Trịnh Công Sơn
Nét quê hương nghìn năm vẫn là
“Chiều trên quê hương tôi. Gió đến chơi từ bờ biển xa. Núi
đôi khi màu sim tím lạ. Nắng như môi hoàng hôn trên phố”. Trịnh Công Sơn đã vẽ
quê hương Việt Nam với nhiều mảng màu khác nhau, thật buồn, rất đẹp và chứa
chan niềm hy vọng.
Người Việt nào da không vàng
Sáng tác của Trịnh Công Sơn là hành trình cùng những thăng trầm
của đất nước. Trong các ca khúc của ông, ngoài thân phận tình yêu còn có thân
phận của quê hương. Mấy mươi năm chiến tranh, đất nước điêu linh, quê hương
điêu tàn, đó là một hiện thực mà mỗi công dân phải đối diện, và công dân nghệ
sĩ Trịnh Công Sơn cũng không thể thoát ra. Ông đành phải miêu tả về quê hương
trong một cuộc chiến dài với nhiều chương sách buồn đau và đẫm nước mắt. “Khi chiến tranh về, đốt lửa quê hương” thì:
“Người già co ro,
em bé lõa lồ.
Từng hạt cơm khô,
trong miếng hững hờ.
Ruộng đồng quê hương,
dấu
vết bom qua”
Trịnh Công Sơn tả cận cảnh quê hương trong
chiến tranh bằng hình ảnh của một đứa bé lõa lồ “khóc tuổi thơ đi” và “suốt đời
lang thang”.
Có lẽ không quê hương nào buồn hơn một xứ sở với những đứa bé
đi lang thang suốt đời. Còn nữa, có đứa bé không thể đi lang thang dù chỉ một
ngày, bởi vì:
“Một buổi sáng mùa xuân.
Một đứa bé ra đồng.
Đạp trái mìn nổ chậm.
Xác không còn đôi chân”
Quê hương buồn như một mùa đông kéo dài. Trịnh Công Sơn chứng
kiến chiến tranh trên mọi miền đất nước và mang nỗi ám ảnh kinh hoàng, đến nỗi
ông không muốn chấp nhận đó là sự thật. Ông mong hiện thực chỉ là một chuyện ngụ
ngôn thoáng chốc ngắn ngủi mà thôi. Người Việt Nam “nòi giống của tiên” có thể
chỉ tạm thời “thôi ra dòng sông” vì “súng nổ thật gần, tiếng đạn đầy hồn”.
Nhưng câu chuyện ngụ ngôn ông ghi lại tang thương quá:
“Một
ngày mùa đông.
Hai bên là rừng.
Một chiếc xe tang.
Trái mìn nổ chậm.
Người chết
hai lần.
Thịt da nát tan”
Có khi, ông bất lực và hoảng
hốt kêu lên: “Ôi quê hương, đã lầm than. Sao còn, còn chiến tranh”.
Quê hương là sông núi, là ruộng vườn, là biển cả. Quê hương
còn là thân phận của con người, với Trịnh Công Sơn, một thân phận như tượng buồn
trăm năm là người mẹ. Ông nhìn và viết quê hương bằng cảm xúc của chính mình.
Nhưng có lúc, ông viết quê hương qua cái nhìn của người mẹ.
Có lẽ với cảm nhận của người mẹ, quê hương như được nhìn thấy
sâu hơn: “Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn”, và dù cho có “tủi
nhục chung thân”, có “bấp bênh phận người” thì mẹ vẫn dạy cho con “tiếng nói
quê hương”(Ca dao mẹ).
Ca Dao Mẹ - Khánh Ly - YouTube
Mẹ cũng là quê hương, một quê hương đau thương tột cùng nhưng
có sức chịu đựng phi thường cũng như một niềm tin mãnh liệt: “Lạy trời mưa tuôn
cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên”. Có lẽ khi viết “Ca dao mẹ”, Trịnh Công Sơn đã
liên tưởng đến hạt mầm duy nhất còn sót lại dưới đáy chiếc hộp Pandora trong Thần
thoại Hy Lạp, đó là hạt mầm hy vọng.
Trong ca khúc “Ngày dài trên quê hương”, Trịnh Công Sơn xót
xa vì chiến tranh kéo dài 20 năm, quê hương nát tan vì bom đạn, nhưng lo âu hơn
là ly tán lòng người: “Một ngục tù trên quê hương. Người Việt Nam quên nòi giống.
Người từng ngày xây uất hận. Rồi hình hài nát dấu bom”. Nhưng ông cũng đưa ra một giải
pháp để xóa hận thù và xây quê hương, đó là nhìn về màu da của chính mỗi người:
“Một màu vàng trên da thơm”, vì thế ông khuyên “nên giữ gìn màu lúa chín quê
hương”. Và cuối cùng là: “Người Việt nào da không vàng”. Một thông điệp có ý
nghĩa cho đến hôm nay.
Không dừng lại, không quên việc phải làm về một quê hương hòa
giải, Trịnh Công Sơn kiên trì kêu gọi những vòng tay yêu thương. Tuồng như ông
linh cảm sẽ khó khăn lắm mới có được vòng tay đó, cho nên ông nói rất hối hả:
“Ta đã thấy gì trong đêm nay.
Bàn tay muôn vạn bàn tay.
Những ngón tay thơm nối
tật nguyền.
Nối cuộc tình nối lòng đổ nát.
Bàn tay đi nối anh em.
Về suối
quê hương tắm gội nhục nhằn”
Không chỉ bàn tay mà trên
bàn tay đó là những ngón tay thơm. “Da thơm” rồi đến “tay thơm”. Chữ “thơm” của
ông đắt giá đến mức không bàn thêm được gì nữa.
Xây lại tự do, xây lại tình thương
Quê hương trong nhạc Trịnh Công Sơn không phải chỉ là những
ưu phiền. Ngay trong đổ nát hoang tàn, ông vẫn gửi gắm, thúc giục những hành động
xây dựng tương lai tươi sáng:
“Dựng nhà mới trên đổ nát này.
Dựng đời mới trong
nụ cười”
Niềm hy vọng về một sớm mai Việt Nam
được đặt trên nền tảng của “ta xây lại tự do” và “ta xây lại tình thương”.
Quê hương chìm đắm trong chiến tranh, Trịnh Công Sơn kêu gọi
hòa bình và hòa giải: “Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương. Những đứa
con là sông. Mừng hôm nay xóa hết căm hờn. Mượn phù sa đắp trên điêu tàn. Lòng
nhân ái lên nụ hồng”.
Một quê hương có tự do và có tình thương luôn là mục đích của
mọi dân tộc, của toàn nhân loại. Cho đến hôm nay, không phải người dân của quốc
gia nào cũng được sống trong tự do và sống trong tình thương. Hận thù, chia cắt,
bom đạn là những thứ khủng khiếp mà ông đã trải nghiệm và quá sợ hãi.
Vì vậy, ông dâng lời cầu nguyện cho quê hương:
“Xin cho tôi
yên ngủ một ngày.
Xin cho đêm không có đạn bay.
Xin cho chim góp nhạc về trời”
Có không ít ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn viết về quê hương
quá đau thương. Nhưng thấm sâu vào âm nhạc của ông, sẽ thấy quê hương đáng để sống
lắm. Nếu ai đó có đi đâu xa tìm quê hương mới, thì quê nhà vẫn đẹp tuyệt vời và
đầy bao dung:
“Em ra đi nơi này vẫn thế.
Vẫn có em trong tim của mẹ.
Thành phố vẫn có những ước mơ.
Vẫn sống thiết tha.
Vẫn lấp
lánh hoa trên đường đi”
Trịnh Công Sơn nói vậy và
ông giữ lời. Ông đã chọn quê hương Việt Nam để sống cho đến cuối đời.
Quê hương Việt Nam với Trịnh Công Sơn là một lựa chọn, không
đổi thay, không vọng động mà thật bình tĩnh để quan sát và suy tư:
“Mỗi ngày
tôi chọn ngồi thật yên.
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng
vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần một trái tim”
Tấm lòng tin yêu và đầy trách nhiệm với quê hương của người
nghệ sĩ thực sự lay động muôn trái tim người. Và nữa, ông còn có một sự lạc
quan thường trực trong tâm hồn, bởi vì ngày nào cũng chọn niềm vui để “cùng
nhau ca hát, để thấy tiếng cười rộn rã bay”. Thế thì, không thể nói Trịnh Công
Sơn mang nỗi mặc cảm về quê hương.
Không những Trịnh Công Sơn không mặc cảm mà còn có những dự cảm
về một quê hương thống nhất, tươi đẹp, đoàn kết. Giữa những tao loạn của thời
cuộc, có một cái nhìn đầy hy vọng như vậy quả thực chỉ thoát ra từ một tình yêu
quê hương bền bỉ:
“Bàn tay giúp nước, bàn tay kiến thiết.
Những dấu căm hờn xưa
nhạt mờ.
Nhà ta xây mái, vườn ta thêm trái.
Bắc - Nam - Trung ơi đoàn kết một miền.
Phá biên thùy mở rộng
đường thêm,
dựng nước bình yên”
Cũng trong ca khúc
này, Trịnh Công Sơn nhắc lại một điều đầy khát khao không chỉ với riêng ông:
“Ngày Nam đêm Bắc, tình chan trong mắt…
Cho dân ta bừng lớn trong tự do”.
Một tấm
lòng với nước nhà như vậy, còn có ai nói quê hương trong nhạc Trịnh Công Sơn là
ủy mị, là sầu muộn? Khát vọng cho dân ta lớn lên trong tự do chỉ có ở một con
người có trí tuệ và nhiệt huyết.
Trịnh Công Sơn có một niềm tin vào sự tồn tại bền vững các
giá trị thiên nhiên, văn hóa của đất nước mà ông gọi là “nét quê hương”. Cho dù
bao thăng trầm, can qua, nhưng quê hương Việt Nam vẫn của người Việt Nam, vẫn
mãi mãi là Việt Nam:
“Chiều trên quê hương tôi.
Ước bao nhiêu điều đã trôi qua.
Có riêng em cuộc đời sẽ nhớ.
Nét quê hương nghìn năm vẫn là”
Nguồn: Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét