Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…? Câu thơ giản dị mà giàu biểu tượng là thế của thi sỹ Văn Cao [1] khi mới bước vào làng thơ sao gợi nhớ nỗi niềm gì sâu lắng, phiêu lãng. Kể như ông muốn ký thác lại với đời những điều mà thân phận con người chưa kịp nói hết ra được.
Trong lịch sử hiện đại, không có nghệ sỹ nào gắn bó tên tuổi của mình vang dội với Cách mạng tháng 8 như Văn Cao. Tiến quân ca đã trở thành giá trị tinh thần và lịch sử, xét trên cả phương diện lời ca và nét nhạc, của người Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Hồn dân tộc đã  nhập vào khúc ca bi tráng, phấp phới và đầy sức mạnh niềm tin chiến thắng của độc lập, tự do. Đúng vào lúc vận hội của đất nước cùng đứng lên để làm nên lịch sử. Tiến quân ca là giọng nói đầu tiên của chế độ mới trên nền khuông nhạc. Đã là lịch sử thì không dễ dàng lặp lại và thay đổi được.
Văn Cao gõ cửa đến với âm nhạc, thi ca và hội họa cùng một lúc. Lĩnh vực nào cũng có thành tựu xuất sắc. Không phải không suy ngẫm khi có người nói Thơ của Văn Cao là hay nhất. Tôi không cùng quan điểm đó. Nhưng trên cương vị là thi sỹ, Văn Cao là một trong số những người khai mở con đường mới của sáng tạo thi ca, sau sự phát triển và hoàn thiện rực rỡ của phong trào Thơ Mới 1930-1945.
Văn Cao đến với thi ca khi mới 16 tuổi. Những bài thơ đầu tay viết từ 1939 đã được đăng trên tờ  Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Khi đó các tên tuổi của phong trào Thơ Mới đã chiếm lĩnh những đỉnh cao của thi đàn Việt Nam hiện đại. Những tập thơ vào loại hay nhất của thế kỷ XX đã xuất bản trước đó vài ba năm. Thơ Văn Cao ít ỏi không để lại mấy tiếng vang bằng các nhạc phẩm Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Bến Xuân v.v… của ông. Biến động lịch sử 1945 đã làm cho các thi sỹ phong trào thơ mới từ trên đỉnh cao vinh quang của sự hoàn thiện chưa kịp ngay một lúc tự phá vỡ mình để sống lại, làm ra những vần thơ đáp ứng được với những tiếng gọi của lịch sử. Họ phải có thời gian. Có người phải mất đến mươi, mười lăm năm để làm việc đó. Có người không bao giờ lặp lại chính mình được nữa. Mặc dù họ vẫn làm thơ. Thậm chí còn nhiều là đằng khác. Cái quy luật khắc nghiệt của sáng tạo thi ca không tuân theo ý muốn của con người.
Vào thời khắc lịch sử trọng đại đó, Văn Cao không chỉ có Tiến quân ca. Ông đã tự mình mở ra một con đường mới trong sáng tác thi ca ngay từ 1945.
Có hai bút pháp sáng tạo khác nhau của đời thơ Văn Cao. Cũng là hai giai đoạn của con đường thi ca đầy gập ghềnh và trắc ẩn của người nghệ sỹ ấy. Từ 1945 đến 1960, bút pháp thi ca của ông thiên về tự sự, tả thực. Ông đau đớn ôm chầm lấy những biến cố của lịch sử và đời sống trong nghẹn ngào xúc động mà sâu lắng tin yêu với màu sắc đầy sương khói của thời cuộc đang vật vã chuyển mình. Những ánh sáng của hy vọng dọi lên từ mịt mù gian khó. Nằm trong số khuynh hướng sáng tác này tiêu biểu là 5 bài thơ dài viết theo thể tự do: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc 1945. Ngoại ô mùa đông 1946 in trên Văn nghệ số tháng 4, 5. 1948. Bến Ngự trên thương cảng 1955. Những người trên cửa biển. Trường ca.1956 và Anh có nghe thấy không? 1956. Đã in trên Giai Phẩm Mùa Xuân.
Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc viết năm 1945 là bài thơ mô tả chân thực nạn chết đói. Hàng triệu người tứ cố vô thân, không nhà không cửa, không tên họ, không thức ăn… Những bộ xương khoác áo người rách rưới tàn tạ từ mọi miền quê đổ xô về Hà Nội xin ăn. Thảm cảnh hai triệu người phải chết đói là một trong những tấn bi kịch thảm khốc nhất của lịch sử hiện đại. Văn Cao đã chọn được một thế đối lập khủng khiếp giữa hình ảnh những chiếc xe ma chở xác người với thế giới còn sống đang giãy giụa trong ăn chơi trụy lạc.
Một nửa kêu than, ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc.
Giữa cái ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo những xe xác le lói ánh đèn với đêm tối khỏa thân những điệu múa vô luân. Sự đổ vỡ và chết chóc của thế giới cũ vào đêm trước của cuộc cách mạng. Tiếng Thơ đau đớn và vật vã thi sỹ Văn Cao trong căn gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc. Một Văn Cao hoàn toàn khác trong Buồn tàn thu, dù miêu tả đêm mùa thu chết nhưng thi sỹ còn nghe được tiếng mùa đang rớt theo lá vàng rơi mà người con gái vẫn ngồi đan áo, đan sự vương vấn của nàng vào nét nhạc nhắn gửi lữ khách tang bồng đã một đi không trở lại “ôi người gió sương em mơ thương ai bao lần”. Văn Cao trongChiếc xe xác qua phường Dạ Lạc dựng lên chân thực cảnh người chết đói xác nhiều đến nỗi phải chở đi trong đêm không được “làm ma”. Tiếng kèn, tiếng trống còn lại của cuộc đời không phải đưa đám những đồng loại không tên đã chết mà để chơi nốt cung bậc thác loạn của thế giới ăn chơi ê chề và bạc bẽo. Văn Cao không còn mơ màng được nữa trước sự thực đời sống đau đớn đập vào mắt ông. Bài thơ đánh dấu sự mở đường của một hướng đi mới, gắn bó trách nhiệm của người thi sỹ với vận mệnh con người và thăng trầm của lịch sử. Trước sau, thi ca lãng mạn 1930-1945 là bài ca tha thiết về nỗi cô đơn của thân phận con người. Đất nước điêu linh tưởng như không còn gì nữa thì Ngoại ô mùa đông 1946 vùng dậy. Một thiên phóng sự bằng thơ. Một “Sống mãi với thủ đô” bằng cảm xúc và hình ảnh. Bài thơ như phục sinh Hà Nội từ điêu tàn đứng dậy dựng chiến hào, chiến lũy bảo vệ nền độc lập non trẻ. “Một dãy phố nghiêng cả thành Hà Nội”. Mới vừa đêm trước thôi, những ngã tư của thành phố này tưởng như đổ rụi vì sự đói rét và lạnh lẽo thì sáng nay chợt vùng lên reo hò từ cuộc phục sinh. Bài thơ Ngoại ô mùa đông  1946 mở ra đã thấy tiếng reo ca.
Reo lên! A reo lên
Xóm cùng khổ!
Reo lên! Reo lên
Băng mình vào đạn lửa
Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội
vỡ sóng lũ Hồng Hà.
Những người Hà Nội đi ra từ “đàn đáy lạc âm ba, bốn mùa nghiêng mặt hát” để “cầm lấy súng gươm giữ từng đường phố”. Những người lam lũ trong bùn lầy nước đọng của Hà Nội lầm than xưa từng sống rạc rài viễn phố nay đứng trên chiến lũy bảo vệ, hy sinh cho cuộc đổi đời của chính trị và văn hóa.
  Cờ búa liềm
  Treo giữa đài Văn miếu
… Mưa xuân về
  Giữa chiếu hoà xa.
Với số bài thơ tự do không phải là nhiều sáng tác ngay trước và sau cách mạng tháng 8, thi sỹ Văn Cao đã mở đường cho sự phát triển của thơ ca theo hướng gắn bó với sứ mệnh của con người trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử và vận hội của dân tộc. Những người tiếp theo Văn Cao đã dấn thân vào con đường gió bão đó bằng cá tính sáng tạo của từng thi sỹ, đưa đến một diện mạo mới cho thơ ca kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hồng Nguyên, Chính Hữu...
