Một trường hợp giao thoa văn hóa Đông - Tây
Xuất bản ở Pháp năm 1999 Tuyết của
M.Fermine đã nhận được nhiều lời khen tặng từ độc giả và các sách báo, tạp chí
nước ngoài. Các nhận định về Tuyết không nhiều lời, cũng cực ngắn,
tinh giản như tác phẩm và cũng đều sắc nét, sáng đẹp, tao nhã, trong trẻo như Tuyết vậy.
Đến với bạn đọc Việt Nam qua
hai bản dịch trực tiếp từ nguyên tác, một của Nguyễn Đăng Thường năm 2007 và một
của Minh Phương năm 2008, Tuyết chưa kịp có những công trình nghiên cứu
đầy đủ, những bài viết “nặng ký” về tác phẩm. Trên mạng, chỉ có một vài trang
giới thiệu sách và một số lời nhận xét rất ngắn nhưng đẹp và tinh tế về Tuyết.
Đó không phải là những lời
khen ngợi chung chung hay dễ dãi. Một trong những vẻ đẹp đích thực: Tuyết là
sự gặp gỡ, sự giao thoa của nhiều yếu tố.
1. Giao thoa thể loại văn học
Tuyết là một tiểu thuyết,
một truyện ngắn hay một bài haiku? Thật khó mà phân định rạch ròi ranh giới thể
loại. Tuyết có kết cấu, cốt truyện, số chương, số trang của một tiểu
thuyết, nhưng lại có số từ ít ỏi của một truyện ngắn. Tuyết không chỉ
viết về nhà thơ và nghệ thuật thơ haiku, mà còn chứa đựng trong nó rất nhiều
bài thơ haiku. Tuyết có dáng dấp và vẻ đẹp của một bài haiku cổ điển
với rất nhiều khoảng trống vắng của “thi pháp chân không”. Các chương 1, 2, 3,
4, 5, 6, 7, 11 đều mở đầu bằng một bài thơ haiku của Basho và các môn đồ như
Issa, Chosui, Soseki. Chương 11 còn chứa cả ba trong số bảy mươi bảy bài thơ
haiku mà Yuko sáng tác trong mùa đông năm mười bảy tuổi.
Đặc biệt chương 1 và chương
54, mở đầu và kết thúc tác phẩm là hai đoạn văn xuôi nhưng hoàn toàn có kết cấu
và dáng dấp một bài haiku giản dị nhất:
Yuko có hai đam mê
Thơ haiku
Và tuyết (chương 1)
Và họ yêu nhau
Lơ lửng trên một sợi dây
Tuyết (chương cuối)
Tuyết là haiku hay
monogatari vậy?
Thơ haiku là một thể loại
văn học. Đồng ý! Nhưng Tuyết sao lại gọi là một thể loại được. Vô lý! Nhưng với
Yuko của Nhật Bản TK XIX thì Tuyết cũng là một thể loại!
“Haiku là một thể loại văn học
Nhật Bản. Đó là một thể thơ ngắn gồm ba câu với mười bảy âm tiết. Không hơn.
Tuyết là một bài thơ. Một
bài thơ rơi xuống từ những cụm mây thành những bông trắng nhẹ.
Bài thơ rơi xuống từ bầu trời,
từ bàn tay Thượng đế” (chương 1).
“Tuyết là một bài thơ. Một
bài thơ của màu trắng tinh khiết.
... Nơi Yuko sống, tuyết là
những bài thơ của mùa đông” (chương 5).
“Những ngày đầu đông, tuyết
rơi. Cùng với tuyết là vết mực đầu tiên của bài thơ đầu tiên trên mảnh giấy lụa”
(chương 47).
Có thể nói rằng, Tuyết đang
trên tay bạn là một tiểu thuyết bé nhỏ như một truyện ngắn, đẹp như một bài
thơ!
2. Giao thoa các loại hình
nghệ thuật
Tuyết và haiku đã hóa thân,
đã đồng nhất làm một, để rồi nhất thể ấy lại tiếp tục hiện hữu và giao thoa với
các loại hình nghệ thuật khác. Yuko đã nhìn thấy trong tuyết 5 đặc tính. Anh có
cách lý giải riêng của mình:
“Tuyết trắng. Vậy, đó là một
bài thơ. Một bài thơ vô cùng thuần khiết.
Tuyết ngưng đọng và che chở
thiên nhiên. Vậy đó là một bức tranh. Bức tranh tinh túy nhất của mùa đông.
Tuyết biến đổi liên tục. Vậy,
đó là nghệ thuật thư pháp. Có hàng vạn, hàng vạn cách viết từ tuyết.
Tuyết trơn trợt. Vậy đó là một
vũ điệu. Trên mặt tuyết, tất cả mọi người đều là vũ công.
Tuyết tan thành nước. Vậy đó
là một điệu nhạc. Mùa xuân nó biến những con suối và những ngọn thác thành những
bản giao hưởng dưới trăng” (chương 7).
Vì vậy, nghệ thuật phải tìm
thêm cứu cánh từ nghệ thuật để đi đến tận cùng cái đẹp của đích thực, của tuyệt
đối và của vĩnh cửu. Haiku phải tìm đến sự đồng nhất của bao loại hình nghệ thuật
tuyệt mỹ khác. Cái đẹp không chỉ có màu trắng như Yuko vẫn nghĩ. Diệu kỳ thay
người cảm nhận và nhìn thấu suốt hết mọi sắc màu, mọi vẻ đẹp của tuyết lại
chính là người họa sĩ mù - Soseki - người thầy của anh. Và Yuko phải học cách
nhìn thấy tất cả vẻ đẹp ấy bằng cách nhắm mắt. “Màu sắc không ở bên ngoài.
Màu sắc ở bên trong ta”(chương 22). Đọc đến đây đột nhiên ta cảm nhận một vị
thiền lan tỏa.
Hãy lắng nghe đoạn đối thoại
ngắn mà sâu sắc giữa Yuko và nhà thơ cung đình Minh Trị:
“Tôi là nhà thơ. Tôi viết những
vần thơ. Tôi không cần biết điều gì khác nữa để có thể hoàn thiện nghệ thuật của
mình.
Sai rồi! Thi ca trước hết là
hội họa, là nghệ thuật múa, là âm nhạc, và là nghệ thuật thư pháp của tâm hồn.
Mỗi bài thơ đồng thời là một bức họa, một điệu nhảy, một bài ca và một bức thư
pháp. Nếu muốn trở thành một nhà thơ thực thụ, cậu cần phải có tài năng tuyệt đối
ấy” (chương 12).
Chính sự giao thoa nghệ thuật
ấy ẩn giấu một quan điểm nghệ thuật nghiêm nhặt, khắt khe nhưng đúng đắn. Đó là
con đường để tiếp nhận và sáng tạo cái đẹp hoàn mỹ, tuyệt đối và sinh động của
cuộc sống.
Và trong Tuyết luôn
có sự hiện hữu của đạo trà (Chado) - một đỉnh cao của nghệ thuật và tín ngưỡng
Nhật Bản. Trà chỉ xuất hiện khi tác phẩm bàn đến nghệ thuật thơ haiku, khi có sự
xuất hiện của những nhân vật đặc biệt như nhà thơ cung đình của Thiên hoàng
Minh Trị hay cô gái đẹp Hoa Xuân. “Vị tu sĩ đón tiếp nàng ân cần và mời
nàng một chén trà nóng. Thiếu nữ vừa chậm rãi nhấp trà vừa ngắm con suối bạc” (chương
48). Trong suốt hành trình tìm kiếm lý tưởng thơ haiku và tuyết, Yuko chưa bao
giờ về nhà trễ để lỡ một lễ trà. “Anh luôn trở về đúng giờ uống trà” (chương
5). Đó là vẻ đẹp của một nét tính cách Nhật!
Trà giao thoa với vạn vật bằng
sự im lặng, chỉ một hơi ấm, một làn hương lan tỏa trong không gian tinh khôi
tuyết trắng.
3. Giao thoa văn hóa Đông -
Tây
Không sinh ra trên đất nước
Nhật Bản cổ xưa và hiện đại, nhưng M. Fermine lại am hiểu sâu sắc và yêu mến
thiết tha nền văn hóa nghệ thuật tôn thờ cái đẹp này một cách thật kỳ lạ. Hiện
tượng văn học này tuy không phải duy nhất, nhưng cũng không phải là phổ biến
trong lịch sử văn học nhân loại. Pearl Buck của văn học Mỹ (Nobel 1938) là một
hiện tượng như vậy. M. Fermine sinh ra và lớn lên chủ yếu trên đất nước Pháp,
nhưng Tuyết lại là một cuốn tiểu thuyết rất Nhật. Thậm chí, chất Phù
Tang trong Tuyết còn đậm đà hơn nhiều tác phẩm của các nhà văn hiện đại
Nhật Bản khác. Trong khi một số tác phẩm văn học Nhật hiện đại có dấu hiệu bạc
màu bản sắc, thì thú vị thay một tác phẩm best seller của văn học Pháp lại đậm
đà sắc hương Nhật Bản. Chất Nhật ấy thấm đẫm và toát ra từ cả nội dung lẫn nghệ
thuật tác phẩm, chứ không phải chỉ một bối cảnh không gian Nhật là đã đủ làm
nên chất Nhật! Có thể nói, Fermine đã được tái sinh từ vẻ đẹp Phù Tang. Như vậy,
chính mối quan hệ nhà văn - tác phẩm là yếu tố đầu tiên tạo nên sự giao thao của
văn hóa Đông - Tây.
