Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn

Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn
Đã từ lâu, cụm từ "Bút lửa Dzũ Kha" hay "Người giữ lửa thơ Hàn" trở nên khá quen thuộc trong giới truyền thông báo chí, văn nghệ sĩ và những người yêu thơ.
Trái sang: Gs. Thạch Nguyễn - Dzũ Kha và tác giả
Đặc biệt là thơ của chàng thi sĩ họ Hàn đầy tài hoa nhưng khắc khoải trong nỗi dày vò đớn đau vì một chứng bệnh nan y của những thập niên đầu thế kỷ trước.
Người giữ lửa thơ Hàn - bút lửa Dzũ Kha tếu táo với mọi người rằng: Dzũ Kha đọc thơ Hàn, chép thơ Hàn có đến hơn 30 năm rồi, nhưng vẫn không biết tiếng... Hàn! Trong góc quán nhỏ giữa lòng TP Quy Nhơn vào một sáng nắng thu ngập tràn êm dịu, mấy người bạn ngồi bên nhau nhấp ngụm cà-phê cười vui lúc con người yêu thơ Hàn Mặc Tử đến độ... nổi tiếng là Dzũ Kha đang "chơi chữ", khi chấm phá đôi nét về cuộc đời nhiều ghềnh thác truân chuyên của những chuyến đò thân phận đời mình.
Theo "khảo sát" và đánh giá của giới truyền thông, cho đến nay Dzũ Kha là một cuốn từ điển sống độc nhất vô nhị về cuộc đời và thơ ca của Hàn Mặc Tử, bởi anh có thể đọc thuộc lòng cả trăm bài thơ hoặc nói vanh vách về thân thế, sự nghiệp và những mối tình đã đi vào huyền thoại thi ca của một thi nhân tỉnh trí nhưng viết tập "Thơ điên", giữa sự giày vò và thân xác bị bào mòn bởi bệnh tật. Đó là nhà thơ Hàn Mặc Tử đầy tài hoa nhưng bạc mệnh. Ông đi vào cõi vĩnh hằng một cách thầm lặng tại trại phong Quy Hòa, Bình Định, ngày 11-11-1940, khi mới 28 tuổi, giữa vòng tay nhân ái của các Soeur và những người phục vụ.
Hàn Mặc Tử đã không ngờ rằng và chắc chắn cũng không ai ngờ rằng hậu thế lại có nhiều người yêu thơ Hàn, nhưng đặc biệt có một người yêu thơ Hàn đến tận cùng của sự dâng hiến. Người đó là Dzũ Kha. Dzũ Kha là cách nói trại âm từ tên thật của anh là Trương Vũ Kha, quê quán Phù Cát, Bình Định. Khi yêu một ai đó, người ta có những cách thể hiện theo những cung bậc khác nhau. Yêu thơ cũng vậy. Nhưng cách yêu thơ Hàn Mặc Tử của Dzũ Kha là cách yêu thơ của người tài dành cho một tài năng khác lớn hơn.
Ai nói Dzũ Kha không tài? Khi anh đã tìm ra một cách riêng, không giống ai để hâm nóng, để đốt cháy và để truyền bá thơ Hàn Mặc Tử trong cõi nhân gian này. Bút lửa tuy không lạ, bởi nhiều người trước Dzũ Kha đã sử dụng. Nhưng khi bút lửa được anh dùng để "vẽ" thơ Hàn Mặc Tử trên những miếng gỗ thông thơm tho tươi mới thì đó là nghệ thuật của riêng anh. Biệt tài này của anh đã được báo giới tôn vinh là "Bút lửa Dzũ Kha", không nhầm lẫn với một bút lửa nào khác.
