Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Từ nước đến gió

Từ nước đến gió… 
(Đọc Giấu vàng trong gió thu, Chân dung văn học 
Đàm luận văn chương của Khuất Bình Nguyên, 
Nxb Hội Nhà văn, 2019)
1. “Thi thoại” và phê bình văn chương
Nền văn hóa Trung Hoa đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa Việt Nam hàng nghìn năm nay, đó là một thực tế khách quan không thể phủ nhận. Tùy Viên thi thoại của Viên Mai  (1716-1797), đời Thanh chắc chắn đã đến Việt Nam rất sớm (thi sĩ nhấn mạnh: “Thi thoại không giống thi tuyển. Thi tuyển chỉ chép những bài thơ hay mà thôi, còn thi thoại phải dẫn chuyện liên quan đến bài thơ ấy rồi mới chép thơ”). Phê bình văn chương theo thể văn thi thoại đã có tiền lệ ở Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước, tiêu biểu như Chương Dân thi thoại (1932) của Phan Khôi. Bẵng đi một thời gian khá dài, thể văn phê bình này (nhất là phê bình thơ) có vẻ như vắng bóng trên văn đàn hiện đại vì rất nhiều lý do khách quan và chủ quan. Riêng quan sát của tôi, trong tác phẩm của Đặng Tiến (Vũ trụ thơ I, II), thể văn phê bình thi thoại đã được vực dậy, có cơ hội phục sinh. Nó có hơi thở của đời sống nghệ thuật, của “phía sau tấm huân chương”, của cách nhìn sự vật không phải từ một phía, mà từ hai phía, thậm chí nhiều phía (lập thể chẳng hạn). Từ người làm thơ (với 5 tập thơ có dấu ấn trên thi đàn đương đại), Khuất Bình Nguyên đồng thời thực hành phê bình thơ, và anh đã thành công với Giọt nước trong lá sen (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2016) và Giấu vàng trong gió thu (2019). Cả hai tác phẩm anh đều tin tưởng gửi gắm và ký thác đứa con tinh thần của mình cho nhà xuất bản Hội Nhà  văn. Tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm viết phê bình văn xuôi, nhưng thường là cách/ phương pháp bám chắc lấy tác phẩm, quan tâm đến cấu trúc và nhịp điệu, nhân vật và cốt truyện, ngôn ngữ và giọng điệu. Nhưng quả thực còn ít chú ý tới những gì bên ngoài, đôi khi có vẻ xa xôi, mơ hồ song có liên quan mật thiết đến tác giả, tác phẩm như cách viết của Khuất Bình Nguyên. Đúng là “học thầy không tày học bạn”, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi cũng đã viết Thạch Lam -người chắt chiu cái đẹp (trong sách Thạch Lam - văn chương và cái đẹp, Nxb Hội Nhà văn, 1994), nhưng khi đọc Trở lại với Thạch Lam của Khuất Bình Nguyên (mà tôi cho là một trong những bài phê bình thi thoại hay nhất trong tập), thì vẫn có cái nhã thú văn chương khi được nhấm nháp cái dư vị của “đi tìm nhà - cây - liễu của Thạch Lam ở đầu làng Yên Phụ” (trang 25 đến 27). Nếu có thể nói đó là sự kỳ khu, tinh tế của lối viết quyết tâm đi đến tận cùng sự vật, sự việc. Không chỉ có tình mà còn có cảnh. Không chỉ có người mà còn có việc. Không chỉ có nhất thời mà còn vĩnh cửu. Không chỉ nhìn sự vật từ một phía mà nhìn “lập thể” nó. Nói thế không phải là trường hợp duy nhất. Có thể thấy Khuất Bình Nguyên đã dụng công viết phê bình theo thể văn thi thoại thành công trong những thiên về Bích Khê, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,...
