Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

Nguyễn Quang Trần - Trời bốn phương biết em ở phương nào

Nguyễn Quang Trần - Trời bốn phương 
biết em ở phương nào?
“Trời bốn phương biết em ở phương nào?”. Sinh thời, Nguyễn Quang Trần cứ lơ ngơ đi giữa cuộc đời và đã từng tự hỏi lòng mình như thế! Anh tự hỏi lúc người vợ thủy chung của anh - “bài thơ tình thứ nhất” của đời anh rời bỏ cha con anh lại nơi trần thế để vĩnh viễn ra đi sau những ngày bạo bệnh hay anh tự hỏi lòng mình về những bóng hồng đã đi qua cuộc đời thơ cũng không ai biết nữa! Có lẽ là cả hai trong tiên liệu của tâm linh thi sĩ. Còn bây giờ thì… bạn bè anh, người thân anh cũng đang đặt câu hỏi lớn với anh: “Trời bốn phương biết anh ở phương nào?”. Vâng, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Trần đã dừng bước trần ai, đột ngột vĩnh biệt chúng ta vào chiều tối ngày 20 tháng 8 năm 2016 (18/7/ Bính Thân) khi vừa tròn 61 tuổi Âm - đúng vòng quay 60 năm của một đời người (anh sinh năm Bính Thân - 1956 và mất đúng năm Bính Thân - 2016). Có lẽ với người thân, bạn bè, cái “sự đi” của anh là đột ngột, nhưng biết đâu, từ nội tại tâm linh, “vòng quay” của đời anh đã hết, đã trọn một đời người?
Thôi thì… dẫu có vì lẽ gì, chúng ta cũng đã mất đi một người thơ, hết lòng vì thơ và chung thủy với thơ. Có lẽ, trong giới làm thơ ở Quảng Ngãi, Quang Trần là người thơ “hồng trần” nhất. Anh lang bạt, bụi bặm, phong trần, cô độc từ dáng người cho đến cả nội tâm thơ. Bài thơ mới nhất của anh, dù trong tư thế đón xuân, đọc lên vẫn cứ da diết một nỗi cô đơn thoát ra từ bản thể: Ừ thì thôi! Giữa cuộc đời dâu bể/ Chốn phong trần ta vẫn cứ là ta!/ Ly rượu nhạt. Đêm giao thừa. Độc ẩm/ Đón Xuân về trên mỗi nụ hoa (Thơ cho riêng mình-2016).“Ta vẫn cứ là ta” trong kiếp phong trần là bản lĩnh của một hồn thơ. Nhưng cho dù bao cuộc trần ai có phủ chụp lên cuộc đời mình, Quang Trần vẫn luôn đặt bản thể mình trong thế “hoàn lương”. Và cho dù đã bao lần trái tim thơ “rớt” suốt dọc đường, lấm láp bụi trần, thì bản thể lãng mạn của một hồn thơ cùng tình yêu vẫn cứ là chiếc cầu nối kiếp tha hương với bổn làng quê quán:
Từ ấy bước chân ta lưu lạc
Phong trần ôm kiếp mộng hoàn lương
Đường về thôn Vạn ôi xa quá!
Nên trái tim ta rớt dọc đường (Thôn Vạn).

Anh quan niệm, tình yêu là mùa xuân vĩnh viễn của đời người cho dù luật tự nhiên có chuyển xoay bốn mùa xuân hạ thu đông thì vẫn thế. Tình yêu đủ sức phủ trùm lên trời đất, chẳng còn đâu ranh giới của các mùa. Hình như, cả đời anh chỉ duy nhất có một mùa: Mùa Yêu: Tình yêu ta là vĩnh viễn mùa xuân/ Ta sẽ đi bên em đến tận cùng trời đất/ Hai trái tim hòa chung nhịp đập/ Để tình yêu chúng mình đẹp hơn mọi bài thơ (Thơ xuân cho riêng em).Anh là kẻ khờ khạo cùng tình, hết lòng với tình, ngay với cả thứ tình chưa dám ngỏ: Ta biết lòng ta thương, thương lắm!/ Nhưng nào dám ngỏ một lời yêu/ Cứ mỗi chiều về trên đường vắng/ Em đi. Ta lặng lẽ nhìn theo (Đa đoan). Ngày trao nhau nụ hôn đầu đời cho mối tình đầu (cũng là người vợ thủy chung cùng anh trọn một cuộc đời) khi cùng dạy học trên vùng núi miền Tây Quảng Ngãi, anh cơ chừng như cả suối rừng miền Tây cùng tụ về chứng kiến. Không phải chứng cho nụ hôn đầu mà là nhân chứng cho những lời yêu thương, những điều ước hẹn. Đúng là, trong lòng anh, tình yêu lúc nào cũng thiêng liêng như đinh ninh biển hẹn, non thề:Người tình ơi, em có nhớ không?/ Lời yêu thương ngày xưa mình hẹn ước/ Dẫu con sông Trà Bồng có đầy vơi, trong đục/ Ta với rừng mãi mãi bên nhau (Nụ hôn đầu). Và cho dù tất cả các cuộc tình rồi đã vuột qua khỏi thời trai trẻ, đã lùi sâu vào dĩ vãng, thì nỗi cô đơn vẫn như một vết sướt giữa lòng không dễ nhạt phai: Ta đi suốt một thời trai trẻ/ Dĩ vãng quặn mình, tất cả lùi xa/ Ta còn lại tóc màu sương muối/ Và nỗi cô đơn năm tháng không nhòa (Đa đoan).Thông thường, kẻ mang hồn thi sĩ thường là “trắng tay” về vật chất, nhưng muôn đời, luôn “ngời xanh” về mặt tinh thần dù có phải cõng tình lách luồn qua bao bão giông trần thế: Nửa đời người, anh vẫn trắng tay/ Gian nhà trống gió lùa rung vách/ Chỉ có tình yêu là như hương hoa thơm ngát/ Qua nắng mưa bão tố vẫn xanh ngời (Bài thơ tình thứ nhất).
Nguyễn Quang Trần thi sĩ đến mức vụng về. Không phải vụng về trong thơ mà là vụng về đến lóng ca lóng cóng khi đối mặt với những cơm áo đời thường. Vụng về với áo cơm cho dù anh thừa biết “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Và vì vậy, thơ anh rất trân trọng những điều “vặt vãnh” vì anh tự nhận thấy mình quả là “hơi vô trách nhiệm”: Nửa đời người, nửa đời em lo toan/ Vắng em, anh trở thành thằng vô dụng/ Nấu bữa cơn cũng lúng ta, lúng túng/ Con khóc nhè, bố phải khóc theo (Bài thơ tình thứ nhất).
Nói, Trần  “hơi vô trách nhiệm” với gia đình, với cuộc đời thì hơi quá, vì bản thân anh rất quý trọng người vợ hiền nên một thân một mình chạy thầy, tìm thuốc khắp mọi nơi, ăn nằm suốt ở bệnh viện trong những ngày vợ lâm bạo bệnh. Hai đứa con yêu quý của anh cũng học hành rất giỏi giang và sớm có việc làm ổn định. Nói “hơi vô trách nhiệm” là ở góc độ anh tự thú mà thôi. Mà, phàm những người dám tự thú cái sự “vô trách nhiệm” của mình lại chính là những người đầy trách nhiệm. Thử nghĩ mà xem, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh, sáng lập nhóm thơ Thiên Bút thi hữu, Chủ nhiệm CLB Thơ Trà Giang, anh dồn sức lo hết cho bạn thơ từ việc tập hợp thơ đến biên tập và in ấn những tác phẩm thơ chung. Nhưng với bản thân thì đúng là anh lơ ngơ đến chừng như “vô trách nhiệm”. Ai đời, suốt một đời chung thủy với thơ mà đến lúc tròn 60 tuổi đời vẫn chưa hề có một tập thơ riêng. Nói đúng ra thì… đã có, đó là tập “Gửi em một chữ yêu” xuất bản cách đây đã gần tròn 6 năm trường (tháng 11/2010). Một tác phẩm thơ đầu tay cho riêng mình, nhưng hỡi ôi khi đưa bản thảo đến Nhà in, anh lại lơ ngơ thế nào mà khi in ra thì sai sót lung tung đến nỗi không dám phát hành, mấy trăm tập thơ đến bây giờ vẫn chưa dám một lần biếu tặng. Cái chất thi sĩ, cái “hơi vô trách nhiệm” của Quang Trần chính là ở đó. Thì đã sao nào, anh đã từng thú nhận như thế cơ mà:Chạm cốc đi mày, rượu tao lo/ Hết tiền mua rượu, tao bán thơ/ Những thằng thi sĩ là như thế!/ Thiên hạ phong cho: Lũ khù khờ (Uống rượu với thằng bạn thân mới ra tù).“Khù khờ” như thi sĩ là thế, nhưng với lẽ đúng sai, chân lý cuộc đời thì anh lại hơi “bị” tỉnh. Tỉnh đến độ đạt đạo. Thương người đến độ bao dung:
Chạm cốc nữa đi! Tao với mầy
Vẫn là bạn tốt từ xưa nay
Thằng nào có tội, thì đền tội
Đã gặp nhau rồi, uống thật say! 
(Uống rượu với thằng bạn thân mới ra tù).
Bên cạnh mảng thơ tình vừa mụ mị vừa trong trẻo, trong những phút giây mê say của một nhà báo chuyên nghiệp, Nguyễn Quang Trần cũng đã kịp để lại cho Quảng Ngãi những bài thơ hay về mảng đề tài quê hương. Thơ quê hương của anh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và tạo được âm vang trong lòng người nghe trên làn sóng phát thanh, trong các kỳ lễ hội. Quê hương của Trần “thơm thào” và nồng đượm như vị cay “cá bống kho tiêu”, ngọt ngào như hương vị “bát don thơm”, chân tình như “củ khoai trong nắng”:Nhớ bát don sông Trà thơm thảo hồn quê/ Nhớ cá bống kho tiêu có vị cay, vị mặn/ Ta lớn lên như củ khoai trong nắng/ Từ những giọt mồ hôi thấm đẫm của bao người(Gởi người em gái xa quê). Và dù bước chân thơ có mải mê lang bạt tha phương, thì hồn quê vẫn là nơi chốn quay về bên những thâm tình cố hữu:Bước phong trần ta lang bạt ngược xuôi/ Kỷ niệm quê hương vẫn vẹn nguyên trong ký ức/ Nơi ấy, có mẹ, có cha, có bát cơm thơm và nước mắt/ Có những người ra đi… từ lũy tre làng (Gởi người em gái xa quê). 
Sinh ra nơi làng quê nghèo (xã Phổ Phong, Đức Phổ) trong một dòng tộc giàu truyền thống cách mạng (anh gọi đ/c Nguyễn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đầu tiên là ông nội thúc), từ năm 1973, anh đã tham gia du kích xã và là thầy giáo ở vùng giải phóng. Chính những bước đi đầu này nên sau hòa bình anh theo học ĐHSP Quy Nhơn và tiếp tục làm nghề giáo cho đến khi chuyển sang nghề báo. Nhưng có lẽ, nghiệp trần gian của anh lại chính là thơ. Và cho đến hôm nay, chuẩn bị đón tuần 49 ngày của anh, trong tôi vẫn cứ thấp thoáng hiện lên mồn một cái dáng dấp phong trần, bụi bặm của một người thơ, đang lơ ngơ đi giữa phố phường với mái đầu vừa điểm bạc. Cứ lơ ngơ kiếm tìm một bóng hình quá vãng rồi thảng thốt kêu lên: Và cả em - Người con gái ấy/ Trời bốn phương, biết em ở phương nao?/ Ta hứng gió tìm chút hương ngày ấy/ Nhưng gió và mây cứ hờ hững trời cao (Đa đoan).
Xin giới thiệu trang thơ Nguyễn Quang Trần cùng bạn đọc xa gần như một nén hương tưởng niệm.
Xóm Chòi Dầu, đầu Thu 2016.
Đa đoan
Em thì trẻ mà ta thì luống tuổi
Chuyện tình yêu đâu phải dễ dàng
Sao em cứ dập dềnh như sóng
Để tình ta trôi vào cõi đa đoan
Phải kiếp trước ta bị ai phụ bạc
Nên kiếp này cứ đau đáu con tim
Chốn phong trần ta lê chân bước
Tình yêu ta sao cứ gập ghềnh
Ta đi suốt một thời trai trẻ
Dĩ vãng quặn mình, tất cả lùi xa
Ta còn lại tóc màu sương muối
Và nỗi cô đơn năm tháng không nhòa
Em hiện giữa mùa xuân khoe sắc
Tuổi trinh nguyên chúm chím nụ hồng
Ta lặng lẽ ngồi bên ly rượu đắng
Thả lòng buồn vào cát bụi hư không
Ừ! thì để cho trái tim rướm máu
Dập dềnh trôi theo con sóng xô bờ
Ta không dám neo thuyền trên bến đậu
Sợ cái nhìn ai đó thờ ơ
Em thì trẻ, mà ta thì luống tuổi
Chuyện tình yêu đâu phải dễ dàng
Nhưng trời ạ, tình yêu nào biên giới!
