Nét mới trong thơ Lò Cao Nhum
Cái tên Lò Cao Nhum bấy lâu nay đã bị “đóng đinh” vào rượu núi, bởi rượu núi hay bằng rượu núi? Thứ này làm nên tên tuổi anh thuở ban đầu. Thứ kia là cái nguyên cớ để người ta bám víu vào đấy mà thấy thơ còn đáng để yêu.
Cái tên Lò Cao Nhum bấy lâu nay đã bị “đóng đinh” vào rượu
núi, bởi rượu núi hay bằng rượu núi? Thứ này làm nên tên tuổi anh thuở ban đầu.
Thứ kia là cái nguyên cớ để người ta bám víu vào đấy mà thấy thơ còn đáng để
yêu. Nhưng kì thực, chừng ấy năm, anh cũng đã bước đi được khá xa nơi cái bóng
của rượu núi đổ dài. Là lúc cái “ta” thảng thốt, bàng hoàng mà quả quyết:
Ừ thì trời cho ta làm thơ
Phơi phới đi từ thiếu thời cắp sách
Nhưng cũng khoác cho ta áo rách
Sáu mươi năm còn vá đụp vá chằng.
(Những con giáp đi)
Trong bốn câu thơ đầy cao ngạo, chua chua chát không hề thiếu
khí phách ấy đã đủ thấy Lò Cao Nhum đã khác xưa rất nhiều. Không phải vì rượu
núi đã cạn vì tiếp sau tiếng vang đó anh vẫn có Nóc nhà ta có hoa khau
cút, Sàn trăng, Lời tháng giêng… mà bởi trong thơ của chàng thi sĩ Thái đã
xuất hiện những hướng nghĩ khác, những suy tư cật vấn. Trong bài viết này, người
viết chỉ muốn nói những gì mới mẻ của anh hôm nay vẫn sống được trong kí ức người
đọc. Ngõ hầu lí giải về chất thơ Lò Cao Nhum.
Vốn dĩ, người đọc thích tìm đến các nhà thơ trẻ là ở sự mới mẻ.
Nói đúng hơn là những gì chưa thành công thức, thành nếp nghĩ. Trong khi, với
Lò Cao Nhum, những câu thơ như thế lại tựa như lấy ra từ trong túi áo. Thử đọc
và thấy: Ngày ấy ai dại khờ/ Nghe trăng xui. Bẽn lẽn/ Chọc sàn trăng.
Trăng mơ (Sàn trăng). Hay: Cột tre mùa xuân/ Vòng mặt trời mùa xuân/
Dải còn chấp chới (Tung còn); Soi cây lim già/ Hiện diện ở lòng mình/
Ngôi đình bão tố (Soi gương núi)… Đó là những cấu tứ được mở ra bằng những
cộng hưởng đơn giản. Câu thơ mĩ lệ mà hồn nhiên, đẹp mà lành, hư vô mà hiện hữu.
Điệu thức của một thời đang xanh hào phóng, phẳng lặng giàu nhạc tính.
Nhưng rồi, như người xưa đã nói “ngày vui ngắn chẳng tày
gang”, cõi vui ấy trong thơ anh đã đến lúc ngả buồn. Buồn của tháng năm, tuổi
tác (Ừ đời người mới đó buổi mai/ Dăm chén rượu đã chạm chiều chạng vạng- Những
con giáp đi). Nhưng ngoài ra, giọng thơ buồn ấy còn được điểm thêm bởi một sắc
điệu khác, ấy là sự chua chát cho những thân phận. Buồn cho những giá trị văn
hóa đang đứng bên bờ mất mát, tiêu tán. Có lúc, náu trong giọng kín đáo như lời
tự sự, anh viết rằng:
Một phần ba mới giầu nửa chừng
Vừa ăn vừa dụm sinh dè sẻn
Vừa làm vừa nghĩ ngày mai đến
Khách đi khỏi, vợ ngồi cạo niêu.
(Người trên núi)
Người vợ nào ngồi cạo niêu, người khách nào vừa đi khỏi và
bóng dáng ông chồng đâu đó? Cái đói chưa xa nhưng cái no đâu đã gần tầm tay nên
bức tranh làng bản cứ loang lổ như thế. Ngổn ngang của ngày những vùng nông
thôn đổi mới, những mới-cũ đan xen đúng như cách gọi (giầu nửa chừng). Tất cả tựa
như vết dao cứa vào tâm hồn những nhà thơ của các vùng miền dân tộc. Trách nhiệm
cộng đồng, sứ mệnh cầm bút, ý thức tự cường… đang từng ngày thúc giục họ phải
lên tiếng.
Nhưng cuối cùng, người trai của bản đã từng say mê với khúc
ca về nền văn hóa dân tộc mình vẫn nhìn ra những sắc màu tươi, những mảng màu
sáng dẫu đó là biển mênh mông, là thành phố xa lạ hay là phương trời nào đó:
Cao ốc khoe đủ mọi dáng màu
Ban công biếc bồ câu hội tụ
Đàn chim bay lướt trên ghế đôi
Người bãi biển lấy cớ tình tự.
(Bồ câu bay xanh trời thành phố)
Vẫn sở trưởng sử dụng những thanh trầm bất ngờ sau những câu
thơ bay bổng, Lò Cao Nhum hồn nhiên lập nên những tứ thơ như thế. Với anh, những
mảng khối khô cằn của phố xá, nhịp mau lẹ của thời hiện đại vẫn còn đáng yêu,
đáng nhớ lắm:
Nhịp điệu ban mai
Vó ngựa vỗ nắng dọc phố dài
Thị xã thức
Đôi bờ rạo rực
Phố phường bừng nở
Hoa đào trắng
Nồng nàn tháng giêng
(Chấm phá Lạng Sơn)
Chắc hẳn khi đọc những câu thơ này, những ai đã lâu ấn tượng
về rượu núi xưa sẽ bất ngờ. Dáng chàng thi sĩ núi rừng đã chạm lục tuần vẫn còn
nguyên sức vóc với tủi khoác chéo vai, mái tóc bồng bềnh dong duỗi bao miền thơ
ca. Bút lực ở độ chín đang còn hứa hẹn làm sống dậy những chất men mới tạo nên
thứ rượu – thơ mê đắm lòng người.
8/5/2021
Bùi Việt Phương
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét