Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Bạn văn và ký ức lính

Bạn văn và ký ức lính

Hòa bình đã êm đềm trong nhiều năm, chuyện về những nhà văn – người lính cứ xô về, nhói lên, bao nỗi niềm của ký ức.
Tôi ngồi nhớ, ngôi nhà số 4 tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1980, chiều 30 tháng 4, nhà văn Triệu Bôn mời nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Nam Hà sang ăn cơm để chia tay làm dân thường. Bên mâm cơm là một lồng bàn tre đựng rau sống. Mâm cơm là tờ báo, có đĩa thịt ba chỉ luộc, bát thịt kho tàu Nguyễn Trọng Oánh mang sang và đĩa lạc rang, vài quả dưa chuột, mấy bìa đậu phụ luộc. Có một chai rượu quốc lủi, ba nhà văn từng ở chiến trường ngồi bên nhau.
Nhấp một hụm rượu nhỏ, anh Oánh hỏi: “Bôn còn nhớ ở cánh đồng từ cứ điểm Tà Cơn đi vào sâu mấy ngày nhỉ? Lúc hai anh em vừa chôn cậu Quá, đi dạt sang bên bìa rừng lại thấy bom vung vãi, lại thấy cái võng bó bạn nổi lên”. Anh Oánh lim dim mắt: “Lần đó Bôn nhanh tay đóng được cái cây gẫy rồi tôi và ông lại dìm cho cậu ấy được chìm xuống”. “Chẳng có lấy một điếu thuốc hút cho cậu Quá, chẳng khóc được, cứ chạy lấy sống lấy chết tránh bom. Đến mấy lần cả hai anh em mình không nằm lại đó anh nhỉ?” – Triệu Bôn tiếp lời.
Lần đó Nam Hà nhắc về trận sốt rét tưởng khó qua khỏi của Triệu Bôn: “Giờ này, 30 tháng 4 mà còn ngồi bên nhau, bọn mình lãi lắm rồi. Sống đến chừng này, còn lại mấy anh em ta?”.
Chiến tranh, bom rơi đạn lạc đã trừ họ ra để trở về, rồi làm ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Nguyễn Trọng Oánh viết “Đất Trắng”, “Con tốt sang sông”, nhưng anh là nhà thơ, có những câu nằm lòng: “Thơ yêu không có một dòng/ Tôi yêu tôi để trong lòng tôi yêu”. Nam Hà viết “Đất miền đông”, “Ngày rất dài”, “Trong vùng tam giác sắt”. Triệu Bôn viết “Mầm sống”, “Đường chân trời”, “Tàn cuộc”. Thời ấy tác phẩm của các anh nổi tiếng lắm. Giờ, mấy ai còn ngồi đọc lại? Sách chắc chỉ còn trên giá đỡ Thư viện Quốc gia, giấy in lâu năm cũng ngả màu ố vàng.
Hồi đó, ở phía gốc cây đại già Nhà số 4, nhà văn Nguyễn Minh Châu hay ngồi hút thuốc lào ở bậc bước lên phòng trị sự, con đường dẫn lên cầu thang vẫn thấy bóng dáng nhà văn Duy Khán chân nam đá chân chiêu đi uống rượu phía bên kia chợ Hòe Nhai về, có phút giây Duy Khán say, vẫn còn vài độ tỉnh táo để cười với nhà thơ Thu Bồn, xin tiền uống rượu tiếp. Lần đó, Thu Bồn đang định đi đâu, anh tung lên cho anh Duy Khán một nắm tiền, Duy Khán đặt chai rượu uống dở xuống đất đi nhặt tiền vừa xuýt xoa, “Sao tiền nó như lá và bay vào mình nhiều thế nhỉ?”.
Đứng trên gác hai từ phòng Nguyễn Trọng Oánh có thể nhìn xuống thấy toàn cảnh Thu Bồn phóng xe đi, Duy Khán nhặt tiền xong lại liêu xiêu bước lên cầu thang gỗ. Tiếng sột soạt cầm tiền và bước chân Duy Khán loạng choạng đi bên hành lang. Duy Khán sống nhiều năm trên cõi đời vẫn là tuổi thơ bên trời không hơn không kém, Triệu Bôn nhận xét thế.
Còn anh Oánh vẫn cặm cụi viết tiểu thuyết, trang bản thảo chữ nghĩa thẳng thớm, chữ chân phương, đẹp như khi viết chữ nho. Khi dịch được một bài thơ tiếng Pháp hay, anh Oánh lại sang phòng Triệu Bôn đọc cho nhau nghe… Hồi ở tạp chí Văn nghệ quân giải phóng, các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Văn Lê, Triệu Bôn cùng làm việc và đi thực tế chiến trường. Anh Oánh nhắc, “lần ở cánh rừng Tà Cơn, tôi hét váng lên ‘xuống hầm, Bôn’ không nhanh chắc cậu cũng ‘tiêu’ rồi”. Triệu Bôn cười hiền thừa nhận: “Em nhớ anh hét xuống hầm là em lao như tên bắn, không ngờ ít phút sau nhìn lên chỗ mắc võng đã trống hoác, chiếc võng bay đi tan tành ở đâu không rõ, trời mù mịt khói, và em đã thấy mình còn sống sót là may”.
30 tháng 4 năm 1980, Triệu Bôn chuyển ngành sang báo Người Hà Nội. Khi anh chuyển nhà, Nguyễn Trọng Oánh ái ngại nhìn gia tài người lính – nhà văn từng cầm súng, cầm bút, chỉ có nhõn chiếc ba lô con cóc, vài trăm cuốn sách. Chấm hết. Tôi nhớ cái ôm của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và nhà văn Triệu Bôn, hai người lính từng đi qua sống chết có nhau ở chiến trường, họ thấu hiểu cái giá của hòa bình.
Rồi Nguyễn Trọng Oánh ốm nặng và ra đi trước Triệu Bôn ít năm. Tôi vẫn nhớ câu hỏi giống như một giả thiết của Triệu Bôn năm ấy với Nguyễn Trọng Oánh: “Cả đời trận mạc anh em mình còn lại mấy cuốn sách này. Anh giữ sức khỏe, còn viết về chiến tranh. Thi thoảng em sẽ chạy sang anh chén thịt kho tàu”. Nguyễn Trọng Oánh cười: “Ông cũng phải chú ý ăn uống, món gì cũng chỉ biết luộc, luộc tuốt. Cố mà nấu cho ngon, và giữ mấy vết thương cho đỡ đau trở lại”.
Có những bạn văn – người lính thật khó quên. Nhớ năm 1979 đi viết về chiến tranh biên giới, Triệu Bôn về, ngồi viết, từng tờ giấy A4, bản thảo bỏ xuống sàn gỗ. Nguyễn Trọng Oánh, khi đó là tổng biên tập, chờ nhặt lên từng tờ, biên tập luôn, duyệt xong đưa đi nhà in cho kịp tin thời sự. Đó là bài “Phía bắc sục sôi”.
Còn nữa, kỷ niệm Triệu Bôn tranh cãi với nhà văn Nguyễn Minh Châu, chỉ vì một trận đánh anh Châu tả kém quá trong tiểu thuyết “Dấu chân người lính”. Nguyễn Minh Châu giận Triệu Bôn mấy tháng trời. Sau giảng hòa, Nguyễn Minh Châu bảo Triệu Bôn: Cậu góp ý kiểu ấy, đau lắm. Triệu Bôn ôm chầm lấy Nguyễn Minh Châu: “Anh em mình dàn hòa anh nhé”… Rồi Nguyễn Minh Châu ra đi, Triệu Bôn viết lời tiễn biệt. Nhà văn Bùi Hiển đọc được, nhẹ nhàng bảo: “Bôn ơi, tớ đặt cậu viết cho tớ một bài. Ấy là khi tớ ra đi như Nguyễn Minh Châu, cậu hãy viết cho tớ ít dòng”. Tiếc thay, Triệu Bôn đã đi trước Bùi Hiển, anh bỏ lỡ cơ hội đặt bài của Bùi Hiển mất rồi.
3/5/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...