Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Chùm truyện ngắn

Chùm truyện ngắn

SÔNG PHỐ
Tôi ở bên bờ sông Phố. Con sông nhỏ khiêm nhường len lỏi chảy giữa mấy giải núi đồi và đồng bằng hẹp của huyện Hương Sơn. Nước sông trong xanh, trừ mùa lũ. Sông nom hiền hoà song nhúng tay vào cảm thấy ngay rằng nó không hề lặng lẽ. Con sông sinh ra trong dãy Giăng Màn (Trường sơn) từ những dòng suối cực nhọc trườn theo những lạch quanh queo đầy sỏi to và cả đá tảng, nơi có những con tôm to cỡ ngón tay út người lớn và một loại cá hình như không có ở nơi nào khác, gọi là cá mát, thường dài chừng hai gang tay, ngày trước người ta thường kẹp dọc bằng hai thanh nứa nướng lên đem bán chợ hoặc bán rao các làng ; cá ấy mà kho nước mắm rắc tiêu thì một lần ăn có thể thành nỗi nhớ. Sông Phố chia đôi cái huyện bán sơn địa từ tây sang đông, ra khỏi huyện gặp sông Sâu hợp thành sông La thơ mộng, một phụ lưu của con sông Lam hùng tráng. Hội nhập với biển cả, hầu hết các dòng sông miền Trung đều vội vã. Màu xanh cây đại ngàn và màu xanh biển khơi vẫy nhau chẳng để chúng nhẩn nha.
Tuổi thơ tôi gắn với con sông Phố. Nó là gương soi của tôi. Nó là cái nôi du hí của tôi. Nó là tâm hồn tôi. Tôi vẫy vùng trong lòng nó, cảm nhận cái sức sống không ngừng, không mỏi của nó hướng về biển rộng. Anh tôi bảo: “Mi như con cá, khéo lại lặn luôn dưới đó”. Không! Nếu là cá, tôi chẳng đời nào chịu nằm yên dưới đáy sông.
Tiếng sông trôi trong đêm thanh vắng khi thầm thĩ, khi rào rạt, vọng không gian và vọng thời gian. Những chuyến đò dọc một thời xuôi chợ tỉnh, tiếng thuyền rẽ nước làm nền, tiếng chèo khua làm nhịp cho những câu hát đò đưa:
“Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở
Anh đến bến đò thì đó đã sang sông
Anh đến em thì em đã lấy chồng
Em yêu anh như rứa, hỏi mặn nồng đấy chi?”.
-“Anh nờ! Hoa đến thì, thì hoa phải nở
Đò đã đầy thì đò phải sang sông
Duyên đến em thì em phải lấy chồng
Em yêu anh được rứa, đã mặn nồng chớ chi!"
Có khi khuya lắng tưởng chừng vạn vật đều đã ngủ mê mệt, chợt mơ hồ nghe xao động tiếng gươm khua, trận chiến nghĩa quân Lê Lợi-Nguyễn Tuấn Thiện từ động Tiên Hoa (làng Phúc Đậu) kéo ra phục binh tiêu diệt giặc Minh trên đoạn sông dưới chân Rú Vằng (Kim Sơn).
Nhiều đêm tôi nằm trên gò đất cạnh sông ngắm trời sao thầm nghe sông rì rào chuyện cũ.
Ngày xưa, một nho sĩ rời bỏ một miền trù phú xứ Bắc, rời bỏ thị thành, từ chối ân huệ của chúa Trịnh, ngược dòng sông này tìm về quê mẹ tích đức và trau dồi tài năng trở thành lương y đúng nghĩa, để lại cho đời một kho y đức và y thuật.
Ngày xưa, có vị Chưởng quân xuất thân dân cày của miền sông Phố cho lập xưởng rèn hướng dẫn các thợ lành nghề chế những khẩu súng trường dựa theo những khẩu tước được của kẻ địch. Ông bất đắc dĩ rời cái cày để trở thành tướng lĩnh trụ cột của quân Cần vương Phan Đình Phùng.
Ngày xưa, có anh học trò nghèo mang lều chõng xuôi sông này đi thi hương trường Nghệ đỗ cử nhân, rồi vào kinh thi hội và thi đình đỗ Hoàng giáp.
Ngày xưa, những ngày sau Cách mạng tháng Tám, có những người trai chân đất, với gậy gộc, giáo mác và mấy khẩu súng táp nham, men sông này ngược lên biên giới Việt-Lào tiến đánh một đồn binh giặc. Và, một người đã ngã xuống, người liệt sĩ đầu tiên của miền Bắc kháng chiến chống Pháp.
Ngày xưa, một trong “mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” đã gánh nước sông này, những gánh nước cuối cùng cho mẹ, trước khi lên đường trở lại trận địa chống chiến tranh phá hoại của Mĩ và không bao giờ trở lại.
Ngày xưa, những bến sông bình thản và hắt hiu chiều chiều các cô gái ra gánh nước hay giặt giũ trắng cả một khúc ven sông.
Ngày xưa...
Sông Phố vẫn là sông Phố tự thuở nào đêm ngày tuôn nước về đông. Dấu tích lịch sử ở lại. Kí ức tuổi thơ, kỉ niệm đời người ở lại. Và đói nghèo quẩn quanh. Sông có mang theo ước mơ của con người?
Con ngưòi lưu vực sông lầm lũi sống, cực nhọc sống, mặc nhiên sống. Dăm ba năm một lần hoảng kinh: nước sông dâng ngập xóm làng băng băng, cuồn cuộn cuốn theo những gì không lánh kịp, hoặc không lánh được, cả cây cối, cả hoa màu, cả vật nuôi, thậm chí cả nguyên ngôi nhà gỗ, và cả người! (Ngôi nhà tranh của cha mẹ tôi ngự lưng đồi con đã có lần nước lũ mò lên đến nửa cột cái).
-Này, cô bé! Cô mơ ước gì đây?
-Sông ơi! Sông có mong người ta gắn bó với mình mãi không?
Ven sông có những vùng “trù phú”, vườn tược, ruộng đồng,... Những bãi dâu, bãi màu phơi phới trải dài nâng bước chân khách bộ hành, những chiều nắng xế. Nhất là những nương dâu ngút mắt bên sông. Hái dâu, chăn tằm, dệt lụa, nghe thật thích. Thích như một chị từng nổi tiếng, nổi tiếng vì nhan sắc, càng nổi tiếng hơn vì những tấm lụa chị dệt nên, một thời...
Ờ, một thời! Sướng vui nhỏ nhoi, kì vọng lụn vụn. Bao giờ...?
Nhà máy in bóng xuống dòng sông. Và...
Công trình kiềm chế cơn hung dữ của sông. Và...
Tôi gom tình thân thương, lòng ước vọng xung quanh con sông Phố gửi vào bài văn dự thi
“viết về quê hương” dành cho học sinh trung học.
-Nhưng cô bé ơi! Giờ cô ít ngắm dòng sông, bãi bờ,... Mắt cô hay dõi ra xa.
Đường số Tám, con đường liên quốc gia băng qua huyện, nay ít lượn theo triền sông, thênh thang, láng bêtông nhựa, con đường thiên lí từng vào loại đẹp nhất nước. Xe nhớn, xe bé cứ là vi vu. Nhưng con đường có vẻ lạc lõng một cách đáng thương. Chỉ có thị trấn-huyện lị ngự bên hữu ngạn sông rõ là “thay da đổi thịt” theo, nhưng mang cái kệch cỡm của anh trọc phú và cái xô bồ của cung cách làm ăn vặt và xổi, kể cả buôn lậu xuyên biên giới. Hôm kia, một chiéc xe con sang trọng đi từ một nơi xa về vượt cầu Tam Soa,-cửa ngõ vào huyện Hương Sơn, lon thon chạy. Xe lướt đi một đỗi, giây giây lại lăn bánh chầm chậm. Người ngồi sau tay lái đang thẩm lại cảnh cũ, đường xưa. Đến một khúc đường gần sát vào sông Phố, người ấy dừng xe xuống bến khoả tay vào nước sông, khum hai bàn tay chụm lại múc nước toan đưa lên rửa mặt nhưng rồi lại thả ra. Nước sông nhìn vẫn trong suốt mà mặt người nay đã khác, ngộ nhỡ...! Dường như người ta đang dọn đường cho một vụ “vinh qui” kiểu mới.
Tôi cũng đã một lần vinh qui nhỏ, nhỏ tí ti. Ấy là lần tôi lên tỉnh lĩnh giải cuộc thi viết về quê hương. Tôi được giải nhì. Bài của tôi được một tờ báo trung ương đăng lại, như một sự khích lệ, như một ân huệ.
Nhưng, tôi thi vào đại học trượt. Mấy hôm liền không nghe tiếng sông chảy.
-Này, cô bé! Cô nghĩ là sông sẽ mừng ư?
-Tôi đã định mang theo hình bóng sông vào trường đại học. Tôi đâu dễ rời xa sông. Bây giờ thì tôi muốn ra đi mà chẳng hẹn gì với sông cả.
Và tôi đã ra đi. Một nhà văn về thăm quê bên dòng sông Phố ; đã lâu lắm, sau cái lần được tiếng là nhà văn. Ông gặp tôi ở bến sông. Nhà văn sững người. Cái nhìn của ông chỉ khác cái nhìn của đám con trai mỗi khi họ gặp tôi ở chỗ “một chút bề trên”, một chút thôi. Rồi hỏi thăm đường. Rồi lân la chuyện trò. Tôi chưa gặp ai giỏi chuyện như thế, kể cả người thầy giáo mà suýt nữa nếu không vì rất kính mến thì tôi đã yêu.. Nhà văn về quê chỉ hơn một ngày nhưng đã kịp biết tình cảnh của tôi, nhất là đã có thể bảo: “Em có khiếu viết văn đấy. Được dìu dắt thì có thể bay cao, bay xa”. Ông là nhà văn số một tại địa phương ông đang công tác, ông cho tôi biết vậy chẳng phải để khoe khoang, -khoe với một con bé nhà quê thì được ích chi! Ông quen biết rộng, người ta rất nể ông. Vậy là tôi đi với ông. Gác ngoài tai tiếng lào thào của sông Phố. “Cha hắn ngày trước cũng thích léng phéng với gái tơ. Mẹ hắn lừa lúc gã nằm võng mới cuốn chặt võng lại tẩn cho một trận”.-Cha tôi thủng thẳng bảo. “Ông chỉ thành kiến vớ vẩn. Chuyện ấy là dưới thời Pháp. Bây giờ là thời nào? Anh ta lại là nhà văn”.-Mẹ tôi nói, chẳng thủng thẳng chút nào.
Tôi qua đò sông Phố, cùng ông nhà văn. Tôi nghiêng người lấy tay vã nước lên mặt. Nước sông mát lạnh không làm dịu bớt cái chộn rộn trong tôi lúc đó.
Hôm nay tôi lại ngồi bên sông Phố.
-Này cô bé! Chẳng phải là “nước đi ra biển lại mưa về nguồn” đâu nhỉ?
-Có thể tìm lại chính mình ở đâu?
-Thế cô đánh rơi ở đâu?
Ở đâu nhỉ? Tôi đã có những giờ phút tưởng chừng như mọc cánh. Ông nhà văn quả có tài giao thiệp. Ông quen các quan chức; ông quen các doanh nhân có thế lực; ông quen cả những người thường nhưng “tiềm năng”. Em hãy làm tạm chỗ này. Để sinh sống và để có vốn sống. Vốn sống là điều cốt tử của nhà văn. Tương lai của em, cái chính là viết văn, vượt lên cái đích kiếm sống đời thường. Làm nhà văn tôn vinh quê hương hơn mọi thứ “nhà” khác. Tranh thủ mà viết! Tôi viết như lên cơn. Ông tận tình chỉ vẽ. Bài của tôi được đăng. Ban đầu trên tờ báo địa phương ông làm biên tập viên. Rồi cả trên báo trung ương, ông đưa lên. Rồi tôi được giải thưởng trong một cuộc thi truyện ngắn của một tờ báo phát hành rộng. Truyện về một người con gái rời quê hương đi xa, lòng vẫn đau đáu dòng sông tuổi nhỏ, nhưng cương quyết không lơi hoài bão, không quay đầu lại. Vậy là được giải. Tên tôi cùng hàng với tên một số nhà văn có “mác”. Ông khao tôi trong phòng riêng của ông trên gác xép toà soạn; mình ông ở đó. Thỉnh thoảng ông mới về nhà, ngay trong thành phố. “Anh cần khoảng sống riêng”. Tôi xưng “cháu” gọi “chú”, ông bảo văn nghệ sĩ là không nệ tuổi tác.
Hôm đó, tôi say vinh quang, tôi say men rượu, tôi say lời thổ lộ tâm tình. “Vợ anh chỉ được mỗi cái nấu ăn ngon. Kẻ nào nói đàn bà giữ đàn ông qua cái dạ dày chẳng phải là nhà văn. Anh nổi tiếng mà rất cô đơn. Anh cần người có thể hiểu mình, người cùng điệu tâm hồn. Vậy mới có tình yêu đích thực, mới thăng hoa tình yêu...”. Và tôi đã dâng hiến. Ít lâu sau, tôi đến thấy cửa phòng “anh” khóa ngoài. Thường thì phòng khoá trong, thò tay qua lỗ khoét trên cửa. Tôi nâng tấm che lỗ khoá nhòm vào. “Thần tượng” của tôi đang “đi thực tế” cảm hứng tình yêu tột độ vào “công đoạn” cuối với cô gái mà mấy hôm trước đã giới thiệu với tôi là em họ. Cảnh cao trào “chuyện ấy”, người ngoài cuộc thấy “khủng khiếp” làm sao! Sàn gỗ dưới chân tôi dập dềnh như ván lót con đò ngang sông Phố hôm tôi ra đi.
-Tôi có để rơi không nhỉ?
-Cô bé ơi! Hãy phả nước sông vào người. Đánh mất mình như để rơi một món đồ chẳng dễ đâu, nếu còn biết ân hận. Không còn như cũ lại là chuyện khác. Phải vậy thôi. Sông cũng không còn như xưa...
Có phải chuyện vắng những chuyến đò dọc, con sông trầm mặc và cô quạnh hẳn đi? -Thời “tốc độ chóng mặt” ai còn xuôi ngược trên những con thuyền gỗ chèo chống bằng tay nữa! Hãy thôi mơ màng chuyện cũ!
Hay là chuyện lở bồi? –Cũng là lẽ thường, kể cả chuyện hơi khác thường nơi cái vực sâu hút dưới chân rú Vằng, cái vực mà ngày trước truyền lại rằng nó thông với cái “hốc thuồng luồng” giờ đã cạn trong một làng cách chừng nửa cây số, nay nhô lên một bãi nổi như là mô hình thu nhỏ của chuyện “biển Đông biến thành nương dâu”.
Chuyện là con người đang muốn bớt thụ động đi. Người ta đang tính đắp một cái đập...
Một cái đập! Tôi từng mơ một công trình cải tạo sông Phố và một cơ ngơi thuỷ điện.
Song, tôi cũng muốn sông không mất đi cảnh sắc hoang sơ vốn là một phần của duyên dáng sông Phố.
-Này cô bé! Cô đâu còn mang tâm hồn hoang sơ?
Giữa vùng hoang vu gần đầu nguồn sông Phố, khu nghỉ dưỡng Nác Sốt (Nước Nóng) đang như là một mầm hoa lệ...
Phải! Hoa lệ hoá, văn minh hoá, và vân vân. Nhưng cầu trời đừng “hoá” những cái như sân gôn, chẳng hạn! Từ lâu, người Nhật thà mỗi cuối tuần đáp máy bay sang châu Âu chơi gôn chứ không đành xây sân gôn trên đất nước họ.
Tôi về bên sông Phố.
Dẫu rồi ra tôi sẽ xa sông Phố...
Hải Phòng, 4/2004 – 11/2008
Cá rô đồng
Cô gái đạp xe từ tốn, mọi khi cô vẫn thích phóng nhanh. Cô vừa đi lễ chùa về,-một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, đầu óc còn vấn vương niềm hi vọng gửi vào lời khấn. Chiếc xe bỗng phanh gấp. Bên lề cỏ, một con cá rô đang cố lách. Cô gái chưa thấy con cá rô nào to như thế bao giờ. Cá rô đồng, loại cá nước ngọt cô thích nhất.
Đường nhựa chạy ven một cái đầm rộng, và bên kia là cái lạch sâu dẫn ra sông lớn. Trời mưa lúc gần sáng. Vậy mà lạ thật, con đường vốn đông người qua lại, chẳng một ai nom thấy con cá! Dường như dành riêng cho cô. Cô gái khéo léo bắt nó lên bằng hai tay, giơ lên ngắm nghía. Màu vàng sậm, nơi đuôi có một chấm đen to và đậm. Bà nội từng kể, cái chấm này, xưa là dấu dự tuyển vượt vũ môn để hoá rồng, Bụt ban cho. Đôi mắt cá long lanh ánh khẩn cầu.
Cô gái thầm thì: “Cá ơi! Cá muốn bay nhảy phải không? Hay cá là cá thần lạc bước? Tôi đỗ kĩ sư hoá chất rồi nhưng còn một cái vũ môn nữa phải vượt. Tôi đang đi tìm việc làm. Cá phù hộ tôi nhớ!”. Con cá cựa quậy trong bàn tay cô gái, cái đầu lúc lắc có vẻ gật gật. Cô gái nhúng con cá xuống lạch rồi từ từ mở bàn tay ra. Con cá đứng im mấy giây, ngoắt đuôi rồi trườn đi và lặn mất hút.
“Rõ ràng nó gật mà! Nó còn nhô đầu lên nhìn mình trước khi lặn, mình chẳng nhầm đâu”. Lòng lâng lâng, cô gái đạp xe vào thành phố. Trước khi về nhà, cô đi lòng vòng mãi trên những con đường thân quen mà dường như có gì đó khác lạ.
Cô vừa bước vào nhà, mẹ đã báo tin:
-Mẹ đã xin được việc làm cho con rồi.
Cô gái ấp hai tay vào ngực. Mô Phật! Cô nghĩ ngay đến con cá mình vừa phóng thích. Mẹ đang tất bật trong phòng ăn.
-Hôm nay bác Si đến ăn cơm.
“Giám đốc công ti cung ứng vật tư cơ khí, chỗ mẹ làm tài vụ, cái bác vẫn khen mình ngoan và xinh đấy mà”. –Cô gái nghĩ nhanh và nhìn mẹ, không phải mẩu tin mà cô đang muốn nghe lúc này.
Trên bàn mẹ đang bày một bữa ăn thịnh soạn. Cô chợt tròn xoe mắt. Một con cá rô bự, ở đuôi có một chấm đen to và đậm, rán tuyệt khéo, nằm phô cái mình lẳn trong đĩa sứ hình bầu dục rất đẹp.
-Bác Si khoái rô đồng. -Mẹ nói tiếp. Cô gái lại nhìn mẹ, chờ... –À, con được làm trợ lí(!) thư kí riêng cho bác ấy.
Cô gái buông thõng hai tay, nhớ lại cái ngoắt đuôi như vẫy gọi của con cá nơi lạch sông.
Hải Phòng, sửa lần cuối 01-2008
Người máy
Buổi sáng, Bé nói với mẹ:
-Mẹ ạ, hôm qua ông nội ra nhà vệ sinh vừa đi vừa rên.
Mẹ đang “tiếp” đôi giày cao gót kiểu mới nhất, vết chai cũ ở gan bàn chân thời bươn chải đang làm phiền mẹ.
-Biết rồi. Đi học đi! Muộn rồi đấy.
-Dạo này ít nghe tiếng ông ngáy, -Bé còn muốn nói nữa- chỉ có tiếng ho khúc khắc nhiều hơn.
-Ngồi học không tập trung mà học, -mẹ bực mình- cứ nghênh đi đâu ấy.
-Con vẫn tập trung đấy chứ. Nhưng tiếng ở phòng ông cứ vọng sang phòng con.
Buổi tối, sau bữa cơm, vào cái giờ hiếm hoi ba người: cha, mẹ, con cùng có mặt, mẹ bảo cha:
-Từ ngày bị ngã, ông khác lắm. Không khéo ảnh hưởng đến thằng bé. May cái nhà ở quê chưa bán, cho cụ về đấy, để chị Nụ theo trông nom, việc nhà trên này thuê đứa khác. Dưới ấy có một tay bác sĩ về hưu đang hành nghề, ta thuê khoán họ lui tới thăm bệnh cho cụ.
Cha cau mày: -Cái kiểu mướn vú nuôi “cụ cố” như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố xưa rồi. Cúng một số tiền cho viện dưỡng lão thành phố rồi gửi cụ vào đấy.
Mẹ nói: -Làm vậy mang tiếng chết. Chỉ những ai nghèo túng và không nơi nương tựa mới...
Mấy cái nước mà chúng mình đến tham quan mới rồi chẳng tiền tiến bậc nhất đấy ư, sao khối người già thuộc lớp trên vẫn gửi mình nơi viện dưỡng lão? Xã hội hiện đại có cái lí của nó. Miễn là chu cấp cho cụ sống tốt.
Trước khi rời phòng, cha quay lại bảo Bé:
-Tối nay con ôn lại những thao tác cơ bản trên máy vi tính. Từ mai sẽ xin dự lớp của Trung tâm tin học.
Bé được cha sắm cho một máy điện toán. Thêm một mục vào thời khoá biểu khít khao hằng ngày, hằng tuần,... thậm chí hằng năm của Bé, cha vạch theo chu trình khép kín: học- ăn - nghỉ ngơi - giải trí. Chẳng còn khoản nào dành cho Bé đến với ông.
Lúc ông mới về ở cùng theo yêu cầu thiết tha của cha, Bé rất “kết” ông. Con người ông dường như con đượm hương vị làng quê với cánh cò trong ca dao, với ông Bụt trong truyện cổ tích, từng ướp thơm giấc ngủ ấu thơ của Bé. Ông còn mang theo bao kỉ niệm thời ông đi đánh giặc mà Bé say nghe kể với lòng ngưỡng mộ. Song, cái gì rồi mà chẳng lạt phai! (Có lẽ chỉ trừ cái điệu lóng ngóng quê mùa của ông trước các tiện nghi hiện đại cứ ít lâu lại đổi mới hoặc tăng thêm trong nhà). Huống nữa, còn đĩa hình, còn trò chơi điện tử và những thứ khác. Bé dần lớn lên thì các dịp để ông cháu gần nhau dần ít đi. Bé quen dần, không cảm thấy thiếu ông. Hồi còn là tí nhau, Bé luyến hơi mẹ không muốn ngủ riêng, rồi cũng quen.
Bé về phòng mình. Được hai mươi phút để xem phim đĩa vào giờ này. Bé có cả một “kho” đĩa ghi hình chọn lọc. Loại “chơi mà học”; loại “khoa học vui”; loại “nhẹ nhàng” như cha vẫn gọi;... Đĩa nào cũng đúng hai mươi phút, không hơn. Hôm nay, đúng phiên loại nhẹ nhàng. Bé lấy ra đĩa Quê Nội cho vào máy phát. Đấy là đĩa ghi lại cảnh cả nhà về thăm quê. Lần đầu tiên, cha mẹ đi ô tô con về làng. Mẹ bàn với cha đi vào dịp Tết. Nhân thể làm lễ chúc thọ song thân luôn. Chẳng có dịp nào đẹp hơn. Tết năm ấy, trời cũng chiều người, tạnh ráo và đủ lạnh để cho người ta trưng diện. Mẹ còn thuê hẳn một “nghệ sĩ ghi hình” đi theo. Đã lâu lắm Bé mới xem laị đoạn phim này. Làng quê hiện ra trước mắt Bé hệt cảnh trong “Du lịch qua màn ảnh nhỏ”, quen quen mà xa xôi. Cảnh chiếc xe màu đen bóng lộn tiến vào cổng làng. Hai bên trụ cổng đỏ choé một đôi câu đối, chữ quốc ngữ viết lối triện bằng mực Tàu. Cha đã gửi thư và tiền nhờ một chú trong họ phụ trách văn hoá huyện lo giúp chuyện đó. Xe từ từ đi giữa đám người đứng đón,-đúng ra là những người tò mò. Tới cổng nhà, một tràng pháo chực sẵn nổ tạch đoàng chào đón đứa cháu đích tôn (Cũng là bạo tay mới được thế,-mẹ từng bảo cha). Một cô gái ào đến vồ lấy thằng nhóc lên ba –chính là Bé đó- từ trên tay mẹ nó. Mặt cô hơn hớn càng xinh dậy lên. Người cô ruột duy nhất ấy từ sau ngày lấy chồng chưa gặp lại Bé. Nghe nói cô “có khó khăn”. Bé cho lướt nhanh một số cảnh, dừng lại ở cảnh ông bà nội ngồi trên ghế bành trang nghiêm nhưng tươi cười nhận chúc thọ. Bé đứng giữa, cha mẹ đứng hai bên, người cô đứng lùi chếch phía sau một chút, tất cả đều hướng về ông bà. Chung quanh là bà con, xóm giềng đứng chật nhà. Mẹ mặc áo gấm vàng, đội khăn vành vàng, đi hài vàng hệt vai hoàng hậu trong tiết mục sân khấu truyền hình. Cha thì áo gấm lam, khăn đóng đen, giày da đen, quần dạ đen (chiếc quần cha mặc lúc ngồi trên ô tô) nom đến buồn cười. Nhóc Bé thì mặc Tây. Đồ “quốc phục” vừa tầm Bé chẳng thể thuê ở đâu được. Bù lại, đầu Bé được chít khăn xếp lụa xanh, thiệt ngộ. Bé chắp tay vái theo cha mẹ, đúng bốn vái. Và theo lời mẹ nhắc khẽ, Bé nói to từng tiếng một, ngọng líu “Cháu chúc ông bà mạnh giỏi sống lâu cho con cháu mừng”. Bé lướt qua mấy cảnh nữa. Hiện lên cảnh vườn và nhà của ông bà nội được quay với góc độ làm cho bề thế và nên thơ hơn thực tế nhiều. Khi đã đủ lớn để nhận ra điều đó, Bé không thú mấy mỗi khi có dịp về quê. Bé bỗng toét miệng cười theo “thằng nhóc” đang nhong nhong trên cổ một ông già quắc thước mặc quần áo bộ đội còn hằn nếp gấp, đội mũ gắn sao, đi giày cao cổ, ngực đeo huân chương óng ánh. Ông nội đấy! Ngày trước.
Phòng bên vẳng lại tiếng ho. Bé tắt máy. Sớm hơn qui định bảy phút. Bé ngồi vào trước máy vi tính, bần thần một lúc. Ngày đưa máy về, cha cầm những ngón tay non nớt của Bé đặt lên các phím máy bảo: “Con của cha phải chịu khó học tập để cái máy biết nghe theo con. Lớn lên, con có thể làm ra cả người máy”. Bé chợt nảy ra một ý nghĩ. Ý nghĩ ấy làm Bé hăng lên, hãnh diện. Bé sẽ học thành tài và sẽ chế ra một người máy biết chăm sóc người già yếu. Ý nghĩ ấy theo Bé vào giường ngủ...
Người máy của Bé đẹp hơn mọi người máy viễn tưởng từng xuất hiện trên màn truyền hình, và thông minh hơn là cái chắc. Bé bấm nút và ra lệnh: “Hãy vào phòng trong thăm nom ông nội ta!”. Hai con mắt loé xanh, người máy rùng mình một cái, khởi động, và... vừa bước đi xiêu vẹo, vừa thở phì phò. Tiếng thở to dần nghe như tiếng rên vẫn đưa lại từ phòng ông nội mỗi khi ông se mình và Bé để tai nghe. Bực mình, Bé ngắt mạch điện. Người máy đổ vật xuống. “Bịch!”, một tiếng trầm đục vang lên. Bé giật mình tỉnh dậy. Có tiếng rên nặng nhọc vẳng đến. Bé xô cửa phòng chạy ra. Trên sàn đá cẩm thạch láng bóng dưới ánh đèn đêm trong hành lang trước nhà vệ sinh, ông nội đang cố gượng đứng lên một cách tuyệt vọng. Bé hiểu ra rằng ông nội chờ được người máy của Bé thì quá là muộn.
Mây núi Sapa
SaPa hè 196...
Trời không rõ nắng, ánh sáng nhờ nhờ màu lụa bạch. Se lạnh. Hiên lầu im vắng. Lòng thung xa dưới kia, khí núi đùn lên từng dải trắng xốp như bông nằm vắt trên ngọn cây rừng với cái dáng uể oải, lười nhác, hợp với tâm trạng anh.
-Hè này thầy đi đâu ạ?
-Có thể tôi sẽ đi SaPa.
-Em chưa biết SaPa. Đi một mình thì ngại.
Có gì xôn xao trong nắng vào hè. Câu chuyện thân tình mà bâng quơ. Đôi khi vênh. Vài mẩu hồi ức của chú bé liên lạc vùng Lao Cai hồi kháng chiến chống Pháp (Ít khi anh nói với ai chuyện này). Thú dạo núi trong làn không khí mát lạnh ngay giữa mùa hè như trong buổi sáng cuối thu dưới xuôi (Cô quên, cô vừa nói “chưa biết SaPa”).
-Xong trường phổ thông coi như hết tuổi học trò... Xin thầy cho em mấy dòng lưu niệm vào đây.
Mấy câu thơ làm vào tuổi mười bẩy chợt hiện về; anh viết nhanh để khỏi ghi câu nào khác:
“Ra đi náo nức cười li biệt
“Hoa phượng bên hiên rực rỡ buồn”
-Buồn mà còn rực rỡ được sao, thầy?
-Sao lại không nhỉ? Buồn trong màu rực rỡ. Hay rực rỡ mang sắc buồn. Cũng có thể bởi rực rỡ mà buồn. Nào ai biết. Đời phượng mà! –Anh không nói kiếp phượng.
Cô chào đi ra, ánh mắt hờn.
Hãy đi đi! Trước mắt em là cả một chân trời.
Chưa tàn mẩu hồi ức, trông lên dãy Hoàng Liên Sơn mây trắng vươn từ lòng thung đã giăng dài quanh co lưng sườn núi. Chiếc cầu khói sương, chuyện thần tiên ngày cũ. Cõi tiên nhởn nhơ. Chẳng ràng buộc ai. Không eo sèo đời chật. Không tín điều...
-Thầy đang nghĩ gì thế ạ?
-!...
-Em đi thăm ông chú họ em ở Lao Cai. Tiện dịp em vù lên đây, ở nhờ bà bạn của chú em.
Đám bụi nước đã dâng lên tự bao giờ bao phủ đỉnh Phan-xi-păng vời vợi đậm đặc quyện lại với nhau. Sườn núi được trả lại màu xanh thắm tinh khôi. Mặt trời lẩn đi đâu. Đây đó trên nền trời trắng mờ, từng mảng màu thiên thanh lộ ra, thăm thẳm như một sự vẫy gọi.
-Ta đi chơi cầu Mây đi thầy! Em muốn được nhớ nhiều, mai đây những ngày dài nơi xứ người.
Vách đá bên đường nhô ra một khối tạo hình đẹp. Cô leo lên hặm hụi vạch mấy chữ cái lồng nhau. Anh đi loanh quanh lượm hoa rừng.
Cô trượt chân nhào vào người anh. Hơi thở dồn, thơm. Anh đặt hoa vào tay cô. Cô đưa đoá hoa lên môi. Anh lảng đôi mắt bồ câu đen láy đang ngước lên. Như ngộp trong luồng mây núi vần vụ. Đầu óc phiêu diêu mất khả năng nghĩ suy. Bất ngờ với cả chính mình, anh né người cúi xuống loay hoay tháo sửa chiếc dép dưới chân. Cô để rớt nhành hoa, quay mình đi như chạy, trở về.
Đỉnh Phan-xi-păng, mây núi đã tỏa theo mây trời, phô màu xanh lam lạnh, trơ vơ dưới bầu trời chơi vơi.
Một lần nào đó, anh đã ghi trên trang nhật kí: “... mệt như xem một bộ phim hay, như giải một bài toán đẹp. Bao giờ cho hết ngu ngơ?”. E rằng anh sẽ còn phải ghi như vậy nữa, suốt tuổi thanh xuân.
Đất khách, thu 196...
Cửa sổ phòng riêng, tầng lầu trên cùng nhà nội trú của lưu học sinh, ngóng về chân trời phía đông-nam. Lớp lớp mây xa đùn núi bạc°. Chẳng có con chim nào nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa°.
Cũng là hình mây ấy... Máy bay xuyên qua lớp hơi nước dày, một vùng mù sương, rồi lướt cao trên một biển mây,-một sân bông xốp mênh mông. Nhảy xuống đấy chắc là êm lắm. Cảm giác cao hơn chim, nhẹ như mây. Một lần vỗ cánh. “Ra đi náo nức cười li biệt” phải vậy không? Lúc này đang lúc đặt cánh yên bình. Niềm phơi phới lắng đi. Ngày bận bịu. Đêm đêm nhìn trời, bầu trời cũng lạ.
Cũng là sắc mây ấy... Ngó lên trần mây trên Phan-xi-păng sao mà cảm thấy bé nhỏ!
Cô khép chặt vạt áo, ngồi co ro. Trời mát dịu, đâu có se lạnh. Con chim của Huy Cận đơn côi quá! Ở SaPa mình không nhìn thấy chim. SaPa! Thôi! Quên rồi.
-Lại nhớ nhà! Gõ cửa mãi mà chẳng thưa. Đi chơi núi Bà Mẹ đi! Cứ hẹn lần mãi rồi đấy.
Những bậc lên sạch quá, được chăm kĩ quá. Người bạn nam lưu học sinh trên cô một khoá như hiểu tâm trạng cô, bỏ lối chính, kéo cô đi băng sườn núi. Trời im nắng. Bụi nước lãng đãng lưng chừng dốc, càng lên cao càng dầy. Cuồn cuộn tuôn, loăng quăng như tuổi học trò. “Mây trên Phan-xi-păng kia trông cứ nghĩ là đậm đặc và bất động, thật ra đi vào trong đó mới thấy là khá loãng và rất xao động”. Như ở đây và không như ở đây.
Cô ngước lên. Người đàn bà giơ kiếm ngang trời. Uy nghi mà đơn độc những hôm trời quang, âm thầm những lúc mây phủ. Những đám hơi nước ùa đến quấn quít rồi đi. Xa trông, vầng mây ôm ấp, nhưng không sưởi ấm. Bụi nước chẳng dệt thành sợi. Chiếc cầu khói sương chỉ là sương khói.
Cô bỗng trượt chân suýt nhào theo dốc. Lần này là trượt thật. Người bạn kịp đưa tay ra đón. Anh đỡ hơi lâu. Cô nhắm mắt tránh ánh nhìn van vỉ mà đòi hỏi đang chiếu xuống. Nhưng không tránh làn môi có thể linh cảm được đang rất gần.
SaPa, hè 198...
Khách là một người đàn ông luống tuổi cao và gầy, tóc lơ thơ trắng. Dáng ngơ ngác của người tìm về dấu cũ. Chẳng thể tìm ra vết tích ngôi nhà một tầng lầu,-trạm nghỉ mát duy nhất năm xưa. Cũng khó có lại cái im vắng chốn hiên lầu ngày ấy,- chốn hiên lầu ngập tràn mây núi lúc hoàng hôn, một người trai đã đứng tự đày mình trong khí lạnh.
Khách lững thững theo đường đi cầu Mây. Mấy lần ngỡ lạc đường. Một đôi trai gái vượt lên. Bước chân họ sao mà nhẹ! Như là sương mù từ lòng thung đang tràn đến cuốn họ đi. Không phải cảnh hơn hai mươi năm về trước. Khách đi đến nơi quen trong tâm tưởng. Khối đá tạo hình có nét chữ kí thác của nàng ngày nào không còn. Nó đã bay biến khi quân xâm lăng Trung Quốc mó đến đất này. Trên thềm đá mà nàng từng “trượt chân”, cặp trai gái nọ đang mải hôn nhau trong làn sương mờ ảo.
Đôi chân khách tự tìm theo nẻo vắng. Như lặng bước trong một không gian cổ tích hoang phế, khách tới một rìa đồi. Nham nhở một cái huỵệt trống, mộ đã được dời đi. Khách mệt nhọc ngồi tựa lưng vào một tảng đá.
Họ đã bị kiểm thảo lên xuống. Chàng thành khẩn nhận lỗi mình bị động, hứa quyết tâm tẩy rửa óc lãng mạn tiểu tư sản. Nàng lẳng lặng xách va li lên tàu về nước. Cha nàng lo cho nàng một công việc thích hợp. Nàng chấp nhận cuộc hôn nhân do mẹ nàng xếp đăt.
Màu bàng bạc buông đầy. Mây núi đùn mau và tan nhanh. Có phải vì giờ đây thưa thớt cây rừng?
Ta đã cầu cho em được hạnh phúc.
Khách đứng lên nhìn vẩn vơ. Vách tảng đá khách vừa dựa lưng có hằn vết chữ. Khách dò từng nét chuệch choạc,-chừng vạch vội: “Y.T. - hi sinh tháng 3/ 1979 vì đạn giặc trong chuyến công tác lưu động về SaPa”. Xin chuyển đổi công tác để li thân người bạn đời bất đắc dĩ hay vì còn cớ nào khác? Sự tình cờ chăng đã đưa em về nơi đây?
Khách nhắm mắt. Giá mà...
Khách ngửng nhìn trời. Sắc trời bảng lảng. Từng cuộn mây trắng lang bang, bồng bềnh như... như gì nhỉ?
Những cuộc tình chịu lỡ. Xưa, Anđecxen trả giá cho những thiên truyện tuyệt bút của mình. Còn ta, ta trả giá, chẳng riêng cuộc đời ta, cho cái gì? Chẳng lẽ lại là cho cái ngốc ư!.

(°) Thơ Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”.
Không đề
Vừa cầm tờ Văn Chương liếc qua, tim chàng đã đập rộn lên. Thi sĩ thấy tên mình ngay trang nhất.
-Có thế chứ! Bài “Không đề” gửi đi có dễ đến nửa năm giờ mới chịu đăng cho đây... Ơ! Mình có viết như thế này đâu.
Đọc hết bài thơ, chàng thất vọng. Một bài thơ không thuộc tạng chàng. Đọc khó vào làm sao!
Có tiếng mở cổng, rồi tiếng dép quen thuộc.
-Anh đã nấu cơm chưa đấy? –Nàng vừa ló nửa người nơi cửa đã lên tiếng.
Nàng quán xuyến chuyện kinh tế gia đình nên chàng xắn tay đỡ nàng những việc vặt. Việc cơ quan, chàng rất linh động ; chàng có thể tạo cớ để lỉnh về sớm. Vô phúc cho khách công tác nào, dù là từ xa đến, nếu chẳng phải là khách sộp, có việc với chàng sau mười giờ, nhất là vào những hôm nàng đã có “dặn lời”.
-Anh đi nấu ngay đây. Anh đi nấu ngay đây.
Nói vậy nhưng chàng vẫn bần thần đứng nhìn trang báo. Nàng đang thay áo, không đoái đến bộ dạng chồng.
-Anh còn làm gì đấy?
Thi sĩ đưa tờ báo đến trước mặt vợ: -Em xem đây này.
Nàng hững hờ nhón tờ báo: -Thôi, ông cứ đi làm việc của ông đi!
Nàng đọc lướt mấy dòng thơ đầu, nhưng rồi bị hút ngay vào. Một cái gì rất thoảng như hơi sương lướt qua tâm hồn nàng. Những tưởng ở tuổi nàng đâu còn những bâng khuâng, xao xuyến hay đợi chờ. Vậy mà có chút gì đó vừa lay nhẹ tâm can nàng, nàng chưa rõ ngay chuyện gì đã xảy ra, đã chợt đến. Bài thơ dường như viết cho riêng nàng, cho nỗi niềm trong tâm thức nàng. Có bóng dáng những mộng tưởng của nàng thuở nào. Nỗi khát khao một thời dường như vẫn náu mình đâu đó. Mà những thôi thúc của nhịp sống bung ra hiện tại hướng những giằng xé nội tâm ra nẻo khác.
Đã xa rồi cái thời cô nữ sinh Kiều Diễm ngây thơ và cuồng nhiệt dệt mộng đời qua những bài thơ chép đầy sổ tay, trong đó có những bài thơ đăng báo tỉnh lẻ của chàng thuở chàng tập tọng bước vào chiếu thơ. Nàng đã tự nguyện đến với chàng, phẩy tay trước những nghi kị, dèm pha, cấm đoán. Nàng đã tự hẹn sẽ không để chàng bận lòng với những chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhưng chính thơ lại đùa với chàng. Cái bóng của thơ, nó như rỡn, như vờn. Con người nhiều lúc nhẹ dạ, còn Nàng Thơ thì không. Ôi! Giá như nhân loại chỉ yêu nhau theo lối “ái nhi viễn chi”! Về sống chung, sau ba tháng, con người chàng đã nhợt hào quang; sau nửa năm, thơ chàng tuồng như chỉ là cái bẫy ngôn từ. Lỗi của cái eo sèo đời thưòng hay của sự vỡ mộng? Trong lĩnh vực tình cảm, phái đẹp dễ cực đoan hơn phái mạnh, đã yêu là thường mê đắm, mà đã chán thì có thể đẩy tới mức ghét khinh. Cũng may, những ràng buộc đời thường giúp cho người ta dễ chấp nhận thực tại hơn. Đến khi nàng phải đứng ra gánh việc nhà để cho chàng “ung dung khòm lưng mà ngồi gãi giấy”, như nàng nói, thì cơ hồ thơ chàng không còn ngả đi vào tâm hồn nàng. Chàng vẫn thường tự hào thơ mình đa dạng: trữ tình có, hùng ca có, triết luận có. Nàng tóm gọn ba “có” ấy vào một lời phán:“Đã câu rởm trữ tình tang, / (lại) Lời lời huyếch hoác, hàng hàng dở hơi”.
Song có lẽ hình ảnh nhà thơ của cô Kiều Diễm chỉ thực chết trong lòng nàng sau lần chàng đưa khoe một bài thơ vừa được đăng báo,-bài thơ tán tụng một chiến sĩ thi đua đang ngấp nghé danh hiệu anh hùng lao động. Ánh mắt nhìn của nàng hun rát má chàng: “Anh đã quên cái cảnh hắn ta ôm đôi gà trống thiến leo lên căn gác của lão phụ trách thi đua của sở rồi à?”. Căn gác ấy nằm ngay trước nhà, bên kia đường. Dẫu lúc ấy đã là hoàng hôn. (Của đáng tội, bài viết ấy như một thứ hàng đặt). Cái hèn phỉ báng thơ; cái khinh khép mắt tình yêu. Tuy nhiên, chắc hẳn “cái thuở ban đầu lưu luyến” và đứa con đã giữ nàng lại với chàng cùng... những cơn bộc phát dữ dằn. Chàng quen dần với những lời mắng mỏ thô lậu cũng như đã từng quen với những lời tán dương âu yếm thuở yêu đương.. Những cơn hung dữ đàn bà, -chàng âm thầm nhủ lòng- âu mụ cũng là một phụ nữ có bản sắc. Chàng vẫn giữ được cái đức riêng của mình: vẫn chỉn chu với vợ con, vẫn tỏ ra cần mẫn công tác và... vẫn làm thơ. Song, sự nín nhịn ở nhà thường phì ra nơi khác, cả trong thơ. Người ta cảm thông với lối nói băm bổ của chàng những lúc nào đó. Một chút lên gân bù trừ cũng chẳng sao.
Lúc này trong bếp, mắt cắm vào chảo cá rán nhưng óc chàng vẫn vương vít với bài thơ nọ. Thằng cha nào đội tên mình nhỉ? Hừm! Thiên hạ chỉ mới có người ăn cắp văn, nay lại thòi ra một kẻ ăn cắp bút hiệu. Cái tên Vọng Khê chẳng phải là cái cọng rác trên văn đàn. Bút danh này khá “độc”, chẳng thể có sự trùng. Ông sẽ chẳng để yên đâu. Chàng muốn xả nổi tức bực với ai đó, hiềm vì đang dở tay. Chàng lé mắt ngó nàng đang đứng trong phòng qua cửa bếp, chợt sững ra. Nàng đứng đó tựa vào tủ gương, đắm trong một nỗi khắc khoải mông lung. Chợt nàng ngửng lên bắt gặp cái nhìn của chàng. Chàng giật mình bối rối. Nhưng nàng đã mỉm cười với chàng, nhẹn bứoc đi vào bếp. “Anh để em nấu cho”. Tim chàng phồng lên biết ơn, mà miệng lại cười lỏn lẻn. Cũng đã lâu... vẻ mặt ấy, giọng nói ấy! Chàng hơi ngỡ ngàng.
Chàng sắp ngỏ nỗi tức bực kia thì nàng đã bảo, giọng rất êm:
-Sao chẳng thấy anh khoe bài thơ ấy trước với em? –Và với cái điệu đùa đùa trước nay nàng chưa hề có, như là nàng mới nhiễm được ở đâu đó- Anh “đổi mới” ghê quá! –Và cái giọng dọa yêu- Mà lại có thêm cái tật dấu vợ nhá.
Cứ để cô nàng nghĩ vậy.-Chàng tự nhủ- Chẳng nên vội làm cụt hứng. Khi người ta vỡ mộng thì cũng khó lường trước...
Sự hồi xuân tình cảm chàng được hưởng đúng hai tuần. Trên tờ Văn chương xuất hiện bài phê bình “Không đề”, một bài thơ có không ít vấn đề của Võ Trí với lời phi lộ của toà soạn: “để rộng đường dư luận”, “đẩy mạnh phê bình văn học”, “tôn trọng mọi tiếng nói”, v.v... Người viết tỏ ra có tay nghề, dùng lối nói bạo, pha chút châm biếm, phê phán nặng nề bài thơ về nghệ thuật và ý tưởng: “cưỡng ép ngôn từ”, “bông lông hoá thơ ca”, “chạy theo mốt tâm linh”, “đằng sau lớp hỏa mù ngôn từ và cấu trúc là những ý tưởng đáng ngờ”, vân vân...
-Em xem! Thằng cha nào làm xấu mặt anh. –Chàng chìa bài báo.
Nàng lạnh mặt ngó chàng (chàng rất ớn điệu này). Nàng đọc rồi. Đọc kĩ. Võ Trí, người lâu lâu mới có một bài ở mục văn học trên một tờ báo nào đó, chàng coi dưới tầm, còn nàng thì...
Con người ấy nàng đã gặp trong một buổi dạ hội tại nhà một cô bạn thân nơi thủ đô. Chẳng phải do bài thơ y đọc đã khơi dậy những khúc mắc tâm linh. Chẳng phải do phong thái vừa phóng khoáng vừa khinh bạc rất đàn ông của y. Chẳng phải do những lời y thủ thỉ với nàng bên bàn tiệc. Song, dường như do tất cả những cái ấy. Ai đó nói rằng tiếng sét ái tình không đến với những người đàn bà từng trải. Nàng cũng đã từng cho là vậy. Thật ra thì chưa hẳn đã là tiếng sét. Đơn giản là nàng đã tin cậy y ngay. –Nàng đã bao giờ tin cậy chồng chưa nhỉ? Có chứ! Không tin cậy sao yêu say mê lẫn tôn sùng? Nhưng chàng đã không nuôi dưỡng được sự tin cậy ấy. Chàng đã không biết hoặc không có khả năng khích lệ nàng. Y thì khác. Một lần, trong vòng tay y, nàng nói: “Trong tình yêu sự phản bội là một thứ vũ khí”. Y nghển người chăm chắm nhìn nàng, thốt lên: “Trời! Em vừa xuất thần một tứ thơ thật ‘siêu’. Sao em không làm thơ nhỉ?”. Nàng không làm thơ ư? Khi e ấp mối tình đầu nàng đã từng đưa khoe chàng bài thơ về biển mà nàng mới ngẫu hứng với hai câu mở đầu: Mặt trời mọc gieo neo / Chim hải âu rồng rắn. Chàng đã khoan dung góp ý với nàng đến độ chẳng bao giờ chàng còn nghe nàng nói đến thơ nàng nữa. Dường như nàng cảm thấy bé bỏng trước lòng tự tin của chàng. Còn sau này thì... “tạng lão chẳng hiểu nổi”. Với Võ Trí, nàng đã mau mắn trao y cuốn sổ của nàng, cuốn sổ ghi riêng những bài thơ nàng làm từ thời còn miết quần trên ghế học trò. Y đã đọc một cách thích thú, khi tặc lưỡi, khi vỗ đùi. Cơn yêu của y như chắp cánh hồn thơ nàng. Có bài thơ nàng phóng bút làm một mạch. Y góp ý sửa chữa đôi chút rồi gửi tới một tờ báo quen của y. Nàng dùng một bút hiệu vừa khiêm nhường vừa thách đố. Chẳng bao giờ nàng phô với chàng chuyện này. Rồi chàng cũng biết, khi đó đã có bài viết tán tụng những câu thơ “lên cơn” của nàng. Đã quen nhẫn nhục với cái nết thất thường của vợ, chàng vẫn nhận ra nàng có khang khác. Nàng vốn có dáng dấp uyển chuyển. Xưa kia -ờ, xưa kia!- chàng hay vuốt má nàng thủ thỉ: “mèo con của anh”. (Võ Trí cũng thích gọi nàng: “Miu ơi!”). Sau này chàng thường cay đắng và hài hước nghĩ: “Thật nhu mì như con mèo! Con hổ cái lúc lim dim mắt cũng nhu mì đấy chứ”. Dẫu vậy, chàng vẫn ước ao nàng trở lại là con mèo với chàng, điều có lẽ chẳng bao giờ được nữa. Nhưng đúng là nàng có vẻ dễ tính hơn và nhẹ lời hơn. Chàng hầu như đã có thể thở ra nhẹ nhõm, những “cơn điên đời thường” đã trở nên hiếm hoi. Như là cái nanh nọc đàn bà náu mình cho hồn thơ tiềm ẩn nhắp cánh. Chàng khó mà biết vậy. Dẫu sao cũng đáng cảm tạ Phật, Trời. Song, tai vạ hình như lại muốn chọn hướng khác. Một lần, nàng vừa khịt mũi vừa đoc bài thơ chàng được đăng báo còn thơm mùi mực, vớ ngay lấy bút sổ toẹt mấy câu mà chàng tâm đắc: Anh dắt em / Mệt nhoài ra / Cuộc đời ngang trái, và viết vào bên cạnh: Sống và viết / Anh mệt nhoài / Sấp ngửa tình đời. Nàng bảo: “Viết thế còn có cái cho người ta đọc, và mới là anh”. Chàng gượng gạo cười: “Xem ra em còn máu hơn cả anh”. Nhưng thâm tâm, chàng coi đó là những “cơn điên nghệ thuật”. Nếu cơn điên nghệ thuật lại cũng thành thường lệ như những cơn điên đời thường trước đây thì, lạy Chúa tôi, đó còn hơn một mối lo, đó thật sự là một siêu bất hạnh.
Lần ấy, nàng cũng ngó chàng tựa lần này. Đang giơ bài báo của Võ Trí cho nàng, cái ngó của nàng suýt khiến chàng lùi lại. Lạy trời! Đừng là cơn điên nghệ thuật! Sự thật thì nàng đang quan tâm tới chuyện khác. Sao anh ấy lại viết như vậy? Nếu quả là thực lòng phê bình thì trình độ thẩm thơ xoàng, nếu mượn cớ để hạ tác giả thì nhân cách xoàng. Nàng thấy tức mình. Vì cái gì? Và với ai? Chính nàng cũng khó nói rõ.
-Hử! -Nàng chỉ hơi đảo mắt phớt qua trang báo.
-Anh sẽ viết gửi toà soạn làm cho ra nhẽ. Phải cho tên Vọng Khê dỏm lòi mặt ra. Nó bôi xấu cái bút hiệu của người ta.
-Không phải thơ anh à? –Nàng những tưởng chàng phản ứng người viết bài phê bình.
-Anh đâu có làm thơ dớ dẩn thế.
-Thôi đi! Thế mà tôi cứ tưởng... Tôi đã mừng cho anh.
-Em chưa đọc bài chê bai của Võ Trí phải không?
Nàng nín thinh. Y làm khó cho nàng, cái anh Võ Trí này!
Hôm sau, nàng tức tốc đi thủ đô.
“Tất nhiên là anh biết chẳng phải thơ chồng em làm. Thơ anh ta thì hơi đâu mà choảng”.
“Anh làm như thế để làm gì? Người ta bảo một tờ báo thiếu tự trọng mới đăng một bài như vậy. Khó xử cho cả em”
“Em yên tâm đi! Choảng chẳng phải bao giờ cũng gây hại. Có cái “choảng” để vùi xuống đất đen cho bõ tức chẳng hạn, nhưng cũng có cái lại “phong thánh” cơ đấy. Em cứ chờ xem!”
Tuần sau, báo Văn Chương đăng một bài có hơi hướng luận chiến: “Không đề” của Vọng Khê -một bài thơ đáng gọi là một tác phẩm. Tên người viết lạ hoắc, nhưng bài viết thì gây sự chú ý lớn. Bài báo gián tiếp bác bỏ những lời chê bai của Võ Trí một cách điềm đạm mà có sức thuyết phục. Và chắc không ít nhà thơ cảm thông với câu kết này: “Trong tình hình lạm phát thơ hiện nay, ‘Không đề’ của Vọng Khê nhen lại uy tín cho thơ”.
Bài báo khiến cả nàng, cả chàng phân vân. Song, mỗi người phân vân theo hướng riêng. Có điều chàng không còn nghĩ đến chuyện kiện kẻ dám đội tên mình.
Bài báo này và nhất là bài của Võ Trí làm dấy lên một cao trào phê bình văn học. Xoay quanh bài thơ Không đề rồi mở rộng ra những vấn đề thơ bức xúc: chất lượng thơ đương đại, đổi mới thơ,... Không chỉ trên các tờ báo chuyên văn chương, mà choán trang văn nghệ của hầu hết các báo lớn, nhỏ. Những cây bút lí luận sắp mốc ra được dịp múa lên. Những cây bút chuyên “ăn theo” được dịp tán dương hoặc chê bai “tháo khoán”. Cái ao lặng được phen khuấy động.
Tờ Văn chương có lệ trao giải hằng năm cho tác phẩm xuất sắc nhất thuộc từng thể loại đăng tải trên báo đó. Toà soạn phát hai nghìn phiếu trưng cầu ý kiến bạn đọc và các nhà sáng tác, phê bình có uy tín. Và Không đề của Vọng Khê đã được chọn cho thể loại thơ.
Bạn bè chúc mừng chàng, chàng cười mủm mỉm, lúc lắc đầu, không ra gật, chẳng ra lắc, có cái dạng rất ư khiêm tốn, khá xa lạ với phong thái chàng. Ai vòi khao, chàng cười dễ dãi: “Khao thì... có gì đáng khao đâu. Nhưng chầu bia để chống sầu thì xong ngay”.
Cuộc họp mặt đầu xuân để trao giải tại toà soạn báo Văn Chương lần ấy vắng mặt tác giả bài thơ được thưởng.
Hà Nội đang vào những ngày đẹp nhất trong năm. Nàng xuống xe xăm xăm lần đến cái ngõ nhỏ khá thân thuộc gần hồ Tây. Trước khi gọi cửa ngôi nhà xinh xinh ấy, nàng linh cảm một cái gì không bình thường. Một người đàn bà trẻ lạ mặt mở cửa.
“Ông Trí không còn ở đây nữa./ Vâng, ông ấy đã bán nhà cho chúng tôi./ Ông ấy đi đâu thì tôi không được biết./ Chị là...?/ Chị ở...?/ Thế thì chị có thư đây. Ông Trí dặn trao tận tay chị. Ông ấy bảo nhất định chị sẽ đến”.
Nàng cầm bì thư liếc qua, cảm ơn rồi đi ngay. Bước chân nàng vội vã và không đều, như là bất định. Hụt hẫng? Không hẳn! Bâng khuâng? Có lẽ. Đứng đây có thể bóc thư được rồi.
Mỉu thương,
Anh đi đây. Có những trường hợp mà sự chia tay chẳng bao giờ là quá sớm.
Thơ và tình yêu đều lắm ảo vọng như ý hướng cuộc đời. Tìm - Lỗi duyên – Buông xuôi, hoặc tìm nữa. Anh chẳng đem lại gì cho em.Cái chính là em tìm ở chính mình.
Người ta có thể sống rất “đời”, nghĩ suy thường ngày rất “trần” mà văn chương lại muốn “siêu”. Siêu đời thường và siêu tâm linh. Từng có lúc anh muốn tụng “siêu em”. Quả là lố, khi đã đón nhận em rất thực.
Anh ít làm thơ, em hẳn đã biết, càng ít làm thơ đăng báo. “Không đề”, một lời gửi gắm? Một thứ suy ngẫm? Một lối phản tỉnh? Sao cũng được. Hãy coi đó là món quà tặng em, -và tặng V.K.
Vĩnh biệt. - V.T.
Không đề thì cũng không đề.
Lá thư không trọn
Xuất xứ của truyện ngắn MÂY NÚI SAPA
(Viết khi đến Sa Pa lần đầu, hè 1961)
Có lẽ, mà chắc chắn là thế, chẳng bao giờ em được đọc những dòng này, bởi một lẽ giản đơn là lá thư sẽ không được gửi đi, cũng như bao điều anh hằng giữ mà không nói với em. Để cho em yên lòng mà đi xa, mà bay xa… Tuy vậy, anh cứ viết. Mai sau, có bao giờ anh còn gặp lại những cảm xúc hôm nay? Anh sẽ giữ lại một kỉ niệm cho mai sau, kỉ niệm về mối tình em đã dành cho anh, lặng lẽ mà mạnh dạn, kín đáo mà bồng bột, êm đềm và e lệ. Trong tình yêu, cả trong cuộc đời, anh là kẻ vừa cao kì, vừa khờ khạo lẫn ngu ngơ. Mà em thì thơ ngây như một giấc mơ tuổi nhỏ.
Đêm nay, anh đang ở xa em hơn năm trăm cây số và cách gần nghìn rưởi thước bề cao. Trời mát lạnh như vào sáng sớm cuối thu dưới xuôi. Gió nhẹ ve vuốt và gợi nhớ. Giờ này, ở nơi thành phố nồng nực và đầy bụi kia, có mộng đẹp nào ướp thơm giấc ngủ của em? Có lúc, anh bắc ghế ngồi nơi hành lang gác trọ nhìn lên đỉnh Phăng-xi-păng, điểm cao nhất trên Tổ quốc chúng ta. Những lớp mây trắng xốp như bông quây lấy cái đỉnh nhô mờ xanh; và từ dưới lòng thung khí núi bốc lên nhẹ nhõm từ từ, rất từ từ hầu như không xê dịch, màu trắng trinh bạch lửng lơ trên nền xanh của cây núi và da trời, cuối cùng như đều đọng lại ở chỏm núi tột cùng kia, để lại từng dải dài mây trắng ven sườn núi. Màn mây trắng nhẹ tưởng như sờ đến là tan, đứng trong đó người ta chỉ thấy mờ mờ sương khói. Anh chợt có một sự liên tưởng khá buồn cười: dường như con đường đi đến tình yêu cũng mơ hồ, nhiều khi không tự thấy; và những vệt mây lưu lại rõ hình lên từ xa kia chính là hình ảnh những vết kỉ niệm đượm lên khi nhìn lại từ mai sau, bất biến mà xao động. Nhưng còn đỉnh? Anh đã không hướng em lên đỉnh vì chính anh không định được hướng, phải vậy không? Vì sao nhỉ? Anh không muốn tìm câu giải đáp lúc này. Mà tìm để làm chi!
Cạnh phòng anh trọ có một cặp vợ chồng mới cưới. Hưởng tuần trăng mật nơi này là một sự lựa chọn không xoàng. Hạnh phúc của họ có thể nhìn thấy qua vẻ dè dặt của người chồng và trong dáng dịu dàng pha chút e thẹn của người vợ. Con đường đưa họ đến đây ra sao? Anh thử hình dung ra em và anh… mà chỉ nhoà nhòa nhân ảnh.
Mấy hôm nay, anh sống thanh thản; nhưng sao chỉ mới bốn ngày mà đã cảm thấy lâu thế vậy? Ở một nơi như thế này! Hồi chiều cùng một người mới quen đi dạo loanh quanh, qua một vách đá bên đường anh bạn khắc tên mình lưu niệm. Anh chỉ đứng nhìn mà như đọc thấy dòng tên em cạnh tên anh trên những nét 7/7/ 1961 mà anh ta vừa vạch hằn vào đá. Là kỉ niệm thì như thế đã đủ rồi, phải không em? Vách đá không thể giữ những gì mà lòng người ta có thể giữ.
Ngày mai anh sẽ giã từ nơi đây, một chút lưu luyến, - lần đầu tiên được thưởng thức cái mát lạnh mang màu ôn đới, song không có gì ràng rịt. Lúc này, ngồi đây anh cảm thấy đang được tắm trong cái khí vị thanh tân của khí trời, của mây núi, của cỏ cây, cả của những quả đào mà cũng là lần đầu anh được nếm. Rồi đây, lên Hà Nội bù đầu trong mấy tháng rực nắng hè theo lệnh điều động, cái khí vị này sẽ như một thứ trạm nhớ thỉnh thoảng ghé về. Hoài niệm, nói đúng hơn là hoài vương, chẳng phải bao giờ cũng là yếu mềm. Anh sẽ không hoài vương cái ngày em đi xa…
(Bức thư không viết xong)
Nhị đào
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Chú muốn moi chuyện để viết truyện ngắn dự thi về "mối tình đầu" chứ gì. Đúng không, chú nhà viết? Chú chẳng thích được gọi là "nhà văn" thì tôi gọi là "nhà viết" vậy. Được!Nhưng tôi giao hẹn trước: không được nói là chuyện của tôi. Điều này nữa: đây đã kể là mối tình đầu của tôi chưa thì... Sau này, bà vợ tôi cứ truy vặn mãi, thật ra chủ yếu lại là vì lẽ khác.
Ngày ấy, tôi trọ học tại Hà Nội. Đã lớn ngồng lên rồi mà chửa biết yêu đương gì đâu. Nói cho đúng thì thấy gái đẹp cũng đã biết nghé mắt nhòm, song tơ tưởng thì chưa. ở quê tôi, con gái cũng xinh ra phết, con gái Hà Nội lại là chuyện khác...
Nói ở trọ, thật ra là ở nhờ. Chủ nhà làm công chức cho Pháp, bà vợ bán hàng. Một cậu bạn học của tôi, bà con với ông chủ, xin cho tôi cùng ở lấy vui. Nhà có cô con gái nhớn kém tôi một tuổi. Cô có bằng tiểu học. Ngày ấy, đỗ tiểu học đã có thể đọc sách báo tiếng Pháp tàm tạm. ở nông thôn thì con gái học như vậy bói khó ra. Cô thôi học ở nhà giúp mẹ và học các nữ công, gia chánh. Cô có vẻ đẹp nền nã, thuỳ mị. Cô là em họ bạn tôi. Cô gọi tôi là "cậu", không phải cậu em đâu. Ngày trước, các trai trẻ có học ít nhiều hoặc con nhà đều được mọi người gọi bằng "cậu". Người ta bảo "nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò", song tôi và cậu bạn vào loại "ngoan", nghĩa là có tếu nhưng không quá đà. Anh bạn tôi đã có vợ. Hắn là con phó tổng, lấy con chánh tổng, quá là "môn đăng hộ đối". Hắn bảo vợ hắn chỉ "sạch nước cản", hắn có ưng thì mới được tiếp tục đi học. Hắn nói lấy vợ quê được cái yên tâm, "nhưng nếu khất các cụ được thì đừng rước một mụ sớm như tao". Hắn học hơi chậm, được cái chăm, không tiêu vung tiền cha mẹ, tôi không bị hư lây. Buổi tối, hai chúng tôi ngồi học, nàng thường ngồi đan gần đó. Có những khi tôi gặp nàng ngước nhìn tôi, ánh mắt là lạ. Cha tôi đã răn tôi là không được lấy người thành thị. "Nhà ta chân quê, rước một cô ăn trắng mặc trơn, ra guốc vào dép về thì nó xoay sở ra sao!". Mẹ tôi diễn giải các nghiêm lệnh của cha tôi cho tôi thấm. Cũng khớp với lời thằng bạn! Tôi đành lảng ánh nhìn ấy, làm như chẳng biết gì. Tôi thì chẳng phải khổ công để cho ra vai khờ. Nàng thường quan tâm đến tôi, một lối quan tâm kín đáo, ý nhị, rất "nữ tính Việt Nam". Tôi mà về học muộn, nàng hay tạo cớ để ăn cơm sau hoặc ủ ấm cơm cho tôi. Có lần, tôi học mệt gục xuống ngủ thiếp đi. Trời se lạnh, tôi bỗng cảm thấy lòng bàn tay mình đặt trên bàn ấm nóng, mở mắt ra: một tách trà còn vương khói.
