Đà Lạt ơi những mùa sáng tác
Mặc dù Đà Lạt có cả bốn mùa xuân hạ thu đông
trong một ngày theo cách diễn đạt của thơ, nhưng “mùa sáng tác” của tôi thì vẻn
vẹn đúng mười lăm hôm tập trung về đây để sống với bạn bè, tác phẩm và những
bài viết còn chưa rõ “mặt mũi hình dong”, tạm bỏ hết mọi lo toan bận bịu đời
thường vốn luôn chờ đợi mình từ nơi gia đình xa lắc.
Đến với Đà Lạt như được gặp lại người thân,
đây cũng là lần thứ hai của tôi với mùa sáng tác nơi xứ sở gió lạnh sương mù mà
cũng phải mất đến mười năm. Mười năm trong hành trình cuộc sống với bao nhung
nhớ, đổi thay, sao dời vật đổi.
Người mà tôi nhận ra đầu tiên chính là anh
Dương Văn Thắng, Giám đốc Nhà sáng tác từng là “người cũ” nhưng đã có nhiều nét
đổi thay trên khuôn mặt. Nhà sáng tác thì vẫn “như xưa” nhưng bên cạnh còn có thêm
hai dãy nhà cao tầng khác tạo nên một quần thể mới “hùng mạnh” sừng sững góc trời.
Thành phố Đà Lạt trong tôi vẫn quen thuộc với
các con lộ dốc, những đồi thông muôn thuở, nhưng nay đã rất khác, bởi còn nhiều
kiến trúc mới đa dạng chen chúc, các con đường nhựa rộng rãi quanh co, thung
lũng chi chít nhà cửa mọc lên tự lúc nào và những ngôi biệt thự cổ ngự trị bên
đường cũng đã đưa vào khai thác…
Thời tiết những ngày hạ tuần tháng mười ở Đà
Lạt khá thuận lợi, thỉnh thoảng có vài cơn mưa “trắng trời” nhưng mau tạnh để
cho du khách tha hồ đến với chợ Hòa Bình, chợ Âm Phủ, đến với nhiều thắng cảnh
khắp nơi.
Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang trước nhà sáng tác Đà Lạt
Mười bốn văn nghệ sĩ Tiền Giang dự trại,
ngoài việc tập trung sáng tác cũng không bỏ lỡ dịp “đua chen với đời” khi cùng
tham quan chợ Hòa Bình, thác Cam Ly, khám phá thác Voi, xem dệt lụa tơ tằm, viếng
chùa Linh Phong, hồ Tuyền Lâm, vào đường hầm điêu khắc v.v... Những nghệ sĩ nhiếp
ảnh còn phải nhọc nhằn hơn khi thức khuya, dậy sớm săn ảnh xa gần bất kể mệt nhọc
trong niềm vui thỏa thích.
Đà Lạt vốn là thành phố của hiện đại lẫn quá
khứ, của nét đẹp tiềm ẩn, của ngàn hoa vương vãi hào phóng đến cả lối đi, bờ
rào, triền dốc. Nhưng cư dân có cuộc sống lặng lẽ, thường ẩn mình sau bao cánh
cổng, cửa nhà khép kín để lại quãng đường dài lộ dốc, thách thức khách bước đi
trong cảm giác cô đơn lạc lõng, chợt khát khao quá một sự nồng ấm của niềm vui
“gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng”…
Nhưng hãy còn đó một Đà Lạt khác, khi có lần
nhà thơ Đặng Thanh Liễu ra tay giúp đoàn thăm viếng văn nghệ sĩ địa phương. Buổi
họp mặt với một rổ đậu phộng hay chén trà tiếp khách, vậy mà khoảng không gian
be bé của ngôi nhà đã dạt dào nguồn văn, tứ thơ rộn rã, bởi lẽ “chúng ta rồi lại
gặp nhau” trong niềm hân hoan bất tận.
Đà Lạt cũng còn là của tình bạn, tình người
thân thiết, vừa gặp mặt đã quen, một nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã nhiều duyên nợ với
đoàn, một MPK say mê nghệ thuật nhiếp ảnh, anh Ngọc Thu của Đài Truyền hình,
nhà thơ nữ Đặng Thanh Liễu, nhà thơ Phạm Quốc Ca và còn nhiều, nhiều nữa các
tên tuổi hay mối quan hệ địa phương mà người trong đoàn cứ luôn bận rộn.
Cũng không thể quên Đà Lạt cũng là nơi hút
khách về nhiều phương diện khác trong đó có cả món ăn “chè hé”, sữa đậu nành,
cà phê sữa nóng, sữa chua phô mai, bắp nướng, hồng tươi, hồng giòn... là những
mặt hàng người trong đoàn không thể bỏ qua.
Mỗi buổi sáng dậy sớm mặc áo ấm tập thể dục
đi bộ trên đường, uống chút cà phê sữa nóng ngoài quán, đúng bảy giờ trở về với
bữa điểm tâm, buổi ăn trưa từ mười một giờ và buổi chiều lúc mười bảy giờ là
sinh hoạt thường nhật. Nhà sáng tác đã luôn chu đáo, tiếp đãi ân cần, phòng ốc
lịch sự, trách sao chẳng phải đó cũng là một trong những lý do của mình sau nhiều
năm chờ đợi.
Nhưng rồi thời gian lặng lẽ như mũi tên xuyên
thẳng đột ngột vào tim mình. Hai tuần nhập trại biến mất tự lúc nào. Bây giờ phải
đối diện với giã từ trong nguồn cảm xúc bâng khuâng.
Ơi! Đà Lạt. Ơi! Những mùa sáng tác của tôi.
Có quá trễ chăng để giã từ khi Đà Lạt đã trở
thành thân thương quá đỗi.
Đâu còn những ngày lang thang trên con dốc vắng
với những đóa dã quỳ âm thầm khoe sắc. Hết rồi những bước chân trong gió lạnh đầu
hôm, bên hồ Xuân Hương lặng lẽ. Tình bạn, tình người dù là trên phố tay bắt mặt
mừng hay nơi quán cà phê bé nhỏ cũng để trong lòng mình xôn xao nỗi nhớ.
Hãy còn bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn nữa cùng
được chất chứa
trên chuyến xe trở về đã “đầy căng hàng hóa”.
Chuyến đi đã thành công mà quan trọng hơn khi
với hai tuần bên nhau cùng sáng tác, mười lăm thành viên trong đoàn cũng đã kịp
chín muồi một tình bạn, tình thân khắng khít mà điều đó thực sự đâu dễ có được
giữa cuộc sống đời thường.
Lê Tư
Nguồn Văn nghệ Tiền Giang số 65
hãng vé máy bay eva
cách mua vé máy bay đi mỹ
phong ve korean air
book vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich