Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Sa Pa, nhìn theo chiều ngược lại

Sa Pa, nhìn theo chiều ngược lại
Cách đây hơn trăm năm, mùa Đông năm 1903, tại giao điểm của 22 độ 22’ vĩ độ Bắc và 103 độ 51’ kinh độ Đông, ở độ cao 1.500 m, người ta đã phát hiện ra một chốn tiên cảnh, với trập trùng núi non, suối thác, ẩn hiện giữa rừng rậm sương mờ. Nơi đây khí hậu ôn hòa, một ngày là cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, là đất quần cư của nhiều đân tộc thiểu số với biết bao phong tục tập quán đặc sắc và độc đáo. Vùng đất ấy buổi đó thuộc cao nguyên Lồ Suối Tủng, thuộc trại Ngòi Bo, sau là tổng Hướng Vinh, châu Thuỷ Vĩ, tỉnh Hưng Hóa, dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ… Ngay lập tức, những người Pháp ở Việt Nam khi ấy đã nhận ra nơi đây tiềm ẩn một khu nghỉ mát lý tưởng, và họ đã chọn khu vực bản Sa Pả (tiếng Quan thoại, “Sa” là “bãi”, “Pả” là “cát”), một nơi có địa thế tương đối thuận lợi, để xây dựng những công trình hạ tầng cơ sở như đường sá, trạm điện, nhà cửa... Thế rồi từ đó, vóc dáng của một thị trấn du lịch có tên gọi Sa Pa dần dần được hình thành giữa màu xanh trầm mặc của núi rừng… Cao trạm Sa Pa ngày ấy cũng chính là tiền thân của thị trấn du lịch Sa Pa, một “điểm nhấn” quan trọng của tỉnh Lào Cai hôm nay…
Sa Pa, Thành phố trong sương
Ảnh Internet
Nói đến Lào Cai mà lại bắt đầu từ Sa Pa không phải là không có lý do của nó. Mà cũng chẳng phải đợi đến tận hôm nay, sau bao nhiêu cặm cụi chảy trôi biền biệt của thời gian, sau bao nhiêu biến cải thăng trầm hợp tan được mất của thế thời, khi tất cả những gì trầm tích lại của lẽ đời, và tất cả những gì lắng gạn lại của lòng người đều đã trở thành những bình yên, thanh thản và bền chắc, thì trong tôi vẫn chưa bao giờ thiếu vắng đi cái cảm giác rưng rưng ngơ ngác đến rũ mềm của ngày đầu khi đến với mảnh đất miền biên viễn này… Ngày ấy, đón tôi ở bến xe Thị xã (Lào Cai) sau cả một ngày vật vã vượt qua chặng đường gần 400 km từ Hà Nội lên đây, em, với nụ cười mát rượi như nước suối đầu nguồn, và ánh mắt vời vợi như đỉnh núi sau mây, nói trong tiếng gió: - “Bây giờ anh đến, Lào Cai đã khác xưa lắm rồi. Tất cả mới vừa xây dựng lại nên mới được như thế này, chứ Lào Cai xưa nhỏ lắm, nhỏ như một bàn tay… nhưng đã bị san bằng từ đầu năm 1979…”
Nghe em nói đến một bàn tay, rồi xòe ra một bàn tay nhỏ xiu, trắng xóa như để minh họa cho sự ví von đầy âu yếm của mình, tôi bỗng thấy tay mình như vừa thừa ra trống trải, còn bên tai thì văng vẳng câu thơ của một người bạn thuở còn trẻ trung và khát bỏng yêu thương đã viết thế này: “Thị xã nhỏ như bàn tay con gái /Chiều xưa vuốt tóc kiêu kỳ...”. Ấy là hắn viết về thị xã Quảng Trị, nơi đã vun vén bao bọc cho mối tình đầu khờ dại và đầy đam mê của hắn. Cái thị xã miền Trung thật nhỏ, vuông vắn, ngăn nắp, mỗi chiều chỉ khoảng chừng 1,5 cây số, đạp xe chưa tàn một điếu thuốc là hết ấy, vậy mà lại có gì đó giống như thị xã Lào Cai này của em ngày đó?... Ừ, có lẽ đúng vậy. Cũng là nhỏ bé dặt dìu bên một dòng sông lau lách, nhưng đầy ăm ắp những hoài niệm trong trẻo, dịu dàng, và chất chứa bao khát khao dè dặt… Rồi nữa, cũng từng là những tang tóc đau thương vụn vỡ đã thành quá vãng, để đến hôm nay trong lừng lững mây trời vẫn thảng những chạnh lòng ngơ ngác bâng khuâng…
Và tôi hiểu lý do em muốn tôi đến với Lào Cai ngày ấy, chính là từ những thứ của hôm qua còn lưu lại như những hạt cát nhỏ nhoi còn nấn níu nơi kẽ tay đầy nuối tiếc, chứ chưa hẳn đã là những gì đang có hôm nay…
Ấy là chuyện của những năm cách nay đã hơn 2 thập kỷ. Thế nhưng rồi từ chuyến đi đó, sau này mỗi lần có dịp trở lại Lào Cai, kể cả những lúc có em và những lúc chỉ với riêng mình, lần nào cũng vậy, cái cảm giác của người đi tìm hoài niệm luôn ám ảnh tôi mỗi khi thong dong thả hồn vào những bình yên thư thái. Những lúc ấy, tôi như đang sống trong một chiều ngược lại của cả không gian và thời gian, giống như trong những thước phim cận cảnh, quay chậm rãi, về một thuở nào xa lắc...
Cho đến cả lần này…
Nói đến Lào Cai là nói đến cái mốc ngày 01/10/1991, ngày tỉnh Lào Cai được tái lập lại, đến nay vừa đúng 25 năm. Một phần tư thế kỷ giữ gìn, xây dựng và trưởng thành, với một ý chí và nghị lực vươn lên của những con người lòng đầy khao khát dấn thân, còn trái tim thì hừng hực một tinh thần mã thượng; với vị thế cùng những tiềm năng dồi dào của một tỉnh địa đầu vừa được mở ra, và tất nhiên là với cả sự quan tâm ưu ái, vun vén của cả nước nữa, thì sự chuyển mình ào ạt của Lào Cai những năm qua là điều hoàn toàn dễ hiểu. Mà cũng phải thế. Nằm ở vị trí phên dậu của đất nước cũng giống như người sống ở ven sông, bên trên thì phải bắc cầu mà qua lại, nhưng bên dưới vẫn phải xây kè để tránh những lở bồi. Sự phương trưởng của Lào Cai bởi thế còn hàm nghĩa với sự vững chãi, bình an, cương thổ. Điều này thì ai cũng thấy. Hơn 20 năm trước là thấy bằng trực quan cùng những cảm nhận về sự nuối tiếc của một bàn tay, còn bây giờ thì bằng cả những chỉ số rạch ròi và khoáng đạt…
Lào Cai hôm nay được xem là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở khu vực miền núi phía Bắc. Với diện tích tự nhiên 6.384 km2, trong đó hơn 52% là rừng, trên 200 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; dân số gần 680 ngàn người, gồm 25 dân tộc anh em sinh sống với rất nhiều phong tục tập quán đặc sắc và những giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể vô giá. Không chỉ có thế, nơi đây còn rất nhiều những “điểm nhấn” khá thích đáng ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Về tự nhiên phải kể đến các địa danh Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Y Tý, Cao Sơn… với đặc trưng tiểu vùng khí hậu ôn đới và vùng núi cao, thích hợp cho việc du lịch nghỉ dưỡng vào mùa hè và phát triển các loại cây trái, rau màu, dược liệu quý… Có dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phansipan cao 3.143m, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là điều kiện thuận lợi và là thế mạnh cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch thể thao, mạo hiểm… Về mặt xã hội, Lào Cai với vị trí đầy ưu việt cùng hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật hoàn thiện, đồng bộ, mạng lưới đường giao thông thuận lợi, đa dạng, cùng với một cửa khẩu quốc tế mang tầm cỡ khu vực, không chỉ là cửa ngõ của Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Vân Nam và miền Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, mà còn là một trung tâm của hành lang kinh tế Bắc Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông… Ngoài ra ở tất cả các lĩnh vực khác, như đất đai, tài nguyên khoáng sản, lực lượng lao động, cơ sở công nghiệp… Lào Cai đều có những thế mạnh tiềm tàng giống như của hương hỏa được thừa kế từ tổ tiên, từ đất trời không thể bỏ qua… Tất cả những điều đó khiến cho Lào Cai hôm nay nghiễm nhiên trở thành một chiếc một cầu nối đắc địa trên trục kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh… trong cả một tầm nhìn, cả một cơ hội mênh mang, khoát hoạt… 