Một hôm, cậu bạn rủ tôi cùng nàng ra nhà Gô-đa, cửa hàng bách hoá lớn nhất Hà Nội, rồi tiện chân đi dạo quanh hồ Gươm. Anh bạn nhẹn chân đi vượt lên. Tôi thả bước cạnh nàng. Hai chúng tôi dừng cạnh gốc liễu. Nàng vuốt một nhành liễu, chợt thở dài:
- Có lẽ rồi đây tôi sẽ chẳng bao giờ thấy hồ Gươm nữa.
- Sao vậy? - Tôi ngớ ra.
Nàng đăm đăm nhìn tôi:
- Người ta muốn cưới tôi cho..., cậu không biết sao?
Nàng ngầm đặt tôi trước một câu hỏi mà tôi không muốn nghĩ tới, và tự tôi không thể trả lời. Tôi đáp một câu rất chi là ngố:
- Trung du phong cảnh hữu tình, không khí thoáng đãng, lại sẵn hoa trái, về đấy...
- Cậu mà cũng nói vậy à? - Tôi đang thao thao để che sự bối rối thì nàng ngắt lời rồi quay ngoắt bỏ đi.
Tôi đứng trân, chưng hửng. Cậu bạn đi tới:
- Chọc giận gì nàng đấy?
Nghe tôi lúng búng thuật lại các câu trao đổi giữa tôi và nàng, hắn phá lên cười:
- Cậu học giỏi mà xử sự thì thộn nơi là thộn!
Nhưng rồi hắn ngừng cười, hắn biết cảnh ngộ của tôi. Cả hắn cả tôi đều không quan niệm "yêu chỉ để mà yêu".
Đêm đó, tôi nằm thao thức, không dám tự hỏi lòng mình mà nghĩ tới cảnh ngộ nàng. Tôi không thấy có gì bi kịch, nhưng nếu tôi hỏi cưới nàng... Cuối tuần, tôi về quê ngỏ lời với mẹ tôi. Bà bàn với cha tôi. Ông nghiêm nghị phán: "Nó còn phải lấy cho được cái đíp-lôm". Trở lại nhà trọ, tôi cố tránh để không phải đối mặt với câu hỏi ủ trong mắt nàng. ít lâu sau, nhân lúc chỉ có hai đứa, nàng lại bảo tôi: "Bà mối đang thúc cha mẹ tôi đấy". Anh mắt nàng vừa tha thiết, vừa bồn chồn. Tôi ậm ừ, tỏ ra thộn hơn bao giờ hết.
Thế rồi cuộc hôn phối giữa nàng và người kia được định đoạt. Nàng vốn là người trầm lặng, vui buồn ít lộ ra nét mặt, chẳng ai rõ tâm trạng thực của nàng ra sao. Một lúc nào đấy, nàng tỏ ý chưa muốn lấy chồng. Cha mẹ nàng giảng giải, nàng im. Chẳng làm mình, làm mẩy, chẳng hề có nước mắt công khai. Có thể nàng tin vào số mệnh. Nàng đã toan tìm cửa ra cho số mệnh mình. Và hẳn nàng đã định trao chìa khoá cửa vào tay tôi mà tôi không biết, không muốn, không dám cầm. Nàng vẫn lặng lẽ may vá, thêu thùa. Chắc nàng cũng phải chuẩn bị áo xống cô dâu ngoài những thứ nhà trai mang tới theo tục lệ. Gần ngày cưới, nàng đưa cho ông anh họ và tôi, mỗi người một cái áo đoạn "để dự đám cưới tôi". Với tôi nàng còn trao riêng một cái áo len tự tay nàng đan.
Đám cưới rất to; xác pháo ngập vỉa hè trước nhà gái và đỏ rực sân nhà trai; có ôtô rước dâu, chuyện rất hiếm thời ấy. Nhà trai đến xin dâu, bấy giờ chúng tôi mới tường chú rể. Một anh chàng nhỏ con, thấp hơn cô dâu một chút, mặc áo gấm, nhưng mang giầy tây, đi hơi cà nhắc - về sau mới biết là tại đôi giầy. Trong con mắt tôi, anh ta chẳng có dáng vẻ gì, không xứng với nàng.
Chú hỏi tôi lúc ấy có buồn không ư? Không rõ đâu. Hình như có chút bâng khuâng, có lẽ tiêng tiếc nữa chăng! Có phần chắc là tôi rất thương nàng, cám cảnh cho nàng...
Giờ đưa dâu định vào giờ Ngọ. Nàng xin được ngồi trong phòng riêng một lát. Một lúc lâu chẳng thấy nàng ra. Em gái nàng gọi mãi, cửa mới hé cho vào. Nàng tỏ ra bình thản, song cô em thấy má chị mình bị hoen. Nàng dùng dằng mãi mới lên xe hoa. Tôi đi trong đoàn đưa dâu, lọt thỏm vào giữa cái không khí hồ hởi, phô trương, nghĩ tội nàng, cũng tội cho mình. Giá mà... Gian phòng ấm cúng chúng tôi ngồi học từ nay sẽ thiếu bóng dáng nàng.
Đám rước dâu đến quá trễ so với dự kiến. Bên nhà trai đã rất sốt ruột. Bà mẹ chồng định bảo người ra truyền lời cho cô dâu "chờ chút, được giờ tốt hãy nhập gia". Chẳng cần đến ai xui, bằng linh cảm người mẹ, linh cảm người đàn bà, bà biết "nó" chê con mình. Bắt chực ngoài cửa mới biết thân. "Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy dâu từ thuở bơ vơ mới về". Nếu bà ta thực hiện dư định kia thì chắc chắn nàng sẽ cởi bỏ trang phục cô dâu quay trở lại nhà mẹ đẻ lập tức. Tôi biết tính nàng, dịu hiền đấy, song cũng quyết liệt đấy. Nàng phục tùng lễ giáo "hôn nhân do cha mẹ sắp đặt", nhưng nếu người ta vượt quá cái ngưỡng quyền lực lễ giáo thì nàng sẽ không cam chịu nữa. May thay! Họ nhà trai có mấy người tinh ý và biết điều.
Làm lễ tơ hồng xong, nàng vào buồng cài chặt then cửa. Thật ra thì chú rể chưa hẳn đã dám "xông" vào ngay tối tân hôn; thời xưa là vậy,có đâu hăm hở quá như bây giờ. Ngày hôm sau, nhà chồng dự định cô dâu về lại mặt (nhị hỉ) xong, cả nhà sẽ về luôn Phú Thọ. Nàng xin được nán lại nhà cha mẹ đẻ một tối, sáng mai sẽ ngược cùng số hàng hoá mà cửa hiệu trên đó đang cần.
Tôi ngồi thu mình trong bóng đêm, cảm thấy trong người mình có cái gì vừa vỡ ra. Mé giường phía trong, thằng bạn vẫn ngủ yên. Hôm sau nàng ra đi sớm.
Có thể có ai đó cho tôi là ngốc. Hoặc giả có người cho là tôi đã phụ nàng, để hoài cái thiện ý của nàng. Nhưng nào tôi đã phải là "người tình chung" của nàng. Có vẻ như tôi "phong kiến” hơn, hoặc đụt hơn anh chàng Kim Trọng cách mấy trăm năm trước. Thật tình, có thể là tôi sợ; có thể là tôi tôn trọng nàng. Chú có tin không? Bà vợ tôi, cho tới tận bây giờ, vẫn không chịu tin. Sắp lấy nhau, tôi đã bộc bạch hết với bà ấy. Bà bậm môi rồi hạ một câu: "Nằm với nhau đêm khuya mà chịu chay! Có mà mèo chê mỡ!" Bà "lạnh mặt" suốt tháng trời, tôi suýt bị ra rìa. Bây giờ già rồi, và vẫn không tha cho tôi cái "nghi án" kia, lại còn qui tội "không quên được người ta". Từ bấy, tôi có liên hệ gì với nàng đâu. Dẫu cả hai đều ở Việt Bắc, đều tham gia kháng chiến. (Chồng nàng cũng làm to to đấy). Giải phóng thủ đô, tôi có gặp em nàng, "chị ấy bây giờ vẫn đẹp" - cô ta báo tin, nhưng không cho địa chỉ nhà nàng mà tôi cũng không hỏi. Cô ta cứ gọi tôi bằng "ông" hoài, tự nhiên tôi cảm thấy chán. Thôi thì mỗi người một phận.
Chú cứ muốn tôi nói hẳn ra có phải là mối tình đầu không ư. Với nàng, đúng là mối tình đầu. Với tôi, biết nói sao đây! Dường như trước khi nàng lấy chồng, tôi chỉ mới mến nàng. Nhưng sau đó, một thời gian dài, tôi không quên nàng. Khi đến với người tôi sẽ lấy làm vợ, tôi nghĩ nhiều đến nàng. Chú bảo đó chỉ là sự tiếc rẻ thôi à? Chú cho là giá Kim Trọng được hưởng "ân huệ tối hậu" của Thúy Kiều rồi thì hẳn chẳng còn tơ tưởng suốt mười lăm năm nàng Kiều lưu lạc phải không? Chú nghĩ như vậy thật lòng chứ? Thôi! Anh đi đi! Anh chẳng hiểu gì về tình yêu đâu. Vậy mà đòi viết mối tình đầu với mối tình cuối. Đi đi! Và đừng có viết chuyện tôi vừa kể. Khéo rồi lại thêm thắt, hư cấu bậy bạ.
Tôi không thêm thắt, vậy tôi cứ viết. Ông bạn vong niên xá cho nhé! Chỉ là một dạng chuyện cổ tích thôi mà.
Hải Phòng, 11/1999
Khải Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...