Sự giao thoa văn hóa ấy còn
thể hiện trên cặp nhân vật Soseki - Neige, cô gái tóc vàng. Một tình yêu kỳ lạ,
một hôn nhân hạnh phúc giữa một samurai trung thành của Thiên hoàng với một nghệ
sĩ đi trên dây, có mái tóc vàng rực rỡ đến từ nước Pháp. Tình yêu bắt đầu từ
cái nhìn định mệnh: “Đó là lần đầu tiên một nghệ sĩ nước ngoài trình diễn trên
xứ sở các samurai... Ông nhìn vào mắt nàng và nàng cũng nhìn ông say đắm. Họ
không cần phải nói gì thêm nữa. Nàng khẽ mỉm cười và trong nụ cười đó, Soseki
đã lạc lối” (chương 31).
Kết quả của tình yêu và cuộc
hôn nhân Đông - Tây ấy là sự ra đời của cô con gái: “Cô bé thừa hưởng làn da trắng
muốt từ mẹ và mái tóc đen nhánh từ cha. Mọi người gọi cô là Hoa Xuân” (chương
32). Hoa Xuân chính là nhất thể đồng nhất từ cặp đôi đồng nhất cha và mẹ,
phương Đông và phương Tây, samurai và nghệ sĩ, thơ haiku và nghệ thuật đi trên
dây! Và từ cặp tình nhân ấy, tình yêu đã hòa tan vào nghệ thuật: “Bởi vì tình
yêu là môn nghệ thuật khó khăn nhất. Viết chữ, nhảy múa, soạn nhạc, và vẽ cũng
đều là yêu cả thôi. Giống như người đi trên dây. Khó khăn lớn nhất, là bước lên
phía trước mà không ngã” (chương 24)
Tuyết còn là nơi giao
thoa, gặp gỡ giữa vẻ đẹp của “thi pháp chân không” phương Đông và kỹ thuật viết
văn cách tân của văn học phương Tây hiện đại. M.Fermine là một nhà văn trẻ của
nước Pháp - đỉnh cao của văn học phương Tây hiện đại, nên chắc chắn ông am hiểu
sâu sắc cách viết đánh thức sự đồng sáng tạo ở độc giả của văn học phương Tây.
M. Fermine yêu thơ haiku đến thế nên chắc chắn ông cũng am hiểu tận cùng văn
hóa truyền thống đẫm vị thiền của Nhật Bản. Tuyết có những khoảng trống
vắng trên những dòng chữ và giữa những dòng chữ. Đó chính là nơi hội tụ giàu có
nhất của thi pháp chân không phương Đông và nguyên tắc bỏ sót, cùng nghệ thuật
tẩy trắng của văn học phương Tây hiện đại như trong “tảng băng trôi” của
Hemingway.
Tuyết kiệm ngôn đến vô
ngôn, giản dị mà không sơ sài, ít ỏi mà không nghèo nàn, trắng ngần mà không lạnh
lẽo. Tuyết truyền thống quá mà cũng hiện đại quá! Tuyết là
nơi hội ngộ của cái duy tình, duy mỹ của phương Đông và cái duy lý sắc sảo của
phương Tây. Vì vậy mà Tuyết đã căng được một sợi dây ngôn từ nối liền
hai bờ văn hóa.
Tuyết là tình yêu không
biên giới, nên Tuyết cũng là nơi nghệ thuật Đông - Tây đồng nhất,
giao thoa, gặp gỡ. Chỉ khi có sự đồng nhất kỳ lạ đó, haiku mới trở thành tuyệt
đỉnh của nghệ thuật ngôn từ. Soseki, một buổi sáng trước ngày về vĩnh cửu đã dạy
Yuko bài học cuối: “Yuko, con sẽ trở thành nhà thơ thật sự khi những dòng chữ
con viết ra chứa đựng cả hội họa, thư pháp, âm nhạc và những điệu múa. Và đặc
biệt khi con đã hoàn thiện nghệ thuật múa trên dây... Tại sao ư? Bởi vì nhà
thơ, một nhà thơ thật sự, nắm bắt được nghệ thuật trên dây. Viết, đó là tiến
lên phía trước, từ tiếp nối từ, trên sợi dây cái đẹp, sợi dây của một bài thơ,
của một tác phẩm, một câu chuyện cần ẩn giấu trên trang giấy. Viết, đó là tiến
lên phía trước, bước nối tiếp bước, trang này tiếp trang khác, trên con đường của
cuốn sách... Vậy đó, điều khó khăn nhất, là trở thành nghệ sĩ đi trên dây ngôn
từ” (chương 40).
Các loại hình nghệ thuật
Đông - Tây đã tạo nên một giàn giao hưởng thật hài hòa trong Tuyết.
Trên phương diện mỹ học tính
dục nữ, hình tượng Neige trong suốt trong tuyết trắng trên đỉnh núi cao là nơi
gặp gỡ giữa tinh thần nhân văn chủ nghĩa trong cội nguồn văn hóa Hy Lạp, Phục
hưng của văn học phương Tây với truyền thống ngợi ca đến mức tín ngưỡng cái đẹp
nhục thể trong truyền thống văn hóa Nhật Bản.
“Nàng mong manh như một giấc
mộng. Đó là một thiếu nữ châu Âu khỏa thân có mái tóc vàng óng. Nàng đã chết.
Nàng đang ngủ dưới một lớp băng” (chương 15). “Thiếu nữ trong băng mảnh mai và
dịu dàng như một giấc mộng... Yuko ngắm nhìn, không thốt nên lời, hoàn toàn bị
vẻ đẹp của nàng chinh phục (chương 16). Bức tranh người đẹp tóc vàng trong tuyết
ấy khiến ta không thể không liên tưởng đến bức họa khỏa thân nổi tiếng Venus
ngủ của Giorjtone thời Phục hưng. Thiếu nữ khỏa thân trong giấc ngủ nồng
có thể xem là đỉnh cao hoàn hảo nhất vẻ đẹp nhục thể của con người.
Sự gặp gỡ mỹ học tính dục nữ
Đông - Tây còn ở những chương tả cảnh Yuko làm tình với cô gái bên đài phun
trên tuyết và với Hoa Xuân giữa trời đêm tuyết trắng. Trong truyền thống văn
hóa Nhật Bản, vẻ đẹp nhục thể của người nữ là cái đẹp được tôn thờ và tuyết trắng
là sự thuần khiết tuyệt đối của vũ trụ trong nghi lễ Thần đạo - quốc giáo của
Nhật Bản. Và quan hệ tính dục chính là sự thăng hoa của tình yêu và cái đẹp nhục
thể. Còn chủ nghĩa nhân văn phương Tây từ ngàn xưa, đã ca ngợi vẻ đẹp nhục thể,
đã đưa nhu cầu và khả năng trần thế của con người lên mục tiêu đầu tiên của cuộc
đấu tranh vì con người, vì hạnh phúc có thật giữa trần gian!
Những phương diện và cấp độ
giao thoa trên như một lời giải thích vì sao Tuyết bé nhỏ, mỏng manh
như vậy, mà vẫn nhanh chóng trở một hiện tượng văn học sáng giá trong văn học
thế giới và trong thành tựu văn học dịch Việt Nam. Với Tuyết, M.Fermine đã
thật sự bắc được cây cầu ngôn ngữ không chỉ đi qua biên giới các thể loại, các
loại hình nghệ thuật, đáng quý hơn hết là đã nối liền được hai miền văn hóa
Đông - Tây xưa nay vốn ít nhiều cách biệt.
Sinh ra trên một đất nước nhiệt đới gió mùa, tôi có thật nhiều nắng, nhiều mưa,
nhiều gió, nhiều sương mù,và nhiều cả giông tố nữa... Nhưng chỉ thiếu tuyết!
Tôi thường mơ ước một lần trong đời được một mình giữa bao la tuyết, được ngước
mặt lên trời cao đón những bông hoa tuyết - bài thơ của vũ trụ - dịu dàng rơi
nhẹ xuống tay như tặng phẩm đầy yêu thương của Thượng đế vô hình. Và một ngày, Tuyết đã
lặng lẽ đến trên tay tôi, thật thanh khiết, trắng ngần, tinh khôi!.
Hoàng Xuân Vinh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 302,
tháng 8-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét