Ông Nọi
Hồi đó, các cháu học sinh trường cấp một phố tôi nô nghịch
vào loại nhất, vậy mà ông bảo vệ của trường chẳng phải quát nạt bao giờ. Chúng
mến ông, nể ông, một ông già cao, gầy, má hóp, râu cằm lưa thưa, chẳng có
"uy" trấn người ta, chẳng có "ân" hút người ta. Ông vốn là
phó may đã trao nghề lại cho cô con gái. Ông sống vừa cởi mở, vừa kín đáo - cởi
mở giao tiếp mà kín đáo tâm tư. Chỉ những khi ngồi bên ấm trà cùng tôi, ông mới
rủ rỉ dăm ba mẩu chuyện đời ông đã trải. Nhờ đó, tôi mới chắp nối nên truyện
này.
Ông Nọi vốn là Việt kiều Thái Lan về nước. Năm 1946, giặc
Pháp tàn sát những người Lào yêu nước và Việt kiều ở Thakhec, cả khi họ vượt
sông Mê Công chạy sang đất Thái. Máu nhuộm đỏ dòng sông đang mùa nước trong
xanh. Nọi lạc mẹ và em, cùng số đồng bào thoát chết định cư tại vùng Đông Bắc
Thái Lan. Cộng đồng người Việt sống đùm bọc nhau và hoà hợp với dân bản địa. Ai
cũng hướng về đất nước đang kháng chiến. Được mấy năm, chính phủ mới lên ở Băng
Cốc không ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương như chính phủ
trước nữa. Họ làm theo yêu cầu của Pháp ra tay đàn áp Việt kiều. Việc làm ăn bị
o ép; trường học của trẻ em bị đóng cửa; chùa chiền bị phong toả. Năm ấy, bà
con ta ăn một cái Tết buồn. Nọi, trong cơn phẫn, sáng mùng một bỏ nhà tìm đường
đến Băng Cốc. Chàng mang theo nghề thợ may và vốn tiếng Thái khá khiêm tốn. Thời
nào thì một đô thị sầm uất cũng dễ kiếm việc hơn. Chàng tin vậy. Nhưng chàng sớm
vỡ mộng. Sau mấy ngày lang thang, bụng rỗng mà túi cũng rỗng. Chàng không muốn
ngửa tay ăn xin. Chàng gượng vào một vườn hoa nhỏ vắng người nằm trên ghế đá rồi
lịm đi lúc nào không biết. Đối diện với vườn hoa bên kia đường là một tiệm may
Hoa kiều. Một người trong tiệm để ý thấy người lạ nằm đó từ nửa buổi trưa không
nhúc nhích bèn ra xem. Vừa nhòm qua, anh ta hoảng lên: một cái xác. Bà chủ tiệm
nghe báo cũng hoảng. Có người nằm chết trước tiệm thì thật xúi quẩy. Kế toán của
tiệm, một người đã cứng tuổi, sờ đầu, sờ mạch "xác chết", đoán chỉ bị
đói lả đi thôi. Bà chủ bèn đưa vào nhà bón nước cháo cho. Chàng Nọi thoát chết,
lại được bà chủ nhận cho làm một chân phụ ăn ở ngay trong tiệm. Chàng tạm yên
tâm ở đấy, tính nương náu ít lâu cho biết hơi hướng Băng Cốc và kiếm tiền đi đường
để trở lại chốn cũ. Thường ngày, xong buổi làm, chàng hay tha thẩn dạo quanh phố
xá. Một hôm, chàng đến một nơi người ta đang cân thóc để chuyển đến nhà máy
xay. Các người phu bản xứ nối nhau đội thùng thóc đến đặt trên bàn cân, xong lại
nhắc lên đội đi đổ xuống thuyền. Nọi ngứa miệng nói buông: "Làm vậy, phí sức
và phí thời gian quá". Người đang trông coi việc cân nghe được, hỏi lại:
"Thế thì sao?". Nọi bèn đề ra cách mà mình chợt nghĩ: Cân người phu
trước, sau đó từng người đội thóc cứ tiện đường đi bên này bước lên bàn cân rồi
thuận chân bước xuống đi tiếp tới nơi trút thóc, vừa nhanh vừa đỡ tốn sức. Trạm
cân thóc ấy thuộc một ông chủ lớn người Hoa, chú của bà chủ tiệm may. Ông chủ lớn
nghe nói lại sáng kiến của Nọi, bảo cô cháu chuyển anh thợ phụ cắt may sang cho
mình. Một bước ngoặt trong đời Nọi. Chàng được giao một trạm cân thóc. Lương
cao hơn và ăn ở cũng đàng hoàng hơn. Nếu yên phận thì cuộc sống như vậy là tạm
được rồi, lại còn có cơ khá lên nữa. Nhưng anh chàng Nọi lại không "biết
điều". Lần ấy, chàng được phái đi mua thóc tại một vùng nông thôn. Ở những
nơi như vậy, thường có đại lí của ông chủ lớn. Đi về, Nọi thật thà nói ý nghĩ của
mình với ông chủ:
- Giá thu mua quá thấp.
Ông chủ ngắm anh làm công bạo phổi, thủng thẳng nói:
- Chúng nó đồng ý bán vậy mà.
- Họ không còn cách nào khác. - Nọi vẫn giữ ý mình.
- Anh thương chúng nó à? - Ông chủ vẫn không cao giọng.
- Họ và vợ con nheo nhóc lắm. - Ngừng một chút, Nọi đề nghị:
- Ông cho tôi làm việc khác.
Ông chủ nhíu trán, trầm ngâm chốc lát rồi quyết định ngay:
- Được! Tôi cử anh làm Tổng quản lí các cơ sở kinh doanh của
tôi.
Ông chủ thuộc số các nhà tư sản người Hoa đang nắm vận mệnh
kinh tế nước Thái Lan. Ngoài xuất khẩu gạo, ông ta còn có cả những nhà máy xay,
nhà máy cơ khí... Cơ ngơi của ông ta rải ra nhiều nơi. Mỗi khi có cuộc họp bàn
việc lớn, ông ta cùng bạn làm ăn lên thuyền neo giữa sông to; xung quanh, trên
bờ, trên sông, có các chốt gác. Tổng quản lí chưa phải là tổng giám đốc như
ngày nay, song quyền cũng to, thanh tra, giám sát, tổng hợp tình hình, đề xuất
ý kiến...
"Tôi biết ông chủ đặt tôi vào cửa độc đây. - Ông Nọi nhỏ
nhẹ bảo tôi. - Ông ta đáp lại tính hay trắc ẩn của tôi. Làm tổng quản lí dễ gặp
"rủi ro" lắm, từ cả hai phía. Đã có mấy tổng quản lí tử nạn một cách
bí ẩn. Hoặc tôi sẽ theo chân họ, hoặc tôi sẽ được việc. Cách dùng người của ông
ta là vậy".
Không dám mạo hiểm, chỉ có cách chuồn. Cách đó không hợp với
Nọi. Chàng xin ứng trước một số tiền, và xin vắng mặt để tự lo liệu trong ba
tháng.
Chàng khăn gói lên đường đến các cơ sở gần xa của ông chủ
đóng vai người đi tìm việc. Chàng xâm nhập các xóm lao động, la cà nơi các quán
rượu, các quán cơm bình dân. Chàng trà trộn vào đám người chờ việc. Chàng lân
la làm quen với những người thợ, những nhân viên văn phòng, những người chạy việc.
Chàng thu thập tin tức, nắm tình hình mọi mặt từ cách làm ăn, cách đối xử của
các ban điều hành, đến đời sống của những người làm công. Chàng biết được khá
nhiều chuyện. Đồng thời chàng kết thân được với một số người có bản lĩnh ngang
tàng mà trung thực, hào hiệp, những người thường không được may mắn trong cuộc
đời. Sau ba tháng, chàng về gặp ông chủ xin chính thức nhận việc. Chàng đề nghị
ông chủ tư giấy đi các nơi giới thiệu tổng quản lí mới, kèm ảnh (chàng không tự
mang giấy giới thiệu như tôi nghĩ). Đến gặp lãnh đạo các cơ sở, chàng nói trúng
phóc những cái hay, cái dở của họ, của xí nghiệp, nhà máy. Họ chỉ còn có việc
tròn mắt mà ngạc nhiên. Những thâm thủng lớn, chàng bắt bồi hoàn. Những tư túi
chút đỉnh chàng cho qua. Nhưng với trường hợp nào chàng cũng nhấn mạnh:
"Các chuyện trở về trước vậy là coi như xong, tôi sẽ không nói gì với ông
chủ. Từ nay trở đi các vị lưu ý cho, ông chủ sẽ không nhẹ tay đâu". Không
phải dễ mà có được, mà nói được câu nói kiểu đó.
Con đường sự nghiệp của Nọi, nếu có thể gọi là sự nghiệp, đã
mở ra như thế. Lắm khi vào việc mới tự phát hiện ra khả năng mình. Nếu lại có
ai đó đánh giá cao, càng say việc. Say việc dễ làm cho quên ngày tháng, quên cả
thân phận.
Một hôm, ông chủ mời Nọi đến nhà riêng, một điều ông ta ít
làm đối với thuộc hạ. Sau khi Nọi uống cạn chén rượu tự tay ông ta rót, ông chủ
đi thẳng vào việc. Cô cháu họ ông ta, bà chủ tiệm may ấy, ở góa đã mấy năm,
không con, ông ta muốn xe duyên cho chàng. "Tôi quí anh, muốn anh trở
thành người trong nhà. Cháu nó ở vậy mãi đâu có được. Mà tìm người thích hợp
đâu có dễ". Cô chủ tiệm may chẳng lạ lẫm gì đối với Nọi. Cô còn trẻ, hơn
chàng một tuổi, dung nhan dễ coi, tính tình điềm đạm; hồi cứu chàng rồi cho chàng
việc làm cũng không giữ bộ bà chủ. Nhưng dường như ông chủ muốn ràng buộc chàng
đây. Chẳng phải do tình yêu của cô chủ tiệm may. Cô ta nhiều lắm là có thiện cảm
với chàng thôi. Từ chối thì làm nàng, người mình chịu ơn bẽ bàng. Và ông chủ sẽ
nghĩ gì? Với một người vốn không nhiều lời nhưng một khi đã quyết định không muốn
bị trái ý thì chưa biết sẽ thế nào. Nọi chẳng có nhiều thì giờ để đắn đo lâu.
Đám cưới không phô trương, song đủ các nghi lễ chính của tục Tàu.
Trở thành người thân thích của ông chủ. Nọi thấy càng phải giữ
gìn hơn. Tín nhiệm và uy tín của chàng do tự tay chàng. Làm khác, chàng sẽ tự
làm mình bé đi trong mắt vợ, dẫu có vẻ được lớn lên trong mắt người đời, nhất
là người của công ti.
Ông chủ định mở một cơ sở thu mua và chế biến hải sản ở bờ biển
phía Nam. Dân địa phương nhao lên phản đối. Đứng đằng sau, trước hết là những vựa
cá, những người buôn bán hải sản tại các chợ… Nọi được phái đi xem xét sự thể
và được ủy toàn quyền giải quyết. Chàng đem theo năm người thân tín. Đến nơi,
sau khi đã nắm bắt tình hình, chàng mới ra mặt là người của công ti. Chàng vào
một tiệm rượu lớn nhất thị trấn. Đối chọi, nếu phải xẩy ra, thì tại đấy vẫn hơn
là những nơi xo xúi. Chàng chọn một bàn ở khoảng giữa sát tường chính. Người của
chàng tản ra các bàn ở vòng ngoài. Chàng đang gọi thức uống thì một toán người
kéo đến trước cửa tiệm. Lao xao tiếng nói, cả tiếng thét lác nữa. Đám đông dừng
lại ngoài quán, sáu người tách ra bước vào. Họ ngồi xuống bên mấy chiếc bàn kề
cửa ra vào, hướng về Nọi. Người để ria mép trong bọn dặng hắng rồi nói phủ đầu:
- Này ông kia! Các ông đến đây để giúp chủ người Hoa bóp nghẹt
chúng tôi phải không?
Trong phòng lặng phắc. Chợt một tiếng bàn tay đập bàn.
"Xin được ra tay" - thủ lĩnh nhóm người của Nọi ra hiệu hỏi. "Chờ
đã" - chàng vỗ hai tiếng xuống bàn mình đáp lại. Chàng thong thả châm thuốc
lá rồi nhìn mấy người gây sự điềm tĩnh nói:
- Chúng tôi đến chỉ làm lợi cho dân vùng này thôi.
- Ông nói nghe lạ tai đấy. - Người râu mép cười khẩy.
- Thế này nhé! Cá tôm các người đánh bắt được có phải bao giờ
cũng bán chạy đâu. Có xí nghiệp thu mua và chế biến tại đây thì lúc đó không một
ai có thể ép giá được. Đó là một. Xí nghiệp càng phát triển thì càng thúc đẩy
nghề biển; khi cần, xí nghiệp sẽ hỗ trợ vốn liếng và phương tiện. Đó là hai. Điều
thứ ba càng quan trọng, xí nghiệp sẽ cần lắm nhân công, chẳng phải sẽ giải quyết
việc làm cho nhiều người ư?
Nọi biết những người hăng hái nhất, những người được đẩy ra
đương đầu thường là những người nửa thất nghiệp, hoặc không có việc làm ổn định.
Nói chung, dân lành nước Thái hầu hết là theo đạo Phật, không muốn nhiễu sự. Họ
chỉ cất tiếng khi bị dồn vào chân tường. Đám người kia nghe chàng nói nét mặt dịu
hẳn. Rồi họ làm thân. Họ hỏi han các dự định của ông chủ.
Khi kể lại chuyện này với tôi, ông Nọi ngậm ngùi nói:
"Ngẫm lại những lời tôi bảo họ có sự thật và có cả ngụy biện. Mở xí nghiệp
chế biến hải sản tại đấy đúng là có góp phần đẩy kinh tế biển lên, mở mang xuất
khẩu, thêm công ăn việc làm. Nhưng mặt khác, nó bóp chết nghề buôn bán hải sản
của dân địa phương. Nhiều người không chuyển đi làm ăn nơi khác được đành bám
quanh xí nghiệp làm các việc vặt, hoặc buôn bán vặt mua đi bán lại quẩn quanh.
Lắm kẻ lâm vào cảnh khốn cùng hơn trước. Số người được nhận vào làm trong xí
nghiệp có phải là bao nhiêu cũng vừa đâu. Còn dân đánh bắt hải sản thì buộc chặt
vào xí nghiệp, trở thành người làm thuê lúc nào không biết. Trước kia họ làm tự
do hoặc hợp tác tự nguyện. Dần dà, ông chủ tìm cách gom họ lại một cách tinh
vi, nảy nòi ra những "cai đầu dài" như ngày nay ta hay nói. Chưa kể ảnh
hưởng đến bữa ăn của các gia đình khi tôm cá trở nên khan hiếm trên thị trường
tự do. Kề biển mà phải nhịn thức ăn biển, trái khoáy vậy".
Làm được việc, có uy tín, được chủ tín nhiệm, song tâm tư Nọi
có mòi bất ổn. Chàng rất ngại những khi rảnh rỗi. Mẹ và em mất tích ở Lào, chắc
là bị giặc giết rồi. Chàng nhớ đến cộng đồng người Việt ở đông bắc nước Thái
đang hồi khốn khó nhất do chính sách kì thị của chính quyền phái hữu. Chàng
không còn quê hương. Quê hương Việt, chàng chỉ có thể mường tượng qua lời mẹ kể.
Vợ của chàng khó mà sẻ chia được những nỗi niềm riêng tư của chàng. Có những
lúc người ta dễ tặc lưỡi tìm cách giải phiền. Nọi đã trụ được. Chàng tránh được
những cám dỗ. Nhưng có một lần chàng đã buông xuôi. Một người của chàng hôm đó
thấy chàng nặng suy tư đã rủ đi thăm sòng bạc "coi cho biết". Dự định
chỉ là xem thôi, nhưng quỉ xui thế nào, chính chàng không hiểu mình lúc đó,
chàng thử đánh. Ban đầu là "thử", sau là "khát". Nhoáng
cái, chàng đã nướng sạch số tiền của công ti chàng mang theo để tùy nghi xử lí
khi có việc. Chàng đến gặp ông chủ nói vắn tắt chuyện mất tiền và xin được đền
bằng cách trừ dần vào lương tháng của mình. Con trai ông chủ phụ trách một bộ
phận kinh doanh cũng có mặt lúc đó đề nghị dùng quĩ đen của bộ phận mình trả
thay. Chàng nghiêm mặt bảo: "Đây là việc của tôi, chú dưới quyền tôi, chú
không được làm vậy". Ông chủ - chú vợ im lặng chấp thuận. Chàng không một
lần nào đặt chân vào sòng bạc nữa. Trước đó, chàng chẳng mấy quan tâm đến chuyện
dành dụm. Chàng thấy mình sống chưa có trách nhiệm với mình lắm.
Năm 1960, Chính phủ Việt Nam (Hà Nội) điều đình với Chính phủ
Thái Lan để cho Việt kiều tự nguyện về nước. Nọi như sực nhớ ra mình có một xứ
sở, một quê hương. Không chút chần chừ, anh ngỏ ý với chủ. Ông ta bảo:
"Năng lực của anh đang độ chín. Anh ở lại, tôi sẽ gây dựng cho anh".
Anh cảm ơn, nhưng không thay đổi ý định. Anh hỏi vợ có đi với mình không, chị hỏi
lại:
- Về Bắc Việt hay Nam?
- Bắc. (Chính quyền Sài Gòn lúc ấy đang ra sức lôi kéo kiều
bào về Nam. Chính quyền Băng Cốc cũng gây sức ép phụ họa).
- Thật ra với em thì Bắc hay Nam không quan trọng, tuy em có
họ hàng xa ở Chợ Lớn. Anh cứ đi trước. Em còn phải suy tính, thu xếp, có gì em
sẽ báo anh sau.
Nọi biết sự liên lạc rồi đây sẽ chẳng dễ. Chị ta như vậy là
đã quyết định rồi.
Khi chiếc tàu sắp cập bến Hải Phòng, mắt bao nhiêu người nhòa
lệ, - những con người vì sự săn đuổi của bọn giặc nước hoặc vì miếng cơm manh
áo mà phải bỏ nước ra đi. Nọi rời đất Hà Tĩnh khi còn bé, hình ảnh quê hương gợi
lại chỉ mơ hồ, nhưng khi nhìn thấy bến bờ Tổ quốc, tim anh như có ai vuốt nhẹ.
Điều bất ngờ nhất đang đợi anh phía trước. Đoàn Việt kiều hồi
hương được ban đón tiếp đưa về ở tạm trong một biệt thự xây từ thời Pháp đô hộ.
Hôm ấy, Nọi đang sửa soạn để cùng mọi người đi xem văn nghệ chiêu đãi thì được
báo có người cần gặp. Anh vào phòng khách bằng lối cửa bên. Một người đàn bà
vóc nhỏ, tóc bạc phơ, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành đang ngóng về phía cửa
ra vào chính. Ngồi cạnh là một thanh niên cường tráng đang lật giở tờ họa báo
trên bàn. Nọi giật thót mình, đứng đực ra, mãi rồi mới thốt được một tiếng thì
thào: "Mẹ". Tiếng anh chỉ thoảng qua như hơi gió nhưng cũng đủ làm
người đàn bà ngoảnh nhìn. Đến lượt bà, bà trân trối nhìn anh, tay muốn đưa lên
phác một cử chỉ mà không nổi.
Mẹ và em anh nằm trong số rất ít Việt kiều sống sót sau vụ bọn
Pháp giết chóc ở Thakhec năm xưa. Được người Lào che chở và giúp đỡ, bà cùng
con trai lần về được tới quê hương. Tuy cũng ngờ rằng anh đã bỏ mình trên dòng
sông Mê Công, bà vẫn nuôi một hi vọng mỏng manh. Em anh vừa vào bộ đội được mấy
tháng, đóng quân cạnh thành phố này, dò danh sách thấy những người hồi hương đợt
đầu thấy có tên anh. Nhưng cậu chỉ bảo mẹ đi tìm gặp người quen. Cậu cẩn thận
phòng sự trùng tên, tránh cho mẹ khỏi thất vọng hay cậu muốn dành cho mẹ một niềm
vui bất ngờ?
Tôi hỏi ông Nọi sao về nước không tiếp tục nghề quản lí kinh
tế mà lại đi làm thợ may. Ông cười nhẹ, nín lặng. Nhưng rồi vào một dịp Tết,
vui chén rượu xuân, ông cũng thổ lộ tâm tình.
Người ta cũng có hỏi đến những việc ông đã làm ở bên Thái, và
hỏi ông có nguyện vọng gì. Ông thấy cũng khó giao việc cho mình như hồi ở bên
đó. Bên đó là chủ tư bản, được việc thì dùng, hỏng việc thì loại bỏ. Dùng hay bỏ
là do một tay họ. Ở ta, không thể tùy tiện dùng, tùy tiện bỏ. Ông lại chẳng ở
trong đoàn thể, giao phụ trách sao được. "Nói thật cùng anh, ông nói, nếu
có giao cũng khó mà làm theo cách tôi đã làm bên ấy. Chỉ nói chuyện này thôi.
Muốn nắm chắc tình hình, quán xuyến công việc, tôi phải lao tâm, khổ tứ, xông
xáo, tất nhiên rồi, nhưng cũng còn phải dựa vào người của mình. Dùng họ, phải rộng
rãi. Khi cần, tôi bỏ ra cả tháng lương chiêu đãi họ. Lương tháng của tôi hồi ấy
thì khỏi nói. Nhưng dùng họ mà nhăm nhăm lấy cái bả vật chất để dử thì hỏng, hỏng
việc, hỏng chính mình. Tôi đãi họ trước hết theo tình người". Tôi thấy ông
chẳng có dáng dân anh chị chút nào. Những lời trên của ông là tình thực. Quả
không dễ mà có đất dụng võ.
°
Một chiều, quãng trước chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ
không lâu, ông Nọi đến bảo tôi: "Bữa nay, cậu cắt cơm ở bếp ăn tập thể, đi
với tôi". (Hồi ấy, tôi đang "ba không": không nhà riêng, không vợ,
không xe đạp). Ông dắt tới một chiếc xe đạp để tôi đèo ông đi. Ông thạo lái ôtô
nhưng lại không biết đi xe đạp. Chúng tôi tới cửa hàng ăn sang trọng nhất thành
phố. Ông Nọi đã đặt trước bữa tối tại đó. Ngày còn ở bên nước bạn, bà cụ Nọi có
che giấu, tiếp tế cho một số nhà cách mạng Việt và Lào. Trong số đó, có một ông
nay là cán bộ cao cấp trung ương. Nhân ông này về công cán tại địa phương và
ghé thăm bà cụ, ông Nọi bèn mời cơm ông. Ông khách đi xe xích lô đến, tuy ông
có xe ôtô con riêng, đã hẳn là xe công. Vừa bước vào phòng, ông hỏi ngay
"bà cụ đâu?". Ông Nọi tạ rằng mẹ ông hơi se mình và buổi tối bà chỉ
thích ăn nhẹ. Bữa hôm đó thật là thịnh soạn, chẳng riêng đối với tôi, một kẻ
luôn luôn "đói ăn ngon". Ông khách của ông Nọi nhìn bàn tiệc hơi mím
môi một chút, chỉ một thoáng rất nhanh thôi. Ông ăn uống tự nhiên, ngăn không
cho mở chai rượu mùi, Liên Xô hay Tiệp Khắc gì đó, tôi không còn nhớ. Chuyện
trò rôm rả, dung dị. Bữa ăn kéo dài nhưng không sao "đánh đổ" nổi đến
nửa lượng thức ăn bày ra. Xong bữa, ông khách bảo khoan hãy dọn bàn. Ông gọi
xích lô cho đi rước bà cụ Nọi đến. Ông trỏ cái bàn đầy thức ăn dở bảo bà:
"Chị xem! Nó bày vẽ ra ăn nhà hàng, vung tay khiếp chưa! Hồi ở bên đó, chị
phải gom từng hào để nuôi bọn tôi hoạt động. Kiều bào mình về nước có dư dả
chút ít, chớ nên phí phạm. Nước mình còn nghèo lắm, chưa khá lên ngay được
đâu". Ông Nọi kín đáo bẹo tôi một cái rõ đau. Trên đường về ông bảo tôi:
"Còn may đấy! Cụ mà bỏ về không chịu nhúng đũa thì thật ê". Mãi sau
này, nhắc tới ông khách nọ, ông thủ thỉ nói: "Chuyến ấy làm tôi tỉnh ra.
Tôi chẳng phải là tay tiêu hoang, mà nết sống quen đi. Ông ấy sống đúng như ông
ấy nói. Không biến con cái thành loại cậu ấm, cô chiêu. Giá ông lãnh đạo nào
cũng được vậy!".
Từ lúc mắt kém dần, ông Nọi phải rời nghề may. Trường tiểu học
gần nhà ông khuyết chân bảo vệ, khó tìm người thay, ông ngỏ ý nhận thế chỗ. Những
người thân của ông hết sức can ngăn, nói ông sức yếu chẳng kham nổi đâu. Lí do
chính có lẽ là việc làm ấy đáng ra là của người không còn biết làm gì hơn. Song
ông nhận làm đâu phải vì ông túng! Ông đã làm việc đó một cách bình thản và lặng
lẽ, như tên ông - tiếng Lào có nghĩa là nhỏ.
Ông ra đi vào cõi u minh cũng lặng lẽ và bình thản như thế,
chẳng ốm đau gì, một ngày đầu xuân rét ngọt.
10/1997
Khải Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét