Đinh Đăng Lượng - Một giọng thơ Mường trong thế giới phẳng
Tôi đã định viết một bài giới thiệu tập thơ này theo cung cách độc thoại thông thường, phân tích thơ ca, bàn luận nghệ thuật. Nhưng gặp câu thơ anh viết trong bài thăm mộ Tản Đà Hậu sinh tóc đã mây trời, “Hậu sinh” là anh, đang ngồi bên tôi đây, mà mây trời thì… vi vu quá, xa xôi tận đâu…
Anh Đinh Đăng Lượng thân mến!
Anh cho phép tôi được viết về tập thơ này như đang trò chuyện
với anh. Hôm ấy gặp lại anh, tôi mừng lắm. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua. Tôi biết
anh đã là thường vụ tỉnh ủy của tỉnh nhà, phụ trách công tác tổ chức và điều
tôi thích thú nhất là anh vẫn bền bỉ làm thơ.
Không phải là ông cán bộ tổ chức làm thơ mà là ông nhà thơ
làm công tác tổ chức. Và tôi đoán: việc thông hiểu tâm hồn con người của nhà
thơ chắc chắn giúp ích nhiều cho việc chọn người tài của ông làm tổ chức cán bộ.
Tôi đọc tập bản thảo này, và các tập đã in anh gửi kèm theo đây, thấy thơ anh
ngày càng hoàn thiện và đã phát triển theo hướng mà anh đã bộc lộ ngay từ tập
thơ đầu, thuở in chung ba tác giả. Hồi ấy, tỉnh kép Hà Sơn Bình chọn ba anh,
anh Đào Ngọc Chung, Hà Đông, anh Thế Mạc, Sơn Tây và anh, Hòa Bình, xếp ngồi
chung một cỗ. Ấy là tập thơ Hội cồng mùa xuân, xuất bản năm 1978, do
chính Cụ Trần Lê Văn biên tập. Anh được xếp đầu tập, có lẽ do phong vị Mường của
thơ anh gợi nên cái tên của tập thơ. Tôi được nhờ viết giới thiệu cả ba anh.
Ngày ấy, về anh, tôi có viết: Đinh Đăng Lượng là một kỹ
sư, cách nghĩ cách nói của anh đã vượt qua sự hồn nhiên bản năng để đến với sự
phong phú của trí thức. Đinh Đăng Lượng không lạm dụng chất liệu hoặc cách diễn
đạt của thơ ca truyền thống Mường. Trong thơ anh người đọc không vấp phải nhiều
những thứ thổ cầm văn chương đã mòn vẹt đi vì truyền tay qua quá nhiều người
làm thơ, mà trong đó phần lớn lại là các bạn thơ người Kinh, khi viết về dân tộc
ít người. Anh Lượng ạ, tôi đọc lại, có hơi ngượng vì giọng khẳng định hung
hăng của mình hồi ấy, nhưng về ý kiến thì, giờ đây, tôi vẫn giữ. Tôi đọc trong
tập bản thảo mới tinh này, xin trích ba trong năm đoạn của bài thơ Mùa đi:
Bằng vai, phải lứa chẳng còn ai/ Rét giêng hai lắt lay mùa cấy/ Vườn trút lá,
chồi non run rẩy/ Lom khom đôi bóng chân cầu thang/ …/ Ba mặt con vừa tròn sáu
cháu/ Thương vài cuốn sách viết mỏng tang/ Ba gian cơi nới còn in dấu/ Cưới
xin, giỗ chạp họ khắp làng/ …/ Mùa đi không ngại ngần già trẻ/ Được-thua muôn
thuở mặc cõi trần/ Lòng mơ hồ biết mình cũng thể/ Vẫn thấy quê nhà đã cuối
xuân.
Tập thơ “Bốn Mường” của Đinh Đăng Lượng, NXB Hội
Nhà văn 2020
Trong cuộc nhìn lại đời mình, ông già xứ Mường này có khác gì
mọi ông già người Kinh dưới đồng bằng và mọi ông già nhân loại. Giống nhau những
chi tiết đánh dấu đời người (bạn bè cùng lứa, con cháu hậu duệ, họ hàng, giỗ tết,
sự nghiệp, gia tài, và cả cái chung cuộc nữa…). Nhất là cái giọng hoài niệm
bâng khuâng trong câu kết man mác dư ba, cõi lòng lưu luyến trong veo.
Cách thể hiện bài thơ cũng khá hoàn chỉnh. Nó đã đến được cái nơi cần phải đến
trong đề tài này, trong tâm trạng này. Vẻ đẹp cổ điển này là một đóng góp có ý
nghĩa của hình thức cho nội dung. Nó cho thấy tư thế tâm hồn của tác giả, ung
dung thanh thản, hài lòng, chủ động về những gì mình đã trải, đã làm.
Anh Lượng ơi,
Hơn nửa thế kỷ trước tôi có được đọc mấy ý kiến về thơ anh
Nông Quốc Chấn, một tác giả chúng ta được học trong trường trung học (bài Dọn
về làng) và sau này là người anh hiền, thân thiện với chúng ta. Thơ anh được nhận
xét là có khuynh hướng Kinh hóa. Tôi thấy nhận xét ấy đúng. Anh Nông Quốc Chấn
là nhà thơ dân tộc Tày nhưng anh còn là thứ trưởng Bộ Văn hóa lo việc trong phạm
vi cả nước, sống ở thủ đô, nhiều dịp với bạn bè quốc tế. Hỏi sao mà anh không
“Kinh hóa” được. Đúng ra là “Việt Nam hóa”. Rồi có thể còn “thế giới hóa” ấy chứ,
nếu anh Chấn đọc nhiều thơ nhận loai. Nhận xét có lý nhưng bao hàm một tiếc nuối
hay phê phán, tôi e trái tự nhiên. Các nhà thơ dân tộc ít người, ở cái thời buổi
thế giới phẳng, giăng mắc dày đặc mạng lưới viễn thông, chúng ta có thể tìm
ngay được người cần tìm trong bảy tỷ người của hành tinh. Làm sao lại phải tự
hãm mình quanh quẩn trong phạm vi một cái xóm hẻo lánh và ăn nói như thuở xưa?
Tính dân tộc, phong vị giọng điệu một tâm hồn, đều có nhu cầu phát triển. Đừng
bắt nó bất biến. Cũng đừng quá sợ nó mất đi mà cố tình níu lại. Tưởng nó mất đi
nhưng thực ra nó lặn vào đâu đó. Anh cứ hồn nhiên viết là nó còn. Nhà phê bình
cần có phát hiện ra nó ở thang nấc mới. Tôi nghĩ anh Lượng cứ hồn nhiên viết. Cắt
hạc ngắn chân thì nó què, nó chết chứ hay gì!
Vả lại, tôi đã thống kê, nhưng thấy không cần chép ra đây,
cái phong vị Mường của thơ anh, ở dạng nguyên liệu thơ (thi liệu – gồm cả lịch
sử, huyền sử, điạ dư…), ngôn ngữ, phong tục, tâm linh, tấm lý… Đọc lên là thấy
ngay. Không ít đâu. Điều đáng nói chỉ là: để tự nó đến đừng cố tình bày
ra. Vía người, hồn chiêng là chủ chốt thì đều thuộc về cảm nhận có
bày ra cũng chả được.
Nhà thơ Đinh Đăng Lượng (ngoài cùng bên trái)
Anh có một mạch hiện thực mà lại rất tình cảm, rất khơi gợi. Ấy
là những đổi thay do xây dựng, do phát triển. Bản chất nó là vui. Nhưng trong
lòng người từng trải, do tuổi tác, do tự mình tham gia tạo tạc thì nó gợi nhiều
nỗi niềm nhớ thương đằm thắm. Không nói ra hoặc không nói hết nhưng lại có sức
ngân nga rất nội tâm. Nó là thơ của người trong cuộc. Người đọc cần nhập cuộc mới
dễ cảm thông. Thí dụ ở vùng hồ Sông Đà: Con tàu trắng, biếc hồ sâu/ Phà
xưa bến cũ biết đâu mà dò/ Đác Hoa, Khôông Rậm, Bến Bờ/ Nguồn sông núi ấy bao
giờ cho nguôi.
Thí dụ ở thôn Thịnh Lang xưa, dấu vết trên đất đai và tiếng
gà trưa Thịnh Lang trong thơ Xuân Diệu đủ làm ta xao xuyến khi chạm vào cái tên
Thịnh Lang. Lại cái Dốc Cun. Ai từng buộc cành cây lòa xòa cho xe đạp lôi đi để
giảm tốc khi lao dốc thuở chiến tranh, mới chia sẻ được với anh, anh Lượng ạ. Dấu
vết của tuổi tác cho ta cái lộc đó. Nó là hành trang mỗi đời người. Thơ trọng hồn
nhiên. anh cứ hồn nhiên ngỡ như ngẩng lên thấy được cây chu đồng huyền thoại
thì thơ về chu đồng, mà thấy máy bay siêu thanh thì cứ siêu thanh mà viết. Dân
tộc đâu phải ở cây chu đồng hay máy bay nhanh hơn tiếng động. Mà nó ở cái mắt
thấy chu đồng cái tai thấy siêu thanh chứ. Nghĩa là nó ở anh chứ không phải
ngoài anh. Tìm sâu vào mình thì ra dân tộc. Chân thật trong cảm xúc là đặc
trưng của thơ dân tộc. Chất liệu hiện đại vào thơ anh là một cách nâng cao
phong vị dân tộc, cập nhật thời đại cho phẩm chất dân tộc. Anh vui với những đổi
thay đất vùng hồ sông Đà với lối sống Mường anh có phần khác trước. Anh hào hứng
và tự tin đưa nó vào thơ như từng đưa cái chiêng ngày hội, cái cối giã gạo thuở
nào mà tạo nên chất Mường của bây giờ. Đó là việc nên làm, cần làm.
Tôi đã định viết một bài giới thiệu tập thơ này theo cung
cách độc thoại thông thường, phân tích thơ ca, bàn luận nghệ thuật. Nhưng gặp
câu thơ anh viết trong bài thăm mộ Tản Đà Hậu sinh tóc đã mây trời, “Hậu
sinh” là anh, đang ngồi bên tôi đây, mà mây trời thì… vi vu quá, xa xôi tận
đâu! Rồi đọc bài về Đinh Nam Khương. Thấy khắc khoải anh ạ, bèn chọn cách này,
cho có tính đối thoại. Trao đi đổi lại. Cùng có nhau. Vui hơn
Lần trước, hơn bốn mươi năm, thì tính tuổi cuốn Hội cồng… của
các anh mà ra con số ấy, chúng ta còn đang là kẻ tìm đường cho thơ. Nay thơ đi
đã thành đường, anh ngoài thất thập, tôi đã bát tuần, đá chưa hẳn đã mềm nhưng
chân ta hình như có cứng cáp hơn xưa, thì ta bước tiếp. Phải không anh!.
8/5/2021
Vũ Quần Phương
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét