những câu chuyện phiếm ngoài văn chương. Nếu gọi đích danh thì Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa là tập truyện về chân dung về con người và tác phẩm của các nhà văn khá độc đáo. Ông đã tạo ra cho công chúng đương thời những tiếng cười khoái trá.
Đọc „Những gương mặt, những trang đời“, tôi thấy nhà thơ Vân Long là người đã đứng trên quan điểm của cái Đẹp để tìm kiếm hình hài chân dung các văn nghệ sỹ. Những chi tiết trong tập sách được chọn lọc kỹ càng, cân nhắc cẩn trọng. Và ngay cả những con người bằng xương bằng thịt đã từng sống và gắn bó với nhân dân cùng những bước đi hào hùng, bi tráng của lịch sử dân tộc như Văn Cao, Hữu Ngọc, Phan Kế An, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Khương Hữu Dụng, Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, Đào Mộng Long… đã được nhà thơ Vân Long phác hoạ một cách sắc nét. Là công dân Việt Nam không ai ít hơn một lần hoặc biết đến tên tuổi của họ hay tiếp xúc với những tác phẩm do chính họ sáng tác ra. Không ai là công dân Việt Nam lại không một lần xúc động khi nghe tiếng nhạc của bài hát Tiến quân ca (Quốc ca) của Văn Cao cất lên. Có thể nói ông là một người khổng lồ đúng theo cả hai chiều ý nghĩa: khổng lồ về sáng tạo và khổng lồ cả trong cô đơn. Để rồi những ngày cuối đời khi vinh quang ập đến Văn Cao đã phải thốt lên: Người ta đôi khi bị giết bằng những bó hoa (Những bó hoa). Nhưng rất ít người biết được ai đã viết vào phiến đá để in li tô những nốt nhạc của bài hát Tiến quân ca. Tập sách của ông Vân Long đã cho công chúng biết rõ điều ấy là chính tự tay Văn Cao đã làm công việc thủ công đó để nhân bản tác phẩm.
Với nhà thơ Quang Dũng tập sách của ông Vân Long cũng đã đem lại cho công chúng những hiểu biết thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả các bài thơ nổi tiếng như Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua… với một câu thơ bất hủ viết về những người lính ngày đêm công giữ biên cương vùng Tây Bắc tổ quốc: Heo hút cồn mây, súng ngửi trời (Tây tiến). Những câu thơ như vậy của nhà thơ Quang Dũng có thể nhiều người đã biết, nhưng Quang Dũng bắt đầu làm thơ từ bao giờ, có bao nhiêu tập thơ, bao nhiêu bài thơ và số phận của những bài thơ, tập thơ và cả người sản sinh ra nó trước đây, bây giờ và mai sau sẽ ra sao thì chưa hẳn mấy ai đã biết nếu chưa đọc Những gương mặt, những trang đời của Vân Long. Tập sách thật sự đã đem đến cho nhiều người những sự bất ngờ thú vị. Một tài thơ cỡ như Quang Dũng, bắt đầu làm thơ từ năm 16 tuổi (1937) và có những bài thơ xếp vào loại hay nhất trong kho tàng thơ ca Việt Nam hiện đại, vậy mà cả đời chỉ có một tập thơ duy nhất Mây đầu ô, dày 24 trang gồm 22 bài, 8 viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và 14 viết từ sau khi hoà bình lập lại 1954. Đưa ra hai dẫn chứng, một về nhạc, một về thơ tuy chỉ là một phần rất nhỏ mà ông Vân Long đã dày công sưu tầm, tuyển chọn, bình luận nhưng bạn đọc có thể tìm thấy hàng trăm chi tiết thú vị khác chứa trong tập sách. Qua đó chúng ta có thể thấy được sự khác biệt của ông về quan niệm văn chương nói chung và về chân dung văn học nói riêng so với một số người khác.
Một điều mà tôi không thể không nói tới trong bài viết này là ông Vân Long được nhiều người, thuộc nhiều thế hệ biết đến với tư cách là một nhà thơ hơn là một nhà sưu tầm, nghiên cứu văn học. Nhưng khi đọc Những gương mặt, những trang đời của ông tôi lại thấy khả năng sưu tầm, nghiên cứu và tuyển chọn của ông cũng không kém khả năng thơ. Không biết đây có phải là một phát hiện của tôi hay không? Nhưng thiển nghĩ để có được những thành công nào đó trên con đường văn chương trước hết đòi hỏi bản thân người cầm bút phải có thái độ lao động nghệ thuật thực sự nghiêm túc, có trách nhiệm với mình và với công chúng, sau nữa là trách nhiệm với sự tồn vong và phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Nếu như vậy tập sách của ông Vân Long đã quán xuyến được điều ấy từ đầu đến cuối. Có thể nói ở bất cứ trang sách nào ông cũng đặt ra cho mình trách nhiệm cao đối với công chúng bạn đọc, vì thế tập sách đã tạo nên được sự cuốn hút không chỉ ở những chi tiết mới lạ, mà ở sự tôn trọng của người viết đối với người đọc. Âu đấy là cái tâm của người cầm bút.
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ cùng tác giả là sự thành công của tác phẩm văn chương được tạo nên bởi nhiều yếu tố trong đó không thể vắng mặt những xúc cảm chủ quan của người viết. Những trang viết của ông không chỉ được tạo bởi một khối lượng tư liệu mới và phong phú mà đọc xong 26 chân dung, ta lại thấy hiện lên chân dung thứ 27, bởi tác giả đã dùng cả cuộc đời minh để giao lưu, chia sẻ và thẩm thấu cùng các nhân vật, đem đến cho bạn đọc thấy được cả sự hồn hậu, dí dỏm. Cảm hứng lớn của ông để viết nên cuốn sách chính là sự nghiệp, cá tính của các văn nghệ sỹ mà hầu hết là lớp đàn anh và bạn bè đồng điệu như Trần Lê Văn, Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Băng Sơn, Thanh Tùng, Xuân Quỳnh… Dường như ông viết về những con người ấy trong một tâm trạng cũng say như khi ông làm thơ vậy, nên có thể gọi Những gương mặt, những trang đời là một tập tuỳ bút thơ về văn nghệ sỹ cũng được. Đấy là cách viết chân dung văn học của ông Vân Long mà theo tôi là đắc dụng. Viết chân dung văn học đòi hỏi người viết phải tự nâng mình lên ngang tầm với người được viết. Có như thế mới có thể bao quát, thấu hiểu và phát hiện được những vấn đề rất sâu kín và tế nhị, nhưng lại là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị của các tác phẩm văn học nghệ thuật. Theo ý nghĩa ấy có thể coi,  Những gương mặt, những trang đời là một kinh nghiệm quí cho những người viết chân dung văn học hôm nay và mai sau tham khảo!
Chú thich:
* Những gương mặt, những trang đời của Vân Long, NXB Thanh Niên, 2001.
Hà Nội, 12/10/2001
Đỗ Ngọc Yên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...