Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Gió và con người

Gió và con người
1. Tổng quan
Nói về gió là nói đến không khí vì gió là không khí chuyển động. Con người cũng như bao sinh vật khác không thể sống nếu không có không khí. Người ta thường nói ta có thể sống nhịn ăn 3 tuần, nhịn uống 3 ngày, nhưng chỉ có thể nhịn thở 3 phút... Trong 4 chất đất, nước, gió, lửa thì ta có thể thấy được đất, nước và lửa chứ không khí ta chỉ cảm nhận vì không khí dễ biến thiên từ cơn gió thoảng đến cơn bão lốc; ta cảm nhận gió qua con diều bay, qua thưởng thức gió mát mùa hè, chiếc buồm căng gió…
2. Tại sao có gió? 
Gió thổi là vì có sự khác biệt áp suất không khí, gọi tắt là khí áp. Khí áp không phải chỗ nào cũng giống nhau:
- Khí áp thay đổi theo cao độ: lên cao thì không khí loãng hơn và khí áp thấp hơn nên những người sống quen miền đồng bằng khi lên vùng cao sẽ rất mau mệt. 
Vài ví dụ: cứ xem nước Bolivia với thủ đô là La Paz ở 3000m ở Nam Mỹ thì biết: đội túc cầu xứ này đá đâu thua đó nhưng những đội túc cầu giỏi nhất thế giới như Bresil cũng không bao giờ thắng được đội Bolivia khi đấu tại La Paz ! . Khi leo lên đỉnh núi Everest (8800mét), các nhà tranh tài không bao giờ leo một mạch lên đỉnh mà phải leo từ trại 1 lên trại 2 cao hơn, xong lại trở về trại 1. Lý do: phải để cơ thể quen dần với không khí loãng trên cao độ.
- Khí áp cũng thay đổi với nhiệt độ:
nhiệt độ tăng làm không khí nở ra, nên khí áp giảm; nhiệt độ giảm làm không khí co lại, tỉ trọng tăng nên khí áp tăng.
Vùng khí áp thấp là vùng không khí nóng, gió bốc lên cao, tạo thành mây:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn (Xuân Diệu)
Vùng khí áp cao là vùng không khí lạnh, vì lạnh nên không khí nặng và di chuyển xuống mặt đất.
Gió chính là không khí chuyển động từ vùng cao áp đến vùng hạ áp, để tạo lại cân bằng khí áp.
Tại sao có các nơi cao áp và hạ áp? Đó là vì nhiệt độ biến thiên theo mùa (mùa hạ trời nóng, mùa đông trời lạnh), theo vùng (nhiệt đới nóng, ôn đới lạnh), theo đêm ngày (đêm mát vì không có mặt trời, ngày nóng vì có ánh nắng), theo địa hình (núi, thung lũng). Tóm lại, nóng không đồng đều trên mặt địa cầu đã tạo ra những nơi cao áp hay hạ áp.
Vì nhiệt độ khác nhau giữa nhiều vùng nên vùng hạ áp hút không khí từ các vùng cao áp và gió chính là không khí chuyển động:
- Nếu sai biệt giữa cao áp và hạ áp khá nhiều thì gió thổi rất mạnh:
Đùng đục gió đục mây vần 
Một xe trong cõi hồng trần như bay 
(Kiều) 
hay: 
Ào ào đổ lộc rung cây
- Nếu sai biệt giữa cao áp và hạ áp không lớn lắm thì gió thổi nhẹ:
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về 
(Truyện Kiều)
hoặc: 
Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi 
(Bàng Bá Lân )
2. Gió trong văn học, âm nhạc và thi ca
Bài hát dân ca quen thuộc cũng nhắc đến gió:
Thương nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay.
Ca dao dùng chữ gió nói về lòng dạ của những đôi uyên ương khi sống chung nhau không trọn đạo vợ chồng, khi chia tay còn để vương bao phiền lụy. Hoặc đôi bạn thân không vẹn chữ bằng hữu, mà phản phúc nhau, gây bao tiếng oán tiếng than cho người ngay, người nghĩa lúc chia xa:
”Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.“
Trong bản nhạc xưa Đoàn người lữ thứ, có đoạn:
Ra đi khắp nơi xa vời. Gió bốn phương, kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi. Người đi khúc nhạc chơi vơi. Gió khắp nơi, kìa gió khắp trời vang vang khúc nhạc say đời.
Gió bốn phương là gió Bắc, gió Nam (tức gió nồm), gió Đông, gió Tây (còn gọi là gió Lào).
- Gió Bắc, còn gọi là gió bấc, là gió thổi từ miền Bắc Trung Hoa, đem hơi lạnh về vào các tháng 11, 12 đến tháng hai, tháng ba nên khí hậu nước Việt, nhất là miền bắc, khá lạnh.
- Gió Nam, còn gọi là gió Nồm thổi từ phía Đông Nam, từ Ấn độ dương cũng đem mưa xuống nước ta, gây mưa từ tháng 6 đến tận tháng 10:
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt 
(thơ Nguyên Sa)
Mùa thu ở Việt Nam, thường có gió heo may, một loại gió hơi lạnh và khô. Trong bản nhạc «Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội’ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có nói về loại gió này:
Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn...
hoặc:
Lìa xa thành đô yêu dấu một sớm khi heo may về
lòng khách tha hương vương sầu thương 

(Giấc mơ hồi hương của nhạc sĩ Vũ Thành)
Gió thường đi liền với mưa nên nhà nhạc sĩ cũng hay liên kết 2 hiện tượng trên:
- Những ngày mưa lạnh gió lê thê
- Đêm nghe gió tự tình vì mưa 
(Trịnh Công Sơn)
- Một chiều gió mưa em về thăm chốn xưa
Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân
Lòng xót xa tình xưa…
Dân ca cũng có bài nói về gió:
Gió đánh cành tre, gió đập cành tre
Chiếc thuyền anh vắng, le te gọi nàng
Gió đánh cành bàng, gió đập cành bàng
Dừng chèo anh hát, cô nàng ấy nghe
Ca dao miền Nam có câu:
Gió đưa gió đẩy về rẩy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
Ý nói người con gái lấy chồng miền rẩy thì chỉ có ăn còng, không bằng về bưng có cá, về đồng có cua. Còng có nhiều miền Gò Công, sau vụ lúa thì còng bâu kín chân rạ
hoặc:
”Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.“
Nỗi tự tình của người thôn nữ cũng dùng hình tượng gió:
Đêm qua mưa bụi gió bay
Gió rung cành bạc, gió lay cành vàng,
Em với anh cùng tổng khác làng
Nào em biết ngõ nhà chàng ở đâu!
Nói chuyện lẳng lơ cũng dùng hình tượng gió:
Sớm đào tối mận lân la
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng
(Kiều)
và thề nguyền cũng dùng hình tượng gió như:
Dù khi gió kép, mưa đơn
Có ta đây, cũng chẳng cơn cớ gì!
Tả cảnh thanh thản cũng dùng chữ gió như:
Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi
Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ
Ca dao ta có câu: 
Người ta đi cấy lấy công. 
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. 
Trông trời, trông đất, trông mây.… 
Trông mưa, trông gió, trông ngày trông đêm
chứng tỏ gió là một yếu tố mà người nông dân chú ý trong công việc đồng áng.
Người nông dân với tích lũy kinh nghiệm bao dời:
Đêm mù sương trăng sao không tỏ
Ấy là điềm mưa gió tới nơi
Đêm nào sao sáng xanh trời
Ấy là nắng ráo, yên vui suốt ngày
Những ai chăm việc cấy cày
Nhìn trời trông gió liệu xoay lấy mình
Trong xã hội phong kiến xưa kia, quan niệm trọng nam khinh nữ đã biến cuộc đời người phụ nữ thành chuỗi bi kịch kéo dài:
Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?
Người nông dân trông gió. Nhưng gió cũng có nhiều loại:
- Theo vị trí địa lý: gió núi, gió thung lũng, gió đất, gió biển
- Theo phương hướng ta có gió Đông, gió Tây, gió Bắc, gió Nam.
- Theo cường độ, ta có gió thoảng, gió nhẹ, gió mạnh, bão, siêu bão.
4. Các loại gió (gió bắc, gió nam...)
4.1. Gió mùa là một loại gió đổi hướng theo mùa. Riêng Việt Nam thì có thể phân biệt gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam.
- Vào mùa Đông, có gió mùa Đông Bắc thổi từ vùng Siberia (cao áp) đến Việt Nam, đem theo không khí lạnh... Dưới ngòi bút của nhà văn nữ Trần Mộng Tú:
Gió Mùa Ðông Bắc. Có không biết bao nhiêu thi sĩ, bao nhiêu nhạc sĩ đã xúc động về những cơn gió này và viết ra bao nhiêu tác phẩm làm thăng hoa đời sống con người để ngay cả khi đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn nhất, con người vẫn tìm ra cái đẹp của nơi mình đang sống. Khí hậu của tháng Mười Một và tháng Chạp âm lịch là khí hậu lạnh và đẹp nhất trong năm của miền Bắc. Gió hay trở lạnh đột ngột như một người đi xa bỗng trở về không báo trước. Có thể mới buổi sáng trời còn rất ấm không có gì báo hiệu là một ngày lạnh, nhưng đến trưa gió ở đâu bỗng kéo về chật phố. Gió chen chúc vào đám đông đang đi trên đường, gõ cửa những ngôi nhà, hàng quán, ngồi sát vào những người buôn bán hai bên vỉa hè rất là hồn nhiên. Chẳng cần nói năng gì cả. Chỉ cần có mặt, tôi đến, tôi ngồi xuống và tôi ở lại. Giống như Caesar ngày trước I came, I saw, I conquered. Thế là mọi người chạy ùa đi mua áo ấm để ngồi chung với gió.
- Vào mùa hè, có gió mùa Tây Nam thổi từ Ấn Độ dương đem theo hơi ẩm từ biển vào và tạo mưa ở Thái lan, Miến Điện, Châu thổ Cửu Long, Cao Miên.
- Vào mùa thu, có gió Thu:
Trận gió thu phong rụng lá vàng,
Lá rơi hàng xóm lá bay sang.
Vàng bay mấy lá năm già nửa,
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng.
Trận gió thu phong rụng lá hồng,
Lá bay tường bắc lá sang đông.
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không.
(Tản Đà)
4. 2 Gió Lào 
Gió hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào. Vì gió ẩm khi thổi đến dãy Trường Sơn thì lên dốc gặp lạnh nên trút hết hơi ẩm và đổ thành mưa phía Trường Sơn Tây (phía Lào) nhưng Trường Sơn Đông (phía Việt Nam) thì nắng và nóng. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Chín, thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Gió Lào tạo ra khô nóng miền Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Quảng Trị. Dãy núi càng cao thì khi xuống núi, mức gia tăng nhiệt độ càng lớn và càng khô.
Hai thứ gió này đều có nguồn gốc đại dương: gió Lào xuất xứ từ Ấn độ dương thổi vào đất liền; gió nồm cũng xuất phát từ đại dương, nhưng từ Thái bình dương, khi thổi đến Việt Nam không gặp trở ngại nào cả nên nó rất mát và dễ chịu, tuy nhiên về mùa xuân ở Bắc bộ thì rất ẩm do hơi nước bão hòa.
4. 3 Gió mậu dịch (tiếng Anh: trade wind) là gió thổi thường xuyên trong những miền Cận Xích đạo. Gió mậu dịch thổi từ những miền áp cao về vùng áp thấp xung quanh xích đạo. Ở Việt Nam, thuật ngữ thường được sử dụng rộng rãi để chỉ gió mậu dịch là tín phong (ngọn gió đáng tin).
Trên Bắc Bán Cầu thì đây là những luồng gió thổi chủ yếu theo hướng (chiều) đông bắc - tây nam.
Trên Nam Bán Cầu, gió này thổi theo hướng đông nam - tây bắc
Lý do có tên Mậu dịch (trade wind) vì vào thế kỷ 18 các đoàn tàu buôn (mậu dịch/ trade) của Anh lợi dụng sức gió này để di chuyển trên đại dương Atlantic.
4.4 Gió Nam, còn gọi là gió Nồm thổi vào mùa hè từ phía Đông Nam, từ Ấn Độ Dương đem theo hơi ẩm từ biển vào và tạo mưa ở Thái Lan, Miến Điện, Châu thổ Cửu Long, Cao Miên, từ tháng 6 đến tận tháng 10:
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt (thơ Nguyên Sa)
Tuy nhiên, miền Trung thì vì có giãy núi Trường Sơn nên chế độ mưa không giống như tại miền Bắc hay miền Nam. Một biến thể khác của gió nồm ở miền Trung được Hồ Xuân Hương diễn tả:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông, 
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng….
Loại gió này thì mát và ít hơi nước vì mùa này nắng mặt trời chiếu xuống làm cho hơi nước bốc nhanh, tạo chỗ trống để gió ngoài biển Đông thổi vào.
4.5 Gió đất, gió biển. Tại các vùng gần biển, có một loại hình gió thường gọi là gió biển và gió đất:
- Ban ngày, mặt đất mau nóng hơn biển, nên không khí nóng bốc lên cao tạo ra vùng hạ áp còn không khí mặt biển còn lạnh nên nặng vì nóng chậm hơn mặt đất, tạo ra cao áp. Vì vậy, gió thổi từ cao áp đến hạ áp, nghĩa là từ biển vào đất: ta gọi đó là gió biển (sea breeze, brise de mer) thường thổi từ gần trưa đến xế chiều.
- Ban đêm thì vì biển nóng hơn đất, nên không khí phía biển nhẹ bốc lên cao, tạo vùng hạ áp ở mặt biển, còn phía đất liền vì lạnh nên không khí nặng, rơi xuống đất, tạo ra cao áp ở mặt đất nên gió thổi từ đất (cao áp) ra biển (hạ áp): ta gọi đó là gió đất (land breeze).
. Vào xế chiều thì không còn gió vì lúc đó cả áp suất lẫn nhiệt độ của mặt đất và mặt biển ngang đều nhau.
4. 6 Gió núi và gió thung lũng.
Ban ngày, không khí trên các sườn núi nóng nhẹ và bốc lên cao, nên gần đỉnh núi có hạ áp. Và vùng hạ áp này sẽ hút không khí từ dưới thung lũng lên núi. Loại gió này gọi là gió thung lũng.
Ban đêm trên núi nhiệt độ thấp, không khí lạnh và vì lạnh nên nặng, tạo ra cao áp do đó không khí này chảy theo sườn núi xuống thung lũng sinh ra gió núi. Nhà thơ Đinh Hùng có viết:
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ,
Hương ngàn gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi. Em nói đi
5. Bão nhiệt đới và siêu bão
Việt Nam nằm trong vùng Thái Binh Dương, gần biển như Phi Luật Tân, như Đài Loan, Nhật nên thường bị bão. Tục ngữ ta có câu:
Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
Vì sao có bão? Bão hình thành ở các vùng biển nhiệt đới vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50m dưới nước, làm chuyển động một khối không khí ẩm rất lớn. Nước nóng tạo nên tình trạng bốc hơi mạnh, mà sự bốc hơi chính là nhiên liệu của bão... Không khí nóng trở thành khu áp thấp hút gió khối khí ẩm từ đại dương vào, gây nên những trận mưa bão lớn.
Nước càng nóng, guồng máy nhiệt độ càng lên cao và gió cũng tăng tốc. Khối không khí nóng và ẩm này di chuyển rất nhanh lên cao, sẽ trở nên lạnh, và do đó đi xuống. Lúc đi xuống, không khí lạnh bị bao bọc bởi một luồng không khí nóng đi lên và cứ thế, lạnh đi xuống, gặp nóng, ấm lên lại và bốc lên. Và cứ thế bão thành hình!
Bão xuất hiện chủ yếu vào mùa Hè và mùa Thu: từ tháng 6 đến tháng 11 (ở Bắc Bán Cầu) và tháng 12 đến tháng 3 năm sau (ở Nam Bán Cầu). Vì vào thời gian này có đầy đủ các điều kiện thuận lợi nhất cho sự hình thành và phát triển của bão: nhiệt độ nước biển cao (ít nhất là từ 26oC trở lên). Nhưng ngay khi gặp một dòng nước lạnh hơn hoặc gặp đất liền, bão giảm cường độ vì thiếu khí nóng bốc hơi.
Bão nhiệt đới tương ứng với hạ áp với vận tốc gió từ 63km đến 118km/giờ. Trên vận tốc đó, là siêu bão (cyclone, ouragan, typhon).
Bão là một vùng gió xoáy từ các phía thổi vào trung tâm bão, càng gần trung tâm thì gió càng mạnh, có khi lên đến vài trăm cây số một giờ, nhưng chính giữa lại là một vùng gió tương đối nhẹ hay lặng gió gọi là mắt bão. Không khí chung quanh dồn vào giữa không phải theo những đường thẳng mà theo hình xoắn ốc. Trong một trận bão, ở tầng gần mặt đất không khí bốn bề di chuyển vào giữa, đến vùng giữa bão thì không khí chuyển động lên cao rồi tỏa ra tứ phía.
Riêng ở Mỹ, bão bắt nguồn từ các vùng nước biển nóng ở Đại Tây dương và ở Vịnh Mexico và đã gây sức tàn phá khủng khiếp ở Texas, ở Florida những thập niên gần đây như:
– Bão Harvey đổ bộ vào khu vực bờ biển Texas sau khi tăng cường sức mạnh lên cấp 4, với tốc độ gió lên tới hơn 200 km/giờ và lượng mưa lên đến gần một mét. Đây là siêu bão đổ bộ vào Mỹ mạnh nhất trong 13 năm qua và là siêu bão đầu tiên tàn phá bang Texas kể từ cơn bão Carla năm 1961...
– Bão Michael tàn phá khu vực Đông Bắc của tiểu bang Florida hay còn gọi là Florida Panhandle.
Sau đây là vài hình ảnh siêu bão Harvey đổ bộ vào khu vực bờ biển Texas sau khi tăng cường sức mạnh lên cấp 4, với tốc độ gió lên tới hơn 200 km/ giờ và lượng mưa lên đến gần một mét. Đây siêu bão đổ bộ vào Mỹ mạnh nhất trong 13 năm qua và là siêu bão đầu tiên tàn phá bang Texas kể từ cơn bão Carla năm 1961...
Khoảnh khắc siêu bão Harvey đổ bộ vào nước Mỹ.
Vì có nhiều cơn bão trong năm nên để phân biệt, người ta phải đặt tên cho từng cơn bão để dễ phân biệt. Cơn bão đầu trong năm có tên bắt đầu bằng chữ A: ví dụ bão Alice, và cơn bão tiếp sau bắt đầu bằng chữ B, rồi C v.v... Như năm 2018, thì những cơn bão có tên: Alberto, Beryl, Chris, Debby, Ernesto, Florence, Gordon, Helene. Năm 2018, chính trận bão Floence đã tàn phá miền Bắc Florida!.
6. Không khí, hơi thở và tỉnh thức  
Nói về gió, tức là nói về không khí vì gió là không khí chuyển động. Không khí có hai chất hơi là oxy (21%) và nitơ (79%). Lượng oxy trong không khí cần thiết cho các quá trình hô hấp và trao đổi chất, những quá trình mà con người và những loài động vật khác nhận lấy năng lượng cần có để duy trì sự sống.
Hô hấp (hít thở) không khí đóng một vai trò quan trọng nhất, trong sự sống con người. Ta thở vào để lọc qua lá phổi và thở ra giúp tống khứ hôi hám trong buồng phổi ra ngoài; nó giúp tẩy lọc mọi tư tưởng lòng trần còn tơ vương khanh tướng, mọi bực bội ra ngoài, làm tinh thần tươi tỉnh hơn. Kiểm soát hơi thở giúp làm cho tâm tĩnh lặng, vứt bỏ những gì làm tâm ta đau khổ, buông bỏ tất cả để bớt stress cho nhẹ nhõm hơn.
Hơi thở trong tỉnh thức, biết ta đang thở vào, biết ta đang thở ra, nói khác đi thở trong chánh niệm cũng giúp ta chế ngự các tư tưởng tiêu cực gọi chung là nội kết (kết= ràng buộc). Nội kết là gì? Đó là những lo âu, phiền buồn, tiêu cực do lâu ngày không chuyển hoá được, kết lại thành khối trong bề dày của tâm thức. Đi thiền, ngồi thiền chính cũng là để kiểm soát và tự chủ được hơi thở, bước đầu kiểm soát được thân và tâm, nghĩa là để cuộc đời được thanh thoát, để gặp gỡ lòng khiêm nhường, để cuộc đời bớt hành trang thế tục, để thấy được nhu cầu của tha nhân, cảm thông chia sẻ với người còn bất hạnh, để không khởi lên một niệm tham, sân, si nào.
Khi thở không khí thiên nhiên, hương đồng cỏ nội,
“Người ngồi đây ngó mây trời biền biệt?
Lơ thơ bay loáng thoáng cánh chuồn chuồn” (Bùi Giáng) 

Khi dòng chảy của tâm thức hòa nhập được với thiên nhiên thì mọi nội kết cũng sẽ bị ‘cuốn theo chiều gió’. Tu thiền là phải tu để cho tám gió (bát phong) thổi cũng chẳng động:
Lợi: được tài lợi, tâm không xao xuyến
Suy: gặp suy hao, lòng vẫn thản nhiên
Hủy: bị hủy nục nhưng lòng không bực tức
Dự: được công kênh, tâm vẫn như không
Xưng: được ngợi khen, tâm vẫn bình thản
Cơ: bị chê bai lòng không biến đổi
Khổ: gặp đau khổ lòng vẫn thản nhiên
Lạc: được việc vui, tâm không xao động
7. Các chức năng của gió
7.1 Giúp di chuyển. Từ xa xưa, con người đã tận dụng sức gió trong các chuyến hải hành. Thương mại quanh bờ Địa Trung Hải nhờ các thuyền buồm, Christophe Colomb khám phá Mỹ Châu nhờ di chuyển trên tàu có cột buồm đón gió; các di dân đầu tiên đến bờ đông nước Mỹ cũng đến bằng thuyền buồm. Chúa Nguyễn từ miền Gia Định tấn công quân Tây Sơn ở Bình Định, Phú Xuân cũng di chuyển bằng thuyền buồm nhờ sức gió:
- Lạy trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn xuôi buồm chóng ra
- Trong truyện Kiều:
Sửa sang buồm gió lèo mây
Khuyển, Ưng lại chọn một bầy côn quang
Dặn dò hết các mọi đường
Thuận phong một lá vượt sang bến Tề
Tục ngữ ta cũng có câu: 
Thuận buồm xuôi gió
7. 2 Tạo năng lượng.
Gió là một tài nguyên tái tạo và trong sạch, không tạo ra khí nhà kính. Gió làm quay các cánh quạt, tạo ra điện năng và càng ngày các nước tận dụng sức gió để sản xuất ra điện.
7. 3 Gây xói mòn cũng như tạo thổ. Gió tác động trên sự xói mòn tạo ra các đồi cát duyên hải, các địa mạo khác nhau trên sa mạc. Hoàng thổ (loess) là những vật liệu đất mịn do gió thổi đưa đến tạo ra nhiều cao nguyên, bình nguyên khá phì nhiêu ở Trung Quốc, ở Hoa Kỳ v.v
7. 4 Tâm linh. Gió và không khí có chiều kích tâm linh. Khi ngồi thiền hay thiền hành, con người dễ cảm thông với thiên nhiên, tìm lại chính mình, hài hòa với tạo vật, giúp cảm thông sâu xa với đấng Tạo hóa, thấy sự mầu nhiệm của cuộc sống để "Đường trần rồi khăn gói mai kia chào cuộc đời nghìn trùng cơn gió bay”. Hơn nữa, vì không nhiễm dính vào tám cơn gió loạn của thế gian như được và mất, khen và chê, sướng và khổ, danh thơm và tiếng xấu và bởi nhìn thấy rõ ràng, tường tận tất cả những hiện tượng trong vũ trụ, nhân sinh đều huyễn hóa, huyễn hoặc nên giúp con người trong thiền định thoát khỏi sự chấp trước, bám víu và được giải thoát khỏi mọi sự nô lệ, buộc ràng của thế gian.
8. Kết luận: 
Ngày nay, không khí càng ngày càng ô nhiễm vì xe cộ, nhà máy, cháy rừng, núi lửa phun tỏa lên bầu trời nhiều khí gây ra biến đổi khí hậu. Ngoài ô nhiễm khí hậu lại thêm ô nhiễm tâm linh với bạo lực, nghèo về tình thương, nghèo về đạo đức. Muốn phục hồi lại các giá trị cao cả của con người thì cần khôi phục lại niềm tin. Niềm tin là hơi thở, là ngọn gió lành cho cuộc sống xô bồ hôm nay, là cầu nối giữa Thân và Tâm. 
Nhiều danh từ như prana (tiếng Sanskrit), pneuma (tiếng Hy Lạp), spiritus (tiếng Latinh), ruach (tiếng Do Thái), đều chuyên chở liên hệ giữa hai yếu tố hồn/ tinh thần và hơi thở/ gió. Một cơn gió nhẹ đưa người về dĩ vãng, chở theo hồn về, như Nguyễn Du đã cho nàng Kiều thốt ra khi dặn em là Thuý Vân:
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Có niềm tin, may ra chúng ta mới có thể xua tan cái nhá nhem nơi ngõ ngách tâm hồn mình, xua đêm nhập nhằng nơi cõi nhân sinh và xua đi cả u minh cuồng si đang trùm phủ nhân loại. Không bám víu vào những thứ vô thường, những thứ mong manh phù phiếm; hãy để gió cuốn đi các ràng buộc, các dính mắc, để cho tâm tự tại vì tự tại là sự tự do bên trong và đó là chân hạnh phúc, là hạnh phúc ba la mật, là thực sự ‘hành thâm’ và đó là sự sống.
Thái Công Tụng
Theo http://viethocjournal.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...