Án lạ phương Nam 2
Cô dâu bị SIDA
Ra trước phiên tòa dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh
Cà Mau hôm ấy có nguyên đơn là chị Hồ Hồng Phấn, bị đơn là ông TVQ và người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà NTT. Điều oái oăm là bà T là mẹ chồng và
ông Q là cậu bà con bên chồng của chị Phấn. Cả ba đều ngụ tại xã KL, huyện U
Minh, tỉnh Cà Mau.
Phía dưới hàng ghế dành cho người dự khán phiên tòa có một phụ
nữ bồng một cháu bé hai tháng tuổi. Đó là mẹ ruột của chị Phấn đang ẵm cháu ngoại.
Ngồi bên cạnh bà là một chàng trai có khuôn mặt chất phác, hiền lành. Người ấy
là anh TMĐ, con ruột của bà T, chồng của chị Phấn.
Chị Phấn trình bày: Chị và anh Đ lớn lên, quen biết nhau rồi
thương yêu nhau. Chị ước mơ mở một tiệm cho thuê áo cưới và trang điểm cô dâu;
anh Đ ước mơ mở một tiệm bán đồng hồ và kim khí điện máy. Ấp 7 của họ ở ngay cửa
biển Khánh Hội, một cửa biển đánh cá đang phát triển của tỉnh Cà Mau, càng ngày
càng đông vui, nhộn nhịp. Đôi bạn trẻ tin rằng họ sẽ đạt được ước mơ. Và họ quyết
chí làm ăn.
Nhưng bà T, mẹ anh Đ, lại không muốn cho con trai bà cưới chị
Phấn. Ban đầu, bà tích cực cản ngăn con. Về sau, thấy anh càng ngày càng “lậm”,
bà tính đến một... đòn cân não. Bà bèn nhờ người em bà con là ông Q, Phó chủ tịch
Ủy ban nhân dân xã, loan tin giùm là “con Phấn bị bệnh SIDA’’. Chỉ có
vậy thì anh Đ mới ớn chè đậu mà chia tay với chị Phấn. Vậy là trong một buổi họp
của xã tổ chức, ông Q chính thức tuyên bố:
“Con Phấn ở ấp 7 bị bệnh SIDA".
Lời tuyên bố của ông Q nhanh chóng truyền đi khắp các xã dọc
tuyến sông Trẹm. Ngay đến các xã lân cận bên huyện Trần Văn Thời, người ta cũng
kháo nhau:
“Con Phấn bị bệnh SIDA.”
Nghe được nguồn tin tai hại ấy, bạn bè chị Phấn bắt đầu xa
lánh chị, hàng xóm ở chợ Khánh Hội cũng ít qua lại, gặp gỡ. Cái tiệm cho thuê đồ
cưới và trang điểm cô dâu nho nhỏ mới dựng lên được hơn một năm vắng hẳn khách
hàng. Chị Phấn vô cùng đau khổ, một mặt sợ mọi người chê cười, một mặt sợ anh Đ
ruồng bỏ. Điều may mắn là anh Đ vẫn thương yêu và tin tưởng chị. Đang đau khổ,
đang buồn thì cơn bão số 5 năm 1997 thổi qua, cuốn luôn cửa tiệm của chị ra biển
Khánh Hội.
Anh Đ cưới chị. Đám cưới diễn ra đơn sơ, bên phía nhà trai chỉ
có vài ba người tham dự. Riêng cái tin đồn tai hại ấy thì vẫn còn truyền miệng
và râm ran mãi trong dân gian. Chị Phấn bàn với chồng phải tự minh oan cho
mình. Chị đón tàu đò lên bệnh viện Cà Mau xin xét nghiệm máu tìm HIV
Kết quả xét nghiệm thật hùng hồn: Âm tính HIV.
Cầm kết quả trong tay, chị nộp đơn vào Tòa án nhân dân
huyện U Minh kiện ông Q đòi bồi thường thiệt hại vì đã loan tin sai sự thật,
làm chị bị thiệt hại về chuyện làm ăn, bị mang tai tiếng.
Tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án huyện U Minh chấp nhận yêu cầu của
chị Phấn, tuyên bố rõ chị Phấn không bị nhiễm HIV/SIDA, buộc bà T và ông Q phải
công khai xin lỗi chị Phấn trước nhân dân ấp 7, xã KL và phải bồi thường chi
phí khắc phục hậu quả do việc ông Q tung tin đồn là 500.000 đồng. Bị đơn TVQ chống
án.
Tại phiên xử phúc thẩm, bà T khai tin đồn chị Phấn bị SIDA là
do chính bà đưa ra và nhờ ông Q nói giùm. Mục đích của bà là muốn cho anh Đ
không cưới chị Phấn làm vợ. Ông Q cũng khai nhận là ông loan tin ấy trong buổi
họp của xã, tất cả các viên chức của các ấp đều nghe thấy. Tòa án tỉnh Cà Mau
buộc cả ông Qvà bà T phải thừa nhận rằng
"Phấn bị SIDA là sai sự thật”.
Trước phiên tòa, chị Phấn không đặt yêu cầu đòi bà T phải bồi
thường. Tòa án tỉnh Cà Mau sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc ông Q phải công
khai xin lỗi chị Phấn trước nhân dân ấp 7, bồi thường thiệt hại cho chị 650.000
đồng.
Một tháng sau phiên toà phúc thẩm, ông Q đã tự giác thi hành
án. Ông viết một bản tự kiểm khẳng định việc tung tin đồn chị Phấn bị SIDA là
sai sự thật, đọc trước nhân dân ấp 7 và xin lỗi chị Phấn. Ông cũng nộp đủ số tiền
đền bù cho chị trước sự chứng kiến của Đội Thi hành án huyện U Minh. Sau sai
sót đáng tiếc này, ông Q đã phấn đấu rất tốt. Ông được địa phương tín nhiệm, đề
cử lên chức vụ chủ tịch xã.
Thấy con dâu biết điều đối với mình, bà T cũng rất cảm động.
Ngày họ cưới nhau, bà giận không đến. Bây giờ họ đã có con, bà đến thăm con,
thăm cháu và nói chuyện với sui gia đều đều. Bà nhận ra một điều: Ngăn cản anh
Đ cưới chị Phấn là một chuyện sai lầm, bởi hai vợ chồng họ sống rất hạnh phúc,
buôn bán làm ăn rất căn cơ.
Ngày 9-3-2001, tôi về cửa biển Khánh Hội, ghé thăm gia đình
anh Đ. Trong niềm vui vì danh dự, nhân phẩm của vợ được luật pháp bảo vệ, anh Đ
vẫn còn lo dư luận rơi rớt đâu đó chưa được “giải độc” Anh nói:
“Rất mong ông lên tiếng giùm trên báo, nói rõ vợ tôi không bị
SIDA; gia đình chúng tôi là một gia đình lành mạnh, hạnh phúc”.
Tôi đã làm được điều ấy giúp anh chị.
Cứu người "quân tử" nhỏ
Tôi đến Nha Trang, lấy phòng, tắm rửa xong là điện ngay cho
tiến sĩ Lê Xuân Thân - chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa (nay là phó chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh). Thật may mắn, ông đang có mặt trong phòng làm việc.
Tôi xin ông một cái hẹn, ông mời tôi đến ngay.
Sau mấy câu xã giao, ông hỏi:
- Có gì không anh Biển?
Tôi cũng vào đề ngay, không rào đón:
- Thưa anh, tôi đến gặp anh là vì một thằng bé. “Thằng bé” mà
tôi vừa nói đã gây ra một vụ án oái oăm, lạ lùng. Cháu mới mười bốn tuổi, con một
gia đình nghèo ở ven biển Bình Thuận, học được chút ít rồi bỏ học, đi hái dừa
thuê kiếm mỗi ngày mươi ngàn đồng cho gia đình. Một hôm, cậu nổi hứng đập bể ống
heo lấy mấy chục ngàn để dành được, đi bụi ra tới Nha Trang. Nơi cháu đến là
phường Vĩnh Hải - một chợ cá nằm bên vịnh Nha Trang.
Có một chiếc xe đông lạnh từ Kiên Giang ra lấy cá. Người tài
xế hơ hỏng, bỏ xe đi và quên khóa cửa ca-bin lại. Chú bé dòm lên, thấy có một
cái bao vải dày, không biết trong đó đựng gì. Chú bèn leo lên ca-bin, bợ chiếc
bao và dông tuốt. Tìm đến một quãng vắng, chú mở bao ra xem. Trời ơi, toàn là
tiền. Chú bé suýt ngất đi khi nhìn thấy những xấp tiền giấy được cột dây thun,
xếp từng xấp, từng xấp. Số tiền lên đến 180 triệu đồng nhưng chữ nghĩa ít nên
chú bé hoàn toàn không hiểu được con số lớn lao đó. Đã trót thì chơi luôn, chú
đón xe... đi ngược vào thành phố Hồ Chí Minh.
Công an thành phố Nha Trang khởi tố vụ án trộm cắp tài sản
nhưng chưa xác định được nghi can. Trong thời gian ấy, chú bé thuê một căn
phòng nhà nghỉ trên quốc lộ 13 phường 26, quận Bình Thạnh và xài tiền như một...
ông vua nước Á Rập.
Hàng ngày, chú dạo chơi qua bến xe Miền Đông, thấy ai nghèo
khổ, ai đi xin đều gọi lại... cho tiền. Những người bán vé số dạo xòe xấp vé số
ra mời, chú mua hết. Chú mua vé số của tất cả các đài, cứ sáng mua, tối nhờ bà
chủ nhà nghỉ cùng dò kết quả.
Đời thật oái oăm: Chú trúng tiền thưởng vé số đến 380 triệu đồng.
Bà chủ nhà khách giúp chú thuê một chiếc taxi, nhờ hai người đàn ông đi yểm trợ
chú nhận tiền vé số. Chú chơi với họ cũng rất ngọt ngào: Tặng cho mỗi người năm
triệu đồng, tặng cho những người bán vé số mỗi người hai triệu đồng. Hôm ấy,
dân bán vé số dạo bến xe Miền Đông phát tài, ai cũng ca ngợi tấm lòng rộng rãi
của ông chủ nhỏ.
Cầm cái bao tiền mới lãnh cộng với tiền cũ còn lại, chú nhờ
bà chủ nhà nghỉ thuê cho một chiếc xe để... đưa tiền về quê. Chú tặng bà chủ mười
triệu đồng. Chiếc xe đưa chú về quê cũng có hai thanh niên đi hộ tống, mỗi người
được thưởng năm triệu đồng. Đó là chưa kể chuyện đi qua thành phố Phan Thiết,
chú mời mọi người vào khách sạn P, đãi một bữa tiệc rượu bia càn khôn lúy túy hết
1,5 triệu đồng nữa.
Tôi cho rằng Thúc Sinh trong truyện Kim Vân Kiều ăn
xài thoải mái cũng chỉ cỡ chú nhóc ở Bình Thuận này mà thôi. Rà soát lại dư luận
trong giới bà con lao động ở bến xe Miền Đông, tôi kết luận chú bé này là một
người quân tử, tấm lòng rộng mở đối với mọi người.
Về đến quê nhà, chú mới hay mình đang bị Công an thành phố
Nha Trang truy nã. Chú bèn gói ghém riêng 180 triệu đồng để ra trình diện Công
an Nha Trang trả lại cho người bị hại; số tiền còn lại chú đưa người nhà gởi hết
vào ngân hàng. Trong đầu óc ngây thơ của chú, hễ trả lại được số tiền đã trộm cắp
thì không phạm tội trộm cắp nữa. Và chú bình tĩnh mang số tiền đến trình diện
Công an Nha Trang.
Vụ án có tính chất nghiêm trọng bởi số tiền tang vật có giá
trị quá cao. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang phê chuẩn lệnh tạm giam
chú bé. Tất cả cơ quan pháp luật cấp thành phố đều báo cáo vụ án lên cơ quan
pháp luật tỉnh. Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ xét xử vụ án này. Nắm được
thông tin thú vị, tôi tìm đến gặp ông chánh án.
Ông chánh án hỏi:
- Anh đã gặp thằng bé bao giờ chưa?
Tôi trả lời:
- Chưa hề. Thông tin này tôi nắm được qua bà con lao động ở
phường 26, Bình Thạnh. Tôi cảm thấy thú vị vì tình tiết ly kỳ của vụ án nêu ra
đây xin phép anh cho gặp cháu, tìm hiểu để viết bài.
- Đúng là thằng bé này làm tôi ngạc nhiên. Hồ sơ vụ án đầy đủ
cả đây, anh cứ đọc đi. Và chính tôi sẽ là người ngồi xét xử vụ án đấy.
- Thưa anh, tôi chỉ ra Nha Trang lần này. Ngày anh xét xử vụ
án, tôi chưa chắc ra được. Vụ án có hai khía cạnh lớn: Đúng là cháu đã trộm cắp
tài sản nhưng đã khắc phục được hậu quả. Tòa sẽ xử lý phần tiền cháu gởi ngân
hàng như thế nào nếu ta hiểu đây là số tiền do phạm tội mà có?
Ông chánh án cười:
- Tôi cũng đang tìm một giải pháp trung dung. Anh yên tâm đi,
sẽ có một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, phù hợp với tinh thần nhân đạo của
luật pháp dành cho trẻ em chưa thành niên về trường hợp này. Bây giờ thì anh có
thể qua trại giam gặp cháu.
Tôi cùng hai cán bộ quản giáo đi vào chỗ cháu ở. Cháu bé thấy
tôi đến thăm ngạc nhiên:
- Thưa bác, bác là ai mà con chưa gặp?
Tôi cười:
- Đúng là con chưa gặp bác.
Tôi hỏi thăm cháu ăn uống, ngủ nghê ra sao. Cháu nói tất cả đều
khá tốt.
- Chắc là không bằng lúc con ở bến xe Miền Đông?
- Dạ.
Các cán bộ cho biết cháu rất vui, ca hát suốt ngày, ở trong
trại giam mà cứ y như đang ở nhà. Tôi cám ơn các anh. Tôi biết, các anh đã đối
xử với trẻ vị thành niên với cả tấm lòng nhân hậu.
Ba tuần sau, tôi nhận được điện thoại của ông chánh án gọi
vào:
- Vụ án đã xử xong rồi anh Biển à. Hôm cháu ra tòa, cũng có
luật sư và người giám hộ đúng như luật định. Tôi phạt cháu 24 tháng tù cho hưởng
án treo.
- Hay quá. Còn số tiền anh giải quyết ra sao?
- Tiền của cháu đem nộp cho cơ quan công an đã được trả lại
cho người bị hại. Riêng số tiền cháu gởi ngân hàng, tôi tuyên cho cháu được sở
hữu luôn bởi vì suy cho cùng, đây chỉ là tiền... trúng số. Ở khía cạnh nào đó,
thằng nhóc này cũng biết góp phần mua vé số kiến thiết, ích cho nước lợi cho
nhà. Ha ha ha...
Tiếng ông chánh án cười cho tôi biết là ông rất thú vị. Đúng
là một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật và tràn đầy tình nhân đạo.
Bây giờ thì có lẽ “người quân tử” đã lớn. Tôi mường tượng ra
anh triệu phú này đem số tiền về cho cha mẹ làm lại căn nhà, lo cho các em ăn học
và tự mình đang kiếm một nghề nào đó để làm, hết phải đi hái dừa thuê. Tôi chỉ
mong cháu biết giúp đỡ những bà con, cô bác nghèo chung quanh, biết rộng mở tấm
lòng đùm bọc, tương trợ người hoạn nạn. Và trên hết, phải biết sống theo pháp
luật, chớ nhón tay lấy cắp bất kỳ một tài sản nào của ai. Phải vậy không, hỡi
người quân tử?
Không phải là không phạm tội
Tôi lội vào xã X. của huyện Long Mỹ (Hậu Giang).
Cùng đi với tôi có ông phó công an hình sự xã. Tôi mời ông đi
cùng là để chứng thực lời tường trình của nạn nhân, để chứng minh tôi không “mớm
cung, bức cung” nạn nhân nhằm khai thác chuyện giật gân đăng báo. Trước đó,
nghe tôi trình bày sơ qua sự kiện, ban chỉ huy công an xã cũng bày tỏ lòng bất
bình và yêu cầu tôi đưa vụ việc lên báo. Tôi đã vững tin sẽ phanh phui toàn bộ
sự thật để bảo vệ nạn nhân và đưa kẻ có dấu hiệu phạm tội ra trước pháp luật.
Nhà của nạn nhân đây rồi. Trên lợp lá dừa, dưới là nền đất,
bao quanh nhà là vách gỗ cũ - một căn nhà nghèo tiêu biểu của miền Tây. Nạn
nhân là một cháu bé gái mới mười lăm tuổi ba tháng, khuôn mặt hiền lành, ăn mặc
giản dị. Sau khi xin phép bà mẹ, tôi và ông phó công an xã cùng động viên cháu
nên trình bày đúng sự thật. Cháu bé khóc òa lên một hồi rồi mới lau nước mắt, kể
lại những giây phút kinh hoàng, đau đớn của đời mình.
Ta hãy tạm gọi cháu bé là H. Vì nhà nghèo, con đông, mẹ của H
cho cháu đi theo một người bà con về xã T, huyện H, tỉnh Bình Thuận để làm mướn,
ăn cơm nhà người. H có đăng ký tạm trú với công an xã địa phương. Sống xa nhà
trên ba trăm cây số, H sợ đủ thứ, trong đó cái sợ lớn nhất là bị đuổi việc, mất
đi một tháng bốn trăm ngàn đồng gởi về cho mẹ. Vì vậy, H làm việc rất chăm chỉ.
Việc làm của H là đi hái hạt điều. Những vườn điều ở Bình Thuận
rộng mênh mông, không có ai đủ tiền để làm hàng rào xác định ranh đất. Một buổi
chiều, H đi lạc vào một vườn điều rộng; hạt điều chín rụng đầy mặt đất. Trong một
phút không tự chủ được mình, cháu bé cặm cụi đi nhặt những hạt điều rụng mà
không biết mình đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của một đơn vị nhà nước.
Và tai nạn đã xảy ra với cháu.
Cháu bị một người đàn ông rượt bắt. Cháu đã khóc, quỳ xuống đổ
mớ hạt điều xin trả lại nhưng người đàn ông không tha. Anh ta thực hiện hành vi
hiếp dâm cháu rồi sau đó mới thả cho cháu ra đi. Cháu trải qua những giây phút
kinh hoàng, chỉ đủ sức bò ra khỏi vườn điều. Những dấu hiệu đặc biệt trên khuôn
mặt người đàn ông đã hãm hại mình thì cháu nhớ rất rõ. Đêm ấy về được tới nhà,
cháu nhờ người làm đơn tố cáo kẻ đã hại mình gởi công an xã, công an huyện và
viện kiểm sát huyện.
Trong cuộc khám nghiệm hiện trường sáng hôm sau, chính ông viện
phó viện kiểm sát huyện đã phát hiện những chiếc lá điều dính máu và tinh dịch
đã khô - dấu hiệu của một vụ hiếp dâm hoặc ít nhất cũng là một vụ giao cấu.
Đáng lẽ trong trường hợp này, các cơ quan pháp luật phải nhanh chóng đưa vật chứng
đi giám định ADN và đối chiếu với ADN của cháu H và kẻ mà H tố cáo ngay thì đủ
yếu tố khoa học để buộc tội hay gỡ tội. Tiếc thay, người ta đã không nhanh
chóng làm việc ấy, cũng không thu thập được quần lót, quần dài của cháu bé để
làm vật chứng. Nói cách khác, vụ án có khuynh hướng chìm xuồng.
Đơn vị có kẻ gây án nhanh chóng cho mời cháu bé đến, đưa cháu
một triệu đồng, gọi là tiền bồi dưỡng sức khỏe. Đơn vị cũng có thư mời cha mẹ của
cháu đến và đưa cho bà ba triệu đồng nữa, gọi là tiền hỗ trợ. Sau đó, có nhiều
người đến động viên bà nên dẫn con về lại miền Tây. Hai mẹ con đành ra đi. Vụ
án chìm xuồng thật sự.
Sau đó một tháng, tôi đi công tác qua Bình Thuận và ghé thăm
một người quen biết. Ông đưa cho tôi lá đơn tố cáo của cháu bé. Từ lá đơn, tôi
đến gặp viện kiểm sát và công an huyện, hỏi vì sao không khởi tố, điều tra vụ
án hiếp dâm. Cả hai nơi trả lời: Không đủ yếu tố khoa học để kết luận và không
thể nghe lời tố cáo của một bên để khởi tố bị can. Tôi hỏi tiếp vậy đơn vị tự
nhiên cho tiền để làm gì, cả hai nơi đều trả lời: “Đó là quyền của họ”. Tôi tự
hứa với lòng, phải quyết tâm làm lại vụ này trên mặt báo, dưới dạng một hồ sơ.
Và tôi đã đi về Long Mỹ, cùng với ông phó công an xã sở tại, ngồi nghe cháu H.
kể lại câu chuyện.
Bài đã viết xong, lời lẽ từ tốn, ôn hòa. Hình chụp khá đẹp.
Hôm nộp bài, tôi nhận được một thông tin: Đơn vị ấy sắp nhận được một huân
chương. Một tập thể cực tốt, phấn đấu bao nhiều năm mới được xét tặng một phần
thưởng quý giá. Con người đã có dấu hiệu phạm tội kia chỉ là một con sâu làm rầu
nồi canh. Nếu tôi vì một người như vậy mà đưa bài báo lên ở thời điểm nhạy cảm ấy
thì có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị. Ban biên tập thống nhất như vậy
và quyết định không đưa bài báo lên mặt báo. Tôi nghĩ đến cháu H, đến bà mẹ
già, đến ông phó công an xã. Tôi đau đớn, xấu hổ vì không làm được gì để bảo vệ
cho họ. Nước mắt tôi rơi trên bài báo của mình.
Tôi đã định quên câu chuyện này. Một ngày nọ, tôi đọc trên một
tờ báo một bài dài, dễ có đến hai ngàn chữ, bảo vệ cho kẻ sai phạm kia. Tác giả
của bài báo mạt sát cháu gái và bà mẹ, đã nhận được tiền “hỗ trợ” rồi mà lại đi
tố cáo vu vơ. Ô hay, họ tố cáo vu vơ sao anh không chơi đúng pháp luật, đề nghị
khởi tố họ tội vu khống? Viết như vậy, anh tự chứng tỏ anh không biết tý gì về
pháp luật cả. “Thân chủ” của anh không phải là không có dấu hiệu phạm tội. Cái
may mắn của anh ta là anh ta đứng trong một đơn vị rất tốt và uy tín của đơn vị
đã cứu lấy anh ta. Chỉ có vậy thôi!
Không thể bảo vệ cái sai
Nha Trang ngày 9-11-1995
Gởi chú Sao Biển báo Thanh Niên,
Đến bây giờ tôi mới biết bộ mặt thiệt của chú, một thứ nhà
báo vô lương tâm, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đấu tranh chống tiêu cực.
Có thể chú đã ăn nhậu với mấy ông lãnh đạo ở Khánh Hòa để ỉm hồ sơ của tôi, trơ
tráo đóng kịch trước mặt tôi, không dám tự xưng mình là nhà báo Vũ Đức Sao Biển.
Chú đã quay lưng lại với hoàn cảnh khốn khó của một người như tôi bỏ hết một đời
mình để chiến đấu cho sự nghiệp. Chú là con ông Tư A., là bà con với tôi, là đồng
hương với tôi mà chú coi tôi như người dưng nước lã. Tôi mà biết đích xác chú
là Sao Biển thì hôm ấy tôi đã đấm bể mặt của chú ra trong khách sạn ở 23 Trần
Phú, Nha Trang rồi. Chú mà làm báo chi. Chú đi về mà giữ bò cho xong. Làm báo
như chú nhục lắm...
Tôi gấp bức thư lại, lòng không biết nên buồn hay tức cười.
Trong đời làm báo của mình, tôi đã nhận được khá nhiều thư, khen ngợi có, hăm dọa
có, chửi bới có. Thế nhưng có lẽ bức thư trên đây của ông K. là nặng ký hơn cả.
Tôi không cảm thấy tổn thương vì biết mình đã hành động đúng. Tôi chỉ cảm thấy
se lòng bởi đúng ra, một đời làm báo như tôi không xứng đáng nhận được một bức
thư lời lẽ nặng nề như vậy. Nhiều năm qua rồi, tôi nghĩ ông K - người viết lá
thư, đã hiểu ra được vấn đề. Và có lẽ ông cũng sẽ hối hận khi nhớ ra mình đã viết
lá thư trên.
Cuối tháng 10-1995, báo Thanh Niên thực hiện một đợt
cứu trợ bà con bão lụt miền Trung. Tôi là chủ nhiệm của chương trình này. Chiều
28-10, chiếc Jeep của báo do Lê Văn Quý lái, đưa tôi và Thanh Dũng từ Phú Yên về
Nha Trang. Xe về đến Nha Trang khoảng 5 giờ, thành phố ướt sũng trong cơn mưa tầm
tã. Chúng tôi vào nhà khách số 23 Trần Phú, thuê một phòng ba giường. Quý và
Dũng nhường tôi tắm trước. Cả ba anh em cùng đói meo. Tôi bảo:
“Tắm xong là xuống đi ăn cơm”.
Tôi tắm xong, thay bộ đồ mới, mặc áo ấm vào và đi xuống phòng
khách. Vừa thấy tôi, chị lễ tân nói:
- Thưa anh, anh có khách.
Tôi hơi ngạc nhiên, nhìn ông khách. Ông trạc tuổi sáu mươi,
ăn mặc rất chỉnh tề, cầm theo một gói thuốc Jet và một xấp hồ sơ. Tôi hỏi:
- Chào ông. Ông muốn gặp ai?
- Dạ, tôi muốn gặp ông Vũ Đức Sao Biển, báo Thanh Niên.
Nói xin lỗi các bạn đồng nghiệp, làm báo là phải có cái mũi
đánh hơi tài tình của môt con chó săn. Tự nhiên, tôi hiểu ra ngay lý do người
đàn ông này đến tìm mình trong khách sạn 23 Trần Phú. Anh em văn nghệ sĩ ở
Khánh Hòa rất quen thuộc với chiếc Jeep lùn của báo Thanh Niên. Có lẽ, các anh
đang ngồi uống cà phê trong hội quán trên đường Yên Thế thì nhìn thấy chiếc
Jeep chạy ngang qua. Và thấy chiếc Jeep, các anh biết tôi vừa đến Nha Trang.
Người đàn ông này biết tôi đến Nha Trang chỉ sau mươi phút là như vậy. Ông tìm
ra ngay chóc chỗ chúng tôi ở nhờ chiếc Jeep đang đậu trong mưa.
Cái mũi chó săn của một nhà báo cho tôi biết trước có một
chuyện gì đó không mấy ngay ngắn và vui vẻ. Tôi tỉnh bơ, trả lời:
- Thưa ông, tiếc quá, anh Sao Biển vừa lên xe đi Cam Ranh rồi.
- Vậy anh tên là gì?
- Thưa ông, tôi là Đồ Bì, cùng đi chung với anh Sao Biển. Ông
quen biết với anh ấy không ạ?
- Chú ấy là người thân của tôi, bà con cùng tộc ở Quảng Nam.
Tôi cố lục lọi ký ức để nhớ ra cho được một người bà con.
Nhưng hơn mấy mươi năm rồi, làm sao tôi nhớ cho nổi?
Người đàn ông nói tiếp:
- Tôi là K, cán bộ hưu trí. Hồi chú Sao Biển mới đi học thì
tôi đã rời làng, hoạt động. Chú không biết tôi nhưng tôi gặp chú ấy là biết
ngay.
- Thật tiếc quá, anh ấy mới đổi xe vào Cam Ranh cách đây năm
phút. Ông đến sớm một chút là gặp rồi. Tuy nhiên, nếu có việc gì cần bàn với
anh, ông có thể nói cho tôi biết. Tôi sẽ nói lại với anh ấy.
Lê Văn Quý và Thanh Dũng đã tắm xong, cùng xuống phòng khách.
Các em yên lặng (và có lẽ cũng đang bấm bụng cười) khi nghe tôi nói chuyện với
khách. Điều may mắn là trong cơ quan, anh em thường quen gọi tôi là “anh Bì”.
Cái bút danh Sao Biển thường chỉ có trên tờ báo. Cho nên, trước mặt ông khách,
tôi vẫn là anh Bì.
Người đàn ông rút ra xấp hồ sơ:
- Đây là đơn khiếu nại của tôi gởi ban biên tập
báo Thanh Niên để nhờ các anh viết cho một bài báo giúp đỡ. Đây là hồ
sơ căn nhà hợp pháp của tôi trên đường N, Nha Trang. Nhà nước mở đường N, tôi đồng
ý. Tôi chỉ yêu cầu tỉnh Khánh Hòa đền lại cho tôi một lô đất ở nội thành và hỗ
trợ cho tôi tiền xây dựng một ngôi nhà mới. Rứa mà các ổng không chịu, chỉ đền
cho tôi đất ở trên Đồng Bò. Các anh coi một cán bộ như tôi một đời hy sinh...
- Thưa ông, vậy hiện nay căn nhà của ông ra sao rồi?
- Mấy ổng đòi cưỡng chế, đập bỏ, buộc tôi lên Đồng Bò. Tôi chỉ
biết có báo Thanh Niên mới bảo vệ được quyền lợi cho mình. Chú Sao Biển
đang làm ở báo, tôi hy vọng chú ấy sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôi.
Kinh nghiệm cho tôi biết ai cần thì cũng nói như vậy. Tôi
hình dung ra ngay được căn nhà đó và tôi hiểu khá tường tận về nó. Nó nằm trên
đường N, đối mặt với nhà của trung tá Vũ Đức Khánh, người anh em của tôi. Mỗi
khi đi Nha Trang, tôi thường ghé thăm anh Khánh. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa
đang nỗ lực làm đẹp Nha Trang, mở rộng các con đường. Đường N được làm lề,
tráng nhựa, trồng cây bằng lăng, trở thành một trong những con đường đẹp của
thành phố này. Nhưng cái “nhà” của ông K thì nằm chình ình ngay trên lề đường
như thách đố chính quyền, làm mất vẻ đẹp của con đường.
Đất này ngày trước nguyên là sân vườn của một cán bộ ngành hải
quan, chưa được làm hàng rào. Ông K đã chiếm dụng một phần đất, làm nên cái
nhà. Thấy cán bộ làm được, một hộ dân cũng đến “ăn có”, làm tiếp theo một căn
nhà kế cận. Khi thành phố Nha Trang mở đường, cả hai căn nhà đều nằm trong lộ
giới bị giải tỏa. Ông K yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phải đền cho ông một lô đất mặt
tiền trong nội thành và hỗ trợ tiền xây dựng, ông mới chịu giải tỏa. Thấy cán bộ
làm khó, ông dân bên cạnh cũng làm theo, cương quyết chống lệnh giải tỏa. Sự
đòi hỏi quá đáng của hai hộ này khiến nhân dân trong khu vực bất bình. Chính
quyền tỉnh thấy ông K là cán bộ cũng có ý tương trợ, đề nghị đền bù đất cho ông
ở Đồng Bò, một khu vực mới khá đẹp bên kia cây cầu mới. Thế nhưng ông không chịu,
gởi đơn kiện tụng khắp nơi. Bây giờ thì ông muốn tờ báo làm “lính đánh thuê”
cho ông, bảo vệ sự sai trái của ông và phê phán chính quyền tỉnh Khánh Hòa.
Tôi có ý kiến ngay:
- Thưa ông, không phải vụ việc nào về nhà đất cũng được đưa
lên báo chí. Báo chí chỉ đưa những vụ việc tiêu biểu, chỉ có thể bảo vệ những
cái đúng của dân...
- Thì đây là một vụ tiêu biểu...
- Chưa hẳn. Tôi không dám hứa với ông điều gì. Ông cho phép
anh em tìm hiểu lại.
- Vậy thì cho tôi gặp ông Sao Biển.
- Anh ấy đi Cam Ranh rồi. Nhưng nếu có anh ấy ở đây, ảnh cũng
chỉ nói như tôi nói với ông vậy thôi. Anh ấy không có điện thoại di động. Nếu
ông tin chúng tôi, xin cứ gởi hồ sơ cho bộ phận công tác bạn đọc, chúng tôi sẽ
mang về.
Cuối cùng rồi người đàn ông cũng gởi lại một bộ hồ sơ. Ông
đưa cho chúng tôi gói thuốc Jet.
- Các anh cầm mà hút.
- Dạ không, tụi tôi không hút thuốc.
Lê Văn Quý ngồi cười. Tôi và Quý là hai “ống khói tàu” của cơ
quan mà bây giờ đành phải chê thuốc! Ông ra về. Tôi đưa bộ hồ sơ cho Dũng và
nói:
- Đây là một trường hợp mà chúng ta không thể bảo vệ cái sai,
phê phán chính quyền Khánh Hòa. Em nhận, báo cáo lên trưởng ban và nói rõ ý kiến
của tôi.
- Một người bà con của tôi ở Quảng Nam nhưng cả hai đều chưa
gặp mặt nhau bao giờ. May mà ông ấy không biết được Đồ Bì cũng chính là Sao Biển.
Bức thư với những lời xúc phạm thật nặng nề của ông K sau đó
đã làm tôi buồn quá đỗi. Cái tin tôi gặp ông K mà không nhận ông là người bà
con, không giúp đỡ bảo vệ cho ông, bay về tới làng quê tôi ở Quảng Nam. Có người
còn hỏi tôi một cách sống sượng rằng chắc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa “đãi
tôi trọng thị” nên hồ sơ của ông K mới bị ém nhẹm và sau đó nhà ông bị cưỡng chế
giải tỏa. Tôi giữ lại bức thư như một kỷ niệm buồn trong đời làm báo.
Người ta mới vào nghề báo thường có não trạng cái gì sai là
thuộc về chính quyền, phê phán chính quyền là nhân dân sướng, tờ báo sẽ bán chạy.
Tôi đã đọc nhiều bài báo viết theo não trạng mỵ dân đó. Không, báo chí không được
phép dùng làm phương tiện bảo vệ cái sai. Rõ ràng, khi giải tỏa được hai căn
nhà quái chiêu trên đường N, thành phố Nha Trang có thêm một con đường văn
minh, tươi đẹp. Quyền lợi của nhân dân Nha Trang luôn luôn lớn hơn quyền lợi của
một vài người.
Ngàn vàng lỡ mất
Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ (cũ) mở phiên tòa dân sự,
xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thẩm phán Dương Văn Đạo
ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Do vụ kiện tế nhị, có liên quan đến trinh tiết của
một phụ nữ trẻ nên ông nhắc thư ký tòa đề nghị bà con không vào dự xem. Gần như
đây là một vụ xử kín.
Ra trước tòa, có cô A nguyên đơn và người cha; anh B bị đơn
và người mẹ. Trước đó, thẩm phán Đạo đã cho đôi bên hòa giải nhiều lần nhưng
không thành. Vì vậy phải xét xử.
Nguyên đơn A trình bày: Cô mới 24 tuổi, thận trọng giữ mình
như ngọc, chưa có bạn trai. Một ngày, sau ca tan sở, cô đạp xe ra khỏi
khu công nghiệp Trà Nóc, định quẹo qua đường lớn về nhà thì bị va quẹt. Người
va quẹt là anh B. Anh B chạy xe gắn máy, quẹo ẩu nên tông nhằm vào xe đạp của
cô, khiến cô tụt hai tay khỏi ghi-đông và té ngã.
Chiếc xe đạp không hề hấn gì nhưng cú té ngã khiến cô cảm thấy
đau ở bộ phân sinh dục. Về nhà, cô đi tắm mới biết mình bị chảy máu chỗ kín. Hoảng
hốt, sáng hôm sau cô vào bệnh viện X ở Cần Thơ khám chuyên khoa. Bác sĩ kết luận
cô bị rách mới màng trinh ở múi 3 giờ. Cô phải lấy giấy chứng thương và kiện
anh B - người gây ra cho cô tai nạn trên, ra tòa.
Cô nghĩ rằng trinh tiết là cái đáng quý nhất của người phụ nữ.
Ngày sau, cô sẽ lập gia đình. Việc rách màng trinh đáng tiếc này có thể làm ảnh
hưởng rất lớn tới danh dự, nhân phẩm của cô. Cô đề nghị tòa buộc anh B phải đền
bù cho cô số tiền 5 triệu đồng về thiệt hại danh dự, phẩm giá do vết thương ở
cái... ngàn vàng.
Bị đơn B trình bày: Anh rất xin lỗi cô A về chuyện rách màng
trinh. Thật ra, việc va quẹt xe xảy ra nhẹ nhàng, ngoài ý muốn của cả hai bên
nhưng anh không ngờ lại gây ra cho cô vết thương như vậy. Anh thú thật anh mới
lớn lên, cũng chưa hề biết màng trinh là... cái giống gì. Anh không đồng ý đền
bù số tiền trên, chỉ đồng ý đền bù những khoản thuốc men, khám bệnh nếu cô A có
biên lai hợp lệ.
Bởi nguyên đơn và bị đơn còn quá trẻ, chưa lập gia đình và
chưa có tài sản riêng nên cha của nguyên đơn A và mẹ của bị đơn B ra trước tòa
như hai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Mẹ của bị đơn trình bày rằng bà cũng rất xót xa khi biết cô A
té ngã và rách màng trinh như cô trình bày. Trong những lần hòa giải trước đây,
bà có đề nghị cho anh B hỏi cưới cô A làm vợ thì mọi chuyện đều êm nhưng hổng
hiểu sao gia đình cô A cứ muốn kiện ra tòa.
Bà đưa ngón tay út lên và nói: “Cháu ơi, cái màng trinh mà nhằm
nhò gì, nó nhỏ xíu xiu hà. Tui nghe nói bây giờ các ông bác sĩ giỏi lắm. Ở trên
thành phố, họ vá
nó hà rầm, dễ ợt như mình vá... ruột bánh xe vậy. Cho nên,
gia đình tui chỉ đồng ý đền tiền nếu cháu chịu đi vá thôi. Vá nhiêu đền nhiêu”.
Nghe đối tác nói chuyện đâm hơi, người cha của nguyên đơn A
giựt gân đùi đụi. Không đợi tòa cho phép, ông la lớn: “Chèng đéc ơi, chị nói
cái gì kỳ vậy? Vấn đề màng trinh là cái ngàn vàng trong đời con gái người ta.
Nó đâu phải là... cái lu, cái khạp mà lủng chỗ nào mình dùng xi-măng vá lại chỗ
đó? Sở dĩ tui không đồng ý gả con gái tui cho con trai chị vì con gái tui lớn
hơn con trai chị hai tuổi. Người ta nói gì “Nhứt gái hơn hai, nhì trai hơn một”
nhưng trong vụ này, con gái tui không thể nhứt được. Con gái tui về làm dâu nhà
chị, hổng chừng buồn buồn nhớ lại vụ kiện này, chị nói... tiếng Đức với nó thì
nó làm sao chịu nổi? Tui hổng đồng ý vá may gì hết. Bên chị phải đền bù cái vụ...
mất trinh cho con gái tui”.
Thấy tình hình khu vực... Trung Đông có vẻ căng thẳng, thẩm
phán Đạo động viên hai bên bình tĩnh. Ông cho biết trước khi xét xử vụ án, ông
đã qua bệnh viện gặp bác sĩ khám cho cô A, hỏi ý kiến của nhà chuyên môn này. Vết
rách của cô A ở múi 3 giờ là vết rách nhẹ.
Trong cái nhìn đạo đức truyền thống của dân tộc ta, trinh tiết
là cái đáng quý của người phụ nữ. Ông chia sẻ và thông cảm với tâm trạng lo lắng
của nguyên đơn A về việc vết thương tế nhị ấy có thể sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc
gia đình mai sau nếu gặp phải người chồng khó tính. Tuy nhiên, rõ ràng nguyên
đơn vẫn là một phụ nữ trong trắng, đức hạnh, tự vấn lương tâm không có điều chi
đáng xấu hổ khi cần nói thật tai nạn này với người chồng tương lai.
Bác sĩ chuyên khoa đã cho ông biết vết thương nhẹ của nguyên
đơn có thể khắc phục được bằng vi phẫu thuật. Tiền chi phí của ca vi phẫu thuật
này khoảng 500 ngàn đồng.
Việc té ngã do va quẹt xe dẫn đến bị thương nhẹ ở vùng tế nhị
là ngoài ý muốn của đôi bên. Luật dân sự cũng chỉ cho phép đền bù những thiệt hại
thực tế của nguyên đơn.
Tòa tuyên bố: Bị đơn B phải đền bù cho nguyên đơn A số tiền
500 ngàn đồng để khắc phục hậu quả vết thương và 80 ngàn đồng tiền khám vết
thương, lấy giấy chứng thương. Ông cũng dặn cô gái hãy an lòng. Trước khi lập
gia đình, cô nên nói thật với người chồng rằng mình bị ngã xe, xuất trình giấy
chứng thương và án văn dân sự của tòa để anh khỏi thắc mắc nghi ngờ. Bởi đó là
bằng chứng của sự trong trắng vậy. Vâng, tôi cũng đưa lại thông tin này, góp
thêm cho cô A một bằng chứng của sự trong trắng.
Luật sư kiện tòa
Ngày 25-8-2000, luật sư Trần Tiến Lựu đã nộp đơn đến Công an huyện Diên Khánh yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà NTL, chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Diên Khánh và ông NĐ, thẩm phán của tòa về tội vu khống theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 1985. Đơn của luật sư Lựu nhấn mạnh:
"Những người này đã vu khống, bịa đặt, tuyên truyền nhằm xúc phạm danh dự của tôi, xúc phạm đến Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa".
Do đâu có sự kiện hy hữu này?
Ngày 24-11-98, Tòa Diên Khánh xét xử dân sự sơ thẩm (tạm gọi sơ thẩm lần một) vụ kiện tranh chấp lối đi giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Đẹt và bị đơn là bà Đỗ Thị Mười. Thẩm phán NĐ chủ tọa phiên tòa. Luật sư Lựu bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn. Án tuyên: "Giữ nguyên hiện trạng con đường như hiện nay”.
Tháng 1-1999, Tòa Khánh Hòa xét xử phúc thẩm đã tuyên: "Y án sơ thẩm”.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực, tưởng đâu mọi việc đã giải quyết xong. Không ngờ đến ngày 30-5-2000, vụ tranh chấp này lại được Tòa Diên Khánh đưa ra xử lại (tạm gọi là sơ thẩm lần hai) với vị trí đảo ngược: Nguyên đơn lần này là bà Đỗ Thị Mười và bị đơn là bà Nguyễn Thị Đẹt. Thẩm phán NĐ vẫn là người chủ tọa phiên tòa. Luật sư Lựu lại được bà Đẹt mời bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa.
Trước đó, luật sư có đến gặp bà chánh án và ông thẩm phán hai lần, đề nghị không đưa vụ kiện ra xét xử nữa. Theo ông, tòa nên trả lại đơn khởi kiện dân sự cho nguyên đơn Đỗ Thị Mười, giải thích cho bà biết kiện như vậy là không đúng pháp luật.
Thế nhưng, tòa vẫn thụ lý, đưa vụ kiện ra xét xử lần hai. Phán quyết của án sơ thẩm lần hai hoàn toàn khác với án sơ thẩm lần một, buộc bà Đẹt phải tháo dỡ hàng rào để nới rộng con đường là lối đi vào nhà bà Mười.
Tại phiên tòa, luật sư Lựu đã nêu lại ý kiến một vụ tranh chấp không được xử hai lần bằng hai vụ kiện nhưng không được tòa chấp nhận. Án sơ thẩm lần hai lập luận: Nhìn bề ngoài, vụ án đang giải quyết giống như vụ án trước đây nhưng nội dung hai vụ án hoàn toàn khác nhau, cụ thể trước đây bà Đẹt yêu cầu con đường hẹp hơn hiện trạng, còn hiện nay bà Mười yêu cầu con đường rộng hơn hiện trạng.
Lập luận này sau đó đã bị án phúc thẩm của Tòa Khánh Hòa bác bỏ vì nội dung tranh chấp trong cả hai lần cũng là con đường đó. Tòa sơ thẩm đã xử lại một vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Do vậy, bản án sơ thẩm lần hai đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy.
Điều gây sóng gió không nằm trong nội dung vụ án mà xuất phát từ thái độ ứng xử của các bên liên quan tại phiên tòa này. Trong phiên xử sơ thẩm lần hai ngày 30-5-2000, theo bút ký phiên tòa ghi nhận, luật sư Lựu đã phát biểu:
“Tôi nhận thấy thẩm phán Đ đến nhà bà Đẹt để hỏi về việc ủy quyền là quá nhiệt tình. Nhiệt tình này có sự bất bình thường rất khó nói (...). Theo tôi, Hội đồng xét xử này không biết gì mới đưa vụ án này ra xét xử”.
Trong lúc nghị án, thẩm phán NĐ đã gặp và báo cáo xin ý kiến của chánh án NTL về thái độ, lời lẽ của luật sư Lựu trước tòa. Trong biên bản nghị án có ghi: “Hội đồng xét xử thống nhất giao chủ tọa phiên tòa có văn bản gửi các cơ quan liên quan đề nghị luật sư Lựu phải nghiêm túc chấn chỉnh lời phát biểu trong quá trình bảo vệ cho đương sự”
Sau đó, bản án tuyên đọc công khai trước phiên tòa có đoạn:
“Qua bản án này, Hội đồng xét xử cũng đề nghị Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh có văn bản gửi đến các tổ chức Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa chấn chỉnh, nhắc nhở luật sư Trần Tiến Lựu - Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện đúng quyền cũng như nghĩa vụ khi tham gia bảo vệ cho bị đơn và không nên sử dụng những từ ngữ như: Đề nghị giải tán tòa án, bảo bị đơn ngồi yên nếu không luật sư sẽ bỏ ra về, hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa không biết gì..".
Tiếp đó, ngày 15-6-2000, chánh án NTL có công văn số 28/TA gửi Đoàn Luật sư, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh Khánh Hòa dẫn lại các lời lẽ của luật sư Lựu như đã nêu trong bản án và “đề nghị chấn chỉnh, nhắc nhở luật sư trong quá trình tham gia tố tụng”.
Luật sư Lựu cho rằng những lời lẽ mà thẩm phán Đ và chánh án L viện dẫn cho rằng ông đã phát biểu trước tòa là bịa đặt hoàn toàn, khác hẳn những điều được ghi trong bút ký phiên tòa. Bà chánh án và ông thẩm phán đã vu khống, xúc phạm nghiêm trọng phẩm giá của ông. Ông làm đơn đề nghị Công an huyện Diên Khánh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà chánh án và ông thẩm phán.
Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa đã họp, nghe luật sư Lựu trình bày diễn tiến các sự việc. Đoàn kết luận: “Thẩm phán NĐ đã làm trái ngược lại với biên bản nghị án của Hội đồng xét xử, lạm quyền, lợi dụng danh nghĩa để viết vào bản án luật sư Lựu. Bà chánh án NTL không sâu sát, chỉ nghe thẩm phán NĐ mà có công văn gửi đi các nơi tiếp tay cho thẩm phán NĐ bịa đặt, vu khống cho luật sư Lựu”. Đoàn đã có công văn gởi Sở Tư pháp, đề nghị Sở có biện pháp giải quyết sự việc.
Sơn trai tiêu hạ
Ngày 5-10-1997, ông BVP, họa sĩ, trú tại quận Bình Thạnh, làm đơn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với bà LTKM (thường gọi là ML), Việt kiều Úc, trú tại quận 1. Nội dung vụ kiện là để đòi lại bức tranh thủy mặc ông gọi là Tề sơn mà ông cho rằng có niên độ trên 100 tuổi.
Thực sự, tên của bức tranh là Sơn trai tiêu hạ (đọc từ bên phải sang), được hiểu là "Ánh nắng soi căn nhà trên núi” Ngoài tựa đề, tranh còn ba dòng lạc khoản đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái như sau: “Phỏng Tống nhân bút ý - Ất Tỵ xuân tam nguyệt - Mao Tử Vân” (Mô phỏng theo bút ý của người đời Tống. Tháng ba mùa xuân năm Ất Tỵ Mao Tử Vân vẽ). Bên cạnh lạc khoản, có hai dấu triện đỏ. Bức tranh kích thước 0,75 x 1,4m, loại thủy mặc trên giấy xuyến chỉ.
Theo ông P, đây là bức tranh của ông Trần Thành (?), Phó Tổng thống Đài Loan tặng cho ông Phạm Xuân Chiểu - một đại sứ tại Đài Loan của chính quyền Sài Gòn ngày trước. Ông Chiểu đưa bức tranh về Việt Nam, tặng cho em là bà D ở quận Phú Nhuận. Năm 1977, bà D bán lại bức tranh này cho ông P.
Cũng theo ông P, năm 1995, một công dân Đài Loan đã mua bức tranh này của ông với giá 25.000 đô-la Mỹ nhưng không được Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho đưa đi vì là đồ cổ. Sau đó, qua một trung gian giới thiệu, bà ML, một Việt kiều Úc chuyên mua bán tranh, đã tìm đến nhà ông để xem tranh mấy lần. Ông P ngã giá bức tranh là 15.000 đô-la Mỹ. Bà ML đồng ý giá này nhưng chưa chịu mua dứt khoát.
Ngày 22-4-97, bà ML đề nghị ông P cho “mượn” bức tranh đưa ra nước ngoài nhờ người chuyên môn... giám định tranh. Ông P đồng ý. Hai bên thỏa thuận viết một “Hợp đồng mượn tranh”, trong đó thể hiện một số nội dung đáng lưu ý: “Tranh có bị rách bìa (biên)... nền tranh còn nguyên vẹn. Bức tranh được trị giá là 15.000 USD... Bà ML có cho ông Phú mượn một số tiền là 5.000 USD... Bà ML hẹn vài tuần lễ sẽ trả lại tranh cho ông P, ông P trả lại bà ML số tiền kể trên”.
Thế nhưng, nhiều tuần trôi qua mà ông P vẫn chưa thấy bà ML trở lại trả bức tranh. Ông gửi đơn đi nhiều nơi khiếu nại và nộp đơn khởi kiện bà ML tại Tòa án nhân dân thành phố. Bà ML cho đem bức tranh về Việt Nam. Ngày 11-12-97, tòa mời Hội đồng giám định văn hóa phẩm làm việc để định giá và giám định phần hư hại bức tranh.
Biên bản định giá và giám định ghi nhận các nội dung cơ bản: “Bức tranh vẽ về năm Ất Tỵ 1965; những lỗ thủng trên bức tranh đã có từ trước khi cho mượn; bốn viền biên đã bị cắt xén làm giảm giá trị bức tranh khoảng 20%; những vết nhăn trên tranh có sau khi cho mượn. Hội đồng thống nhất bức tranh trị giá khoảng 5.000 đô-la Mỹ”.
Ngày 5-1-98, tòa đưa vụ án “Đòi lại tranh cho mượn” ra xét xử sơ thẩm dân sự. Bên bị đơn có ông VTD được bà ML ủy quyền ra trước tòa.
Nguyên đơn BVP yêu cầu được bồi thường 30.000 đô-la Mỹ vì bà ML đã làm cho bức tranh hư hại có các vết gãy đứng; bồi thường 4.800 đô-la vì bà ML làm mất thời gian vẽ tranh của ông trong tám tháng; bồi thường làm mất cơ hội bán tranh 4.000 đô-la và vẫn bảo lưu ý kiến định giá bức tranh là 50.000 đô-la.
Đại diện bị đơn VTD trình bày: Theo hợp đồng, bị đơn đã trả tranh, yêu cầu ông P trả lại 5.000 đô-la; đồng ý bồi thường hư hại bức tranh 20% theo giám định và đề nghị tòa bác bỏ các yêu cầu khác của ông P. Bên bị đơn cũng cho biết là bức tranh đã được Hải quan cho phép mang sang Singapore để định giá (?).
Các vết thủng trên bức tranh là do mối mọt tấn công, là hao mòn hư hỏng tự nhiên.
Ông định nghĩa chữ “rách” là hành vi làm hư hỏng một vật do con người gây ra. Còn hư hại do mối mọt tạo ra là điều hai bên đã mặc nhiên thừa nhận.
Tòa nhận định: Căn cứ vào Điều 395 và 404 của Bộ luật Dân sự thì “Hợp đồng mượn tranh” ngày 22-4-97 được các bên tự nguyện thỏa thuận giao kết hợp pháp nên hợp đồng có giá trị hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Cho nên, tòa vẫn định giá bức tranh là 15.000 đô-la như bà ML đã tự nguyện đồng ý
Tòa đề nghị ông P phải trả lại cho bà ML 5.000 đô-la vì ông P đã nhận lại bức tranh. Bà ML phải chịu trách nhiệm bồi thường hư hỏng bức tranh cho ông P 3.000 đô-la (20% hư hỏng x 15.000 đô-la). Tòa bác các yêu cầu khác của ông P. Ngoài ra ông P phải nộp án phí dân sự sơ thẩm 13.460.835 đồng. Đó là tòa đã có chiếu cố xem xét, giảm V2 án phí cho ông P bởi ông là họa sĩ nghèo.
Xét về hình thức, ông P đã thắng kiện: Nhận lại được bức tranh, được đền bù 3000 USD. Nhưng xét về thực chất, ông đã thua thiệt: Phải trả lại 5000 USD và chịu án phí 13.460.835 đồng để nhận về một bức tranh hư hỏng với những đường gãy thẳng và mất hết biên! Ông P nộp đơn kháng cáo...
Như tòa sơ thẩm đã nhận định; "Hợp đồng mượn tranh có giá trị hiệu lực đối với các hên”. Trong hợp đồng, chúng tôi đọc thấy câu: “Nền tranh còn nguyên vẹn không bị rách”. Thế nhưng, trong Biên bản giám định hiện trạng lại ghi nhận: “Những lỗ thủng trên bức tranh đã có trước khi cho mượn”. Và chúng tôi đã coi được bốn (04) lỗ thủng như vậy. Rõ ràng, đây là hai kết quả ghi nhận hoàn toàn mâu thuẫn nhau bởi lẽ “nền tranh còn nguyên vẹn’ thì không thể nào có “những lỗ thủng... đã có trước đó”. Và cụm từ “trước đó” cũng rất mơ hồ, không diễn tả được một thời điểm nào nhất định.
Vả lại, chuyện đã xảy ra cả năm trời, bức tranh “du lịch” từ xứ này qua xứ khác, thì nay dựa trên cơ sở khoa học nào để Hội đồng giám định có thể kết luận rằng “trước đó” hay “sau đó”? Rất tiếc, tòa đã không làm rõ hai ghi nhận trái ngược này.
Luận điểm của ông D cho rằng tranh bị mối mọt là hao mòn tự nhiên. Ý kiến ngược lại của ông P: Tại sao trong 20 năm ông P giữ bức tranh không bị mối mọt? Trách nhiệm bảo quản của người mượn ở đâu?
Một điều cũng cần bàn đến là việc xác định tỷ lệ hư hỏng của bức tranh. Bức tranh bị gỡ hết biên, bị gãy theo chiều dọc và bị làm thủng bốn lỗ được kết luận tỷ lệ hư hỏng 20%. Khái niệm “phần trăm” trong rất nhiều trường hợp là một khái niệm rất tương đối. Việc định giá bức tranh 5.000 đô-la cũng chỉ là những con số mang tính phỏng định. Thực sự, một món đồ như bức Sơn trai tiêu hạ có giá trị bao nhiêu là tùy người mua thích nó hay không và cũng tùy người bán muốn kêu giá bao nhiêu.
Bà ML đã làm hư hỏng bức tranh của ông P và quyền của ông P là được yêu cầu đền bù toàn bộ giá trị thiệt hại do hư hỏng. Nếu giả thiết bà ML xé bỏ đi một nửa bức tranh và chỉ chịu đền bù mức thiệt hại do hư hỏng là 50% thì vấn đề đền bù được giải quyết thế nào?
Nhận tội ảo
Trưa ngày 29-7-1998, chị Bạch Thị Liên đi từ bãi vàng Một Khô về xã Phước Thành thì bị ba tên cướp bịt mặt nhảy ra cướp bảy triệu đồng, 16 chỉ vàng khò trị giá sáu triệu và sợi dây chuyền ba chỉ vàng trị giá 1,1 triệu. Mất tài sản, chị kêu la cầu cứu. Cả ba tên cướp vụt chạy, bỏ lại hiện trường một chiếc mũ và một túi xách đựng quần áo.
Năm ngày sau, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bắt khẩn cấp Phạm Văn Bính, một đối tượng đào đãi vàng trái phép từ Nam Định vào. Bính được di lý về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam.
Trước cơ quan điều tra, Bính thú nhận chính Bính và hai đồng phạm Hoàng Thọ Tiên, Phạm Văn Rần đã dùng súng, đội mũ len, lấy vải đen bịt mặt, nấp trong rừng Phước Thành để cướp tài sản của chị Liên. Vụ án xảy ra lúc 12g30 trưa; số tài sản mà bọn Bính cướp được hoàn toàn phù hợp với lời khai của chị Liên. Hiện trường còn lại chiếc túi xách màu đen, chiếc mũ và cái quần dài của Bính.
Cướp xong, Bính được đồng bọn chia cho 800.000 đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đối chiếu thấy lời khai của Bính hoàn toàn phù hợp với lời khai của người bị hại và các tài liệu chứng cứ khác đã thu thập được trong hồ sơ vụ án. Đây là vụ án cướp có tổ chức, có bàn bạc phân công, những kẻ phạm tội chọn trước địa điểm, liều lĩnh thực hiện tội phạm giữa ban ngày, dùng súng làm tê liệt sự kháng cự của nạn nhân. Viện truy tố Bính ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam về tội “cướp tài sản của công dân” theo Điểm a Khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hình sự.
Ngày 6-5-1999, Tòa án Quảng Nam đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Bị cáo Bính ngoan ngoãn nhận tội, khai báo thành thật, chỉ mong tòa giảm nhẹ cho một phần hình phạt. Xét bị cáo có thái độ thật thà khai báo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, biết ăn năn hối cải, tòa tuyên phạt Bính bảy năm tù. Các đồng phạm còn lại đang bỏ trốn, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Bị cáo Bính kháng cáo. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.
Một năm sau, Công an tỉnh Quảng Nam bắt được một băng phỉ gồm 15 người. Băng phỉ này thực hiện đủ mọi hành vi tội ác: Hiếp dâm, giết người, mua bán tàng trữ vũ khí, mua bán chất độc cyanur, cướp có tổ chức. Trước cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hiển, Hoàng Thọ Tiên, Cao Văn Hiển, Phạm Văn Rần cùng khai nhận: Chính bọn họ gây ra vụ cướp tài sản của chị Liên.
Hôm ấy, Bính bị sốt rét nằm lại trong lán đào vàng giữa rừng sâu, không tham gia vụ cướp! Điều thú nhận này khiến cho các cơ quan pháp luật tỉnh Quảng Nam bất ngờ. Hồ sơ thể hiện rõ: Bọn Hiển đã đến lán của Bính mượn chiếc mũ, bộ áo quần và cái túi xách của Bính để đi gây án. Cướp được tài sản xong, Hiển cố ý bỏ lại hiện trường những thứ đã mượn của Bính, trở về đưa cho Bính 800.000 đồng, kể lại toàn bộ diễn tiến “phi vụ” cho Bính nghe.
Anh ta thuyết phục Bính nếu bị bắt, cứ nhận tội vì phạm tội lần đầu, mức án chẳng lâu đâu! Bính nhận tiền và lắng nghe lời chỉ dẫn của Hiển để đối phó với cơ quan điều tra nếu bị bắt. Quả nhiên, khi bị bắt, Bính đã thuộc lòng kịch bản của Hiển, cứ như vậy mà nhận tội từ cấp sơ thẩm tới cấp phúc thẩm.
Ông viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam thật bất ngờ khi đọc lời khai của trùm phỉ Hiển và ba bị can đồng phạm. Ông không thể ngờ được có kẻ tự nhận tội dẫn đến chuyện cả ba cơ quan pháp luật đều sai sót dù quy trình tố tụng rất chặt chẽ và đúng pháp luật. Viện gửi công văn đề nghị Viện Kiển sát nhân dân tối cao tái thẩm vụ án để hủy các bản án đã xử, tuyên bố Phạm Văn Bính không phạm tội “cướp tài sản của công dân” Mặt khác, Viện cũng có công văn gởi Công an Quảng Nam yêu cầu khởi tố điều tra Phạm Văn Bính về tội không tố giác tội phạm theo Điều 247.
Vụ án sau đó đã được giải quyết thỏa đáng.
Qua sông Cái Lớn
Sông Cái Lớn nằm trong miệt thứ của tỉnh Kiên Giang.
Trên trăm năm trước, người Pháp đến vùng đất mênh mông nằm giữa bán đảo Cà Mau và Rạch Giá này cho xáng múc đất, tạo ra nhiều kinh rạch thẳng tắp. Đất hoang, cây cối mọc đầy nhưng... chưa có tên gọi. Người ta bèn đánh số cho những dòng kinh đó. Để phân biệt, người ta gọi tên các vùng đất giữa hai dòng kinh bằng thứ tự của các con số. Do vậy, vùng đất rộng lớn này được gọi là miệt thứ.
Đặc điểm của miệt thứ là ngoài kinh rạch ra, đất cơ bản chỉ để làm ruộng, trồng rừng. Cái màu xanh dễ thấy nhất ở đây là màu của rừng lá dừa nước, tràm, đước, mắm, giá, sú, vẹt. Loại cây trầm thủy hoang dại như ô rô, cóc kèn mọc ken dày đôi bờ kinh. Ở đâu có nước là có ô rô, cóc kèn. Thiên nhiên đơn điệu nhưng cá tôm thì không thiếu. Đó là tiềm năng lớn của vùng rừng trầm thủy.
Mọi việc bắt đầu từ lá thư của một người nông dân ở huyện An Minh (Kiên Giang) gởi trực tiếp để tên tôi. Đại để thư cho biết anh là một nông dân nghèo, chỉ làm sáu công ruộng, vừa đủ ăn. Qua nhiều năm chắt chiu dành dụm, anh mua được con trâu đực giá tám triệu đồng để đi cày thuê cho bà con. Cứ mỗi công ruộng, trừ hết chi phí thuê chẹt - một loại xuồng gỗ đáy phẳng đóng theo hình chữ nhật để chở trâu đi, anh còn lời vài chục ngàn đồng.
Anh cày thuê ba năm, mọi điều suôn sẻ. Một hôm, anh đưa trâu qua huyện An Biên đi cày thì phát sinh sự cố. Công an xã X. bắt con trâu, giữ luôn cả chiếc chẹt chở trâu đi vì có một lá đơn của ai đó tố cáo con trâu của anh là trâu... bị ăn trộm ba năm nay. Anh phải làm tường trình, đi lên đi xuống nhiều bận mới chứng minh được con trâu của mình không phải là con trâu ăn trộm. Công an xã giữ con trâu của anh ba mươi hai ngày, giữ chiếc chẹt thuê tám ngày. Chủ chiếc chẹt đòi anh bồi thường mỗi ngày hai chục ngàn, công an xã buộc anh phải trả công tiền... chăm sóc con trâu mỗi ngày mười ngàn. Tính ra anh phải mất gần năm trăm ngàn đồng.
Anh lý luận: "Công an xã vô cớ bắt trâu của tôi, giữ chiếc chẹt, sao bây giờ lại bắt tôi đền bù. Đáng lẽ công an xã phải đền cho tôi chớ? Con trâu đực của tôi bây giờ ốm nhách, không biết nuôi đến khi nào nó mới mập mạp như cũ...”. Anh viết thư nhờ tôi can thiệp và giúp đỡ.
Tôi về miệt thứ, tìm đến Công an xã X., huyện An Biên. Bàn bạc với các anh một hồi. Các anh nghe ra chuyện giữ con trâu đến ba mươi hai ngày là gây thiệt hại vật chất cho chủ trâu nên thuận tình không buộc chủ trâu trả tiền công chăm sóc nữa. Riêng chủ chẹt thì tôi... không dám có ý kiến vì chẳng gặp được ông.
Nội dung bài viết cơ bản là có rồi, chỉ thiếu hai món ăn chơi. Đó là tấm ảnh của anh nông dân và con trâu đực danh tiếng kia. Tôi đánh giá bài viết mà không có tấm ảnh là thiếu đi 50% lượng thông tin. Một nhà báo không chụp được tấm ảnh trong trường hợp này là nhà báo tồi, thậm chí là nhà báo vô trách nhiệm với bạn đọc của mình. Tôi có thể dàn cảnh, kiếm một nông dân nào đó với một con trâu, chụp đại một tấm để minh họa nhưng làm như vậy là lừa dối bạn đọc và phụ lòng tin của người nông dân đã gởi thư cho tôi. Tôi bèn làm một chuyện mà nhà báo bình thường phải làm: Qua huyện An Minh, chụp cho được tấm hình của anh và con trâu đực.
Ăn trưa sơ sịa trong một quán nhỏ ven sông, tôi dọ giá chuyến đò dọc đi An Minh qua sông Cái Lớn. Một chú bé mười bốn tuổi đồng ý đưa tôi đi về với giá tám chục ngàn đồng. Chiếc vỏ lãi chỉ lớn hơn chiếc xuồng ba lá một chút, gắn cái máy Kohler cũ mèm, phải giật
đến lần thứ sáu mới chịu nổ. Tôi ngồi giữa lòng vỏ, qua sông Cái Lớn.
Tháng tám, buổi chiều đầy mây. Rồi mây đen vần vũ kéo tới, gió nổi lên. Sông Cái Lớn nổi sóng đùng đùng, đập vào mũi vỏ lãi. Chú bé đưa cho tôi cái áo mưa mì ăn liền, bảo:
- Chú mặc áo mưa vào đi.
Tôi cẩn thận choàng áo mưa kín người, thắt chặt sợi dây trước cằm và giữ chiếc máy ảnh Canon sau áo mưa bằng cả hai tay. Chiếc Canon cũ mèm này nặng gần 2 ký, chụp phim trắng đen “để” phát nào ra phát ấy. Cơn giông đến thật nhanh. Gió mạnh quật vào chiếc vỏ lãi khiến nó chồm lên rồi ngập xuống. Sóng càng lúc càng to vỗ vào hai bên mạn vỏ, tràn vào cả chỗ ngồi.
Chú bé vẫn bặm môi, cầm chắc tay lái chân vịt. Tiếng nổ của máy Kohler bị át đi trong tiếng mưa, tiếng sóng. Sông Cái Lớn thật sự trở thành một con rồng cuồng nộ, muốn nuốt chửng chiếc vỏ lãi như nuốt một chiếc lá.
- Mầy cho vỏ chạy vào gần bờ hơn một chút!
Tôi hét lên trong mưa. Chú bé hiểu ý, chạy vào gần bờ. Những chỗ ráp nối của hai chiếc áo mưa của tôi đã bị gió giật rách bươm, mưa thấm ướt cả quần áo.
- Mầy có bằng lái không, con?
- Làm gì mà có. Ở đây hổng ai có bằng lái hết!
- Vậy lỡ tao chết mầy lấy gì mà đền?
- Chú chết ên chú. Tui chết ên tui.
Chữ ên của miền Tây nghe ngồ ngộ, dễ thương. Ên có nghĩa là một mình, ở đây có nghĩa là ai lo phận nấy.
- Vậy lỡ vỏ chìm, tao làm sao bơi được?
- Không sao, chú cứ... cầm miếng ván chú đang ngồi làm phao; tui lội một mình. Không chết đâu mà lo.
Mẹ khỉ, có lẽ nào tôi hy sinh trên sông Cái Lớn này? Nếu vỏ chìm, xác tôi trôi về bên An Biên còn hy vọng có người vớt được, xem giấy tờ biết ra tên tuổi. Nếu xác tôi lỡ trôi... trật qua Cà Mau chắc ra biển cho tôm cá xơi luôn. Nhiều lắm là chỉ có một vài giòng ngắn ngủi trên các báo: "Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã bị tai nạn chìm vỏ lãi trên sông Cái Lớn. Xác ông đã được tìm thấy trên khúc sông Cái Lớn thuộc xã... Ông hưởng dương 54 tuổi...’’.
Mưa cứ rơi, sóng cứ vỗ, gió cứ thổi nhưng chiếc vỏ lãi đã đến được nơi nó cần đến. Tôi tìm ra anh nông dân và con trâu nhưng tấm ảnh không thực hiện được. Mưa đã làm máy ảnh ướt sũng, cả phim và đèn flash cũng ướt luôn. Gói thuốc ba số năm trong túi áo tiêu tùng.
Anh nông dân đốt lửa pha trà, miệng nói lời cám ơn tôi đã đọc thư anh mà tìm xuống đây giúp đỡ. Tôi đổ gói thuốc ra, bỏ hết cán, lấy phần sợi sưởi trên bếp lửa. Rồi xé nửa trang giấy học trò, tôi vò cho mềm đi và vấn hai điếu thuốc to bằng ngón tay cái, một cho tôi một cho anh. Uống hết chung trà, tôi cùng anh nông dân ngồi nói chuyện... con trâu.
Tôi hỏi anh:
- Anh có sẵn tấm ảnh nào đó không?
Anh đáp tỉnh khô:
- Không. Dưới này chẳng có ai chụp ảnh và cũng chẳng có ai muốn chụp ảnh làm gì.
Tôi cụt hứng, nói thêm mấy câu, uống hết ly trà rồi đứng lên rua() anh một cái.
Chúng tôi - tôi và cậu bé, xuống vỏ lãi, quay lại An Biên. Lúc đó, trời đã sẫm tối.
Chú thích :
* rua:(nói tắt tiếng Pháp bonjour) bắt tay
Khái niệm có HIV là thuật ngữ của ngày nay, của thế kỷ 21. Ở thế kỷ trước, cụ thể là thời điểm 1995, người ta gọi là nhiễm HIV Lúc bấy giờ, người ta rất sợ bệnh AIDS, sợ HIV đến nỗi cái tin cô X. ở quận 5 là người nhiễm HIV đầu tiên đã làm cộng đồng xao xuyến. “Người có HIV thứ hai” là một ca lây nhiễm thứ hai, do chính tôi tìm ra.
Tháng 5-1995, Tổng cục Cảnh sát mở một hội thảo đặc biệt về HIV/AIDS, có cả sự tham gia của các thầy thuốc. Cuộc họp báo cáo có một ca lây nhiễm HIV thứ hai từ Cambodia về. Cô gái khai tên giả, địa chỉ giả, vào bệnh viện da liễu khám. Sau khi có kết quả dương tính HIV, cô bỏ trốn biệt.
Ban biên tập báo Công an thành phố Hồ Chí Minh nhận lệnh từ tổng cục, giao cho tôi nhiệm vụ phải tìm ra cô gái này. Chuyến đi thật gian nan. Chỉ với một chữ Hậu duy nhất trong cái tên ấp, tôi đã tìm ra được người chồng chưa cưới của cô ở Cái Bè (Tiền Giang). Từ đầu mối này, tôi tìm ra được nhà cô ở một xã khác nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã ra đi trước đó hai ngày. Tôi vẫn kiên trì bám theo một địa chỉ mơ hồ của một người em cô làm nghề mua bán sắt vụn trên đường Hàn Hải Nguyên, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Và từ đầu mối này, tôi tìm ra cô trong một khu ổ chuột, nhà không số, phố không tên ở quận 11.
Với chút kinh nghiệm khiêm tốn của người làm báo, nhờ sự giúp đỡ tích cực của Công an phường 5 quận 11, tôi đã chụp được nhiều ảnh và có được lý lịch tương đối đầy đủ của cô gái này.
Khi tôi báo cáo kết quả tìm ra cô trước đại diện ngành y tế, công an; mọi người đều lấy làm ngạc nhiên và thương xót vì nhìn thấy các tấm ảnh tôi chụp cô. Cô quá trẻ và hoàn toàn không có một chút kiến thức nào về bệnh AIDS. Tôi bênh vực cô, rằng cô là nạn nhân chứ không phải là tác nhân của HIV dù cô đang là gái làm tiền. Buổi họp nhất trí giao tôi trách nhiệm đưa cô đến Sở Y tế thành phố để nơi đây tư vấn cho cô giữ gìn sức khỏe.
Cuộc đời cô gái thật đáng thương. Năm cô mười sáu tuổi, mẹ cô dẫn cô qua một xã khác thăm một người quen. Hai người phụ nữ gặp nhau, mẹ cô hứa gả cô cho con trai bà bạn - một thanh niên mới mười tám tuổi. Bà hỏi mượn mẹ chàng trai bốn chỉ vàng để làm ăn. Vàng ở thời điểm đó giá khoảng ba trăm ngàn đồng một chỉ. Người mẹ viết giấy mượn nợ một triệu hai trăm ngàn đồng.
Đôi bạn trẻ mới gặp nhau lần đầu, đã cảm thấy quyến luyến nhau. Mẹ cô hứa gả cô cho chàng trai. Trong ước mơ của họ, đám cưới sẽ diễn ra hai năm sau chắc chắn sẽ rất vui và rất hạnh phúc.
Thế nhưng, bà mẹ mượn được tiền vẫn làm ăn thất bát. Chỉ trong vòng vài tháng, bà tiêu hết số tiền mượn được. Thời gian mượn tiền của bà chỉ trong sáu tháng, bà biết làm sao bây giờ. Túng quẫn quá, bà năn nỉ con gái đi... bán trinh, kiếm cho bà mấy chỉ vàng trả nợ.
Cô gái khóc hết mấy đêm. Cô biết mình làm vậy là phản lại lòng tin của người thanh niên mà cô đã hứa hôn nhưng tình cảnh gia đình cô thì quẫn bách quá. Cuối cùng, cô đành đầu hàng số phận. Một mụ mối đến đưa cho mẹ cô hai triệu đồng và dẫn cô đi. Họ đi đâu? Qua Cambodia.
Trên đất bạn, sau khi bán trinh, mụ mối bán cô vào động để tiếp khách. Thúy Kiều có luân lạc mười lăm năm cũng không đau khổ bằng cô gái nhà nghèo này. Tháng 1-1995, cô bị bệnh phụ khoa. Cô xin về Việt Nam trị bệnh tại Trung tâm Da liễu thành phố. Tại đây, sau khi test máu, nghe bác sĩ nói mình bị nhiễm HIV gì đó, cô bỏ trốn biệt. Cô sợ mình bị bắt giam vì hai chữ mại dâm.
Điều nguy hiểm là cô tìm về với người chồng chưa cưới. Anh cũng không có khái niệm gì về các thứ bệnh tình dục ở trên đời. Họ ăn ở, quan hệ với nhau như vợ chồng thực thụ. Khi ngành y tế tỉnh Tiền Giang đến test máu của anh, anh đã la ó, phản đối rùm trời. Khổ thay, anh cũng đã bị dương tính với HIV Anh trở thành người thứ ba có HIV ở Việt Nam - trạng thái lây nhiễm qua đường tình dục.
Cuộc đời sao mà cứ bi thảm như một kịch bản cải lương. Nói chuyện với tôi, cô gái tha thiết muốn được trở về Tiền Giang để chung sống với anh Đ. Tôi đến ủy ban xã, mời anh Đ ra nói chuyện. Cả anh Đ. cũng vậy, anh cam đoan rằng anh rất khỏe mạnh, không bị bệnh hoạn gì cả. Anh quyết lòng chỉ lấy cô gái làm vợ. Thật khó thuyết phục, nói cho họ nghe ra HIV nguy hiểm tới huyết thống, con cái như thế nào. Họ yêu nhau và chỉ cần sống với nhau là đủ.
Các thông tin đó được báo cáo lên giáo sư Phạm Song - Bộ trưởng Y tế. Ông chỉ đạo cho phép hai người được lấy nhau nhưng giao trách nhiệm cho ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang tư vấn cho họ để tốt nhất là họ khoan có con.
Được sống chung chắc chắn là hạnh phúc của họ. Nhưng hạnh phúc ấy rồi cũng không còn. Cả hai đã qua đời vì bệnh AIDS. Họ chết lúc còn quá trẻ.
Trở về
Đến hôm nay, có lẽ người phụ nữ ấy đã trở về đoàn tụ với gia đình. Có lẽ người chồng cũng đã tha thứ cho những hành vi trả thù mù quáng, thậm chí là trẻ con của vợ. Tôi hình dung ra mái gia đình êm ấm ấy vẫn còn ở bên sông Gành Hào. Họ vẫn đang làm mấy công ruộng, đang tiếp tục thả cá. Và tiếng cười vẫn vang lên.
Cách đây mươi năm, tôi vào gặp chị trong trại tạm giam của công an tỉnh Bạc Liêu. Khác với hình dung ban đầu, người phụ nữ lỡ phạm tội ngồi trước mặt tôi lại là con người rất hiền lành, chất phác, vẫn giữ được tính cách thật thà của một nữ nông dân miền Tây Nam bộ.
Trường hợp phạm tội của chị khá đặc biệt, có thể xem là một “kỳ án” ở nông thôn. Tôi đã có đủ hồ sơ về vụ án cố ý gây thương tích này, định gặp chị để chụp một
tấm ảnh là có thể hoàn thành được bài báo. Ấy vậy mà sau khi hỏi chuyện, chụp ảnh chị xong, tôi quyết định không viết bài báo này. Bởi tôi thương cái phẩm chất hiền lành, chất phác, thật thà của chị. Bởi tôi mong chị có ngày về đoàn tụ với chồng và chồng chị sẽ rộng lòng tha thứ cho vợ. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" - Nguyễn Trãi đã dạy như vậy. Làm báo, viết báo mà có tạo ra sự xào xáo trong một gia đình là một tội lỗi. Tôi không thể tạo ra tội lỗi ấy cho nên tôi đã không viết bài báo.
Như nhiều người phụ nữ khác, chị cũng là một phụ nữ biết chăm lo cho gia đình, làm tròn các bổn phận chiều chồng, yêu con. Họ có làm ruộng, có ao nuôi cá, làm được nhà kiên cố, sắm được xe gắn máy và tivi màu. Bình thường, anh là một người chồng tốt nhưng lại có tật hay uống rượu. Mỗi khi say rượu về nhà, anh lại tìm cớ đánh vợ, mắng con.
Chị đã bị anh đánh nhiều lần, có khi bầm tím cả mình mẩy, chân tay. Ban đầu thì chị sợ hãi, chạy trốn, đến báo với công an xã, phụ nữ xã nhờ can thiệp. Thế nhưng, các đơn vị, đoàn thể cho đó là chuyện gia đình, lại lý luận đó là chuyện bình thường nên chẳng ai muốn can thiệp, nhắc nhở, khuyến cáo anh. Được trớn, anh lại làm tới, cứ nhậu về là đánh vợ. Mấy đứa con còn nhỏ không đủ sức can gián người cha, đau đớn nhìn thấy cái cảnh mẹ chịu đòn hoặc bỏ nhà chạy trốn.
Ức lòng vì chẳng được ai bảo vệ, giúp đỡ, chị nảy sinh ra ý nghĩ dại dột tìm cách trả thù chồng. Chị cầm năm trăm ngàn, tìm đến một đám thanh niên vô công rỗi nghề trong xã, “đặt hàng” cho họ dàn cảnh đánh chồng mình. Chị chỉ yêu cầu họ làm sao đánh cho anh bị thương tật nhẹ ở chân để anh không còn rượt kịp chị nữa. Cái đơn đặt hàng đó quả thật là hiếm thấy, hiếm có trong huyện Giá Rai hiền hòa từ trước đến nay. Bốn gã thanh niên nhận tiền và hứa sẽ thực hiện đúng hợp đồng.
Một đêm, anh đang ngủ trong nhà thì họ nhào vào đánh anh. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, họ đánh anh hơi quá tay, vượt cả đơn đặt hàng. Xương cẳng chân trái của anh bị gãy, tỷ lệ thương tật 27%.
Ban đầu, cơ quan công an giả thiết đây là vụ án cướp tài sản nhưng khi biết nạn nhân và gia đình không bị mất món gì thì mới nghĩ đến vụ cố ý gây thương tích. Cơ quan công an triệu tập chị lên làm việc và có đủ cơ sở kết luận chị là kẻ chủ mưu trong vụ án này. Chị và các đồng bọn bị bắt tạm giam.
- Tôi thật ngu dại, đã cầm tiền đi thuê kẻ khác đến đánh chồng mình. Tôi cũng không ngờ là tụi nó đánh ảnh đến nỗi gây ra thương tật nặng như vậy. Sống với nhau gần mười lăm năm, có ba mặt con, tôi rất thương ảnh. Giờ xảy ra sự việc này, tôi bị tù tội không có mặt ở nhà để chăm sóc ảnh, tôi càng thấy thương ảnh hơn. Đêm nào trong trại giam tôi cũng mong chồng tôi rộng lòng tha thứ cho tôi, đừng bỏ tôi.
Một người phụ nữ ít học, nói được những lời như vậy là còn giữ được tấm lòng trung hậu, chơn chất. Tôi ngồi nghe chị nói mà xót thương chị. Mặt nổi của tội phạm là nguy hiểm cho xã hội nhưng phía sau đó là một phản ứng có tính chất nhân quả trước những hành vi đánh vợ của người chồng. Vụ án chưa được đưa ra xét xử (ở thời điểm tôi gặp chị) nhưng tôi hình dung ra chị sẽ được tòa chiếu cố cho hưởng một mức án nhẹ nhàng, đủ sức thuyết phục, giáo dục mà vẫn nghiêm minh, đúng pháp luật.
Ông chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã lưu ý hai vấn để từ vụ án này. Một là - đã có hiện tượng nổi lên những băng nhóm thanh niên hư hỏng, côn đồ chuyên đánh thuê chém mướn tạo ra một loại tội phạm mới ở nông thôn. Hai là - nạn bạo hành trong gia đình đã không được các cơ quan, đoàn thể ở địa phương can thiệp, xử lý sớm đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn. Vụ án này mang cả hai yếu tố đó.
Tôi bàn với ông chánh án, mong ông quan tâm đặc biệt các tình tiết giảm nhẹ của bị can này. Tôi quyết định không viết bài báo nữa. Không viết bài báo này có lợi cho cuộc sống hơn là viết nó lên cho cả mấy trăm ngàn người đọc.
Tôi tin chị sẽ sớm có ngày về đoàn tụ với gia đình và anh sẽ tha thứ cho chị. Tôi cũng tin rằng bản thân anh sau sự kiện này cũng tự nhận biết được những hành vi sai trái đối với vợ con mà sửa đổi. Chỉ có thể có một gia đình hạnh phúc, bình đẳng khi gia đình ấy không có nạn bạo hành.
Nhận tội thay
Không gây án mà vẫn nhận tội về mình là hành vi sai pháp luật. Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) đã khám phá một vụ nhận tội dỏm như vậy. Tiếc thay trước đó, hành vi sai trái này lại... lọt gôn qua hai khâu tố tụng tưởng như rất chặt chẽ.
Lúc 3 giờ sáng ngày 19-1-1997, một tai nạn giao thông đường sông nghiêm trọng đã xảy ra trên đoạn sông Hậu thuộc phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ. Một chiếc ghe lớn chở 87 tấn mía từ hướng Vị Thanh về đã đâm sầm vào hai ghe chở đá chạy ngược chiều. Tai nạn làm một em bé hai tuổi bị chết đuối; hai ghe chở đá bị đắm, thiệt hại 100%. Chiếc ghe chở mía tiếp tục chạy được khoảng 400m cũng bị chìm luôn. Số mía trên ghe trôi hết. Người điều khiển ghe chở mía bỏ trốn.
Ngày 21-1-1997, một người đàn ông tên HVM, ngụ ấp 8, xã Vị Thanh, huyện Vị Thanh, (cũ - nay thuộc tỉnh Hậu Giang) ra đầu thú tại cơ quan công an tỉnh Cần Thơ (cũ). HVM khai nhận chính anh là người đã điều khiển chiếc ghe chở mía gây tai nạn giao thông đường sông nêu trên. M đưa ra một bằng thuyền trưởng tàu sông hạng ba, cam kết bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ của hai ghe đá và cho chủ hàng thuê chở 87 tấn mía.
Tại cơ quan điều tra, nhân chứng HVBB - người cùng đi trên ghe chở mía - xác nhận: “Chính HVM cầm lái khi xảy ra tai nạn”. Ông PVK, chủ hàng thuê chở mía cũng khai: “Ghe đó do HVM lái”. Chủ ghe NVL cũng khai: “Hôm đó HVM lái”. Ba nhân chứng cùng xác nhận một người gây án, thật đáng tin cậy! Trên cơ sở các lời khai ban đầu trùng khớp với lời nhận tội, cơ quan điều tra khởi tố bị can HVM về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông theo Điều 186 Bộ luật Hình sự.
Không lâu sau đó, chủ hàng PVK đến cơ quan điều tra khai lại: “Chính NVL, chủ ghe, mới là người lái ghe mía gây tai nạn”. Ông nói rõ lúc đầu, ông khai cho M vì chủ ghe NVL bảo ông cứ khai như thế thì L mới đền cho ông đủ số tiền 87 tấn mía thiệt hại. Thế nhưng, do chủ ghe L vẫn chưa chịu đền tiền nên ông K xin khai lại cho đúng sự thật.
Lời khai quan trọng này rất tiếc đã không được điều tra viên quan tâm làm rõ. Bản kết luận điều tra theo hướng kết tội HVM là kẻ gây án được hoàn tất. Hồ sơ vụ án chuyển qua bên kiểm sát. Trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra, viện ra cáo trạng truy tố HVM với tội danh trên.
Đọc hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Thanh Thiên, phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) đặc biệt quan tâm đến lời khai lại của chủ hàng PVK và mối quan hệ anh em cô cậu giữa chủ ghe NVL với tài công HVM. Ông ghi chú trong cáo trạng: "Ai lái? Bàn VKS có khả năng M không gây án”.
Trong phiên xử sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh Thiên ngồi ghế chủ tọa. Sau khi kiểm sát viên đọc cáo trạng, tòa thẩm vấn bị cáo, nhân chứng và những người có liên quan. Bút ký phiên tòa thể hiện rõ các câu hỏi và lời đáp.
"Anh M, tòa yêu cầu anh khai báo thành thật. Ai lái chiếc ghe chở mía?”.
HVM (ngập ngừng): "Dạ... tôi lái”... "
Anh L, ai lái chiếc ghe chở mía?”.
"Thưa tòa, người lái ghe là M”...
"Anh K, ai lái chiếc ghe chở mía?”.
"Thưa tòa, người lái chính là chủ ghe NVL”.
"Vậy tại sao trước đây, tại cơ quan điều tra, anh đã có lời khai xác nhận HVM là người lái ghe?”.
"Thưa tòa, tôi khai như vậy vì anh L hứa cứ khai đúng như thế, anh L mới đền đủ số tiền mía thiệt hại cho tôi”.
"Đền chưa?”.
"Thưa tòa, bởi anh L chưa đền đủ số tiền nên tôi mới xin khai lại cho đúng”.
Tòa: "Anh M, tại sao anh nhận tội thay cho anh L?”.
"Thưa tòa, vì anh L không có bằng lái, tôi lại có bằng lái. Sau khi xảy ra tai nạn, anh L nhờ tôi đứng ra nhận tội thay. Lời khai của tôi hôm nay mới là đúng sự thật. Đêm đó, tôi không có mặt trên ghe, đang ngủ ở nhà”.
Tòa nghiêm khắc cảnh cáo HVM, nói cho anh biết việc nhận tội thay kẻ có tội là vi phạm pháp luật. Tòa tuyên bố hoãn phiên xử, trả hồ sơ để điều tra lại. Trên cơ sở điều tra lại, ngày 11-4-98, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam NVL về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải theo Điều 186. Ngày 14-4-1998, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam HVM về tội khai báo gian dối theo Điều 241. Sau ba tháng bị tạm giam để điều tra, cả hai bị can được cho tại ngoại chờ xét xử.
Trong phiên xử sơ thẩm ngày7-9-1998, vẫn ông Nguyễn Thanh Thiên ngồi ghế chủ tọa. Hội đồng xét xử phạt NVL 18 tháng tù; HVM sáu tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng, giao về địa phương giáo dục. Vụ án tai nạn giao thông đường sông đã được làm sáng tỏ, xử đúng người, đúng tội.
Nếu Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) không đình phiên xử lần đầu để yêu cầu điều tra làm rõ thì đã bỏ sót một người có tội, lại kết án oan một người vô tội, mặc dù chính người này tự nguyện đứng ra nhận tội thay. Ở đây, có lẽ cần nhắc lại một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự: “hời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Việc đã để “lọt gôn” trường hợp HVM nhận tội thay, phải chăng có nhiều điều đáng cho... đời sau suy gẫm?
Thời tiết” báo chí đang êm ả, bỗng dưng có một tờ 1 báo đưa tin về vụ tráo người thi nhảy xa trong đại hội Phù Đổng của ngành giáo dục tổ chức tại Đồng Tháp. Sáng hôm sau, hàng chục tờ báo khác viết bài lớn, thông tin về trường hợp một nam sinh lớp 11 đã... giả gái để thi nhảy xa.
Nam sinh ấy đội lốt dưới tên Nguyễn Thị Phượng Kiều - học sinh trường trung học phổ thông Thoại Sơn (An Giang). Có báo còn đi xa hơn, kết tội đoàn An Giang không trung thực khi đưa người đi thi đấu, quá ham đạt thành tích mà coi rẻ dư luận, làm vẩn đục ý nghĩa đại hội Phù Đổng và hoạt động điển kinh - thể thao. Có báo đề nghị tước huy chương vàng của Nguyễn Thị Phượng Kiều.
Tôi đi xác minh lại vụ việc. Nơi đầu tiên tôi đến là bệnh viện Đồng Tháp - đơn vị đã thực hiện việc khám giới tính để khẳng định Phượng Kiều là phái nam. Các bác sĩ cho biết, do ban tổ chức hoài nghi về vóc dáng bên ngoài và thành tích nhảy xa của Phượng Kiều nên mới yêu cầu khám giới tính. Việc khám giới tính khẳng định Phượng Kiều là nam. Bệnh viện ra một kết luận khám nghiệm.
Đáng lẽ kết luận này được giữ kín, chỉ giao cho ban tổ chức hội khỏe thì đàng này, một bản nháp bị hư đã được vứt vào sọt rác. Một nhà báo đã nhặt được bản nháp ấy; thông tin rò rỉ ra ngoài, trở thành một thông tin chủ đạo trên báo chí.
Tôi xuống trường phổ thông trung học Thoại Sơn, xin phép nhà trường cho xem hồ sơ, học bạ của Phượng Kiều. Khai sinh, học bạ cho biết Nguyễn Thị Phượng Kiều là nữ. Chỗ em ngồi học cùng bàn dành cho nữ sinh. Tôi lại đi xuống địa phương nơi em cư ngụ. Công an xã cho xem hồ sơ nhân khẩu, Phượng Kiều là nữ. Chứng minh nhân dân và hộ khẩu đều xác nhận giới tính của cháu là nữ. Vậy tại sao kết quả khám lại khẳng định là nam?
Tôi quyết định đến gặp gia đình em. Đó là một gia đình nghèo, có ba con, người cha đã mất. Mẹ của cháu cho biết bà sinh Phượng Kiều tại nhà, chỉ có một bà mụ vườn đến chăm sóc. Khi sinh ra, bộ phận sinh dục của hài nhi là bộ phận sinh dục nữ. Bà đặt tên và khai sinh cho hài nhi là Nguyễn Thị Phượng Kiều.
Phượng Kiều lớn lên đến 15 tuổi thì cảm thấy cơ thể có điều khác lạ. Chính cháu đã báo điều đó với mẹ và bà mẹ cũng không biết phải giải quyết ra sao. Cháu có khuynh hướng đang trở thành... một đứa con trai. Mười mấy năm lỡ khai sinh là nữ, đi học mặc áo dài, ngồi chung với bạn nữ, làm sao có thể thay đổi được? Tất cả đều khởi từ việc bà mụ vườn và mẹ cháu nhận định sai về giới tính ban đầu của hài nhi.
Nghe câu chuyện, tôi thật sự xót thương cho Phượng Kiều. Cháu hoàn toàn không có lỗi khi bị xếp vào giới tính nữ. Nhà trường, ngành giáo dục và ngành thể thao An Giang hoàn toàn trong sáng khi đưa cháu đi dự hội khỏe Phù Đổng. Những bài báo kết tội nặng nề việc gian lận đã làm cháu, ngành giáo dục và ngành thể thao tỉnh An Giang tổn thương nặng nề.
Tôi viết một bài lội ngược dòng dư luận, kết luận rằng những điều xảy ra vừa qua chỉ là việc đáng tiếc từ một nhận định sai lầm về giới tính. Ở đây, chẳng có ai ham thành tích, chẳng có ai ăn gian...
Bài báo thuyết phục được dư luận. Ngành giáo dục và ngành thể thao An Giang như cởi bỏ được một gánh nặng. Các bạn đồng nghiệp của tôi cũng không còn ai
để cập đến chuyện Phượng Kiều. Thế nhưng, chẳng lẽ chúng tôi dừng lại ở đây, không có một cái gì giúp thêm cho cháu để cháu có một tương lai?
Tôi qua bệnh viện Bình Dân, nói chuyện với tiến sĩ Vũ Lê Chuyên, mong ông tìm cách giúp Phượng Kiều. Ông nói:
- Tôi đã giải phẫu nhiều ca tương tự như ca này. Anh cứ đưa cháu lên cho tôi khám. Chẳng lẽ các anh làm công tác xã hội từ thiện mà chúng tôi không cùng làm với các anh?
Tôi đi An Giang, nói rõ ý kiến đó với các thầy cô và gia đình. Mọi người đều mừng, cho rằng đó là quyết định đúng đắn.
Đưa cháu về tới thành phố, báo thuê hẳn một ngôi nhà gần cơ quan cho cháu ở. Toàn bộ công việc được bảo mật tuyệt đối bởi cháu đang là đối tượng được nhiều người quan tâm, trong đó có cả các nhà báo. Tiến sĩ Chuyên và các đồng nghiệp khám và quyết định phẫu thuật cho cháu.
Công việc chuyên môn được lặng lẽ thực hiện trong nhiều tháng. Tiến sĩ Chuyên và tôi đồng ý không đưa thông tin này lên báo để tránh sự chú ý của dư luận. Cho tới lần giải phẫu sau cùng, tiến sĩ Chuyên khẳng định:
- Tôi làm khâu cuối nữa là xong. Bảo đảm cháu sẽ lấy vợ và sinh con bình thường như bao nhiêu người đàn ông khác.
Ngày cháu ra viện cùng mẹ đến cám ơn báo và tôi, tôi không khỏi ngạc nhiên. Trước mắt tôi là một chàng thanh niên đúng với ngữ nghĩa của từ này, tự tin và mạnh khỏe. Người mẹ nói:
- Ông ơi, gia đình tôi xin cám ơn ông vô cùng. Tôi mong ông nhận cháu làm con nuôi và đặt cho cháu một cái tên mới.
- Vâng, nếu chị đồng ý thì cho phép tôi xem cháu như con. Tôi đặt tên mới cho cháu là Nguyễn Mạnh Cường.
Nhưng con người, không phải nhờ một cái tên mà đã hoàn thành giới tính. Tôi viết thư, nhờ một người bạn là luật sư - nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tầm thuộc đoàn luật sư An Giang, liên hệ với Sở Tư pháp tỉnh để làm các thủ tục hồ sơ chuyển đổi hộ tịch cho cháu. Luật sư Tầm là một người nhân hậu, giàu tấm lòng với cuộc sống. Qua sự giúp đỡ của ông, hồ sơ hộ tịch của Nguyễn Mạnh Cường hoàn chỉnh. Một con người mới được khai sinh!
Cường thi đậu vào hệ cao đẳng sư phạm thể dục thể thao tại đại học An Giang. Học xong, cháu ra trường, đi làm giáo viên thể dục thể thao ở một trường cấp hai. Vài ba năm, cháu mới gọi điện thoại thăm tôi một lần. “Ba Sao Biển ơi, con là Mạnh Cường đây thưa ba. Ba có khỏe không ạ?” Và chỉ chừng đó cũng khiến lòng tôi ấm áp.
Vườn điều - vụ án oan sai
Đầu năm 2005, thẩm phán Lê Ngô thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng ngồi ghế chủ tọa hội đồng xét xử một vụ án hiếp dâm, giết người. Cáo trạng của Viện Kiểm sát đề nghị tòa phạt bị cáo từ mức án chung thân đến tử hình. Nhưng căn cứ vào diễn biến của phiên tòa, quan điểm bào chữa và bảo vệ của luật sư hai bên, những thiếu sót trong hồ sơ vụ án và những vi phạm về mặt thủ tục tố tụng, thẩm phán Lê Ngô đã tuyên bố không đủ căn cứ chứng minh bị cáo phạm tội. Ông trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.
Cách xử lý vụ án của ông Lê Ngô không khỏi làm cho gia đình của nạn nhân bị sốc. Người nhà đưa đến cho tôi một bộ hồ sơ, cho rằng ông Lê Ngô xét xử không công minh. Tôi đọc hồ sơ, đọc thật kỹ và phát hiện những điều thái thậm vô lý có trong đó.
Tôi thầm phục thẩm phán Lê Ngô. Có lẽ ông là người đầu tiên dám áp dụng nguyên tắc hễ không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo thì phải coi là bị cáo không phạm tội. Phần chứng minh tội phạm (nếu có) về sau này là nhiệm vụ của cơ quan điều tra và kiểm sát. Khi nào, hai cơ quan này đủ chứng cứ chứng minh bị cáo có dấu hiệu phạm tội rõ ràng, hãy bắt giam và truy tố lại cũng không muộn. Còn trong thời điểm này, hai cơ quan chưa làm được việc đó, ông có quyền tuyên bố trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa nếu bị cáo không phạm một tội khác.
Tháng 10-2000, sau khi vụ án vườn điều ở xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) được xét xử sơ thẩm, tôi tiếp xúc với ông Võ Duy Quang, chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận. Một cách thân tình, ông hỏi tôi:
- Đây là tôi hỏi một anh nhạc sĩ nhạy cảm chứ không hỏi một anh nhà báo chuyên viết về mảng tố tụng. Cảm giác của anh về vụ án vườn điều như thế nào?
Tôi trả lời ngay:
- Với cả hai tư cách, tôi nghĩ rằng các bị cáo không có dấu hiệu phạm tội. Tòa chúng ta vừa xét xử sơ thẩm, tuyên bố họ phạm tội là chưa đủ cơ sở thuyết phục.
- Tại sao vậy?
- Hồ sơ vụ án xây dựng chứng cứ trên những lý luận rất mơ hồ. Các cơ quan tố tụng chưa chứng minh được tội phạm của họ. Các anh bắt giam bảy người trong gia đình người ta như vậy là oan ức.
- Anh nói thật chứ?
- Tôi nói rất thật.
Ông chánh án chép miệng. Tôi rất quý mến ông, một con người hiền lành, ngay thẳng, chuẩn mực. Tôi đã viết bài về vụ án này trên mặt báo nhưng chưa công khai nói ra suy nghĩ chủ quan là các bị cáo không có dấu hiệu phạm tội. Bây giờ thì tôi mới được chính thức nói rõ với ông. Kể ra, một nhà báo mà chưa dám nói hết suy nghĩ trên mặt báo thì cũng có thể gọi là hèn nhát. Nhưng báo chí vốn yêu cầu người ta phải viết một cách thận trọng. Tôi không thể vượt ra khỏi quy định chung đó.
Năm 1993, có một bà cụ già ở ngã ba Tân Minh bị giết và lấy đi một số tài sản nhỏ. Cơ quan công an mở cuộc điều tra.
Hai năm sau, một phụ nữ khác tên là Mỹ bị giết trong vườn điều, ngay ngã ba Tân Minh, chỉ cách chợ có vài mươi thước. Mặc dù xác nạn nhân đã bắt đầu phân hủy, giòi trên thân xác nạn nhân có con đã lớn bằng đầu chiếc đũa nhưng cơ quan điều tra vẫn nhận định nạn nhân chết cách đó... hai hôm (?).
Ban đầu, người ta tìm không ra thủ phạm, bèn áp dụng cách gọi hỏi. Trần Văn Sáng - xã đội trưởng xã Tân Minh và vợ là Nguyễn Thị Nhung đã bị triệu tập đến cơ quan công an lấy lời khai. Nhung bị tạm giam trên một tháng rưỡi. Sau cùng, không tìm được dấu hiệu phạm tội, cơ quan công an xin lỗi Nhung và trả tự do cho Nhung. Người ta bắt Huỳnh Văn Nén vì nghi Nén giết bà cụ.
Đến năm 1998, cơ quan điều tra cho biết Huỳnh Văn Nén - vốn là em rể, đã ly dị với em của Nhung, khai báo rằng chính gia đình Nhung gồm mẹ ruột là bà Lâm cùng các anh chị em, trong đó có cả Nén, đã tổ chức giết bà Mỹ trong vườn điều. Lý do giết người là để trả thù. Chồng Nhung là Sáng có quan hệ bất chính với Mỹ. Nhung tổ chức đánh ghen, giết Mỹ. Hồ sơ được dựng lại khá bài bản. Bảy người trong nhà bà Lâm đều bị bắt tạm giam.
Một hôm, Nhung giặt áo cho chồng, thấy có miếng giấy Mỹ viết hẹn sáng ra vườn điều nói chuyện. Đó là một đêm ba mươi tối trời. Nhung tổ chức cho mẹ, anh chị em và cả Nén cầm hung khí đến nơi. Khi hai bên đang nói chuyện, họ nhảy vào đánh Mỹ. Sáng bỏ chạy, Mỹ bị giết ngay tại vườn điều. Các bị can đều đã nhận tội...
Hồ sơ đó khó tin ở chỗ nào? Một là, xác nạn nhân đã bắt đầu phân hủy, áo quần không có vẻ rách rưới nhưng hồ sơ vẫn nói nạn nhân vừa chết hai hôm và trước khi chết, bị đến bảy người tham gia đánh đập. Hai là, sự kiện ấy xảy ra trong một khu dân cư nhưng chẳng có ai làm chứng được đêm đó có nghe nạn nhân kêu la, tiếng người đánh đập chửi mắng. Ba là, đêm xảy ra vụ án là đêm 30 âm lịch, vườn điều lại đang xòe tán, nghĩa là trời tối như hũ nút nhưng hồ sơ vẫn viết được “thấy Sáng đang ngồi nói chuyện với Mỹ...".
Những người được chứng kiến vụ khám nghiệm hiện trường đều có chung nhận định: Bà Mỹ có thể chết trước đó cả bốn, năm ngày (vì giòi đã lớn) và có lẽ ai đó đã giết bà rồi mới đưa xác vào vườn điều. Như vậy, vụ án xảy ra trong vườn điều đêm 30 giữa một khu dân cư là một vụ án... giả tưởng. Tòa án tỉnh Bình Thuận đi xác minh, lòi ra một chi tiết động trời hơn: Bà Mỹ không biết viết chữ. Hễ bà Mỹ không biết viết chữ thì làm sao có bức thư nào gởi cho Sáng được để Nhung phải nổi ghen?
Mặc cho những điều vô lý đó đầy rẫy trong hồ sơ, tòa vẫn đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt án tù cả thảy bảy bị cáo. Trừ Trần Văn Sáng là bị cáo tại ngoại, bị truy tố tội không tố giác tội phạm, các bị cáo khác đều bị giam giữ ngay từ ngày khởi tố vụ án, trong đó có cả hai bị cáo chưa thành niên.
Chính ông Sáng cầm đơn đến gặp tôi, kêu oan. Đơn của ông nói gia đình ông không hề giết người, ông cũng không hề quan hệ tình cảm với bà Mỹ - một người đã có chồng. Không hiểu ai đã đục cây tra cành, bức cung mớm cung khiến cả nhà ông bị bắt giam. Sở dĩ ông được tại ngoại bởi ông là người duy nhất phải nuôi ba đứa con nhỏ. Nếu không có con, ông cũng đã bị bắt giam rồi.
Tôi đã đến cơ quan cảnh sát điều tra công an Bình Thuận, gặp gỡ điều tra viên CVH. Ông khẳng định: Các bị can không hề bị bức cung, nhục hình. Khi tôi hỏi bà Lâm là người thất học, không biết chữ, làm sao có thể viết được bản tự khai (trong hồ sơ vụ án), ông H không trả lời.
Chính tôi đã đưa hồ sơ vụ án cho một người bạn - luật sư Phạm Thị Kim Anh, nghiên cứu. Đọc hồ sơ, chị rất bức xúc. Chị nói:
- Được, em sẽ bào chữa giúp vụ này cho cả bảy bị cáo, gia đình bị cáo sẽ không tốn một đồng nào cả trong phiên xử phúc thẩm tới đây.
Phiên xử phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án dân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra tại phòng xử lớn tòa Bình Thuận. Nhân dân xã Tân Minh dùng tất cả các thứ xe, kể cả xe cải tiến chuyên chở phân bò, về Phan Thiết xem tòa xét xử. Bà con đứng đầy trên đuờng Nguyễn Tất Thành, nghe vụ án qua loa phóng thanh.
Người dân khao khát công lý, thương yêu kẻ nghèo khổ cô thế. Chẳng vậy mà khi luật sư Kim Anh xuất hiện trước tòa, trình giấy giới thiệu bào chữa tình nguyện cho các bị cáo, người ta đã vỗ tay hoan hô chị. Hôm ấy, chị mặc bộ veste đen, áo sơ-mi trắng. Khi chị xuất hiện nhận bào chữa, tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Ai cũng nghĩ gia đình Sáng không đủ tiền, làm sao có thể mời luật sư. Nhưng sau cùng thì luật sư đã có mà là một luật sư nặng ký.
Phiên xử phúc thẩm diễn ra thật căng thẳng. Các bị cáo đều bị cách ly để tránh thông cung. Nhưng ngạc nhiên thay, trước tòa, cả thảy các bị cáo, kể cả Huỳnh Văn Nén, đều phản cung.
- Anh Nén khai rõ đi, tại sao trong phiên sơ thẩm anh nhận tội mà đến phiên phúc thẩm, anh không nhận tội?
- Thưa quý tòa, tôi đã bị đánh đập nhiều lần. Ngay trong lúc phúc cung, mỗi lần tôi không nhận tội là kiểm sát viên kêu cán bộ điều tra tới đánh tôi tại bàn phúc cung. Cho nên ra phiên sơ thẩm, tôi nhận tội để còn được sống sót khai rõ trước phiên phúc thẩm này.
Lời khai của Nén được mọi người vỗ tay rào rào.
- Đây là phiên phúc thẩm, anh muốn khai gì?
- Thưa quý tòa, tôi không hề giết bà cụ năm 1993; gia đình bên vợ tôi cũng không hề giết chị Mỹ trong vườn điều. Toàn bộ hồ sơ vụ án là do cán bộ điều tra dựng lên, buộc tôi phải ký. Nếu tôi không ký, người ta lại đánh đập tôi. Thời gian xảy ra chuyện chị Mỹ, tôi làm công ở Đồng Nai.
Cả bị cáo Nguyễn Thị Lâm và bị cáo Nguyễn Thị Nhung đều vừa khóc và trình ra trước tòa những dấu vết trên bàn tay họ. Họ không ký, không lăn tay nhận tội thì họ bị dẫm vào bàn tay! Nhung đã bị long móng tay!
Vụ án được xét xử tới bốn giờ chiều. Tòa tuyên hoãn xử, điều tra bổ sung và sẽ xét xử lại.
“Thời gian xảy ra chuyện chị Mỹ, tôi làm công ở Đồng Nai” - lời khai của Nén khiến tôi hiểu đây là mấu chốt quan trọng. Sáng hôm sau, tôi vào Đồng Nai sớm, liên hệ với công an xã nơi Nén làm công. Qua sự giúp đỡ của các anh, tôi tìm ra ông chủ đã nhận Nén vào làm thuê.
- Nó là một thằng thanh niên hiền hậu. Nó làm cho tôi, một ngày lãnh hai mươi lăm ngàn đồng. Tối nào nó cũng về nằm ngủ ở đây. Nó đâu có về ngoài đó mà nói chuyện giết bà Mỹ với bà Tây?
Các anh công an xã chứng thật chuyện đó. Như vậy là Nén có dấu hiệu ngoại phạm. Mà Nén ngoại phạm thì vụ án vườn điều đúng là... sản phẩm của trí tưởng tượng, do ông CVH nặn ra! Họ đã vẽ bùa cho các cơ quan pháp luật đeo.
Tôi đưa lên mặt báo diễn tiến của phiên tòa phúc thẩm. Với sự dè dặt bình thường, tôi không nói các bị cáo không phạm tội. Nhưng qua tất cả những gì có trong hồ sơ và diễn biến thực tế trước phiên tòa, tôi thấy không có cơ sở thuyết phục để buộc tội các bị cáo. Tôi đưa thêm ý kiến ông già ở Đồng Nai để chứng minh Nén có dấu hiệu ngoại phạm và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm về mặt này. Một nền pháp luật nhân đạo nhất là phải tìm cho ra yếu tố gỡ tội cho các bị cáo.
Trong trại giam, Nhung phát bệnh ung thư. Những ngày cuối cùng, chị mới được cho về trung tâm ung bướu thành phố Hồ Chí Minh chữa trị. Thấy chị không còn đủ khả năng bước đi nữa, người ta cũng không nỡ còng chị vào giường. Chị nhắn tin muốn gặp tôi. Tôi vào Trung tâm ung bướu gặp chị. Người chị đã sưng phù lên, cái bụng rất to. Chị nói trong nước mắt:
- Thưa ông, tôi muốn được tạ ơn ông. Tôi biết mình không còn sống được mấy ngày nữa nên mong được gặp ông, nói một lời. Tôi có ăn nói hỗn hào nhưng tôi và gia đình tôi không giết bà Mỹ. Tôi bị vu oan, bị đánh đập phải nhận tội. Mong ông tin cho điều đó. Tôi tạ ơn ông đã cố gắng cứu vớt gia đình tôi.
Chị Nhung được đưa về Tân Minh để chôn cất. Lần đầu tiên, trong cái xã thuần nông nghèo này mới có một đám ma ấm áp như vậy. Bà con nghèo đến viếng, kẻ đi năm ngàn đồng, người đi mười ngàn đồng. Ấy vậy, mà số tiền lên đến 14 triệu đồng. Cái đó là gì? Lòng thương xót cho một số phận hàm oan đau đớn.
Một biến cố khác xảy ra: Ông H bị lột cảnh tịch, đưa ra khỏi ngành vì dính dáng vào một đường dây tội phạm ma túy. Ông đi rồi nhưng hậu quả ông để lại khá lớn: Bốn người (trừ hai đứa bé vị thành niên đã được tha) trong vụ án vườn điều vẫn còn bị giam giữ. Luật sư Kim Anh cũng bị bệnh; chị không thể tiếp tục giúp đỡ bào chữa miễn phí cho các bị cáo. Vụ án còn vướng mắc ở nhiều nơi, nhiều góc độ. Buộc thì dễ, gỡ ra mới khó.
Năm 2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lần hai vụ án, tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ lại cho cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ. Các bị cáo Nguyễn Thị Tiền, Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Sơn mãn hạn tù (theo án sơ thẩm) đương nhiên được tha về. Bà Nguyễn Thị Lâm vẫn còn bị giam giữ.
Cuối tháng 10-2005, một số nhân sĩ, trí thức, luật sư ở Hà Nội mở cuộc hội thảo về vụ án vườn điều. Cho đến hôm nay, điều mà bảy năm trước đây tôi đã nói với ông chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã trở thành một sự thật không thể nghi ngờ được nữa: Đây là một vụ án oan!
Tháng 12-2005, Viện Kiểm sát tối cao ra lệnh đình chỉ vụ án. Bà Lâm được trả tự do. Tính ra, bà đã ở tù đến bảy năm. Vụ án vườn điều làm cho gia đình bà tan nát: Hai đứa con chết, các cháu bơ vơ, phải bỏ học đi làm thuê làm mướn.
Các cơ quan pháp luật ở Bình Thuận lại phải làm một chuyện mà đáng lý ra họ đã tránh được từ đầu: Lo đền bù lại các thiệt hại về danh dự, tài sản, sức khỏe của bảy người bị oan sai trong vụ án theo Nghị quyết 388.
Có thể nói vai trò của luật sư Phạm Thị Kim Anh - người bào chữa cho các bị cáo ở phiên xét xử phúc thẩm lần thứ nhất, rất lớn. Nếu không có chị đưa ra những luận cứ vững chắc trong sự mâu thuẫn của hồ sơ vụ án và đề nghị tòa hoãn phiên xử thì e rằng tòa đã tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo. Những luật sư đến sau đó chỉ làm cái công việc mà người đi trước đã mở ra sẵn. Và nhờ như vậy nên vụ án vườn điều mới được rút kinh nghiệm là vụ án oan sai.
Vũ Đức Sao Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét