Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Chuyện ông thiện, ông ác

Chuyện ông thiện, ông ác

Xưa, làng có một ngôi chùa nhỏ trên một ngọn đồi thấp. Từ lâu, chùa vắng người tu. Ông tự được cử ra trông coi, những năm đói kém phiêu bạt đi đâu mất. Chùa dần trở nên cũ nát. Làng nghèo không có tiền tu bổ. Lâu ngày chùa đổ, chỉ còn trơ lại hai mẩu tường ở hai cánh,chỗ dựa của hai ông hộ pháp. Hai ông đều cao to, cao to hơn ngưòi thật nhiều, ít ra là trong mắt bọn trẻ con. Một ông mặt đỏ, dữ dằn, mắt trừng mày xếch, tay xách một thanh đại đao, nom rất giống Quan Vũ, mà dân “mê” gọi là Quan Công, trong tranh Tàu. Đó là ông Ác. Ông kia mặt hồng, nom hiền hoà, tuy vẫn có vẻ uy nghiêm. Tay phải ông ta giơ lên một vật tròn tròn kẹp giữa đầu ngón tay trái và đầu ngón tay trỏ. Người ta bảo đấy là hòn ngọc, còn đám trẻ con thì thích đấy là viên kẹo hơn. Đó là ông Thiện.
Bọn trẻ thường ra chơi ở bãi cỏ trước ngôi chùa đổ. Chúng đánh khăng, đánh quay, kéo co, đánh vật,... Lạ một điều là chúng chỉ chơi trên vạt cỏ phía ông Thiện. Với ông Ác, thoảng hoặc chúng có nhìn thì cũng chỉ đứng xa xa mà ngó. Với ông Thiện thì thậm chí có đứa khi chơi trốn tìm còn dám đến nấp bên ông.
"Ông ơi! Ông tìm giúp trâu cho cháu”. Rồi nó ngoảnh sang ông Ác kêu lên: “Ông thù tôi, ông cho trộm bắt trâu tôi, phải không?”. Hôm trước, nó đánh con khăng va vào mặt ông Ác. Tụi bạn nó đã cảnh cáo nó: “Mày động đến ông Ác, mày chết!”. Ngay chiều hôm ấy thằng bé tìm thấy trâu; trâu nó ăn lúa bị ngưòi ta giữ. Nó đến cảm ơn ông Thiện rối rít mà lờ đi chẳng có lời nào với ông Ác cả.
Đêm đến, ông Ác phàn nàn với ông Thiện (các ông chỉ trao lời với nhau ban đêm vào lúc các ông được nghỉ, lúc ấy chắc chắn không bị ai nghe lỏm):
-Thật là bất công! Ngay cả bọn trẻ cũng thành kiến với tôi. Ông được gọi là ông Thiện vì ông phụ tách việc thưởng người làm điều tốt. Còn tôi được giao việc răn đe và phạt bọn làm điều xấu thì bị gọi là ông Ác. Người đời không hiểu cứ nghĩ ông Ác thì chuyên làm việc Ác.
Ông Thiện an ủi bạn:
-Có lẽ tại bộ dạng ông oai nghiêm quá đấy thôi. Nói thật, bộ dạng chúng mình hơi kềnh càng, to tợn, chính tôi ban đầu cũng bị bọn trẻ xa lánh. Gần được chúng, công phu lắm đấy.
-Ông làm như thế nào?
-Đêm đêm tôi thường đến thăm chúng trong giấc ngủ của chúng, vỗ về chúng, hỏi han chúng, đưa chúng vào những giấc mơ đẹp. Dần dà, tôi gần gũi chúng trong linh cảm trẻ thơ.
-Đêm nay ông cho tôi đi cùng nhé.
Đêm đó, hai ông cùng đi. Khi trở về, ông Ác thở dài bảo ông Thiện:
-Lũ trẻ chỉ thấy có ông thôi, chẳng ngó ngàng gì đến tôi cả.
-Thôi thế này! –Ông Thiện ngẫm nghĩ rồi nói- Đêm mai, ông đi một mình, coi như tôi bận hoặc tôi mệt, ông thay mặt tôi.
Bạn gặng mãi, ông chán nản nói:
-Tôi đến gặp một thằng bé vừa mới nói được mỗi câu, nó đã lảng.
-Ông nói câu gì?
-Tôi hỏi: “Cháu có làm điều gì sai trái không?”
Trời ơi! –Ông Thiện lắc đầu. Ông lắc hơi mạnh làm bong một lớp vôi nơi cổ- Ông mắc bệnh nghề nghiệp rồi. Có phải ông đang đi truy việc ác để phạt đâu. Câu ấy mà mà nói với người lớn thì hoặc là họ rụt cổ lại, hoặc là họ trừng mắt lên với ông. Sao ông không hỏi: “Cháu đã làm được những điều gì tốt?”. Mà chưa chắc nó đã nói ra đâu. Ông thật là...
-Hỏi vậy là việc của ông chứ. –Ông Ác cáu.
Ông Thiện định khuyên không nên cứng nhắc, ngay lúc làm phận sự phải giữ đúng phép tắc cũng phải hiểu lòng người, nhất là lòng con trẻ. Nhưng nhìn sang, ông thấy ông Ác đứng im lìm như... tượng, tỏ rõ cái ý chẳng muốn nghe nữa. Ông buồn rầu nghĩ: “Chắc chẳng phải anh đắp tượng tạo nên ông ta ra thế thì ông ta cứ là phải thế”.
Từ đấy hai ông hầu như không chuyện trò gì với nhau.
Sau Cách mạng tháng Tám, bọn trẻ mải đi học, đi họp hành, ca hát. Tình cảnh hai ông hộ pháp của chúng ta thật buồn tênh.
Một bữa, có mấy đứa trẻ đi học ghé qua. Hai ông đã mừng. Ông Ác dè dặt vui. Ông Thiện thì sướng rơn trong bụng, tuy mặt ông vẫn tỉnh bơ. Bọn trẻ đứng lơ láo nhìn hai bức tượng, dáng vẻ không được từ tốn như trước đây. Một đứa nói:
-Hai cái lão này cứ đứng ỳ ra đây chẳng chịu đi học xoá mù gì cả. Phải truy chữ xem. –Nó lấy vở ra. Hai ông cứng cả người, ông Thiện còn cảm thấy lạnh hơn ông Ác. Đứa trẻ bước tới trước ông Ác chìa trang vở dí sát mặt ông, hỏi cộc lốc- Chữ này là chữ gì?
Ông Ác giận quá. Mặt ông sạm màu sương gió nên chẳng rõ là có tái đi hoặc đỏ tía lên không.. Chỉ biết ông ta vẫn nguyên mắt trừng, mày xếch, môi mím, không thèm trả lời. Thằng bé la lên:
-A! Lão này mù chữ mà chẳng chịu học. Vặt râu lão đi, chúng mày!
Ông Thiện đứng im thít, đổ mồ hôi hột,-chẳng phải chỉ vì đêm qua sương xuống dày. May, chúng không đụng đến ông.
Bọn này thiên vị thật! Ông Ác nghĩ thầm. Ông gồng mình chịu nỗi cay đắng cho đến hết ngày. Đêm xuống, ông lầu bầu bảo ông Thiện (sau bao nhiêu năm, ông mới trao lời với bạn):
-Tôi sẽ không đứng đây với ông nữa. Để ông một mình cho sướng.
Sáng hôm sau, tượng ông Ác chỉ còn là một đống vụn dưới chân tường. cả đêm qua chẳng gió mưa, sấm chớp, động đất cũng không. Không một ai nghe tiếng đổ sập, kể cả ông Thiện đứng cạnh. Trên mảng tường còn dấu tích một hình người to tướng.
Ông Thiện còn đứng trơ một mình với nỗi buồn đơn côi cho đến khi cả hai mẩu tường biến mất lúc nào chẳng rõ.
Cách đây mấy năm, chùa đã được dựng lại, to đẹp hơn. Hai bức tượng ông Thiện và ông Ác đắp nổi nom tươi tỉnh mà oai vệ. Hai ông cũng được người ta thắp hương và cúng mỗi khi có người đến lễ chùa, cả người già, cả người trẻ, rất nhiều người trẻ, gái và trai, điều rất hiếm hoi trước kia. Hiềm một nỗi là rất vắng bọn nhóc. Thiếu cái hơi nghịch ngợm của chúng chẳng biết nên vui hay nên buồn? Đêm đến, ắt hẳn hai ông hộ pháp chẳng có gì để trao lời với nhau.
Ngày nọ, một trong những đứa trẻ ngày xưa trở về thăm quê. Đứa bé ấy, nay đã là ông, đứng trước ngôi chùa mới, cố hình dung một cách vô vọng bãi cỏ ngày cũ, bãi cỏ mà mấy chục năm qua ở nơi xa hễ nhắm mắt lại nghĩ về quê hương là ông lại thấy hiển hiện cùng hai bức tượng dãi dầu từng chứng kiến những trò vui, những trò nghịch của bọn nhỏ.
Ông ta khấu đầu lễ Phật. Và cũng với vẻ thành kính vô cảm như khi đứng trước Phật đài, ông ta cắm mấy nén hương dưới chân hai ông hộ pháp.
Khải Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...