Kháng chiến chống Pháp. Dường như Văn Cao lạc sang cánh đồng âm nhạc. Đỉnh cao là Trường ca sông Lô bất tử. Túi thơ của ông nhẹ đi quá nhiều. Mãi sau hòa bình 1954 - 1955 ông lại trở về với “xóm cũ” của mình. Trong số những bài  thơ tiếp tục sáng tác theo khuynh hướng tự sự, nổi bật nhất là trường ca Những người trên cửa biển. Tác phẩm minh chứng cho tầm vóc và bản lĩnh của Văn Cao trên cánh đồng thơ Việt hiện đại. Trường ca gồm 4 phần: Ai biết Hải Phòng là đâu. Tình yêu và khát vọng. Những ngày động biển. Những ngày báo hiệu mùa xuân. Với 531 câu thơ cho thấy khả năng điêu luyện và tầm nhìn của tác giả trước những vấn đề lịch sử và thời đại của thành phố cảng Hải Phòng trong sự biến hóa đa dạng và phong phú của cảm xúc, dựng lên sinh động bức tranh cần lao của những người trên cửa biển. Nhiều tứ thơ viết vào thời điểm 1956 mới đến nỗi sau này ta thấy thấp thoáng hiện lại trong những tác phẩm thơ của ngay những nhà thơ nổi tiếng nhất.
Những pho tượng không bao giờ nói.
Hàng trăm ngàn người lạc theo tàu ra biển
Ai biết cao su đất đỏ là đâu...
Những mái nhà xưa đếm lại thiếu người.
Những người trên cửa biển mở đầu cho vụ mùa thu hoạch Trường Ca của thi ca Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Đặc biệt trong và sau những năm chống Mỹ cứu nước, thơ Việt Nam đi đến một tầm vóc mới ở sự ra quân rầm rộ của nhiều bản trường ca. Nền thi ca phải đến trình độ nào đó mới làm được điều hầu hết các thi sỹ có tên tuổi đều viết trường ca như là đòi hỏi thiết yếu của đời sống và cá tính sáng tạo của thi nhân. Kể ra không hết. Nhờ đó, cùng với phong trào Thơ Mới, thơ ca thời chống Pháp và chống Mỹ đã sản sinh ra những nhà thơ xuất sắc của thế kỷ. Và đó là hai thời kỳ hưng thịnh nhất của thi đàn Việt Nam hiện đại.
Bài thơ Anh có nghe thấy không? đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân 1956 đã làm ông lâm nạn. Người ta phê bình về cảm giác nặng nề mà nó đã mang lại. Họ cho rằng ông “nhìn cái xấu không đúng sự thật. Thả âm binh ra bị âm binh quật ngã…”. Có người còn cho rằng “Văn Cao được xem là tiên chỉ” của Nhân Văn Giai Phẩm. Thật tội nghiệp cho ông. Những nhận xét đó trước hết là một sự nhầm lẫn tai hại và đầy ác ý. Văn Cao chỉ muốn phản ánh trung thực một hiện tượng có thật về những tàn dư của thế giới cũ còn lại trong lòng xã hội mới. Những bóng áo dài đen nham hiểm theo từng bước chân người trên bãi cỏ bóng tối, len lỏi vào sự yên ấm của những tủ sách gia đình... Nhà thơ cảnh báo những kẻ khôn ngoan “Mắt không bao giờ nhìn thẳng”, “đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời”. Đoạn cuối của bài thơ, Văn Cao đặt niềm tin vào cuộc đấu tranh để mở tung các cánh cửa sổ, mở tung các cửa bể để cho sự tồn tại của những con người thật của chúng ta… Lịch sử phải đợi đến hơn 30 năm sau. Điều này mới thực hiện được.
Kể từ khi lâm nạn “nhân văn giai phẩm”, khuynh hướng sáng tác mô tả chân thực đời sống được mở đầu bằng 5 bài thơ kể trên đã có nhiều lý do để đóng lại. Văn Cao sống một cuộc đời như người ẩn sỹ nghèo khó thanh bạch. Cá tính sáng tạo của một tài năng lại thường xuyên hiện hình lên một ngôn ngữ hội hoạ riêng có với những nét vẽ tài hoa từ đôi bàn tay khô khốc gầy guộc của ông mà như khắc lên đá những khuôn mặt người đẹp một cách lạ lùng bởi sự trầm lặng thản nhiên trong các trang minh họa báo Văn nghệ hoặc bìa sách một thời gian dài đưa đón gió mưa. Có nhẽ dài đến 30 năm. Bài thơ Đêm quán tặng Nguyễn Sáng lý giải vì sao ông đến quán rượu đêm nghèo nàn ấy. Vũng ánh sáng vàng vọt của xóm thợ xác xơ bên con đường tàu đầy than bụi, những bộ mặt người hiền như đất mà sao lại chiêm nghiệm và hiểu thấu cuộc đời của một người nghệ sỹ tài hoa.
Bởi vì tôi nhìn thấy ở đấy chỉ có một mình
Và giữa đêm khuya lại trở về một mình
qua con đường tàu than bụi
Tôi đã lại tìm một cái gì không thể thấy được.
Ba biến khúc tuổi 65 viết tháng 9-1988, sau hơn 30 năm Nhân Văn Giai Phẩm đi qua đời ông những ngày buồn không nói được. Ba biến khúc tuổi 65 là bài thơ mô tả sự chiến thắng của cái ngẫu nhiên, uy lực của cái ngẫu nhiên với cái tất nhiên. Ném một con dao người khác đưa cho vào bóng tối. Không hay đâu vì dao ấy mà có người bị chết. Đang đi trên phố. Bỗng một ai đó kêu lên thằng ăn cắp. Một người tự dưng bỏ chạy mà không hiểu bỏ chạy vì lý do gì. Đến khi chỉ còn nước gục xuống lại thấy mình là người chưa phạm tội. Rồi rơi vào mạng nhện. Mạng nhện cuốn lấy không cách gì gỡ được. Cái tất nhiên hiện hình ra bao nhiêu cái vỏ bọc ngẫu nhiên đôi khi tàn nhẫn để rồi mới đến được chân lý. Lịch sử của một dân tộc còn có những khúc quanh, huống chi lịch sử của một con người.
Cơn sang chấn “nhân văn” đi qua, nhưng ngọn lửa thi ca trong ông không bao giờ nguội lạnh. Nó vẫn ca hát và tìm đường. Văn Cao đã bước đến một giai đoạn mới - giai đoạn sự chưng cất của những ảo giác trên con đường dài đầy trắc ẩn của sáng tạo thi ca. Nếu Hà Nội ngày xưa trong Những chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946 ngồn ngộn những dòng thơ bề bộn chất bi tráng của lịch sử thì nay ảo giác về Hà Nội đã rất xa. Mơ hồ tiếng còi tàu của đêm đông qua phố trong thanh vắng hoài niệm về một thời cũ xưa làm nên câu thơ giản dị mà gợi cảm bậc nhất về một Hà Nội đang cũ dần trong đêm.
Xa xa xa
Đêm đông tiếng còi tàu
Hà Nội càng thêm cũ.
Những bài thơ Văn Cao viết sau 1960 thường ngắn và cách quãng thời gian rất xa, khác với những bài thơ dài tả thực trước đó.
Tâm hồn thi ca của một tài năng lớn như Văn Cao rơi vào “một khoảng trống thẳm sâu” của tâm thức. Tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sỹ và ý  thức trách nhiệm về danh dự và bổn phận đã giúp ông vượt qua những cô đơn buồn chán để tự mình mở ra một giai đoạn mới trong sáng tạo thi ca. Kể từ những năm 1960 đến cuối đời, thi pháp của Văn Cao đã chuyển tới độ tinh luyện của sự chưng cất những ảo giác làm nên cảm xúc, ý tưởng và hình tượng thơ mang tên gọi Văn Cao. Trang trọng mà sâu lắng. Đó là các bài thơ: Năm buổi sáng không có trong sự thật. 1960. Có lúc. 1963. Không nhớ. 1963. Phố Phái. 1967. Một đêm Hà Nội. 1967. Không đề.1967. Người đi dọc biển. 1970. Quy Nhơn 1, 2, 3. 1985. Thời gian.1987. Ba biến khúc tuổi 65. 1988. Mùa Thu. 1992. v.v... Trong đó chùm thơ 3 bài về Quy Nhơn chiếm vị trí đặc biệt trong thi pháp Văn Cao mà tôi xin được gọi là sự chưng cất của những ảo giác. Văn Cao để lại cho thế kỷ 20 những câu thơ vào loại hay nhất khiến Quy Nhơn vốn đã nổi tiếng trong thi ca và ngoài cuộc đời bỗng trở nên huyền diệu hơn bởi tâm hồn Văn Cao.
- Một nửa mình trăng đêm
  Nằm nghiêng trên bãi cát.
- Biển đưa về vài chùm chim Yến...
  Những đường phố lặng im.
- Từ trời xanh
                    rơi
                        vài giọt tháp Chàm.
Sau hòa bình nhiều năm. Tôi vào Quy Nhơn cứ hỏi theo chỉ dẫn của Chế Lan Viên. Dân địa phương chỉ cười… Bởi vì điều tôi đi tìm đã theo sóng biển ra khơi tự thủa nào rồi. “Quy Nhơn mướt dừa xanh những hàng mi dài che sóng biển”. Không còn có thật trong đời nữa. Thành phố của những văn nhân tài tử bậc nhất thiên hạ giờ như một nửa mình trăng đêm nằm nghiêng bên bờ vịnh Quy Nhơn quanh năm sóng vỗ. Những tháp Chàm như những giọt thời gian rơi xuống ở sau lưng. Một Quy Nhơn có thật trong đời. Chỉ tài năng lớn như Văn Cao mới nhìn thấy cái vẻ đẹp mong manh của sự vĩnh cửu. Một nền văn nghệ lớn không phải phụ thuộc vào số đông những người viết, số nhiều những tác phẩm. Nó phụ thuộc vào những tài năng. Mà mỗi thế kỷ, ở quốc gia nào cũng vậy, số tên tuổi ấy chỉ mươi người là cùng. Văn Cao thuộc trong số người đó của nền văn nghệ Việt Nam thế kỷ 20.
Mùa xuân 1995, người ta đã kịp làm một bộ phim về các nhạc phẩm cùng với tiếng nói và hình ảnh Văn Cao. Ông để lại một nụ cười đôn hậu, chân thành và dáng đi khổ đau cho hậu thế. Một tiếng nói trầm ấm tưởng như không gì gần gụi mà lại xa vắng hơn về mùa Thu. Một mái tóc dài đã pha sương xõa xuống đôi vai bé nhỏ của ông như một vị thánh tông đồ suốt đời chỉ biết yêu thương và ca tụng con người. Văn Cao để lại cho hậu thế không chỉ thi ca nhạc họa in dấu sâu đậm một trong những thời kỳ lịch sử oanh liệt của dân tộc bằng cảm nhận sâu xa của một tài năng lớn mà còn để lại một nhân cách cao thượng của người nghệ sỹ cho nền văn nghệ Việt Nam thế kỷ 20. Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc?... Văn Cao muốn nhắn gửi điều gì cho quá khứ, hiện tại và tương lai? Toàn bộ âm nhạc, thi ca và hội họa của ông những tưởng đã trả lời rõ ràng câu hỏi đó. Điều ông muốn nhắn gửi là chủ nghĩa nhân văn, là niềm tin yêu con người “những câu thơ còn xanh, những bài hát còn xanh và đôi mắt em như hai giếng nước”. Niềm tin và hy vọng. Dù thân phận mỗi con người có phải trải qua những vị đắng cay như là phép thử ngẫu nhiên của số phận.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Tôi giống như bao người khác cùng thời đại với ông không phải một lần nhìn vào thế giới thi ca, nhạc họa của ông để sống, để trải nghiệm những gì sâu sắc nhất, cay đắng và vinh quang nhất mà thế kỷ 20 đã đưa đến cho dân tộc Việt Nam.
Khuất Bình Nguyên
Nguồn Văn nghệ số 8/2016
Theo http://baovannghe.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...