Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Tầm vóc thành phố trẻ

Tầm vóc thành phố trẻ 
Tháng ba về, Đà Nẵng nắng hanh vàng trên nhiều con phố. Màu nắng tháng ba soi bóng xuống sông Hàn. Và tự đáy lòng những người dân Đà Nẵng, vẫn cứ mong thành phố mình trẻ mãi. Như dáng núi, dáng sông, dáng những cây cầu nối liền nguyên mạch chảy. Lòng người reo vui cùng những nhịp cầu.
Đà Nẵng trong tôi, dăm nỗi nhớ đã lên màu thời gian. Đã đủ để chín muồi những dự định tan vào sương sớm. Chảy vào mạch nguồn đó, tôi đã nhận ra những yên bình thầm lặng. Như những mái chèo ngày xưa vơi đầy ký ức để đến bây giờ Đà Nẵng đang vươn mình ra biển lớn.
Sông Hàn đã có nhiều cây cầu bắc qua sông, tạo nên sự tiếp nối trong hệ thống giao thông huyết mạch của Đà Nẵng. Đứng ở tòa cao ốc bên bờ sông Hàn, ngắm dòng sông bình yên trôi trong lòng thành phố với những chiếc cầu gắn với từng mốc phát triển của Đà Nẵng. Cầu Rồng óng vàng trong nắng sớm tháng ba, như đang đưa cả thành phố vươn lên cùng bao nỗ lực của lãnh đạo và người dân Đà Nẵng. Ngẫm lại vẫn đắm say bởi khi những dự định được phôi thai và được thực hiện bởi những bàn tay, khối óc có cả tâm và tài. Có cả những sự đánh đổi đến bạo dạn mà nhận ra, nếu như không phải cái ý chí quyết tâm của lãnh đạo thành phố, thì làm sao Đà Nẵng có được nhiều điều đáng nói, đáng tự hào như hôm nay? Tôi đã tự vấn mình, rằng biển và trời là những khoảng không gian rộng ngoài tầm tay với của mỗi con người. Cố kìm lòng mình khỏi dậy sóng, tôi đã đếm bước chân mình trên những ngả đường quen với bàn chân đạp phăng lên chông gai, vấp vấp. Trên con đường đi không có bóng râm chở che của những điều mất còn, hơn thiệt, tôi nhận ra mình như một ngọn cỏ giữa cơn gió bấc mùa đông. Điều gì đó tự thẳm sâu đã cố níu kéo tôi trở lại không ngần ngại. Để nguôi quên một điều là phải học cách nhớ trăm điều khác. Vậy là những triết lý mực thước trong sách vở lại kéo về hiển hiện đâu đó xung quanh. Tôi đã hơn một lần tìm lại chính cảm giác hẫng hụt nơi góc mắt tâm hồn đơn lẻ của mình. Đó là chút kỷ niệm vàng màu khói thuốc trên tay người bạn thân mỗi khi có chuyện buồn lòng và hụt hẫng. Tôi lớn thêm hơn tuổi và già đi trong cả tiếng cười. Có thể mảnh đất này đã hun đúc trong tôi một chút mặn mòi của lịch sử ngàn năm với bao thăng trầm dâu bể? Cuộc rượt đuổi giữa những giá trị văn hóa, giữa cái cũ và cái mới là lý do khiến người ta theo đuổi những mơ ước riêng và cố giành giật về mình một chút riêng tư? Hạnh phúc sẽ đính kèm với những mất mát, có thể người ta sống nhờ vào ký ức hôm qua để biết trân trọng ngày hôm nay trong những thoáng chốc cuộc đời. Đó là những ý niệm đã chợt đến trong suy nghĩ của tôi khi nghĩ về Đà Nẵng. Về những cây cầu như huyền thoại bắc qua sông Hàn thơ mộng.