Một góc thành phố Lào Cai hôm nay
Ảnh Internet
Tất cả những nội dung này đã được đem ra “mổ xẻ” tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai lần thứ Nhất” vừa được UBND tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hồi đầu tháng 5 năm 2016 vừa rồi. Tất nhiên khi đã gọi là “mổ xẻ” thì có nghĩa là sẽ có cả những mặt tích cực và những mặt chưa tích cực. Song một cách khái quát, có thể hình dung Lào Cai hôm nay trong số các địa phương có môi trường đầu tư tốt nhất vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung… Nói vậy hoàn toàn không phải là một sự động viên “lấy được”, càng không phải một cách mời chào theo kiểu “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà thực sự là đã thông qua những thước đo, những chỉ số hết sức cụ thể và khoa học... Theo tổng hợp và đánh giá của Ngân hàng BIDV, với vai trò vừa là thành viên Ban tổ chức, vừa là đối tác đồng hành của Lào Cai từ nhiều năm qua, thì trong giai đoạn 2011-2015, Lào Cai luôn đứng trong top 5 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng cao nhất cả nước, trong đó có những chỉ tiêu rất tốt như cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp… Cùng với đó, Lào Cai còn được ghi nhận là địa phương có đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, quan tâm đồng hành cùng với doanh nghiệp… Tính đến năm 2015, toàn tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 507 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 67,8 nghìn tỷ đồng, và 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 505 triệu USD, kết quả cao nhất khu vực Tây Bắc…
Như vậy có thể nói, nếu coi môi trường đầu tư cũng là một thứ tài nguyên thì trong những năm qua, Lào Cai đã chăm chút cho nguồn tài nguyên này một cách hết sức thỏa đáng để đến hôm nay trở thành một thứ hàng hóa có giá trị…
Hơn 20 năm, cuộc sống như một tiếng thở dài với mỗi phận người, nhưng với một mảnh đất, với một miền quê thì chừng ấy thời gian cũng chỉ bằng chớp mắt. 20 năm qua, nước sông Hồng chảy từ quê em đến quê tôi, con sông Mẹ của cả vùng đồng bằng Bắc bộ, vẫn chưa một phút giây ngưng nghỉ như cả ngàn vạn năm nay vẫn thế. Dẫu có lúc cồn cào giận dữ hay ráo hoảnh dỗi hờn, thì ngày lại ngày vẫn tần tảo chở những phù sa về làm nên phương trưởng cho những bãi bờ. Cũng 20 năm ấy, đã bao lần tôi qua lại nơi này, đã từng rong ruổi miệt mài trên những cung đường Nậm Pung, Ngải Thầu, A Lù, Trịnh Tường… ven dãy núi Nhù Cù San cao vút quanh năm mây mù bao phủ để đến với vùng đất mù sương Y Tý. Đã qua đêm bên những bếp sưởi lửa bập bùng đặc quánh bồ hóng và thơm nồng hương rượu ngô của người Hà Nhì, nghe người già kể về những khu rừng cấm, rừng thiêng mang những cái tên hút hắt Gạc ma do, Mu thu do hay A gờ la do của cộng đồng, để từ đó hiểu được vì sao nguồn nước nơi này chảy mãi quanh năm không bao giờ cạn, để tận mắt chiêm ngưỡng những cánh rừng nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển từ bao đời vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, kỳ vĩ, huyền bí và luôn xanh ngắt suốt bốn mùa… Cũng đã từng hít căng lồng ngực cho toàn thân như tan vào sương mù mát rượi khi nghe hơi lạnh se sắt thấm đầm đìa vào da thịt trên cao nguyên Lùng Phìn trong những lễ cúng rừng linh thiêng mà chan hòa thân ái của người Phù Lá; rồi ngây ngất trong tiếng lá xạc xào kể chuyện hồng hoang trong những cánh rừng gỗ nghiến hàng ngàn năm tuổi ở Nà Pá, nơi mà mỗi gốc cây như chứa cả một linh hồn… Tôi cũng từng thơ thẩn đến mòn đêm trên những con đường cổ kính Sa Pa để rồi thảng thốt nhận ra cái khao khát nồng nàn da diết trong tiếng đàn môi réo rắt của những cô gái Mông lầm lụi, đang hòa vào với tiếng nhị dặt dìu đưa đẩy của những chàng trai ngang tàng để tạo nên một thứ hoà âm trầm từ chân suối cao tới tận sườn non trong những đêm “chợ tình”, để rồi không lâu sau đó, từng cặp, từng cặp dìu nhau mất hút cùng tiếng nhạc vào màn đêm dày đặc và se lạnh của vùng cao... Cứ thế đến một ngày họ thành đôi, thành lứa, rồi lên ông, lên bà... Tất cả những chắt chiu lắng đọng từ ngơ ngác đến thành tha thiết ấy, tất cả những lưu luyến góp gom đến thành hoài niệm ấy, vốn từng một thời nằm trong lòng bàn tay em. Không! Không phải chỉ là nằm trong lòng tay, mà chính là đã làm nên máu thịt ấy, tâm cam ấy, và cả những nghĩa tình ấy, rồi đến hôm nay trở thành một phần thao thức trong tôi… Những thứ đó có thể coi là tài nguyên, là tiền năng không nhỉ, ở đất này?...
Theo tôi là có.
Và nếu có thì người ta đã ứng xử với nó như thế nào?...
Ảnh Internet
Không lâu sau cái buổi đến Lào Cai lần đầu tiên ấy, tôi lại có cơ hội được tham gia một chuyến du khảo khá thú vị có tên gọi “Qua miền Tây Bắc”, bao gồm nhiều nhà báo, nhà khoa học, một số doanh nghiệp và nhà quản lý cùng tham gia. Chương trình có một cuộc hội thảo khoa học về các vấn đề liên quan đến văn hóa các dân tộc Tây Bắc, tổ chức tại Sa Pa. Tại cuộc hội thảo này, giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, một trong những nhà khoa học đầu ngành của ngành Dân tộc học khi ấy đã có bài tham luận khá tâm huyết và truyền cảm về người Mông và văn hóa Mông. Chẳng hiểu tình cảm của ông với người Mông khi ấy có liên quan gì đến quan điểm sau này, khi ông viết trong công trình nghiên cứu của mình: “Nhờ trí thông mình và sự cần mẫn tuyệt vời của một bộ phận cư dân Hmông, Dao, Hà Nhì, Nùng…, những nương rẫy trên rẻo cao đã biến thành những thửa ruộng cạn chờ mưa hay ruộng bậc thang…” hay không, nhưng buổi đó nghe ông nói, tôi như có cảm giác ông đang nâng niu người Mông bằng tất cả sự ưu ái và từng trải của mình…
Thế rồi cảm xúc ấy theo ông ra khỏi hội trường. Trên đường về, nhìn thấy một người phụ nữ Mông lưng đeo chiếc gùi chất đầy thổ cẩm, vừa đi vừa cặm cụi xe lanh bằng đôi bàn tay nhuốm chàm tím ngắt, ánh mắt thẫm dài thăm thẳm như chứa đầy cam chịu... Một hình ảnh sinh động như lời minh họa cho sự cần mẫn tuyệt vời của người phụ nữ Mông mà ông vừa nhắc đến, giáo sư đưa máy ảnh lên chụp. Thật bất ngờ, vừa chụp xong, người phụ nữ nọ như thay đổi hẳn, linh lợi, hoạt bát và dai dẳng bám chặt lấy ông để… đòi tiền làm mẫu, khiến vị giáo sư khả kính sững sờ. Mặt ông tái dần, tay run run, miệng lắp bắp như muốn nói điều gì mà không thốt nên lời… Đoạn ông lặng lẽ quay gót bỏ thẳng về phòng không nói thêm lời nào. Sớm hôm sau, nhìn gương mặt phờ phạc của ông, người ta đoán chắc cả đêm ông không ngủ. Từ đó đến cuối chuyến đi, ông trầm hẳn…
Không quá nhạy cảm như giáo sư Đặng Nghiêm Vạn để đến mức phải sốc trước sự ô nhiễm văn hóa vừa rồi, nhưng chắc chắn một điều sẽ rất nhiền người cảm thấy không hài lòng như gặp sạn trong miếng cơm trước những hình ảnh, những cách ứng xử tương tự như vậy ở nơi này… Chẳng biết tự bao giờ, và cũng chẳng biết do đâu, nhưng rồi cứ lặng lẽ như không cho đến một ngày tất cả những điều ấy buộc người ta phải chững lại và nhìn cuộc sống theo chiều ngược lại…
Con người, văn hóa bản địa và thiên nhiên vốn dĩ là một mối quan hệ gắn bó mật thiết. Cái chân lý muôn thuở ấy từ lâu đã quen thuộc đến trở thành đơn giản, đến nỗi người ta có thể mặc nhiên "quên bẵng" nó đi trong những suy nghĩ và ứng xử hàng ngày. Chính vì vậy mà cho tới hôm nay, có một nghịch lý đang tồn tại như một nguy cơ mà hầu như không mấy ai buồn nhận ra. Đó là hiện tượng các mô hình Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia, Du lịch sinh thái... đang được hình thành ngày càng nhiều ở hầu hết các tỉnh miến núi trên phạm vi cả nước. Thoạt nghe tưởng là điều đáng mừng, vì có vẻ gì đó như là thiên nhiên đang ngày càng được chăm lo, ưu ái… Nhưng liệu đã có ai nghĩ tới điều này chưa nhỉ, rằng khi những khu bảo tồn như vậy mở ra càng nhiều, thì cũng có nghĩa là rừng tự nhiên đang ngày một bé lại, đang ngày một nghèo đi… Cũng giống như khi những trang “sách đỏ” ngày càng dày thêm, thì cũng đồng nghĩa với việc càng có thêm nhiều loài thú đứng trước nguy cơ tuyệt chủng… Mối quan hệ giữa con người, văn hoá với thiên nhiên vì thế cũng đang dần có sự thay đổi. Chật chội hơn, căng thẳng hơn, khắt khe hơn, mà không phải giải pháp ứng xử nào cũng đem lại kết quả như mong muốn. Điều này lại càng trở nên gay gắt khi mục tiêu phát triển kinh tế đang dần trở thành những động lực bắt buộc của cuộc sống, mà câu chuyện về công trình cáp treo Phansipan - Sa Pa ở đây là một ví dụ hết sức đáng bàn…
Hệ thống cáp treo Phansipan - Sa Pa, công trình 
đã được công nhận 2 kỷ lục Guinness của thế giới
Ảnh Internet
Đến hôm nay thì công trình cáp treo Phansipan - Sa Pa do tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng đã đi vào khai thác và đang được coi là một “kỳ tích của trí tuệ Việt Nam”… Có gặp rồi mới thấy nói vậy hoàn toàn không phải quá lời, khi mà chỉ trong chưa đầy 1.000 ngày, và trong một hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của thiên nhiên, những người công nhân Việt Nam đã hoàn thành một công trình vĩ đại tầm cỡ thế giới, đạt liền một hai Kỷ lục Guiness… Vâng. Nếu như trước kia, Phansipan giống như một biểu tượng của sự linh thiêng và kỳ vĩ của thiên nhiên, quanh năm chập chờn mờ tỏ trong sương mù bảng lảng mà chỉ những ai thực sự có sức khỏe, có kỹ năng, và quan trọng hơn cả là thực sự mang trong lòng một nỗi khát khao cháy bỏng, mới dám nghĩ đến việc chinh phục, không chỉ đơn thuần là chinh phục thiên nhiên, mà còn là chiến thắng bản thân mình nữa… Nhưng từ khi có công trình này, con đường đặt chân lên nóc nhà Đông Dương bỗng trở nên quá ư dễ dàng đối với bất kỳ ai. Ngày ngày nhìn người ta nườm nượp “lên đỉnh”, không khỏi chạnh lòng nhớ lại ngày xưa…
Nói về công trình “kỳ tích” này, cho đến nay vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhìn về phía trước, với khát vọng đánh thức một vùng đất giàu tiềm năng như Sa Pa, đưa Sa Pa phát triển đúng với tầm của nó, thì đây quả là một dự án không gì hữu hiệu bằng… Song ở chiều ngược lại, với thiên nhiên, với môi trường, với người dân bản địa và với những giá trị nhân văn, thì người ta cũng thảng chút xa xót trước những cái so mình nhẫn nhịn của những cánh rừng đặc dụng với vô số những loại cây thuốc, cây gỗ quý hiếm, cùng những loài động vật đặc hữu, những khu rừng đỗ quyên, rừng trúc lùn và những cây tùng cổ thụ cả ngàn năm tuổi đẹp đến huyền ảo chỉ có ở nơi đây, trên đường mà hệ thống này đi qua… Dẫu biết cuộc đời là thế, được mất vốn ngược chiều mà cứ phai song hành, nên có lẽ ngay cả trong những toa cáp treo đang xuôi ngược trên trời kia, tâm tư cũng mỗi người mỗi khác. Chỉ có mây trắng vô tri là cứ ngang trời dửng dưng bay…
Một công trình tâm linh trong hệ thống cáp treo 
Phansipan đang được xây dựng - Ảnh Internet
Trở lại câu chuyện của “Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai lần thứ Nhất”. Mặc dù được đánh giá đang là tỉnh có môi trường đầu tư tốt nhất vùng Tây Bắc, cùng rất nhiều lợi thế, tiềm năng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Song nếu nhìn tổng thể cho cả một hành trình, thì ngay trong hội nghị này cũng không khó để nhận thấy “điểm rơi” của Lào Cai ngày hôm nay chưa hẳn đã là vị trí đắc địa nhất trên cái đồ thị hình Sin của sự thăng trầm. Nói vậy là bởi một cách khách quan nhất, và cũng là trách nhiện nhất, Người đồng hành BIDV của Lào Cai cũng đã không ngần ngại chỉ ra khá nhiều mặt được coi là “còn tồn tại và sẽ là thách thức” trong nỗ lực thu hút đầu tư hiện nay của Lào Cai. Đó là sự thiếu đồng bộ về công tác quản lý, liên quan đến tầm nhìn và năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đó cũng là hậu quả của quá trình “tăng trưởng nóng” những năm vừa qua, sau khi giúp Lào Cai nhanh chóng đạt được những thứ bậc cao trong bảng xếp hạng, thì giờ đã đến lúc chững lại và có chiều hướng sụt giảm. Cụ thể trên bảng xếp hạng PCI, Lào Cai đã tụt từ hạng 1 năm 2011 xuống hạng 5 năm 2015; trong đó một số chỉ tiêu sụt giảm mạnh như: gia nhập thị trường tụt 17 bậc, tiếp cận đất đai tụt 27 bậc, chi phí không chính thức tụt 44 bậc… Và quan trọng hơn nữa, ấy là sự phát triển theo một  hướng lâu nay đã tạo ra khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các khu vực trên cùng một địa bàn, và khơi sâu thêm khoảng cách vốn đã khó lấp đầy giữa hai khái niệm Tăng trưởng và Phát triển trong tư duy quản lý điều hành bấy lâu nay… Đây rõ ràng phải được xem như những cảnh báo nhãn tiền…
Sớm nhận ra vị thế, vai trò và tiềm năng của Lào Cai, với trách nhiệm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cộng đồng, ngay từ năm 2006, BIDV đã tham gia và trở thành đối tác trong chương trình “hợp tác đồng hành phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai” thông qua các chương trình hợp tác cụ thể cũng như những hoạt động an sinh xã hội thiết thực. Các hoạt động nói trên, qua thời gian đã không chỉ ngày càng khẳng định vai trò cầu nối cũng như thương hiệu của một định chế tài chính có quy mô hàng đầu cả nước, mà còn góp phần làn thay đổi tư duy phát triển của địa phương ở nhiều lĩnh vực, góp phần làm nên một diện mạo cũng như thứ hạng của Lào Cai hôm nay. Tuy nhiên, đó vẫn là cách nhìn thuận chiều. Tại Hội nghị này, trong cam kết về mối quan hệ hợp tác, đồng hành phát triển giai đoạn 2016-2020 của BIDV đối với Lào Cai, bên cạnh những nội dung về tín dụng và đầu tư tài chính thông thường, thấy có hai gói hỗ trợ không hoàn lại, mỗi gói 10 tỷ đồng để triển khai xây dựng các quy hoạc tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trẻ, học bổng phát triển cán bộ nông nghiệp trình độ cao của tỉnh; và một cam kết tài trợ 80 tỷ đồng cho an sinh xã hội ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở cho người nghèo và xây dựng nông thôn mới… Vẫn biết BIDV thường xuyên có sự hỗ trợ cho các hoạt động an sinh xã hội, song đây là những cam kết ít thấy tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư kiểu này. Liệu đây có thể xem như một cách nhìn theo chiều ngược lại, một cách ứng xử đi vào cơ bản hơn, gốc gác hơn ở nơi này?... Đó là nhìn đến con người và nhìn đến văn hóa, cái gốc của mọi sự, mà lâu nay người ta có lẽ đã vô tình bỏ qua trong cơn lốc chạy đua về một sự thăng hạng những năm vừa rồi…
Dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phansipan quanh năm 
mây phủ luông là một "điểm nhấn" của Sa Pa 
nói riêng và của Lào Cai nói chung - Ảnh Internet.
Lần đầu đến với Lào Cai, Sa Pa là điểm hẹn. Lần này cũng vậy, vẫn lại là Sa Pa. Nếu như trước kia, để góp phần làm nên một dòng chảy trong đời sống Sa Pa có những khoảng lặng đến lạ kỳ. Đó nhiều khi chỉ là một cụ già người Dao đỏ, mà những nếp nhăn trên mặt còn nhiều hơn cả số sợi nan đủ để đan một chiếc gùi, ngồi như một cội Sa-mu già, cặm cụi thêu một tấm hoa văn khiến cho người ta có cảm giác rằng cụ ngồi đó đã rất nhiều năm, từ thời Bàn Cổ, và sẽ còn ngồi đó cho đến lần sau, khi người ta quay trở lại... Đó cũng có thể là những thứ to lớn như những tảng đá mang trên mình nó bao dấu tích bí ẩn của người xưa nơi bãi đá cổ ở Tả Van, Hầu Thào, hay nhỏ bé như những hạt Amichelé thêu trên những tấm áo của thiếu nữ Xá Phó… rồi lắng sâu bên trong những lễ hội mang đậm màu sắc của tín ngưỡng bản địa, hay tỏ bày ngay giữa những bản làng bình dị, hay bảng lảng ngay trong những địa danh mà mới chỉ nghe tên cũng thấy ngút ngàn... Tất cả cứ điềm nhiên như thế, song đều như ẩn chứa chút gì đó làm nên một Sa Pa hùng vĩ giữa đất trời, đằm thắm giữa lòng người...
Người Dao đỏ ở Sa Pa - Ảnh Internet
Thế nhưng đến bây giờ, cả cuộc sống và cả con người, bao nhiêu vẫn còn đây, nhưng cũng có bao nhiêu đã thành quá vãng. Biết là chẳng thể nào khác được, vậy mà trong tôi lại một lần nữa ngơ ngác trong hoài niệm ngày nào. Xòe ra trước mắt một bàn tay côi cút chi chít những nốt chai loang lổ, rồi nhìn lên đỉnh Phansipan chập chờn ánh điện trong buổi hoàng hôn, tôi thầm gửi một lời nhắn về phía ngày xưa….
Lào Cai 5/2016
Hà Nội 6/2016
Lương Ngọc An
Nguồn Báo Văn nghệ số 26/2016
Theo http://baovannghe.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...