Nên trọn đời ta vẫn cứ đa đoan.
Gởi người em gái xa quê
Em có về Quảng Ngãi cùng anh?
Nơi có những cánh đồng cò bay thẳng cánh
Nơi có nắng gió miền Trung mang hương thơm nồng đậm
Và tình người, tình đất miên man…
Em có về thăm dòng Trà Giang?
Nơi trai gái thương nhau như thương bên bồi, bên lở
Nơi có bến Tam Thương với những cánh buồm no gió
Tiếng chèo khuya thao thức đợi ta về…

Nhớ bát don sông Trà thơm thảo hồn quê
Nhớ cá bống kho tiêu có vị cay, vị mặn
Ta lớn lên như củ khoai trong nắng
Từ những giọt mồ hôi thấm đẫm của bao người. 
Bước phong trần ta lang bạt ngược xuôi
Kỷ niệm quê hương vẫn vẹn nguyên trong ký ức
Nơi ấy, có mẹ, có cha, có bát cơm thơm và nước mắt
Có những người ra đi… từ lũy tre làng.
Em có về Quảng Ngãi cùng anh?
Nơi có con đường ngày xưa chúng mình cùng đi học
Chiếc áo mới mẹ may với bao đêm ao ước…
Nhà có thêm người khi tóc mẹ hoa râm.
Bao kiếp người, có lẽ đã ngàn năm
Góp nhặt những vần thơ giữa hai bờ sông nước
Dòng Trà Giang dù mùa trong, mùa đục
Trái tim ta, vẫn trong vắt mối tình đầu.
Thơ cho riêng mình
Ai hiểu được chuyện nhân tình thế thái
Ai hiểu đời ta bằng chính lòng ta
Nhưng có thể có những điều ta chưa hiểu
Nên cuối đời vẫn còn lắm nỗi phong ba.
Ta muốn để cho tâm hồn thanh thản
Kiếp phong trần không vướng nỗi ưu tư
Dăm ly rượu đêm đêm cùng bè bạn
Nhìn cuộc đời vừa thực, vừa hư
Chiều xuân nay, ta tìm về cố quận
Bạn bè xưa giờ đã đâu rồi?
Đứa rời phố lên rừng mưu sống
Đứa rời làng bươn chải muôn nơi
Và cả em - Người con gái ấy
Trời bốn phương, biết em ở phương nao?
Ta hứng gió tìm chút hương ngày ấy
Nhưng gió và mây cứ hờ hững trời cao.
Ừ thì thôi! Giữa cuộc đời dâu bể
Chốn phong trần ta vẫn cứ là ta!
Ly rượu nhạt. Đêm giao thừa. Độc ẩm
Đón Xuân về trên mỗi nụ hoa
Tết Bính Thân 2016
Thơ Xuân cho riêng em
Cơn gió chiều thổi dọc triền sông
Để mùa xuân mênh mông nỗi nhớ
Ta thương nhau giữa mùa hoa nở
Như thương dòng sông bên lở, bên bồi
Có điều gì sâu lắng thế, em ơi!
Khi ngàn hoa lung linh khoe sắc
Và đôi mắt em như vì sao xanh biếc
Để đêm về ta thao thức bâng khuâng…
Mùa xuân này ta sánh bước cùng em
Giữa phố thị bao tiếng cười rộn rã
Có giọt nắng chiều rơi trên bóng lá
Có sợi gió chiều cho mái tóc em thơm
Tình yêu ta là vĩnh viễn mùa xuân
Ta sẽ đi bên em đến tận cùng trời, đất
Hai trái tim hòa chung nhịp đập
Để tình yêu chúng mình đẹp hơn mọi bài thơ.
Tết Bính Thân 2016
Mai Bá Ấn
Theo https://vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...