Thăm một vòng thành phố, điểm dừng chân của tôi là chiếc cầu Rồng. Tự hào vì sự vĩ đại của chiếc cầu nối liền mạch giao thông - tâm linh - hưng thịnh. Cầu Rồng được khởi công xây dựng tháng bảy năm 2009, với chiều dài 666m, tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng, là cây cầu ghi dấu ấn vươn ra biển lớn của Đà Nẵng giờ đã nên hình, nên vóc với dáng Rồng bay lên hiên ngang, thanh thoát. Cầu Rồng mang hình ảnh Đà Nẵng vươn tầm ra biển lớn. Sự vĩ đại của công trình mang quyết tâm cao của lãnh đạo Đà Nẵng trong việc quy hoạch, xây dựng kiến trúc cho đô thị Đà Nẵng theo hướng hiện đại vào bậc nhất miền Trung. Cách đây 12 năm, cầu Sông Hàn ghi dấu ấn cho ý Đảng, lòng dân của Đà Nẵng, thì hôm nay cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý thể hiện ý chí vượt lên mọi khó khăn của Đà Nẵng để “cán đích”. Cầu Rồng cũng là tuyến ngắn nhất nối sân bay Quốc tế Đà Nẵng với các trục giao thông quan trọng khác của thành phố, đồng thời là trục vận tải hành khách, hàng hóa phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch…Thêm một cây cầu, thêm một nhịp bờ vui cho đôi bờ Đông-Tây thành phố. Và có những cây cầu, sẽ thuận lợi cho Đà Nẵng trong phát triển ngành du lịch - dịch vụ. Một trong những hướng phát triển lâu dài, bền vững cho nền kinh tế Đà Nẵng đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ XX.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, một người con Đà Nẵng đã luôn tự hào rằng, làm được gì để lại “dấu ấn văn hóa” cho quê hương thì ông luôn mãi sẵn lòng. Và hơn ai hết, ông hiểu, khi dày công thiết kế và bảo vệ thành công dáng Rồng, đầu Rồng…trước bao băn khoăn, thắc mắc, và cả những e ngại của lãnh đạo thành phố, ông đã để lại dấu ấn đậm trong lòng người Đà Nẵng. Để đến hôm nay, dạo bước cùng ông trên mấy nhịp cầu Rồng, lòng lại chợt thấy yêu quý hơn những con người đã dồn bao tâm sức cho cầu Rồng hiên ngang, vững chải. Lắng trong dòng cảm xúc tháng ba, ông cười và tự hỏi, Đà Nẵng rạng ngời như thế, tại sao ta lại không tự hào, tại sao ta không cống hiến. Văn hóa, tôi muốn có dấu ấn văn hóa Đà Nẵng với một vị thế độc đáo trong cả dải đất miền Trung này. Ít mà chất lượng. Ít mà mang giá trị vĩnh cửu chứ không phải ngồi đếm số lượng để đo chất lượng. Tôi tự hào vì cầu Rồng là biểu tượng của chiếc cầu tâm linh-văn hóa-hiện đại của Đà Nẵng. Và từ cầu Rồng, Đà Nẵng sẽ vững vàng bước vào một thời kỳ phát triển mới, xứng đáng với vị trí thành phố trung tâm của khu vực miền Trung.
Để phát triển thành phố, cần có một cơ sở hạ tầng thuận lợi và mang tính dự báo tương lai. Đà Nẵng đang chọn cách đó, để vừa hoàn thiện bộ mặt đô thị mở, vừa dự định cho sự phát triển mạnh mẽ theo hướng du lịch-dịch vụ trong tương lai gần. Bởi vậy, những cây cầu như cầu Sông Hàn, Thuận Phước, cầu Rồng…sẽ là những huyết mạch quan trọng trong xương sống của Đà Nẵng. Nối liền và phát triển, vươn tới. Nối liền và hòa vào sự phát triển chung của cả nước. Vậy là về đích gần. Về đích một cách tự tin, bền vững. Những cây cầu nối trung tâm đô thị Đà Nẵng với biển, với núi, với sông. Không có những cây cầu, Đà Nẵng sẽ khó bứt lên chính trong lòng nội thị chứ chưa thể nói đến các vùng ngoại ô. Sân bay- cầu- cảng, ba cặp phạm trù này đang là sợi dây kết nối Đà Nẵng với nhiều mặt. Vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa giữ vững quốc phòng, an ninh, vừa được giao thương với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thu hút khách du lịch bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ…thì không gì khác ngoài cơ sở hạ tầng, giao thông nội-ngoại thị phải thật chuẩn và chắc. Đầu tư đâu, hiệu quả đó. Đó mới là Đà Nẵng.
Trong màu nắng tháng ba, giữa phố phường ngợp sắc cờ, màu áo mới, thế mới biết rằng mình không thể đánh rơi một giọt cảm xúc nào. Tất cả phải được chưng cất lại như những giọt ân tình của mỗi một người dân Đà Nẵng, để rồi từ đó mà gánh gồng, mà cùng chung sức để đưa Đà Nẵng vươn xa. Cầu Rồng thanh thản vươn mình trong nắng sớm, soi bóng xuống sông Hàn như ngẫm nghĩ về những dự định mới. Cứ bước qua một tuổi, Đà Nẵng lại một mới. Và tôi biết rằng, chạm vào Đà Nẵng ta sẽ được nghe thanh âm cuộc sống mới cuộn về, trong dáng Rồng vươn lên biển trời lồng lộng gió.
Tháng Ba Đà Nẵng Rồng bay lên chớm trời xanh, biển bạc!.
Đà Nẵng, 3/2013
Nguyễn Thị Anh Đào
Theo http://vannghedanang.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...