Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Sự thiếu văn hóa trong thưởng thức âm nhạc của người Việt

Sự thiếu văn hóa trong thưởng thức 
âm nhạc của người Việt
Với những người hay đi nghe hòa nhạc ở Nhà hát Lớn - không nói đến việc họ có yêu thích âm nhạc thực sự hay là đến chỉ để học đòi làm sang, có lẽ chẳng ai lạ gì với âm thanh của những chiếc di động từ cổ lỗ sĩ đến thời thượng vẫn thường vang lên một cách “vô tình” và “vô duyên” xen lẫn trong âm nhạc.
Nói vô tình và cả vô duyên là bởi không hiếm những chương trình có MC dặn dò khán giả rất chân tình rằng: không flash máy ảnh, không điện thoại hoặc để chế độ rung, nhưng chỉ ngay khi âm nhạc vang lên, những chiếc điện thoại cũng rí réo. Những người có điện thoại kêu cũng không thể hiện nốt sự văn minh còn sót lại là tắt chuông ngay và đứng dậy ra ngoài khán phòng. Họ điềm nhiên bật điện thoại lên nghe và trả lời.
Đấy là mình còn chưa nói trong nhiều chương trình cấm trẻ dưới 7 tuổi, nhưng rất nhiều người đem con đàn cháu đống lôi đi. Đặc biệt là ngay ở cửa vào, rõ là bảo vệ hay nhà tổ chức đã để sẵn cái biển cấm này nhưng soát vé vẫn cho vào như thường. Mà nói thật, trẻ con ở Việt Nam ở cái tuổi đấy mà biết im lặng, giữ trật tự, ngồi yên một chỗ lại ở nơi này thì chắc nó bị âm nhạc thôi miên.
Có thể nhiều người dù đi nghe nhiều lần vẫn cảm thấy khó chịu vì điều này, có người thì lờ đi hoặc quen rồi. Cũng không phải không có những bài báo phàn nàn về vấn đề này như “đi nghe nhạc mà bực cả mình“ nhưng mà một khi điều này nó trở thành văn hóa đi nghe nhạc của khán giả Việt Nam thì sẽ như thế nào?
Trong chương trình UK Concert 22/11 mới đây, nhạc trưởng người Anh Colin Metters trong một khoảnh khắc đã buông thõng tay xuống, không chỉ huy nữa. Có bao nhiêu khán giả nhận thấy sự thất vọng của ông ấy khi chuông điện thoại kêu rất to, lại ở rất gần sân khấu? Song ngay lập tức, ông ấy đã trở lại với dàn nhạc của mình.
Như vậy, xem ra cái thứ văn hóa đi nghe nhạc này ở Việt Nam đang ngày càng một định hình. Và điều đó khiến những người nghệ sĩ, từ chỉ huy đến solist và dàn nhạc không còn cách nào khác là phải thích nghi trên hết bằng sự bản lĩnh.
Chỉ điều đó thôi đã thấy họ thật vĩ đại rồi đấy! Mình thực sự khâm phục họ.
Kể ra thì hơi ngược đời, vì với bất cứ nghệ sĩ nào, đã lên sân khấu, bản lĩnh luôn có thừa. Nhưng đến một đất nước như Việt Nam, phải có bản lĩnh trước những tình huống ứng xử văn hóa - văn minh thế này thì không phải ai cũng làm được. Gặp phải một tình huống như vậy khi đang diễn ở Phòng hòa nhạc Nhạc viện vào tháng 9 vừa qua, nghệ sĩ guitar người Mỹ - Rene Izquierdo đã rất hài hước dừng lại, ho “nhại lại” cái sự khiếm nhã của khán giả rồi mỉm cười chơi tiếp như một sự "thấu hiểu" con người và văn hóa Việt Nam. Còn với vị trí của một giáo sự tầm cỡ như nhạc trưởng Colin Metters, ông ấy không khó chịu mới là lạ. Có lẽ vì đã 16 năm kể từ lần đầu ông đến Việt Nam?
Bạn mình bảo chắc vì lý do thất vọng này mà khi buổi biểu diễn kết thúc, dù khán giả vỗ tay rất nhiều nhưng dàn nhạc không có thêm phần “khuyến mại“ nào!
Nguồn HOINHACSI.ORG
Theo http://reds.vn/



1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...