Có vẻ như thể văn thi thoại đắc dụng hơn trong sự viết khi Khuất Bình Nguyên tiếp cận những người ở/ từ “xa” (như vừa kể trên) hơn những người ở/ từ “gần” (như Chính Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Trần Vũ Mai, Trần Đăng Khoa, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Lãng Thanh,...). Vì sao? Tôi nghĩ, những người ở “gần” có lẽ đã dư thừa thông tin với độc giả hôm nay vốn rất thông minh, nhưng hơi khó tính và đôi khi tỏ ra...đỏng đảnh nhất thời. Nhưng vẫn có ngoại lệ (hiện tượng phong phú hơn quy luật chăng?) - đó là thiên 15 về Trần Đăng Khoa (Người suốt đời vác cây thánh giá tuổi thơ). Tôi đã so sánh bài viết về Trần Đăng Khoa của Hồng Diệu, Lê Thành Nghị, Khuất Bình Nguyên (dĩ nhiên là còn nhiều người khác viết về một thần đồng thơ, còn nói theo cách của Nguyễn Huy Thiệp thì đây là “người đang giữ y bát của văn chương nước nhà”, ghê chưa?!), thấy Khuất Bình Nguyên có lối tiếp cận riêng có biệt sắc, dẫu cho thiên này mới được viết vào năm 2016, như ai đó nói là dễ  dẫm lên dấu chân của người đi trước. Ví như bình một câu thơ của Trần Đăng Khoa làm khi chỉ mới 9 tuổi: “Cuốc kêu chưa dứt mà cành đầy hoa” (Hoa lựu, 1967), Khuất Bình Nguyên đã tìm được cách viết ngắn gọn mà không thiếu ẩn ý: “Một tiếng quốc kêu kéo dài đằng đẵng đã bao năm cả trong văn chương và thế sự để mùa hạ dứt ruột làm ra một cành lựu nở trong vườn. Sự nối dài từ âm thanh đến hoa cỏ để bày tỏ tâm trạng con người” (trang 169)
2. Viết bằng trải nghiệm văn hóa
Viết bằng trải nghiệm văn hóa là một phẩm chất cao của nghề chữ, không phải người cầm bút nào cũng thực thi được dẫu cho đôi khi nhiệt huyết như hỏa diệm sơn. Là đồng môn Văn khoa, Tổng hợp Hà Nội với tác giả, tôi biết Khuất Bình Nguyên mấy chục năm sống bằng hành nghề Luật nhưng âm thầm thương nhớ và đeo đuổi mộng văn chương. Nên mãi tận đến khi nghỉ hưu (2010) anh mới có cơ hội trả món duyên nợ văn chương. Nếu công việc của nhà văn là gói gọn trong ba chữ “đi - đọc - viết” (theo cách nói của Nguyễn Tuân) thì tôi thấy Khuất Bình Nguyên đã hội đủ. Công tác ở một vị trí cao trong ngành Luật, anh đã đi được nhiều hơn người bình thường cả trăm lần. Còn đọc thì từ hồi còn sinh viên Ngữ văn, Tổng hợp Hà Nội, tôi đã biết anh chịu khó giành lấy một góc dù nhỏ trong mấy “bồ chữ” của thiên hạ. Viết tuy có chậm hơn một số người nào đó, nhưng chậm mà chắc. Nghĩa là khi tái xuất trên văn đàn thì sớm thành công, thành danh. Nhiều người thường xuýt xoa khi được “ngó” cái thư phòng (phòng văn) của anh, rộng rinh và nào sách là sách, cao gấp hai đầu người.
Là nhà thơ trong xuất phát điểm nhưng anh rất chịu khó đọc tràn sang cả nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Không chỉ đọc sáng tác của đồng nghiệp đương thời, anh còn chịu đọc các nhà cổ điển cổ kim đông tây. Cái “phông”/ “nền”/ “căn cốt” văn hóa của người viết có độ rộng/ sâu/ cao theo thời gian. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh được gọi là trải nghiệm văn hóa của sự viết trong ý thức sử dụng tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo của tác giả. Những thiên hay về các nhà văn ở tầm “xa”, như đã nói ở phần trên, chứng tỏ năng lực đồng cảm - sáng tạo văn chương với ý nghĩa là nghệ thuật ngôn từ. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ thiên 9 - Hoàng Cầm mưa (trang 99 đến 109). Tôi (và có lẽ nhiều người khác) vốn rất dị ứng với ai đó viết phê bình thơ Hoàng Cầm (và nhiều thi sĩ tài danh khác) theo lối phê bình phân tâm học (đang là cái “mode”, như phê bình ký hiệu học vậy). Tôi cứ nghĩ, cái đẹp là sự  giản dị, cũng thế chỉ có phê bình hay và phê bình...không hay mà thôi. Đọc hơn một lần đoạn cuối thiên 9 - Hoàng Cầm mưa càng thấm thía, thú vị, nhiều dư ba: “Năm 2010, tôi theo anh em lên làng Diềm ở Bắc Ninh nghe hát quan họ cổ và xem cửa võng của đình làng ấy có mấy tầng mà cái ông Hoàng Cầm bạo hổ bằng hà dám viết váy trùng cửa võng. Sau mấy hồi quan họ và 7 tuần rượu trắng còn chưa dứt, tôi đọc một đôi lục bát làm quà: Làng Diềm ở giữa câu ca, để tôi đi mãi chưa ra cổng đình. Khi bái biệt, một người khách tang bồng trong số liền anh có đưa cho tôi mảnh giấy mỏng màu vàng điệp gấp tư nói là quý khách về xuôi qua bờ bên kia sống Đuống hãy mở ra xem. Tôi làm y như vậy. Đó là một bài đồng dao viết bằng mực tím. HOÀNG CẦM MƯA: Nào chảy đi/ hãy đi/ Sông Đuống ơi! Nghiêng về một bên/ Nghiêng một đời người/ Làm hạt mưa rơi/ Long lanh mắt ướt/ Tóc mưa nghiêng đầu/ Người về bến bạc Luy Lâu/ Đừng tìm chi nữa/ Người đi chưa trọn kiếp người/ Bến Lú/ Bên kia sông Giác/ Tuần du/ Chưa vợi khối tình/ Má hồng liền chị/ Tóc bạc thi nhân/ Đức vua than thở một mình/ Kìa mây nghiêng buồn chớp mắt/ Lênh đênh quán rượu vỉa hè/ Thuyền tình nửa tỉnh nửa mê/ Kìa mưa tái tê/ Là mưa ái phi/ Mưa là mưa lượt/ Ướt mềm bồng thi/ Mưa đi khép nép/ Người xa xa mờ/ Mưa về chưa vợi/ Nghiêng thuyền đợi thơ/ Kìa ai ngơ ngẩn một mình.../ Đám cưới chuột rải vàng giấy điệp” (trang 108-109). Đó là phê bình thi thoại chính hiệu, tôi nghĩ.
3. Phê bình văn chương thế giới mở
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng/ mở. Không thể co cụm theo lối ếch ngồi đáy giếng, con hát mẹ khen hay, vì ngoài trời còn có trời. Dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung. Theo ngọn gió lành của công cuộc Đổi mới (từ năm 1986), cái nhìn của chúng ta về các giá trị tinh thần ngày càng cởi mở hơn, khoa học hơn, nhân văn hơn trong lĩnh vực hoạt động khoa học xã hội và văn hóa nghệ thuật. Giấu vàng trong gió thu của Khuất Bình Nguyên gồm 19 thiên (tôi thích gọi thiên hơn là bài). Trong 19 thiên có đến 17 thiên viết về 19 tác giả/tác phẩm có “cũ”/  có “mới” (từ Thạch Lam, Bích Khê, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân,... đến Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Trần Vũ Mai, Trần Đăng Khoa); có “già” có “trẻ” (từ Thạch Lam, Bích Khê,...đến Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Lãng Thanh); có “Bắc” có “Nam” (từ Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Trần Mai Ninh, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt... đến Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên). Trong 19 gương mặt thi nhân thì chỉ còn 5 người đang sống và làm thơ là Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Trương Đăng Dung (ở trong nước), Tô Thùy Yên (nước ngoài). Trong 19 thiên, có 1 (thiên số 18: Cúc họa mi) dành cho Tạp chí Thơ (Hội NVVN) và 1 (thiên 19: Thi ca Việt Nam qua những miền kinh tuyến) dành cho hành trình thơ dân tộc 1000 năm. Theo tôi hai bài này không thuộc sở trường của Khuất Bình Nguyên. Thế mới biết dụng công sở trường không hề dễ với một cây bút có nội lực và trải trường văn trận bút, có thành tựu như Khuất Bình Nguyên. Vậy nên, phê bình văn chương thế giới mở không phải lúc nào cũng mở vô bờ bến (chẳng hạn khái niệm Chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến của một học giả nước ngoài một dạo như là món lạ, có vẻ tưng bừng với ta).
Thế giới mở là thế giới động thay cho thế giới tĩnh. Sở dĩ tôi đặt tựa cho bài viết TỪ NƯỚC ĐẾN GIÓ là vì Giọt nước trong lá sen và Giấu vàng trong gió thu có hai hạt nhân cơ bản là nước và gió. Cái đầu là nhu, mềm, mát, chu chuyển, nhưng không kém phần quyết liệt (nhất thủy nhì hỏa); cái sau cũng mát mẻ nhưng đà mạnh mẽ, thậm chí cuồng phong. Nghĩa là văn chương đa dạng và luôn vận động như chính bản thân tự nhiên. Như nước, như gió. Người phê bình cũng vì thế mà luôn phải vừa nhu, tĩnh vừa vững, động. Tôi nghĩ, Khuất Bình Nguyên là cây bút làm thơ, viết phê bình có phẩm chất của nước và gió. Nếu Giọt nước trong lá sen (2016) là dấu chỉ, cột mốc thì Giấu vàng trong lá thu (2019)là một sự bứt phá ngoạn mục của Khuất Bình Nguyên trong phê bình văn chương khi vận dụng sáng tạo thành công thể văn thi thoại truyền thống phương Đông, nhờ đó đã cung tiến độc giả những trang văn thấm đẫm nhã thú của chữ và nghĩa.
Hà Nội, tháng Tư, năm 2019
Bùi Việt Thắng
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...