Tư tưởng của con người là thực tại không có hình dáng, mà
Hannah Arendt gọi là không nhìn thấy được, tức là cõi vô hình. Bài viết này cố
gắng khai phá thêm con đường đó theo hướng ứng dụng để tiếp cận tư tưởng tiền
nhân dân tộc.
Khi nghiên cứu tư tưởng của một người là ta đã chạm đến một
góc sâu kín nhất trong thế giới này: cõi vô hình. Phương tiện để đi vào đó
không còn là những phương pháp suy luận mà ta vẫn dùng để thao tác trong cõi hữu
hình. Khi đi từ những gì hiện hình sang những gì ẩn hình, thực ra đối tượng của
ta vẫn là vật thể hữu hình, chỉ đơn giản là dùng tư duy theo kiểu vật lý để suy
ra cái hình thể đang bị che khuất mà thôi. Còn cõi vô hình thì có phơi bày ra
ngay trước mắt ta vẫn không nhìn thấy nếu thiếu phương pháp tiếp cận, như là bằng
tư duy triết học.
Vật chất quanh ta vốn tồn tại trong trạng thái của một vật thể
mang hình dạng. Hình dáng đó có thể cố định như một khối sắt, hay biến đổi tùy
theo vật chứa như nước, hoặc liên tục nhảy múa như lửa. Đó là những hình dạng
mà mắt thường có thể trông thấy được, gọi là hiện hình. Có trường hợp vật thể bị
một vật thể khác che khuất – ví dụ đồ đạc trong nhà sau cánh cửa, hay chiếc ghế
bị phủ khăn - cần phải mở cửa bước vào, hay suy đoán từ đường nét ẩn hiện. Cũng
có trường hợp vật thể có hình dạng rõ ràng - như các phân tử vật chất cấu thành
nên không khí xung quanh ta - nhưng cần phải nhờ sự trợ giúp của các thiết bị
đo lường thì ta mới có thể nhận biết rõ ràng chính xác được, gọi là ẩn hình.
Hiện hình và ẩn hình là hai trạng thái của thực thể hữu hình.
Còn thực thể vô hình thì dù có dùng hết mọi phương pháp suy luận thì vẫn không
thể nào xác định được hình dạng, bởi vì tính chất vốn dĩ của nó là vô hình. Ta
có thể lấy ví dụ về một bức tượng, là một thể hữu hình, mà khi bị che khuất ta
có thể nhờ người chụp ảnh hay mô tả để nhận biết hình dạng của nó. Nhưng ý
nghĩa của bức tượng là điều mà ta hầu như không thể nào dùng suy luận để xác định
hình dáng cho được. Ý nghĩa đó nằm trong tâm thức của người làm ra bức tượng,
nhưng cũng hiện hữu cả trong tư duy của người đặt hàng dựng tượng, lẫn trong cảm
nhận của người nhìn ngắm bức tượng đó. Có thể thời gian không làm bức tượng suy
suyển, nhưng lịch sử làm thay đổi tư duy của xã hội và làm biến mất phần tư tưởng
vô hình gắn liền với bức tượng đó.
Đường vào cõi vô hình cũng chính là con đường đi từ vật chất
đến ý thức của con người, chỉ khác là chiều ngược lại theo trục thời gian. Mác
đã nghiên cứu và trình bày rất thành công con đường hình thành nên ý thức của
loài người nhờ chế tạo công cụ sản xuất, làm chủ vật chất, và tiến lên xây dựng
xã hội. Thế nhưng triết học của Mác thiếu vắng phần phương pháp giúp nhà triết
học đi ngược chiều lịch sử, tìm gặp lại hệ tư tưởng vô hình từng gắn với vật thể
trong quá khứ, hay kể cả trong hiện tại. Sử gia Mác-xít đương đại Eric Hobsbawm
nói rằng xã hội loài người được duy trì nhờ lòng tin vào một điều ảo nào đó, ví
dụ như các tư tưởng về luật pháp. Thực vậy, bộ luật là một thứ văn bản bằng vật
chất cố định, nhưng ý nghĩa của nó lại nằm trong thế giới vô hình của tư duy,
khi mỗi cá nhân và cộng đồng có thể diễn giải khác nhau và chấp nhận với mức độ
khác nhau, tùy thuộc vào tọa độ địa lý và lịch sử. Triết gia Hannah Arendt đã mở
ra một cánh cửa quan trọng để giúp ta từng bước đi vào thế giới đó, khi bàn đến
sự hữu hình và vô hình của thực tại. Từ đây ta có thể thử khai phá để đi tiếp
vào chốn vô hình đó.
Trước hết, tái dựng tư tưởng trên cơ sở vật chất còn lại từ
quá khứ vốn là nhiệm vụ khoa học nằm ở giao điểm của ba ngành: khảo cổ, lịch sử
và nhân học, với tư tưởng triết học của Immanuel Kant trong pho sách về nhân học
là con đường khai mở cho tư duy. Một trong số những cầu nối quan trọng cho phép
ta đi từ cõi hữu hình sang chốn vô hình là trạng thái đột biến của cảm xúc, vốn
luôn đi theo cặp: vui - buồn, khổ - sướng, đau - khoái v.v... Các trạng thái đối
nghịch đó là hai mặt mâu thuẫn của một cảm xúc được thăng hoa từ nhận biết của
giác quan. Nghe một khúc nhạc buồn là điều kiện để ta biết thế nào là nghe một
đoạn nhạc hay. Xem môt cảnh sống buồn khổ là điều kiện để ta biết thế nào là được
sống vui sướng. Cảm giác đau đớn trên cơ thể là điều kiện cần thiết để cơ thể
con người ta biết nhận ra cảm xúc khoái lạc. Nghe, xem, nếm, ngửi và sờ là cảm
nhận nơi miền hữu hình của 5 giác quan, còn cảm xúc là cầu nối đưa cảm giác đó
thăng hoa sang miền vô hình.
Tương tự vậy, khi nhìn vào một bức tượng ta tự nhiên sẽ nảy
sinh cảm xúc đánh giá bức tượng này đẹp hay xấu, tức là có hợp nhãn (vừa mắt)
hay không, tức là xem tư tưởng được thể hiện cùng với bức tượng đó có phù hợp với
quan niệm của ta về cái đẹp hay không. Khi đặt mình vào không gian di tích là
ta đã tự động cảm nhận và đánh giá tư tưởng của tiền nhân bằng máy đo là chính
bản thân mình. Thế giới vô hình ở bên ngoài được nhận biết bằng chính giác quan
của ta và ghi nhận thông qua thế giới vô hình đang hiện hữu trong chính tư duy
của mỗi chúng ta. Xuýt xoa thán phục và chụp lại một bức ảnh mà ta nghĩ là đẹp ở
nơi di tích, hay thắp một nén nhang kính cẩn nơi điện thờ, đó chính là cái khoảnh
khắc mà ta đã - nhờ có cảm xúc mà - chạm được vào cõi vô hình đó.
Nếu sử gia dựa vào văn bản để ghi lại câu chữ bên ngoài của
tư tưởng, nhà khảo cổ dựa vào phế tích để tái dựng lại quan niệm cuộc sống
trong quá khứ, nhà nhân học tổng hợp tất cả những gì thu thập được để tái hiện
lại một nền văn hóa, thì triết gia tự tìm hiểu chính tư duy của mình để bước
vào thế giới vô hình đó bằng cảm xúc trước cái đẹp (và tất nhiên là cả trước
cái xấu - mặt ngược lại và là cặp song sinh của cái đẹp - nữa). Tự mình tha thẩn
trong không gian kiến trúc cảnh quan mà tiền nhân để lại chính là cách để mà ta
giao tiếp với tiền nhân. Các nghệ sĩ đương đại triển lãm sắp đặt để hướng ta
vào dòng suy nghĩ mà họ đã mã hóa sẵn trong không gian đó; tiền nhân xây lăng mộ
cũng là cách để gửi gắm tâm nguyện vào hậu thế, chờ ta đến khám phá.
Không chỉ đến thời văn minh Ai Cập, Hy Lạp và La Mã hay Trung
Hoa người ta mới biết thể hiện tư tưởng qua kiến trúc và tượng đài. Từ cổ xưa
con người đã sử dụng hình ảnh và ký tự làm biểu tượng. Con người cần hệ thống
khái niệm để trình bày tư duy của mình, cho nên phân tích văn bản giúp ta khái
quát nhân sinh quan của tiền nhân. Vấn đề không phải là tìm bằng chứng như các
phương pháp của sử học và khảo cổ, hay diễn nghĩa áng thơ xưa như các phương
pháp nhân văn, mà là cảm nhận cái luồng tư tưởng nằm giữa hai dòng chữ, cái ý tứ
nằm đằng sau bốn câu thơ. Cùng một bài Đường thi của Minh Mạng, nhưng Những người
bạn cố đô Huế khi dịch sang tiếng Pháp rồi nay dịch sang tiếng Việt đã diễn giải
hoàn toàn khác với nội dung mà lứa hậu sinh sau này chuyển trực tiếp sang quốc
ngữ, và chắc là còn khác xa cách mà con người thời đó hiểu và giảng Nôm. Nhiệm
vụ của triết gia là phải vượt qua giới hạn về quan điểm chính trị, lập trường
tư tưởng, và hiểu biết của thời đại để đi vào sâu bên trong cõi vô hình, rồi mô
tả một cách chân thực nhất.
Và triết gia không chỉ dừng lại ở tư tưởng của một con người.
Con đường của ngành triết nhân học là phải đi đến bản chất của tư tưởng
nhân loại - phần lõi của cõi vô hình. Khi chọn một nhân vật lịch sử để tiếp cận
tư tưởng là ta đã đồng thời chọn một điểm tiếp xúc để tiếp cận cả một góc xã hội
thu nhỏ xung quanh đó. Một vị vua không đơn giản là người có quyền lực làm thay
đổi xã hội, mà thực ra bản thân chính là kết quả và sự lựa chọn của chế độ đó.
Ngay cả trường hợp anh ta lên ngôi vua nhờ là con cả của vị vua vừa thoái vị
vào chùa tu, thì đó là biểu hiện mang tính đại diện cho cả một xã hội lúc bấy
giờ: tin vào chế độ phụ hệ, nghĩ rằng người con đầu có quyền thừa kế quyền lực,
chỉ cho phép đàn ông làm chính trị v.v... Tôn giáo của hoàng gia cũng ảnh hưởng đến
tín ngưỡng trong dân chúng và quy tắc lễ nghĩa trong cuộc sống hàng ngày.
Đó là chưa kể ông vua cũng chỉ là một biểu hiện bề ngoài của
đấu trường chính trị mà nhiều lúc do chính phụ nữ trong hậu cung định đoạt, như
trong bộ phim Nữ Nhân Thiên Thượng (Đàn bà trên đời) nổi tiếng của Hàn Quốc.
Vua trong hệ thống đạo Khổng từ nhỏ đã phải khép mình vào khuôn khổ đạo đức,
cân nhắc từng lời ăn tiếng nói, và đến khi lên ngôi vẫn phải tiếp tục giữ đạo
hành nhân, cư xử sao cho quang minh chính đại, tu dưỡng để thành chính nhân
quân tử. Nghiên cứu tư tưởng của một con người còn là nghiên cứu quá trình hình
thành và tiếp nhận tư tưởng đó trong suốt cuộc đời của con người đó, đi cùng
bao thăng trầm biến đổi của lịch sử và xã hội.
Như vậy, cõi vô hình luôn chờ sẵn mỗi khi ta biết thăng hoa từ
những bậc thang tri thức trong miền hữu hình, bước vào bằng cảm xúc về cái đẹp,
bằng hệ thống khái niệm đã trở thành nhân sinh quan, và qua những mối quan hệ
xã hội đã trở thành tiêu chuẩn ràng buộc luân lý đạo đức của giai đoạn lịch sử
đó. Đây không chỉ là con đường bước vào thế giới tư tưởng của tiền nhân, mà còn
là đường hành hương về bản sắc của chính chúng ta trong vai trò của một nhà triết
học trong dòng lịch sử dân tộc. Đường vào cõi vô hình cũng luôn có những ngã rẽ
để bước xuống và quay trở lại (hay bước lên và đi tiếp vào?) thế giới vật chất
hữu hình qua các mối quan hệ xã hội, văn bản, và cảnh quan. Ta có thể bị mất dấu
và lạc được, bị hất ra khỏi miền vô hình, nhưng biết đâu cũng có thể là đã vừa
tìm thấy được thêm một chiếc cầu nối giữa hai miền tư duy. Đường đi vào quá khứ
thực ra cũng chính là đường tìm đến tương lai, trên sa mạc hậu hiện đại luôn biến
đổi trong trạng thái lỏng, như triết gia hậu Mác-xít đương đại Zygmunt Bauman từng
mô tả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét