Đề tài trào phúng trong văn học hiện nay: Đã ló rạng nhưng chưa thành dòng
Dân tộc ta cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới rất
chuộng tiếng cười, chất hài trong cuộc sống. Thích đọc, thích xem các thể loại
hài trong văn chương nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên các truyện Trạng Quỳnh,
Trạng lợn, Ba Giai Tú xuất, thơ Hồ Xuân Hương… được lưu truyền và yêu mến trong
người đọc từ sĩ phu đến người lao động.
Từ xưa đến nay, bất kì trong thời kì nào, dòng văn hài vẫn xuất hiện và có lượng người đọc đông đảo. Kế thừa dòng văn học hài của các thế kỉ trước như Tú Xương và ngay cả Nguyễn Khuyến với những tác phẩm có âm hưởng trữ tình là chính, vẫn ló ra những nét hài đích thực. (Nét hài đó như kịch tác giả hài lớn của sân khấu nước ta là Lộng Chương tác giả kiệt tác “Quẫn” đã nói “cái hài đích thực là sau tiếng cười là tiếng thở dài và tiếng khóc”). Thời cận đại văn học nước ta cũng có những đại biểu văn chương hài lớn như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tú Mỡ, Đồ Phồn…
Cách đây 4 thập niên, các thể loại hài vẫn có sức sống mãnh
liệt. Đài Phát thanh có tiết mục “Thợ xây kể chuyện” với các tiểu phẩm, chuyện
kể hài phê phán những thói hư tật xấu trong đời sống và trong quản lý kinh tế.
Nhiều trang báo có mục thơ và tranh đả kích, châm biếm với các tác giả đình đám
như Thợ Rèn, Phấn Đấu, Tú Sụn, Nguyễn Nghiêm…
Trong lá thư gửi cho tôi vào ngày 29/3/1973, nhà văn Nguyễn
Công Hoan đã động viên cây bút trẻ: “hiện nay các báo cũng rất khuyến khích để
in những truyện ngắn vui, hài hước, nên việc anh viết những chuyện hài là rất
đáng khích lệ”.
Trong văn chương năm 1984, tập truyện dịch hài “Những người
thích đùa” của A Sít Nê Sin trở thành một hiện tượng văn chương. Cũng năm đó
Nhà xuất bản Hà Nội cũng cho in tập truyện hài “Chuyện cái vòi nước” (Pa nô bìa
cuốn hài này được phóng to đặt trước sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội trong Hội nghị nhà
văn trẻ năm đó) và tác phẩm đầu tay của người viết bài này, cùng một số tập
chuyện hài của Lê văn Nghĩa “Chuyện chán phèo”, “Hạt bụi bên nhau”.
Đến 1990, nhà văn Đắc Trung biên tập viên Nhà xuất bản Thanh
Niên có kế hoạch kí kết một hợp đồng xuất bản một loạt tập truyện ngắn hài với
tác giả “Chuyện cái vòi nước”, nhưng mới ra được tập đầu nhan đề “Cười dành cho
tất cả “thì hợp đồng chấm dứt. Có thể coi sự chấm dứt này là một báo động cho
việc vắng dòng hài trong các thể loại văn nghệ nước ta.
Vậy là trên dưới ba thập niên nay có thể nói các thể loại văn
nghệ hài chính thống, hài có sức nặng nghệ thuật gần như bị quên lãng. Trong
sân khấu chính thống hầu như không có một vở kịch dài nào mang danh hài trừ Nhà
hát Tuổi trẻ vẫn nhẫn nại và độc tôn trong làng sân khấu cả nước ta thỉnh thoảng
cho diễn những chùm hài ngắn.
Sân khấu phía Nam thì ưa chuộng hài thị trường. Trong điện ảnh
tình trạng hài thị trường, hài nhạt, hài lãng xẹt này cũng tương tự. May ra được
bộ phim hài lấy truyện dân gian “Thằng Bờm” từ thời diễn viên hài Trịnh Thịnh
tham gia, nhưng lại vấp phải hạt sạn khai thác một cách thiếu hợp lý.