Đứng tại nơi mà người ta gọi là lều cỏ, lều tranh, lều thơ hoặc lều Dzũ Kha, mới thấy được sức hấp dẫn của anh trong việc truyền bá thơ Hàn. Tôi quay mặt, khi một người phụ nữ trong đoàn khách vừa đến tham quan cách đấy không lâu thốt lên rằng: Hết tiền rồi, không thì mua nữa... Sau đó, người phụ nữ này bước ra khỏi lều và khệ nệ lên xe với những vần thơ Hàn Mặc Tử được bút lửa Dzũ Kha thổi hồn lên những phiến gỗ, vừa được đóng gói cẩn thận. Nếu chỉ yêu thơ Hàn, đọc thơ Hàn thì người ta có thể mua một tập sách, vì trong sách gần như có tất cả những gì cần biết. Nhưng khi người ta mua thơ Hàn trên một sản phẩm, thì đó là tài năng của Dzũ Kha. Điều đặc biệt là Dzũ Kha chỉ viết thơ Hàn trên những sản phẩm "thương mại" của mình mà thôi.
Lều cỏ của bút lửa Dzũ Kha trên đồi Thi Nhân.
Khi gặp bạn bè văn nghệ các nơi tìm đến hoặc những ai đó kính trọng thì Dzũ Kha không ngần ngại đề tặng các tác phẩm và sách của mình để làm lưu niệm. Dzũ Kha đúng là một nghệ sĩ đích thực với cái nghĩa của từ này. Bởi bán mua không phải là mục đích của anh. Đó chỉ là cơ hội để cho anh tái đầu tư trong sự nghiệp yêu thơ Hàn và truyền bá thơ Hàn mà thôi. Hãy nghe anh trải lòng trong bài thơ "Thỏa lòng" của mình: "Phồn hoa náo nhiệt lãng quên/ Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn/ Đông về, thu lại, xuân sang/ Cùng ai với ánh trăng vàng biển khơi/ Thỏa lòng đổi trót cuộc chơi/ Chỉ mong tìm lấy một đời thường thôi".
Gần 5 năm trước, trong hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, tôi có may mắn tham dự đại hội và hội nghị Nội khoa toàn quốc lần thứ VI tại TP Quy nhơn, Bình Định. Tại đây tôi gặp giáo sư Thạch Nguyễn, một chuyên gia tim mạch hàng đầu của Hoa Kỳ, là người gốc Việt. Biết ông là người cũng rất yêu thích thơ Hàn Mặc Tử, tôi đưa ông lên Đồi Thi Nhân tại Ghềnh Ráng để viếng mộ thi nhân. Giáo sư Thạch Nguyễn mang theo hoa đặt lên mộ Hàn với một tình cảm rất trân trọng. Dịp đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp bút lửa Dzũ Kha. Hình như, hồi đó lều cỏ, lều thơ của anh cũng hãy còn vắng vẻ. Tôi thấy anh cặm cụi viết vẽ chỉ có một mình. Khi khách đến, anh sẵn sàng ngừng công việc để ngay lập tức nhập vai là người làm "PR" cho thơ Hàn Mặc Tử. Mặc dù trước đó tôi đã đọc một số bài báo viết về Dzũ Kha, nhưng cho đến khi gặp anh tôi mới cảm nhận được niềm đam mê, sự bùng cháy đến tận cùng của một trái tim riêng dành cho một trái tim. Người ta nói Dzũ Kha sinh ra là để cho Hàn Mặc Tử hoặc Hàn Mặc Tử sinh ra là để cho Dzũ Kha. Nói cách nào chúng ta cũng đều thấy có cái lý mà dường như Tạo Hóa đã sắp xếp trong cõi đời mênh mang này rồi.
Men theo dốc Mộng Cầm vòng quanh đồi Thi Nhân vào một buổi chiều nắng hãy còn chấp chới. Ghềnh Ráng rực rỡ như tên gọi của nó. Sóng thầm thì như khúc hát ru, vỗ về nỗi đau của người muôn năm cũ. Gió và tiếng thông reo xạc xào như nói lời yêu thương của những người tình đã đi qua đời thi sĩ họ Hàn. Đó cũng là tiếng lòng của người muôn sau đến để đồng cảm, chia sẻ với thi nhân. Bất chợt, tôi hiểu rằng nếu bên mộ Hàn Mặc Tử mà không có căn lều nhỏ của Dzũ Kha dựng lên từ hơn 30 năm trước thì đồi Thi Nhân sẽ thiếu thốn, quạnh quẽ biết biết nhường nào.
Theo http://www.xaluan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...