Năm 1996, trường Đại học sư phạm Hà Nội tuyển sinh nhiều nhóm
ngành và tổ chức đào tạo theo mô hình Đại học đại cương của Australia. Tôi theo
học nhóm ngành VI, nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, biên chế vào lớp U6
khoa Lịch sử. Sau một năm rưỡi học đại cương, sinh viên sẽ được tuyển thẳng hoặc
thi vượt rào vào ngành học ưa thích. Chương trình học đại cương khá phong phú,
ngoài các môn khoa học xã hội như Văn học, Lịch sử, Địa lý, Tâm lý học, sinh
viên còn được học thêm Logic học, Xác suất thống kê… Trong các môn học đại
cương, có môn Khái quát Văn học Việt Nam do thầy Chu Văn Sơn giảng dạy. Chúng
tôi học ở giảng đường Nhà B, nơi người Nga thiết kế một quả địa cầu trùm lên mấy
khoa Vật lý, Hóa học, Kỹ thuật công nghiệp rất đẹp. Bốn lớp, khoảng hai trăm
sinh viên nhóm ngành VI học cùng giảng đường. Tôi nhớ có một hôm vào giờ giải
lao, thầy Chu Văn Sơn đề nghị mỗi dãy cử đại diện lên hát một bài. Từ trái sang
phải, lần lượt dãy 1, dãy 2, dãy 3 và dãy 4 lên biểu diễn. Đại diện dãy 1,2,3,
nhiều người là dân quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, rồi ca trù Nam Định,
Thái Bình lên hát rất hay. Đến dãy 4 của chúng tôi chẳng ai chịu lên cả. Ngồi một
lúc cũng ê, thôi đành liều mình giữ thể diện cho dãy 4 vậy. Tôi bèn lên bục giảng
và hát bài Hành khúc ngày và đêm. Tôi hát không hay, nhưng ở trên bục giảng có
thầy vỗ tay cổ vũ, ở dưới cũng vỗ tay hòa nhịp rất đều. Bài hát được đẩy lên
cao trào và kết thúc trong không khí vui tươi. Môn Khái quát Văn học Việt Nam kết
thúc nhẹ nhàng, sâu lắng nhờ phong cách dạy rất sinh động của thầy Chu Văn Sơn.
Về phong cách dạy của thầy, tôi xin nói đến ở phần sau.
Kết thúc một năm rưỡi đại cương, nhiều bạn chọn vào khoa Lịch
sử, còn tôi vượt rào và may mắn đậu vào khoa Ngữ văn. May mắn hơn nữa là tiếp tục
được học chuyên đề Thơ mới của thầy Chu Văn Sơn. Vào những buổi chiều xa nhà,
tôi thường ngồi nghe anh Phạm Tuấn Anh và Lê Công Đẩu chơi ghi ta. Anh Tuấn Anh
người Thủy Nguyên Hải Phòng học trên tôi một lớp. Biết tôi hay lang thang trên
những cánh đồng ngoại thành Hà Nội, nên thỉnh thoảng anh rủ tôi về Đông Anh,
Hoài Đức Ứng Hòa thăm anh em cùng lớp. Có một dạo, chắc là sắp ra trường nên
anh hay mượn xe đạp và rủ tôi đến nhà thầy ở khu Văn Chỉ mượn sách và nói chuyện
văn chương, hội họa, âm nhạc… Tôi ít nói, chỉ ngồi nghe và cố nhớ những câu
chuyện mà thầy kể. Ấn tượng đọng lại trong tôi là cái lạ của hình ảnh, ngôn từ
nhạc Trịnh; hội họa phương Tây và dấu ấn cửa cong vàng sáng phố phường, chuyện
bếp núc nhà văn và những nhà văn hóa tứ hổ Tràng An, tứ kiệt Bắc Hà. Chuyện nghệ
thuật rồi chuyện làng quê bản quán, chuyện gia đình và con sông Yên mùa phù sa
tháng Tám. Tôi tâm sự với thầy về người cha bị thương và ba em nhỏ nửa lành nửa
sứt, nửa năm xa nhớ lắm chưa về! Có lần tôi theo thầy về Côn Sơn - Kiếp Bạc, thầy
trò tôi hát cho nhau nghe bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn có “vết chim đi” và
cơn mưa trên tầng tháp cổ, "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"! Cứ thế,
niềm vui nhân lên qua niềm đồng cảm, sự gần gũi sẻ chia!
Qua những lần sang Văn Chỉ, tôi biết thầy có mấy năm đi làm giảng viên ở Đại học Quy Nhơn. Xa Quy Nhơn nhưng trong đó vẫn còn bạn bè, học trò gắn bó, còn một thuở bình yên của ngày mới ra trường. Có lần thầy hỏi về dự định của hai anh em sau khi ra trường. Anh Tuấn Anh cười tươi và nói tốt nghiệp sẽ về quê người yêu ở vùng đất Tổ, còn tôi thì đang học năm ba nên cũng chưa vội, và cũng chưa biết sau này mình sẽ về đâu.
Qua những lần sang Văn Chỉ, tôi biết thầy có mấy năm đi làm giảng viên ở Đại học Quy Nhơn. Xa Quy Nhơn nhưng trong đó vẫn còn bạn bè, học trò gắn bó, còn một thuở bình yên của ngày mới ra trường. Có lần thầy hỏi về dự định của hai anh em sau khi ra trường. Anh Tuấn Anh cười tươi và nói tốt nghiệp sẽ về quê người yêu ở vùng đất Tổ, còn tôi thì đang học năm ba nên cũng chưa vội, và cũng chưa biết sau này mình sẽ về đâu.
Năm học Đại học thứ ba thật chật vật. Cha mẹ nuôi tôi ăn học
bằng năm sào lúa, nhưng năm ấy lúa trổ vào dịp gió Lào nên cả cánh đồng xác xơ
hạt lép. Cái khó ló cái khôn, tôi bèn ra trước cổng trường Đại học Sư phạm Ngoại
ngữ Hà Nội bơm vá xe kiếm tiền ăn học. Ăn mặc cũng tuềnh toàng, ải ải với tấm
áo mua lại trên một cửa hàng bán quần áo cũ phố Kim Liên. Đã vậy, cái áo ấy lại
rách thêm một lỗ bằng quả trứng gà, rách ngay chỗ nhà thiết kế lượn hình đuôi vịt
khiến lúc nào tôi cũng phải đóng thùng. Nhiều hôm, anh Phạm Tuấn Anh rủ tôi đến
khu Văn Chỉ, nhưng tôi không đi được. Cũng chẳng phải bận rộn về chuyện tình
yêu tình báo gì, mà vì chuyện áo cơm no bụng sinh tồn. Tôi còn nhớ, có một hôm
bơm xe xong, đang lúi húi cho thêm nước vào cái chậu còn lưng thì bắt gặp một
giọng nói rất ấm:
- Em có muốn vào khoa Văn Đại học sư phạm Quy Nhơn công tác không? Thầy sẽ nói các thầy trong đó giúp cho.
- Em có muốn vào khoa Văn Đại học sư phạm Quy Nhơn công tác không? Thầy sẽ nói các thầy trong đó giúp cho.
- Vào đó sau hai năm, ra Hà Nội học Văn (học cao học) với thầy.
Ngước mắt nhìn lên, tôi bắt gặp một nụ cười hiền hậu. Lúc ấy,
tôi chẳng cần chú ý là chậu nước đã đầy hay chưa nữa. Tôi thả cái can nhỏ xuống
làm nước văng tung tóe và cảm thấy có một chân trời hy vọng, một niềm vui mới
mở ra trước mắt mình. Niềm hy vọng trong tôi bỗng nhân lên, nhưng vẫn thấy hơi
lo vì chẳng biết mình có làm nên “trò trống” gì hay không nữa.
Năm cuối cùng của thời Đại học rồi cũng kết thúc, tôi đến hỏi
thầy về việc làm ở miền Nam. Thầy cho tôi biết một tin tốt lành. Tôi về ký
túc xá, hào hứng khoe với nhóm bạn cùng lớp, chia tay bạn bè và đêm mùa hè Hà
Nội. Tôi thao thức đợi chờ trời sáng và ra đường Xuân Thủy bắt xe về quê, báo
tin mừng cho cha mẹ về chuyện đi làm giảng viên Đại học ở miền Nam. Sau một
tuần ở quê ngắn ngủi, tôi ra đồng cấy nốt sào ruộng vụ hè thu rồi khăn gói ra
Hà Nội với mục đích xin được lá thư giới thiệu của thầy.
Một buổi chiều mùa Hạ, tôi đạp xe qua khu ruộng nước và rón
rén đến gõ cửa nhà thầy. Sau tiếng gọi “Thầy ơi!”, người đón tôi là cô Vân Anh
- vợ thầy. Với vẻ mặt lo lắng, cô nói, “Thầy bị ốm nặng em à”. Tôi theo cô qua
những bậc thềm đầy lá vào nhà. Căn phòng như im lặng, thầy nằm bất động, gầy và
xanh, ánh mắt rất mỏi. Khi ấy, những điều mà tôi muốn nói về chuyện đi làm giảng
viên ở miền Nam đã được ghìm lại, dấu kín ở trong lòng. Tôi không thể làm phiền
thầy lúc này. Vì thế, tôi đành bịa ra nào là "em đã xin được việc làm ở
quê rồi, thầy ạ!". Nào là “em ra Hà Nội lấy ít đồ còn gửi trong ký túc”,
nào là “em ra Hà Nội mua thêm sách tham khảo”… Trước khi ra về, thầy còn căn dặn
hai năm nữa quay lại trường học Văn. Tôi nắm chặt tay thầy, cổ nghẹn lại.
Thầy nở nụ cười mừng vui cho sự trưởng thành của học trò và khuyên tôi cố gắng dạy cho tốt, cho hay. Khi ấy, thú thực tôi rất muốn khóc vì ba lý do, một vì mình là người nói dối, hai vì lo cho sức khỏe của thầy, ba là chẳng biết khi nào được trở lại học Văn! Nhưng là người đàn ông của vùng cát biển miền Trung, tôi đã ghìm nén lại. Thực ra, ngày ấy tôi không xin được việc làm ở quê vì nhà nghèo. Tôi lang thang vào tận đất Đồng Nai rồi Bà Rịa - Vũng Tàu với tâm trạng rất bi quan. Những đêm miền Nam trời mưa xối xả, nhớ nhà, nhìn những chiếc lá xanh rơi bên thềm xa vắng, nỗi buồn cứ miên man theo con nước nhỏ. Chẳng biết đời mình sẽ trôi dạt về đâu! Tôi kiếm kế sinh nhai bằng phụ hồ, rồi may mắn trở thành thầy giáo đi dạy học ở một vùng quê rất xa.
Thầy nở nụ cười mừng vui cho sự trưởng thành của học trò và khuyên tôi cố gắng dạy cho tốt, cho hay. Khi ấy, thú thực tôi rất muốn khóc vì ba lý do, một vì mình là người nói dối, hai vì lo cho sức khỏe của thầy, ba là chẳng biết khi nào được trở lại học Văn! Nhưng là người đàn ông của vùng cát biển miền Trung, tôi đã ghìm nén lại. Thực ra, ngày ấy tôi không xin được việc làm ở quê vì nhà nghèo. Tôi lang thang vào tận đất Đồng Nai rồi Bà Rịa - Vũng Tàu với tâm trạng rất bi quan. Những đêm miền Nam trời mưa xối xả, nhớ nhà, nhìn những chiếc lá xanh rơi bên thềm xa vắng, nỗi buồn cứ miên man theo con nước nhỏ. Chẳng biết đời mình sẽ trôi dạt về đâu! Tôi kiếm kế sinh nhai bằng phụ hồ, rồi may mắn trở thành thầy giáo đi dạy học ở một vùng quê rất xa.
Năm năm sau, tôi theo một anh bạn đồng môn quay về miền Trung
học cái chữ của ông Đồ xứ Nghệ - học Cao học tại Đại học Vinh. Lúc Khoa Văn phân
công người hướng dẫn, một nửa học viên được các thầy tại trường hướng dẫn, nửa
còn lại được Khoa giới thiệu hoặc tự tìm các thầy ở Hà Nội (những nhà khoa học ở
Viện Văn học và ĐHSP Hà Nội). Thú thực, khi ấy nếu cố gắng, biết đâu tôi có
thể xin được một thầy ở trường Vinh hướng dẫn luận văn, vì mình là cán bộ lớp.
Nhưng nghĩ đến các em sinh viên mới ra trường, chưa xin được việc làm, tôi
thuyết phục nhiều anh chị chịu khó đi Hà Nội. Khi một nửa số bạn trong lớp chưa
biết người hướng dẫn là ai, tôi lóe lên một ý nghĩ trong đầu, một tia hy vọng về
lời dặn của thầy ngày xưa. Tôi đến gặp thầy Đinh Trí Dũng chủ nhiệm khoa Ngữ
văn, xin số điện thoại và trình bầy nguyện vọng muốn thầy Chu Văn Sơn hướng dẫn.
Thầy Trí Dũng nghe xong, chấp thuận, cho liền!
Trước khi gọi điện, tôi rất lo, không biết thầy có nhớ mình
hay không nữa! Bởi lẽ, có biết bao thế hệ học trò đã ra trường, bao nhiêu người
khoa Văn đến học tập rồi chia tay, tỏa về mọi miền đất nước. Hơn nữa, ngày xưa
tôi học hành cũng nhàn nhạt, chẳng để lại dấu ấn gì. Ngoài mấy buổi hoàng hôn
đến nhà thầy, có một buổi VTV3 tổ chức bình bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử
may ra còn kỷ niệm. Bữa ấy, tôi và anh Huyên cùng các fan hâm mộ văn chương vây
quanh thầy nghe lời bình “chị ấy”, gánh thóc “năm nay” sông trắng nắng vàng. Thời
gian gần sáu năm xa cách, bao kỷ niệm ngày xưa phủ dày lên qua bao mùa mưa nắng,
chỉ có ký ức ùa về sống lại buổi mùa Thu. Đêm ấy, ở trường Đại học Vinh, hoa sữa
rất nồng nàn. Cái mùi hương mùa Thu phả ngập trên phố phường gợi nhớ những mùa
Thu Hà Nội đã xa. Một mùa Thu Từ Liêm cốm làng Vòng xanh ngát, ngõ nhỏ nồng nàn
hương đất Thăng Long. Sau một hồi suy nghĩ, đắn đo, tôi lấy hết bình tĩnh can đảm
bấm máy gọi điện cho thầy. Sau lời thăm hỏi, tôi đã nhận được giọng nói ấm áp của
thầy sau sáu năm xa cách:
- Thầy cứ hỏi thăm các khóa sau và cả những người cùng lớp
quay lại trường học cao học, không biết em công tác ở đâu, nhưng chẳng ai biết
cả!
Tôi nhắc lại câu chuyện bịa xin được việc làm, về lời hứa
ngày xưa. Thầy cười nhẹ nhõm và nhận lời hướng dẫn. Khi lập danh sách các nhà
khoa học, tên của thầy đã được tôi nắn nót ghi lên một tờ giấy trắng khiến cả lớp
“ồ lên” ngạc nhiên, vì lúc ấy tôi chưa hề đi Hà Nội “tầm sư học đạo”. Tôi hiểu,
tên thầy còn đọng lại lắng sâu và còn mãi nhờ sự tài hoa, sâu sắc, chân tình.
Vì hoàn cảnh xa xôi nên mọi ý kiến, thắc mắc của tôi đều được thầy trả lời qua
điện thoại và Email. Tôi nhớ lúc ra Hà Nội tìm tài liệu, kẹt đường. Hơn năm giờ
chiều, xe ôm mới chạm cổng Đại học sư phạm Hà Nội. Tôi gọi điện cho thầy, “em đến
không kịp giờ thầy ạ”. Năm giờ rưỡi, tôi tất bật chạy đến thềm khoa Ngữ văn,
may mà thư viện vẫn còn mở cửa. Chị thủ thư hỏi, em có phải học trò thầy Chu
Sơn không và đưa một gói sách, luận văn, khóa luận và đề tài nghiên cứu về
Hoàng Cầm gói sẵn. Chị nói “Thầy Chu Sơn dặn chị photo gửi em”. Tôi chỉ kịp cám
ơn chị và đi tìm cơm ăn, tìm chỗ ngủ bên trường.
Thơ Hoàng Cầm khó, siêu thực, cõi Liêu trai hiện hình. Chữ
nghĩa rời rạc, chớp lên bao sắc màu khăn yếm, í a. Lại còn Chị - Em, Lá Diêu bông,
Cây Tam cúc, Quả vườn ổi, Mưa Thuận Thành và các đêm Kim - Mộc - Thủy - Hỏa -
Thổ… thật khó cắt nghĩa. Biết tôi băn khoăn, thầy dẫn tôi đến phố Lý Quốc Sư gặp
nhà thơ Hoàng Cầm - “Gã phù du Kinh Bắc”, “Con thú hoang về náu hang sâu và tự
liếm lành vết nội thương sau vụ Nhân văn - Giai phẩm” (chữ dùng của thầy Chu
Văn Sơn). Hai thầy trò ngồi hỏi chuyện cụ Hoàng Cầm, quên cả thời gian chìm vào
bóng tối. Chỉ có Hồ Gươm xanh còn đỏ nhịp cầu Thê Húc, thành phố xe đi hàng xóm
đã lên đèn. Cụ mở lòng với khoảng trời xanh còn thầy trò tôi say sưa với quan họ,
Về Kinh Bắc quên mất thời gian, quên bữa chiều cơm chiều! Có phải, ở đời có những
cái quên để rồi nhớ mãi, có cái nhớ rồi nhắc nhớ lại muốn quên. Có phải cuộc đời
cứ cuốn đi vì heo may cơm áo, những lúc ngược xuôi quên cả bản thân mình. Thầy
dẫn tôi đi thưởng thức phở Lý Quốc Sư hồn Thăng Long khói ngọt, buổi tầm sư gợi
nhớ cả đôi bờ! Đôi bờ sông Thương lở bồi trong bữa ăn chiều Hà Nội. Nhớ món phở
chín ấm lòng mà miền Nam chúng tôi thường gọi là “nạm”, lâu lắm rồi chưa được về
ăn. Tôi may mắn được học thầy dụng chữ, học cách cầm đũa sao cho khéo léo, học
mời ăn và nói với học trò. Quan trọng hơn là học làm người tử tế, học sống mở
lòng với kẻ sau người trước, với thầy cô và với bản thân mình. Tôi nhớ một lần cũng
em Nguyễn Thanh Tâm mời thầy đi đánh chén ở Phở Vuông mạn Nhân Chính - Mỹ Đình.
Chuyện trên trời dưới biển, chuyện làm ăn, lấy vợ gả chồng, chuyện “Điên” họ
Hàn và Thơ mới tinh hoa. Tôi nhớ chuyện chiếc bánh chưng xanh nức lòng ngày Tết,
sông Mã đồng xa bay lả cánh cò!
Thế rồi, tôi cũng hoàn thành luận văn. Ngày bảo vệ luận văn,
thầy dẫn nhập mấy câu khiến Hội đồng nhẹ bẫng. Mấy câu gần xa dí dỏm thiệt
tình. Một nhận xét thật là thú vị, nghĩ đến bây giờ lòng vẫn còn vui: “Hoàng Cầm
tài hoa, hào hoa, đào hoa. Có thể nói là ba hoa còn Lương Minh Chung thì tài
hoa, hào hoa nhưng đào hoa thì chưa thấy!”. Lời nhận xét về cái duyên gặp gỡ giữa
nhà thơ - bạn đọc thật khí thế, vui tươi, nhưng cũng thật ngại vì tôi là kẻ bất
tài vô dụng, viết sai nhoe câu chữ chẳng ra hồn! Thầy nói tôi từ miền Nam ra
Vinh học là một chặng đường khó, còn từ Vinh ra Hà Nội tìm tài liệu lại thêm một
chặng đường khó hơn. Thầy khen ngợi tôi một câu làm cả Hội đồng xúc động “Tôi nể
phục sự cố gắng của học trò!”. Buổi bảo vệ kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Gia
đình tôi ở xa, mẹ bận ruộng đồng còn cha ốm nặng, không có ai đến cổ vũ, động
viên. Nhìn các bạn cùng lớp có người thân bên cạnh, nhìn những bó hoa sặc sỡ
trên tay và nụ cười chia sẻ, tôi cứ rưng rưng chạnh lòng! Nhưng ở đời, tất cả đều
có sự bù trừ, rồi người khoa Văn khóa trên, khóa dưới, bạn cùng lớp ùa vào cổ
vũ và ngồi chật kín cả khán phòng. Dù có đông vui, ấm áp hơn, nhưng tôi
vẫn không tránh khỏi cảm giác sợ sệt. Tôi nhìn một vòng tìm ánh mắt người
thân, và khi ấy, tôi đã bắt gặp ánh mắt của thầy. Ánh mắt thầy truyền cho tôi một
niềm tin, một sự ứng xử nhanh nhẹn, khéo léo khiến ông Chủ tịch Hội đồng thốt
lên một câu ví von “Thầy nào trò nấy!”. Khi công bố kết quả bảo vệ, luận văn đạt
điểm 10. Đó là một niềm vui quá lớn và bất ngờ.
Tôi hiểu rằng, nếu năm ấy tôi cứ cố gắng lội ra, lội vào;
cố nài nỉ, xin cho bằng được một bức thư, có lẽ bây giờ tôi chỉ là một ông thầy
dạy văn bình thường, đơn giản và cũng chẳng có kỷ niệm sâu sắc nào để nhớ. Còn
với hôm nay, dù có muộn màng, dù không quay lại trường xưa, nhưng câu chuyện học
Văn năm nào đã trở thành hiện thực. Một hiện thực của sự đáp đền - tiếp nối. Thầy
đã cho tôi thấy cả một chân trời, một chân trời chắp cánh ước mơ.
Sau hai ngày bảo vệ luận văn mưa rét, lớp chúng tôi chia tay
thầy cô và năm cũ về sum họp với gia đình. Trên đường đưa thầy cô lên sân ga,
nhìn thấy dáng đi hơi nghiêng, đổ về phía học trò, tôi hiểu đó là hệ quả của những
ngày thầy làm việc cật lực, của trận ốm nặng năm nào sau bao trang viết mà chúng
tôi đang dùng làm cẩm nang dạy học bây giờ. Tôi đứng lặng im khi đoàn tàu lao
vào bóng tối và tiếng máy nhỏ dần, những bước chân tiễn người thân rời sân ga
trong tư thế mất thăng bằng, vắng hẳn mới chịu trở về. Trong lòng dâng lên một
niềm tự hào vì mình được làm học trò nhỏ của thầy Chu Văn Sơn.
Thời gian trôi theo bánh con tàu vào Nam, ra Bắc. Bây giờ, có
lẽ chẳng mấy ai còn bắc cầu qua núi nữa, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần đến sân
ga, tôi thường nhớ đêm sân ga thành Vinh ngày cuối năm. Nhớ những ngày còn đi học,
tôi đem những bài viết biết ơn thầy cô và người khoa Văn của thầy ra đọc. Thật
thấm thía! Mỗi bài viết tri ân là một nhịp cầu nghĩa tình ấm áp; là bục giảng,
chữ thầy, phấn trắng; kỷ niệm lung linh thuở ấy - bây giờ. Tôi nhớ bài tựa của
thầy Chu Văn Sơn viết cho bộ sách Tuyển tập Nguyễn Đăng Mạnh "Từ bục giảng
tới văn đàn". Thầy viết về Cụ Mạnh - một lối văn "sang trọng",
kiêu bạc, trọng lẽ thẳng ngay làm giá trị ở đời! Tôi cảm phục bài viết về thầy
Nguyễn Khắc Phi danh gia vọng tộc, về cách dạy thăng hoa, khai mở, thông tuệ
mênh mông cả thế giới thơ Đường. Bài viết về thầy Trần Đình Sử - người thầy
khai Tâm câu văn chắc chặt, Thi pháp Đông - Tây con chữ sáng “kiêu hùng”. Thầy
Trần Đình Sử - người mở đường không mệt mỏi về học thuật. Bao lý thuyết nghiên
cứu nhờ công thầy mà nhập tịch, góp phần làm thay đổi lối tư duy nghiên cứu, giảng
dạy văn học ở Việt Nam. Tôi thích thú với bài viết về thầy Nguyễn Đình Chú và
ba bài học về quyền con người: "Thế quyền", "Trí quyền" và
"Tâm quyền". Bài học "Thế quyền" con ông cháu cha cậy thế cậy
quyền cậy “mặt tiền” làm người ta sợ mà không phục. Bài học "Trí quyền"
túc trí khiến người ta vừa nể vừa kính phục. Bài học "Tâm quyền" khiến
người ta ngưỡng phục, cúi đầu! Bài học chữ Tâm mà thầy Nguyễn Đình Chú đối đãi
với bạn bè, đồng nghiệp, với học trò hắt ánh sáng Phật quang. Tôi nhớ bài thầy
Chu Văn Sơn viết về thầy Hoàng Ngọc Hiến, vị Giáo sư dân phong “vượt siêu cầu
trường” kiêu hãnh. Rồi bài viết về thầy Lưu Đức Trung hiền lành đẹp đẽ, dịu mát
nhiên hương cả "góc khuất hoa thầm". Cứ thế! Mỗi trang viết của thầy
là một điều mới lạ tài hoa. Những trang viết ơn thầy cô khoa Văn, ơn thế giới
người hiền xây "đền thiêng", "nhà ấm", xây nghiệp trồng Người
xây Đất Nước hôm nay!
