Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Lẩn thẩn chuyện viết lách

Lẩn thẩn chuyện viết lách

Thư đề Prof. Dr. P.T. Cung, thay mặt ban biên tập kỉ yếu đồng môn T.P, đề nghị “viết cho một bài về cuộc đời hoạt động của anh, đặc biệt là trong mặt trận văn học, nghệ thuật của một người đã ra đi từ trường T.H. Trần Phú” khiến tôi khó nghĩ. Cuộc đời "thường thường bậc trung", viết văn muộn và rất tuỳ tiện, tuỳ hứng, có gì để nói đây! Thôi thì “cung kính không bằng tuân lệnh”, trong phim Tàu họ hay nói vậy.
Có lẽ khi tôi bước vào trường Trần Phú thiên hướng văn chương chưa "chạm" vào tôi, đúng ra là chẳng thiên hướng mô tê gì. Trước đấy năm cuối cấp tiểu học, trường tôi học phải có một học sinh dự kì thi giỏi Văn, giải thưởng Bảo Đại, trong cả nước, thầy giáo hỏi cả lớp: "cử đứa nào, bay?". Mấy tiếng nói lao nhao: "Bạn K. ạ". Chính tôi cũng ngỡ ngàng. Nhưng thay vì vinh dự là khổ nạn, bởi "thằng bé" phải cuốc bộ hơn 70km vào tỉnh lị để dự cuộc thi biết trước là chẳng nước non gì, mà không đi thì sẽ không được thi tốt nghiệp như ông hiệu trưởng đã đe cha tôi khi người đến xin miễn cho tôi. Môi trường văn hoá trường Trần Phú ngày ấy cũng nhỏ hẹp thôi, nhưng với một đứa trẻ chỉ mới trải qua không gian tiểu học, lại một năm thôi học luẩn quẩn chốn làng quê, thì thực sự đã là rộng mở và mới mẻ. Lúc này nước đã độc lập rồi, môn quốc văn không còn là môn phụ như hồi Pháp thuộc. Dạy văn lớp tôi đầu tiên là thầy Hoàng Vị. Thầy thường cho đọc những đoạn văn, những truyện ngắn hay rồi cho trò bình luận, tất nhiên là ở tầm của học sinh nhóc! Hăng hái và thú vị ra phết. H.X. Thâm và tôi hay phát biểu hơn cả, được thầy khích lệ. Thầy cho bàn cả kịch Lơ Xít của Coóc-nây. Tôi còn nhớ tôi từng có câu rằng: "Rô-đri-gơ dám đi đấu với cha người yêu để trả thù cho cha mình chưa hẳn đã là vì hiếu; qua màn độc thoại, anh ta suy tính: không làm thế cũng mất Si-men vì bị nàng khinh". Thầy hỏi: "Vậy thì vì cái gì?". Tôi nói: "Rút lại, chẳng qua cũng vì tình". Thầy khen phải. Thầy Vị đi, thầy Hoàng Khắc Niêm thay. Thầy Niêm không hào hoa như thầy Vị, song chỉn chu và có "sư phạm hơn". Cuối năm học, một trong những phần thưởng tôi được nhận thuộc về môn Văn của thầy, cuốn "Việt Nam văn học sử yếu" của Dương Quảng Hàm do Nha học chính Trung bộ tặng. Nói thật, nhóc tôi có lúc cũng sính văn hoa. Như có lần tôi đã kể, trong bài kiểm tra sinh vật cuối năm tôi đã hạ một câu khá là văn vẻ cụ non: "Có những thi nhân khóc hoa tàn, đâu biết một mầm sống đang bắt đầu nảy nở". Chẳng biết có phải nhờ vậy mà bài làm đã được thầy Nghiêm Trúc cho 9 điểm (trên 10). Những ấn tượng cùng thành quả nho nhỏ cũng nhen một kì vọng mơ hồ. ) Ờ, tuổi nhỏ cần có kì vọng và biết kì vọng chứ (quá lên sẽ thành tham vọng), nhưng chớ kì vọng suông! Ngày ấy, bạn học "phong" cho những là "Pi-ta-go tương lai", "Khái Hưng tương lai"; họ chỉ nói vui, song cũng có thể làm phỉnh mũi, và không phải không có lúc để cho những viễn ảnh xa vời huyễn hoặc. Không biết tự định hướng, thiếu nghị lực, gia dĩ sức khoẻ "tiên thiên bất túc", anh chỉ làm mồi cho mơ mộng hão. Bài học luôn luôn mới cho lớp trẻ tuổi. Tôi mơ "sẽ làm" thì nhiều lắm, thuộc nhiều lĩnh vực. Song, thường hơn cả là "ta sẽ viết". Trong đời thiếu gì chuyện, thiếu gì dịp gợi tứ cho văn nghệ, tức thời hoặc ươm mầm lâu dài, miễn là anh có tài và có chí. Tôi cứ tự "dọa" mình hoài mà ngày tháng cứ qua.
Lần ấy, vào năm 1955, anh chàng "tôi" qua một vùng đồng bào công giáo di cư vào Nam hết, làng xóm hoang liêu. Y cảm xúc làm bài thơ Tiếng chuông . Nhân báo Độc Lập có cuộc thi thơ, y gửi tham dự. Nào ngờ được giải nhì (không có giải nhất). "Sự nghiệp văn chương" mở đầu như vậy có vẻ xôm, dẫu đã 25 tuổi trời. Cứ đà ấy mà đi... xa. Nhưng y chỉ "bước" được thêm vài bài, thơ và văn, rồi buông trôi ý và tứ cho ngày tháng (Cái cớ "bận việc chuyên môn" có thể tự lừa mình!). Lời phê của một thầy giáo Văn trong học bạ: "Xuất sắc, hứa hẹn nhiều" thỉnh thoảng chợt hiện về như phỉnh phờ, như mai mỉa. Đáng sợ, cái sự lần lữa!
Đến năm sắp bước vào tuổi năm mươi, cái tuổi "tri thiên mệnh" như người trước hay nói, thời cuộc buổi ấy gợi về một đề tài dã sử từng ám ảnh thuở học trò thôi thúc y cầm bút. Điếc không sợ súng, y viết luôn một vở kịch dài. "Điếc" do hiểu kịch cọt còn lơ mơ, được cái hứng đưa đi, cái hứng nhen lên từ hồi nào bàn lỏng về kịch Lơ Xít, rồi kịch Ăng-đrô-mác, cái hứng đeo đẳng sau những buổi xem kịch, những lần đọc kịch... ấy vậy, kịch bản Nỏ thần được đẻ ra sau vài tháng. Một nhà văn có tiếng là viết bạo lắc đầu: "Kịch của anh phê phán vua kiểu này, vua tức là nhà cầm quyền chóp bu; lại có ý giảm tội cho Mị Châu, không ổn". Nhưng rồi cũng gặp may, được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải thưởng kịch bản văn học trong cuộc thi năm 1981. Cú hích lần này có chút tác dụng. Y có ý thức cầm bút hơn, song ỳ ạch, không thường xuyên, đúng là tuỳ hứng và tuỳ tiện. Mỗi lần cầm bút, với y khó nhọc như với kẻ có tật dậy muộn phải rời chăn chiếu sớm. Có những người trở thành nhà văn chính hiệu sau hàng trăm bài thơ, bài văn rơi vào sọt giấy lộn của các toà soạn báo. Y không có được cái quyết tâm đó, nhất là không có được cái đức "say mê viết". (Như nhà văn Nguyên Hồng chẳng hạn, 12 giờ đêm trốn khách ra cảng ngồi núp giữa hai công-ten-nơ để viết). Năm 1990, có dịp ghé vào vườn Luých-xăm-bua (Luxembourg) ở Paris, cái vườn từng ám ảnh mình qua những câu văn của nhà văn Pháp A-na-tôn Phơ-răng-xơ, tôi tự hẹn phải viết một cái gì đó. Vậy mà mãi đến năm 1999, tôi mới "nặn" ra được truyện ngắn Họ đi qua vườn Luých-xăm-bua.
Viết là nhọc nhằn. Có nhiều thứ nhọc nhằn, nhọc nhằn yêu, nhọc nhằn nghiên cứu, nhọc nhằn leo núi, nhọc nhằn cuốc đất,... Song, nhọc nhằn viết lôi thôi lắm nỗi. Không nói nhọc nhằn nặn óc. Không nói nhọc nhằn "đầu ra". Gửi đăng báo, có khi hàng năm sau mình đã quên bẵng đi bỗng nhận được báo biếu và tiền nhuận bút. Gửi in sách, nhà xuất bản chỉ chuộng những món dễ bán và có lãi suất kha khá; anh không khéo chạy vạy, bản thảo chỉ có mốc meo. Nhiều lắm, những nỗi nhọc nhằn không rõ hình thù! Không ít nhà văn nói: viết phải "lách", lách thị hiếu người đọc, lách các ban biên tập, lách "kiểm duyệt",... Chao ôi! văn chương là con lươn ư! Có thể trong giới quan chức, trong giới làm ăn có lươn, rất nhiều lươn; song trong giới văn học nghệ thuật nhớt lươn tanh lắm, khó giấu mà cũng khó quen mũi được. Những con lươn văn nghệ sớm muộn cũng chuồn sang lãnh địa khác, hoặc luồn cao, hoặc rúc bùn.
Tôi có những ý tưởng không hoặc chưa tiện viết ra; nhưng những gì đã viết ra, dù gai góc, không viết lấy lòng, không viết trái điều mình nghĩ; có thể viết khéo một chút song đó là chuyện nghệ thuật và kĩ thuật. Truyện ngắn Những người làm chứng (NNLC) là một trong những truyện "cái thuở ban đầu". Biên tập viên tờ báo văn nghệ của Hải Phòng, nhà văn N.Q.T., nói: "Tôi rất thích truyện ngắn này. Nhưng truyện chê bai lãnh đạo, nhân vật tiêu cực nhiều hơn nhân vật tích cực, nặng nề. Phải chờ có truyện ngắn nào nhẹ nhàng đặt cạnh cho dịu bớt. Đưa đăng mà Tổng biên tập có thể gạt đi thì ảnh hưởng đến uy tín của tôi". Gửi tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Gần một năm sau, tôi nhận được thư của nhà văn N.B., biên tập viên: "Tôi tìm thấy trong đống bản thảo tồn lại truyện ngắn NNLC của anh, tôi thấy hay, sẽ đưa đăng vào số tháng 3". Thú thật, tôi không mấy "thoải mái" truyện này. Bạn viết, đồng nghiệp,... không mấy người tán thưởng. Một hôm tôi ghé vào toà soạn báo Văn Nghệ Quân Đội nơi người ta chưa biết tôi. Nhà văn L.L. mời ngồi trao đổi, và nói: "Truyện NNLC viết thế là giỏi". Ờ, có khi là "giỏi" mà mình lại không biết là giỏi (!). Song, một người bạn kém tuổi bảo: "Em nói thật, chẳng lẽ chỉ viết cho số nhà văn nào đó xem". Đúng quá! Viết là ít nhiều gửi gắm ý mình, lòng mình. Gửi gắm cho ai? cho những ai?.
Có bài được đăng thì khoái rồi. Nhưng nếu "đứa con tinh thần" của anh bị người ta "chăm sóc" tuỳ tiện, dù chỉ nhổ đi một cái lông, mà không phải lông thừa, thì có "xót" không? Những biên tập viên có trình độ và nghiêm cẩn bao giờ cũng tôn trọng tác giả. Cần thiết lắm họ mới "động bút", nhiều khi trao đổi trước với tác giả. Những biên tập viên như thế, hơi "bị" hiếm. Còn những biên tập viên lớp cũ mà Cao Xuân Hạo từng ca ngợi, hẳn đã tiêu trầm. Thường gặp các vị cứ "thọc bút" khi không cần và không nên, tuồng như là biên tập thì phải thế (!), thậm chí vào cả những chỗ mình không hiểu đúng ý người viết. Hình như ở ta không đào tạo BTV một cách bài bản; quan tâm chăng là lập trường, quan điểm chính thống (đến đâu và ra sao lại là chuyện khác). Một lần, báo ND, đăng một bài bàn luận nhỏ của tôi. Tôi ngã ngửa sau khi nhận được báo biếu. "Quái! Sai lạc ý một cách thảm hại!". Đành lại viết một bài, dùng bút danh khác, phê bình chính bài của mình để uốn nắn lại, cũng gửi đăng trên báo đó. (Nếu phê biên tập viên để vị đó chỉnh lại cho thì... e chờ đến kiếp sau!". Lần khác, báo S.G.G.P đăng bài tôi nhận xét phim Nam Hàn (có hấp dẫn song nhiều "mô típ", nhiều cảnh hay lặp lại ở nhiều phim đâm nhàm, có những nhân vật sầu bi triền miên,...), và đề nghị các đài truyền hình của ta không nên "lạm phát" (cùng với phim Trung Quốc, phim Mĩ), nên dành phần cho cả những nền điện ảnh mà ta chưa biết hoặc biết ít. Biên tập viên hào phóng thêm vào: Người mình thích phim Hàn "vì sự gần gũi về tâm lí, tính cách...". Đâu phải cứ người châu Á da vàng với nhau là gần gũi tâm lí, tính cách! Có thể Việt và Hàn có đôi nét tương đồng do cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Hán, song truyền thống của họ khác hẳn ta, mức sống hiện tại của họ vượt xa ta,... Còn nhiều lần nữa (tất nhiên là bên cạnh những lần mà người biên tập tôn trọng đến từng dấu ngắt câu của người viết). Đó! một khía cạnh vui buồn, cái chuyện viết lách! Âu cũng là thường tình. Song le, thường tình chăng việc hạ bút với một ý đồ phi văn học? (nếu không nói là phi nhân cách!). Lần ấy, tôi không chịu cho một biên tập viên của một nhà xuất bản sửa mấy câu văn trong cuốn Thiên truyện bỏ dở, câu văn mang những ý ngầm nâng đoạn văn lên. Hôm đó tôi có hơi nóng, song việc xong rồi thì thôi. Nào ngờ... Ít lâu sau, một bài đăng trên Cửa Biển, tờ báo văn nghệ địa phương, viết về cuốn sách và tác giả rất thậm tệ, dưới kí một cái tên B.Q. lạ hoắc. Anh L,. một biên tập viên khác của NXB, tự đưa bài báo đến cho tôi đọc và hỏi: "Anh có biết ai không?". "Cậu à?". (Cười) "Em đâu có làm chuyện thiếu nhân cách như vậy. Lưu V.K. đấy". Lưu V.K. là người biên tập cuốn sách; anh ta sổ toẹt chính cái anh ta chịu trách nhiệm "bà đỡ"! (Do vậy, anh ta phải bịa ra một cái tên mới để kí dưới bài viết). L. kể thêm: "Chu V.M. (tổng biên tập tờ báo) được K. tiết lộ chén đắng nên chịu cho đăng ngay. Anh có biết N.Q.T. nói ở chỗ riêng tư rằng M. mòn đời cũng chẳng viết được truyện ngắn nào như truyện Tĩnh vật của anh không? (T. là nhà văn đàn anh của M.). Đấy! Chén đắng K. dùng để kích M. đấy". L. vẫn bảo tôi: M. tuy là hội viên hội Nhà văn Việt Nam nhưng chỉ là nhà văn hạng ba; còn K. thì "sách anh ta tặng em, em có bao giờ thèm đọc đâu". Lúc đó tôi chưa biết chính L. "xuỳ" cả K., cả M. Ba người đều là những tay "thâm thuý". Dân "cá gỗ" bộc tuệch chỉ nên "cụ nhi viễn chi". M. về sau làm một vụ trưởng quan trọng. Tôi có hỏi anh ta: "Sao anh có thể để tờ báo mình phụ trách đăng một bài có ý đồ xấu xa như vậy?". Câu hỏi khó có lời đáp. Dễ hiểu thôi! Chẳng lạ, có người từng nói cái "chợ văn chương". Không chỉ là chuyện mua bán. Chợ văn chương hay chính chợ đời? Để đừng huyễn hoặc về sứ mệnh nhà văn!
Giữa năm 2005, nhà xuất bản H.P. nhận in cho tôi một tập truyện (chọn) do họ bỏ vốn và tìm đầu ra. Phó giám đốc kiêm phó tổng biên tập (người phụ trách bản thảo của NXB) làm việc với tác giả, cuối cùng nhất trí tập truyện gồm 30 truyện ngắn, 402 trang in. Nhưng giám đốc kiêm tổng biên tập (TBT) mới nhận chức bắt bỏ bớt đi một truyện vì "ý tưởng có vấn đề" và lược đi một từ trong một truyện khác. Truyện bị đòi bỏ là “Nợ duyên” từng đăng trên tạp chí Văn, về sau được đưa vào tập “Nợ trần” do nxb Quân Đội Nhân Dân xuất bản. Còn "từ" bị đòi lược là từ "mang tiếng" trong đoạn văn nói lí do vì sao một người Pháp ưu ái một số chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, cuối những năm 1980: "Việt Nam dù sao, ngay trong những năm tháng bị "mang tiếng" nhiều nhất ấy, vẫn là một "sự kiện thế giới", không dễ mờ phai". Bỏ bớt hay không chẳng phải là chuyện lớn - Lớn ở chỗ khác. Không gặp tác giả, TBT phán qua biên tập viên (BTV): "Cứ như thế thì in, không thì thôi", - thái độ xử sự và câu nói của người cầm đầu một cơ quan văn hoá! Tôi rút những gì dính dáng đến bản thảo của mình về (sau này, anh ta thanh minh rằng có sự hiểu nhầm, anh ta không định nói như vậy).
Trong cái rủi còn có một chút may. Qua bản in thử lần cuối thấy được trình độ TBT cũng như BTV (đều có bằng đại học khoa Văn). Chẳng hạn, trong một truyện có chỗ nói đến một đại tá quân đội Sài Gòn cũ vốn vẫn đóng vai lính cần vụ để moi tin các sĩ quan, sau ngày 30/4/1975 ra trình diện với danh xưng ấy nên không phải tập trung cải tạo, đi làm nghề hớt tóc. TBT phê: "Chả nhẽ, những người cộng sản lại ngu ngơ không biết hắn là mật vụ hết thời Fáp lại giặc Mĩ ư?!" (chép lại y nguyên, cả đến dấu câu). Còn BTV thì đến dùng dấu phẩy cũng chưa rành. Chẳng phải "lỡ tay" vì nhiều lần tùy tiện thêm hoặc bớt dấu câu, dấu ngoặc kép, v.v... Lại còn chữa văn. Khó mà tưởng tượng ra một BTV mà không hiểu "các vàng" (trong câu "có các vàng chị cũng không đi"), "kém thớ", "dân anh chị", "bị mái xuỳ", v.v.. rồi tự ý sửa một cách ngô nghê. Không nói những dụng ý tu từ, cú pháp của tác giả, BTV không hiểu cứ chữa bừa đi. Một ông bạn vốn là nhà phê bình văn học bảo: "chưa sạch nước cản" có lẽ không oan. Nếu BTV nào cũng vậy thì ô hô! ai tai! TBT ấy cùng BTV ấy, những "đứa con tinh thần" của tác giả vô phúc nào đó nếu không chết oan thì cũng bị méo mó trong tay "bà đỡ"!
Còn phải kể đến vai trò của nhà phát hành. Thường thì “nhà” này chỉ “buôn chữ” chứ không “bẻ chữ”, tuy có thể có can thiệp bằng cách đề nghị tác giả sửa đổi chỗ này chỗ nọ. Duy, đến như “nhà phát hành” công ti Văn hoá Tràng An ở Hà Nội của “luật gia đã từng in thơ tập riêng” Bùi P.H. thì “hết chỗ nói”. Tập truyện “Hoàng hôn pha lê” bị ông H. “biên tập”(!) đến cả trăm chỗ, từ sửa (thay đổi, thêm, bớt) các từ, cụm từ, đoạn câu, câu,... đến rũ rối ra, đổi cấu trúc, cắt xén và sửa văn cả một đoạn văn vài trang in, tất cả “công trình” ấy được làm với một “tay nghề” mà nói như ông bạn ở trên là “chưa sạch nước cản” e còn chưa diễn tả đủ! Chỉ xin đưa ra một dẫn chứng nhỏ: nguyên văn “vận may không cười với tôi nữa” được biên tập thành “một vận hạn không cười được nữa đến với tôi”. [Vậy mà, ông H. sau khi hứa sẽ tái bản và đề nghị tác giả tự hiệu đính, đã tìm mọi cách lần lữa bằng một giọng rất chi là nhã nhặn, rồi trí trá nguỵ biện và nguỵ tạo, cũng rất chi là khéo, trên trang mạng của công ti mình để vỗ tuột; lại còn nhờ một đối tác đang lo ra sách, nhà văn Vũ N.T. nào đó, làm như “tình cờ biết chuyện” góp ý với tác giả rằng ông H. làm ăn đứng đắn lắm (!)].
Khen chê "đương thời" thường chưa đủ độ lắng đọng và sàng lọc. Nói chi nỗi nhiễu loạn do toan tính nghiệp vụ hoặc riêng tư nhan nhản trên báo, đài. Còn để "đối tác" hoặc để triệt nhau nữa. Khen sai có hại hơn là chê sai, cũng như chê đúng có lợi hơn cả khen đúng. Lạ là có thể thiếu nghiêm cẩn tại nơi và tại lúc mà ai cũng tưởng là tin cậy được. Năm 2000, báo Văn nghệ của hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) tổ chức cuộc thi truyện ngắn, và một trong hai giải A được trao cho truyện Cuộc cờ lều Ngộ Vân. Thấy truyện này rất không ổn về ý tưởng và về câu, chữ, tôi viết một bài dài ba trang đánh máy "Ý mọn về một truyện ngắn được giải cao". Ban biên tập và thư kí toà soạn một tờ báo lớn cấp trung ương đã thuận đăng nhưng tổng biên tập gạt đi vì "lí do tế nhị". (Một biên tập viên viết thư cho tôi biết vậy và nói rõ hơn: "sợ đụng chạm"). Sau, bằng cách nào đó, một tờ báo điện tử chính qui có địa chỉ: "http: // home. netnam.vn" đăng vào các ngày 26/3/2001 và 30/3/2001. Một chút "may" vớt vát, bởi báo điện tử, lại là trang văn nghệ, ít người biết để tìm đọc. Dẫu thư của biên tập viên có nói "có cái hay là nhiều người Việt hải ngoại tìm đọc", một chút an ủi kiểu A.Q. chủ nghĩa!
Tôi viết không nhiều. Có bài đăng trên hơn hai chục tờ báo trung ương và địa phương, hầu hết người ta không biết mặt tôi. Một số đầu sách đã được xuất bản. (Còn bảy tập bản thảo gồm truyện dài, truyện vừa, tập truyện, bút kí, kịch bản văn học đang nằm chờ nhậy nhấm). Ngoài thơ và kịch còn nhận được tám giải thưởng về truyện ngắn. Một số người, trong đó có nhà thơ lão thành L.Đ.T., gợi ý tôi xin vào hội Nhà văn Việt Nam. Được là hội viên hội này là vinh dự, là "oai" theo thông tục. Không là hội viên thì không phải là nhà văn trong con mắt chính thống. Tôi tự thấy mình không có cái "đức" của nhà văn đúng nghĩa. Vấn đề là anh có viết được không? Viết có ra gì không? Còn cái danh "Hội viên HNVVN" thì... Nhưng rồi "hiện thực" cho thấy nó thiết thực lắm lắm. Sau đây là một trong những biểu hiện. Đầu năm 2000, Hải Phòng cho ra tập sách "Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm" nhằm tổng kết một thế kỉ văn học của địa phương. Tập sách tập hợp những tác giả tại Hải Phòng hoặc gốc Hải Phòng từ đầu thế kỉ 20, những Vi Huyền Đắc, Thế Lữ,... đến Nguyễn Đình Thi... Lớp sau nữa chỉ đưa vào chiếu ngồi những ai hiện là hội viên HNVVN. Ngoài ra, nghĩ sao, người ta mời thêm mươi người theo những tiêu chuẩn nào đó. Tôi cũng được mời. Tôi gửi tác phẩm đến theo đúng yêu cầu trong giấy mời là "những tác phẩm tâm đắc nhất, thể hiện rõ nhất quan điểm sáng tác của mình", nhưng ban biên soạn thay thế theo ý họ không cho tự ý chọn như những ai là nhà văn có "mác". Tôi đành không dám ngồi vào chiếu giải thêm trên thềm đình như vậy. Một số bạn thân quen tỏ ý tiếc: "Bao người muốn chạy chọt để được tham gia, sao anh lại rút? Những người kia chịu theo họ có sao đâu!". Có thể người ta chê là dại. Biết làm sao được! Lưu danh bằng bất cứ giá nào ư? Mà được vào tập tuyển đồ sộ ấy chắc gì đã lưu danh thật sự và xứng đáng. Là hội viên HNVVN chỉ mới là điều kiện ắt có, điều kiện đủ là bản thân tác phẩm. Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp vì sự nghiệp văn học đất nước hẳn chẳng thích được đưa ra như một chiêu bài.
Hiện giờ cái bút danh Khải Nguyên cũng chỉ là "vô danh" giữa vô vàn cái tên kí dưới các tác phẩm trên sách, báo. Với tôi, viết là gửi gắm, là bày tỏ lúc này thôi. Mai sau, có tác phẩm nào còn được hậu thế đọc đến là tốt quá rồi. Cái tên mình đâu phải thuộc loại tác giả lưu danh!.
Khải Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...