Các hệ sinh thái trong Truyện Kiều
Hệ sinh thái là một hệ thống trong đó có sự tương tác, tương
liên, tương thuộc giữa mọi loài (như thực vật, động vật, vi khuẩn...) với
các yếu tố xung quanh của môi trường (đất, nước, không khí…). Như vậy, để xác định
một hệ sinh thái, phải có một môi trường sống (sa mạc, rừng cây, nước
sông, nước biển, ao hồ…), một tập hợp các loài sinh vật và sự liên
hệ nhiều chiều giữa các sinh vật với nhau và với môi trường sống.
Sau đây là vài ví dụ về vài hệ sinh thái:
Hệ sinh thái rừng (forest ecosystem) là một tổng thể gồm
các thực vật, từ cây gỗ, cây bụi, thảm mục cho đến các động vật, vi sinh vật
tương tác với nhau và với môi trường tự nhiên như đất, nước, khí hậu. Hệ thống
nhận năng lượng từ mặt trời với mưa, nắng, ánh sáng… và năng lượng từ đất với
các dưỡng chất. Trong hệ sinh thái rừng có sự tương quan ảnh hưởng lẫn nhau giữa
các cây rừng (cao, thấp, lùm bụi, cây leo…) và giữa các cây rừng với các sinh vật
khác trong quần xã đó.
Hệ sinh thái cửa biển (estuary ecosystem) có sự tương
tác giữa các sinh vật trong vùng cửa biển như tôm, cá, phiêu sinh vật, tảo, với
dòng nước pha trộn nước ngọt, nước mặn với thuỷ triều lên xuống mỗi ngày.
Vài đặc điểm của hệ sinh thái
A/- Tuổi đời các hệ sinh thái có thể trẻ như
khi mới thành hình, (rừng cây con, ao hồ mới tạo thành…) và với thời gian, hệ
sinh thái già đi, tiến đến hệ sinh thái cao đỉnh (climax) và lúc
đó thì cân bằng sinh thái tự nhiên được thiết lập. Vài ví dụ về hệ sinh thái
cao đỉnh trong thực vật: rừng thông phương bắc (toundra), thảo nguyên
(savanna), rừng mưa nhiệt đới (tropical rainforest).
B/- Số lượng các loài cũng như số lượng cá thể từng loài
cũng dao động: các hệ sinh thái sa mạc chỉ có một số loài cây chịu đựng được sự
khô hạn trong khi hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới chứa nhiều loài sống chằng chịt
với cây leo, mây, tre, dương sĩ…
C/- Trong một hệ sinh thái luôn xảy ra sự trao đổi
vật chất và năng lượng trong nội bộ quần xã, giữa các quần xã với các
thành phần bên ngoài của nó.Ví dụ: hệ sinh thái nông nghiệp (agricultural
ecosystem) tiếp nhận năng lượng tự nhiên (ánh sáng, gió, mưa…) và năng lượng bổ
sung của loài người như trong câu: nhất nước, nhì phân,
tam cần… Khi ta bón phân chuồng, phân mục cho cây cối, chính là để
giúp năng lượng cho các vi sinh vật trong đất nhờ đó chúng phân huỷ để tạo ra
chất vô cơ nuôi cây.
D/- Quy mô các hệ sinh thái có thể vi mô như một
cái ao, một gốc cây, một sân cỏ hoặc vĩ mô như một dòng sông, một
cánh rừng, một vùng khí hậu (hệ sinh thái sa mạc, hệ sinh thái rừng ôn đới..)
nhưng dù nhô hay lớn thì luôn luôn có sinh vật tác động đến môi trường và môi
trường thay đổi lại tác động trở lại sinh vật, như vậy giữa sinh vật và môi trường
có ảnh hưởng đến nhau.
E/ - Sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái được
thể hiện qua các khía cạnh sau đây: U with the SKUNKS, OPPOSUMS, WEASELS
and MICE, and OWLS can find food. Theo chuỗi thức ăn (food chain):
ví dụ như sâu bị ếch ăn nhưng ếch bị rắn ăn và rắn bị chồn ăn;
chồn bị chim đại bàng ăn. Nói khác đi, loài này bắt loài khác làm mồi
và lại trở thành con mồi cho vật khác to hơn mà tục ngữ ta nói: cá lớn nuốt cá
bé. Một ví dụ khác: đầu tiên là thực vật như cây cỏ, tiếp đến là những loài ‘ăn
cỏ’ như trâu bò, ngựa, dê, nai trong rừng, tiếp đến là những động vật ăn thịt
các cấp (trong đó người là động vật ở cuối chuỗi thức ăn).
Lưới thức ăn (food web). Trong khi chuỗi thức ăn chỉ
theo một con đường: lớn nuốt bé thì trong lưới thức ăn, cùng một con vật bị nhiều
loài khác đến ăn: con chuột có thể bị rắn, bị chồn, bị chim, bị người bắt ăn.
Lưới thức ăn cho thấy thực vật và động vật đều liên hệ với nhau để tồn tại.
Như vậy, các loài không thể tồn tại một cách biệt lập mà phải dựa vào nhau mà sống
trong nhiều mối tương quan: cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia
không.
Bậc dinh dưỡng (niveau trophique). Trước tiên, ta có những
sinh vật sản xuất đầu tiên, còn gọi là các sinh vật ‘tự dưỡng’ (autotroph)
chúng tạo ra thức ăn nhờ quang hợp. Trên mặt đất, đó là thực vật; dưới mặt nước
đó là những phiêu sinh thực vật. Ngoài các sinh vật tự dưỡng, ta có những sinh
vật ‘dị dưỡng’ (heterotroph) bao gồm bốn loài như loài ăn cỏ, loài ăn thịt,
loài ăn tạp và loài ăn rác rưới. Ví dụ: trong hồ ao, tia sáng mặt trời xuyên
qua nước và giúp các loài tảo xanh phát triển; trong ao có các loài sen, súng;
ven bờ có các lau sậy. Trong ao, có các vi động vật sống nhờ các tảo xanh; các
sâu bọ ăn các vi động vật và lại làm mồi cho chim cá. Các loài cò ven ao ăn cá.
Và khi các loài này chết đi sẽ bị các loài khuẩn phân hủy.
Tóm tắt, ta phân biệt 3 bậc quan trọng: đầu tiên là các
loài sản xuất (producers) có thể qua sự quang hợp mà tạo được các chất
hữu cơ (C6H12O6) từ những chất vô cơ như CO2, H20. Ví dụ: cây, cỏ, rong tảo, rồi
đến các loài tiêu thụ (consumers) là các loài phụ thuộc vào các sinh
vật khác để sinh tồn. Ta phân biệt các loài tiêu thụ bậc 1 như thỏ, bọ rùa, ốc,
châu chấu, các loài tiêu thụ bậc 2 như mèo, chim, chồn, các loài tiêu thụ bậc 3
chúng ăn các loài tiêu thụ bậc 2 như chó sói, gấu, cọp, sư tử và sau cùng là
các loài phân hủy (decomposers) chúng phân hủy chất hữu cơ xác chết để
tạo ra các chất vô cơ cần cho sự quang hợp. Đó là các vi cơ thể trong đất (khuẩn,
nấm…).
Như vậy, chuỗi thức ăn có dạng tổng quát:
sinh vật sản xuất → sinh vật tiêu thụ bậc 1 →
sinh vật tiêu thụ bậc 2 → sinh vật tiêu thụ bậc 3 → … →
sinh vật phân hủy.
