Một đêm đã xa lắm rồi, xa đến hơn 50 năm về trước, tại ngã ba
Huyện Sử, nằm giữa tuyến kinh xáng Chắc Băng - Thới Bình (Cà Mau) thuộc chiến
khu U Minh trong thời Nam Bộ Kháng Chiến Chống Pháp (1945-1954), tôi đã gặp và
làm quen với một anh thanh niên trạc tuổi hai mươi, nước da trắng, dáng dấp thư sinh,
nhưng nét mặt đã đượm máu phong sương. Đó chính là anh Xuân Vũ (tên họ thật là
Bùi Quang Triết), phóng viên của tờ báo “Tiếng Súng Kháng Địch", trực thuộc
Sở VHTT Nam bộ (1950-1954), và là nhà văn Xuân Vũ sau này
(1960-2003).
Tôi gặp Xuân Vũ tại quán sách
báo của nhà thơ Nguyễn Bính - Anh Nguyễn Bính vốn là Cán bộ của Sở
Văn hóa Thông tin Nam bộ, vìõ bất mãn với cấp lãnh đạo, nên đã rời bỏ cơ quan từ
năm 1949, về Huyện Sử lấy một phụ nữ nông dân làm vợ, cất một cái chòi tại chợ
Huyện Sử để bán sách báo kháng chiến; nhưng cái “nồi cơm gia đình” của nhà thơ
là do bàn tay lao động sản xuất của người vợ nông dân chu toàn! Xuân Vũ đến
quán sách Nguyễn Bính là vì yêu chuộng tài làm thơ của Anh. Còn tôi,
cùng lứa tuổi với Xuân Vũ, tuy là chiến sĩ Quân Báo, nhưng lại thích văn
chương, do đó lần nào trên đường từ căn cứ địa đi ra mặt trận, tôi đều ghé qua
quán sách báo - mà chúng tôi hay gọi văn hoa là “Quán Thơ Nguyễn Bính”.
Xuân Vũ và tôi đều được nhà thơ
mến khách chiêu đãi một bình “Trà Quạu” (tức trà thật đậm). Và đến lúc đó,
tôi mới biết Xuân Vũ là tác giả của bài thơ “Ngày Mai Em Lớn Cầm Súng Bắn Tây”
đã được đăng trên tờ báo “Tiếng Súng Kháng Địch”. Bài thơ ấy, là sáng tác
đầu tay của Xuân Vũ, đã được nhạc sĩ Phan Vân phổ thành ca khúc cùng tên, được
phổ biến rộng rãi trong vùng giải phóng. Chúng tôi, tuy mới gặp nhau lần đầu,
nhưng rất dễ thân nhau, vì cùng là học sinh đã “Xếp bút nghiên lên đường tranh
đấu”, đi theo “Tiếng gọi của sơn hà nguy biến”... Xuân Vũ là người sinh
trưởng ở Mỏ Cày (Bến Tre), tôi sinh ra và lớn lên ở Long Phú (Sốc Trăng). Nếu
không có tham gia kháng chiến, thì dù chỉù cách nhau có hai giòng sông lớn -
Sông Tiền và Sông Hậu - chúng tôi cũng không có cơ hội làm quen với nhau!
Quen nhau đây, xa nhau đó là chuyện
bình thường, rất dễ xẩy ra trong chiến tranh. Xuân Vũ thường đi công tác ở các
đơn vị thuộc ba thứ quân (Dân quân Du kích, Địa phương quận, Chủ lực quân) ở khắp
các địa phương trong khu 9, để lấy tin, viết phóng sự đăng báo. Còn
tôi lại thường len lỏi ngoài vùng địch chiếm để trinh sát tình hình quân địch,
nhằm phục vụ cho các chiến dịch tiêu diệt quân thù trên chiến trường. Bởi
vậy, chúng tôi hầu như không có điều kiện để thực hiện lời hứa “Sẽ gặp lại nhau
ở Quán Thơ Nguyễn Bính”. Trong mấy năm kháng chiến sau cùng
(1950-1954), chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhau!
Mười năm sau (1950-1960).
Đó là vào một buổi chiều mùa
Đông, mưa phùn lất phất bay, gió bấc se se lạnh, tôi và hai người bạn đồng
hương, rủ nhau đến ‘Quán trà Nam Bộ” ở đầu đường Quang Trung (gần Hồ Gươm), để
“uống trà nóng cho ấm lòng trong những ngày xa quê hương”! Chúng tôi
uống trà với đậu phộng rang, cùng những câu chuyện râm ran, hòa chung không khí
‘Trà Đạo” của các ông khách ghiền trà đang xúm xít ở các bàn chung quanh, tạo
thành sự ồn ào, trong một cái quán nhỏ hẹp, nhưng ấm áp tình người, giữa cái
giá lạnh của một chiều Đông Hà Nội!
- “Các bạn biết không? Uống
trà như chúng ta đang uống ở đây chỉ là uống cho đỡ ghiền, chớ chưa đúng nghĩa
“Uống Trà Chuyên Nghiệp” đâu nhé!”
Một anh Nam bộ ở bàn bên cạnh,
trạc tuổi ba mươi, có mái tóc dài trùm cả ót - mà văn nghệ sĩ Hà Nội hay gọi đùa
là “Kiểu tóc Nguyễn Tuân”, trông rất nghệ sĩ, nói mộät cách sôi nổi.
- “Xin hỏi anh Xuân Vũ: Thế nào
là uóng trà chuyên nghiệp?”
Một anh Nam bộ ngồi
cùng bàn với người vừa nói, thắc mắc hỏi.
Nghe hai tiếng Xuân Vũ, tôi liền
nhớ lại Xuân Vũ của mười năm trước: ”Chẳng lẽ đúng là anh ta?” Tôi thầm hỏi.
- “Đây là sự giải thích của nhà
văn Nguyễn Tuân, trong truyện “Những Chiếc Ấm Đất” của ông. Tôi chỉ là người lập
lại nguyên văn mà thôi Theo nhà văn Nguyễn Tuân: ”Một người uống trà
chuyên nghiệp, có những bộ đồ trà rất quý. Uống trà phải nấu với nước xin ở
chùa Đồi Mai, ở cái giếng ấy mà thôi, không đâu khác... “
Xuân Vũ cười, nói thêm:
- "Đó là truyên được tiểu
thuyết hóa mà thôi! Ai biết chùa Đồi Mai là ở đâu để mà xin nước chớ?”
Tôi chú ý theo dõi
cách nói chuyện và quan sát cử chỉ của Xuân Vũ... Tôi khẳng định: ”Chính anh ta
là Xuân Vũ mà tôi đã quen ở mười năm trước!”
- “Xin lỗi anh, anh có phải là
Xuân Vũ, phóng viên của báo “Tiếng Súng Kháng Địch” ở quân khu 9 vào năm 1950
không?”
Tôi day qua bàn bên kia, hỏi
người được gọi tên là Xuân Vũ.
Xuân Vũ quay qua nhìn tôi, đưa
bàn tay trái lên vuốt tóc một cách điệu nghệ, nhìn tôi lom lom, suy
nghĩ vài giây, rồi như đã nhớ ra... Anh ta reo lên:
- “Nhớ rồi! Một đêm ở
“Quán Thơ Nguyễn Bính” tại chợ Huyện Sử... phải không? Đêm đó, chúng
ta cùng uống “Trà Quạu” do nhà thơ chiêu đãi. Anh Nguyễn Bính còn ngâm cho
chúng ta nghe bài XUÂN VỀ... có đúng không?”
Một anh bạn Bắc Kỳ ngồi chung bàn
với Xuân Vũ, nổi hứng, cất giọng ngâm 4 câu đầu của bài “Xuân Về” rằng:
“Đã thấy Xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa
chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng
xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi
mắt trong.”
Khách uống trà đều vỗ tay hoan
hô người ngâm thơ...
Xuân Vũ đứng lên bắt tay tôi,
nói:
- “Nếu tôi nhớ không lầm, anh
là Sáu Tùng phải không?”
- “Phải Anh có
trí nhơ rất tốt!” Tôi đáp và hỏi Xuân Vũ:
- ”Sau 5 năm ra Bắc, anh
đã thực hiện được mộng ước NHÀ VĂN của anh hay chưa?”
- ”Xuân Vũ là nhà văn trẻ đầy
triển vọng của Hội Nhà Văn Việt Nam đó!”
Cũng anh bạn Bắc kỳ ấy
nói chen vào.
- “Mới vọt vẹt viết được vài
truyện ngắn thôi... còn xa mới đạt được danh hiệu NHÀ VĂN cho thật đúng nghĩa của
bốn chữ KỸ SƯ TÂM HỒN!”
Xuân Vũ khiêm tốn tự xét mình,
rồi hỏi lại tôi:
- ”Anh đã đạt được nguyện vọng
trở thành nhà viết tiểu thuyết trinh thám, như anh đã tâm sự với tôi hay chưa?”
Tôi lắc đầu, trả lời:
- “Tôi vừa tốt nghiệp khoa Sử của
Trường Đại Học Tổng Hợp, và đang chờ sự phân công của Bộ Giáo Dục.”
Cả hai chúng tôi đều vui mừng
đã gặp lại nhau, sau mười năm xa cách, và vui mừng hơn là mỗi người đều có sự
nghiệp viết lách của mình... Nhưng sau đó, chúng tôi cũng không thường gặp
nhau...
Bởi vì Hội Nhà Văn Việt Nam
đang ở vào thời kỳ “đấu tranh chống ảnh hưởng của Phong trào Nhân văn Giai phẩm”
- Thời kỳ mà truyện ÔNG NĂM CHUỘT của cụ Phan Khôi đã làm cho ông Hồ Chí Minh bực
mình, và Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ... đều nổi giận! Thời kỳ
mà Trần Dần đã miêu tả rằng: “Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ
thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ. Đất nước khô khan này, sao không thấm được
vào Thơ?” (Trong bài thơ Nhất Định Thắng), đã làm cho Bộ Chính Trị Trung
Ương Đảng điên tiết! Vì vậy Xuân Vũ cùng nhiều văn nghệ sĩ khác
đều phải vùi đầu vào cái gọi la chỉnh huấn, chỉnh huấn liên tục, và kiểm thảo
tư tưởng không ngừng; phải đi lao động thực tế ở các công trường, nông trường,
để cải tạo tư tưởng, nhưng được khoát dưới mỹ từ là “Đi thực tế để có vốn sống
hiện thực, nhằm mục đích giúp cho các nhà văn sáng tác nên những tác
phẩm có tính Đảng cao!”
Còn tôi, sau khi được phân công
về công tác ở Viện Sử Học, trực thuộc Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước, cũng không
thoát khỏi “Búa Rìu Chỉnh Huấn” chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Bởi vì, theo
đánh giá của Ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng do Trường Chinh lãnh đạo, thì cơ
quan này là “Cái Ổ Xét Lại Hiện Đại”, mà người cầm đầu là ông Viện Trưởng
Viện Triết Học Hoàng Minh Chính... Do vậy, cùng sống trên mảnh
đất thủ đô, mà tôi và Xuân Vũ rất ít gặp nhau. Trong những năm 1960-1964, ở Hà
Nội nói riêng, ở Miền Bắc Việt Nam nói chung, là “Thời Kỳ Khủng Bố “ của nhà nước
chuyên chính vô sản đối với những Trí thức- Văn Nghệ sĩ có tư tưởng Xét lại sự
Lãnh đạo của Đảng.” (!)
Vào một buổi chiều của những
ngày cuối năm 1963, tôi đạp xe đạp từ Phố Hàng Chuối ra đến ngã tư Trần Hưng Đạo -
Hàng Bài, với ý định vào “Nhà Hàng Ăn Quốc Doanh Hàng Bài”, để kiếm món gì nhét
cho đầy cái dạ dày đang trống rỗng.... Bỗng tôi nghe tiếng của Xuân Vũ, từ
trong cái quán bia hơi ở ven đường Trần Hưng đạo, gọi vói ra:
- “Sáu Tùng! Sáu Tùng! Vô
đây, vô đây... “
Tôi xuống xe đạp, dắt
“con ngựa sắt” để dựa vào tường nhà trong khuôn viên của quán bia hơi. Tôi cười
nhìn Xuân Vu,õ hỏi:
- “Bấy lâu, đi đâu biệt tăm,
không thấy lại “Quán Trà Tri Kỷ”? (chúng tôi đặt tên cho quán
trà Nam Bộ như vậy)
- “Đâu có rảnh rỗi mà lại Tri Kỷ
hay đến Tri Âm như những ông bạn nhàn hạ được! Văn Nghệ Sĩ XHCN là phải đi
“thâm nhập thực tế” ở khu mỏ than Hồng Quảng, rồi về Nông trường Bò Ba Vì, lại
đi Nông trường chè Phú Thọ, nên làm gì có điều kiện để đến nơi hẹn hò của dân
Nam Kỳ Quốc!?”
Xuân Vũ cười ha hả, mai mỉa trả
lời.
Tôi ngồi bệt xuống sân gạch
cùng uống bia hơi, nhai đậụ phộng rang muối, với Xuân Vũ và nhà văn
Nguyễn Tuân.
- “Tôi đã gặp cậu vài lần tại
nhà của anh Sáu Giàu (tức Trần Văn Giàu), không biết có đúng hay không nhỉ?”
Nhà văn Nguyẽn Tuân hỏi tôi.
- “Chính hắn, chớ còn ai nữa... Hắn
là đệ tử sử học đắc ý nhất của giáo sư Trần Văn Giàu mà!”
Xuân Vũ chen vào nói ồm
ồm.
- “Xuân vũ nói đùa đấy, anh đừng
tin lời của hắn! Đúng là tôi đã có gặp anh tại nhà ông Sáu Giàu đôi ba lần... “
- ”Anh đã thiếu nợ của mụ tú
nào, mà sao mái tóc “kiểu Nguyễn Tuân” của bạn đã bị cắt đi mất rồi. Thật
là xấu hổ quá!”
Xuân Vũ vẫn cười vui vẻ, trả lời
hóm hỉnh rằng:
- “Tớ mắc nợ của mụ tú Sáu Búa
(ám chỉ Lê Đức Thọ) nên đã bị mụ ấy lấy cây búa cạo đến sạch sẽ... “
Rồi Xuân Vũ đổi giọng nhè nhè hỏi
tôi:
- ”Này, ông đã từng ăn phở Tư
Lùn lần nào chưa?”
Tôi lắc đầu, đáp:
- “Không biết phở Tư Lùn ở đâu,
làm sao mò đến để ăn cho được?”
- “Được, bây giờ hỏi thiệt, ông
còn tiền không? Nếu còn, thì nhờ nhà văn sành ăn Phở (Xuân Vũ chỉ
Nguyễn Tuân) sẽ dẫn chúng ta đi ăn phở Tư Lùn.”
Tôi gật đầu đồng ý! Quán
phở Tư Lùn nằm tại đầu đường Yết Kiêu, là một trong vài hiệu phở nổi tiếng của
Hà Nội xưa. Nhờ có chuyện đi ăn phở Tư Lùn mà tôi mới biết chổ ở
của nhà văn Nguyễn Tuân, ở trong hẻm Trần Hưng Đạo ngó thẳng qua quán phở Tư
Lùn. Có lẽ nhờ có quán phở này mà Nguyễn Tuân đã nổi danh là người viết về Phở
hay nhất trong văn học, không ai sánh bằng!
Lần ăn phở tại quán phở Tư Lùn
cùng với Xuân Vũ và nhà văn Nguyễn Tuân, cũng là lần cuối tôi hội ngộ với Xuân
Vũ ở Hà Nội!
Bốn năm sau (1964-1967)
Một đêm mưa tầm tã, tại Xóm Mới,
một xóm nhỏ nằm bên ven sông Vàm Cỏ đọng, thuộc địa phận huyện Lò Gò, tỉnh Tây
Ninh, mà bên kia sông là lãnh thổ Campuchia, địa phận tỉnh Prây-Ven, tôi lại
gặp Xuân Vũ trong quán hủ tiếu Ba Nhỏ (Tên của ông chủ quán đã được khách đến
ăn đặt thành tên quán.)
Tôi vừa bước vô quán vừa cởi áo
mưa ra, thì nghe tiếng của ai đó, rất quen, đang ngồi ăn trong quán,
gọi thật to:
- “Sáu Tùng, tại sao lại gặp
ông ở tại mật khu này nữa vậy? Tôi đã trốn nợ đời... từ thủ đô ngàn
năm văn vật chạy vô đây! Còn ông chắc chạy trốn nợ tình của các cô gái Hà
Thành chớ gì?”
Cả quán cười ồ... Tôi xoay người
lại nhìn: Hóa ra không ai khác là anh chàng nhà văn tài hoa, hay nói đùa. họ Bùi,
tên Xuân Vũ. Tôi liền “phản pháo” ngay, rằng:
- “Ông Sáu Búa (ám chỉ Lê
Đức Thọ), chủ nợ của anh, ủy nhiệm cho tôi vào tận “rừng sâu núi hiểm” này, để
đòi cho được món “nợ tư tưởng” Révisionnisme (Chủ nghĩa xét lại hiện đại) đó
nghe!”
- “Tớ đã vô tận đây rồi, thì có
đến 12 Búa tớ cũng chẳng sợ, nên 6 Búa đâu có nghĩa gì đối với tớ! Nhưng
tôi chỉ ngại ông đòi tiền 2 tô phở Tư Lùn thôi... “
Xuân Vũ cười trả lời một cách
thoái mái. Rồi anh ta hỏi tôi:
- ”Ông vào đây hồi nào vậy?”
Tôi kéo ghế ngồi vào cùng bàn với
Xuân Vũ, rồi trả lời gọn lỏn rằng:
- ” Từ mùa khô năm
1964.”
Tôi hỏi lại anh ta:
- ”Còn anh, vào đây từ lúc
nào?”
- “Như vậy, anh là “cựu binh”! Còn
tôi vừa mới sạch mùi “tân binh”, 2 năm! ”
Xuân Vũ vừa trả lời vừa chỉ vào
bộ quần áo ‘Giải phóng quân” của anh đang mặc.
Lúc này, tôi mới chú ý: Về bên
ngoài, Xuân Vũ bây giờ không phải như nhà văn Xuân Vũ ở Hà Nội, mà hình như anh
đã thay đổi hoàn toàn! Nước da của anh đã xạm màu sốt rét, sau 2 năm lăn lộn
trong chiến khu miền Đông “rừng thiêng nước độc”. Mái tóc “kiểu tóc Nguyễn
Tuân” đã biến mất, nhường cho mái tóc “hớt cua”thật ngắn. Xuân Vũ đã biến
thành một sĩ quan giải phóng về hình thức, với bộ quân phục màu xanh lá cây, đầu
đội nón tai bèo, đeo súng nhỏ K.54 xề xệ bên hông phải,
treo lủng lẳng trên giây ceinture màu vàng.
- ”Bây giờ, anh đúng là một CHIẾN
SĨ VĂN NGHỆ GIẢI PHÓNG trên chiến trường Nam bộ rồi đó!”
Tôi nói với giọng
pha trò.
- “Cám ơn anh đã tặng cho “danh
hiệu cao quí” đó. Nhưng không biết tôi có làm tròn nhiệm vụ “vinh quang nặng
nề đó hay không?”
Xuân Vũ cười mỉm, nói với giọng
đùa cợt.
Sau khi ăn hủ tiếu
xong, mưa rừng cũng đã tạnh hẳn, tôi kéo Xuân Vũ ra bờ sông vắng để tâm sự.
Xuân Vũ cho biết: Chính anh tự nguyện xin đi B, và vận động sự ủng hộ của Đảng
đoàn Văn nghệ mãi, mới được Ban Tổ chức Trung Ương chấp thuận. Về tới Trung
ương cục, anh được phân công về Tiểu ban Văn nghệ, trực thuộc Ban Tuyên Huấn do
Trần Bạch Đằng phụ trách. Xuân Vũ cũng cho biết: Anh đã gặp được bà Nguyễn Thị
Định, và bà ấy đã đề nghị anh nên về quê hương Bến Tre, lấy tài liệu sống để viết
một tác phẩm lịch sử mang tên “Bến Tre, Ngọn Cờ Đầu Của Phong Trào Đồng Khởi”,
do bà ấy lãnh đạo hồi 1959-1960. Vì vậy, tháng tới anh sẽ về Bến Tre với sự
giới thiệu trực tiếp của bà Nguyễn Thị Định - Phó Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Quân Sự Miền.
- “Tôi tin rằng, thông qua
chuyén đi về quê hương Đồng Khởi, cũng là quê hương của tôi lần này,
sẽ có chất liệu đầy đủ cho tôi sáng tạo nên một tác phẩm có giá trị cao hơn cuốn
Hòn Đất của Anh Đức!”
- “Tôi cũng hy vọng anh sáng tạo
được một tác phẩm bất hủ cho nền văn học giải phóng! Nhưng tôi e anh sẽ
không hài lòng trước một thực tếá không giống như những ai đã kể về Đồng Khởi
đâu!”
Tôi nói một cách dè dặt.
Xuân Vũ tỏ vẻ ngạc nhiên, trầm
ngâm... rồi hỏi:
- “Anh đã biết được sự thật thế
nào về cuộc Đồng khởi Bến Tre? Nhưng dù sự thật có phũ phàng đến thế
nào... tôi cũng phải về quê nhà một lần, để trang trải vấn đề tình cảm, và kiểm
chứng thực tế luôn...”
Sau đó, Xuân Vũ hỏi tôi:
- ”Hiện nay, anh công tác ở
đâu? Tôi muốn liên lạc với anh thì làm thế nào?”.
- “Không dấu gì anh, tôi công
tác ở ngành Tình Báo, nên không tiện cho địa chỉ cơ quan, vì sẽ vi phạm kỷ luật
đã quy định! Nhưng khi nào anh muốn gặp tôi thì cứ viết thư hẹn,
và đưa cho anh Ba Nhỏ, chủ quán hủ tiếu mà chúng ta vừa ăn đó. Anh chỉ nói: “Nhờ
anh chuyển gấp cho anh Sáu Kiếng” là tôi nhận được ngay! Sáu Kiếng
là tên của tôi hiện nay!”
Tôi không thể nói thật cho Xuân
Vũ biết: “Ba Nhỏ là mật hộ viên của tôi”. Và càng phải giữ bí mật về thân
phận của tôi hiện nay. Từ năm 1964, tôi không phải là tôi của những năm
trong kháng chiến chống Pháp, hay là những năm đầu tập kết ra ở Hà Nội nữa!
Trên lĩnh vực chính trị, hiện giờ tôi đã đứng trên chiến tuyến của Mặt Trận Quốc
Gia đối đầu với Mặt Trận Cộng Sản (núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Dân Tộc Giải
Phóng Miền Nam Việt Nam). Vả lại, tôi đang “nằm
vùng” trong hàng ngũ Quân Giải Phóng, khoát áo Cán bộ Giải phóng, mạo danh là đồng
chí của Xuân Vũ, nên phải cảnh giác với mọi người chung quanh, kể cả người
thân!
Tôi muốn lôi kéo Xuân Vũ về với
chính nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, để anh có điều kiện phát huy đến đỉnh cao về năng
lực sáng tạo văn học của anh. Nhưng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi cơ hội thuận lợi,
đểû sau khi anh đã “va đầu vào thực tế phũ phàng” của cái gọi là “Đồng Khởi Bến
Tre”, mà Hà Nội đã thần thánh hóa vai trò “vĩ đại của chị Ba Định”, trong việc
chỉ huy “đoàn quân vũ trang bằng súng bặp dừa” đã đánh thắng cả “sư đoàn Mỹ Ngụy”
(!?) Tôi tin tưởng anh sẽ tỉnh ngộ nhanh, bởi vì Xuân Vũ vốn là môt nhà văn thức
tỉnh... và đến lúc ấy, tôi chỉ “rót thêm một giọt nước vào ly nước đã đầy” là
ly nước của anh sẽ tràn ra, không ai ngăn chặn được!
Cuối năm 1968.
Tôi đang ngồi tại văn phòng của
A17 (mật danh của Sở Điệp Báo) tại đầu đường Mạc Đỉnh Chi (Sàigòn), thì nhận được
một bản báo cáo của Ty An Ninh Bến Tre, cho biết: ”Nhà văn Xuân Vũ đã ra trình
diện với tư cách là người TÌM TỰ DO!” Tôi rất vui khi nhận được tin Xuân Vũ đã
tự thức tỉnh, từ bỏ hàng ngũ cộng sản, trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia, không
vì sợ gian khổ, cũng không phải vì bã lợi danh, mà vì Lý Tưởng Tự Do, vì sự
nghiệp sáng tác chân chính của anh!
Ngày hôm sau, tôi điện thoại xuống
Ty An Ninh Bến Tre hỏi thăm tình trạng của Xuân Vũ, thì được biết Ban Q. (Ban
Thẩm Vấn) của số 3 Bạch Đằng, đã bốc Xuân Vũ về Sàigòn ngay trước khi tôi gọi
điện thoại. Vậy là tôi có thể đến gặp xuân Vũ dưới hình thức “Thẩm vấn để khai
thác tin tức”- Bởi vì theo nguyên tắc bảo toàn an ninh, ngăn chặn những phần tử
“Chiêu Hồi Giả”, cho nên bất cứ ai ở trong hàng ngũ cộng sản trở về với quốc
gia, đều phải qua giai đoạn Thẩm Vấn ở địa phương hoặc ở Trung ương (tùy theo
chức vụ và vai trò của họ). Tôi muốn gặp Xuân Vũ cũng phải tôn trọng nguyên tắc
đó! Cho nên, tôi phải gọi điện thoại cho Ban Q. xin đăng ký thẩm vấn “nhà văn
Tìm Tự Do Xuân Vũ”, nhưng được trả lời rằng: ”Dù là ưu tiên 1 (tức trong nội bộ
Phủ Đặc ủy) nhưng cũng phải đợi đến khi Ban Q. và CIA Sàigòn thẩm vấn xong, thì
mới xếp lịch thẩm vấn cho A17 “. Tôi đành phải chờ!
Một tháng sau. Vào những
ngày cận Tết Kỷ Dậu (2-1969), tôi được Ban Q. sắp xếp cho gặp nhà văn Xuân Vũ.
Tôi gặp Xuân Vũ, không bằng tư cách là Thẩm Vấn Viên, mà với tư cách là bạn hữu.
Vậy là, trong vòng 20 năm (1950-1970) tôi chỉ gặp được Xuân Vũ có 5 lần - Một lần
trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1950). Hai lần ở Hà Nội (1960, 1963). Một
lần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1967). Và lần
này tại Sàigòn, thủ đô của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, một vùng trời Tự Do
(1969). Rõ ràng, tôi và nhà văn Xuân Vũ đã có “Duyên Kỳ Ngộ” của hai Học
Sinh yêu nước “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu’, của hai Thanh Niên có mộng
ước “cầm bút viết lên những nét điển hình của con người Việt Nam, của tâm hồn
Việt Nam”; và của hai Chiến Sĩ Việt Nam, đã một thời chọn sai lý tưởng cách mạng,
nhưng cũng đã thức tỉnh, chối bỏ chủ nghĩa cộng sản, trở về với chính nghĩa Quốc
Gia Dân Tộc!
Khi gặp tôi tại Sàigòn, Xuân Vũ
rất ngạc nhiên. Anh hỏi:
- ”Anh bỏ chiến khu trở về đây
hồi nào vậy?”
Đến lúc này, cả hai chúng
tôi đã cùng chung chiến tuyến quốc gia, nên tôi không cần
dấu thân phận thật của tôi nữa. Thế là, chúng tôi cùng đồng cảm về
những gì chúng tôi đã đánh mất trong những năm hoạt động trong hàng ngũ cộng sản,
và những gì mình sẽ đạt được trong cuộc chiến đấu cho lý
tưởng Tự do, cho quyền sống của con người!
Sau thời gian kết thúc giai đoạn
thẩm vấn, ngành an ninh đã làm sáng tỏ tư cách ‘Tìm Tự Do” chính đáng
của nhà văn Xuân Vũ! Do đó anh đã được Bộ Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi bổ nhiệm
vào chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Chiêu hồi (tọa lạc tại Thị Nghè). Tôi lại bận
công vụ trên chiến trường ở Campuchia, nên chúng tôi vẫn không có điều kiện gặp
nhau thường xuyên!
Mãi đến mùa Xuân 1972, khi tôi
đã về làm việc luôn ở Sàigòn, tôi mới thường gặp Xuân Vũ ở
Trung tâm Chiêu Hồi. Một hôm, Xuân Vũ tham khảo ý kiến của tôi, rằng:
- "Tôi vừa hoàn thành tác
phẩm “ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN”. Và tôi có ý định đưa đứa con đầu lòng trong cuộc
đổi đời của tôi để tham gia giải Văn Học Nghệ Thuật Quốc Gia 1973, anh thấy thế
nào?”
- “Tôi rất tán thành, mặc dù
tôi chưa được đọc qua nội dung của tác phẩm. Bơiû vì tôi tin vào văn tài của
anh, đặc biệt là cái Subject (Chủ đề) “Đường Đi Không Đến” đã là một ý tưởng độc
đáo rồi! Nhưng tôi khuyên anh nên lấy câu châm ngôn của dân gian Pháp là
“Tout n’est pas bon à dire!”(Không phải điều gì cũng nói ra được), để làm
phương châm duyệt lại tác phẩm của anh, khi nộp cho Ban Chấm Giải.”
Tôi động viên và góp ý với nhà
văn Xuân Vũ
Không biết nhà văn Xuân Vũ có sửa
chữa lại hay không? Nhưng tác phẩm “Đường Đi Không Đến" của anh,
đã đạt Giải Thưởng Văn học Nghệ Thuật Quốc Gia năm 1973! Kết quả đầy
vinh quang đó, là do chính tài năng văn học của bản thân Xuanb Vũ, cộng với thực
tiễn đã trải qua trong cuộc đời của người chiến sĩ văn nghệ. Nhà văn Xuân Vũ lần
đầu tiên xuất hiện trêân văn đàn Miền Nam Tự do, như một ngôi sao sáng chói!
Từ 1973 đến trước 30-4-1975,
nhà văn Xuân Vũ còn cho độc giả miền Nam thưởng thức thêm 2 tác phẩm
nữa của anh: “XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN” và “ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN”. Độc giả
Sàigòn có nhiều ý kiến khách nhau về 3 cuốn Hồi Ký của nhà văn Xuân Vũ (kể cả
Đường Đi Không Đến), Nhưng nói chung là “hấp dẫn người đọc!”
Riêng có cuốn “Đến Mà Không Đến”
thì có những phản ứng ngầm của một số sĩ quan An ninh -
Chính trị. Họ cho rằng, nhà văn Xuân Vũ, qua tác phẩm “Đến Mà Không Đến” đã ám
thị về “sự thất vọng” của nhà văn đối với các nhà lãnh đạo nền Đệ nhị
Cộng hòa’ (?) Khi nghe được dư luận ngầm này, có phần nào bất lợi cho sự nghiệp
sáng tác của nhà văn Xuân Vũ, tôi vội vã đến gặp anh, nhằm mục đích trao đổi ý
kiến, trên tinh thần “bằng hữu chi giao”, nghe bạn “bị oan tình không đành làm
ngơ”!
Khi nghe tôi cho biết dư luận
ngầm đó, Xuân Vũ bật cười, nói một cách nghiêm túc rằng:
- “Kể ra, các vị đó cũng chịu
khó đọc hồi ký “Đến Mà Không Đến” của tôi, và có suy tư về khía cạnh tư tưởng
chính trị của nó. Nhưng, pardon (xin lỗi) các vị ấy đã soi bằng cái kiếng
đen, cho nên mới nhìn thấy cái hình thù méo mó của nó!”
Rồi anh hỏi tôi:
- “Còn theo con mắt của
nhà Sử học kiêm Tình báo thì như thế nào?”
- "Anh cho phép tôi nói một
cách trung thực nhé! Họ là những người có trách nhiệm bảo vệ nền an ninh
chính trị của quốc gia, do đó họ phải cảnh giác đối với những tác phẩm văn học
có tính bài xích chế độ dưới bất cứ hình thức nào, dù ít hay nhiều. Cho nên,
chúng ta không thể trách họ! “Đến Mà Không Đến” của anh, theo cá nhân tôi, là
phản ánh trung thực sự suy tư của anh đối với thực tiễn mà anh đã đối diện, mặc
dù anh không “vạch mặt chỉ tên”, nhưng ai có trí tuệ đều thấy rõ là: “Anh đã đến
với một chế độ tự do, nhưng anh đã bị thất vọng, và coi như không đến bến bờ tự
do thật sự theo lý tưởng của anh!" Tôi không phản đối sự suy tư của nhà
văn theo chiều hướng nào, hơn nữa tôi cũng tán thành cái logic của chủ
đề tác phẩm! Nhưng tôi xin nhắc lại với anh, trong khi chiến tranh Quốc- Cộng
chưa chấm dứt, thì lúc nào anh cũng phải nhớ câu châm ngôn: ”Tout n’est pas bon
à dire!”
Tôi chân thành nói với anh.
Tôi chân thành nói với anh.
Rất tiếc, vì tình hình thời cuộc
quá khắc nghiệt, tôi không có diều kiện để gặp lại nhà văn Xuân Vũ! Lúc này anh
làm Biên Tập Viên cho Đài Mẹ Việt Nam. Nhờ đó, trước ngày 30-4-1975, anh
và gia đình đã được Mỹ bốc ra khỏi Miền Nam Việt Nam, trước khi quân Cộng sản
chiếm Sàigòn...
"Nhà văn Xuân Vũ đã thoát
khỏi sự trừng phạt nặng nề mang tính chất trả thù của chế độ cộng sản, đối với
những ai chống đối họ! Từ nay, tại THIÊN ĐÀNG TỰ DO của Hiệp Chủng Quốc
Hoa kỳ, anh mặc sức mà sáng tác nên những tác phẩm văn học có giá trị nhân văn,
để đời cho mai sau!”- Tôi thầm nghĩ như vậy, khi biết tin Xuân Vũ đã bay sang
bên kia Đại Tây Dương!.
Hai mươi năm sau (1975-1995)
Sau ngày 30-4-1975, tôi bị Cộng
sản bắt giam, từ nhà tù Chí Hòa (Sàigòn) đến nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội), tổng cộng
là 15 năm 7 tháng 4 ngày. Nhờ Chính phủ Hoa kỳ can thiệp (đến 3 lần), chính quyền
cộng sản Việt Nam mới chịu tha, với điều kiện bắt buộc tôi phải ký giấy
cam kết rằng: ”Khi ở nước ngoài không được kêu gọi hay tổ chức chống chính phủ
Cộng Hòa XHCN Việt Nam!” Tháng 8-1993, tôi được sang tỵ nạn chính trị ở Mỹ theodiện
R.D (Rapid Departure). Và tôi đã định cư ơ vùng Đông Bắc Mỹ từ đó. Nhưng
trong hai năm 1974-1975, tôi chưa liên lạc được với nhà văn Xuân Vũ!
Tết năm Ất Hợi (1995), tôi có
dịp sang thăm người anh bà con ở Santa Anna (California), và đi xem chợ Hoa
Xuân tại Little Sàigòn, nên tôi mới thấy tên của nhà văn Xuân Vũ trên các tạp
chí Xuân như: “Diễn Đàn Phụ Nữ”, “Quê Hương”... và một số tác phẩm của Xuân Vũ,
mới viết trong 20 năm ở Hoa Kỳ (1975-1995), để trên kệ sách của nhà sách Văn
Nghệ trong chợ Phước Lộc Thọ, như: “Đồng Bằng Gai Góc” (Hồi ký), “Sông Nước Hậu
Giang” (Tiểu thuyết), Dưới Bóng Dừa Xanh” (Tiểu thuyết) v.v... Tự
nhiên trong lòng tôi cảm thấy vui vui, với tâm trạng của một người bất ngờ nhận
được tin bạn cũ. Bởi vậy, khi lật từng trang sách của Xuân Vũ, tôi cảm thấy như đang “nói
chuyện với Xuân Vũ” vậy! Cho nên, tôi tự bảo với lòng mình: ”Thế nào
cũng phải tìm cho ra số phone nhà của người bạn cố tri - Nhà văn Xuân Vũ - để
hiểu rõ cuộc sống và nhất là những thành quả sáng tác văn học, mà anh đã đạt được
trong suốt 20 năm lưu vong ở xứ người (?)"
Vào cuối năm 1995, Bác sĩ Huỳnh
Chí Thành, người bạn cũ trong thời Nam bộ Kháng chiến, từ California gọi điện
thoại báo cho tôi biết số phone nhà của Xuân Vũ ở San Antonio
(Texas)...
- “Sau 6 giờ chiều - giờ Texas
- ông hãy gọi, vì lúc ấy Xuân Vũ mới có mặt ở nhà!”
Bác sĩ Thành dặn tôi.
Đúng 8 giờ tối hôn đó, tôi gọi
điện thoại cho Xuân Vũ.
- “Hello! Cho tôi nói chuyện
với nhà văn Xuân Vũ.”
Tôi nói, khi nghe bên kia đầu
giây có người nhấc điện thoại...
- “Xuân Vũ đây! Xin lỗi,
ai ở bên kia đầu giây?”
Tiếng của Xuân Vũ tuy đã khàn đục
của người già, nhưng tôi vẫn nhận ra cái âm điệu của anh ta.
- “Sáu Tùng đây! Anh không
nhận ra tiếng nói của tôi hay sao?”
- “Xin lỗi! Tôi không nhận
ra tiếng nói của anh! Tên của anh, tôi nghe quen lắm, nhưng vẫn chưa nhớ
là gặp ở đâu? Anh giùm nhắc lại một vài kỷ niệm giữa chúng ta, có được
không?”
- “Anh và nhà văn Nguyẽn Tuân dẫn
tôi đi ăn Phở Tư Lùn ở đầu phố Yết Kiêu - Hà Nội, có nhớ không?”
- “A! nhà sử học kiêm
nhà tình báo... phải không?”
Xuân Vũ ngưng vài giây, rồi mới
thắc mắc hỏi:
- ”Tại sao tiếng nói của ông
nghe ngọng ngịu khác thường vậy?”
Tôi mới kể tóm tắt cho Xuân Vũ
nghe về cảnh khổ của tôi trong hơn 15 năm tù, và bị tai biến mạch máu não sau
khi ra tù, nên tiếng nói mới bị ngọng ngịu như vậy.
- “Ông còn sống sót và được
sang định cư ở Mỹ, có thể coi là một cuộc tái sinh. Chắc chắn rằng, ông sẽ
thọ hơn 20 năm nữa đó!”
Sau khi động viên tôi, Xuân Vũ
nói tiếp:
- "Ông cứ coi chuyện ở tù
của ông như chuyện “Tái ông thất mã” vậy! Bởi vì “cái vốn tù đày” trong
hơn 15 năm của ông, sẽ là chất liệu sống, để ông sáng tạo nên một tác phẫm bất
hủ cho đời rồi đấy!”
- “Cám ơn sự động viên chí tình của bạn! Nhưng
bây giờ tôi muốn biết thành quả 20 năm sáng tác văn học của nhà văn tài hoa cuả
xứ dừa như thế nào? Ông có thể vui lòng kể sơ qua cho tôi biết được
không?”
Tôi thành thật yêu cầu.
- “Ông có biết không? “Tài
hoa xứ dừa” hay xứ cau gì nữa, khi lưu vong sang xứ Coca Cola đều phải
“Tay làm Hàm nhai”, ăn “Sandwich thì phải vích tối ngày” vậy
mà...”
Xuân Vũ cười giòn, vẫn giữ
phong cách pha trò như thuở nào.
- “Sang tới xứ Cờ Hoa, đặc biệt
khi đến “Sàigòn Nhỏ” ở vùng “đất ấm tình nồng” Cali, tôi đã thấy tên ông ở
hầu khắp các hiệu sách... Tôi mừng cho ông có đất dụng võ, bù lại những năm
tháng ở Hà Nội... “
Tôi cười. nói nửa đùa
nửa thật.
- ”Khi ông xông vào thị trường
chữ nghĩaViệt Nam ở hải ngoại, rồi ông mới thấy giá trị của câu “Văn
chương rẻ như bèo” (!) Nhưng, cầm bút là nguồn sống tinh thần, là nghiệp vĩ của
đời mình, giống như “kiếp con tầm thì phải nhả tơ” mà không đòi hỏi sự bù đắp của
xã hội... Vì vậy, mình cứ sáng tác đều đều, không để cho “cái đầu suy nghĩ” và
“cánh tay viết lách” được rảnh rang, phải bắt nó làm việc, làm việc, và làm việc...
cho đến khi trái tim ngừng đập mới thôi. Nhờ sự cố gắng tối đa như thế nên suốt
trong 20 năm qua, tôi cũng đạt được một thành quả gọi là “không phụ lòng của độc
giả mến mộ” nhà văn xứ dừa này! ”
Xuân Vũ tâm sự với một giọng
không vui không buồn.
Nhà văn Xuân Vũ khiêm tốn nên
không khoe thành quả văn học của anh với tôi. Nhưng tôi vẫn biết được anh đã miệt
mài sáng tác, với một năng lực sáng tạo phi thường, rất hiếm thấy trong số nhà
văn cùng lứa tuổi với anh, qua số lượng sách của anh đã được các nhà xuất bản ở
hải ngoại ấn hành trong vòng 20 năm qua. Từ 1975 đến 1995, nhà văn Xuân Vũ đã
trình Làng Văn Hải ngoại với hơn 40 tác phẩm văn học, khoảng chừng 7.000 trang
(gồm có Hầi ký, Tiểu thuyết, Khảo luận...) Tính trung bình, mỗi năm, nhà
văn Xuân Vũ cho ra đời 2 tác phẩm văn học, trong hoàn cảnh rất chật vật về thời
gian, vì vừa lao động kiếm tiền để đảm bảo đời sống của gia đình, vừa tranh thủ
thời gian nghỉ ngơi để viết văn!
Trong một bức thư gửi cho tôi
(tháng 4-1996), nhà văn có tâm tình như sau: ”Viết văn đối với tôi là một việc
cao quí gian khổ và đau khổ, lắm khi đầy đe dọa nữa! Nhưng nếu chết
đi mà còn được đầu thai theo thuyết luân hồi của nhà Phật, thì tôi xin tiếp tục
cầm bút để hoàn thành những gì còn bỏ dở ở kiếp
này... Ôi! Cây bút nhỏ bé gầy gò, nhưng nếu không có nó thì
nhân loại chỉ là một loài súc vật bò lê trong vũng bùn ngàn
năm!”
Qua đoạn thư trên, chúng ta -
những độc giả yêu quý nhà văn Xuân Vũ - đều có thể nhận thấy rõ ràng rằng: ”Nhà
văn Xuân Vũ đã vượt qua bao khó khăn và gian nguy để hoàn
thành những tác phẩm văn học cho đời! Cho dù trong hoàn cảnh nào,
nghiệp văn vẫn là lý tưởng cao cả của Xuân Vũ! Anh không chỉ muốn viết văn ở kiếp
này, mà còn muốn tiếp tục viết văn ở kiếp sau nữa. Bởi vì Xuân Vũ đã nhìn
thấy VĂN HỌC ĐÃ GÓP PHẦN SÁNG TẠO NÊN NỀN VĂN MINH CỦA NHÂN LOẠI!
Từ 1996 đến 2003, chúng tôi thường
diện đàm với nhau, chủ yếu là thăm hỏi sức khỏe và trao đổi về những vấn đề thời
sự chính trị ở quê hương Việt Nam. Còn công việc văn chương thì hầu
như không có trao đổi, bởi vì chúng tôi, mỗi người theo đuổi một lĩnh
vực chuyên môn, tuy cùng ngành khoa học xã hội, nhưng lại khác nhau về phương
pháp luận và cách thể hiện - Xuân Vũ theo đuổi sự nghiệp sáng tác văn học. Còn
tôi thì chuyên tâm nghiên cứu lịch sử.
Có lần, tôi ngỏ ý muốn có NHỮNG
TÁC PHẨM ĐẮC Ý NHẤT CỦA XUÂN VŨ, để tôi thử viết một tiểu luận VỀ GIÁ TRỊ
VĂN HỌC CỦA XUÂN VŨ. Và nhà văn Xuân Vũ đã trả lời cho tôi như sau: ”Nếu bạn có
nhã ý muốn điểm sách của tôi thì để thong thả tôi tìm đủ bộ gởi cho bạn... rồi
bạn hãy viết mới dzui (đúng chữ của Xuân Vũ.)”. Vì vậy tôi đành phải chờ
(?)
Tháng 8 năm 1998, nghe tin bà
xã tôi qua đời trong một tai nạn bất ngờ (!) Anh Xuân Vũ đã gọi điện
thoại chia buồn, và an ủi tôi. Tôi ghi nhớ mãi, không thể nào quên
câu nói của anh, rằng:
- “Chỉ có hai vợ chồng lưu vong
nơi đất khách, bà xã đột ngột qua đời không một lời trối trăn, thật là quá
bi thảm cho anh! Chắc hẳn là bạn rất cô đơn trong những ngày tháng sắp tới...
Nhưng tôi tin tưởng bạn, vốn là một chiến sĩ kiên cường trong chiến tranh, đã từng
ngồi tù cộng sản 15 năm, không thể dễ dàng bị gục ngã! Mong bạn sẽ dùng ngòi
bút bình luận chính trị và khảo luận lịch sử, làm vũ khí tinh thần, để đẩy lùi
sự cô đơn, và tạo nguồn vui hạnh phúc bằng sự sáng tạo nên những tác phẩm cho
mai sau!”
