Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Tự sự gửi bố của Nguyễn Đình Ánh

Tự sự gửi bố
của Nguyễn Đình Ánh

“Bố làm thơ và cuộc đời bố dành cho thơ một cách trọn vẹn. Bố dành tâm trí cho thơ đến nỗi nhiều lúc mắc lỗi với hàng xóm vì họ đi ngược chiều, cất tiếng chào bố nhưng do mải nghĩ nên có thể bố đã quên đáp từ. Con người nghệ sĩ nó vậy, những người làm văn nghệ hiểu nhưng người giữa đời thường thì lấy làm khó hiểu. Và con biết, cả đời bố không làm mất lòng ai – bố như là Phật sống, bố hiền, hiền tới mức suốt tuổi ấu thơ chúng con không bao giờ phải nhận đòn roi từ phía bố. Bố luôn nghiêm khắc mà đôn hậu biết nhường nào”. Đó là tâm tình cảm động của Nguyễn Đình Ánh gửi cho người bố quá cố của mình là nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh nhân “Kỷ niệm 10 năm cha con cách biệt”. Xin trân trọng giới thiệu toàn bộ bài viết đến bạn đọc để hiểu hơn cuộc đời và sự nghiệp của một nhà thơ đáng quý của vùng Đất Tổ – Phú Thọ.
Thưa bố!
Hôm nay, theo dự báo sẽ là ngày có trận mưa sao băng lớn nhất trong lịch sử. Sự kiện này thêm một lần gợi nhớ trong con về kỷ niệm từ những ngày xa xưa bên bố, những đêm hè trăng sáng, những đêm thu không trăng, trên trời đêm hàng triệu triệu vì sao lấp lánh, lấp lánh…
Gọi là thuở ấy bởi lẽ cũng đã hơn 40 năm có lẻ, cứ mỗi khi nhớ về bố – cố nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, người mà con vô cùng tôn kính đã làm bạn với chúng con như chính chúng con của ngày hôm nay đang làm bạn với các cháu yêu quý của Người. Khi đó nhà mình nghèo nhưng con thừa nhận không lúc nào ngớt những tiếng cười. Con còn nhớ như in câu nói từ người bạn chí thân của bố – Nhà giáo Bùi Thanh Ninh: “Nhà văn – Nhà giáo – Nhà báo – Nhà đài/ cộng bốn nhà ấy bằng hai… nhà nghèo”. Vậy mà bố vẫn vịn vào thơ, vịn vào những ý nghĩ trong trẻo để sống một đời thánh thiện:
“Trước mặt: triền Tam Đảo
sau lưng: dãy Ba Vì
trăng gió chẳng thiếu gì
gạo, rau vừa đủ nấu            
Nhà – những sách cùng báo
tủ bàn bé con con
chỉ trông núi cùng non
cũng đủ no đôi mắt…”
(Tự bạch)
Do cảnh nghèo mà nhiều đêm khó ngủ vì nóng nực. Nhà mình có hai cây cau trước cửa, cứ mỗi chiếc lá cau khô rơi là bố lại “thiết kế” thành vài cái quạt mo và thế là hằng đêm, rất khuya cả nhà chải chiếu xuống sân, con lại được nằm cùng bố. Và bố biết không, con đã hớp lấy từng lời bố nói về thiên nhiên, về vũ trụ với dải ngân hà long lanh, về những chòm sao Bắc Đẩu hình chiếc xe cải tiến; về những chuyến máy bay đêm và những vệ tinh do thám bầu trời tạo nên những vì sao biết đi; về thơ và về tất cả những gì con hỏi… Hình như bố biết tất cả. Bố như một “cuốn từ điển sống”… con nghĩ thế!
Có lần bố viết tặng Nhà văn Sao Mai câu thơ:
“Sao Hôm nào khác Sao Mai
Một ngôi sao sáng cả hai khoảng trời”
Phải chăng, tứ thơ này khởi tác lúc bố nằm bên con, đúng không ạ, thưa bố…?!
Từ khi có con ở trên cõi đời này cho đến khi con biết cảm nhận, ngoài làm bạn với mẹ và chúng con, bố còn luôn làm bạn với sách. Vậy mà tuyệt nhiên trong những tâm sự của bố không mảy may nói lời sách vở – bố nói toàn chuyện rất đời. Bố bảo rằng bạn của bố ở khắp cả nước, cứ nhà văn là bạn bố: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Nhuận Minh, Thi Hoàng, Đăng Bảy, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Văn Chinh, Trần Đăng Khoa… Nhiều người vừa là bạn học, vừa là bạn thơ. Và con đã được gặp từng người trong số các bác, các chú đó về thăm nhà mình trước khi bố ra đi mãi mãi! Con ấn tượng vì bố có những tình bạn lớn, tình bạn từ thuở đi bộ gần hai chục cây số, vác trên lưng khăn áo, bị gạo mong kiếm được cái chữ để vào đời, lập nghiệp, thời phổ thông trung học; tình bạn của sự đồng cam thời bố học đại học những năm 60 của thế kỷ trước; tình bạn của những người dẫu là con một trong gia đình cũng vẫn cùng xung phong ra trận suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tình bạn của một văn đàn cùng tỏa sáng và mong ước để đời những tác phẩm sáng giá cho hôm nay và mai sau.
Những năm cuối cùng của sự nghiệp (1998 – 2001), với vai trò là Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh nhà, người ta vẫn nhận ra bố với dáng người mảnh dẻ, bước những bước chân chậm dãi, ngày nào cũng đến cơ quan đúng giờ; tác phong khoan dung, nho nhã; điệu cười hồn hậu, cởi mở. Bản thân con cũng học hỏi được ở bố tư chất của sự “vuông vắn” khi trải qua hơn mười năm binh nghiệp. Bố ngay ngắn trong cách sống, điềm tĩnh trong ứng xử, độ lượng trong giao tiếp… Như một lời “tổng kết” của sự nghiệp, bố từng viết:
“Trong trăm năm của kiếp người
may ta từng có một thời… như mơ
cái thời trong suốt, vô tư
đưa tiền thì lắc, trao thư thì cầm!”
Bố làm thơ và cuộc đời bố dành cho thơ một cách trọn vẹn. Bố dành tâm trí cho thơ đến nỗi nhiều lúc mắc lỗi với hàng xóm vì họ đi ngược chiều, cất tiếng chào bố nhưng do mải nghĩ nên có thể bố đã quên đáp từ. Con người nghệ sĩ nó vậy, những người làm văn nghệ hiểu nhưng người giữa đời thường thì lấy làm khó hiểu. Và con biết, cả đời bố không làm mất lòng ai – bố như là Phật sống, bố hiền, hiền tới mức suốt tuổi ấu thơ chúng con không bao giờ phải nhận đòn roi từ phía bố. Bố luôn nghiêm khắc mà đôn hậu biết nhường nào. Chính con đây, khi nóng giận với các cháu của bố mà nhỡ vung tay lên định “ra đòn” lại giật mình mà rằng, ngày xưa bố từng nói: Còn nhiều năm để lớn, đòn roi đâu phải là thứ làm con người ta… trưởng thành… Đến giờ, các cháu của bố đều học thuộc lòng rất nhiều bài thơ của ông bà nội, nhất là “Trước cổng trời” – bài thơ của bố được chọn đăng trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 mà các cháu luôn tự hào với các bạn cùng trang lứa.
Lần lượt như thế, chúng con và ngay cả các cháu của bố cũng chưa bao giờ rời xa văn học, nghệ thuật. Cũng có thể tiềm năng được phát tác một cách “di truyền” mà tự mỗi thành viên trong “gia đình nghệ thuật” của bố đón nhận và phát huy một cách rất đỗi tự nhiên. Giờ thì mẹ cũng đã là nữ Nhà văn theo nghiệp của bố, các chị em gái nhà mình chọn đường văn giáo của mẹ, là những người tham gia công tác quản lý giáo dục các cấp. Còn con, dù là cán bộ trong doanh nghiệp nhưng cũng chưa khi nào chểnh mảng với niềm hy vọng của bố – là sẽ trở thành một nghệ sĩ trong tương lai. Các cháu nội, ngoại của bố cũng đã phấn đấu đạt rất nhiều huy chương vàng, bạc cấp quốc gia về học tập, nghệ thuật, biểu diễn…
Bố tôn trọng nhân cách mà bản thân thường tự xưng là “kẻ sĩ”. Bố ngại xin xỏ, kể cả là sự trợ giúp kinh phí để in thơ; hơn thế, cũng có thể còn là sự đúc kết trong quan điểm của bố với cuộc sống “đơn giản là một sự phức tạp lớn” mà đến giờ con đã hiểu. Với chúng con, bố ngại đi họp phụ huynh khi phải ngồi bàn cuối cùng (vẫn biết là bố đùa – vì bố ngồi ở đâu là do thành tích của chúng con quyết định), chúng con hiểu là phải làm cho bố vui bằng khả năng thực sự của cá nhân mình. Bố tốt nghiệp Đại học Sư phạm, trường của Thủ đô, bố là sĩ quan nhưng… cầm bút, bố là thầy giáo tận tình chỉ bảo cho các đồng nghiệp trẻ để đến hôm nay các chú, các anh từng đón nhận sự gửi gắm ở bố, họ cũng đã thành danh, như Nhà thơ Trần Quang Quý, Nguyễn Hưng Hải, Ngô Kim Đỉnh, Hà Thành, Phạm Việt Đức…v.v.
Ngày đó, bố phát hiện ra một Trần Quang Quý chỉ với câu thơ: “Sỏi khô từ nỗi đợi mong/ Người đi sợi tóc mỏng trong mưa nguồn”, một Nguyễn Hưng Hải với: “Lá nằm úp thìa trên mặt cỏ/ thân còn lẩy bẩy tiếc cành cao” đã làm bố rất vui. Bố hay kể với mọi người về sự phát hiện này và khẳng định đây là những “hạt giống”, những “tiềm năng” của văn chương mà nhất định sau này sẽ “thành chính quả”. Thời gian qua đi, được chứng kiến sự “kết trái trong vườn văn” của họ – con lại càng thêm cảm phục về những phát hiện ấy của bố với các danh sĩ khi đó còn rất “tiềm ẩn”…
Sinh thời, bố dành cho chị em chúng con tình yêu thương vô bờ bến. Chỉ là cách cầm chổi mỗi sáng quét sân mà bố cũng rất nhẹ nhàng, vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng con. Chắc lẽ, bố nghĩ giấc ngủ lúc gần sáng luôn là lúc có được độ ngon sâu nhất… phải vậy không, thưa bố…?! Hay như mỗi bữa ăn đông đủ cả nhà mình hoặc những ngày giỗ, tết, bố thường ăn đầu gà và những miếng xương, những củ hành khô thái lát, mấy củ lạc và bố nói rằng đấy là “sở trường” của mình. Con cũng đã nghĩ như vậy, cho đến khi lớn lên con dần hiểu là mình đã nhầm, nhất là khi đọc lời thơ bố viết cho bà nội của chúng con, thật sâu sắc và thấm thía trong bài “Bà”:
“… Bữa cơm, có miếng nào ngon
Bà “kiêng” không gắp – bà nhường cháu ăn…
… Một đời tóc bạc hai lần:
Một phần vì cháu, một phần vì con…”
Hàng ngàn đời nay, đa phần người ta ăn uống đơn giản là để có sức khỏe và duy trì sự sống, với những toan tính thiệt hơn, gắng có bát ăn, bát để. Nhưng không, bố của con lại lựa chọn cho riêng mình một lối tiếp cận với ẩm thực đạt đến tầm văn hóa. Bố cho rằng “Văn hóa sinh ra là để kiềm chế bản năng”, chỉ ở đỉnh cao của sự hiểu biết thì mới có được cái sự “nhường nhịn cỏn con” ấy, ở các giống loài khác sẽ nhất thiết phải tranh nhau để đảm bảo hai chữ: sinh tồn…
Con đã từng nhìn không chớp mắt những động tác của bố, dẫu rất đời thường thôi mà sao vẫn có được sự sang trọng, nồng ấm – bố chọn cách nhâm nhi những ly rượu theo lối “thưởng ngoạn” của cụ Tản Đà (Uống rượu từ lúc nửa đêm/ mãi đến tận khi trời sáng – bài bố viết tặng Thi sĩ Tản Đà). Bố chọn cách gắp, rót nhỏ nhẹ, hoặc nhấp nhấp những hơi thuốc rồi nhả khói rất ngon lành của cụ Nguyễn Tuân. Và chắc chắn, sẽ không ai thấy bố uống một trăm phần trăm ly rượu hay cốc bia trên đời bao giờ… Bố ý thức về sự sống là hữu hạn, vì vậy nhỏ nhoi thôi thì cũng là… thưởng thức – thật chậm, thật chậm.
Suy nghĩ về những điều này, con chỉ còn biết ngửa mặt lên trời ngắm sao và để liên tưởng tới từng cử chỉ cao đẹp của bố một cách huyền diệu nhất có thể. Với con, muôn sự tiếc nuối ở đời cho đến giờ vẫn là không biết phải làm sao để dâng lên bố một miếng ăn ngon, dù chỉ là một chút thôi, bố ạ! Để con lại được say sưa dõi theo ánh mắt của bố, vừa mơ màng – thi sĩ, lại vừa bác ái – nhân từ.
Chùm thơ Ngẫu cảm hai dòng của bố để lại như là… trời cho – bố là thế!:
“Đã ai biết tuổi ta đâu
trông mắt thì trẻ, nhìn râu thì già!”     
“Câu thơ mình viết cho mình
biết đâu thấu cả ân tình thế gian?”            
“Thà uống một giọt giữa trưa
còn hơn uống cả cơn mưa cuối ngày!”          
“Suốt đời mòn bút làm thơ
khéo khôn thì mất, ngẩn ngơ thì còn!” 
Và nữa, hồi ấy, sáng mồng hai Tết Nguyên đán năm Tân Dậu – 1981. Tất thảy mấy chị em của con tung tăng đi chơi cùng đám trẻ nhỏ trong cùng khu tập thể, chỉ còn lại một mình con ở nhà với bố mẹ (con mới vào lớp một). Lần đầu tiên trong đời con nghe và nhìn thấy bố khóc – khóc thành tiếng. Bố còn nhớ không? Con đã trèo lên chiếc giường tre, đó chính là chiếc giường cưới của bố mẹ năm xưa, lật chăn ra, rồi con lần tay lên, lau những giọt nước mắt cứ liên tục lăn dài trên gò má của bố. Con còn được chứng kiến cả mẹ khi ấy cũng khóc theo… Kỳ thực, con trai của bố mẹ lúc đó còn quá nhỏ nên không hiểu gì cả. Trấn tĩnh lại, bố mới nói: “Tại sao con không đi chơi cùng mọi người?”. Con đã trả lời thật vô tư và hồn nhiên rằng: “Bố ơi, con không có quần áo mới”. Một lần nữa, bố sờ lên mảnh vá trên vai áo con. Chỉ sau một câu nói tưởng chừng như vô hại ấy của con, nào ngờ đã động đến thẳm sâu nỗi đau của người làm cha mẹ, khi không kịp sắm sửa cho con một manh áo mới để chơi xuân, khiến cho bố phải bật khóc!…
Nhưng bố ơi! Cổ nhân có câu “Con không chê mẹ khó…” là hoàn toàn có lý. Ngay như con, suốt tuổi thơ nào biết đòi hỏi cho mình thứ gì bao giờ, bố nhỉ?
Thời điểm đó, giữa thành phố công nghiệp này, chúng con biết, nhà mình đông con nhất; và luôn biết cái nghề mà bố mẹ lựa chọn là nghề cao quý nhưng “đạm bạc” nhất; biết đến nước mình đang phải đối mặt với đầy rẫy gian khó, nghèo cực sau khi miền Nam mới giải phóng, thống nhất đất nước mới được vài năm; tiếp đến, lại gồng mình chống quân Bành trướng Trung Quốc (1979)…
Với nhà mình, bố luôn dành mọi thứ tốt đẹp cho bà nội, cho mẹ của chúng con và năm đứa con yêu quý. Bố bảo, chỉ cần dành 20% sự quan tâm cho bố, còn 80% các con nên dành cho mẹ, vậy là sao ạ? Rằng mẹ mới chính là người đã dành phần lớn thời gian của cuộc đời “hy sinh” cho bố con mình! Nhưng bố ơi, trên tất cả, bố đã định hình trong chúng con sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau; sự sẻ chia với quê hương, đất nước; sự giúp đỡ, quan tâm đến mọi người xung quanh; sự nỗ lực trong công tác và sự nghiệp; lòng đam mê văn học, nghệ thuật…
Bố muốn cho chúng con mỗi đứa có một cái nhà nhưng không phải ngôi nhà vật chất mà là “cái nhà trong đầu”. Bố muốn các con phải tốt nghiệp đại học, phải cống hiến cho Tổ quốc, khi đó bàn tay và khối óc của mình mới chính là căn nhà đủ rộng để đón nhận cuộc đời tươi đẹp…
Bố của chúng con sâu sắc là vậy!
Khi xưa, đồng nghiệp của mẹ, các cô giáo tổ Văn trường THPT Việt Trì đến nhà mình nghe bố luận thơ mà quên cả giờ về. Và con nữa, thẩm thấu thế nào không biết nhưng chắc chắn từ sự mê mải “nghe lỏm” bố nói chuyện thơ mà “dỏng tai” học được rất nhiều điều. Chưa biết chừng trong tương lai xa con có thể lại sẽ làm bạn của thơ, bố nhỉ?!
Con thì hay nhớ những bài thơ bố viết về gia đình, còn mẹ, hình như lại hay nhớ những bài bố viết tặng mẹ và các bạn trong “thế giới… của bố”.
Ví như, con nhớ mấy lời bố viết gửi cho bà nội:
“… Cây khế cha con trồng năm nao
Đã cao bằng ngần nào, hả mẹ
Cha con mất cuối mùa thu năm ấy
Hoa đã rụng rồi, tím cả mặt ao…”
(Gửi mẹ ở quê nhà)
Hay viết tặng mẹ từ dạo hai người mới yêu nhau:
“… Lan Thanh, Lan Thanh, Lan Thanh
Em là mây trắng, trời xanh, nắng vàng…”
(Gửi Lan Thanh)
“… Chưa thể hẹn được ngày anh về
khi em đã trở thành cô giáo
những ước mơ giản dị và táo bạo
bắt đầu từ một tình yêu…”
(Tạm biệt miền rừng)
“… Những hạt lạc đỏ và tròn xoe
cứ thơm dần lên khi nồi rang bén lửa
anh bế con ngồi bên bậc cửa
nhìn em, nhìn mãi, thế thôi!”         
“… Những mất mát trong đời lại nuôi ta lớn lên
ai biết suối nông sâu – nếu chân không gặp đá
hạnh phúc! Ai hay tìm được nó
đôi khi phải đổi cả đời mình…”
(Tâm sự với em về hạnh phúc)
Và bố tặng chị gái cả Lan Hương trong bài Bên con:
“… Bao năm công tác ở xa
Về thăm quê với căn nhà, đêm đông
Ngỡ ôm con siết vào lòng
Thì bao sương giá mùa đông chẳng còn
Đâu ngờ từ lúc ôm con
Bao nhiêu hơi ấm… lại dồn sang cha…”
Bố tặng chị gái Việt Lâm:
“… Oa, oa…” tiếng con tôi
dội lên từ vắng lặng
ngỡ là đêm hửng nắng
trăng hóa ra mặt trời…”
(Đêm sinh con)
Với bản thân con (Nguyễn Đình Ánh):
“Lá không có cánh, bố à
Sao khi gió thổi gọi là lá bay
Sân trường có chiếc đu quay
Nó xoay tựa chiếc cối xay ở nhà
Dây cáp kéo được con phà
Sao nó khéo léo như là có tay
Lập lòe đom đóm đó đây
Bố ơi, kìa – cả vòm cây thắp đèn
Bao điều ngỡ quá thân quen
Lại tinh khôi trước cái nhìn trẻ thơ…!”
(Cái nhìn trẻ thơ)
Cho con gái Hồng Lân:
“Tay con cầm chiếc gối mềm
con khoe với bố rằng em ngủ rồi
con đi bỗng chiếc gối rơi
nâng lên khẽ nựng: em ơi, chị bồng…”
(Con bồng chiếc gối)
Và với con trai út Đình Việt:
“Con là trai út trong nhà
nên bao giờ cũng được bà quý yêu
được bố, được mẹ cưng chiều
cái gì chia cũng được nhiều hơn anh
từ gói kẹo đến bức tranh
cả nhà ai cũng để dành cho con…                 
Chỉ lo mai này lớn khôn
cuộc đời biết có chiều con như giờ?”
(Nói với con trai út)
Năm 2005, khi đưa bố về dự Hội Khoa Ngữ văn kỷ niệm 55 năm thành lập tại Đại học Sư phạm Hà Nội, bố từng nói với con: “Chắc đây là lần cuối cùng bố được gặp các bạn”. Năm ấy bố 64 tuổi, đội mũ phớt, chống ba-toong… Bố gầy đi nhiều, lưng hơi còng, hai bố con đi xe khách xuôi Hà Nội. Trên đường, bố ghé tai con kể chuyện về các bạn của mình: “Sau cuộc chiến tranh, giờ thì mỗi người một nơi, người còn, người mất. Vậy nên, quý lắm con à, ngoài những dịp như thế này thì toàn gặp nhau trên… sách, báo!”
Hình như bố có dự cảm về sự ra đi trong nay mai, phải không ạ? Rằng, sau ngũ, lục thập niên “tri thiên mệnh”, đoán biết được mệnh trời, bố đã chuẩn bị đến từng chi tiết cho cuốn “Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Ảnh” rồi xếp gọn trên bàn. Bìa của Tuyển tập này con vẽ tặng, bố cầm lên xem và cũng đã hài lòng…
Thế và, căn bệnh quái ác đã làm bố phải nhập viện. Hai mươi tám ngày, bắt đầu từ thứ bảy và cũng đến ngày thứ bảy của bốn tuần sau đó, tháng Mười (âm lịch) năm 2006, bố đã vĩnh viễn chia tay chúng con để về cõi vĩnh hằng.
Con nhớ, hai mươi tám ngày với một bên chân tay không còn cử động được, bố vẫn vô cùng sáng suốt. Với tờ giấy A4 con in lên đó một bảng chữ cái, bố dùng cánh tay còn lại cầm bút chỉ vào từng chữ cho con ghép vần về những nhắn gửi của bố trước thời khắc chia xa. Bố nhắc đến các bạn… Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Nguyễn Trí Huân… và như một phép màu, lần lượt mọi người đã về bên bố. Bác Phạm Tiến Duật bay chuyến bay cuối cùng trong ngày sau cuộc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh và mượn chiếc xe máy cũ, từ Nội Bài chạy luôn lên nhìn mặt người bạn tâm giao từ những thuở nào! Một năm sau, trùng vào tháng Mười, bác Phạm Tiến Duật cũng theo bạn… về trời! Có bạn thơ của bố nói rằng Ảnh và Duật rủ nhau đi mây về gió vì họ chưa từng thiếu nhau sau cái bắt tay đầu tiên khi cùng bước vào mái trường cấp ba Hùng Vương (Thị xã Phú Thọ) yêu dấu…
Con cũng nhớ, ngày tiễn đưa bố, nhà văn Nguyễn Trí Huân ngậm ngùi đọc điếu văn trong tiếng khóc nấc lên của tất cả mọi người tiếc thương và tôn kính bố! Còn lúc này, ở bên ấy, chắc bố đang đàm đạo với các bậc tiền nhân, thi hữu? Đang phân tích những câu Kiều mà bố luôn cho rằng ở mỗi độ tuổi càng đọc, càng thấy thêm sâu sắc?…
Vâng, chỉ là khúc tự sự của riêng con thôi, bố à! Hơn ai hết, con luôn cảm nhận được một luồng điện vô hình như là sinh khí của bố đang truyền lại cho con. Con muốn được chăm sóc mẹ để mẹ viết tiếp những trang còn lại theo sự kỳ vọng của bố!.
Việt Trì, 12/8/2016
Nguyễn Đình Ánh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...