2. Tìm hiểu các hệ sinh thái trong Truyện Kiều
Qua nhiều năm lưu lạc, từ khi gặp chàng Kim bên bờ suối nhân
lễ Thanh Minh đến khi đoàn tụ lại với Kim Trọng, nàng Kiều đã gặp nhiều hệ sinh
thái khác nhau trong đó để dề hệ thống hoá, ta phân biệt hai hệ sinh thái
chính: hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái dưới nước. Trong mỗi hệ sinh thái
lại có thể phân chia ra nhiều loại . Ví dụ trong hệ sinh thái trên cạn, ta có
thể liệt kê hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đồng cỏ... và trong hệ sinh thái dưới
nước, có thể là hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái cửa biển…
2.1 Hệ sinh thái trên cạn (terrestrial ecosystems)
Khi nàng Kiều tiễn chân Thúc sinh về quê vợ, tác giả đã lồng
vào cảnh mùa thu:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Người về chiếc bóng năm canh
Rừng phong Nguyễn Du nói trên là rừng ôn đới có lá rụng (temperate
deciduous forest). Loại rừng này có ở các vùng miền hạ lưu sông Dương Tử, sông
Hoàng hà, nghĩa là các vùng khí hậu ôn đới. Loại rừng này cũng có nhiều bên Âu
Châu (Pháp, Đức…) và ngoài cây phong (tên Latin là Acer, họ Aceraceae),
còn có nhiều loại cây khác như cây orme (Ulmus, họ Ulmaceae), cây chêne (Quercus,
họ Fagaceae), cây tilleul (Tileus, họ Tiliaceae), cây frene (Fraxinus,
họ Oleaceae), cây hêtre (Fagus, họ Fagaceae).
Tầng thấp hơn có các loại cây aubépine (Crataegus, họ Rosaceae),
cây chèvrefeuille (Lonicera, họ Loniceraceae), cây noyer (Juglans, họ Juglandaceae)…
Gần mặt đất, trong loại rừng ôn đới này có nhiều loài dương sĩ, thảm cỏ tươi,
thảm cỏ mục. Động vật thì gặp các loài chồn, chim, sóc…
Vào mùa hạ, khi nhiệt độ bắt đầu nóng, nghĩa là khi:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
thì cường độ quang hợp của thực vật rừng rất mạnh, cây cối toả
được nhiều oxy hơn.
Vào mùa thu, khi trời chớm lạnh, nhiều đoàn chim trời bay qua
các khu rừng ôn đới này để đến các vùng nắng ấm phía Nam và vào xuân vừa dứt,
các đàn chim trở lại về phía Bắc.
Cũng khi trời vào thu thì nhiệt độ hạ thấp, nước ngầm trong đất
bị đông lại nên thực vật phải thích nghi với sự thay đổi khí hậu bằng cách rụng
lá, nhưng trước đó, lá cây từ từ chuyển màu từ xanh sang màu vàng, màu đỏ, - nhuốm
màu quan san - như mọi rừng ôn đới có lá rụng ở Canada.
Tưởng cũng cần nói thêm là trên thế giới, tùy theo khí hậu,
ta có những loại rừng khác nhau. Vài ví dụ: tại Việt Nam, Indonesia, Mã Lai
cũng như vùng Amazone bên Brésil, có rừng mưa nhiệt đới (tropical
rainforest), có nhiều tầng cây con chằng chịt.
Cũng có loại rừng khô nhiệt đới (tropical seasonal
forest) khi có mùa khô kéo dài như các rừng Đông Bắc Ấn độ, Đông Bắc Thái Lan.
Miền Bắc Canada và Siberia thì có rừng thông phương Bắc (forêt
boréale de conifères, tức Northern coniferous forest) có các cây bouleau (Betula, họ Betulaceae),
cây épinette, tiếng Anh là spruce (Picea, họ Pinaceae).
Hệ sinh thái rừng nhận năng lượng ở nhiều dạng khác nhau, có
thể là quang năng (ánh nắng) giúp cây cỏ tạo ra những chất liệu
qua hiện tượng quang hợp, hoá năng (các chất hóa học cây tạo ra (tinh
bột, các glucose...), phân bón...), nhiệt năng (giúp cho các thành phần
hệ sinh thái điều hoà được nhiệt độ ), động năng (giúp cho hệ sinh
thái vận động như gió, giúp sự luân chuyển các dưỡng liệu từ đất lên cây, từ
cây xuống đất…). Lá cây rụng sẽ tạo một tấm thảm gồm gỗ mục, thân cây mục, rễ
cây mục và giúp các vi cơ thể trong đất thức ăn. Các vi cơ thể chuyển hoá,
phân hủy chất hữu cơ để tạo ra chất vô cơ nuôi lại thực vật. Cây cối lại giúp
cho các loài động vật phát triển, từ loài bị ăn sang loài đi ăn, từ những ký
sinh sang các loài dọn rác. Các chất hữu cơ của thực vật và động vật chết đi sẽ
bị biến đổi thành chất vô cơ nuôi lại cây cối và cứ thế, hữu cơ chuyển thành vô
cơ và vô cơ biến thành hữu cơ từ ngàn xưa đến ngàn sau, không ngừng nghỉ, với
những chu trình quen thuộc như chu trình đạm, chu trình cacbon trong đất.
Rừng phong cũng như các loại rừng khác có khả năng hấp thu, dự
trữ và giải phóng khí cacbonic, khí oxy và các chất khoáng. Cũng thế, rừng
phong giảm dòng chảy, giữ lại một phần lượng nước mưa và như vậy, giảm xói mòn,
lũ lụt. Thực vật rừng cũng có khả năng bốc và thoát hơi nước nên trong khí quyển
có nhiều hơi nước bốc lên cao làm nguồn nước mưa.
Trên kia là nói về rừng ôn đới trong đó có cây phong là cây
chiếm dạng ưu thế .Nhưng ở ven sông, thường có nhiều đất ẩm thì thực vật cảnh
hay quần xã thực vật thường gặp là một loại rừng khác, có tên là rừng ở bờ nước (riparian
forest) với những loài lau sậy:
Quanh co theo giải giang tân
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật Đường
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật Đường
hoặc cây liễu như trong câu:
Sông Tần một giải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan
Ngoài hệ sinh thái rừng, có hệ sinh thái đồng cỏ (grasslands
ecosystem). Thực vậy, nàng Kiều gặp Kim Trọng nhân lễ Thanh Minh, tại một vùng
gồm các đồng cỏ mút ngàn:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Tại lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du cũng lại nhắc đến các đồng cỏ:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu.
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Đó là hệ sinh thái cấp vĩ mô. Nhưng ở cấp vi
mô, ta cũng bắt gặp cỏ xanh ở nhiều chỗ khác:
- Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
hoặc:
- Lối mòn cỏ nhạt màu sương
Lòng quê đi một bước đường một đau
Trên nấm mồ của Đạm Tiên cũng chỉ là một đám cỏ úa:
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Nhưng về mặt diễn tiến sinh thái, vườn cỏ không phải chỉ
mãi mãi là vườn cỏ mà từ từ, nếu để hoang không ai đoái hoài thì sẽ tăng thêm
các loài thực vật khác nữa. Ví dụ: khi Kim Trọng sau khi đi hộ tang người cha về
và trở lại chỗ nàng Kiều ở thì khu vườn xưa kia thơ mộng bao nhiêu thì nay cảnh
nhà sa sút bấy nhiêu; khu vườn với sân không những đầy cỏ hoang:
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
mà còn thêm cây lau:
Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẻ vách mưa rã rời
Ngoại cảnh như vật tác động đến tâm quyển:
Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn đường
Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn đường
Hệ sinh thái đồng cỏ có nhiều ở Trung Quốc vì đó là sự tiếp nối
tự nhiên của quần xã đồng cỏ, còn gọi là thảo nguyên (steppe) từ phía Trung Á
(Kazakhstan, Uzbekistan, Nội Mông, Mông cổ). Loại thảo nguyên này ở Trung Quốc
được bất hủ hoá qua bài thơ cổ của Bạch Cư Dị:
“Ly ly nguyên thương thảo,
Nhất tuế, nhất khô vinh
Giã hỏa thiêu bất tận
Xuân phong suy hựu sinh…”
Với lời dịch của Tản Ðà:
”Ðồng cao cỏ mọc như chen,
Khô tươi thay đổi hai phen năm tròn,
Lửa đồng thiêu cháy vẫn còn,
Gió xuân thổi tới mầm non lại trồi…”
Hệ sinh thái đồng cỏ, ngoài thực vật mà chủ yếu là các loài cỏ
thấp như Stipa grandis, Artemisia… còn có các động vật khác như chuột,
thỏ, cào cào, rắn, chồn, quạ. Trong hệ sinh thái này, mạng lưới thức ăn đầu
tiên gồm các loài cỏ hoặc cây thấp, tiếp đến là các loài ăn cây cỏ như thỏ,
sóc, sâu bọ; rồi đến các loài động vật ăn mồi nhỏ như thằn lằn, rắn, loài dơi,
chồn…; sau cùng là các loài ăn mồi lớn như diều hâu, chó sói đồng cỏ (coyote).
Đồng cỏ giúp chăn nuôi và là nơi chứa thuỷ tổ các loài ngũ cốc,
như lúa mì, lúa mạch, kê, lúa miến. Các đồng cỏ hiện vẫn là nơi chứa các gen di
truyền giúp con người lai tạo các giống kháng bệnh. Nhờ đồng cỏ người Mông Cổ mới
có nhiều giống ngựa đi chinh phục nhiều nơi trên thế giới vào thế kỷ 12-13.
Trong lịch sử, đế quốc Mông Cổ, nhà Nguyên từng cai trị Trung Hoa và từng xâm
chiếm Việt Nam.
Đồng cỏ có thể gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như ở miền
Bắc Nam Mỹ (gọi tên là llanos), ở vùng ôn đới mà điển hình là các đồng cỏ
gọi là prairie ở miệt Manitoba, Saskatchewan ở Canada, gọi là pampa ở
Argentina, đồng cỏ steppe ở Trung Á.
Hệ sinh thái đồng cỏ nằm giữa hệ sinh thái rừng và hệ sinh
thái sa mạc. Thực vậy, nếu có nhiều mưa hơn thì đã thành rừng và nếu ít mưa
hơn thì đã trở thành sa mạc. Đất đai ở hệ sinh thái này không quá khô như trong
sa mạc, nhưng không đủ ẩm để giúp cây rừng mọc. Vào mùa xuân, tuyết đã tan đi,
khí hậu ấm hơn nên thường có cỏ non , đúng như trong thơ Kiều nói trên.
Ngoài đồng cỏ, trong truyện Kiều, ta cũng bắt gặp hệ
sinh thái đồi cát ở hai chỗ:
– khi nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
– khi ở nhà Hoạn Thư chạy trốn:
Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điểm nguyệt dấu giày cầu sương
Trong hệ sinh thái đồi cát, thông thường có 3 nhóm thực vật
khác nhau: gần bãi biển, có các nhóm cây bò như rau muống biển (Ipomoea
pes-caprae, họ Convolvulaceae), rau sam biển (Sesuvium portulacastrum)... nghĩa
là các loài rễ dài có thể bám được các hạt cát và chịu đựng được chất mặn. Vào
phía trong, có những bụi thấp, cây thấp rồi phía sâu, khi đồi cát đã ổn định mới
có cây cao hơn và bụi cây thấp dưới tán. Sự hình thành các đồi cát là nhờ có
hai yếu tố: lượng cát dồi dào ven biển và gió thổi mạnh lôi cuốn các hạt cát
bay đi xa. Gió càng mạnh, thì lượng cát bốc đi càng nhiều và xa. Vì đồi cát vừa
có khí hậu đất khô ráo, vừa nghèo dưỡng liệu nên thực vật gồm những loài thảo mộc
chịu được khô khan. Có những đồi cát trắng nhưng cũng có những đồi cát xám, cát
vàng. Như vậy, đồi cát tạo thành một hệ sinh thái vì do tương tác của địa quyển
(cát), phong quyển (sức gió thổi), sinh quyển (thảo mộc), thủy quyển (nước ngầm).
2.2 Hệ sinh thái ở nước (aquatic ecosystems).
Hệ sinh thái ở nước có thể là môi trường nước ngọt như sông suối, ao hồ, nhưng cũng có thể là nước mặn ở đó thực vật và động vật tác động với các tính chất lý hóa của môi trường.
Hệ sinh thái ở nước có thể là môi trường nước ngọt như sông suối, ao hồ, nhưng cũng có thể là nước mặn ở đó thực vật và động vật tác động với các tính chất lý hóa của môi trường.
Đây là những cảnh nên thơ của một chiều xuân, bên cạnh dòng
suối:
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Ven bờ suối có nhiều cây liễu rủ bóng thướt tha bên cầu:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Với chỉ vài câu thơ như trên, chúng ta đã cảm nhận thế nào là
một hệ sinh thái sông suối: đó là thủy văn (dòng nước), địa mạo (ghềnh),
thảo mộc ven bờ (bông lau, cây liễu).
Địa mạo như núi, đồi, ghềnh thác dĩ nhiên tác động đến thủy
văn: gần ghềnh thác, dòng suối còn phải tránh né các chướng ngại xung quanh chứ
không phải chảy xuôi như ở miền đồng bằng. Đó là lý do cụ Nguyễn Du dùng chữ uốn
quanh; chỉ khi nhiều tiểu khê họp nhau lại thì mới trở thành con
sông. Trong địa mạo học (geomorphology), người ta nói có những tìểu khê bậc 1,
các tiểu khê bậc 1 họp nhau lại thành tiểu khê bậc 2, rồi nhiều tiểu khê bậc 2
họp lại thành dòng suối và nhiều dòng suối mới họp thành con sông. Vì dòng suối
còn hẹp nên chỉ cần nhịp cầu nho nhỏ... Nhưng hệ sinh thái không phải chỉ
có không khí, nước, đất tức môi trường tự nhiên mà có cả con người. Cảnh
và tình luôn luôn đi đôi với nhau. Ở đây, trong môi trường tự nhiên nên thơ
như ghềnh, dòng nước uốn quanh thì tâm hồn hai chị em thơi thới, thư giãn:
Chị em thơ thẩn giang tay ra về.
Cũng thế, với chiếc cầu nho nhỏ gần mả Đạm Tiên trong cảnh
chiều tà thì cả ba yếu tố đó như chiều tà (khí quyển), dòng suối nhỏ (thủy quyển),
con người (nhân quyển), dòng nước nao nao, ngập ngừng (thủy văn) đã
tác động tương tác với nhau lên não bộ, làm nao nao tâm thức con người lúc
đó. Tâm và cảnh như vậy có tác động qua lại với nhau chứ không đứng
riêng rẽ nghĩa là có phản ứng thuận nghịch, có đan xen lần nhau, tạo ra một hệ
sinh thái đúng nghĩa của nó:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Tại sao ta gọi là hệ sinh thái sông suối ? Là vì ở hệ sinh
thái này, có sự tương tác giữa các thành tố như sau:
– Môi trường khí hậu như mưa, nắng.
– Môi trường địa mạo như ghềnh, thác, đồng bằng.
– Đầu vào (input) như nước từ suối nhỏ chảy vào
sông con, sông lớn.
– Đầu ra (output) như nước chảy xuôi đến biển.
– Dòng nội lưu (throughput) như chuyển hóa, kết tủa,
trầm tích trong dòng sông: nước hòa tan các chất dinh dưỡng cho đời sống thực vật,
nước chuyên chở các chất đi xa, nước nhờ ánh sáng mặt trời gây bốc hơi tạo
thành mây và mưa rơi tái tạo chu kỳ nước.
– Vòng phản hồi (feedback loops) như khi sông bị ngập
lụt thì thảo mộc ven bờ có thể giúp cản bớt dòng chảy tràn; khi sông cạn thì thảo
mộc ven sông giúp điều hòa nước vào hệ thống.
Trong bất cứ một vòng phản hồi nào, các thông tin về kết quả
một hành động hay một biến đổi nào đều trở lại đầu vào. Nếu các dữ kiện mới
này làm tăng cùng chiều với các kết quả trước, ta có phản hồi dương với
kết quả tích luỹ thêm, còn nếu các dữ kiện mới đó đi ngược lại với các kết quả
trước, ta có phản hồi âm.
Ngoài hệ sinh thái sông suối, cũng có hệ sinh thái cửa
biển:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
và lần thứ hai khi nàng Kiều muốn trầm mình trên sông Tiền Đường
trong hai câu sau:
Triều đâu nổi tiếng đùng đùng
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường
hoặc:
Ngọn triều non bạc trùng trùng
Vời trông còn tưởng cánh hồng mới gieo
Cửa biển của mọi sông ngòi đều có một đặc điểm chung: đó là
nơi có pha trộn dòng nước ngọt và dòng nước mặn; đó là nơi có nước thuỷ
triều lên (ngọn triều non bạc trùng trùng) hay xuống (ngọn nước
mới sa) và vì môi trường thiên nhiên có tính cách đặc thù như vậy nên thực
vật là rừng ngập mặn, địa mạo có bãi đất lầy theo thủy triều, đầm phá, san hô…
Hệ sinh thái cửa biển là nơi nước ngọt pha trộn với nước mặn
để có môi trường nước lợ, nghĩa là không ngọt, không mặn. Hệ sinh thái này nhận
mọi dưỡng liệu từ sông ngòi, từ biển và từ đất ven bờ. Với dòng thủy triều lên
xuống, gió thổi nên các dưỡng liệu bị phân tán, pha trộn, hòa tan và tạo nên một
môi trường sinh sống cho nhiều loài thực vật và động vật khác nhau: rừng ngập mặn,
dừa nước.. Rừng ngập mặn ở vùng Triết Giang, Phúc Kiến trong truyện Kiều cũng
có cấu trúc tương tự như rừng ngập mặn ở Việt Nam, nghĩa là có nhiều cây đước,
cây bần bám trụ bùn non với những hệ thống rễ chằng chịt như kiềng 3 chân, nuôi
dưỡng con người với củi, than đước, cua, tôm, chim chóc, khỉ, vượn, mật ong…
Hệ sinh thái cửa biển là nơi cư trú nhiều loài chim và đặc biệt,
khi hoàng hôn xuống, có nhiều đàn cò trở về tổ nghỉ đêm, là nơi sinh sản của
nhiều loài sinh vật biển (tôm, cá...) là nguồn thức ăn của các loài chim biển
di cư cũng là nơi tạo điều kiện cho giải trí, thư giãn.
3. Kết luận
Qua các vần thơ bất hủ của Nguyễn Du trong truyện Kiều, chúng
ta đã hình dung được các phong cảnh thực vật ở Trung Quốc thời nhà Minh. Các vần
thơ ấy đã phả vào các hệ sinh thái một ‘hồn người’ để đi sâu vào tâm thức chúng
ta, từ sự thanh thản quý phái lúc nàng Kiều gặp Kim Trọng lần đầu đến sự buồn rầu
miên viễn dẫn đến sự trầm mình trên sông Tiền Đường.
Tuy nhiên, những hệ sinh thái nói trên, từ đồng cỏ bạt ngàn
trải dài với nắng vàng nghiêng ngả, đến cửa biển với đồi cát mịt mù ngày nay
đang bị áp lực dân số kéo theo đô thị hoá, kỹ nghệ hóa nên càng ngày mai một.
Khó thấy lại những cảnh như:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi ánh vàng
Với dân số thế giới càng năm càng tăng, nhất là tại các nước
đang mở mang, loài người đã phá hủy các hệ sinh thái vốn nuôi nấng con người từ
thời con người xuất hiện. Cuộc đảo lộn các hệ sinh thái thiên nhiên với sự mất
đi của sự đa dạng sinh học hiện nay đang kéo theo một số vấn nạn khác như nước
biển dâng, băng hà tan, bão tố nhiều với cuồng phong kéo theo lụt lội, chuồi đất.
Thực vậy, các hệ sinh thái thiên nhiên có vững mạnh thì sức khoẻ con người, -cả
thể chất lẫn tâm linh -, mới vững mạnh. Con người như vậy phải ý thức rằng tài
nguyên thiên nhiên không phải là ‘rừng vàng biển bạc’ như ngày xưa vì con người
đã vượt quá ‘ngưỡng sinh học’; con người phải ý thức rằng đa dạng sinh học, sức
khỏe của các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững đều liên hệ đến nhau, do đó
phải tìm cách sống hài hòa với thiên nhiên trong niềm cảm thông sâu xa với hành
tinh ta đang sống vì chúng ta chỉ còn MỘT hành tinh duy nhất này ở được mà
thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét