Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Vòm trời của mẹ

Vòm trời của mẹ

Tôi cầm nắm nhang dâng từng ngôi mộ rồi dừng lại trước ngôi mộ có gắn bia khắc tên bác Dệu. Tấm bia bằng đá xám, uốn cong như vòm trời. Tôi nhấc máy điện thoại cho mẹ…
– Mày vào Nam, nhớ ghé qua nghĩa trang C xem bia mộ của bác Dệu có làm sao không, rồi thắp cho bác ấy nén nhang nhá.
Bao nhiêu lần tôi sửa soạn đi Nam thì bấy nhiêu lần mẹ dặn tôi vậy. Đang lúc tất bật chuẩn bị đi cho kịp xe, tôi đáp nhấm nhẳng:
– Nghĩa trang liệt sĩ, ngày nào chả có người hương khói, mẹ lo làm gì, con làm việc cách xa đấy cả trăm cây số, đường lại khó đi, tính thời gian có khi mất đẫy một ngày mới đủ đi về.
Tôi nói vậy chỉ để đỡ phải nghe mẹ nói đi nói lại mãi một câu như thế chứ thực tình, lần nào vào Nam tôi cũng cố gắng tìm cơ hội đến C thắp nhang cho bác Dệu. Nào ngờ, đáp lại cái lời nhấm nhẳng của con gái, mẹ tôi dân dấn nước mắt:
– Mấy trăm cây cũng còn gần hơn từ đây vào đấy… mà thôi, các chị có biết ông ấy đâu mà hương với khói.
Các chị có biết ông ấy đâu… Chẳng lẽ tôi lại cãi là con biết thừa, con biết bác Dệu từ lúc con còn bé tí tẹo, con không thể nhớ nổi lần đầu tiên con biết bác ấy là lúc nào, chỉ biết từ bé đến lớn, bác Dệu đã ở đầy trong đầu con rồi. Là vì đêm nào ngủ cùng bà, bà cũng móc cái ảnh đen trắng gói trong tờ lịch bằng giấy pơ-luya cũ rích, lại cuộn mấy lượt túi bóng ra cho tôi xem rồi bảo, “mày gối lên tay bà như vầy này, chỗ này mẹ mày hay gối, chỗ này là chỗ của bác Dệu, mẹ mày với bác Dệu mỗi đứa mỗi bên như vầy này”. Bà nói rồi vỗ vỗ hai cánh tay hai bên xuống giường, có lần tôi hỏi “giờ có mỗi cháu, gối có một bên, tay bà không mỏi à?” nhưng bà bảo “mỏi gì, bác Dệu mày vẫn gối tay bà ngủ đấy chứ, bác ấy còn ru mày ngủ, phù hộ cho mày nên mày mới sống lại, rồi chỉ việc ăn mà lớn lên thôi, không như mấy đứa trẻ con quanh xóm, suốt ngày sài với đẹn”. Bà vừa nói, vừa vỗ mông cho tôi ngủ, bất kể tôi còn bé hay đã lớn, những câu chuyện tôi nghe đến thuộc làu mà có khi vẫn thấy như mới, là vì cái giọng kể của bà, lúc nào cũng bồi hồi như vừa mới xảy ra.
Tôi đóng gói xong hành lí thì xe đến, chỉ kịp bảo “Mẹ ở nhà trông cháu giúp con nhé, con đi đây” rồi leo lên xe, nhanh như thể chỉ chậm tí nữa tôi sẽ phải nghe lại cái lời nhắc nhở nghẹn cứng cổ của mẹ. Mấy năm nay mẹ yếu nhiều, không còn sức đi đâu xa nữa, ngồi ở nhà, nghe ai nhắc đến An Giang là nước mắt lại lã chã, mà tôi thì sợ nhất trên đời là nước mắt của mẹ. Nước mắt của mẹ khiến tôi nhớ đến bà. Bà chăm chút tôi từ bé, nghe mẹ nói lúc tôi chui ra, như cái đèn hoa kì, thoi thóp thở, được vài ngày thì tím tái, người nhà gói tôi vào chiếu, đặt xuống đất, nhưng bà giằng lấy, lôi tôi ra ấp vào ngực, bà bảo bà thấy tôi còn thở. Bà đón mẹ con tôi về chăm, ấp tôi như gà mái ấp con, tôi bắt đầu biết ăn dặm thì bà làm thịt cóc, mớm cơm nuôi tôi lớn.
Tôi chín tháng tuổi thì bố đi chiến tranh biên giới, không về, trong đầu óc tôi chưa có ký ức gì về bố ngoài những câu chuyện bà và mẹ kể đi kể lại hằng đêm. Tám tuổi, mẹ tôi đi bước nữa, tôi về ở hẳn với bà. Bà ít kể chuyện về bố, có thể vì bà sợ tôi tủi thân, hoặc là sợ dượng tôi phật lòng lại khổ mẹ. Vậy nên bà chỉ kể cho tôi về bác Dệu. Kể giống như ru tôi ngủ. Và câu đầu tiên bao giờ cũng là “bác Dệu mày học giỏi lắm. Lại thương bà nhất”. Kể một lúc thì mắt đầy nước. Tôi nhìn nước rơi từ mắt bà ra, như nhỏ nước muối mỗi lần tôi đau mắt, vừa cay vừa đắng, nên có lần tôi hét lên với bà rằng “cháu ghét nước mắt, cháu ghét bà khóc, bà khóc cháu không thở được…”. Cũng từ đấy, mỗi khi ngồi cùng tôi, bà không khóc nữa, ít nhất là tôi không thấy nước mắt bà chảy ra, bất kể là bà đang nói chuyện bác Dệu hay chuyện bố tôi. Những câu chuyện không đầu, không cuối cứ bập bùng trôi ra từ miệng bà như ngọn lửa gầy đun sôi nước cho bà tráng bánh.
…Bà thức đêm tráng bánh, đặt nó nằm trong ổ rơm, nó nghểnh cổ ra nhìn lò than đỏ, nhìn bà tráng bánh, mắt nó tròn như hòn bi ấy, đen mà lông mi thì dài như lông mi con gái, da nó trắng như trứng gà bóc, bà mát sữa nên nó bụ lắm, tay chân đóng ngấn như tay mày đây này, nhưng trắng hơn cơ. Cái bà Tẩm độc mồm, nhìn thấy nó là quở, quở gì không quở lại cứ quở rằng thằng này trắng như tượng ấy, tai to như tai Phật, mắt y như mắt Giê-su… bà đã bảo đừng có ví con bà như thần như thánh mà phải vía. Vậy mà cứ mở mồm ra là quở… tại bà ấy quở nên nó mới đoản mệnh vậy. Cháu bà bây giờ, ai mà quở, bà cào mặt ra, con chó cưng của bà, mắt mày đen như mắt bác Dệu vậy con ạ, ngày xưa ông mày cứ bảo mắt thằng Dệu như mắt con gái, sao bà không đẻ con gái cho nó khỏi phải đi đánh giặc… bà bảo bà thấy chửa thì đẻ chứ ai biết ông cho bà con trai hay con gái. Với lại, ai mà biết đi đánh giặc nó ác nghiệt đến vậy… Ôi dào… ai mà biết được sự thể nó thế này… mà có phải mình bà mất con đâu… Ông mày thì chỉ biết đi làm, cắm đầu cắm cổ đi làm nuôi con mà có được nuôi nữa đâu. Ông mày là thợ mộc, khéo tay lắm, toàn chạm khắc sập gụ tủ chè cho nhà giàu thôi con ạ, tiền thì nhiều nhưng ông mày sợ bị quy địa chủ thì khổ con khổ cái nên đem ném hết xuống ao. Hôm nghe tin bác mày chết, ông ấy ngồi băm nát cái ghế gụ đang chạm dở, nhà có bao nhiêu tiền mang hết ra mua gỗ đền người ta… Ông ấy mải làm nhưng rỗi một cái là chăm chút con cái đâu ra đấy. Bác Dệu mày hám ông lắm, ông đi cả tháng mới về, mà nó nhớ hơi, về đến nhà phải bế nó ngay, không thì nó khóc chói tai con ạ… Nó giống y như mày, khác mỗi cái chim… mùi nó cũng thơm vầy. Vừa nói bà vừa hít hà lên má lên cổ lên trán tôi, rồi ấp chặt tôi vào ngực…
Giọng bà kể đều đều, nhẹ nhẹ, nghe như tiếng thở, tiếng thở lúc chậm rãi, lúc ngắc ngứ, lúc hít sâu nén gì đó vào ngực rồi mới thở ra lấy hơi kể tiếp. Miếng ảnh bé xíu nằm trong lòng bàn tay khum khum, lúc thì bà mở cho tôi xem, lúc lại nắm lại, sợ tôi vô ý động tay vào làm mặt ảnh bị mờ đi. Đêm nào bà cũng kể, tôi nghe rồi ngủ còn bà thì cứ kể mãi, kể chán chê rồi lại gói ảnh vào tờ lịch bằng giấy pơ-luya, cuộn vào giấy bóng, giấu trong túi áo, gài kim băng thật kỹ cho khỏi rơi, gài kỹ nhưng khi ngủ, bà vẫn nắm tay ở vạt áo, chỉ sợ lỡ ngủ say đè lên làm gẫy ảnh.
Tôi ngồi học ở chõng, cạnh chỗ bếp bà ngồi tráng bánh. Bà tráng bánh trên miếng vải bịt miệng nồi đồng, vung to như cái nón, mỗi lần giơ gáo dừa múc bột đổ lên vải, bà lại liếc nhìn xem tôi có chăm chú học không. Bánh chín, bà lấy đũa dài khều ra, rải lên phên nứa để phơi, rồi lại múc, lại tráng. Cứ mỗi lần đổi động tác, bà lại liếc sang bàn coi tôi học. Chừng nào tôi làm xong bài, bà cuộn cái bánh vừa chín nóng hôi hổi, vừa thổi vừa đưa tôi ăn, bà có bát gạch cua chưng tóp mỡ để dành riêng cho tôi chấm, vừa ngậy vừa bùi, tôi cắn hai miếng đã hết, bà cười móm mém bảo, tiên sư bố nhà chị, con gái con lứa mà ăn hỗn như bác Dệu mày vậy, ngày trước, cứ tối nào bà tráng bánh là bê cái chõng này xuống đây ngồi, bảo, con ngồi với mẹ để mẹ tráng bánh cho vui, sư cha nó chứ, nó khéo nịnh bà vậy, chứ nó ngồi để rình bà tráng bánh ấy mà, nó thích ăn cái bánh vừa tráng đây này, bảo vừa dẻo vừa dai vừa thơm phưng phức như mùi mẹ, nó đi bắt cua về nấu canh, bà khều gạch để lại chưng tóp mỡ cho nó chấm bánh, nó bảo bánh mẹ tráng chấm với cua con bắt thì ngon hết sẩy, món ngon phải có tay của cả hai mẹ con mình… đấy, bác mày, tí tuổi mà giỏi nịnh bà vậy. “Thì cháu thấy món này cũng ngon thật mà, bà cho cháu thêm cái nữa nhá”… tôi vừa nói vừa chìa tay ra xin bà, bà cầm cái đũa gợt bánh, gõ gõ lên vai tôi như đánh đòn, mà gõ nhẹ chẳng đủ gãi ngứa, bảo, cái thói hay ăn cũng y như bác mày vậy, ăn một lại muốn ăn hai… chị cứ ngồi nguyên đấy, có quyển truyện nào thì mang ra đọc cho bà nghe rồi bà cho ăn, chấm hết cái bát màu chưng ấy là no bụng, ngủ một giấc rồi mai dậy đi học. Tôi biết bà thích nghe truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên nên cứ hôm nay đọc một đoạn truyện này thì mai lại đọc đoạn truyện kia. Mà tôi đọc vậy, chứ bà thuộc làu làu rồi, tôi đọc câu nào sai, bà nhắc lại ngay, bảo, câu ấy ngày trước bác Dệu đọc như vầy cơ mà… rồi bà tiện mồm ngâm luôn cả một đoạn truyện thơ, vừa ngâm vừa tráng bánh, tôi chỉ việc ngồi đợi bà cuộn cái bánh mới tráng nóng hổi, rồi cầm chấm nước gạch cua chưng mà ăn. Bà vừa ngâm thơ vừa múc bột, rồi xoay cái gáo dàn đều bột trên vải rồi rắc vừng, dàn thêm một gáo bột nữa lên trên, lại khều cái lớp bột mới chín ấy ra rải lên phên phơi… lần nào tay bà cũng làm bằng ấy động tác, đều tăm tắp theo nhịp đọc thơ y như đôi tay cô văn công múa ở sân kho hợp tác. Trong bóng tối, bếp lửa làm khuôn mặt bà đỏ hồng, những ngọn lửa đựng đầy trong mắt bà khiến tôi luôn nghĩ lửa vẫn có thể cháy bùng bùng trong nước.
Bà bị phong hàn nên cứ đến mùa lạnh là chân tay lại đau nhức, vậy nên để trốn rét, bà ngồi tráng bánh thâu đêm, hôm nào không tráng thì mang bánh đã phơi khô ra nướng, đóng trong túi ni-lon cho giòn để sáng ra gánh xuống chợ. Tôi nằm trong ổ rơm cạnh bếp than hồng, thi thoảng nghe thấy tiếng bà nói chuyện một mình… Mẹ ngủ ngồi mãi rồi cũng quen con ạ, chẳng rét mấy, có tí than này là ấm, chỉ thương mày nằm lạnh một mình… ai chả biết miền nam không rét, nhưng mà đất ở đâu chẳng lạnh. Rồi im lặng, cái lặng im đến nỗi tôi nghe được cả tiếng tách vỡ của viên than rụng khỏi cành củi con trong bếp và tiếng xèo rất khẽ của giọt nước trên mắt bà vừa rơi vào than tro.
Thi thoảng, bà cho tôi đi chợ bán bánh cùng. Sớm tinh mơ tôi còn ngái ngủ nên bà không bắt đi bộ, cho tôi ngồi một bên thúng, thúng bên kia bà đựng bánh, cả một chồng bánh cao gần hết dây quang mà bà vẫn phải ghì tay níu đòn gánh bên ấy xuống cho cân với thúng đựng tôi. Bà vừa đi vừa nhún, tôi sợ bà gánh nặng, đòi đi bộ, nhưng bà bảo tôi cứ ngồi yên đấy, bà gánh nặng tí đi cho ấm, với lại sương mới xuống cỏ còn ướt, nhẫm chân lên rồi lại cước hết gót như bác Dệu, bác Dệu da trắng nên mỏng, hơi lạnh tí là cước toẽ hết gót ra, vậy mà gan lì cóc tía, không chịu khóc bao giờ, lúc nào đau quá thì ra ruộng lấy bùn trát vào, nó bảo trát kín vết nứt là chân khỏi đau… nó giống máu bà, cứ lạnh là nứt gót, đau lắm chứ, bà bị rồi bà biết, vậy mà nó cứ bảo không sao… sư cha nó, lúc nào nó cũng sợ bà lo, ai thèm lo cho nó, lớn rồi thì tự mà thích nghi chứ. “Vậy sao bà không để cháu thích nghi như bác ấy?” Tôi vừa ngáp vừa hỏi, bà bảo tôi chưa đến tuổi, với lại bác ấy là con trai, con trai thì phải rắn rỏi khoẻ mạnh chứ con gái thì chẳng cần. Tôi lại hỏi bà sao bà là con gái mà làm việc suốt ngày đêm, bà bảo bà làm quen rồi, để tay chân không thì không chịu được, với lại cứ ngồi không lại nghĩ đến bác Dệu… Bác Dệu mày lúc bé cũng ngồi thúng như mày rồi bà gánh đi chợ, bà bán bánh góc này, nó sang góc kia xem ông đồ Thíu bán thuốc lào, nghe ông ấy đọc Lục Vân Tiên, đọc truyện Kiều rồi bắt chước, vậy mà nó thuộc như cháo chan, giọng nó cũng ngọt, cứ ngân nga đọc cho bà nghe suốt đường đi như vầy này. Có nó ngồi ở đầu quang đọc thơ, có mà bà gánh nó đi vào tận trong nam được ấy chứ, chả mỏi chân gì sất, lúc nó đi bà bảo để bà đi cùng với, nó bảo mẹ cứ làm như con là trẻ ranh ấy, con lớn rồi còn gì, đủ sức đi bộ đội đánh giặc rồi còn gì… đấy, đủ sức đi bộ đội mà chả chịu lấy vợ rồi hẵng đi, giá nó lấy vợ, đẻ cho bà đứa cháu nội rồi hẵng đi có tốt không… Tôi hờn bảo, vậy cháu ngoại như cháu không tốt à, bà lại mắng, sư cha nhà chị, tôi đẻ cả chục bận mà nuôi được có hai đứa lớn lên, chả lẽ tôi không được ước có đông con đông cháu à… bà nói như muốn dằn dỗi như muốn quát nạt tôi mà cái giọng cứ rần rật, chơi vơi như nhúm giẻ buộc trên cánh tay thằng bù nhìn đứng đuổi chim ngoài ruộng lúa, tiếng nói lẫn với tiếng thở và tiếng quang gánh kẽo kẹt càng kéo ghìm đôi vai bà xuống. Tôi thấy ân hận vì câu nói của mình, mới bảo, giờ bà thích nghe Kiều hay Lục Vân Tiên để cháu ngâm cho bà nghe. Bà bảo tôi ngâm Lục Vân Tiên. Thơ ngâm dũ xuất dũ kỳ, cho hay tài gái kém gì tài trai, như vầy ai lại thua ai, Vân Tiên họa lại một bài trao ra, xem thơ biết ý gần xa, mai hòa vận điểu điểu hòa vận mai… Bà nhún bước chân nhanh hơn, cái thúng tôi ngồi thi thoảng lại chùng xuống, quệt lên cỏ. Tôi nghe rõ tiếng bà thở dài, rồi bà lại kể. Giá mà bác Dệu mày về mà lấy cái con bé Thương thì tốt quá, nó là con gái ông đồ Thíu, con bé hơi ngăm ngăm tí nhưng khéo gái lắm, lại ngoan ngoãn, hay lam hay làm, nó được học chữ từ tấm bé nên cũng đối đáp ra trò. Bà chỉ ước hỏi được nó cho bác Dệu. Hồi ấy, người ta cấm các ông đồ dạy chữ tàu, với lại có trường học rồi không ai còn học chữ tàu nữa, nhà ông Thíu có nghề bật bông, bà gửi bác Dệu sang đấy học, nhà người ta có chữ, lại có cô con gái nết na, gần gũi người ta mà học cái lễ cái nghĩa, hai đứa được ông đồ dạy chữ, thi thoảng cũng đối đáp thơ văn với nhau như Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên ấy, chỉ tiếc chúng nó còn trẻ con, lúc bác Dệu chuẩn bị đi bộ đội, bà nhướm hỏi, bác mày bảo để bác mày đi đánh giặc về đã, mới có mười bảy tuổi, vợ con gì, bà cũng chẳng dám hỏi nó với con bé Thương có quý mến nhau không, nhưng hôm bác Dệu đi, bà thấy con bé đưa cho quyển sách, bảo ông đồ cho, mang đi mà đọc dọc đường cho đỡ buồn, thấy con bé bảo bố em quý anh lắm mới cho đấy… Tôi ngồi yên cho bà kể, bà kể cả trăm lần rồi nên tôi biết bà nói cho đỡ nhạt miệng vậy chứ cũng chẳng cần biết tôi có nghe không. Đến cổng chợ, bà chỉ cái lều ngay sát cổng bảo, ông đồ Thíu hay ngồi chỗ này này, từ hồi ông ấy chết, bà đồ cũng không đi chợ nữa, già cả rồi. Con bé Thương lấy chồng trên tỉnh, thi thoảng dắt con về chơi, bà cứ ước giá đứa bé kia là cháu bà, nhìn hai mẹ con nó đi ngoài đường mà bà nhớ bác Dệu đứt ruột con ạ. Thì bà có cháu đây còn gì… Tôi vừa nói vừa bước ra khỏi thúng khi bà đã hạ quang gánh xuống. Bà vừa lấy chổi xể ra quét chỗ ngồi vừa nói, vẫn cái giọng chẳng phải nói cho tôi nghe… Người ta con đàn cháu đống, bà đẻ cả chục bận nuôi được hai đứa lớn lên thì lại mất một đứa vì bom với đạn, còn cái con mẹ mày, bà bảo đẻ cho bà vài đứa cháu bà nuôi thì cứ dùn dắng mãi mới chịu đi bước nữa mà đẻ thêm có mỗi một đứa, mai ngày mày lớn lên, lấy chồng đẻ cho bà một đàn chắt nhá, bà chỉ thích đông con đông cháu thôi… Tôi bảo, mẹ cháu chỉ được đẻ hai đứa thôi bà ạ, đẻ nhiều người ta đuổi việc đấy. Bà bảo, bà biết rồi, cũng tại mẹ mày nghe bác Dệu, bác Dệu muốn mẹ mày lớn lên phải làm cô giáo, về làng mà dạy chữ cho người ta, vậy nên sống chết gì cũng đòi đi dạy học cho bằng được. Năm mẹ mày tốt nghiệp lớp mười, người ta về tận trường tuyển tiếp viên hàng không, cả xã có mỗi mẹ mày đủ tiêu chuẩn, vậy mà nhất định không đi, đòi đi học sư phạm để dạy học cơ. Rồi lúc học xong sư phạm, người ta giữ lại trường để học tiếp rồi còn định cho đi Liên Xô học nhưng mẹ mày cũng không đi, cứ khăng khăng là anh Dệu bảo con phải về làng dạy học thì con về, anh ấy mất rồi, có mỗi cái ước mơ ấy mà con không làm được cho anh con vui thì còn ra làm sao… đấy, mẹ mày nói vậy thì bà đành chịu chứ biết làm sao, mà bà cũng biết thừa, cái đêm trước hôm bác Dệu đi, hai anh em nó ngồi xay cho bà cối bột ngoài sân giếng, thằng anh bảo con em rằng thì nhà có hai anh em, bố lại đi suốt, anh đi rồi, em ở nhà chăm lo cho bố mẹ, cả làng chả ai hiếm con như mẹ, giờ còn khỏe chứ ít nữa có tuổi mà con cháu không ở gần thì tủi thân lắm. Em cố gắng học rồi làm cô giáo, về làng mà dạy học cho gần bố mẹ rồi mai này chăm sóc bố mẹ nữa, chứ anh đi bộ đội chẳng nói trước được gì, trong nam đang đánh nhau ác liệt lắm… Đấy, chúng nó tưởng nói thầm với nhau thì bà không nghe thấy chứ bà nghe được hết. Rồi mẹ mày nữa, hễ nói cái gì bà không nghe là lại lôi bác Dệu ra, bảo anh ấy viết thư dặn con phải làm thế này thế kia, rằng thì anh ấy muốn bố mẹ phải thế này thế nọ, nó biết bà mù chữ nên cứ dọa bà vậy chứ bà biết thừa, thằng anh đi bộ đội, có kịp viết thư từ gì về. Lúc chết cũng chẳng ai nhặt được cái gì, cả tiểu đội đang dàn trận mà bom nó dội xuống thì tan nát hết chứ còn cái gì… bà nuôi hết hơi, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, vậy mà bom nó nổ nhoằng một cái… Ngày tôi còn bé, mỗi lần bà kể đến đoạn ấy, thế nào bà cũng gục đầu xuống gối thấm nước mắt, hoặc là kéo vạt áo bà ba lên mắt chấm chấm, nhưng sau này, bà chỉ thở dài, khuôn mặt lạnh khô, đôi mí mắt đã sụp xuống từ bao giờ nhưng tôi biết, trong ấy vẫn đựng đầy một hồ nước, vắng tôi là tuôn ra.
Chuyến đi nam lần này là tôi đi tập huấn nghiệp vụ về bảo tàng chiến tranh do chuyên gia bảo tàng Mỹ trực tiếp giảng dạy. Sau khi nghe giảng ở hội trường, chúng tôi sẽ đi thực tế, giảng viên yêu cầu chúng tôi viết những ý tưởng hoặc suy nghĩ của mình về một bảo tàng chiến tranh. Tôi nhớ một câu giảng viên nói trong khi giảng “ở đất nước chúng tôi, di vật của những người lính rất được coi trọng, họ có thể chỉ là một phần tử rất nhỏ, thậm chí là nhỏ nhất trong hàng quân, trong trận chiến, nhưng với những người mẹ, họ là cả một bầu trời”. Tôi cắm cúi viết về bà và tấm ảnh trong vạt áo nâu của bà, cả tấm ảnh của bố trong ngăn cặp bí mật của tôi nữa…
… Tôi lớn đến đâu, lưng bà còng xuống đến đấy. Một phần vì tuổi già, phần vì tôi phải học nhiều hơn, đêm đêm không có người nghe bà kể chuyện bác Dệu, bà kể cho bóng đêm nghe, kể chán lại gục đầu xuống gối, lưng bà càng còng thêm. Năm tôi mười bảy, bà ốm nặng, tôi kê cái bàn sát giường bà ngồi học, tôi ngồi phía ngoài, quay mặt vào giường, vùi chân vào chăn của bà, bà nằm nghiêng, nhìn tôi học, bàn tay thi thoảng lại xoa xoa gót chân tôi, ram ráp và ấm như than lửa bà vẫn quạt nướng bánh ngày xưa. Tay kia, bà vẫn nắm chặt cái túi áo gài kim băng, bên trong có gói giấy đựng bức ảnh bác Dệu.
Bà càng lúc càng yếu dần rồi đi về miền miên viễn vào một ngày mùa xuân, khi hoa xoan tím nở đầy khắp con đường ngày xưa bà vẫn gánh tôi đi chợ, mẹ bảo, hôm bác Dệu lên đường, mưa xuân cũng ngậm đầy hoa xoan tím. Lúc thay áo để nhập quan, bàn tay bà vẫn nắm chắc vạt áo đựng tấm ảnh đen trắng nhỏ xíu của bác tôi…
Còn tôi, tôi cũng có một bảo tàng của riêng mình, đó là ngăn cặp bí mật mà tôi luôn tự khâu thêm cho mình chỉ để đựng tấm ảnh của bố, tấm ảnh cắt ra từ bức ảnh cưới hiếm hoi của bố mẹ theo yêu cầu của dượng. Những lúc không có bà bên cạnh, tôi vẫn thường nói chuyện với bố trong ngăn cặp bí mật ấy.
Tôi nộp bài sớm để xin phép ngày hôm sau tách đoàn đi việc riêng, vì những điểm đến của đoàn tôi đã từng đến nhiều lần.
Tôi đến nghĩa trang C.
Nghĩa trang nằm ven con đường trục chính của tứ giác Long Xuyên, hai bên vẫn là hai cây đại to lớn khúc khuỷu, cây đại tôi thấy trồng khắp nơi, nhưng ở góc nghĩa trang này, nhìn cành nó chìa ra, tôi cứ cảm giác như mấy cành cây ấy ghép bằng những khúc xương người, khẳng khiu, trắng lạnh, dưới ánh nắng phương nam, màu trắng càng khô hanh hơn.
Bác gác cổng nhận ra tôi, không giấu được nỗi ái ngại, lặng lẽ châm cho tôi một bó hương, vừa châm lửa vừa khẽ bảo:
– Cô thông cảm, chúng tôi…
– Con hiểu mà bác! Con tới K93, con nghe các anh ấy kể chuyện rồi, cái quãng bác con chiến đấu ngày ấy, chỉ còn đất thôi bác ạ. Mẹ con giờ già yếu rồi, chắc cũng không nằng nặc đòi mang hài cốt bác con về nữa đâu, có dòng tên để bác con được hiên ngang trong hàng ngũ ở nơi này, là gia đình con vui rồi bác ạ.
– Dù sao thì chúng tôi vẫn cố…
– Vâng, con hiểu ạ… đất nước mình ở đâu cũng có máu thịt của những người anh em máu mủ ruột rà. Chả giấu gì bác, cái lần đầu tiên con đến An Giang, con cứ nghĩ là con về quê chứ không phải là đến vùng đất mới bác ạ. Bây giờ cũng vậy, con chưa khi nào thấy nơi này xa lạ, cứ như thể con sinh ra từ nơi này ấy…
– Chị thông cảm, chúng tôi biết là…
– Dạ con hiểu… Tôi biết bác quản trang nói đến tấm bia mộ, hồi mẹ tôi chắt chiu đủ tiền vào C tìm mộ bác Dệu nhưng đi cả ngày, đếm đọc từng tấm bia, không tìm thấy tấm bia có tên bác Dệu mà chỉ thấy trong sổ quản trang, bác quản trang đã ghi lại thông tin của mẹ và hẹn nếu tìm được hài cốt sẽ báo cho gia đình. Năm năm sau, không đợi được thông tin của nghĩa trang, mẹ tôi lại vào C, bà đã ngồi chết lặng ôm tấm bia khắc tên bác Dệu, tôi bảo, các bác ấy hy sinh rồi mà vẫn xếp hàng ngay ngắn như chuẩn bị hành quân ra trận ấy, mẹ để bác ở đây với đồng đội cho ấm cúng nhé. Tôi nói vậy vì những câu chuyện nằm dưới tấm bia, cả tôi và bác quản trang đều biết rõ, và chúng tôi đều hiểu được tình cảnh của nhau.
Tôi cầm nắm nhang dâng từng ngôi mộ rồi dừng lại trước ngôi mộ có gắn bia khắc tên bác Dệu. Tấm bia bằng đá xám, uốn cong như vòm trời. Tôi nhấc máy điện thoại cho mẹ:
– Mẹ à, con đang đứng thắp hương ở mộ bác Dệu đây, ngôi mộ nhỏ xinh, sạch đẹp, lúc nào cũng có hoa đại trắng nở thơm ngát.
Giọng mẹ đựng đầy nước mắt:
– Vậy là mẹ mừng rồi, để mẹ lên bàn thờ nói chuyện cho bà yên tâm
Tôi định bảo, bà xuống đấy thế nào chẳng gặp bác, nhưng lại thôi, vì nhớ ra có lần mẹ nói, mẹ mơ thấy bà về bảo bác Dệu vẫn đi đánh giặc, bà chưa tìm gặp được… Tôi chào mẹ rồi tắt máy, tựa lưng vào gốc đại già, mở ngăn xép của túi xách, mang hai tấm ảnh ra xem, một tấm ảnh bố, một tấm ảnh bác Dệu, tôi đã lấy được khi mọi người thay áo quan cho bà, tôi không muốn bà mang tất cả về lòng đất, đó không phải là bầu trời của riêng bà.
Tạm biệt bác quản trang, tạm biệt những người lính, tôi bước ra đường cái vẫn ngoảnh đầu nhìn lại những tấm bia uốn cong như vòm trời, thiêm thiếp dưới gốc hoa đại trắng. Trời chiều đổ xuống kinh Vĩnh Tế một cốc nước tím sẫm, loang dần thành mảnh khăn lụa, lặng lẽ chảy về biển Đông. Trong vô số hạt phù sa chảy trong các dòng nước dồn về Cửu Long giang, tràn ra biển đông rồi hòa lẫn với sông Hồng, thế nào chả có hạt phù sa của bác tôi, hạt phù sa ấy cũng sẽ bồi về sông Đáy, chảy về những cánh đồng quê tôi, nơi ông bà tôi và sau này cả bố mẹ tôi, chúng tôi, con cháu của chúng tôi nữa, vẫn đợi bác Dệu về.
An Giang, 30/4/2017
Vũ Thanh Lịch
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...