Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Khát vọng thống nhất của tác giả "Một ngày chủ nhật"

Khát vọng thống nhất của
tác giả "Một ngày chủ nhật"

Không lâu sau tiếp quản Thủ đô (10.10.1954), các cơ quan trong đó có Hội Nhà văn cũng bắt đầu đón nhận cán bộ chuyên ngành mình từ miền Nam tập kết ra. Trong số những người đó có các cây bút trẻ về sau trở thành những tên tuổi lớn của văn học nước nhà – những Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Anh Đức… Nguyễn Huy Tưởng cùng với Nguyễn Tuân và một vài nhà văn đàn anh khác được Hội phân công đỡ đầu các cây bút trẻ. Việc gần gũi giúp đỡ các nhà văn trẻ miền Nam không chỉ là dịp để Nguyễn Huy Tưởng thêm hiểu biết, yêu thương và cảm thông với các đồng nghiệp trẻ xa xứ, mà còn giúp ông, thông qua họ, khám phá thêm về miền đất phương Nam.
Xa xôi nhưng ấm áp
Hồi ức của các nhà văn Nam Bộ về Nguyễn Huy Tưởng cho biết ông đặc biệt ngưỡng mộ vùng đất trù phú ấy với những con người khoáng đạt của nó. Như ông từng nói với nhà văn Đoàn Giỏi: “Nam Bộ là miền đất cực kỳ hấp dẫn, đất của những con người vũ dũng, kiểu Cô-dắc sông Cửu Long…”. Hay khi ông bày tỏ tình cảm của mình về miền đất này, qua hồi ức của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người được ông động viên viết về cuộc kháng chiến của Nam Bộ, “đất xa xôi của Tổ quốc, nhưng nằm ấm áp trong lòng của mỗi người Việt Nam…”.
Tình cảm ấy đã biến thành những biểu hiện cụ thể ở ông. Ngày Tết, ông thường bảo vợ gói thêm bánh chưng để mang biếu mấy anh em Nam Bộ sống độc thân xa nhà. Hay khi họp Quốc hội ở Nhà hát Lớn, ông cũng hay tranh thủ tạt qua căn nhà ở phố Tôn Đản gần đấy, nơi mấy anh em tá túc để chuyện vui với nhau. Có thể nói, tình yêu và sự cảm thông với đất và người phương Nam đã trở thành một tình cảm thường trực ở Nguyễn Huy Tưởng, để rồi ông sẽ có dịp ghi lại những cảm xúc đó của mình.
Một ngày sau Tết Đinh Dậu (1957), Nguyễn Huy Tưởng lại có dịp đi quanh Hồ Gươm, như ông vẫn thích đi mỗi khi có dịp. Hôm ấy là một ngày giá rét, cái rét xứ Bắc mà đến người ngoài này cũng thấy so sưới huống chi người trong Nam ra. Thế nhưng Bờ Hồ vẫn rất đông đồng bào và cán bộ tập kết. Có gì đâu. Xa quê hương xứ sở, xa gia đình, người thân, họ chỉ còn biết tìm đến nơi đây để gặp gỡ nhau cho khuây khỏa. Dòng ký ức đưa ông trở về với một hình ảnh hôm mùng 2 Tết, khi ông bắt gặp “hai em bé miền Nam ngồi trên cỏ bên Hồ, đội nón lá, nét mặt buồn tênh”. Và ông day dứt: “Họ bị bứt ra khỏi xứ sở, tiền nong chẳng có, muốn mua cái gì cũng không được, chỉ đi rảo phố, mỏi thì ngồi xuống đường. Không như trong kháng chiến, người nào cũng khổ như nhau. Đằng này khác. Hòa bình. Ở Hà Nội đầy những quyến rũ, những người Bắc có gia đình đầm ấm, Tết nhất sum họp, anh em miền Nam thui thủi một mình, xa vợ xa con, xa cha mẹ, túng thiếu, bo bíu, đi chơi rồi lại về cơ quan…” (nhật ký ngày 13.2.1957).
“Hãy nói với nhau những lời gắn bó”
Bài tùy bút Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng (viết vào tháng 11.1956) được triển khai theo kiểu thấy gì ghi nấy, hay đúng hơn, nghĩ gì ghi nấy. Ở đây không có một bố cục chặt chẽ nào, một sắp xếp lớp lang nào, mà chỉ tuân theo năng lực quan sát, khả năng tư duy của tác giả và dòng cảm xúc được thăng hoa. Với những gì ta biết về nhà văn qua mấy đoạn trích nói trên, dễ hiểu là Nguyễn Huy Tưởng đã dành những lời đằm thắm nhất, giàu cảm thông nhất và cũng thiết tha nhất trong tùy bút của mình để nhắc đến những đồng bào, cán bộ miền Nam tập kết, qua đó bày tỏ khát vọng về sự thống nhất đất nước, đó vừa là tình cảm tự nhiên của một người dân nước Việt như ông, vừa là sứ mệnh của một người cầm bút mà ông luôn ý thức.
