Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Biến mất rồi, những tiếng ru hời bên nôi

Biến mất rồi, những tiếng ru hời bên nôi...
Không chỉ dân tộc Việt, hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới từ xa xưa đều biết dỗ trẻ ngủ qua những câu hát ru. Những câu hát nhẹ nhàng, đơn giản được lấy từ ca dao, đồng dao của mỗi dân tộc hoặc các bài thơ, điệu hò, điệu lý có trong dân gian được truyền tụng từ thế hệ trước đến thế hệ sau.
Đấy là một trong những cách bảo lưu hồn cốt của mỗi dân tộc một cách hữu hiệu nhất.
Sữa nuôi phần xác, hát ru nuôi phần hồn
Không ai biết hát ru có tự bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết rằng, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Giữa trưa hè oi ả hay những đêm đông lạnh giá, lời ru của bà, của mẹ cất lên lúc thì như một làn gió mát dịu, khi lại như ngọn lửa ấm nồng đưa bé chìm sâu vào giấc mộng. Trong lời ru có cánh cò bay lả bay la, có cái bống chịu thương chịu khó giúp mẹ việc nhà, có con cún con hay nô đùa với bé.
Những bài hát ru thường rất đa dạng, mang đậm tính chất vùng miền, địa phương. Các bà mẹ ru con thường chỉ quan tâm đến phần lời ca có vần vè, dễ nhớ, còn giai điệu, mỗi người có một giọng điệu trữ tình tương hợp với tình cảm mẹ dành cho con, bà dành cho cháu, nhưng cốt sao làm cho bé dễ ngủ mà vẫn gây ấn tượng sâu sắc trong suốt cả cuộc đời mỗi người.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mặc dù thai nhi nằm trong nước ối và được bao bọc bởi nhiều lớp cơ, màng, nhưng vẫn có thể nghe được tiếng động, tiếng nhạc, nhịp nhanh chậm, tông độ cao thấp... tác động từ bên ngoài, gần như chính xác. Tiếng nói của mẹ có cường độ mạnh vì truyền theo cơ thể thẳng vào tử cung. Tiếng động có khả năng thay đổi nhịp tim của thai nhi. Do đó nhịp điệu của bài hát mẹ ru đem lại cho con trẻ cảm giác “an toàn” đang được mẹ bảo vệ để chúng nhanh chóng có thể chìm sâu vào giấc ngủ.
Theo một nghiên cứu của Đại học Ohio (Nhật Bản), hát ru là những kích thích rất có lợi không những với sự phát triển ngôn ngữ, tâm lý và sinh lý, mà còn cả phát triển thể chất của trẻ nhỏ. Nhiều người đã xác nhận rằng những trẻ hằng ngày được kích thích bằng hát ru trong thời gian khoảng 10 phút, thì phản xạ vận động tốt hơn nhiều so với trẻ không được nghe hát ru.
Còn theo Giáo sư Trần Văn Khê, một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam nổi tiếng thế giới, thì “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Theo ông, lời ru của mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Cũng theo ông trong thời kỳ mang thai, nếu đứa trẻ được thai giáo bằng âm nhạc đúng cách sẽ có tác dụng tích cực rõ ràng đến sự hình thành tính cách của các em khi lớn lên.
Vì sao hát ru ngày càng thưa vắng?
Trong bận rộn mưu sinh, không chỉ ở các thành phố lớn hay khu công nghiệp, người ta bị cuốn vào guồng quay của thời kinh tế thị trường, thời gian làm việc và năng suất lao động quyết định đến niêu cơm và chiếc ví mỗi người, mà ngay cả ở những vùng quê thuần nông, tiếng ru của những người mẹ trẻ cũng ngày một thưa vắng hơn. Hiện nay chưa có một số liệu điều tra xã hội học nào đủ tin cậy để trả lời cho câu hỏi vì sao tiếng ru của những bà mẹ ngày càng lụi tàn đi.
Không biết do quá bận rộn hay vì hẹp vốn lời ca mà nhiều mẹ trẻ mỗi khi cho con ngủ, thay vì tự hát ru thì lại “nhờ” cát xét ru hộ. Thế nhưng đã mở hết một đĩa DVD rồi mà mắt bé vẫn mở thao láo. Đến khi bà ôm cháu vào lòng, tay xoa nhẹ vào lưng, lên đầu, ánh mắt nhìn cháu trìu mến rồi bà cất lời ru: “À… à… à… ơi… Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/ Gái thời chăm chỉ trong nhà/ Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa/ Trai thì đọc sách ngâm thơ/ Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/ Nữa mai nối được nghiệp nhà/ Trước là đẹp mặt, sau là hiển thân... à... à... à... ơi...”. Thế là bé dần lim dim đôi mắt, chìm vào giấc nồng lúc nào không biết.
Nhiều bà mẹ trẻ bây giờ, mỗi khi ru con ngủ chỉ ậm ừ trong cổ họng hay hát những bài không đầu, không đuôi. có bà mẹ trẻ còn mở những bản nhạc híp hốp… làm inh tai, nhức óc con trẻ.
Còn diva Mỹ Linh đã tiết lộ rằng, con cái của chị rất sợ khi nghe mẹ hát ru, vì chúng nó thích nghe nhạc ngoại. Sau khi nữ ca sĩ này thử hát ru một bài, danh hài Hoài Linh nhận xét thẳng tưng: Nghe em ru con như thế, con em muốn nghe nhạc ngoại là đúng rồi. Ối giời ơi, hát ru ơi là hát ru!
Có nhiều người còn cho rằng, hát ru vừa làm mất thời gian, lại phải bế bồng, vỗ về, vuốt ve, như vậy sẽ làm hư đứa trẻ vì lần sau cứ phải hát ru nó mới chịu ngủ. Đối với những người có thời gian thì không sao, còn đối với những người bận rộn, điều đó là phù phiếm và xa xỉ.
Giáo sư Trần Văn Khê băn khoăn, cho rằng vì không biết cách ru con mà nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam không còn chú trọng việc hát ru con ngủ. Trong khi đó một số người lại nghĩ chỉ cần “ép” cho trẻ nghe thật nhiều thì đứa bé lớn lên sẽ thông minh, lanh lợi. Thế nhưng, đã mấy ai biết rằng trẻ sinh ra và lớn lên không chỉ cần sữa mẹ mà còn cần vòng tay vỗ về, mùi mồ hôi và cả những tiếng ru của mẹ, cùng với sự chăm sóc, nâng niu ân cần của người cha...
Những điều ấy đã một phần lý giải tại sao hát ru bây giờ ngày càng thưa vắng hơn.
VIÊN AN 
Nguồn GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI
Theo http://reds.vn/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...