Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

 

Chim họa mi đã hóa thành một loài cúc dại

“Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp/ Nhớ một lần ông ghé Vinh/ Bạn đọc vây lấy ông hỏi về tác phẩm/ Ông chỉ khẽ cười trả lời qua quít/ Dường như đánh đường vào đây không phải để bàn về tác phẩm của mình/ Đất Nghệ can qua/ Đất Nghệ cơ cực/ Người Nghệ yêu thi thư/ Người Nghệ gàn, cũng sẵn sàng chết vì nghĩa lớn/ Ông vào để xem, để ngẫm về tất cả?”. Từ kỷ niệm với Nguyễn Huy Thiệp mà thể hiện tính cách một nhà văn tài năng, nghiệm sinh bề dày văn hóa truyền thống xứ Nghệ, cũng như qua lời dạy của các cụ ngày xưa mà Nguyễn Văn Hùng ngẫm nghĩ về vẻ đẹp thi ca: “Dân thơ, tôi chỉ mong/ Ngồi sát nhau và đọc.// Thơ thấm đời lao nhọc/ Thơ ấm hơi bạn bè// Những câu thơ thật tỉnh/ Cả những bài thơ mê…”. Cái sâu sắc ấy chỉ có được bằng sự trải nghiệm phong phú đời sống và lặng lẽ hóa thân vô ngôn vào từng con chữ như chim họa mi hóa thành loài cúc dại “Trong trắng và hư vô/ Từ ngàn xưa lưu lạc tới giờ…”. (PH)

CÚC HỌA MI

Có phải đợi mãi

Gọi mãi

Không ai trả lời

Chim họa mi đã hóa thành một loài cúc dại

Trong trắng và hư vô

Từ ngàn xưa lưu lạc tới giờ…

 

– Ai mua cúc họa mi không?

Tôi ngoái nhìn người rao mà chực khóc

Cho những điều chẳng bao giờ gặp!

 

LÀM BÙN

 

Làm lá sen

Không khó

Làm hoa sen

Khó hơn

Khó nhất vẫn làm… bùn!

 

Anh phải chìm sâu, hoai ngấu đến độ nào

Phải nhẫn nhịn, vô danh đến đâu

(Tóm lại, anh phải thật chính anh ở chỗ tuyệt vời)

Mới có cái cho sen bám vào và vút lên cao

Vỗ ngực trước toàn thế giới:

“Vâng, tôi rất gần bùn, tôi trộn vào bùn nhơ

Mà chẳng thể nào hôi tanh nổi?!”.

 

CÁC CỤ XƯA DẶN LẠI

 

Các cụ xưa dặn lại

Thơ thiêng lắm, đừng đùa.

 

Vì thơ kẻ hộc máu,

Tiếng thơm cũng nơi thơ.

 

Dân làm ruộng trông mưa,

Dân đốt than trông rét.

 

Dân thơ, tôi chỉ mong,

Ngồi sát nhau và đọc.

 

Thơ thấm đời lao nhọc,

Thơ ấm hơi bạn bè.

 

Những câu thơ thật tỉnh,

Cả những bài thơ mê…

 

Các cụ xưa dặn lại,

Đêm đêm tôi còn nghe!

A basket of white flowers

Description automatically generated

BÚP BÊ HẠ GIÁ

 

Con Búp bê ngồi trầm ngâm gì

Trên chiếc bình giả cổ.

 

Bà ngoại mua nó trên phố

Giá hạ bất ngờ

Giá rẻ bất ngờ mà lại đẹp

Cái đẹp đang đại hạ giá, bạn ơi!

 

Hình như trẻ con bây giờ ít thích Búp bê

Hay do người ta sản xuất quá nhiều

Không biết nữa

Chắc chắn nhiều cái đẹp đang bị hạ giá

Trên đường phố mỗi ngày

(Cả ở đâu đó nhan nhản trên Trái đất)

Đại hạ giá thì ai cũng thích

Nhưng cái đẹp khi đã rẻ rúng thì buồn làm sao!

 

Bà ngoại ngồi nhìn Búp bê trên cao

Búp bê ngồi buồn nhìn chỗ khác

Đứa cháu gái ôm Búp bê lại nhìn vào một chỗ khác nữa

Đến lượt tôi, không biết nhìn vào đâu?

 

GHI Ở ĐỀN THỜ LIỆT SỸ HÀM RỒNG

 

Chiều trong veo và yên tĩnh lạ

Trèo hơn trăm bậc đá lên đây để được lặng thế này

Cả tòa đền vời vợi cao, những phù điêu đang kể về máu xương quá vãng

Quá vãng thành hữu nơi đây.

 

Thiếu phụ chẳng khác một quả phụ sót lại từ thuở nào

Gầy guộc ngồi góc đền kia thắp nến trao huơng cho khách viếng

Chị lặng lẽ như gạch ngói sớm chiều nâng tình người bịn rịn

Mất mát vô danh thành gió thổi liên hồi.

 

Muốn hỏi đôi điều rồi thôi

Nói gì thêm khi ở đây mọi nhân danh, chúc tụng, mong cầu dễ trở nên thừa thãi

Bước khẽ ra lan can những kẻ cầm bút chúng tôi nhìn xuống

Phố xe vô tình cuồn cuộn mưu sinh

May, giữ dáng cho quê ta còn đó cầu Hàm Rồng, thông xanh núi Ngọc…

 

TIỄN CHÚ SẮP SANG NGA

(Gửi chú Nguyễn Văn Quý)

 

Mốt mai sang tận nước Nga,

Mang theo mự với tuổi già kề bên.

 

Cả hai đều nặng bệnh nền,

Cho nên Co-vid giữ gìn đấy nha.

 

Gái trai bên đó ba nhà,

Hình dung như thế sẽ là rất vui.

 

Nhưng xa Tổ quốc, chú ơi,

Bao nhiêu cái chẳng như nơi xứ mình.

 

Cái ăn, cái mặc, cái tình,

Mới đầu tưởng dễ sau hình như không…

 

Sáng nay khấn tạ tổ tông,

Mâm cơm đãi cháu, mự cùng sẻ vui.

 

Nắm tay chú chỉ lặng cười,

Bàn tay thợ suốt một đời, giờ run!

 

NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhớ một lần ông ghé Vinh

Bạn đọc vây lấy ông hỏi về tác phẩm

Ông chỉ khẽ cười trả lời qua quít

Dường như đánh đường vào đây không phải để bàn về tác phẩm của mình

Đất Nghệ can qua

Đất Nghệ cơ cực

Người Nghệ yêu thi thư

Người Nghệ gàn, cũng sẵn sàng chết vì nghĩa lớn

Ông vào để xem, để ngẫm về tất cả?

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Của Tướng về hưu

Của Phẩm tiết

Của Chảy đi sông ơi

“Không thể tin vào con người,

Nhưng cuối cùng, không thể không tin mà sống”

Có lần nhà văn thốt lên hơn một niềm cay đắng

Xuống tận đáy nỗi người mới đến được yêu tin.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Bao nhiêu bạn đọc ngả mũ cúi đầu nghe tin ông qua đời lúc bốn giờ ba mươi phút, ngày Hai mươi tháng Ba

Ôi, cái ngày này Nhân loại chọn làm Ngày Hạnh Phúc

Không thể tin vào Hạnh Phúc

Nhưng cuối cùng, không thể không tin!.

Vinh, 21/3/2021

Nguyễn Văn Hùng 

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...