Cám ơn anh Xuân Vũ (và bạn bè
xa gần) đã nâng đỡ về tinh thần cho tôi rất nhiều! Nhờ vậy, tôi đã vượt qua nỗi
buồn cô đơn, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và biên soạn lịch sử Việt
Nam...
Cuối năm 1998, nhà văn Xuân Vũ
có gửi cho tôi 4 cuốn sách của anh vừa mới phát hành. Đó là: cuốn “Văn Nghệ
Sĩ Miền Bắc Như tôi Biết” (Hồi ký - Tập II), cuốn “Những Bậc Thầy Của Tôi” (Khảo
luận) và 2 cuốn “2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi” (Tập 5 & 6 - Hồi Ký, viết chung với
Dương Đình Lôi). Tôi đã đọc ngấu nghiến những tác phẩm mới ra đời của Xuân
Vũ... trong mấy ngày đêm, với tổng số hơn 1.700 trang.
Đọc xong các tác phẩm mới ra đời
của nhà văn 69 tuổi (1930-1998) - Xuân Vũ, tôi phải thầm khâm phục sức sáng tác
của anh! Nếu mới đọc qua đầu đề cuốn Hồi Ký “2.000 Ngày Đêm Trấn Thủ
Củ Chi”, bạn đọc sẽ có cảm giác đầu tiên đây chỉ là những “chuyện đánh nhau”,
ngán chết (!).Nhưng không, đây là một bức tranh về những cuộc đời trong một xã
hội ở thời chiến tranh - Hỷ, Nộ, Ái, Ố... có đủ cả, được diễn tả bởi một ngòi
bút diêu luyện, của một nhà văn biết chọn lọc những câu chuyện điển hình, tạo
nên một “xã hội Củ Chi” rất hấp dẫn!
Còn cuốn Hồi ký về
“Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết”, là một tác phẩm không chỉ có giá trị về tư
liệu “Lịch Sử Văn Học Việt Nam Hiện Đại”, mà còn có giá trị phê phán sự lãnh đạo
độc tài của Đảng CSVN trong lĩnh vực văn học! Các bạn hãy đọc và nghiền ngẫm những
lời tâm sự sau đây của nhà văn Xuân Vũ: “Cuộc diện đấu
tranh giữa chính nghĩa Quốc gia và tà thuyết Cộng sản vong bản đang đến hồi quyết
liệt, mất còn. Kẻ viết quyển sách này kính chúc các văn nghệ sĩ
trong và ngoài nước hãy đoàn kết và thực hành đúng tinh thần cao cả của nhà nho
tiền bối Nguyễn Đình Chiểu: “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. (sách đã dẫn,
trong “Đôi Lời Tác Giả’)
Đặc biệt cuốn Khảo Luận “Những
Bậc Thầy Của Tôi”, nhà văn Xuân Vũ đã gửi gấm một tâm sự nuối tiếc về ước vọng
của nhà văn, rằng: ”Tất cả cuộc sống xưa bình thường bỗng nhiên trở thành kỷ niệm. Tôi
còn nhớ nhiều người quá mà không viết nổi nữa. Không có nhà văn nào khi chết
mà đã hoàn thành tất cả những ý định của mình. Cuốn sách này
coi như “trạm nghỉ chân” cuối cùng, nghỉ xong rồi ngủ luôn không đi đâu nữa hết...”
(Sách đã dẫn, trang IX, trong bức thư gửi cho Nxb của Xuân Vũ).
Đọc được tâm sự này của Xuân
Vũ, tự nhiên tôi có một cảm xúc buồn buồn. Tôi nghĩ: “Chắc người bạn già của
tôi đã không còn đủ sức khỏe để thực hiện những tác phẩm văn học đã tích lũy sẵn
trong tâm hồn nghệ sĩ của anh! Anh đã có hoài bão làm một nhà văn chân chính,
như nhà văn Nga Piotr Pavlenko đã từng nói: ”Văn chân chính phải dám tiêm vào mạch
máu của dân tộc những nhân tố mới bằng ngòi bút của mình.” Nhưng giờ đây,
lẽ nào Xuân Vũ lại gác bút ở cuối đường?”. Mặt khác, tôi lại nghĩ: ”Hay
ông bạn già của tôi - chỉ còn một tuổi nữa là THẤT THẬP rồi - đã lâm bệnh
nặng, đoán trước được thời gian chia tay vĩnh viễn với gia đình và bạn bè?
Nhưng Xuân Vũ không muốn cho bè bạn bận lòng, nên đã không cho biết về bệnh
tình của mình?”
Tuy nhiên, trong thực tế của 5
năm qua (1999-2003) nhà văn Xuân Vũ vẫn tiếp tục viết không ngừng nghỉ, với một
năng lực phi thường, đối với một thể trạng bệnh hoạn của anh! Anh viết
truyện ngắn, truyện dài, phiếm luận...Và sửa chữa, hoàn thành những tác phẩm
chưa in.... Anh có mặt hầu khắp trên các tạp chí Việt ngữ ở Mỹ, ở Canada, ở
Pháp v.v... Đâu đâu, trên thế giới này, cộng đồng người Việt hải ngoại đều đọc
được những sáng tác văn học mới nhất của nhà văn Xuân Vũ. Hai truyện dài gần
đây nhất của nhà văn Xuân Vũ, đang đăng từng kỳ trên bán nguyệt san Tự Do của nữ
văn sĩ Mặc Bích (Houston - Texas), là truyện “THẤT SƠN, ĐỊA LINH NHÂN KIỆT”, và
truyện “QUÊ NỘI QUÊ NGOẠI”, có thể nói là rất hấp dẫn người đọc!
Trong tuần đầu tháng 11-2003,
anh đã chủ động gọi điện thoại cho tôi đến 2 lần. Có thể nói, đây là một
hiện tượng bất bình thường suốt trong 8 năm nay (1995-2003), trong sự giao tiếp
bằng điện thoại giữa Xuân Vũ với tôi!
Lần thứ nhất, anh động viên tôi
nên hoàn thành càng sớm càng tốt tác phẩm: Hồi ký của “NGƯỜI TÙ
BỊ ĐỔI TÊN.” Anh nói như sau:
- “Hồi ký của “Người Tù Bị Đổi
Tên” là một câu chuyện Tình báo, nhưng đã hàm chứa một giai đoạn lịch sử đấu
tranh giữa Chính Nghĩa và Phi Nghĩa, của dân tộc Việt Nam (1945-1975), thật sự
hấp dẫn người đọc, vì mỗi lần tôi đọc từng kỳ trên bán nguyệt san Tự Do của bà
Mặc Bích, là có tâm lý nôn nóng muốn xem tiếp, để biết câu chuyện sẽ diễn biến
và kết cục ra sao? Vậy ông dự định chừng nào mới cho ra mắt bạn đọc
quyển Hồi Ký “Rút Ruột” đó?”
- “Cám ơn nhà văn tài hoa đã
quá khen để động viên tôi! Nhưng tôi không có sức viết nhanh như ông
đâu! Tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2004 hoặc 2005!”
Tôi trả lời một cách dè dặt, đồng
thời hỏi lại Xuân Vũ:
- ”Tính từ sau tháng 4-1975 đến
cuối năm 2003, ông đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm rồi?”
- “Thú thật với ông, tôi không
nhớ chính xác đâu! Độ chừng gần 80 tác phẩm gì đó! Số lượng nhiều mà nội
dung dở ẹt thì cũng vứt vào xọt rác thôi. Cái chính là chất lượng của tác phẩm
mới là điều đáng nói với một nhà văn chân chính! Có phải thế không bạn?”
Xuân Vũ nói thật nghiêm túc.
Lần thứ hai, trong cuộc điện
đàm với tôi, nhà văn Xuân Vũ đã tiết lộ một tâm sự “buồn vạn kiếp” của thân phận
lưu vong, ký sinh trên xứ lạ quê người!
- “Ông đã tứng đến Bến Tre,
nhưng không biết ông đã từng đến Quê Ngoại của tôi hay chưa? Quê ngọai
tôi là một vùng đất nằm ven con rạch chảy suốt bề ngang Cù Lao Minh, và chảy
qua hai phố chợ Tân Hương và Cầu Mống. Sau nhà ngoại tôi là một cánh đồng rộng
trải dài tới xóm Cái Bần thuộc làng Đại Điền, một làng trù phú, có những nhà
giàu nhất nhì tỉnh Bến Tre.“
Xuân Vũ vừa kể đến đó, tôi liền
cắt ngang, hỏi:
- “Quyển tiểu thuyết “Xóm Cái Bần”
của ông, có phải là viết về xóm Cái Bần mà ông đang kể đó không?”
- “Đúng, cái xóm
đó! Ông có biết không, quê ngoại đối với tôi là một bài thơ dài, một thiên hồi
ký vô tận, không tài nào viết ra nổi! Tới chết, tôi vẫn còn mang theo những
hình tượng đẹp đẽ về một miền quê, nơi tôi cất lên tiếng khóc chào đời trong một
ngôi nhà xưa u tịch. Đối với tôi, không có mảnh đất nào đẹp bằng Quê Ngoại... Đó
là mảnh trời riêng của tôi, không thể tìm đâu ra, mảnh trời riêng ấy, trên cõi
đời này!”
Xuân Vũ thở dài, nuối tiếc...
- "Hay là ông cố gắng sắp
xếp đi về thăm Quê Ngoại một chuyến, để khỏi ân hận khi
vĩnh viễn nằm xuống trên đất lạ!”
Tôi thành tâm khuyên bạn.
- “Bác sĩ Huỳnh Chí Thành ở
Cali cũng nhiều lần khuyên tôi như ông vừa khuyên vậy... Nhưng tôi đã suy nghĩ
kỹ rồi: ”Chính quyền Cộng sản sẽ không chấp nhận cho nhà văn chống cộng, như
Xuân Vũ, được tự do trở về thăm Quê Ngoại đâu!”
Xuân Vũ cười một cách chua
chát.
Bẳng đi một thời gian, khoảng
hơn một tháng, tôi và nhà văn Xuân Vũ không điện đàm với nhau...
Một đêm cuối tháng 12-2003, tôi
nhận đươc điện thoại từ Cali, Bác sĩ Huỳnh Chí Thành báo hung tin: ”Xuân Vũ
đang trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, và phải thở bằng bình dưỡng khí!”
- “Nhắm Xuân Vũ có vượt qua được
trận hung hiểm này hay không?”
Tôi sốt ruột hỏi.
- “Xem mòi khó khăn lắm! Chúng
ta đành phải cầu nguyện cho anh ta, vậy thôi!”
Bác sĩ Huỳnh Chí Thành thở
dài...
- ”Bạn bè cùng trang lứa với
chúng mình đã lần lượt xếp hàng đi về bên kia thế giới hết rồi! Chừng nào
sẽ đến chúng ta đây?”
Tôi bình thản hỏi.
- “Thôi thì nguyện ước nào chưa
thực hiện được, phải tranh thủ thực hiện đi! Nếu không, chắc chắn sẽ mang
hận xuống dưói tuyền đài chớ biết làm sao?”
Huỳnh Chí Thành xúc động nói.
Đêm nhận được hung tin về Xuân
Vũ, tôi cứ trằn trọc, không ngủ được! Vẫn biết rằng: "Ai cũng không tránh
được cửa TỬ!” nhưng khi nghe bạn bè đang bước vào cửa đó, thì lòng mình lại
không dằn được nỗi niềm bi thương cho số phận của con người, trong đó có chính
mình!
Tôi nghĩ nhiều về Xuân Vũ...
Anh, quả thật là một nhà văn có
sức sáng tác khác thường! Chỉ trong vòng 8 năm gần dây (1996-2003), mỗi năm nhà
văn tuổi 70 này đã cho ra đời trung bình là 4 tác phẩm, với khoảng trên dưới
1.000 trang. Như vậy, so với 20 năm đầu ở hải ngoại (1975-1995), tốc độ sáng
tác của Xuân Vũ đã tăng lên gấp đôi, trong khi tuổi càng già hơn, sức khoẻ càng
yếu hơn. Nhưng, văn tài vẫn không sút kém, mà còn có chiều sâu tâm hồn hơn, bắt
kịp hơi thở của thời đại hôm nay - Thế kỷ 21!
Trong hơn một năm nay (từ tháng
4-2002), nhà văn Xuân Vũ đã giúp cho tạp chí Phương Đông, do nhà báo Việt Hùng
chủ trương, cơ sở tại thành phố Lowell thuộc tiểu bang Massachusetts, làm “CAI
VƯỜN VƯỜN HOA PHƯƠNG ĐÔNG”. Có người cho rằng, đây chỉ là một việc làm có tính
chất “tếu vui” õ cho qua những ngày cuối đời của nhà văn Xuân Vũ mà thôi (?)
Tôi cho đó là một thành kiến sai lầm! Theo dõi mục “Vườn Hoa Phương Đông” trong
suốt 21 tạp chí (Từ tháng 4-2002 đến tháng 12-2003), tôi nhận rõ mục đích cao đẹp
trong việc làm “Cai Vườn” của nhà văn Xuân Vũ, là: Khuyến khích những ai thích
viết văn thì cứ mạnh dạn viết (như Cai Vườn Xuân Vũ đã nói: ”Ai viết được một bức
thư thì có thể viết văn được...”); làm cho mọi người không còn có mặc cảm “múa
rìu qua mắt thợ”! Nhờ truyền bá tinh thần “Văn Học Đại
Chúng” đó, nên đã có nhiều tên tuổi lạ, nhiều bạn trẻ thích viết văn làm thơ,
đã mạnh dạn xuất hiện trên “Vườn Hoa Phương Đông”. Qua đó, giới văn học hải ngoại
có thể phát hiện ra những văn tài mới... Một ông bạn già, bạn đọc thường xuyên
của tạp chí Phương Đông, có nói với tôi rằng: ”Từ ngày có Xuân Vũ xuất hiện
trong mục Vườn Hoa Phương Đông, nội dung của tạp chí Phương Đông có phàn tươi
mát và rôm rả, hấp dẫn người đọc hơn!”. Vậy, Vườn Hoa Phương Đông, nếu
không có Xuân Vũ làm Cai Vườn, thì tương lai sẽ ra sao?
Tối ngày 1-1-2004, tôi nhận
được liền 2 cú điện thoại: Một của nhà báo Việt Hùng ở Massachusetts, một
của Bác sĩ Huỳnh Chí Thành ở California, đều thông báo TIN BUỒN:
”XUÂN VŨ ĐÃ VĨNH VIỄN XA CHÚNG TA RỒI!”
Tôi lặng người... và chỉ thốt
ra một câu từ cõi lòng của người bạn cố tri, một thân phận
lưu vong nơi xứ người, thật sự mến mộ nhà văn:
“XUÂN VŨ - MỘT NGÔI SAO VĂN HỌC ĐÃ TẮT!”
Kính cẩn nghiêng mình tiễn Bạn
Xuân Vũ đi về bên kia thế giới trong sự an bình, vui vẻ. Thành
tâm chúc Bạn Xuân Vũ đạt được ý nguyện, như anh đã tâm sự với tôi, là “sẽ tiếp
tục Sự Nghiệp Văn Chương ở kiếp sau, nếu có luân hồi?”
Đêm anh đi... lòng tôi lạnh
giá
Vẫn còn đây những kỷ niệm xưa rồi
Đêm anh đi... tuyết rơi phủ trắng
Những ngày tới não nuột lòng
tôi.
Một đêm đầu tháng 1-2004
Lê Tùng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét