Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

 

Hoa cỏ may - Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng

Hồi ấy, nhà hắn còn ở cạnh nhà tôi. Thế nên, nghịch ngợm, hắn vẫn thường hát: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…”

Tôi cũng không vừa. Mỗi lần nghe hắn hát, tôi cũng hát theo. Có điều tôi thường sửa chữ nàng của bài thơ, thay vào đó bằng chữ chàng cho “bài hát của tôi” có thể đối chọi được với bài hát của hắn…

Cái thuở còn nghịch ngợm ấy, sao mà đáng yêu đến thế!

Nhưng cũng có lúc nó trở nên thật nặng nề và đáng ghét. Ấy là những lúc hai đứa tôi giận hờn không thèm về chung một ngõ nhưng vẫn bước chung một con đường. Ấy là những ngày ngồi chung một lớp nhưng lại giả ngơ như không hề quen biết. Rồi cũng chẳng giả ngơ được lâu, chúng tôi sẽ tìm cách để giảng hòa ngay thôi. Được cái, đứa nào cũng mau quên và dễ tha thứ. Mỗi lần xảy ra hờn giận, hiểu lầm, nếu tôi có lỗi thì thế nào một hai buổi sau, tôi cũng lân la tìm cách cho hắn… mượn một cuốn sách thật hay hoặc nhờ hắn giải giùm cho một bài toán. Lườm lườm nhau một chút cho… bõ ghét rồi hắn cũng gật đầu cầm lấy cuốn sách về đọc nghiến ngấu hoặc cặm cụi giảng giải cho tôi hiểu một bài toán mà tôi cho là rất khó.

Ấy là những khi tôi có lỗi. Còn mỗi lần hắn có lỗi thì mọi chuyện thường nghiêm trọng hơn. Bởi vì tôi là… con gái. Tôi có quyền giận… dai hơn con trai. Tôi còn có quyền nhõng nhẽo và có thể khóc oà lên để… ăn vạ nếu muốn. Vì thế mà hắn rất sợ.  Nhưng rồi hắn cũng tìm được mọi cách để giảng hòa. Những lúc ấy, tôi lại cảm thấy thương thương cái “thằng cha” tội nghiệp và trách mình sao cứ hay giận hờn vu vơ… Mà không, phải như thế mới ra dáng con gái chứ!

Do hai gia đình có cự ly quá gần, nên chẳng bao giờ chúng tôi tách xa nhau được, kể từ cái thuở còn thích ngậm kẹo. Ngày đó, hắn thích chơi đánh bi còn tôi thì thích chơi nhảy dây, đánh quầy. Chúng tôi đã gắn bó như thể bóng với hình. Mặc dù thỉnh thoảng cũng cãi nhau như… mổ bò, nhưng tình bạn của chúng tôi chẳng hề bị sứt mẻ mà còn có thêm rất nhiều kỷ niệm đẹp.

***

Không biết có phải vì quá thân nhau hay còn vì cái gì nữa mà cha mẹ hắn và cha mẹ tôi lại cùng một lúc kéo nhau về đây mua hai căn nhà cũ rích có chung một cái dậu mồng tơi này. Tôi ít hơn hắn một tuổi. Bố mẹ hắn thường bảo với bố mẹ tôi: “Sau này cho chúng tôi xin bé Thủy về làm con dâu”. Bố mẹ tôi “ừ” liền. Bởi họ là bạn bè chí cốt của nhau mà. Thế đấy, “duyên số” của chúng tôi đã được “các cụ” định trước cả… phần tư thế kỷ chứ không ít. Chỉ có tôi là giãy nảy như đỉa phải vôi. Tôi mà thèm “lấy” hắn ư, cái “thằng” thò lò mũi xanh ấy? Đã thế còn sún răng nữa chứ, trông chẳng hề giống những anh chàng “hoàng tử” trong giấc mơ của tôi chút nào. Tức một nỗi là nhà hắn cứ… ở cạnh nhà tôi. Giá như có chiếc đèn thần của A-la-đanh, tôi sẽ dời cả nhà của hắn xuống tận… Nam cực cho… bõ ghét. Ngược lại, hắn thì có vẻ hí hửng lắm. Không hí hửng sao được khi bố mẹ hắn mới chỉ xin thôi đã được ngay một đứa “con dâu” ngoan hiền, nết na như tôi. Cũng may mà sau này, bố mẹ hắn mới xin, bởi lúc này tôi còn bé “chí chẹo”,  mới chỉ biết nhõng nhẽo thôi chứ đã làm được gì?

Mặc dù còn bé “chí chẹo” nhưng chúng tôi rất nghịch – “nghịch như quỉ sứ, phá như… giặc tàu”. Cả bố mẹ hắn và bố mẹ tôi đều phải công nhận như vậy!

Tôi là con gái nhưng tôi khoái nghịch. Có lẽ vì thế nên tôi với hắn lại càng thân hơn. Những buổi chiều được nghỉ học không biết làm gì, hắn vẫn thường rủ tôi đi đánh nhau. Đối thủ của chúng tôi chẳng phải ở đâu xa: khi thì mấy thằng cùng độ tuổi ở xóm bên, khi thì mấy thằng ở ngay cùng xóm. Trận nào cũng chỉ có một mình hắn đánh, còn tôi thì đứng đằng sau. Khi nào thấy hắn tấn công thì tôi… hét phụ họa. Khi nào thấy cần chạy thì tôi cũng túm váy chạy… trước. Mẹ ơi, không hiểu sao lần nào đi đánh nhau, hắn cũng bị đứt… chun quần? Thường thì tôi về tới lãnh thổ của mình vẫn thấy hắn lếch thếch phía sau, vừa chạy vừa túm lưng quần cho khỏi… tụt. Tới nơi, hắn kéo căng cái cạp quần về phía trước rồi khéo léo cuộn tròn một vòng cái cạp quần quanh ngón tay trỏ, thắt một cái nút to bằng cái tai con thỏ vểnh ra trước cái bụng để trần cho khỏi tụt rồi yên tâm… chạy nhảy tiếp. Có lúc mệt đứt hơi, hắn nằm lăn ra thở. Tôi vẫn thường rình xem lúc nào hắn ngủ quên trên bãi cỏ trước nhà để bứt một bông cỏ may dụi dụi vào… lỗ mũi của hắn, để được xem hắn…hắt xì…

Thế đấy! Chúng tôi vẫn thường nghịch như thế đấy!

Còn bạn? Ở cái tuổi ấy, có khi nào bạn mặc váy đi đánh nhau chưa?

Rồi cái thời “nhí nhố” ấy cũng trôi qua nhanh chóng. Tôi và hắn cứ lớn dần, lớn dần…

***

Khi đã lớn hơn một chút, chúng tôi bắt đầu biết mắc cỡ. Hắn không còn cởi trần và mặc quần cụt rủ tôi đi đánh lộn, tôi cũng trút bỏ những chiếc váy xinh xinh, đóng vào những bộ đồ tây cho ra dáng một cô học trò đã lớn. Hồi bé, tôi với hắn cao bằng đầu nhau. Nhưng ông trời coi thế mà thật bất công. Càng ngày, hắn càng cao hơn tôi. Hắn cũng thôi không còn thò lò mũi, hàm răng không còn sún đen như trước. Càng lớn, hắn càng học giỏi, ít nghịch ngợm và càng “đẹp chai” ra. Có thế chứ! Lỡ sau này có phải làm… con dâu của bố mẹ hắn, tôi chắc cũng không còn phải ân hận.

Còn chuyện này nữa: lúc nào, hắn cũng tỏ vẻ ta đây là một tên đàn anh, thật tức chết đi được! Nhưng kể ra cũng thật hãnh diện vì tôi luôn được hắn che chở, bảo vệ. Cái cảm giác yên tâm ấy đã luôn làm cho tôi vui vẻ…

Và điều gì đã xảy ra sau đó nữa nhỉ?

Không! Không có điều gì tốt hơn hay xấu hơn giữa tôi và hắn. Nhưng có một sự kiện làm cho tôi và hắn không còn được hát bài “Nhà nàng (chàng) ở cạnh nhà tôi…” nữa. Ấy là con đường trước cửa. Bỗng dưng, người ta phóng một con đường to đùng qua trước mặt nhà tôi và nhà hắn. Cái bãi cỏ đầy bông may phía bên kia cũng bị xén đi một ít và hai căn nhà của chúng tôi cũng bị xén hết phần sân. Cái thế giới yên tĩnh của chúng tôi đã bị những cảnh huyên náo, ầm ào của xe cộ tước mất. Bốn cái đầu của bố mẹ tôi và bố mẹ hắn lại chụm vào bàn bạc. Họ quyết định bán phứt hai căn nhà mặt đường này đi để có được một khoản tiền khổng lồ. Bỗng dưng cả nhà tôi và nhà hắn đều trở nên giàu có.

Loay hoay nhiều ngày trời, bố mẹ chúng tôi đi tìm nhà khác để mua. Gia đình tôi tậu được một căn nhà cũng khá khang trang trong một khu phố nhỏ. Bố tôi bảo: mua nhà ở nơi yên tĩnh giúp tôi học hành tốt hơn. Gia đình hắn cũng vậy. Có điều, lần này họ không còn tìm được hai căn nhà liền nhau như lần trước. Và thế là bài hát: “Nhà chàng (nàng) ở cạnh nhà tôi…” tự nhiên lỡ nhịp.

***

Thấm thoát thoi đưa, tôi đã trở thành một nữ sinh trung học duyên dáng. Lúc này, tôi đã có thể thướt tha trong bộ áo dài trắng tinh mà tôi hằng mơ ước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tiểu học. Hắn cũng đã cao hơn tôi hẳn một cái đầu. Có điều, lên cấp III, tôi và hắn lại không được học chung trường. Nhưng thông tin về hắn, lúc nào tôi cũng nắm được nhờ bố mẹ hắn thường hay qua lại với bố mẹ tôi bởi những phi vụ đất đai béo bở. Sau khi bán hai căn nhà ở mặt đường, họ còn tậu được thêm khá nhiều ruộng đất ở những vùng ven. Bỗng dưng bố mẹ chúng tôi trở thành những người chuyên buôn bán đất đai. Họ bận rộn suốt ngày. Gặp nhau một chút, họ lại ào đi như những cơn lốc trên thị trường bất động sản.

Có lẽ, không chỉ có bố mẹ chúng tôi là bận rộn. Dạo này, bài vở của hai đứa chúng tôi cũng càng ngày càng đầy ắp, bởi thế chúng tôi cũng ít gặp mặt nhau. Bẵng đi một thời gian dài, hai đứa tôi mới có dịp hội ngộ. “Ngưu Lang – Chức Nữ” lâu ngày gặp lại, bần thần như kẻ mất hồn một lúc rồi nói toàn là chuyện… học! Không biết chuyện học hành ở đâu mà lúc này tuôn ra nhiều thế? Rồi cả hai lại bần thần mỗi khi phải chia tay. Tôi bỗng ước như những ngày còn bé: giá có chiếc đèn thần của A-la-đanh, tôi sẽ dời ngôi nhà của hắn tới cạnh nhà tôi hoặc ngược lại. Không hiểu, tôi ước ao như thế thì có gì… sai không nhỉ?

***

Con dâu của mẹ dạo này lớn quá rồi! – Một lần, mẹ hắn thốt lên như thế làm mặt tôi đỏ ửng. Cũng từ đó, tôi thường hay mắc cỡ mỗi khi gặp hắn, chẳng như hồi còn bé “chí chẹo”. Hắn cũng thường hay bối rối giống như tôi. Lạ thật! Không hiểu sao càng ngày càng có những cảm giác lạ lùng đến thế?

      Có thể do từ bé, chúng tôi đã trót có bao nhiêu kỷ niệm với mảnh đất có nhiều bông cỏ may trước cửa. Cái loài cỏ dại mà ngày xưa chúng tôi vẫn thường dùng vặn làm “nhẫn cưới” hoặc làm “vương miện” ấy! Tốc độ đô thị hóa thật kinh khủng! Mỗi lần về thăm lại khung trời kỷ niệm thuở ấu thơ, chúng tôi nhận thấy bãi đất càng ngày càng thu hẹp bởi những ngôi nhà mới đang tiếp tục mọc lên. Những bông cỏ may cũng càng trở nên hiếm hoi và ít ỏi. Những hạt cỏ may vướng vào hai ống quần của chúng tôi cũng không còn dày đặc để cho tôi và hắn tha hồ mà nhặt sau mỗi buổi rong chơi. Lui cui nhặt nhạnh một hồi, hắn cũng tìm được một nắm hoa cỏ tặng cho tôi. Hắn bảo: “Tặng cho… bà xã  nè!”. Tôi bỗng luống cuống không biết chạy đi đường nào. Mẹ ơi, sao hôm nay hắn… to gan thế nhỉ? Nhìn lại cái mặt của hắn một lần nữa coi nào, sao mà đáng ghét quá đi mất. Không biết phản ứng thế nào, tôi cúi xuống mân mê chùm hoa cỏ may rồi bất thần, túm lấy một miếng da trên tay hắn mà… vặn ngược. Đôi môi tôi bặm lại… “Thì ra, vẫn chứng nào tật nấy!” – Hắn rụt cổ lại, mắng rồi vùng bỏ chạy. Tôi cũng phóng theo y như ngày xửa ngày xưa, cái thủa còn ham nghịch ngợm… Những phút giây ấy, hai đứa bỗng như được sống lại trọn vẹn những kỷ niệm của một thời thơ dại…

Sợ một ngày sẽ không còn những bông cỏ may để cùng nhau làm “vương miện”, tôi và hắn bàn nhau rồi quyết định… đánh vài cụm về trồng ngay trong khu vườn xinh xắn của nhà mình. Những bông cỏ may cũng ngoan ngoãn chiều lòng hai kẻ điên rồ và ngốc nghếch. Chúng mọc lan rất nhanh và cũng nở đầy hoa trong khu vườn bé tẹo. Mỗi sáng, tôi không khỏi xao động trước những bông cỏ rung rinh ấy. Và hắn, chắc hẳn cũng vậy. Rồi một ngày kia, nhất định hắn sẽ lại đem tặng tôi những bông hoa ấy kèm theo một câu nói “to gan” như hôm nào trên bãi cỏ… Lúc ấy, tôi sẽ phải nói sao nhỉ? Thỉnh thoảng, tôi lại thấy hoang mang về điều đó… Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn mong điều đó mau xảy ra!

Nhất định, đó sẽ là một ngày đẹp trời…

11/5/2021

Chu Quang Mạnh Thắng

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...