Các mục thơ vui, thơ hài hước, thơ châm biếm trên các mặt báo
nếu tôi không nhầm cũng không còn tồn tại. Trên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN),
mục “Thợ xây kể chuyện” cũng khai tử. Còn trong văn chương thì thật hiếm hoi và
lác đác, kim nhật kim thì trên báo xuất hiện truyện ngắn có hơi hướng hài của
Lê Văn Nghĩa, Bích Ngân…
Nhưng như mở đầu bài viết này tôi đã khẳng định. Dân Việt ta
rất chuộng tiếng cười, chuộng hài, vì thế rất thích đọc và xem những tác phẩm
hài và mang tính hài. Nắm bắt được nhu cầu này nên vào thời gian cuối năm, nhất
là thời khắc sắp giao thừa hàng năm Đài THVN cho mở các tiết mục mang tính chất
hài nổi tiếng và được đông đảo khán giả chờ mong, nhất là “Gặp gỡ cuối năm”
(nâng cao từ tiết mục “Gặp gỡ cuối tuần” và trong gần chục năm nay, tiết mục
hài này mang tên “Táo cuối năm chầu Ngọc Hoàng”.
Còn các nhà làm phim tư nhân thì mỗi khi Tết đến xuân về lại
cho ra hàng loạt các tiểu phẩm, kịch ngắn hài in thành đĩa bán, phát trên
Youtube. Để rồi trở thành thường lệ, mỗi khi xuân đến sau hàng loạt tiểu phẩm,
kịch ngắn hài đó là cơn bão của báo chí phê phán tình trạng “hài nhảm, hài lố
lăng” lại xuất hiện.
Kể ra cũng đúng thôi, vì tay nghề của những tiểu phẩm, hài kịch
này đều mắc nhiều yếu tố khiến các băng hài này chỉ tạo ra những tiếng cười cơ
giới, bản năng, thiếu nghệ thuật. Các yếu tố này bắt đầu từ sự thiếu đầu tư cẩn
thận, từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn xuất đến quản lý. Gần như năm nào, các
nhà làm băng cười dịp Tết cũng khai thác chuyện “Lý toét, Xã xệ”. “Xã trưởng –
mẹ đốp”, làm đi làm lại “Những người ngựa, ngựa người”, “Chí Phèo – Thị Nở”, “Đại
gia chân đất”,”Chân dài lắm chiêu”… với các chiêu trò dung tục, ngô nghê…
Mặc dù hạn chế về mặt nghệ thuật là vậy những băng hài phát
hành trong dịp Tết vẫn bán chạy, hiện tượng các nghệ sĩ có cách diễn hài vẫn đắt
khách khi được mời diễn cho các đĩa hài đã thêm một lần nói lên thực trạng “nhu
cầu về hài của dân ta đang không được phục vụ một cách đúng mức, nếu không muốn
nói là bị thả nổi”.
Nhắc lại một thực trạng này để thấy rằng trên dưới ba mươi
năm nay, nền văn nghệ chính thống của ta thiếu hẳn dòng chảy của thể loại hài mặc
dù nhu cầu về hài vẫn đang tồn tại trong sự thưởng thức cả xem và đọc của dân
ta. Chính vì thế hai Đại Hội của hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 và Hội Nhà văn
Hà Nội lần thứ 11 trong góp ý của mình về bản báo cáo nhiệm kì của Chủ tịch Hội
với tư cách là một nhà văn, một đại biểu chính thức, tôi đã nhấn mạnh về tình
trạng thiếu mảng hài trong văn chương nước ta.
Rất may thời gian vài ba năm trở lại đây, một phần để đáp ứng
nhu cầu cần hài của người đọc, người xem, cũng như sức mạnh tự thân của dòng
hài đã quay trở lại và bước đầu đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng.
Nếu hài trong sân khấu chính thống vẫn chỉ dừng ở những chùm
kịch ngắn hài khoanh lại ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Các báo đã bắt đầu in những truyện
ngắn, tiểu phẩm hài như Báo Văn nghệ Công an có chùm truyện hài đa phần là dịch
của nước ngoài, Báo Lao Động có mục “truyện ngắn cuối tuần” đã xuất hiện
truyện ngắn hài như “Giải cứu nàng Ma nơ canh”,” Ghi chép văn chương của cô bán
bún chả”… Gần đây trong cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” của Báo
Nông thôn ngày nay đã in truyện dự thi hài” Người bắt ruồi giỏi nhất quả đất”…
Còn trong văn chương. Ở phía Nam nếu Lê Văn Nghĩa được mặc định là nhà văn trào
phúng thì vào độ tuổi U90 chất hài trong ông đang dần chuyển sang những tác phẩm
mang dấu hồi kí như cuốn truyện đầy hồi ức “Mùa hè năm Pê trút kí “, hay những
kỉ niệm như tập “Tụi lớp nhất Bình Tây, cây viết máy và con chó”, thì nhà văn –
Nhà viết kịch Bích Ngân lại nổi lên như một nhà văn ưa thích và có năng khiếu về
truyện ngắn hài hước. Chỉ vài ba năm gần đây, tác giả “Thế giới xô lệch” liên tục
cho ra mắt ba tập truyện ngắn hài “Trăng mật ở đảo”, “Cái đầu siêu định vị” và
“Anh nhớ em muốn chết”.
Còn văn chương phía Bắc sau vài ba chục năm hầu như không có
tác phẩm hài nào được in, trừ năm 2010 có hai tiểu thuyết hài của cùng một
tác giả là “Năm hào đi qua ba thành phố” và “Tây tây, ta ta” in trong một tập của
một tuyển tác giả thì liền trong hai ba năm gần đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn
liên tiếp cho ra những tác phẩm hài trong đó đáng kể nhất là ba tiểu thuyết
“Kim cổ kì quặc” của Trần Nhương, “Chuyện nhà Phỏm” của Đỗ Hàn và “Con người
máy” của Nguyễn Trọng Huân.
Nếu “Kim cổ kì quặc” được viết dưới bút pháp phúng dụ để chạm
đến những vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay và biện pháp đồng hiện và tuỳ
hứng của Trần Nhương cũng có những đóng góp ít nhiều về nghệ thuật xử lý thời
gian trong tiểu thuyết hài hước. Còn “Chuyện của Phỏm” thì tuy còn mang nặng chất
tiểu phẩm hài báo chí, phản ánh tức thời hiện tượng xã hội nhưng Đỗ Hàn đã khéo
léo khâu lại thành một mạch thông qua nhân vật trung tâm có tên là Phỏm.
Riêng cuốn “Con người máy” theo tôi là một tiểu thuyết hài
thành công khi nhà văn Nguyễn Trọng Huân đã biết đẩy những thủ pháp hài đã từng
có trong các tập truyện ngắn trước đây của ông lên đỉnh cao, tập trung và có sự
gắn bó hữu cơ. Với bốn chương ngắn gọn, tiếng cười, sự hài hước và châm biếm được
tác giả chủ động sử dụng, biến hoá đã mang lại những điểm nhấn về thông điệp
con người trong thời buổi khoa học kĩ thuật. Tiểu thuyết “Con người máy” đáng
được ghi nhận là tác phẩm văn học đầu tiên của giai đoạn cách mạng 4.0
Wiliam James có câu nói rất hay “Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta cười”. Điểm qua vài tác phẩm văn học hài xuất hiện gần đây, đã ghi nhận dòng văn học hài trở lại, tuy còn thưa thớt chưa tạo thành dòng và nhất là chưa tạo được ấn tượng mạnh trong sự chú ý của dư luận độc giả nhưng sự trở về này thêm một lần khẳng định sự đổi mới và sức sống của nền văn chương và nghệ thuật nước ta trong giai đoạn mới.
11/4/2021
Nguyễn Hiếu
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét