Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Hành trình đêm giao thừa

Hành trình đêm giao thừa

Còn cách bến phà vài chục mét. Yến thôi đạp để cho chiếc xe tự dừng khi hết đà. Dùng phanh hãm xe đột ngột sợ làm kinh động đứa con đang ngủ. Thằng bé được bọc và đệm kĩ trong chiếc ghế con buộc chặt trên cái đèo hàng. Đầu nó trùm một cái mũ len kín xuống tận vai chỉ chừa một cái khe hẹp ngang mắt, lại được giữ trong một cái chụp gồm có gối, khăn bông, khăn len, níu giữ cẩn thận cho khỏi gà gật. Bến phà vắng và lạnh. Đêm mù mịt. Ánh sáng vàng mờ từ cái "đèn pha" tự tạo - một cái đèn dầu hỏa giấu trong một đoạn ống tre có trổ một lỗ vuông lắp kính và một lỗ thông khói - hắt ra một khoảng nhỏ nhoi trên mặt đường càng làm cho bóng tối xung quanh thêm đặc. Chỉ có thể đoán nhận dòng sông trước mặt qua những cảm giác rất mơ hồ. Chiếc phà có lẽ đang ở bờ bên kia. Vinh nó nói đúng. Mình những tưởng… "Chán cái bà Yến! Bà cứ nghĩ theo nhu cầu của mình. Ngày thường người ta tranh thủ vận chuyển suốt đêm thật, để tránh thằng Giôn-xơn; nhưng đêm ba mươi Tết thì người ta cũng phải thư thư một chút chứ". Bây giờ là mấy giờ nhỉ? Biết thế mang theo cái đồng hồ Vinh nó cho mượn. Mà cái Vinh dở quá. Sắp làm cái gì mà có người gàn quải thì thế nào cũng xúi quẩy, y như rằng! Vào lúc khác, chắc Yến thấy ngay được là mình lẩm cẩm và đã trách bạn một cách bất công. Vinh biết làm sao được vì lẽ gì mà Yến nhất quyết về nội thành lúc này. Từ ngày bệnh viện sơ tán về nông thôn, Tết nào Yến cũng xung phong trực thay cho bạn bè cùng khoa cần nghỉ. Mọi năm thường thường một phần ba cán bộ, nhân viên được đi phép. Năm nay, bệnh viện trưởng ra lệnh trăm phần trăm ăn Tết tại chỗ. Trên đã báo rằng mồng một Tết sẽ có đoàn đại biểu cấp trên về. Và oái oăm thay! Yến lại nằm trong số được phân công trực chính vào sáng ngày mai. Không thể viện lí do gì để xin đổi ngày. Càng không thể nói ra cái duyên cớ thực sự. Chuyện dở hơi! Đêm hôm kia, Yến nằm mơ thấy chồng về đúng giao thừa. "Anh ghé qua rồi phải đi ngay". Anh đưa tay đón con, nhưng thằng bé rụt lại. Anh thổi cái bóng bay căng phồng trao cho nó. Bé Tâm để cho anh bế. Anh bồng con đi nhong nhong trong sân. Thằng bé toe toét cười. Bỗng anh run cầm cập, hai hàm răng đánh vào nhau. Điệu sốt rét rồi - Yến lo sợ nghĩ. Tay anh run lẩy bẩy. Anh đánh rơi thằng bé mất! Yến muốn đến đỡ mà không sao nhấc nổi chân. Chị la hoảng lên. Nghe tiếng ú ớ kéo dài, Vinh ở phòng bên đập mạnh vào vách. Yến tỉnh dậy thao thức cho đến sáng. Hôm sau, chị định đăng kí xin nghỉ Tết thì đã có lệnh "cấm trại". Mẹ con mình phải về nhà! Chị cố dẹp cái ý nghĩ kia nhưng khó quá. Có khi nghe tim bệnh nhân mà tưởng đâu nghe chính tim mình. Hôm nay khi hoàng hôn xuống, Yến thấy lòng nôn nao. Chị cứ đi ra đi vào, chẳng làm sao khuây khỏa được. Có người bạn thân nhất là Vinh có thể tâm sự cho vợi bớt xốn xang thì "hắn" ta có chồng về ăn Tết. Yến quyết định đến nhà bệnh viện trưởng. Bác sĩ bệnh viện trưởng có dáng nho nhã nhưng cặp mắt sắc và lạnh. Ông ta tiếp Yến có vẻ niềm nở như thường vẫn vậy, nhất là khi ở nhà riêng ông ta. Nhưng... - Cô điên à? Bây giờ là mấy giờ? Và đây về nội thành bao nhiêu cây số? (Ông ta cố đùa) Giao thừa mà bắt gặp cô đang rong xe trên đường thì cô sẽ rông cả năm đấy nhé. - Báo cáo anh, em có việc rất cần. - Việc gì cần? Chú ấy về thăm à? - Vâng. - Thế thì chú ấy phải ra đây chứ. - Em đoán thế. Mà anh ấy không biết em sơ tán về đây. Anh cho em vắng mặt một ngày thôi. - Không được! Các Tết trước cô tự nguyện ở lại rất đáng hoan nghênh. Còn Tết này, tôi đã nói rồi. Sáng mồng một, có các đồng chí lãnh đạo thành phố và có thể có cả đại diện bộ nữa. Cấm bệnh nhân về ăn Tết trong nội thành mà bác sĩ lại về thì coi ra làm sao? Giữ các cô lại cũng chỉ vì muốn tốt cho các cô thôi. - Anh chuyển cho em trực vào chiều mồng một vậy. - Không được là không được! Sáng mai, mọi cán bộ, nhân viên bệnh viện đều phải có mặt, có lệnh gọi là tập hợp ngay. - Được rồi! Sáng ngày mai tôi sẽ có mặt.
Yến về phòng mình thu xếp mấy thứ, nhất là... Bánh chưng em tự gói đấy nhé. Ngày anh còn ở nhà, anh mà dỗi thì em chỉ việc... chờ. Thứ mứt gừng anh thích này, hành quân đêm lạnh anh là dễ bị ho khan lắm. Em chọn toàn loại củ bánh tẻ. Thằng Tâm đang ngủ, Yến cũng quyết mang theo. Chị công phu chuẩn bị cái ghế ngồi cho thằng bé. Vinh can thế nào cũng không được. - Thôi "mụ" hấp thì cho "mụ" chết rét dọc đường. Đừng làm tội thằng bé. Để lại tôi trông cho. Mà "mụ" định đi thế nào để sáng mai kịp có mặt ở đây? - Tớ đi được. - "Mụ" định để thằng bé sụn lưng, vẹo cổ à? - Không sợ. Tớ chèn đệm đâu vào đấy cả rồi. Các cậu đón giao thừa vui vẻ nhé!
Khu nhà tập thể tạm bợ của nhân viên bệnh viện đã bắt đầu lắng tiềng ồn. Các công việc sửa soạn tết nhất thu vào sau các cửa liếp khép kín. Nào! Mẹ con ta làm cuộc hành trình đêm giao thừa nào! Cô Vinh biết thế nào được vì sao mẹ con ta phải về con nhỉ. May đường sá không đến nỗi quá xấu.
Yến tìm chỗ chắc chắn dựa xe, rồi ngồi xổm xuống bên cạnh. Vắng vẻ quá. Chị đã toan đánh thức con dậy để chuyện trò cho đỡ sốt ruột, nhưng đã kịp nghĩ lại. Mình đạp thong thả thì hai giờ nữa cũng đến nơi. Chắc là còn lâu mới giao thừa. Cái bến phà này người ta thường nhắc đến như nhắc một thứ của nợ. Riêng Yến, những ngày này xa anh, mỗi khi nghĩ đến lại tủm tỉm một mình. Lần ấy, chuyến phà đã chậm rời bến lại còn bị trôi. Yến đang đứng tựa vào xe đạp nhìn xuôi dòng sông thì một mẩu thuốc lá rơi ngay nơi ngực áo. Yến quay ngoắt lại quắc mắt nhìn kẻ "phạm tội":
- Chỗ anh ném rác đấy à?
Người kia chừng chưa đến ba mươi tuổi, ăn mặc xuềnh xoàng, cười ngượng nghịu:
- Xin lỗi. Tôi không định… tại gió…
Quả thật anh ta không như những người khác quẳng bừa xuống chân hoặc xuống bất cứ nơi nào tiện tay, mà đã cẩn thận ném ra sông. Song Yến vẫn chưa thôi:
- Anh không có mắt nhìn chiều gió à?
Một hành khách đứng gần đấy bất bình nói đổng:
- Con gái gì mà chua thế! Người ta đã nhận lỗi rồi mà còn…
"Thủ phạm" cười xòa:
- Chắc cô ấy đang có chuyện bực mình.
Người ta bảo: "Có những câu nói đáng giá ngàn vàng", chẳng biết có ngoa không, nhưng đối với Yến thì câu nói của anh chàng quả đáng giá. Trước hết, nó gỡ thế khó xử cho cả Yến, cả anh ta. Quan trọng hơn, nó quá đúng. Yến đang bực mình thật. Bực mình từ trước lúc lên xe đạp cho đến tận bây giờ. Bà chị ruột của Yến công tác ở một huyện lị ngoại thành nhắn em khẩn cấp: "Chủ nhật đến nhà chị có việc rất cần". Tưởng gì, té ra bà chị giới thiệu cho một "đám". Đám ấy là một anh chàng kĩ sư xây dựng khá bảnh trai, ăn mặc rất mốt, nói năng bặt thiệp, nhưng mà… "thanh liên nhà quê chúa hay phạm nuật nệ giao thông". Đã thế lại nói nhiều. Yến mới đưa nhẹ một "bài": "Lếu thanh liên ló chỉ no nấu cám nợn rồi ló nại no nàm cỏ núa thì ló chẳng biết nuật nệ giao thông nà gì đâu, anh ạ". Chàng kĩ sư đang cười tươi, từ từ khép môi lại ngỡ ngàng nhìn người đối thoại, từ từ đỏ mặt lên, rồi từ từ rút lui một cách lịch sự. Bà chị bèn nổi đóa lên: "Nó đẹp trai. Nó có bằng cấp cao. Nó sắp được đề bạt trưởng phòng. Mày còn kén chọn cái gì nữa nào? Nó lại rất tốt. Nó đang lo chạy vật liệu theo giá cung cấp cho tao lên cái nhà mái bằng (của hiếm trước thời chiến tranh phá hoại của Mĩ) mà chẳng hề đòi hỏi gì cả. Mày tìm được ai hơn nào? Mà không ưng thì cũng phải ăn nói cho có ý tứ chứ. Con gái, con lứa mà ăn nói chỏng lỏn thì chỉ có ế. Cầu cho mày đi đường gặp phải một thằng chẳng ra gì nó gây gổ cho trắng mắt ra". Xem chừng người này chẳng phải là một "thằng chẳng ra gì" như bà chị đã cầu. Nếu câu chuyện chỉ vậy thì chằng có gì để nhớ. Nửa tháng sau, lớp bổ túc văn hóa cấp ba khai giảng. Yến đang là y sĩ; cô muốn được học chuyên tu bác sĩ. Đến giờ toán, nào ngờ người bước lên bục giảng lại là người gặp gỡ trên chuyến phà ngày nọ.
Quái! Những người chở phà về nhà hết cả rồi hay sao ấy. Chẳng thấy le lói tí ánh lửa nào. Phải quay lại thì thật là nhục. Bệnh viện trưởng biết là mình đi chắc là cáu lắm. Tất nhiên là biết, mình có đi lén đâu. Yến thoáng rùng mình. Ông ta là người biết cầm cương và biết chịu đeo cương. Chẳng hạn, ông ta theo rất chặt nguyên tắc: những thuốc quí và hiếm thì tùy người mà cho. "Tùy bệnh chứ ạ"? - Trong một lần giao ban, một bác sĩ còn măng tơ buột miệng hỏi vậy. Rất lâu về sau, anh ta còn thấm thía cái bạo miệng đó, nhất là những khi xét lương và bình thi đua. Yến cũng đã từng được biết mùi hai "vũ khí" ấy của ông ta - mà không chỉ hai ngón đó. Ông ta lại hay thích nắn gân cấp dưới, mặc dù gân ông ta khá nhũn trước cấp trên. Nhưng Yến là một thầy thuốc có lương tâm và tự trọng.
Có tiếng ầm ì. Chẳng lẽ thằng Giôn-xơn nó mò vào? Tiếng ôtô. Hay quá! Nhưng ô tô ở phía bên kia sông. Cũng được! Tiếng còi gọi phà. Một vệt trắng đục lia trên mặt sông rồi biến đi. Có lẽ ôtô đang xuống bến đấy! Đang lên phà đấy! Có lẽ phà đã rời bến và đang sang ngang. Sao mà lâu vậy? Khéo con phà bị trôi. Sao tiếng máy bỗng dưng tắt? Đột ngột tiếng cầu treo đầu mũi phà xiết vào mặt bê tông ràn rạt cùng lúc với ánh đèn ôtô bật sáng. Hai chiếc xe tải quân sự, vải bạt trùm kín thùng xe, nối nhau bò lên. Tiếng máy hụ hụ không làm cu Tâm thức giấc. Nó cũng đã quen với tiếng kẻng báo động, tiếng súng nổ, tiếng máy bay gầm gào. Chờ cho hai chiếc ôtô vượt khỏi bến, Yến mới thận trọng dắt xe xuống phà. Nhiều tiếng nói lao nhao cất lên.
- Ơ! Cái chị này ở đâu ra thế này? Đêm hôm thân gái dặm trường…
- Hay là giận chồng, đêm ba mươi Tết bỏ đi cho biết mặt.
Yến lấy giọng từ tốn:
- Các bác, các anh giúp cho mẹ con tôi qua phà.
- Xăng dầu đâu sẵn để phục vụ mỗi mẹ con nhà chị riêng một chuyến phà. - Một giọng trẻ, không ra chọc, không ra bực. - Chịu khó chờ nhá!
- Trời đất! Đi vào giờ này lại còn đèo thêm con nhỏ. Một giọng đã có tuổi ôn tồn - Chị về đâu bây giờ?
- Dạ cháu chỉ sang bên kia sông thôi ạ. - Để ngừa bất trắc, Yến đành nói dối.
- Thôi, chúng mình cho chị ta sang ngay, kẻo lạnh cháu bé. - Tiếng người có tuổi - Chắc người ta có việc cần không dừng được.
- Không có việc cần thì họa là điên. - Tiếng thanh niên lầu bầu.
Ca-nô mở máy. Chiếc phà như miễn cưỡng rời bến. Tiếng máy trầm đục bị đêm dày hoang lạnh làm nghẹn lại không rền vang, đáng lẽ là ngược lại. Hay chỉ là cảm giác của riêng Yến? Mình có điên không nhỉ? Thư chồng đến tay Yến vào ngày 28 Tết. Thư anh kèm một đoạn nhật kí: "… Trùng sốt rét chộp mình đúng lúc giao thừa. Kể cũng lạ! Lúc ấy mình chỉ nhớ bát nước chè xanh nóng pha đường Yến thường ép mình uống mỗi khi mình kêu mệt. Giá đúng giao thừa mình bay về nhà nhỉ! Mẹ con cô ấy bỗng nhiên thấy mình lù lù hiện ra thì mừng hay hoảng? Mình không hình dung được rõ nét khuôn mặt cu Tâm. Nó cứ mờ mờ ảo ảo. Chẳng biết con giống tính bố hay giống tính mẹ?..." Thế rồi có giấc mơ kia. Chẳng phải chuyện dở hơi đâu. Nhất định là thần giao cách cảm. Anh bị sốt rét nặng. Anh được đưa ra Bắc an dưỡng. Anh ghé về nhà. Linh tính của mình ít khi bị sai. Ngày ấy, mấy con bạn học viên biết chuyện mình "va" với thầy giáo trên một chuyến phà đã dọa: "Mày xin chuyển lớp đi thôi. Ông ấy thì cho mày lưu ban đến hai năm". Sau mãi chẳng thấy "ông ấy" gọi cô học trò nào lên kiểm tra bài, chúng nó lại phán: "Thầy giáo này bộ nhát gái chúng mày ạ". Không hẳn! Linh tính bảo mình thế. Và linh tính cũng báo cho mình là sắp bị gọi lên. Quả nhiên thật. Mình làm ra bộ đàng hoàng đi lên bảng mà trong bụng run ghê quá. Mình chuẩn bị đã khá kĩ, phải cái bài hình học chết tiệt! Tan buổi học, con bé "thương nghiệp" vênh váo bình: - Điểm hai ấy là để trả nợ cái câu "anh không có mắt" đấy em ạ. Thế quái nào mà chính con bé cũng cảm "chàng" mới chết chứ! Nhưng linh tính mách mình… Yến chợt bật cười. Chị nhớ lại lần hai đứa rủ nhau đến thăm thầy giáo. Yến bàn với cô bạn mua một bó hoa. Nhà thầy giáo là một gian nhỏ trong khu tập thể. Gian phòng gần như trống trơ. Đào đâu ra bình hoa mà cắm. Điều đó thì Yến đã biết thừa. Nhưng cô giả vờ cũng ngơ ngác khó xử như cô bạn, rồi nảy ra "sáng kiến" - Nhà cậu có lọ hoa đẹp đang bỏ không phải không? Cô bạn sốt sắng: - ừ nhỉ! Để mình… Xin phép thầy, em chỉ đi một nhoáng thôi. Một nhoáng của cô ta là quá đủ. Khi cô ta mang lọ hoa đến thì "thủ tục" khó khăn nhất trong những chuyện tương tự - những thủ tục chẳng có qui định chung, chẳng có mẫu sẵn, rất "tùy nghi" từng đối tượng cụ thể trong từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng mà nhất thiết phải trải qua để có được "tuyên bố chung" - đã xong xuôi.
Con đường nhựa trôi chậm dưới bánh xe. Thỉnh thoảng người mẹ quài tay ra sau sờ nhẹ đứa con, trong khi tâm tưởng không thôi hướng về người chồng. Tội nghiệp anh! Từ lúc cưới vợ không ngơi vất vả. Yến còn phải học hơn năm nữa mới xong chương trình bổ túc văn hóa. Đến khi được học đại học, cô đã toan thôi, vì thương anh cũng có mà ngại học cũng có. Anh đã phải khi thì thuyết phục, động viên, khi thì làm mặt giận. Yến học chuyên tu được hai năm và cu Tâm được mười tháng thì có đợt tuyển giáo viên nhập ngũ. Kể ra anh có thể xin ho•n một năm chờ vợ học xong và con cứng cáp hơn. Được tin báo, Yến tức tốc xin phép về thăm nhà. - Anh đi, e em phải xin nghỉ học mất. - Đừng! Ai lại thế? Trèo cau sắp chạm buồng rồi, em! - Anh chỉ biết xung phong cho thỏa chí, chẳng nghĩ gì đến mẹ con em cả. - Anh không xung phong, nhưng anh cũng không thoái thác. Em nghĩ kĩ mà xem, anh phải xử sự thế nào cho đúng? Anh đi rồi, Yến ân hận mãi về câu nói dằn dỗi mình trót thốt ra. Chẳng qua mình muốn làm nũng một tí, chứ thực ra nếu anh hỏi ý kiến trước hẳn mình chẳng ngăn cản. Nhưng mà giá lùi lại một năm thì khi ấy đã có chủ trương tạm hoãn nghĩa vụ cho các giáo viên cấp ba. Thôi, lại nghĩ lẩn thẩn rồi!
Đi quá một ngã ba, Yến thấy một quầng sáng lờ mờ di động phía trước. Chị dấn lên. Đó là một phụ nữ đi xe đạp một mình. Nơi ghi-đông phải chiếc xe có buộc một cái đèn pin. Có lẽ nguồn điện pin gần cạn nên ánh đèn phát sáng ra vàng vọt, lòa nhòa.
- Chị về đâu? - Giọng còn rất trẻ.
- Tôi về nội thành. Còn chị?
- Tôi cũng về nội thành đây. - Tiếng nói như reo - Hay quá! Cầu được, ước thấy. Đang lo đi một mình thì đường sẽ xa thêm. Trời lạnh thế mà chị cũng đem cháu theo à?
Người bạn đồng hành tình cờ là một công nhân cảng. Cô ra ăn cỗ trừ tịch với mẹ và em sơ tán gần chỗ ngã ba rẽ vào, bây giờ về trực tự vệ. Biết cô có người yêu đi công tác B, Yến thấy gần gũi và tin cậy. Rồi không định, thậm chí cố tránh nữa, thế quái nào chị lại nói ra lí do thầm kín khiến mình xông pha thế này. Thổ lộ xong, chị tự thấy mình hố. Rõ vớ vẩn! Cô ta cười cho thối mũi. Không ngờ cô bạn cùng đi lại sẽ sàng nói.
Chẳng gặp nhưng yên tâm, không thì cứ ân hận mãi cho đến khi biết chắc người ta không ghé về.
- "Người ta" của cô đi xa lâu chưa?
- Mới hơn một năm, chị ạ. Hai bên cha mẹ đều muốn chúng em "tổ chức" trước khi "lão" đi, nhưng "lão" khăng khăng "không muốn buộc cẳng" em. Em mới giận cho mấy giận. Lão xin lỗi rối rít và thuyết: Hồng mới mười tám, anh mới hai mươi. Cưới sớm, đoàn phê bình chết. Em mới "mắng" cho: Gớm! cứ làm như người ta nôn cưới lắm ấy. Đừng hòng! Lão lười viết thư lắm cơ. Có người để mà nhớ kể cũng hay đấy chứ chị nhỉ. Lắm khi cứ thấy lâng lâng, muốn sống tốt hơn, làm việc tốt hơn; cứ cảm thấy có cái gì đẹp đẽ đang chờ mình phía trước. Như mà… chị đừng cười em đấy nhé. Chị thì qua khúc này rồi. Cũng có khi em nôn nao nhớ. (Cô bé tưởng thế chứ…, Yến nghĩ). Họ nói nhớ ngẩn ngơ, em chẳng thấy thế. Em nhớ thì em tìm việc em làm. Làm cứ làm mà nhớ cứ nhớ. Đêm nay họ định miễn cho bọn con gái khỏi trực. Em với một con bạn xung phong cho cánh con trai biết. Đừng có mà ra vẻ chiếu cố nữ!
Hai người đang ở đoạn đường giữa đồng trống. Trời hình như đỡ tối hơn. Trong một cái quán vắng bên đường thoáng tiếng động cựa. Yến lạnh người, muốn phóng ào qua. Nhưng Hồng đã hãm xe lại, nói to:
- Chẳng hiểu sao mà ba ông mãnh mãi không đuổi kịp chị em mình nhỉ? Hay là họ đã vượt qua khi hai đứa mình tạt vào trận địa pháo rồi?
Suýt nữa thì Yến đã hỏi lại: Ba ông mãnh nào? Hồng hướng về cái quán lớn tiếng hỏi:
- Ai ở trong lều kia cho hỏi tí: có thấy ba người đàn ông đạp xe qua đây không?
Không có tiếng đáp. - Thế nào? - Hồng nói như quát và quay đầu xe cho đèn pin chiếu thẳng vào quán. Quả nhiên, trong góc khuất đằng sau cái bục đất đắp cao làm quầy bán hàng thấp thoáng bóng người. Từ phía đó phát ra tiếng nói chủng chẳng:
- Có ma!
Hồng lại cao giọng:
- Thôi ta cứ đi tà tà, họ đuổi kịp mình ngay đấy mà.
Cô từ từ đạp xe đi. Yến bám theo mà cứ rờn rợn sau gáy. Chị chờ nghe tiếng chân chạy đuổi. Muốn ngoảnh lại xem chừng mà không dám. Khi đã khá xa, chị quay nhìn khoảng không im lìm và tối thui phía sau rồi nói với Hồng:
- Cô nhanh trí thật đấy. Kẻ gian hay người ngay nhỉ?
- Chẳng biết đâu ổ con chuồn chuồn. Phải nẹt phủ đầu, chứ nếu quả là quân gian thì mình chạy cũng chẳng thoát. Xe mình không hôn cây, tắm ruộng, hắn chạy chân không vẫn thừa sức vồ được mình.
Sắp đến cầu phao cách chiếc cầu bê-tông cốt thép bị bom Mĩ phá sập không xa. Chắn ngang đường là một băng trắng nhờ nhờ cao khoảng tầm người đứng. Khi tới gần, hai người soi thấy một tấm cót quét vôi trắng trên đó viết nguệch ngoạc hai hàng chữ đen đậm nét: "Còn bom nổ chậm. Cấm qua lối cầu phao. Đi đò Đẩu", và một cái hình nom như một củ khoai tây thủng ba lỗ gác trên hai que củi bắt chéo. Yến tần ngần:
- Chết thôi! Đò Đẩu cách đây năm ki-lô-mét. Đường đê lổn nhổn đất cục dắt xe ban ngày còn không nổi nữa là. Vả lại, giờ này ai chở!
- Hồi sáng em đi vòng đường khác, có biết đâu cái thằng Mĩ nó còn rình ở đây. Muốn qua đò Đẩu phải quành lại đi đường trong làng mới dắt xe được. Đến sáng chưa chắc sang được bên kia, - Hồng tặc lưỡi - Ta liều thôi, chị ạ. Số em còn thọ lắm. Em có chết thì cũng chờ "lão" ấy về đã rồi mới chết. Chị đi trước, em bám sát xe chị làm thần hộ mệnh cho chị.
- Hay là ta quay lại theo đường Hồng đi sáng nay ấy.
- Ôi, chị ơi! Phải đi gần hai mươi ki-lô-mét, qua hai bến đò xa làng, giờ này chẳng ma nào trực đò đợi chị em mình đâu. ở đây, thằng Mĩ thả bom hôm kia. Chậm lắm, hôm qua họ đã phải phá rồi chứ. Chắc các bố sợ còn sót nên trương biển phòng hờ thôi. Nếu không thì nối cầu phao làm gì? Đi, chị nhá!
Chẳng chờ Yến gật, Hồng nhảy lên xe đạp đi luôn. Yến đành nối sau. Gần đến vùng bom. Hồng chậm lại:
- Chị vượt lên đi! Cứ nghĩ "sắp đến nhà rồi" là sẽ đạp thoải mái.
Nói vậy, chứ chính cô cũng chẳng thể thoải mái. Đoạn đường đã được những người phá bom gạt bớt đất đá vung vãi, nhưng mặt đường nhựa đã bị ngoạm vẹt đi từng mảng lớn, nên xe phải lượn tránh ngoằn ngoèo, muốn đạp nhanh cũng không được. "Nó" ở phía trước? đằng sau? bên phải? hay mé trái? Yến thấy người gai gai và như tê đi, mất cả ý niệm về thời gian và không gian, chỉ còn cảm giác một cái gì dằng dặc và mông lung. Toàn bộ ý thức hầu như tập trung vào một điểm duy nhất: đứa con đang ngồi sát ngay sau mình. Nỗi hiểm nguy dường như chẳng dính dáng mấy đến chị mà đang uy hiếp đứa con. Chung quanh là cái im lặng phản trắc và bóng đêm đồng loã. Bỗng một tiếng hát cất lên: "Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng...". Yến chưa nhận ra ngay là Hồng hát. Tiếng hát vào lúc này, ở một nơi như thế này! Hát để che cái sợ hay để thách thức cái sợ?
- "Đường ta đi xây đời..." Thoát rồi chị ơi!
Tiếng reo lảnh lót của Hồng dội vào cái căng thẳng của Yến khiến tay lái của chị loạng choạng. Chị bóp nhẹ phanh và xuống xe. Bấy giờ chị mới nhận thấy người mình đầm đìa mồ hôi.
- Có dễ đến mấy trăm mét đấy em nhỉ. Khéo chị em mình bạc hết tóc rồi.
- Độ năm mươi mét thôi, chị ạ. Để em dựng xe em, rồi em cùng chị đẩy xe chị lên cầu phao. Cẩn thận kẻo thằng bé giật thột. Chỗ này mấp mô nhiều đấy, chị ạ.
Cầu phao bập bềnh, hơi chao đảo. Tiếng nước vỗ khẽ róc rách. Tiếng tre gỗ ồm ộp va nhau dưới bước chân. Chợt Hồng bật cười:
- Chị có biết khi đang đạp xe qua "cửa tử" ấy em nghĩ gì không? Em nghĩ bom mà nổ thì chẳng biết lão ấy sẽ nói sao. Có khi mình chết rồi lão ấy còn mắng cho ấy chứ.
- Cô không sợ à?
- Không sợ, chỉ thon thót thôi. - Hồng cười hi hí - khi giương súng nhằm vào thằng Mĩ trên trời đang lao xuống thì lại không thế.
Bên kia cầu phao đã thuộc nội thành. Con đường chạy kề một bệnh viện bị bom huỷ hoàn toàn. Trong đêm tối, vài bức tường lởm chởm còn sót lại làm nặng nề thêm không khí hoang phế. Đã có những lời đồn đại về những con ma (!) khoác áo choàng trắng lởn vởn những lúc khuya khoắt. Yến không tin có ma, tuy vậy chưa lần nào chị dám qua đây trong đêm vắng. Lần này chị đã quên khi "hạ quyết tâm" ra đi. May mà gặp Hồng.
Họ lên xe đi mới được khoảng hai trăm mét thì phía cầu phao đưa tới một tiếng nổ "ục". Tiếng nổ không rền, và không thấy chớp loé. Có lẽ quả bom bị vùi sâu trong đất. Hồng, giọng ân hận:
- Em bậy thật, xui chị liều. Chết dại! Nhất là lại có cả cháu bé. Đáng lẽ em nên khuyên chị quay lại. Nếu xảy ra chuyện gì thì tội em để đâu cho hết.
Yến an ủi:
- Tại chị nóng về nhà, chứ em các vàng chị cũng chẳng liều, nói gì em xui được chị. Thôi, chị em ta thế là may rồi. Bây giờ em đến thẳng cảng chứ?
- Vâng. Sáng mai mấy giờ chị đi?
- Chị phải có mặt tại nơi làm việc trước bảy giờ rưỡi. Có lẽ bốn rưỡi đã phải đi rồi.
- Vào giờ ấy em cũng đã xong phiên trực. Em sẽ đến đón chị cùng đi cho vui. Em về xông nhà để còn vòi mẹ em quà mừng tuổi chứ. Chắc cụ sẽ mắng: "Con gái to như cái bồ rồi còn tị quà với em. Đừng để thằng ấy dắt mũi thì có phải bây giờ tao có cháu bế rồi không". Các cụ cứ nghĩ con người như con gà ấy, chỉ biết đẻ.
Chia tay cô bạn gái mới quen mà đã thân thiết, Yến thấy vui vui. Chị như gặp lại thời hoa niên của mình. Mình cũng hơi "ngổ" như cô bé này, nhưng không hồn nhiên và vô tư bằng. Mình con may hơn Hồng: mình có đứa con và công việc để lấp bớt khoảng trống của nỗi đợi chờ. Cô ta thì chỉ có công việc thôi. Tất nhiên cô ta không cô độc. Nhưng sự trống vắng vẫn là sự trống vắng.
Phố xá im lìm, hiu quạnh. Người sơ tán rất ít nhà về ăn Tết trong thành phố. Một số nơi có đèn đường thưa thớt, ánh sáng yếu ớt. Đó đây, vài nhà có ánh đèn lọt qua khe cửa. Đầu một ngã tư, cánh cửa trông ra ban công của một căn phòng trên gác mở rộng. Những nén nhang đang toả khói trên bàn thờ. Khói hương như quyện lấy bình hoa và đĩa ngũ quả. Một cảnh ấm cúng và yên bình lẻ loi, nhưng sao không có vẻ lạc lõng! Thoảng đâu đây mùi hương trầm...
Căn hộ của Yến nằm trong một khu nhà tập thể ba tầng. Chỉ một đường phố ngắn nữa thôi là mẹ con mình đã về tới nhà. Yến thầm nói với đứa con vẫn đang ngủ say, mà cũng là nói với chính mình: Có khi bố con đã ở nhà rồi. Bố có chìa khoá riêng, bố chỉ việc mở cửa phòng vào nằm khoèo chờ mẹ con mình. Chắc là đói meo, đang gặm lương khô.
Đã đến ngõ vào. Từ đây có thể nhìn thấy căn phòng của vợ chồng Yến. Chỗ đó tối đen. "Có khi khu mình mất điện". Chiếc xe đạp bon nhẹ trên con đường đất pha sỏi trờ tới trước thềm nhà. Cửa phòng đóng im ỉm. Chẳng cần rọi đèn, linh tính cho Yến biết chiếc khóa vẫn y nguyên. Chị dồn sự bình tĩnh vào động tác dựng xe áp tường, rồi ngồi xuống bậc thềm. Mệt rã rời. Thôi thế cũng yên trí, đỡ canh cánh, ít ra là trong mấy ngày Tết. Hẳn là lúc này đây anh không thể biết đến nỗi gian truân mà mẹ con chị vừa trải qua. Còn mai ngày? Có thể mai ngày cũng vậy, chẳng hề biết. Nhưng chị đã đi và chị đã đến. Bây giờ phải dọn phòng. Để thằng bé ngủ ngồi mãi thế nó khọm lưng mất. Mình cũng phải nghỉ một tí, mai còn đi. À, phải dậy sớm hơn, nấu chút gì nong nóng để cái Hồng cùng lót dạ…
Yến giật mình ngừng đầu lên. Một bóng đen đang lừ lừ đi tới. Chị ngồi chết trân mấy giây, rồi đứng bật giật quát hỏi:
- Ai?
Bóng đen chừng chợt hiểu, dừng lại, ôn tồn:
- Tôi. Chị có phải là chị Yến không?
Yến ngạc nhiên nhưng nhẹ người:
- Anh hỏi gì?
Người lạ rút bật lửa bật lên, ý tứ giơ cao trước mặt. Yến nhìn thấy một người trang phục bộ đội nhưng không gắn cấp hiệu, phù hiệu, không mang ba lô, một bên vai đeo một cái xắc-cốt vải bạt to. Anh ta khoảng ba mươi lăm, mặt xương xương, ánh mắt tươi tỉnh, đứng đắn:
- Thế này chị ạ. Tôi cùng đơn vị với anh Thảo... - Tim Yến lặng đi, tay chị muốn đưa ra tìm một chỗ vịn - Không! Không có chuyện gì đâu, chị ạ. - Anh ta vội lần túi ngực - Thư anh ấy đây.
Yến luýnh quýnh mở tờ thư. Anh bộ đội ghé bật lửa soi cho chị đọc. ánh sáng nhập nhoạng nhưng Yến nhận ngay ra nét chữ thân thương: "Em yêu…" Chị thở ra nhè nhẹ và sực nhớ:
- Chết thôi! Để mời anh vào nhà đã.
Chị vội mở khóa cửa, nhưng chị tra lẫn chìa, loay hoay mất một lúc. Chị bật công-tắc. A! Có điện. May quá! Anh bộ đội giúp chị đưa xe vào nhà và giục chị soạn chỗ cho cháu bé nằm. Chị định nấu nước nhưng người khách ngăn lại:
- Thế này chị ạ - anh ta xem đồng hồ tay - tôi chỉ được ghé lại đây hai mươi phút thôi. Tôi đã đứng chờ trước nhà này có đến năm phút. Đã tưởng sẽ chẳng gặp được ai. Tôi đi loanh quanh, rồi quay lại đây một cách hú dọa. Cũng thật là may. Tình hình anh ấy không có gì đặc biệt, chắc anh ấy đã viết trong thư. Chúng tôi ra ngoài này công tác đột xuất. Lẽ ra anh ấy cũng cùng đi. Anh ấy đang được an dưỡng tại chỗ, sau khi ở bệnh viện dã chiến về, không phải do bị thương đâu, mà do sốt rét ác tính. Nhưng rồi có công tác khẩn, thiếu người, anh ấy xung phong nhận phụ trách. Anh ấy nhờ tôi nếu có dịp thì trao thư và món quà này cho chị và cháu. - Anh lục xắc cốt lấy ra một cái nhẫn và một mô hình máy bay màu đuya-ra sáng lên dưới ánh điện - Anh ấy làm lấy bằng mảnh xác trực thăng Mĩ đấy chị ạ. Chị có tấm ảnh nào của chị và cháu ở đây không? Ông Thảo khẩn khoản tôi cố mang vào cho ông ấy.
Yến đang mân mê hai kỉ vật, nghe hỏi sững người bối rối:
- Ôi! Thế mà tôi không nghĩ ra. Tôi để cả ở nơi sơ tán mất rồi. - Chị tự giận mình quá, mặt lộ rõ sự tiếc hối gần như là một nỗi đau khổ.
Anh bộ đội miệng chúm chím, hình như đang ngầm thích thú:
- Có thì càng tốt, không có thì cũng chẳng sao đâu chị ạ. Tôi đã dự tính một "kế hoạch" dành cho ông ấy một sự bất ngờ lớn nhất. Được gặp cả chị và cháu thế này là hay quá rồi.
Yến trố mắt nhìn anh ta, chẳng hiểu ra làm sao cả. Phái viên của chồng chị lôi từ trong chiếc xắc-cốt ra một cái hộp da khá vuông vắn và mở nắp. Đó là một thứ máy mà Yến chưa thấy bao giờ.
- Thế này chị ạ - Câu mở đầu cửa miệng của ông này, Yến hơi buồn cười nghĩ - trên đường ra ngoài này, tôi có ghé mấy cậu bạn thân ở phòng chính trị sư đoàn. ở đấy, họ mới có một cái máy ghi âm chạy pin chiến lợi phẩm. Họ định dùng cái đó thu các bài hát qua đài phát thanh. Tôi mới tán họ là ra đây tôi sẽ tìm cách ghi âm trực tiếp một số danh ca. Tôi có một băng trắng riêng, sẽ dành một đoạn cho tiếng nói của chị và cháu. Ông Thảo chỉ có sướng mê đi thôi.
Yến mừng đến bàng hoàng, song chị hơi ngần ngừ:
- Máy của cơ quan mà anh?
- Không sao. Mượn họ chút xíu, nghe xong trả lại. Chừng nào cần, mượn nữa. Bây giờ chị đánh thức cháu dậy đi, nhanh nhanh lên một chút. - Không cho chị biết, anh ta mở máy.
Yến đến bên giường khẽ lay đứa con:
- Tâm ơi! Dậy đi con! - Thằng bé oằn mình một cái, rồi quay nghiêng ngủ tiếp. - Nào! Dậy đi con! Có quà của bố Thảo đây này.
Chẳng biết có phải vì thường ngày, những lúc mẹ con thủ thỉ, người mẹ đã truyền nỗi mong nhớ sang đứa con hay không mà vừa nghe vậy, bé Tâm đã choàng mở mắt. Và khi Yến giơ cho nó xem chiếc máy bay đồ chơi, nó tỉnh hẳn và lồm cồm bò dậy:
- Cái gì đây? Con có thích không?
- Cái chàu bay. Con xích bố Xảo cũng về cơ.
- Bố Thảo làm gì ở đâu nhỉ?
- Bố đi đắn chặc.
- Con có nhớ bố không?
- Có.
- Nhớ như thế nào nào?
- Như hôm mẹ ọc xư bố mẹ hóc ấy.
- Bậy nào!
Người mẹ nóng bừng mặt, liếc nhanh người khách. Nhưng người bạn chồng đã ý nhị quay mặt đi, môi chúm lại một cách không tự nhiên đến thành khó coi. Anh tắt máy, bảo Yến:
- Giờ chị nghĩ một câu gì nhắn anh ấy đi.
Yến nhắm mắt: nhắn gì đây? Biết bao nhiêu điều muốn nói, gói trọn sao được trong một câu! Có tiếng còi ôtô. Anh bộ đội nói nhanh:
- Họ đến đón tôi đấy. Chị nói đi! Tôi lại mở máy rồi đấy.
Thật khó hơn cả phát biểu trên diễn đàn hội trường lớn. Yến bặm môi, rồi "liều" một câu mà ngay sau đó chị chẳng vừa ý chút nào.
- Tuyệt lắm! Xong rồi. - Anh bộ đội thu dọn đồ lề đứng lên - bây giờ xin phép chị tôi đi đây. Chúc chị và cháu xuân mới vui, khỏe.
Còi ôtô giục. Yến nói vội:
- Anh ăn chút gì đã. Để tôi ra mời anh lái xe vào đây.
- Thôi chị ạ. Cảm ơn chị. Chúng tôi phải đi ngay. Giờ giấc quân sự mà. Bắt tay cháu Tâm cái nào!
- Thế thì anh cầm mấy cái bánh này đi ăn đường. Còn đây là mứt gừng, tôi đã bọc gói kĩ lưỡng.
- Hay quá! Tết đến ông Thảo nhớ nhất món này. Nhưng mà phải là mứt nhà cơ.
Yến bế con đứng cạnh chiếc com-măng-ca còn phảng phất hơi hướng khói bụi chiến trường. Dường như anh cũng có mặt đâu đây. Điệu nhạc quen thuộc từ chiếc đài bán dẫn người lái xe đeo bên mình chợt ngừng, rồi những âm thanh tròn, ngọt và ấm thánh thót buông từng giọt, từng giọt ngân nga. Bỗng tạch, tạch, tạch, đoàng, tạch tạch… tiếng pháo dậy lên ròn rã. Giao thừa! Chiếc xe từ từ lăn bánh và lao đi, đem rắc tiếng nổ vui tai và ấm lòng trên đường phố vắng lặng. Trong cái thành phố im lim này, trên cả nước Việt Nam này, vào giờ khắc này, đây là những tiếng nổ duy nhất được người ta đón đợi. Yến nhìn theo ánh đèn ôtô xa dần rồi khuất hẳn. Tâm tưởng chị trải dài theo bánh xe lăn. Chị bỗng ớn lạnh ôm chặt lấy con, nước mắt tự nhiên ứa ra. Vậy là anh không về… Trời loáng thoáng mưa phùn, gió mùa đông - bắc đang tràn về. Chị khẽ rùng vai nghĩ tới chặng đường mẹ con chị vừa đi. Đầu kia chặng đường lấp ló cặp mắt sắc và lạnh của bệnh viện trưởng. Chị hôn đằm lên má con. Ngày mai, không chính là hôm nay, chị phải có thêm sức lực để lên đường.
Trời lạnh hơn, song khí vị thanh tân nhẹ lâng của năm sớm đang dâng lên, tin rằng sẽ mơn giấc ngủ của mẹ con chị.
Tiếng pháo dồn dập, râm ran, gọi nhau, ganh nhau, nối nhau, vượt nhau; chớp lửa và tiếng nổ thi nhau xô toác màn đêm. Không gian như dãn ra mà thời gian dường như bạt đi. Sự náo động ấy dần dần lắng. Yến với tay lên chiếc bàn thờ nhỏ bật công-tắc chiếc cát-xét. Một tiếng nói đàn ông gọn và vang phát ra:
- Em và con yêu dấu! Vậy là mùa xuân này anh đã gặp em và con, không phải chỉ trong tâm tưởng nữa, mà có bằng chứng vật chất hẳn hoi, không chỉ là vật chất, vì tiếng nói mang theo nó những dạng thức tâm hồn. Sau khi điều dưỡng tại chỗ anh đã khỏe lên, bây giờ càng khỏe thêm nhiều.
Tôi vừa lắng nghe, vừa ngước nhìn lên tấm hình một anh bộ đội trên bàn thờ. Một khuôn mặt xương xương, ánh mắt điềm tĩnh hướng thẳng tới bất cứ ai nhìn vào. Khó mà hình dung được rằng những tiếng nói này được phát ra từ cặp môi đang mím lại kia cách đây mười mấy năm trời.
Tôi quen Yến sau khi Thảo đã vào chiến trường. Yến có kể tôi nghe hành trình đêm giao thừa năm ấy của chị. Tôi rất thú cái sáng kiến của bạn chồng Yến; -ngày ấy chẳng dễ nghĩ ra mà cũng chẳng dễ thực hiện. Không ai có thể ngờ đó là những tiếng nói cuối cùng của vợ con mà Thảo được nghe. Sau ngày toàn thắng, cũng chính anh bạn ấy mang ra cho Yến đoạn băng từ ghi tiếng nói của chồng chị cùng cái tin mà chẳng người trong cuộc nào muốn đón nhận: Thảo không còn nữa. Như có linh tính báo trước, khi anh sắp lĩnh một nhiệm vụ đặc biệt, ngay sau lúc được nghe tiếng nói của Yến và bé Tâm, Thảo đã đề nghị anh bạn dành cho mình một đoạn băng từ. Yến đã giữ gìn đoạn băng ấy từ bấy đến nay. Mỗi lần Tết đến, đón giao thừa xong, chị lại mở nghe tiếng nói của anh từ quá khứ xa xôi như từ một mảnh đất phương nam anh đã chiến đấu và ngã xuống - mảnh đất mà dù đã tốn bao công sức chị vẫn chưa lần ra - vọng về.
- Ngoài ấy rồi sẽ còn ác liệt hơn đấy em ạ. Không có bom đạn kẻ thù thì em cũng đã phải chịu đựng nhiều rồi. Nếu anh không về nữa…
Giao thừa năm ấy, giá như Yến không dám đi, hoặc đi không trọn hành trình thì những năm tháng sau đó sẽ nặng nề đối với chị biết bao nhiêu!
- Nhớ thương anh, em hãy mường tượng rằng anh đang ở đâu đó mỉm cười dõi theo mỗi bước đi tới của những người thân.
Tôi trở về nhà ngồi trước trang viết của mình: "Đừng để cho những kẻ phản bội lại những người đã ngã xuống, những kẻ phè phỡn trên những kỉ niệm máu xương của cả một dân tộc chặn bước đi tới của mình và con cái chúng ta, nghe em!" Hừm! Những người dám hi sinh chẳng ai đã nghĩ thế. Tôi cầm bút. Nhưng đáng lẽ gạch bỏ, tôi chỉ khoanh lại. Phải có ai đó nghĩ như thế chứ! Song le, trong phác thảo truyện của tôi, chưa có nhân vật nào đủ tư cách nói lên câu ấy. Tôi cắn đầu bút nhìn ra trời đêm. Những ai làm cuộc hành trình đêm nay? Ngoài kia không gian lạnh. Đêm trở giấc. Khói pháo còn vương vất. Khói pháo thơm và ấm, không như khói súng và khói bom.
Hải Phòng, 8/1986
Khải Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...