Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Nơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi

Nơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi
Vậy là anh Nguyễn Quân - nhà thơ của “bến quê”, của “vầng trăng khuyết”, của “nợ và duyên”, của “những câu thơ mất ngủ” đã ra đi! Nguyễn Nho Khiêm - Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng và nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên vừa cho tôi biết cái tin buồn ấy lúc tôi đang ở Trung Mang (huyện Đông Giang). Và tôi đã cố gắng để về kịp cùng với anh chị em trong Hội đến quây quần bên Anh trong lễ viếng sáng nay.
Tôi biết anh Quân từ những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước. Lần đầu chúng tôi gặp nhau ở nhà anh Ngân Vịnh. Tình cờ tôi đến chơi đúng lúc hai anh đang nói chuyện với nhau về thơ. Tôi ngồi nghe. Ngay lúc đó tôi đã có ấn tượng về Anh và thơ Anh. Chẳng bao lâu sau anh em đã “kết” nhau. Có bài thơ nào mới viết, hoặc được đăng, hay được giải, anh liền gọi đến báo cho biết với sự vui mừng hồ hởi. Thỉnh thoảng hai anh em còn gọi đến nhà nhau chuyện trò, trao đổi đôi điều về thơ. Đối với tôi, Nguyễn Quân là người “đi trước”, người anh về nhiều phương diện, đương nhiên trong đó trước hết là thơ. Đôi lần tôi đùa, gọi anh là “thi bá”, anh cũng cười vui “thế à”. Lúc ấy tôi càng thấy anh thật và hiền, dễ thương lạ..
Anh yêu thơ, đau đáu một đời với thơ. Anh viết rất bền với một bút lực thật đáng nể. Tôi nghĩ: Anh đi rồi, nhưng những tác phẩm không ít Anh để lại cho đời, chắc sẽ còn khá nhiều bài được đông đảo công chúng bạn đọc, bạn thơ xa gần biết, nhớ và nhắc đến với những tình cảm và nghĩ suy chia sẻ, tâm huyết. Thơ Anh không óng chuốt, mượt mà, kiểu cách, mà gân guốc, nhưng chắc và đằm sâu, đúng là tiếng nói nhiều suy tư của một con người trải nghiệm., luôn trăn trở, day dứt về nỗi đời, nỗi người. Thơ Anh chính là con người Anh, cuộc đời Anh. Anh nói cho mình và cho cả nhiều phận người.Vì vậy có những câu thơ đã làm Anh mất ngủ như anh đã từng nói trong thơ.
Tôi có hai kỷ niệm nhỏ với Anh. Hồi tôi đang công tác ở Trường Chính trị, một buổi chiều, hình như khoảng tháng 7, tháng 8 gì đó, gần ngày Quốc Khánh năm 2003, Anh đến “để gặp một chút vì nhớ quá” - anh nói vậy. Nhưng lúc ấy tôi đang giảng bài, Anh lặng lẽ ngồi ngoài sân chờ khá lâu. Đến giờ nghỉ giải lao, tôi mới biết. Anh đưa tôi xem bài thơ “Nơi cuối con đường” và bảo “Mình sẽ đưa nó vào tập thơ sắp in” Tôi đọc đi đọc lại bài thơ, thấy xót xa quá. Bài thơ đầy tâm trạng.
Nhìn trước trông sau chỉ một mình thôi
Anh vạn lần cô đơn
Vạn lần khắc khổ
Xin ai đó đừng nhìn anh trách cứ
Anh cố sống khi biết mình không chết
Nơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi
Những câu thơ nghe như cứa ruột gan mình! Lúc đó một ít học viên đang ngồi chơi chung quanh, họ biết Anh và đến chào một cách thân mật, kính trọng. Họ tỏ ý thích thơ Anh. Bất giác tôi liền nảy ra một ý nghĩ và hỏi Anh:”Vào lớp, em giới thiệu và mời anh đọc thơ cho anh chị em nghe, được không?” Anh có vẻ ái ngại. Tôi dứt khoát: “ Thôi, rứa nghe. Anh chuẩn bị chừng 3 - 4 bài, những bài anh cho là hay nhất” Anh đồng ý: “ Thôi, cũng được”. Vào lớp, nghe tôi giới thiệu, tất cả vỗ tay nồng nhiệt. Anh bước lên, xúc động. Rồi với giọng khàn khàn, Anh đọc rất diễn cảm liền một mạch 4 bài thơ anh tâm đắc. Phải nói rằng tôi chưa bao giờ nghe Anh đọc thơ hay như bữa đó. Khi tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người vừa dứt, Anh bước xuống, lại nắm lấy tay tôi: “cảm ơn” mà mắt rưng rưng như muốn khóc.Tối đó, anh còn gọi điện sang, cám ơn tôi lần nữa và nói rằng Anh rất may mắn và lấy làm hạnh phúc về sự việc khi chiều.
Khoảng đầu năm 2006, tình cờ tôi thấy trên Tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên - Huế) bài thơ “Hòn đá - mảnh chai” của Nguyễn Quân. Bài thơ như sau:
Ông cúi nhặt những mảnh chai
Nghĩ đến bàn chân không dép, không giày
Hòn đá lăn lóc trên đường kia
Ông lo có người vấp ngã…
            Hẳn đường đời ông qua
            Chân từng đạp những mảnh chai – hòn đá
            Đã cắt đứt thịt da
            Đã bao lần vấp ngã?
            Đâu chỉ có hòn đá
            Đâu chỉ có mảnh chai
            Ông đang đi giữa thế gian này
Đọc bài thơ tôi nghĩ ngay nó là của Anh. Tôi liền gọi điện hỏi, thì đúng là vậy. Một tuần lễ sau, tôi gởi ra tạp chí trên bài thơ “Gởi người nhặt mảnh chai”, dưới có câu đề tặng Nguyễn Quân – tác giả bài thơ “ Hòn đá - mảnh chai”. Tôi không nói trước với Anh việc này vì muốn tạo cho anh sự bất ngờ nếu bài thơ được sử dụng. Chẳng bao lâu sau, bài thơ ngắn ấy được đăng:
            Ông
            Vì thương người cúi nhặt những mảnh chai
            Và lo cho những hòn đá…
Ông đã bao lần đứt chân vấp ngã
Liêu xiêu trong đời?                              
            Nhưng làm sao ông ơi
            Hòn đá, mảnh chai trên đường đâu phải ít
Dưới lớp cỏ xanh kia
Trên mặt nhựa phẳng lì, thẳng tắp…
Ông nghĩ gì?
Và như ông biết, đường đời
Đâu chỉ có mảnh chai, hòn đá.
Đâu chỉ làm ta đứt chân, vấp ngã
Đường còn dài
Tuổi ông bóng xế
Lòng tôi cơn gió heo may
Tôi rất vui vì qua một tạp chí văn nghệ tôi gởi được tiếng lòng “tri âm”, “đồng thanh tương ứng” của mình đến với tác giả bài thơ mà tôi yêu thích. Sáng đó tôi định gọi đến Anh để cho Anh biết cái tin vui này. Nhưng ngay lúc ấy Anh lại gọi đến tôi trước. Hai anh em nói chuyện với nhau chút ít rồi hẹn gặp. Tôi nhận nhuận bút 70.000 đồng, liền sang mời Anh đi ăn mì Quảng ở đường Hà Huy Tập. Anh tỏ ý rất tâm đắc với bài thơ của tôi, nhưng còn bâng khuâng ở khổ thơ cuối. Anh nhìn tôi bằng đôi mắt to, nghĩ ngợi và vừa nói vừa lắc đầu: “đời vô đạo quá mà”. Anh hay dùng từ “vô đạo” để chỉ những hiện tượng xấu xa, tệ hại của người đời. Tôi hiểu thái độ của Anh khi phải dùng cái từ ấy. Đọc thơ Nguyễn Quân tôi sớm nhận ra cái “ghét thói mạc như nhà nông ghét cỏ” của Anh. Thường là vậy, khi người ta yêu cái tốt, cái thiện lương, cao cả bao nhiêu, thì người ta cũng ghét cái xấu, cái ác, cái hèn bấy nhiêu.
Những năm gần đây tôi ít đi và cũng ít viết do mắt kém quá. Vì vậy anh em cũng hiếm khi gặp nhau. Khoảng giữa năm nay Anh gọi đến nhắc và động viên tôi cố gắng viết. Còn Anh, thì Anh bảo: “Mình vẫn túc tắc vậy. Viết đối với mình như một sự trả nợ, chẳng thể nào không được. Nhưng dạo rày mình cũng yếu rồi. Thôi thì được đến đâu hay đến đó”. Nghe Anh nói vậy tôi thoáng chút suy nghĩ và sực nhớ ra là Anh đã ngót nghét 80 rồi. Tự nhiên tôi nghe lòng man mác buồn.
Nhà thơ Nguyễn Quân đã ra đi.
“Nơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi”. Câu thơ nặng trĩu nỗi niềm trên lúc này xin cho tôi được vận dụng nó vào đây để hiểu nó thế này có được chăng? Cái con đường trần gian ngắn ngủi mà quá nhiều gai góc, truân chuyên Anh Quân đã đi trọn rồi. Giờ Anh bắt đầu bước vào con đường mới, con đường mà nghe người ta nói nó bằng phẳng và bình yên lắm, không có ổ gà, ổ voi, mảnh chai, hòn đá và cả những đứa “vô đạo” nào làm Anh phải bận tâm lo lắng như ở trên này, để Anh được vào một miền chỉ có toàn những chuyện vui, vui tuyệt đối; một cõi sống lâu dài bất tận, chẳng cần phải nói trăm năm. Ở cái “miền  cực lạc”, “cõi vĩnh hằng” đó, bên chén rượu, ấm trà rất chi là thơm ngon Anh tiếp tục làm thơ, những bài thơ thật hay, thật sảng khoái, toàn nói về những gió, mây, trăng, hoa, núi, sông, cây cỏ và nói về người toàn là những chuyện hay ho, tử tế.
Nếu quả thực được như vậy thì tôi chẳng hề buồn và cũng chẳng cần phải chúc, phải cầu mong gì cho Anh cả, mà chỉ nói lời vĩnh biệt Anh với niềm thương nhớ khôn nguôi thôi.
Anh Nguyễn Quân ơi, tôi nói với mọi người về Anh, về những kỷ niệm của anh em mình như vậy, đúng không Anh?.
Đà Nẵng đêm 17 tháng 12 năm 2012
 Hoàng Thanh Thụy
 Theo http://vannghedanang.org.vn/n

1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...