Trong con mắt của những học trò trong Nam, ngoài Bắc, ấn tượng
về thầy Chu Văn Sơn không chỉ là nhà sư phạm giàu lòng trắc ẩn, lịch lãm, mà
còn ấn tượng hơn ở phong cách giảng dạy, phong cách phê bình. Về phong cách giảng
dạy, mỗi bài giảng của thầy có một nội lực, một sức hút đặc biệt. Đó là lời giảng
ấm áp, truyền cảm, tinh tế, là sự mạch lạc của tư duy, sắc sảo của ngôn ngữ; là
sự hấp dẫn học trò bằng nghệ thuật dẫn dắt, truyền cảm rất riêng. Hai mươi năm
xa trường xưa, bạn cũ, xa giảng đường bao mùa lá đổ, nhiều lúc tôi thường nghĩ
về cách dạy rất riêng, chẳng phải lên đồng mà dung dị, thấm sâu; chẳng phải lên
gân mà tươi mới, phi thường. Tôi hiểu đó là cách dạy học truyền cảm hứng, “truyền
lửa”, dạy cho học trò biết rung cảm, say mê; dạy bằng niềm đồng cảm, vượt
thoát, thăng hoa, khoái cảm thẩm mĩ; dạy biết thức tỉnh lương tri, biết cảm
thông với thân phận con người. Trong nỗi nhớ của người khoa Văn, bao học trò nhớ
ánh mắt tinh anh và nụ cười rạng rỡ, có duyên; nhớ mái tóc bồng bềnh và phong
cách hào hoa, nho nhã của người thầy - nghệ sĩ ngày xa.
Về phong cách phê bình, có thể nói đây là một nội dung khá rộng,
tôi chưa thể bao quát hết được, nhưng ấn tượng đọng lại trong tôi là những
trang viết tinh tế, sâu sắc. Chẳng hạn Ba đỉnh cao Thơ mới nghiên cứu phong
cách của ba nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử. Nhà nghiên cứu cắt
nghĩa Xuân Diệu, một tín đồ của tình yêu và tuổi trẻ. Lấy cái nhìn trẻ làm thước
đo, lấy nguồn sống trẻ làm giá trị, thầy lý giải một thế giới nghệ thuật dễ
thương, đẹp đẽ và hồn nhiên như những gì tạo hóa sinh ra. Viết về Nguyễn Bính
“kiếp con chim lìa đàn” bơ vơ, trơ trọi đến tội nghiệp, nhà nghiên cứu Chu Văn
Sơn cắt nghĩa tầm vóc của nhà thơ qua cơn biến thiên lịch sử, những cọ xát, va
đập giữa hai nền văn hóa. Thầy nhận ra cái chênh vênh, lỡ dở của con người cá nhân
và niềm khát khao đau đáu tìm về đồng quê đất bãi, về với hồn xưa đất nước qua
ba phạm trù: cố nhân, cố hương và cố viên. Viết về Hàn Mặc Tử, thi sĩ của “cái
tột cùng”, tức là nỗi đau tột cùng, “thơ điên” - một trạng thái sáng tạo mãnh
liệt và quá trình vượt thoát vào cõi giới ước mơ. Dựa vào niềm tin Thiên chúa
giáo thiêng liêng, Hàn Mặc Tử vừa tìm chỗ an trú cho con người, vừa khắc khoải
giải thoát cho sinh mệnh cá thể. Đọc tập tiểu luận phê bình Thơ - Điệu hồn và Cấu
trúc, tôi nhận ra cái nhìn thơ ca trên một giao diện rộng: ngôn ngữ, cấu tứ và
siêu cấu tứ. Nói cách khác, đây là cách cách đọc văn bản dựa trên thủ pháp lạ
hóa, cộng hưởng. Đây là cách đọc tác phẩm khắc phục được cái nhìn suy diễn, võ
đoán. Chẳng hạn, Núi Đôi của Vũ Cao được trời đất sinh ra nhằm chở che cho sự sống,
tình yêu đôi lứa. Ý niệm “đôi” vỡ ra làm hai nửa khi người con gái bị giặc giết
hại. Cấu tứ Nắng mới của Lưu Trọng Lư được soi chiếu trên ba chiều quá khứ, hiện
tại và siêu vượt vĩnh viễn - vệt nắng hồi quang của tuổi ấu thơ và tình mẫu tử.
Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử được cắt nghĩa từ nỗi niềm thân phận, mặc cảm
chia lìa và ước mong gắn bó…
Có thể nói, với khả năng cảm thụ tinh tế, khả năng hội tụ vốn văn hóa tinh hoa, thầy Chu Văn Sơn đã xác lập nên một cách đọc, một cách nhìn khoáng đạt, một lối phê bình duy mĩ. Cũng xin nói thêm rằng, duy mĩ ở đây không phải là chạy theo cái đẹp, thoát ly mọi chuẩn mực xã hội, mà xem cái đẹp như một giá trị vĩnh hằng cần tô điểm, nâng niu trên con đường dấn thân của người nghệ sĩ chân chính.
Có thể nói, với khả năng cảm thụ tinh tế, khả năng hội tụ vốn văn hóa tinh hoa, thầy Chu Văn Sơn đã xác lập nên một cách đọc, một cách nhìn khoáng đạt, một lối phê bình duy mĩ. Cũng xin nói thêm rằng, duy mĩ ở đây không phải là chạy theo cái đẹp, thoát ly mọi chuẩn mực xã hội, mà xem cái đẹp như một giá trị vĩnh hằng cần tô điểm, nâng niu trên con đường dấn thân của người nghệ sĩ chân chính.
Tôi viết tản văn này vào những ngày tạm biệt thầy về miền Nam
làm ông giáo làng dạy chữ. Xa miền Trung nắng lửa, tôi biết bây giờ thầy cô đã
về cư ngụ ở Hòa Lạc, chọn cuộc sống điền viên bên mây trắng xứ Đoài, chọn đất
Bình Yên hoa súng đỏ trắng vàng thao thức, chọn gương hồ ánh mắt oải hương. Tựa
lòng mình vào thế giới người hiền chia sẻ, về Bình Yên hoa cỏ cũng dịu dàng. Những
đêm trên đất Bà Rịa, nhìn núi Dinh đầy sao, tôi thường nghĩ về ngôi sao xưa nhấp
nháy ở sân nhà. Nhớ ánh mắt người thầy hiền lành, trong mát, nhớ những mùa Thu
đi còn hơi ấm ở tim mình. Có lẽ, qua mỗi bước thiên di mưa rồi cũng khác, chỉ
có những dòng sông nhỏ là cần mẫn mang phù sa về đồng ruộng muôn thuở, mang ngọt
mát đầu nguồn cho cây trái xanh tươi. Những dòng sông nhỏ mà tôi muốn ví von ở
đây như công ơn dạy dỗ của thầy, cứ miệt mài bồi đắp, chắp cánh cho học trò những
mơ ước bay lên. Thay cho lời kết, tôi xin mượn câu hát trong bài Tình xa của nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn khép lại bài viết này:
"Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa".
Tình Xa - Khánh Ly - Nhac.vn
"Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa".
Tình Xa - Khánh Ly - Nhac.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét