Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Cái hạt

Cái hạt

Phiên tòa thành phố. Trước vành móng ngựa là một chàng trai chừng hai nhăm tuổi, mặt xanh gầy, vô cảm. Chánh án, một người rất có tư thế, đang tuyên đọc:
-... Nạn nhân là người đã gia ơn tìm công ăn việc làm cho bị cáo, vì tận tình muốn giúp bị cáo đi vào con đường đúng đắn đã bị y làm chết. Bị cáo phạm tội cố sát. Căn cứ vào điều... bộ luật hình sự, toà tuyên phạt bị cáo Lê Hân - ông ta ngừng một tí rồi dằn giọng - tử hình!
Vang lên trong phòng xử án đang im phăng phắc một tiếng kêu như một tiếng nấc nghẹn:
- Trời ơi! Ông chánh án ơi! Ông giết con ông đó.
Chuỗi tiếng kêu díu vào nhau dồn vào hai từ "trời" và "giết".
Trong một góc khuất và hơi tối của phòng xử án, mẹ bị cáo, người vừa thốt lên những lời xé ruột kia, thỉu người đổ nghiêng vào bà bạn ngồi cạnh vừa kịp đưa tay ra đỡ.
Bị cáo đứng trơ ra, cái nhìn trân trối đặt đâu đó trên mảng tường sau lưng viên chánh án.
Ở một phía khuất khác, người làm chứng, một thanh niên, mắt thất thần nhìn mấy người công an còng tay can phạm dẫn đi.
Hơn hai mươi năm về trước
Nơi cơ quan sơ tán, rìa một làng quê. Những ngôi nhà lợp nứa tạm bợ. Có hầm, hào phòng không. Chiều thứ bảy, cơ quan rất vắng vẻ. Phòng thủ trưởng bộ phận kiêm bí thư chi bộ, đồng thời là thường vụ đảng uỷ cơ quan. Cửa đóng. Từ trong phòng vọng ra tiếng nữ véo von, nũng nịu: “Anh Chính, em về đây... ”
Cảnh trong phòng. Bàn ghế làm việc đơn sơ. Vài chiếc ghế. Một chiếc giường cá nhân. Chính, trạc ngoài ba mươi, đang ôm Hanh, một chị nhân viên trẻ, người chắc lẳn.
- Em để anh chết buồn chiều thứ bảy đẹp như thế này sao? Con vợ anh đã báo trước là không về, bận chuyển cơ quan của "thị" về nơi sơ tán mới.
- Mấy hôm nay người em bẩn lắm. Em...
Có tiếng động cửa, như gõ, như lắc. Hanh vùng dậy sửa sang quần áo. Chính dõng dạc nói to:
- Ai đấy? Vào đi!
Cửa dè dặt mở ra. Một cô gái - người mẹ của bị cáo, thời trẻ - e dè hiện ra trong khuôn cửa. Trong một thoáng, Hanh đanh mặt nhìn cô gái rồi liếc xéo rất nhanh chủ nhân căn phòng, giọng vồn vã:
- A! Cô Thắm đây rồi. - Chị ta quay lại Chính, miệng nhếch cười nũng mà mắt thì đăm đăm như thăm dò, như thách thức - Anh hết buồn chiều thứ bảy nhá. Em yên tâm về.
Vẫn dán nụ cười nơi khoé miệng, chị ta quây quả đi ra. Cánh cửa tự khép lại sau lưng. Thủ trưởng Chính bình tĩnh như không, tươi tỉnh nhòm cô gái. Thắm lấy từ túi xách một gói kẹo bánh bày ra. Chủ nhà cười vui: -Ở đâu ra của quí hiếm này?
-Đứa bạn em làm ở Mậu dịch quốc doanh bánh kẹo cho.
- Hay quá! Thật đúng dịp. - Chính loe rộng cặp môi dày - Thứ hai tới, chi bộ đảng họp xét việc kết nạp em đấy Thắm ạ. Chắc chắn là xong. Anh lại ở trong thường vụ đảng uỷ, việc phê duyệt sẽ chóng vánh.
Anh ta lấy ra chai rượu rót vào hai cốc:
- Nào! Chúng mình chạm cốc trước đi là vừa. Bây giờ là đón mừng. Sau này sẽ giết gà chào mừng.
- Em không biết uống rượu. - Cô gái nói như biết lỗi- Em phải về, mẹ em chờ cơm.
- Đừng làm anh cụt hứng. Nào! Cứ nhấp một tí!
Anh ta nâng chén rượu đến tận miệng cô gái. Thắm nhắm mắt tợp một hớp. Cô rùng mình, xo vai, rụt cổ. Mặt cô bừng bừng.
- Trời ơi! - giọng Chính ngọt ngào - Em không uống rượu là một thiệt thòi to. Chưa bao giờ em đẹp như lúc này. Nhắp một chút nữa, em nhá. à, ăn một chút bánh kẹo vào là nó dịu ngay thôi mà.
Anh ta bẻ một miếng bánh đưa tận mồm Thắm, rồi lại nâng chén rượu sát môi cô. Thắm né người, nhưng người đàn ông đã quàng tay đỡ vai cô: - Một ngụm cỏn con nữa thôi mà. - Tiếng anh ta bỗng hổn hển - Sắp được kết nạp rồi... - Giọng vấp - Sắp mà. Sắp, sắp,...
Cô gái nhắp xong tí rượu người như lả đi. Chính đặt cô nằm xuống cúi nhìn chăm chăm. Thắm, mắt lờ đờ ngước lên, chợt ánh lên một nét kinh hoàng, như thảng thốt. Cô muốn vùng ngồi dậy, nhưng Chính đã dằn cô nằm xuống. Cô khép mắt lại, bên tai ong ong: "sắp, sắp, sắp,..."
Cô gái lủi thủi đi, đầu cúi gằm. Đường vắng. Trời đổ hoàng hôn. Một gốc cây cổ thụ có rễ trồi lên mặt đất, - nơi cô từng hẹn hò. Cô ngồi bệt xuống, hai tay ôm mặt. Hiện lên gương mặt Tráng, người yêu của cô. Những cảnh hồi tưởng nối tiếp nhau diễu qua trong đầu cô, trong lòng cô.
+ Buổi hẹn đầu, cả hai chưa dám ngồi xích lại gần nhau. Người ngửng mặt đếm sao, người cúi mặt vặt cỏ.
+ Lần hẹn hò sau cùng, anh báo tin nhập ngũ. Cô gục đầu vào vai anh, tức tưởi khóc. Anh nâng đầu cô lên, hôn vào đôi mắt đẫm lệ. Anh rút khăn tay lau nước mắt cho cô. "Em sẽ đợi anh chứ?". Cô gật đầu, giọng ngạt: "Vâng. Anh gắng cho em biết tin luôn".
+ Bước chân anh trên các nẻo đường hành quân và xông pha lửa đạn theo trí tưởng tượng của cô.
Gương mặt Tráng mờ dần. Mặt Chính xen vào, to và đậm dần lên với cái nhìn nghiêm nghị. Vang lên câu nói của anh ta: - Thanh niên phải biết phấn đấu cho lý tưởng, trước hết là phải biết hy sinh.
Thắm đưa tay sờ tấm lịch treo tường, mặt âu lo: "Quá hai tuần rồi!" Bất giác cô đưa tay sờ bụng. Bỗng cô ọe, rồi nôn thốc nôn tháo.
Lúc này cô đang đứng tựa gốc cây nghĩ đến tình cảnh khốn khổ của mình. Trăng rất sáng, cảnh vật như đang được ru trong những tiếng động ban đêm. Nhưng Thắm thì có vẻ chẳng nghe, chẳng thấy gì xung quanh. Một người mặc quân phục đi đến. Cách ba bước, người ấy dừng lại: - Kìa Thắm! May quá! Anh đang đi tìm em. Anh vừa về phép.
Người con trai cảm nhận ngay được: - Em lạnh à?
- Không ạ.
- Em khoác áo anh đây.
- Đừng! Anh sẽ bị cảm đấy.
- Anh chẳng sao đâu. Anh dạn dầy lắm rồi. áo này em giữ cho anh. Lần này anh được về phép để chuẩn bị đi vào chiến trường B.
- Bao giờ anh lại đi?
- Đúng sáu ngày rưỡi nữa.
Tiếng nói nội tâm Thắm: "Chỉ còn mấy ngày nữa anh ấy sẽ đi vào nơi sống chết. Nỡ nào để anh phải nghe một sự thật phũ phàng? Nỡ nào để anh ấy phải ra đi trong một tâm trạng buồn đau hay uất hận! Rồi sẽ có lúc mình sẽ tìm cách cho anh rõ là mình chẳng còn xứng đáng với anh nữa".
- Em nghĩ gì mà thần mặt ra vậy? Em này! Mẹ muốn chúng mình... (Thắm cúi đầu, nhẹ gỡ tay người yêu) Em biết đấy, mẹ anh ở một mình... (Im lặng) Sao? Em không muốn à?
Thắm ngồi thụp xuống ôm mặt khóc nức nở. Tráng hốt hoảng. đứng đực ra mấy giây, rồi ngồi xuống vuốt tóc người yêu:
- Làm sao em khóc?
- Em thương anh quá. - Tiếng nói nghẹn trong nước mắt.
- Đừng, đừng em. Nào! Em nín đi. Nào! Không thì anh cùng khóc thi với em đây này. - Anh vờ khóc to - Hư, hư, hư... Nào! em bình tĩnh để ta bàn chuyện tiếp.
Thắm trấn tĩnh lại: - Anh cứ yên tâm mà đi chiến đấu. Em sẽ chăm sóc mẹ thay anh. Chừng khi nào anh về hẳn hãy hay.
- Anh cũng muốn thư thả đã. Sợ nhỡ ra không may mà em sẽ thành goá bụa.
- Không phải thế, - Cô gái bật nấc lên - Anh đừng...
- Mẹ anh mong có cháu bế trước khi nhắm mắt.
- Ôi, anh ơi! - Cô gái khóc ngất trong vòng tay người yêu.
Đám cưới. Chú rể mặc quần áo bộ đội. Cô dâu với trang phục giản dị, vẻ mặt đượm buồn.
Chính đóng vai chủ hôn, mang bộ mặt kẻ gia ân. Có một lúc anh ta đến vỗ vai chú rể chúc mừng hạnh phúc.
Bà mẹ già lập cập cảm ơn thủ trưởng của con dâu.
Đêm tân hôn... Hình ảnh kẻ "chiếm đoạt" không buông tha Thắm sau những phút đê mê nhất trong vòng tay chồng.
Đứa bé đỏ hỏn nằm trong nôi. Thắm ngồi cạnh ngắm con. Hiện lên hình ảnh Tráng nơi chiến trường chen với bộ mặt kẻ bạc ác. Người mẹ thở dài lẩm bẩm: "Con tội con nợ"
Đứa con chợt giật mình oe oe khóc. Thắm vội bế con lên: - Ôi! Đứa con tội nghiệp của mẹ, oan gia của mẹ.
Bà mẹ Tráng đang quét sân. Thắm đang nhặt rau. Cạnh đó, một bé trai chừng một tuổi đang lẫm chẫm chơi. Một anh bộ đội đeo ba lô đi vào: - Thưa mẹ, đây có phải là nhà đồng chí Lê Tráng không ạ?
Bà mẹ đứng thẳng người lên:
- Phải. Tôi là mẹ. Kia là vợ và con nó.
- Con đi công tác qua. Con cùng đơn vị với anh Tráng.
Thắm đỡ lời mẹ chồng: - Để mời anh vào nhà đó.
Anh bộ đội đi đến ngồi xuống trước cháu bộ ngắm nhìn:
- Ôi! Cháu tôi ngoan quá. Cho chú bế tí nào! - Thằng bé im lặng nhìn - Chú có quà đây.
Anh lấy ra một gói kẹo trao cho đứa bé. Bé để cho bế. Mấy người đi vào nhà. Thắm trao quạt cho khách:
- Anh ngồi nghỉ tí cho ráo mồ hôi rồi đi rửa ráy cho mát. Để em đi đun nước uống.
Anh bộ đội ngập ngừng rồi quyết định:
- Mời mẹ ngồi để con thưa chuyện. Cả chị nữa.
Anh bộ đội lấy ra một cuốn sổ tay trao cho Thắm:
- Trước khi đi trinh sát, anh Tráng có gửi tôi cái này và dặn khi nào...
Cuốn sổ chưa kịp yên vị trong tay Thắm đã rơi xuống nền nhà. Một tấm ảnh văng ra. Đó là tấm ảnh vợ chồng Thắm ngày cưới. Anh bộ đội cúi xuống nhặt lên, không nhìn ai cả, nói khó khăn:
- Tổ trinh sát đã không có người nào trở về.
Bà mẹ nấc lên một cái, ngã vật ra.
Bà mẹ trong phút hấp hối thều thào: - Cháu Hân đâu?
Thắm bế cháu bé lại. Bàn tay già nua gắng đưa lên sờ mặt cháu. ánh mắt lờ đờ của bà hướng về con dâu, môi mấp máy. Thắm ghé tai lại gần, đoán hơn là nghe rõ: - Gắng nuôi con.
Bàn tay người già rơi thõng xuống.
Đám tang.
Thắm vận đồ tang đi theo linh cữu. Bên cạnh, cháu bé Hân, đầu chít khăn tang, được một người bế.
Một bàn thờ đơn sơ. ảnh bà mẹ và Tráng. Thắm ngồi xếp nghiêng chân trước bàn thờ, tay chắp trước miệng, mắt ngước nhìn ảnh:
- Mẹ và anh khôn thiêng xin phù hộ cho...
Bỗng chị rùng mình gục xuống, tay ôm đầu:
- Trời ơi! Tới tận lúc chết mẹ và anh vẫn chưa biết là bị lừa dối. Có điều dối lừa nào lớn hơn điều thằng bé mạo nhận họ tên anh trong giấy khai sinh và trong mắt người đời, nhất là trong lòng người bà hờ tội nghiệp!
Trong tâm tưởng Thắm, Tráng hiện ra đối mặt người vợ:
- Mũi súng của người lính không bao giờ hướng về phía sau lưng mình.
Bà mẹ hiện ra, trước mặt là bé Hân: - Cháu tôi đây ư! Bà đưa tay ra đón cháu, nhưng người bà cứ như bị kéo lùi xa dần, xa dần...
Có tiếng chân người đi vào. Thắm ngửng lên. Đó là Chính. Hắn ngây người ngắm người đàn bà. Dưới vành khăn tang với đôi mắt còn hoen lệ, người "gái một con" này càng hấp dẫn hắn. Thắm đứng lên lúng túng chưa biết làm gì thì Chính đã đến thắp ba nén hương cắm vào lư hương trên bàn thờ, xong quay lại Thắm:
- Tội nghiệp, bà cụ đi mà không được gặp con trai.
Thắm liếc nhanh lên bàn thờ, miệng nói: - Mời anh ngồi xơi nước.
Lúc này, hắn mới nhìn thấy bức ảnh Tráng trên bàn thờ. Hắn đĩnh đạc đến ngồi xuống ghế ngắm chủ nhà pha chè, rót nước. Luồng mắt hắn như vồ lấy chị.
- Thắm này! Gia cảnh em có gì khó khăn nói anh biết anh sẽ giúp.
- Cảm ơn anh.
- Bây giờ sống một mình chắc buồn lắm.
"Khốn nạn! Anh ta cũng không thèm biết mình sinh con". Chị nói trôi: - Em sống với con em.
- Thế à? Thảo nào trông em "mòn con mắt". Anh chuyển qua bộ phận khác bận việc cơ quan và đoàn thể quá nên dạo này không sâu sát Thắm được. Thế cháu đâu?
- Cháu được đưa sang chơi bên hàng xóm.
Chính vờ vĩnh nhìn quanh, đứng dậy nghiêng ngó rồi đến ngồi cạnh người đàn bà.
- Thắm à, anh rất thông cảm với em. - Anh ta như sực nhớ ra - à, em được kết nạp Đảng gần hai năm rồi đấy nhỉ. - Trong kí ức người đàn bà, diễn lại buổi kết nạp cô, với lời huấn thị của Chính sau khi cô tuyên thệ: "Vào Đảng là để đấu tranh cho lí tưởng, là làm đầy tớ nhân dân. Đảng viên phải giữ gìn danh dự Đảng, củng cố niềm tin của quần chúng. Không được tính toán cá nhân". Anh ta dừng lại thăm dò tác động của lời kể ơn khéo - Hẳn là vì phải chăm nom mẹ chồng nên thời gian qua em phấn đấu chưa cao. Bây giờ em có điều kiện hơn. Em cần quyết tâm phấn đấu trở thành lớp cán bộ kế cận. Anh sẽ lại giúp đỡ em.
Thắm mím môi ngồi im. Anh ta cầm tay chị: - Em quyết tâm chứ?
Chị gỡ tay ra. Anh ta quàng vai chị kéo lại gần mình nói trong hơi thở dồn: - Thắm, em... Chị đẩy mạnh hắn ra, đứng bật dậy thở hổn hển, mặt trắng bệch. Hắn ngớ ra, nhưng bình tĩnh lại rất nhanh:
- Kìa Thắm! Anh rất thương em. Em cô đơn...
- Anh về đi!
Hắn sầm mặt lại, lầm lũi đi ra. Thắm đến gục đầu vào bàn thờ khóc nức nở. Đứa con xuất hiện ngoài cửa ngơ ngác nhìn theo người đàn ông vừa đi ra, ngoảnh lại trông thấy tình cảnh người mẹ bèn khóc ré lên.
Mười lăm năm sau ngày Thắm đưa tang mẹ chồng.
Hân, bây giờ đã là một cậu học sinh lớp mười một, đang ngồi làm bài trong một gian nhà đơn sơ. Hai bạn học - Thành và Cần - bước vào. Lần đầu tiên họ đến nhà bạn. Họ ngó quanh:
- Cậu ở đây à? - Câu này nói lên tất cả.
Hân lúng túng. Nhưng hai bạn không để mất thì giờ.
Cần: - Hân này! Cậu đã nghĩ ra kế gì cho bài thi học kì môn toán ngày mai chưa?
Hân: - Kế gì? Chuẩn bị cho kĩ phần thầy hay nhấn mạnh chứ kế gì!
Thành: - Nói như cậu! Không khéo xoay thì chúng tớ xơi trứng, xơi gậy là cái chắc. Chúng tớ không ngồi cày bài như cậu được. Mà có cày cũng chẳng đi đến đâu. Phải giở ngón thôi.
Hân: - Với thầy Thảo thì đừng có mà lơ mơ.
Cần: - ấy vậy mới phải cầu đến cậu. Cậu cứ phơi bài làm của cậu ra trên bàn. Còn thì mặc Thành và tớ ngồi bàn sau...
Vừa lúc, Thắm đi vào. Thành và Cần đứng lên chào rồi bảo Hân:
- Cứ vậy nhé! Bọn mình về đây.
Bọn chúng đi ra. Thắm bảo con:
- Chúng mày không chịu học hành cho tử tế, kì thi đến lại lo chuyện gian lận. Hai đứa kia coi bộ lêu têu lắm.
- Chúng lười như hủi, chỉ được cái quậy. Chúng nó vòi tiền bố mẹ đi học thêm hết "cua" này đến "cua" khác, mà chẳng hơn gì. Thằng đi trước là thằng Cần, con bà Vân chủ tịch thành phố đấy. Thằng ra sau là thằng Thành, con ông Chính.
- Chính nào? - Người mẹ giật giọng hỏi.
- Chính chánh án thành phố ấy mà.
Hiện lên con người Chính, leo dần từng bước thang danh vọng.
Người mẹ than thầm: "Nghiệp chướng đưa đẩy chưa! Hai đứa anh em khác mẹ".
- Con chơi với con các nhà ấy làm gì? Phải biết phận mình con ạ.
- Chúng nó cùng tổ với con. Mà trong tổ chỉ có ba đứa con trai thôi.
Cần, con bà chủ tịch thành phố chuẩn bị đi học, gọi vào trong nhà bảo bà nội:
- Bà ơi, bà cho mấy tờ bạc còm uống nước chẳng đủ nói gì ăn quà sáng.
Tiếng người bà: - Hôm qua bà chi hơi quá tiền đi chợ mẹ cháu giao cho bà. Sáng hôm nay cháu bằng lòng vậy.
Cần vo viên mấy tờ giấy bạc ném vào trong, phía có tiếng người bà: Đây, bà cầm lấy! Chẳng đi học nữa.
- Khổ thân cháu bà. Cháu lục cặp mẹ cháu xem! Mẹ cháu đi họp các nơi hay được tặng phong bì, chú Tình thư kí riêng nhận rồi nhét vào đấy.
Cần chạy lại tủ mở cái cặp "chủ tịch" lôi ra một cái phong bì dày nhét vào cặp mình đi ra.
Trước cửa trường, Cần lôi phong bì ra: - Ha! Toàn giấy 50.000. Nó đi vội vào trường, đến trước lớp. Học sinh đang láo nháo ở đấy.
- Chúng mày có đi đớp không? Tao khao.
- Sắp đến giờ rồi. Mày quên hôm nay thi toán à?
- Thầy giáo ốm rồi, tao biết. Chúng mình có hai tiết thoải mái.
Thành: - Đúng đấy. Hoan hô!
Một học sinh: - Mày khao cả lớp?
Cần: - Chứ gì! - Vừa nói nó vừa phất tập giấy bạc. - Đi Hân! Kéo Hân đi.
Một bọn, trai và gái, theo Cần, Hân và Thành ùa ra cổng. Trong lớp còn lèo tèo dăm đứa.
Một quán ăn hạng vừa. Cả bọn đang nhậu nhẹt.
Cần: - Có dám tí cay không?
Hân: - Vào lớp có mùi rượu thì chết.
Thành: - Chẳng sợ. Cứ gọi đi!
Cần: - Đưa nước cay ra đây, bà chủ! Ê các nàng vịt bầu hớp chứ!
Chúng ăn nhậu chếnh choáng. Tàn cuộc. Cần thanh toán tiền.
Hân: - Chà! Ba tháng đứng máy của mẹ tao cũng chẳng lĩnh được ngần ấy.
Thành: - Xì! Lương mẹ mày thì nói làm quái gì.
Giọng khinh thị thổi bốc thêm hơi men, Hân tống cho bạn một nắm tay vào mũi. Thành trả đòn bằng một cái đạp. Cần bênh Thành nhảy vào vòng chiến. Loạn đả.
Chủ quán la: - ối trời ơi! Phá nát nhà hàng tôi rồi.
Tiếng còi toe toe, mấy công an chạy đến.
Một công an: - Không biết hôm nay chính là ngày toàn thành phố phát động phong trào giữ gìn trật tự, an ninh à? Về đồn!
Tại đồn công an. Hân ngồi ủ rũ. Cần và Thành vẫn nhơn nhơn.
Đồn trưởng: - Hừ! Một lũ phá rối. - Chỉ Cần - Tên gì? Con cái nhà ai?
Cần nghênh mặt. Đồn trưởng tức quá, cho một cái bạt tai. Cần nhếch miệng cười: - Anh đánh tôi là phạm pháp đấy.
Đồn trưởng quát: - Tống giam!
Một công an viên ghé tai đồn trưởng: - Coi bộ hai thằng kia tự tin quá. Không chừng...
Chợt chuông điện thoại reo. Đội trưởng cầm máy nghe, vừa nghe vừa lơ láo ngó bọn Cần. Anh ta đặt máy, ngồi thừ, rồi không nhìn bị can, bảo với giọng cố làm ra vẻ bình thường:
- Đoàn Duy Cần và Nguyễn Thành cho về.
Thành: - Còn bạn Hân?
Đồn trưởng: - Các anh cứ biết việc mình.
Cần: - Chúng tôi ở lại nếu bạn Hân không cùng được thả.
Đồn trưởng lúng túng và bực bội bỏ vào trong. Một lát sau, một công an viên ra xua tay: - Các cậu về cả đi!
Bà hiệu trưởng tiếp trong phòng làm việc một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc chững chạc.
Người đàn ông: - Bên công an họ thả ngay. Thiết tưởng nhà trường ta chẳng nên làm to chuyện ra.
Bà hiệu trưởng: - Anh Tình ạ, mấy em học sinh này chẳng phải chỉ đánh lộn nhau mà thôi. Chúng còn rủ rê cả lớp bỏ giờ kiểm tra học kì đi nhậu nhẹt. Cho nên cần phải trao đổi với anh Thảo giáo viên chủ nhiệm đã. Anh ấy khá nghiêm đấy.
Thảo bước vào: - Chị cần gặp tôi?
Hiệu trưởng chưa kịp giới thiệu, Tình đã đứng dậy chìa tay:
- Chào thầy. Tôi đến về chuyện cháu Cần. - Giọng có hơi hướng kẻ cả.
- Xin lỗi, tôi được tiếp chuyện ai đấy ạ?
- Tôi là thư kí riêng của chủ tịch thành phố.
- Chuyện này đã phải phiền đến Uỷ ban nhân dân thành phố đâu nhỉ.
- Chị Vân bận việc uỷ cho tôi...
- Tôi thấy không tiện đâu.
- Đồng chí chủ tịch còn bận bao nhiêu việc trọng đại của Đảng, của dân. Việc nhỏ chẳng nên phiền đồng chí ấy. Các thầy cô giáo được Đảng giao dạy dỗ con em nhân dân...
Thảo ngắt lời: - Đồng chí chủ tịch cho việc giáo dục con đồng chí ấy là việc nhỏ à?
Hiệu trưởng cười rất tươi: - Chẳng phải thế đâu, anh Thảo ạ. Nhưng ta cũng phải thông cảm với hoàn cảnh công tác của chị chủ tịch.
Thảo: - Hoàn cảnh công tác hay địa vị công tác? Xin lỗi đồng chí thư kí riêng của đồng chí chủ tịch thành phố, theo tôi hiểu thì đồng chí không là thư ký riêng của đồng chí chủ tịch về việc nhà.
Tình (đổi giọng): - Báo cáo thầy giáo, tôi đến nắm tình hình rồi về báo cáo lại với chị Vân.
Thảo: - Nắm tình hình thì tôi không có ý kiến. Còn giải quyết việc này thì phải có mặt người có thẩm quyền của gia đình. (quay sang hiệu trưởng) Chị ạ, phải họp hội đồng kỉ luật. Em Hân các mặt đều vào loại khá, qua thử thách ba tháng hè có thể được xét lên lớp. Hai em Cần và Thành học kém hầu hết các môn. Sau thử thách trong hè, Thành có thể được xét cho thi lại môn toán và một môn khác. Còn em Cần, học đã kém lại đầu têu trong chuyện vừa rồi, dứt khoát phải ở lại. Đó là ý kiến riêng tôi mà cũng là ý kiến của nhiều anh chị em giáo viên. Thôi, bây giờ tôi phải lên lớp. Xin phép - Ông đi ra.
Hiệu trưởng nhìn Tình: - Phiền vậy. Tôi đã định dẹp vụ này đi nhưng dư luận trong trường, trong hội cha mẹ học sinh khá lôi thôi. Mấy cháu này cũng lộng hành quá đi cơ. Tôi đang lâm vào thế khó xử.
Tình rút điện thoại di động bấm số: - A lô, toà án đấy phải không? Cho tôi gặp ông chánh án. Anh Chính đấy ạ. Báo cáo anh, tình hình găng hơn là anh đ• dự liệu với chị Vân. Tôi đang ở chỗ bà hiệu trưởng đây. Sao ạ? Anh sẽ đến đây bây giờ ạ? - Anh ta gác máy.
Một lát. Một chiếc xe con trườn vào sân trường đậu trước phòng hiệu trưởng. Chính bước ra và đi vào. Hai người đứng dậy đón.
Chính: - Hôm qua, tôi và chị Vân - chủ tịch, có trao đổi với nhau. Chúng tôi muốn biết ý định của nhà trường.
Hiệu trưởng (đắn đo): - Có lẽ phải họp hội đồng kỉ luật.
Chính: - Chúng tôi rất bận nhiều việc quá, không còn hở ra để ngó tới các con. Trăm sự nhờ nhà trường thôi. Cũng mong cho chúng qua được cái trung học rồi cho chúng đi nghĩa vụ để quân đội giáo dục. Nhưng... đưa ra hội đồng kỉ luật cũng phiền đấy nhỉ.
Tình: - Cứ như ông giáo chủ nhiệm thì hai đứa Thành và Cần "đúp" là cái chắc.
Chính ngó bà hiệu trưởng: - Bây giờ nơi nào mà thủ trưởng chẳng quyết định tối hậu.
Bà hiệu trưởng trầm ngâm: - Việc xét kỉ luật học sinh trong nhà trường không đơn giản như vậy đâu, anh ạ - chợt tươi nét mặt - Nhưng anh và chị Vân yên tâm. Nếu kết cục ở hội đồng kỉ luật xấu, tôi sẽ để cho các cháu chuyển sang một trường ở quận khác, nếu họ nhận. Mà việc này thì anh và chị Vân lo dễ quá đi.
Mặt Chính hửng lên một chút nhưng vẫn hơi tần ngần:
- Sang trường khác vẫn mang theo cái án kỉ luật.
Bà hiệu trưởng cười thật tươi:
- Ồ! Anh cho là hiệu trưởng như tôi không thay nổi cái học bạ hay sao?
Trong phòng riêng của Thành, con chánh án Chính. Bộ ba Hân, Cần và Thành đang ngồi nghe Chính giảng giải:
- … Phải có lý tưởng. Không đứng trong Đoàn là không được đâu các con ạ. - Cao giọng - Thanh niên mà không có lí tưởng thì vô dụng. - Hạ giọng - Không có cái thẻ đoàn viên thì dù chúng mày có học đêm học ngày, thi đại học cũng cứ là sẩy vẩy. Hoặc nay mai có phải đi bộ đội, bọn chỉ huy và đồng đội chúng cũng coi khinh. - Nói giọng tha thiết - Các con cần chơi bời, nghịch ngợm, nhưng phải biết tùy lúc, tuỳ nơi. - Giọng cứng - Chúng mày phải giúp nhau cùng tiến bộ, không được quậy phá.
Chính đi ra. Cánh cửa vừa khép, cả ba nhe răng cười. Thành bô bô: - Hầy! Các ông, các bà cũng chẳng tin quái gì cái chuyện lí tưởng ấy đâu. Nếu tin, các vị đã chẳng phải nhọc công xoay xở, thu vén như thế. Một lần, lục đống giấy tờ cũ tao tình cờ đọc được trong một cuốn sổ ghi của ông “bô” thuở hàn vi tại một lớp chính trị tập trung mấy dòng trứ danh: “Ăn như tù, ở như tu, nói như aaxnh tụ, đêm nằm ngủ mới thấy ngu”.
Ba đứa cười thoải mái.
Hân, Thành và Cần trong một quán rượu. Chúng “nhậu” liên hoan trước khi nhập ngũ. Thành và Cần mỗi người ngồi kề sít một cô gái. Chúng đã ngà ngà. Cần gọi một cô hầu bàn, giọng say:
- Này em! Lại ngồi với anh Hân đây cho có bạn. Thằng bạn anh tu cái đạo “cáy” nên bọn con gái chúng nó ngán. Lại đây! Lại ngồi lên lòng hắn ta ấy. Bọn anh ngày mai nhập lính rồi. Biết sống hay ngoẻo. Cho hắn sờ tí, kể như biết hơi đàn bà,
Thành lè nhè: - Mày cứ sủa bậy. Mày với tao đi bộ đội kinh tế đóng ngay kề thành phố, còn khuya mới ngoẻo.
Hân ngật ngưỡng: - ừ, tao chẳng có mẹ làm chủ tịch thành phố, cũng chẳng có cha làm chánh án thì tao đi biên giới. Nhưng tao cũng chẳng thèm ngoẻo để cho chúng mày trắng mắt ra.
Cái bệ rạc của một bữa tiệc say.
Hơn một năm sau, Cần và Thành được gia đình lo cho được xuất ngũ vì “lí do sức khoẻ”, rồi được xuống làm dưới tàu buôn viễn dương của thành phố - đội tàu mà chủ tịch, ông chánh án và một số quan chức đầu trò của thành phố có “cổ phần không cần đóng góp”. Hình ảnh Cần và Thành đang lênh đênh trên đại dương, và hình ảnh Hân cùng lúc đang lặn lội tuần phòng nơi biên giới.
Gần ba năm sau.
Nhà bà Thắm. Bà đang nhặt thóc. Bà dùng tay, ngó xa xăm: “Thằng Hân phục viên đã năm tháng rồi mà chạy lỏng chân không kiếm được việc làm. Chẳng biết lần này thế nào. Sao hôm nay nó về muộn vậy?”
Hân mệt mỏi đi vào. Bà mẹ ngước nhìn con ra ý hỏi. Hân mặc bộ quần áo lính đã cũ. Anh ném cái mũ tàng lên bàn rồi ngồi phịch xuống giường:
- Không ăn thua mẹ ạ. Họ bảo chờ, khi nào có sẽ gọi.
- Họ đòi bổ sung hồ sơ đến năm lần, tưởng đã xong. Thế là xin việc đã sáu nơi - Bà bấm đốt ngón tay - à, nơi này nữa là bảy - thở dài.
Hân nhìn mẹ ngập ngừng: - Giá có cái giấy chứng nhận con liệt sĩ…
Bà mẹ tránh cái nhìn của con:
- Giấy tờ gì thì cũng đến thế. Một khi họ đã không muốn, họ bao giờ cũng sẵn cớ.
- Chú cán bộ tổ chức có bảo con: “Giá anh được một thứ ưu tiên gì đó thì dễ xét hơn.” Con cũng chẳng muốn làm tủi vong linh bố con…
Bà mẹ liếc nhanh bức ảnh chồng trên bàn thờ rồi cúi mặt xuống im lặng tiếp tục nhặt thóc. Một lát sau bà thở dài:
- Cán bộ tổ chức nào cũng một giọng điệu thôi con ạ.
Chợt hai chiếc xe máy Hon-đa sang trọng dừng lại trước nhà. Cần và Thành ăn diện có phần kệch cỡm và ngỗ ngược lừng lững đi vào nhà, lên tiếng ngay từ cửa: - Hân có nhà không hả cô?
Thắm ngửng nhìn, hơi ngỡ ngàng, lấy vẻ tự nhiên:
- Các cháu đến chơi.
Hân đứng lên dẹp chỗ cho hai bạn ngồi.
Thành: - Chúng tớ biết cậu đã phục viên mấy tháng rồi nhưng bận quá. Mà cũng chẳng thấy cậu đến bọn này?
Cần: - Bọn tớ cũng biết cậu đang chạy tìm việc. - cười ra vẻ thông cảm - Sao? Ăn nhằm gì chưa?
Hân đưa mời hai chén nước trắng, cười buồn:
- Có lẽ mình thiếu cái khoản thủ tục “đầu tiên”.
Thành: - Thì dứt khoát thế rồi. Chỉ nước bọt thì xin đi quét đường cũng chẳng xong. Bọn mình nghĩ tội nghiệp cậu nên tính rằng… Có một nơi cần một bảo vệ có thớ, có “mác” và tin cẩn. Cựu bộ đội đặc công như cậu thì có thớ, có "mác" quá đi rồi. Và chắc là tin cẩn được. Cậu có nhận không?
Hân: - Nơi nào thế?
Cần: - Công ti ngoại thương thành phố. Bà giám đốc là chỗ thân tình xưa nay của bố cậu Thành. Xong ngay. Nơi đó “thơm” rồi. Nhiều kẻ “cầu” mà chẳng xơ múi gì đấy.
Hân: - Cảm ơn các cậu. Để mình còn xem đã. Cũng còn phải đòi hồ sơ về đã.
Thành: - Còn xem với xét gì nữa. Hồ sơ để sau cũng được. Sáng mai đến chỗ tớ, bọn này dẫn đi trình diện. Có thể nhận việc luôn. Cứ thế nhé! Bọn này cũng đang vội.
Sau khi Cần và Thành về rồi, bà mẹ trầm ngâm, với tiếng nói nội tâm: Tôi biết giám đốc công ti ấy là bà Hanh, người xưa kia…” - Hiện lên hình ảnh Hanh trong phòng Chính ngày nọ “Anh phải lo giữ gìn sức khoẻ; giữ là giữ cho chúng em”. Trời ơi! Số phận con tôi lại nằm trong tay những người như thế!
Bà dè dặt bảo con: - Con ạ, chỗ ấy thơm với những ai thì không biết, chứ tiếng tăm thì chẳng thơm đâu, nhất là của bà giám đốc Hanh. Nhưng mình chỉ cần một chỗ làm, còn thì kệ họ.
- Sợ rồi không kệ được mẹ ạ.
- Mẹ lạy con. Con cứ yên phận cho mẹ nhờ.
- Thì mẹ đã yên phận suốt đời mà phận mẹ có yên cho đâu. Chúng nó chỉ cần mọi người cứ nghĩ như mẹ thôi.
- Cũng là cái số cả thôi con ạ.
- Số đâu mà bọn ăn cắp có nhãn bảo hiểm lại nhan nhản ra hở mẹ.
Trạm bảo vệ trước kho công ty. Đêm khuya. Hân đứng co ro, làm mấy động tác cho đỡ lạnh. Một chiếc xe vận tải trườn vào ngay trước cửa kho. Một người trên xe nhảy xuống định đến mở khoá. Hân theo dõi từ đầu cầm chắc súng quát hỏi: - Ai?
Bóng người quay lại, giọng xởi lởi: - Thu thủ kho đây.
- Anh định làm gì lúc này?
- Thừa lệnh giám đốc, phải chở gấp một số hàng cho kịp hợp đồng.
- Giám đốc đã lệnh cho tôi ngay từ hôm tôi nhận việc là không ai được chuyên chở gì ra khỏi kho ngoài giờ làm việc cả.
- Lệnh đột xuất mà.
- Không được.
Một người cao to vẫn ngồi sau tay lái, mở cửa xe bước xuống: - Làm gì mà ngậu lên thế anh bạn? - Vừa nói hắn vừa đưa tay vỗ vai Hân, định ra oai bằng một miếng độc. Nhưng Hân đã vung tay lên. Trong một nhoáng, tay kẻ kia đã bị bẻ quặt ra sau lưng y. Hắn không dám la to: - ái, ái! Gãy tay tôi rồi. Buông ra! Tôi chịu rồi.
Được thả tay, hắn đứng xoa nắn một lúc rồi mới trở lại buồng lái. Thủ kho cũng lẳng lặng lên xe. Chiếc xe lùi ra, bỏ đi. Một lát sau, xe trở lại. Hanh bước xuống đến gặp Hân giọng mềm mỏng:
- Cháu Hân này, có một số hàng cần xuất đột xuất. Cháu hãy tạo điều kiện thuận lợi cho đồng chí Thu.
- Báo cáo thủ trưởng, thủ trưởng đã lệnh cho bảo vệ là…
- Cũng phải tuỳ nghi chứ, sao cứng nhắc được.
- Báo cáo!…
Hanh quay ngoắt đi, giọng sẵng:
- Thôi! Đây là lệnh. Thủ kho mở khoá đi!
- Báo cáo! Vậy thì tôi không chịu trách niệm…
Hân đứng chết trân nhìn mấy người khiêng hết kiện hàng này đến kiện hàng khác lên xe.
Đêm. Hân ở trạm gác. Anh khịt khịt mũi:
- Quái! Có mùi khét. Cháy ở đâu chăng?
Anh đưa mắt nhìn gần rồi xa. Anh rất không yên tâm. Bỗng một bụm khói phì ra từ khe cửa kho. Hân sững người mất mấy giây rồi lật đật đi đánh kẻng báo động. Mấy người chạy đến.
- Mau gọi điện cho công an cứu hoả!
- Gọi thủ kho đến mở cửa kho thì mới chữa được chứ1
- Cháy ngay nơi cửa kho, có chết không!
Mãi một lúc xe cứu hỏa mới đến. Cuộc cứu kho không mấy hiệu quả.
Nhà mẹ con Hân.
Hân: - Con nghi lắm mẹ ạ. Mấy đêm trước họ vừa chuyển hàng đi có vẻ lén lút. Có khi đây là một cú phi tang. Vậy mà hình như người ta chỉ kết luận là do chập điện.
- Thắm: - Mẹ van con. Khéo không mà họ cột tội vào cổ con đó.
- Buộc thế nào được con. Con chui lỗ nào vào đốt kho được?
- Con ơi! Không có lỗ họ cũng tạo ra được lỗ cho con.
- Mấy lâu nay con biết rất nhiều chuyện thối tha ở cái công ti ấy. Mỗi lần cầm mấy đồng tiền công họ thí cho, con cứ cảm thấy nhầy nhụa nơi tay. Chẳng phải con gác kho, mà là gác cho họ ăn cắp, gác mồi cắp để chúng đến cuỗm dần. Vậy mà mình lại mang ơn chúng, thế mới “tài” chứ! Để rồi xem.
- Mẹ lạy con. Người ta nhắm mắt làm ngơ được cả, sao con lại định húc đầu vào đá? Chẳng ai bênh con đâu. Rồi là khổ đấy con ạ. Mẹ chỉ có một mình con. Mẹ mệt lắm rồi. Con hãy thương mẹ.
Hân như nói một mình: - Mẹ ơi! Con thương mẹ. Con thương cả con. Ai thương mẹ con ta? Nhưng nói tình thương ở đây là không phải lúc, phải chỗ.
Trời tối. Ánh đèn cao áp chỗ có, chỗ không. Hân đang đi chiếc xe đạp tàng mải mê suy nghĩ. Hai chiếc xe Honda mới cứng lướt êm đến kèm hai bên và một tiếng nói cất lên: - Đi mò "em" hả?
Hân nhận ra Cần và Thành, giọng miễn cưỡng:
- Đang được nghỉ việc để làm kiểm điểm, sức mấy mà em với út.
- Thành: - Chúng tớ vừa ở tàu lên hôm nay, đến nhà tìm cậu, hoá ra cậu còn rong ở đây. Này! Cách đây một phố, cửa hàng đặc sản mới mở có mấy "em" hết xẩy.
- Hân: - Cảm ơn. Mình ăn cơm chiều rồi.
Cần: - Thằng này giờ lại đâm ra trái tính. Đã lâu chúng mình không "nhậu" với nhau. Thôi! Không nói lôi thôi nữa. Để hai đứa hộ tống cậu đi.
Chiếc xe đạp đi theo hai chiếc xe máy kèm hai bên.
Quán ăn đặc sản. Món ăn và uống ê hề. Hân uống và ăn uể oải. Thành và Cần khi thì dỡn với mấy cô hầu bàn, khi thì khoe các chuyến đi. Có khi tâm sự:
- Hân ạ, nhiều người cứ ganh với bọn này, tưởng là "thơm" lắm, có biết đâu kiếm được "hào" cũng rất chi là đắng. Đánh thuê cho bọn nước ngoài trên tàu biển cũng căng lắm, lơ mơ chúng nó bợp tai, đá đít cho ấy chứ. Kiếm chui chút hàng lậu, không ranh là dễ mất trắng. Lắm lúc bọn này nghĩ nhục hơn con chó. Có đâu ngon xơi như bọn hải quan, thuế vụ, công an cửa khẩu.
Ăn uống xong, Cần rủ: - Ra cầu hóng gió đi!
Hân từ chối: - Mình phải về. Mẹ mình không biết mình đi đâu.
Thành: - Xì! Cứ như cậu còn mặc quần thủng đít ấy. Đi thôi!
Đêm trăng muộn nhưng trời đầy sao. Đứng trên cầu có thể ngắm nhìn khá xa, bên thì phố xá chỗ thưa thớt ánh đèn, chỗ tối mù; bên thì ruộng đồng bàng bạc trong đêm. Thành kêu lên:
- Đưa "bồ" ra đây thì tuyệt.
Cần ngồi ghếch lên thành lan can cầu, khịt mũi:
- Để cho chúng nó "lột" à? Nếu không phải ba đứa ta thì thằng nào dám chường mặt ra đây vào giờ này.
Hân lặng im đứng tì tay vào một đầu trụ lan can nhìn xuống mặt sông. Một lát lặng yên. Thoảng tiếng gió và tiếng nước chảy. Chợt Cần lên tiếng:
- Hân này! Cậu có muốn xuống tàu với bọn mình không?
Hân: - Sao các cậu bảo nhục hơn con chó?
Cần phá lên cười: - Thế nhưng mà vừa về tới hải phận nhà đã có thể vênh mặt lên được rồi. Khối kẻ phục sát đất. Biết vung đô-la ra sai khiến hải quan và công an thì sau vài chuyến đã có thể vào lọt mọi cửa thâm nghiêm. Cửa trước đàng hoàng chứ chẳng thèm cửa sau đâu nhé.
Hân: - Mình còn phải bám trụ ở công ti để kiểm điểm cho đến nơi đến chốn.
Thành: - Bọn mình hiểu ý định của cậu. Nhưng cậu không biết cái công ti này thế nào đâu. Mình bà Hanh làm nên chuyện được sao?
- Mình biết.
- Đằng thẳng ra thì họ cũng chỉ được hưởng đồng lương chết đói thôi, dù họ ở những cương vị cao nhất thành phố.
- Không phải vì vậy mà họ có quyền đục khoét. Do đâu mà chỉ có đồng lương chết đói? Sản xuất đã kém mà bọn mọt dân và bọn buôn lậu đã moi quá nửa tổng sản phẩm xã hội. Thành thử có được bao nhiêu người giàu một cách chính đáng?
Cần: - Thôi đừng làm Đông Ki-sốt nữa! Đời bây giờ là thế. Có là thằng ngu mới không chịu hiểu.
Hân: - Đó là giọng lưỡi của những kẻ hèn nhát hoặc cơ hội.
Thành cười nhạt: - Thế hả? Không cơ hội thì được đói rã họng ra. Biết điều, họ còn chia phần cho.
- Biết điều à? Muối mặt làm đầy tớ cho lũ ăn cắp các người chứ gì.
Cần: - Thì mẹ con mày cũng chỉ làm đầy tớ chứ làm chủ sao được. Chúng tao xin cho mày vào làm những tưởng mày biết thân, biết phận lo bảo vệ để người ta làm ăn, nào ngờ mày vào mày phá thối.
Hân nắm chặt tay, giận run lên: - A! Mày...
Nhưng Thành đã xông tới đánh phủ đầu. Hân trả đòn nhanh và mạnh đến nỗi đối thủ bị bật lại xô vào Cần đang ngồi ghếch trên thành cầu. Cần mất đà lộn ngửa người rơi xuống sông.
Phòng tạm giam. Thắm vừa vào thăm con.
Hân: - Mẹ đừng lo. Trong khẩu cung tại hiện trường, tuy Thành nó không nhận là nó đánh con trước nhưng cũng nói trong lúc đánh lộn nhau thì Cần bị mất đà lộn cổ. Biên bản khám nghiệm tại hiện trường xác nhận nạn nhân chết trước hết vì đầu va vào rầm cầu bị bom Mĩ đánh sập dạo trước. Mẹ đừng có chạy chọt, vừa nhọc vừa nhục.
Người mẹ mếu máo: - Tiền của đâu mà chạy chọt hở con. Đứa thiệt mạng lại là con bà chủ tịch thành phố, khốn khổ con tôi!
Người con buồn bã nhìn người mẹ khóc rấm rứt.
Phòng làm việc của chánh án thành phố. Chính, Hanh và Tình ngồi. Thành đứng.
Hanh: - Có ai giao việc ấy cho các cháu đâu. Sao các cháu hành động khinh suất vậy?
Thành: - Cháu và Cần nghĩ là trước hết hãy thuyết phục hắn ta. Không ngờ...
Chính: - Bắt hắn làm kiểm điểm, hắn lại moi chuyện tố cáo người ta, chúng mày ngồi đó mà tính chuyện thuyết phục!
Tình: - Thôi, chuyện đã rồi. Chị Vân đang phiền về những lời khai của cháu Thành trong biên bản tại hiện trường.
Hanh: - Đã liên hệ với bên công an và viện kiểm soát chưa? Thay lời cung chẳng khó.
Chính: - Tôi có xem qua rồi. Lời cung của thằng Thành may lại nằm trong một tờ ghi riêng, thay càng dễ.
Tình: - Cháu Thành này! Cháu phải nhớ lời khai của mình là thằng Hân vớ một thanh sắt đánh vào đầu thằng Cần rồi đẩy xuống sông. Cháu chạy tới cứu bị nó đánh ngã.
Thành: - Nhưng...
Chính: - Chẳng "nhưng" gì cả. Từ lâu, thằng Hân đã không còn là bạn của chúng mày nữa rồi.
Cảnh phiên toà, hình ảnh quay nhanh trong đó các nhân vật xoay như những con rối.
Cảnh khi phiên toà đã kết thúc, Thành đứng lặng người nhìn theo người áp giải Hân đi khuất vào sau cánh cửa sắt.
Người bạn dìu Thắm lên một chiếc xích-lô. Trên chiếc xe cà khổ xóc nẩy lên từng lúc, người mẹ như một kẻ vô hồn. Người bạn nói trong một tiếng thở dài: - Giá kiếm được giấy chứng nhận con liệt sĩ thì có khi may ra... - bỗng gắt lên - Sao chị không chịu nghe tôi?
Người mẹ lắc đầu, gục mặt vào lòng bàn tay khóc nấc lên.
Thắm trước bàn thờ chồng và mẹ chồng. "Anh Tráng ơi! Trước đây phải dựa hơi sự tồn tại của anh thằng bé mới được chào đời. Nay chính kẻ là cha nó lại phán quyết chấm dứt cuộc đời nó. Em phải làm gì đây, anh ơi! Liệu mượn cái chết của anh có cứu được nó không? Mà bây giờ chạy được cái giấy chứng nhận con liệt sĩ đâu có dễ. Bao nhiêu năm rồi! Thời hạn chống án chỉ có mười lăm ngày. Hay là tôi phải chạy tới cầu cứu con người ấy? Trời ơi! Khổ nhục cho tôi chưa! Thôi cũng đành!
Trời về khuya. Đèn đường thưa thớt. Thành đi lơ vơ vô mục đích. Hiện ra trong tâm trí anh những cảnh cùng vui, buồn với hai bạn Hân và Cần ngày còn cùng ngồi trên ghế nhà trường.
"Vậy mà Cần ơi, mày đã chết! Và Hân ơi, mày thì sắp chết!"
Bước chân anh đưa anh tới chiếc cầu "oan nghiệt". Anh nhớ lại cảnh đã xẩy ra, lời anh khai tại hiện trường và lời anh khai trước toà. Anh quì xuống gục đầu vào thành lan can cầu. Chợt anh vùng dậy chạy như bay xuống cầu.
Thành trước cổng nhà mình. Anh bấm chuông, nhưng rồi chừng không chờ được anh trèo vào. Đến trước cửa nhà, anh đập cửa ầm ầm. Tiếng người phía trong: - Ai mà phá cửa nhà người ta thế?
- Thành đây. - Cửa mở.
- Thành đấy ư con. Sao mà con đi quá khuya vậy? - Thành gạt người đang nói ra, đi như xông vào. Kìa! Con vội cái gì vậy?
- Bố con đâu?
- Ơ! Bố con đang họp trên trung ương, chẳng lẽ con quên ư?
- Trời! Tôi không chịu nổi nữa. - Hai nắm tay anh đấm mạnh vào nhau.
° ° °
Nhà Thắm. Người mẹ đang ngồi rầu rĩ. Thành đi vào, vẻ mặt ngơ ngác. Người mẹ ngước nhìn, ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa khó chịu. Thành đứng sững lại. Thắm vẫn không nhúc nhích. Người thanh niên muốn đưa hai tay ra phía trước: - Cô ơi! Cháu...
Trước văn phòng chánh án thành phố. Thắm đang năn nỉ người bảo vệ:
- Chú làm ơn cho tôi vào. Tôi có việc rất cần mà.
- Không được đâu. Cần thì chị về làm đơn trình qua thư kí.
- Nhưng chú ơi... - Người kia đã quay đi.
Tại nhà chánh án. Chính đang rất bực bội trước đứa con trai:
- Anh không hình dung được những gì sẽ đến với bố anh, với chính anh à?
- Nhưng con không muốn vì con mà một người chết oan.
- Con ạ, lời khai của con trước toà chẳng qua chỉ như chút dấm ớt thêm vào cho hợp cách chẳng quyết định được bản án đâu. Nhưng nếu con phản cung lên toà phúc thẩm thì sẽ tai hại cho bao nhiêu người mà rút cục không chắc cứu được thằng Hân thoát khỏi án tử hình.
- Con là nhân chứng chính và là duy nhất, chẳng lẽ họ không tin con?
- Anh đừng vội quá tự tin. Chẳng thiếu gì trường hợp những lời khai phản cung không có tác dụng.
Trước phòng làm việc của chánh án thành phố. Cô thư kí đọc xong tờ giấy Thắm đưa ngửng lên:
- Việc của chị chẳng cần phải gặp trực tiếp ông chánh án đâu. Vả lại, lúc này ông không có đây.
Thắm năn nỉ: - Cô ơi, cô làm ơn giúp tôi. Con tôi vừa bị kết án tử hình.
Cô thư kí xuống giọng ái ngại: -Vậy ư? Thế thì chị phải làm đơn xin ân xá lên chủ tịch nước hoặc làm đơn kháng án chứ.
- Tôi muốn trước hết nhờ ông chánh án có cách gì giúp đỡ...
Cô thư kí đắn đo: -Chị đến nhà riêng có khi dễ nói hơn.
- Tôi không muốn, cô ạ. Tôi không thể.
Thành đến tìm bố; anh đứng phía ngoài theo dõi câu chuyện từ nãy. Anh đi nhanh tới cửa phòng của chánh án hé cửa nhìn vào rồi đi tới chỗ hai người, lạnh lùng nhìn cô thư ký:
- Bố tôi có trong ấy, sao chị lại nói dối? - Anh quay lại hỏi bà Thắm - Cô gặp bố cháu về việc Hân phải không? Cô cứ vào đi.
Cô thư kí hốt hoảng: - ấy! Để tôi vào xin ý kiến đã.
Cô ta tất tả mang đơn của Thắm đi vào phòng chánh án, một lát quay ra bảo bà Thắm: - Chánh án nói việc này, ở đây hết nhiệm vụ mà cũng hết thẩm quyền rồi.
Bà Thắm bậm môi rồi cả quyết đi về phía phòng chánh án, cô thư kí ngăn không được. Thành đi theo, bà ngoảnh lại bảo: - Cháu hãy cứ ở ngoài đó đã!
Trong phòng, chánh án Chính đang bói bài tây. Ông ta đang tập trung suy nghĩ vào những con bài đang dàn ra trước mặt, nghe tiếng người vào vẫn không nhúc nhích. Mấy giây im lặng. Chính cau mày ngửng lên: - Có việc gì vậ... Ông ta để hở mồm, mặt đờ ra.
Thắm vẫn đứng yên nhìn ông ta. Chính lấy lại tư thế, ôn tồn nói nhưng nghiêm nghị:
- Cô thư kí không nói gì với chị à? - Người khách không mời vẫn im lặng - Thôi được! Chị đã vào đây thì nói đi. Hãy ngồi kia! Sao? Chị không nghe tôi nói gì à?
- Có thật ông không còn nhớ ra tôi nữa không?
- Chị là...?
- Tên tôi đã có trong tờ đơn mà cô thư kí đưa vào vừa nãy.
- Chết thật! - ông ta vỗ vỗ vào trán, nhưng thủ thuật ấy không mấy thành công lúc này - Tôi cứ nghĩ là ai khác. Cô ngồi xuống đi! - Nét đăm chiêu lộ ra trong lúc ông ta rót nước ra chén - Cô uống nước! - Ông ta tì hai khuỷu tay lên bàn, hai bàn tay chập lại chống cằm, giọng buồn - Tội nghiệp! Gia cảnh của cô... - Thắm bỗng khóc nấc lên. Chính thở dài lắc đầu, một lát - Có thể làm đơn xin chủ tịch nước ân xá.
- Thằng Hân không có tội sao lại phải xin ân xá? - Giọng Thắm vẫn còn nghèn nghẹn.
- Cô cũng ương như thằng con cô vậy, khó nói chuyện quá.
- Nó cũng là con anh nữa đấy. - Người mẹ nhìn người đàn ông trước mặt với ánh mắt oán hờn. - Nó chính là con anh.
- Cô không điên đấy chứ?
- Anh tưởng tôi cố tình bịa ra để bấu víu vào anh à? Anh tưởng tôi muối mặt muốn con tôi nhận một người như anh làm cha à? Bao nhiêu năm giời mẹ con tôi sống khốn khó chúng tôi có cầu tới anh đâu! Tôi vẫn cố để không phải nhìn thấy mặt anh. Bao năm nay nỗi canh cánh duy nhất của tôi là sự ân hận xa xót vì đã dối lừa chồng tôi, đã dối lừa mẹ anh ấy về đứa con tôi đã đẻ ra. Nếu nó không bị chính cha đẻ nó kết án tử hình, nếu nó không bị chính thằng em cùng cha khác mẹ vu vạ; nếu không biết chắc rằng có chống án cũng không lại được với các người ở đây, và không chỉ ở đây, thì tôi chẳng đời nào làm cái việc mà tôi phải hổ thẹn, vong linh chồng tôi hẳn phải tủi nhục.
- Sao không cho tôi biết từ trước? Bây giờ thì muộn rồi. - Chính nói với vẻ mặt ủ ê, gục đầu, các ngón tay bấu vào tóc.
- Có thật thế không? - (Trong đầu Chính vang vọng lời huấn thị quyền thế: "Không chặt sát gốc cái mầm độc thì tai vạ trước mắt và sau này khó lường lắm. Các anh phải đinh ninh như vậy") - Luật pháp để đâu? Lương tâm để đâu?
- Đằng sau luật pháp là người. - Viên chánh án như van vỉ - Xin đừng bắt tôi nói tới lương tâm người đời. Tôi không biết đâu.
- Thế lương tâm người cha, lương tâm người em, ông và thằng Thành cũng không còn biết nữa à? Ông cũng không biết những ai ép thằng Thành khai vấy cho anh nó phải không?
Từ nãy, Thành đã lách vào đứng nép cạnh cửa. Nghe những mẩu đối thoại giữa hai người mặt anh cứ bệch dần ra. Đến đây, anh nấc lên một tiếng "Trời ơi!" rồi tuông cửa chạy ra.
Trong phòng hai người ngớ người nhìn hút theo.
Đêm khuya. Đồng hồ treo tường báo hai giờ sáng. Chính nằm trằn trọc. Hiện lại trong đầu viên chánh án cảnh phiên toà lúc bị cáo và nhân chứng đứng cạnh nhau. Lúc này, ông ta phát hiện ra những nét giống nhau lạ lùng giữa hai đứa - thực ra do tiềm thức ông đã tô đậm lên, trong khi ý muốn của ông là phủ nhận - Vẳng lại mồn một tiếng kêu nghẹn cuối phiên toà mà ông đã lờ đi "Trời ơi! Ông chánh án ơi! Ông giết con ông đó". Diễn lại trong kí ức ông cảnh ông ta với cô Thắm một tối thứ bảy năm nào.
Thiếp đi, Chính thấy mình đang đứng trước vành móng ngựa, ngồi trên bục xử khi là Hân, khi là Thắm, khi là anh bộ đội mà ông ta đã vỗ vai chúc hạnh phúc hôm ông ta làm chủ hôn - nhưng lúc này Tráng sống dậy trong cái khung ảnh mà Chính đã thấy tại nhà Thắm. Ông ta lại thấy thằng con trai ông chạy từ phòng ông ta ra lao từ cầu xuống sông nơi Cần đã chết. Ông ta muốn chạy tới cản lại, nhưng lại thấy Thành và Hân đánh nhau, ôm nhau lăn xuống dốc. Ông ta hoảng sợ giật mình tỉnh dậy.
Chính nằm thao thức nhớ lại lúc ở phòng làm việc của mình sau khi Thành đã chạy đi. Lúc đó, ông ta cố lấy giọng bình tĩnh bảo:
- Thắm về làm đơn chống án rồi cố chạy cho được cái giấy chứng nhận con liệt sĩ. Sẽ được giảm án.
- Không! - Bỗng bà trầm giọng như tự nói với mình - Tôi không thể - ngửng lên, giọng cứng cỏi - Thằng Hân không có tội. Ông phải cứu nó. Không! Ông phải chuộc lỗi lầm!
- Tôi biết làm gì bây giờ? (Giọng rất khổ sở).
- Tôi sẽ không xin chứng nhận thằng Hân là con liệt sĩ mà sẽ cho thiên hạ biết ai thật sự là cha nó.
- Chẳng ai người ta tin cô đâu.
- Ít ra là thằng Thành con ông tin. Tôi không dọa ông đâu. Nếu thằng Hân có bề gì, tôi đủ sức làm cho mọi người biết người hại nó chính là cha đẻ nó. Từ trước tới nay, tôi vẫn muốn mẹ con tôi chẳng phiền gì đến ông cả. Còn bây giờ, tuỳ ông. Thoát được nạn này, mẹ con tôi sẽ mãi mãi ra khỏi cuộc đời ông như trước đây tôi đã định và đã làm như thế. Bây gờ ông hãy tự quyết định đi!
Hiện lên bộ mặt Thành: "Nếu không cứu được Hân thì hoặc con sẽ đi biệt tích, hoặc con sẽ chết. Bố hãy ở lại mà hưởng những gì kiếm chác được"
Bỗng ông ta ngửa mặt nhìn lên, hai bàn tay xoắn chặt vào nhau rung rung trước ngực, giọng vỡ ra: "Nhưng rồi sẽ về đâu? về đâu?"
Trời mưa tầm tã.
Thắm, người mẹ, bên cạnh là Thành, đang đội mưa đi đến nhà tù. Nơi đó, Hân đang đứng vịn song sắt ngóng ra...
Hải Phòng, 11/1988
Khải Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tĩnh vật Tôi lần mò khá lâu trong một cái ngõ ở phố Cát Dài. Ngõ gì mà sâu dễ sợ, lại ngoắt ngoéo, hai bên nhà cửa lô nhô, thòi ra thụ...