Xin được dẫn một đoạn trong bài tùy bút của ông:
“Đồng bào, bộ đội, cán bộ miền Nam, người đi, người ngồi, người đứng, chật ních cả bên bờ phía Thị chính. Đây là miền Nam thân yêu thu gọn lại. Nghe líu ríu tiếng nói của Sài Gòn, của Thừa Thiên, của Quảng Ngãi… Một bà già tóc bạc ngồi trên ghế dáng đợi chờ. Có thể đây là một người mẹ chiến sĩ, mà chúng ta vẫn cảm phục tấm lòng thương yêu chất phác và nóng hổi. Tưởng như mẹ chờ đứa con nuôi mà bà đã che chở và động viên trong những ngày kháng chiến đầy chông gai, nguy hiểm. Một người chồng bộ đội cao lớn đón đứa con trong tay người vợ nhỏ bé, dịu dàng. Một lũ thanh niên nhảy xổ lại ôm lấy nhau, với cái cười nói hồn nhiên của người Nam Bộ… Phảng phất đâu đây rừng dừa Bình Định, kênh rạch Đồng Tháp Mười. Mưa đã tạnh. Nước hồ phẳng lặng. Tháp Rùa trắng mốc, sừng sững trên đám cỏ xanh như vừa nhô lên khỏi mặt nước. Cây xanh sẫm um tùm rủ bóng, bao bọc lấy hồ, và mở quang ra phía Cầu Gỗ, như đón lấy phố xá trắng, đỏ, vàng. Cuộc đời nhộn nhịp chung quanh, tới hồ trở nên êm ả. Cảnh thiên nhiên vẫn gợi một cái gì yên tĩnh, thuận chiều cho suy tưởng, cho tâm sự, cho hẹn hò. Con mắt bị tù trong phố xá, đến đây được phóng ra xa rộng. Tôi đứng nhìn một cảnh tượng. Sau dãy hàng hoa, tựa lưng vào một cây cổ thụ bên bờ, một người đàn bà quần đen, áo đen, đứng một mình, mặt hướng ra hồ, mắt đăm đăm nhìn đi đâu xa lắm. Chị đang nghĩ đến chồng, đến con, hay cha mẹ, anh em? Họ còn sống hay đã mất rồi? Họ đang làm gì hay cũng đang nghĩ tới chị? Hay trong ngày trở lạnh của miền Bắc, trong lúc xăn xăn làn da không quen chịu rét, chị xao xuyến nhớ đến xóm làng nóng bức ở xa tít miền Nam? Trán nhăn lại làm ngậm ngùi nét mặt còn trẻ. Chị bạn ơi, chúng ta hãy nói với nhau những lời tin tưởng. Tổ quốc Việt Nam của chúng ta thế nào cũng thống nhất. Chẳng có một sự chia rẽ nào tồn tại. Những kẻ chia rẽ cuối cùng chỉ chuốc lấy cái nhục vào thân. Chúng ta hãy nói với nhau những lời gắn bó. Cánh tay của triệu triệu đồng bào hãy dang ra đón lấy nhau… Nhiều nhiệt tình hơn nữa! Nhiều cảm thông hơn nữa! Hãy dập tắt mọi cổ động oán thù! Bờ sông Bến Hải sát lại! Tiếng nói thống nhất hãy cất lên, át hẳn những lời phỉnh phờ chia rẽ! Anh chị em trong Nam, ngoài Bắc, có nghe thấy không, tiếng gọi đau thương của Tổ quốc? Hãy chỉ nghe tiếng gọi đó, tiếng gọi của tất cả chúng ta!”.
Có thể đã có thời bài tùy bút Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng bị hiểu nhầm hiểu lệch, nhưng tình cảm đối với miền Nam của ông thì luôn được trân trọng. Gần ba mươi năm sau bài tùy bút nói trên, thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên ông cho một đường phố của mình, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng. Nhân dịp này, nhà văn Đoàn Giỏi đã viết một bài về ông để giới thiệu với bạn đọc thành phố – bài viết có tiêu đề “Nguyễn Huy Tưởng – một người thầy, một người bạn, một người anh”. Và tác giả Đất rừng phương Nam đã tìm đến đường Nguyễn Huy Tưởng để tâm sự cùng ông. Sau khi nhắc tới nguyện ước được “vô Nam” của bậc đàn anh, nhà văn Đoàn Giỏi viết: “Thôi thì cứ xem như Nguyễn Huy Tưởng đã có mặt ở đây, mà còn ở lại với đồng bào Sài Gòn và anh em chúng tôi mãi mãi rồi”…
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) sinh ra ở một làng quê nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Tùy bút Một ngày chủ nhật của ông vẫn luôn được xem là có tính phản biện xã hội, với âm hưởng chủ đạo là phê phán. Song còn có một dòng cảm xúc khác ở bài tùy bút, có thể thâm trầm hơn nhưng chắc chắn là một nhu cầu, một khát khao bày tỏ không kém mãnh liệt của tác giả – khát vọng về sự thống nhất Bắc – Nam!.
3/5/2021
Nguyễn Huy Thắng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...