Ngày nảy ngày nay, có một anh chàng ngồi nhớ chuyện ngày
xưa...
Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ giữa núi rừng cao
nguyên, có một cộng đồng sinh sống trong một thung lũng nhỏ, có con sông Đa
Nhim chảy ngang. Con sông tương truyền là dòng nước mắt của nàng Hơ Bian khóc
chồng Ka Lang đi kiện trời cứu dân không thành... Bác sĩ Yersin trên hành trình
khám phá cao nguyên Lang Biang đã đi ngang vùng đất đó. Đứng trên cao nhìn xuống,
thung lũng đầy mây trắng bay. Và ông gọi nó bằng một cái tên thân thương: Thung
lũng Mây...
Có một cậu bé đã sinh ra và lớn lên trong Thung lũng Mây từ
những ngày gian khó, với những bữa cơm độn bo bo, khoai mì, với bếp lò đốt củi
khói đen um, nhọ nồi kìn kịt,... Cuộc sống nghèo khổ nhưng vẫn đong đầy hạnh
phúc, lòng cậu vẫn lồng lộng gió mát và mây trắng bay giữa bầu trời xanh...
Tuổi thơ cậu đã trôi qua với những món ăn dân dã mà đầy ấn tượng:
sữa đậu nành bà Tương đường Hai Bà Trưng, bánh nậm của một cụ già trên dốc quận,
bánh hỏi bà Ba,... Còn những quán "xịn" hơn như nem nướng bà Tư Nhựt,
phở Tư Lén, quán Thanh Đạm,... thì cậu chỉ dám đi ngang liếc nhìn...
Tuổi thơ cậu cũng đong đầy những buổi văn nghệ. Một "ca
sĩ" Thông thợ may với "Mùa xuân trên những giếng dầu". Một Khánh
Linh với "Lá xanh". Một Tường Khuê với "Hôm nay mẹ trực
đêm". Rồi những giọng ca một thời oanh liệt như Minh Khoa, Đăng Khoa,… Hay
một Lê Tấn Tài với "Lão hà tiện" chỉ tay vào... bóng đèn và khán giả
khóc bù lu bòa loa "Các người có lấy tiền của ta không?" Một Thuỵ
Khanh trong vai nàng Mỵ Nương, mặc váy trắng thêu ren, đứng giữa cuộc giao
tranh giữa hai chàng Sơn Tinh - Thủy Tinh. Một hoạt cảnh "Nhổ cải
lên" đơn sơ, giản dị mà đầy xúc động. Một Lâm Vũ Thao tha thiết giọng người
cha dặn dò con trước khi tự thiêu phản đối chiến tranh: "Êmili, con! Đi
cùng cha!/ Mai khôn lớn con thuộc đường khỏi lạc/ Đi đâu cha? - Ra bờ sông
Pôtômát/ Xem gì cha? - Không, con ơi! Chỉ có Lầu Ngũ Giác…" Những bài ca,
những điệu múa, những vở kịch ngắn,... đậm đầy chất nghệ sĩ, những buổi diễn
văn nghệ trường học vẫn chật kín khán giả trong rạp Đa Nhim...
Cũng cái rạp Đa Nhim bé nhỏ (thuở ấy rộng lớn vô cùng với một
cậu bé con) ngày nào vang vang mỗi chiều tiếng rao của chú Bảy Cảnh "Tối
hôm nay Rạp Đa Nhim hân hạnh giới thiệu bộ phim..." Những bộ phim một thời
vang bóng, từ Việt (Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Ông Hai Củ, Người
trong cuộc, Mùa gió chướng, Đứa con ông thứ trưởng,...) đến Liên Xô, Tiệp Khắc,
Rumani (Công chúa Arabella, Những bông hoa thần kỳ, Ba người khổng lồ, Cô bé
Maika từ trên trời rơi xuống, Bông hồng vàng...) đến Ấn Độ (Truyền thuyết tình
yêu, Hai anh em,...) rồi Anh, Mỹ (Mặt trời đỏ, Hiệp sĩ Ai-van-hô,...) Những bộ
phim chiếu xè xè tiếng máy trên đầu, những chớp bóng trên màn hình vải trắng cũ
kĩ, những bóng đầu người đi qua đi lại thấp thoáng,... Những câu chuyện phim sống
động hẳn lên với giọng thuyết minh truyền cảm của chị Lan,... Cũng cái rạp Đa
Nhim bé nhỏ ấy những ngày đầu xuất hiện video, người ta đã chen chúc, giành giật
nhau để mua cho bằng được vé xem "Khổng Minh Gia Cát Lượng", rồi
"Cuộc chiến đấu một mất một còn", "Selena nữ chúa rừng
xanh", "Tarzan người rừng",... Ngày nay rạp Đa Nhim vắng vẻ, lạnh
lẽo, còn đâu những ngày nóng bỏng một thời [1]...
Cậu bé lớn lên cùng với sự đổi thay của cuộc sống xã hội. Những
trận bóng đá cuồng nhiệt giữa đội tuyển huyện (với những tên tuổi Tỉnh, Dũng
phè, Tuấn bơ, Tuấn voi, Tuấn Phan, Hiếu, Đạo, Công Vinh,...) thi đấu không thua
kém những đội tuyển về sau đã thành danh như Phú Khánh, Công an Hải Phòng,
Phòng Không,... khán giả tràn lấn cả đường biên hoảng hốt thụt lùi mỗi khi bác
Ba Dân cầm cây đi ngang qua quất vùn vụt, trong tiếng bình luận sôi nổi của chú
Phát trên khán đài ghép bằng những cây gỗ,... tất cả đã đi qua dần, nhường lại
cho những buổi đá banh học trò, thôn xóm, rồi dần dần sân cỏ bị cày lên mà vẫn
không xóa đi được niềm đam mê mỗi chiều trên mặt sân gập ghềnh khấp khễnh những
cậu bé xoay vần với quả bóng tròn dù nắng đốt mưa dội,... Những trận đấu bóng
da chưa đủ, dẫn đến những trận bóng nhựa trên sân trường nóng bỏng giữa các lớp,
trên mặt đường Hai Bà Trưng giữa bọn trẻ "khóm I" và "khóm
II", thủ môn Hồ Bá Doanh (miệng còn "nhễu" nước miếng) bay lộn
ào ào, đầu gối tươm máu quyết bảo vệ khung thành của đội "khóm I"
(cùng với Mikhailitchenko Út La, Zavarov Đại , Bin, Quốc, Hào,... trước sự công
phá của các cầu thủ "khóm II" như Việt, Vũ, Bé,... đôi khi chen cả nữ
cầu thủ Mai "dế nhủi").
Ở trường học những năm cấp I, cậu bé đã thèm thuồng đứng bên
cửa lớp xem các anh chị Đăng Khoa, Minh Khoa, Thanh Hiệp, Ngân Hà, Vỹ Hằng, Vũ
Thao,... sinh hoạt sao nhi đồng với các học sinh lớp 3 thuộc hàng ngôi sao (do
cô Khanh chủ nhiệm) như Minh Thy, Bin, Quốc, Bá Doanh,... với những trò vui
không thể tả, cả "thằng cu Dê" đứng bên ngoài coi lén cũng bị đưa vào
trò chơi,... Và niềm đam mê ấy đến mãi lớp 5 cậu mới có được cơ hội tham gia
khi được kết nạp Đội.
Kể từ khi vào Đội, cậu say mê với những buổi sinh hoạt, tập
bài hát, học Morse, giải mật thư,... Cậu trở thành một anh chàng lớp trưởng
"kỉ luật thép", thầy chủ nhiệm Tạ Quang Đông bận việc riêng không đến
lớp thường xuyên mà lớp cậu vẫn cứ đứng nhất. Cậu bé lớp 6 trở nên say sưa với
tờ Khăn Quàng Đỏ và những buổi nói chuyện, tập giải mật thư với anh Phát Huy (lớp
8)... Những đợt trại hè, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ trôi qua với bao nhiêu niềm
vui tích tụ. Một đợt cắm trại toàn trường, khối 6 chỉ được cử đại diện lớp tham
dự, chơi trò chơi lớn chạy lòng vòng trên đồi thông, tín hiệu cô Lâm Nguyễn Yên
Thao (Tổng phụ trách Đội) truyền đạt là "Đi nhanh lên", đã được một
anh bạn cùng lớp là Phong (nhà nem chả Ngọc Thuyền) mách nước "Thầy Lẹ
đang nằm ngậm lá thông trong kia kìa" [2]... Lại tiếp nối những
buổi sinh hoạt chất chứa nhiều tâm sự của cô Thao, người cậu hết sức ngưỡng mộ.
Cô hay có những thông điệp Morse mang nhiều tâm tư như "Con tim có những
lý lẽ riêng của nó mà lý trí không hề biết tới"... Cậu trẻ con có biết gì
đâu, chỉ thấy hay hay mà khắc ghi trong tâm khảm. Cho tới một ngày cậu bé lớp 7
đứng tẩn ngẩn tần ngần bên trong cổng trường nhìn cô phụ trách của mình mặc áo
cưới trong đám rước dâu thì trong lòng... buồn vô hạn, bởi từ đó cậu sẽ không
còn dịp được cô hướng dẫn sinh hoạt, cắm trại, thổi Morse, giải mật thư,...
Thời ấy, cậu cũng không quên những kỷ niệm thầy Lâm Nguyên
Thao đã cho lớp cậu chúi đầu giải thế cờ vua "Nước chiếu thắt cổ"...;
rồi thầy Lê Công Quý Bí thư Đoàn trường kể cho Đại hội Liên Đội câu chuyện Khổng
Tử "lễ phép" với một cậu bé đầy ấn tượng. Ấn tượng còn kéo dài tới buổi
thầy dạy chụp hình cho các anh chị lớp lớn trong đồi thông mà cậu đi cắm trại
tình cờ gặp được (và đam mê). Tới tận kỳ dự Hội khỏe Phù Đổng huyện, đội trường
nhà bị bắt ép, thầy tranh cãi để giành lại quyền lợi cho kỳ được...
Sau khi cô Thao, thầy Quý đi xa, cô Xuân Hương (em thầy Nguyễn
Xuân Tiến) thay thế làm Tổng phụ trách Đội, thầy Trương Như Bạch làm Bí thư
Đoàn, những buổi sinh hoạt Đội, những hôm chuyện trò tâm sự trong căn phòng tập
thể nhỏ bé bên hông chợ, nồng ấm tình cảm và niềm tin... Mang bài thơ Đường của
Đào Tiềm "Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong" mà đố và giảng
giải cho cậu học trò lớp 8, thầy Bạch như vận chính bài thơ ấy vào mình...
Chẳng bao lâu sau cô Xuân Hương đi xa. Thầy Bạch u buồn...
Mùa hè, mùa Trại hè cháu ngoan Bác Hồ. Anh Đặng Huệ Chí chở cậu trên chiếc xe
Simson vào Thạnh Mỹ, đến Lạc Bình gió thổi ngược quá mạnh, xe... chạy không nổi,
hai anh em phải trèo xuống vừa đẩy vừa đạp máy vừa... dắt bộ. Rồi vị trí của cô
Xuân Hương cũng được thay thế bằng một người con của đất Đơn Dương nhiều năm đi
xa (Lâm Hà) quay trở về: anh Lê Tấn Tài.
Những buổi chiều hè vắng hoe, ba cây phượng đỏ hoa rơi lả tả
sân sau của trường (giờ vẫn còn một cây ở trường Bán công Dran [3]).
Không người mở cửa. Mấy anh em xách đàn ghi ta, mở cửa sổ trèo vào phòng, lấy
giấy lót mặt bàn, ngồi nghêu ngao hát những bài hát vui tươi... Một ngày nọ,
anh Tài hẹn 1:30 chiều lên sinh hoạt tại trường Bồ Đề (đối diện chùa Giác
Hoàng). Cả nhóm lò dò lên tới nới. Sân trường vắng hoe. Từ ngoài cổng nhìn vào
chỉ có cái container sắt cũ kĩ nằm im lìm. Chàng Vũ Dũng (con thầy
Sanh) xớn xác giỡn, nói to: "Tài ’tai teo’ (xin lỗi anh Tài, nhưng
chuyện có thật!), sao em hẹn tụi anh một rưỡi mà giờ em chưa tới?"
Năm giây sau, anh Tài lù lù đi ra từ sau cái container , miệng ngậm cọng
cỏ gà rung rung đắc chí: "Dũng! Em vừa nói gì vậy?" Thế là anh bạn tội
nghiệp chịu phạt thụt xì dầu ná thở... Và nhiều câu nói đùa của anh Tài mùa hè ấy
đã trở thành... bất hủ: "Liên! Em có đồ lót không?" (vì bàn ghế mùa
hè bụi bám, phải lấy giấy lót trước khi ngồi), hay "Thích Mỹ Trân! Giả sử
anh là người cuối cùng của em..." (trong một trò chơi, phải chia phe xếp
hàng đếm thứ tự, trong đó có phe của Tăng Bảo Trân)...
Chú thích:
[1] Đến năm 2012 thì rạp Đa Nhim đã bị cháy rụi, chỉ
còn trơ lại bãi đất trống. (NTĐ)
[3] Ở thời điểm 2006. Còn hiện nay, trường Bán công
Dran đã đổi tên thành Ngô Gia Tự, xây mới hoàn toàn và không còn vết tích gì của
những cây phượng xưa. (NTĐ)
Thời gian nối tiếp thời gian. Những kỳ thi nối tiếp kỳ thi...
Cậu đứng vào hàng ngũ Đoàn. Cậu lên cấp III…
Đối nghịch với sự vận động của xã hội ngày càng năng động
hơn, sinh hoạt Đoàn - Đội ngày càng ít thu hút, nhàm chán và… vắng vẻ. Dù sự
nhiệt tình của thầy Phan Hồng Nghi - Bí thư Đoàn trường - là thấy rõ, nhưng suốt
bốn năm năm trời không hề có một kỳ cắm trại. Đề nghị cắm trại toàn trường
không được duyệt, thầy trò trong Ban chấp hành Đoàn trường quyết định đi cắm trại
riêng. Dịp 26/3, thầy Nghi cùng các cán bộ Đoàn ở các lớp, kéo nhau được chừng
mười mấy người, khiêng cây, khiêng bạt, khiêng xoong nồi, xô chậu,… kéo nhau vào
Châu Sơn. Mới năm nào còn tưng bừng hội trại, còn cả cái gốc "cây thông cụt
một thước" mà năm nào cô Yên Thao chưa kịp thổi dứt thông điệp Morse thì
anh Vũ Thao đã nhảy vào giành được kho báu trước sự ngẩn ngơ tiếc nuối của bao
nhiêu "chiên da Morse" như Đăng Khoa, Quốc Trí, Thanh Hiệp, Vỹ Hằng,…
Giờ đây nơi này sao vắng vẻ lạ, với mấy thầy trò, dù cũng là một thế hệ kế tục
không kém tài năng, với những Diệu Hiền, Hải Lynh, Vy Đan, Mỹ Hạnh, Thúy Ái,…
Mười mấy thầy trò một căn lều, hiu quạnh và… buồn!!!. Loay hoay dựng lều, làm bếp;
lẻ tẻ vài ba trò chơi;… Rồi chiều trời đổ mưa, mấy thầy trò kéo nhau vào xin tá
túc tại Nhà Dòng, vừa chia nhau mấy căn phòng trống, vừa thủ sẵn cây để… diệt
sâu róm. Hai ngày một đêm cho một đợt cắm trại hết sức lạ kỳ cũng qua đi, mười
mấy thầy trò như đoàn quân thất trận, thất thểu lội bộ trở về. Vui thì vẫn vui,
nhưng lại man mác một nỗi buồn khó tả…
Sân banh Lạc Nghiệp lưu dấu giải đấu cuối cùng bằng trận
chung kết giải trường giữa hai đội 10A và 10B. Đội 10A bị dẫn trước 1-0. Một quả
bóng bổng câu lên, một cú đệm bóng sống tâng qua đầu hậu vệ cuối cùng của 10B,
một bước xoay mình vượt lên, quả bóng chưa kịp chạm đất đã được bồi một phát thật
căng xoay tròn tung lưới thủ môn Út La ngày nào vẫn chung đội bóng nhựa xóm Hai
Bà Trưng. Bàn thắng gỡ hoà đẹp như mơ. Bàn thắng chính thức cuối cùng trên sân
Lạc Nghiệp. Tiếp sau đó cho đến hết trận, thủ môn Đức (con bác Minh Chủ tịch) đầu
gối quấn băng trắng gan lỳ bay lộn che chắn khung thành trước sức tấn công dữ dội
của lớp 10B. Nhưng rồi bàn thắng ấy vẫn không đem được chức vô địch về cho lớp
10A, bởi chính "người hùng" ghi bàn thắng đẹp như mơ cũng là người đá
hỏng quả luân lưu đầu tiên…
Những trận bóng sau đó đã được dời đến những địa chỉ mới:
chân đập Đa Nhim, vừa đá vừa… né sỏi; đồi thông Cây số 2, vừa đá vừa… nghiêng
theo mặt sân; sân Lạc Xuân, vừa đá vừa tập… lội nước mỗi khi bóng bay ra khỏi
sân, rơi tòm xuống hố đào đất sét làm gạch… Một lần đội tuyển trường Lạc Nghiệp
được mời giao lưu với trường Xuân Trường, chiều 3 giờ mới kéo quân đi vì không
có xe đi, mãi mới tìm được một chiếc xe... tải. Đến nơi đã xế chiều. Hai bên ra
sân vừa đá vừa… run tới tối mịt. Tiền đạo nổi danh Lý Quang (vừa ra trường, đi
theo bổ sung lực lượng) đã giúp ghi bàn dẫn trước 1-0, nhưng không biết có phải
vì cóng chân hay không mà hậu vệ Siêu (Lý Viễn Đông) phá một quả bóng bay cao
lên trời và… rơi thẳng vào lưới đội nhà. Hòa 1-1, được bạn đãi một chầu bún, rồi
thầy trò anh em cầu thủ cổ động viên tất tả lên xe tải lắc lư xuôi về Dran
trong đêm tối... Suốt ba năm liền như thế, một thầy Bí thư - thầy Thao, một trò
Phó Bí thư, cùng nhau tập hợp đội bóng trường, ngửa mũ quyên tiền, khi đạp xe đạp,
khi thuê xe lam, thậm chí đi cả... máy cày, kéo quân đi đá giao lưu khắp xứ với
các đội tuyển trường Xuân Trường (mời lên mời xuống vài lần nữa), Thạnh Mỹ, với
các đội tuyển thôn xóm Lạc Xuân, Đường Mới, Hamasing,…
Với ước mơ ươm mầm từ thuở đứng bên cửa xem lén sinh hoạt Sao
Nhi đồng, sự say mê được khơi dòng từ những ngày sinh hoạt Đội cuối cùng của cô
Thao, óc hài hước nảy sinh từ người anh vô cùng hài hước Lê Tấn Tài, những kĩ
năng rèn luyện được sau bao nhiêu năm trời gắn bó với các anh Đặng Huệ Chí,
Trương Thành Được, những đợt tập huấn, hội trại, đại hội tưng bừng khắp huyện
và tỉnh… những nỗ lực của anh chàng Phó Bí thư Đoàn trường nhỏ con đen thui vẫn
không làm thay đổi được bầu không khí ngày càng chán của các buổi sinh hoạt
Đoàn. Ngoại trừ những trò chơi tập thể luôn hấp dẫn và đầy tiếng cười thì cũng
không còn gì để lại một dấu ấn về hiệu quả và ý nghĩa thực tế… Mãi đến năm 12,
một "ân huệ" cuối cùng được chấp thuận: nhà trường đồng ý tổ chức cắm
trại 26/3, nhưng chỉ cho làm ở sân trường, và phải để cả từ lớp 6 tới 12 tham dự.
Sau 5 năm, mong ước tổ chức cắm trại đã thành hiện thực, nhưng lần này trách
nhiệm nặng nề hơn với vai trò là người tổ chức. Rút những tâm huyết cuối cùng,
chàng Phó viết một bản kế hoạch dài và chi tiết về các hoạt động trong đợt cắm
trại học trò sau cùng của mình này (với sự góp ý bổ sung của cô Mai Hương Phụ
trách Đội và các thầy cô khác).
Sân trường chật ních những lều và người. Các trò chơi nhỏ
luôn hào hứng, đầy không khí cạnh tranh, và… buồn cười. Những cua rơ rùa thi thố
nhau đua xe đạp chậm, những chiếc xe xì lốp đua nhau nhích từng… milimét, có
người gần như đứng yên trên xe suốt mấy phút liền… Những đội 5 người thi nhau
"mặc áo" bằng một vòng dây đường kính vừa thân người, choàng qua người
từ trên xuống rồi từ dưới lên. Những cặp nam nữ 3 chân (cột mỗi người 1 chân
vào nhau) thi đá bóng gôn chuột, chạy xốc xếch hết quần áo đầu tóc mà vẫn ghi
được những bàn điệu nghệ.
Rồi những trò truyền thống như nhảy bao bố, kéo co không bao giờ ngớt hào hứng, sôi động. Những bình hoa cắm thật đẹp. Những món ăn vừa gánh bếp núc đi vòng quanh khu trại, vừa vượt chướng ngại vật, vừa nấu nấu nướng nướng. Đặt bếp xuống chưa kịp nóng sân, còn đang chúi đầu thổi lửa thì còi nổi lên, khói bay um, lại tất tả vừa chạy vừa nấu…
Rồi những trò truyền thống như nhảy bao bố, kéo co không bao giờ ngớt hào hứng, sôi động. Những bình hoa cắm thật đẹp. Những món ăn vừa gánh bếp núc đi vòng quanh khu trại, vừa vượt chướng ngại vật, vừa nấu nấu nướng nướng. Đặt bếp xuống chưa kịp nóng sân, còn đang chúi đầu thổi lửa thì còi nổi lên, khói bay um, lại tất tả vừa chạy vừa nấu…
Chiều về, các đội thi nhau làm báo trại (trang trí trên lều)
còn chàng Phó cùng anh bạn Thanh Lâm lúi húi chuẩn bị lửa trại. Xếp củi xong
thì trời chạng vạng, lại phải giữ bí mật về cuộc rước lửa nên phải chờ trời tối
mới căng dây rước lửa. Thật không may, sợi dây thép dài căng từ trên lầu xuống
đất bị gấp khúc một chỗ. Một chỗ duy nhất mà không phát hiện ra… Cả trường tập trung
vòng quanh khu lửa trại. Đêm tối. Đèn điện tắt hết. Ngọn lửa xuất hiện từ trên
cao. Mọi người ồ vang. Ngọn lửa từ từ trượt xuống, trượt xuống trong bài gọi rước
lửa của thầy Hiệu trưởng Lê Thanh Hợi vang vang trầm hùng hơi thở núi rừng. Nó
trượt xuống giữa chừng rồi... đứng yên. Ngay chỗ gấp khúc duy nhất. Mặc dây
rung. Mặc bài gọi rước lửa hào hùng. Mặc đám đông hò reo. Nó vẫn đứng yên.
Chàng Phó nóng đỏ mặt mày… Giải pháp cuối cùng: ngọn lửa đứng yên từ xa, và ngọn
đuốc tay châm bùng lên ngọn lửa trại rực hồng… Cũng ấn tượng nhưng không thành
công mỹ mãn…
Thời gian còn lại của đêm là thời gian giao lưu. Những lời
ca, tiếng hát, tiếng đàn,… ấm áp trong đêm cao nguyên tháng ba. Không hiểu sao
đêm tháng ba năm ấy lạnh buốt. Cậu Phó cả ngày lo tổ chức, không có mấy thời
gian về lều của lớp mình, chỉ tranh thủ được lúc ăn trưa và ăn tối… Giờ thì lạnh
tê người và khan cổ… Mà cậu chỉ mặc mỗi chiếc áo sơ mi đồng phục Hội Liên hiệp
Thanh niên ngắn tay, và chiếc áo len "ba lỗ" (không cổ áo, không ống
tay). Niềm vui làm cậu quên đi mệt mỏi, nhưng đến 2 giờ khuya thì cái lạnh quả
là không chịu xiết. Cậu run lập cập. Thầy Hoàng và mấy người bạn bảo cậu vào
phòng giáo viên nghỉ, để ngày hôm sau còn trò chơi lớn. Trong phòng bớt lạnh
hơn, lại có đống lưới bóng chuyền để gối đầu và… ôm cho ấm. Nằm trên cuộn lưới ấy
cậu êm đềm chợp mắt…
Buổi sáng hôm sau, theo đúng quy luật cắm trại là buổi chơi
trò chơi lớn. Mỗi đội 10 người (trừ lớp 6 và lớp 7) dự thi. Những người ở lại
tiếp tục làm báo trại. Các đội trò chơi lớn tập hợp lại theo tín hiệu chữ T
("tè" trong tín hiệu Morse). Cậu Phó giờ đây đứng trên cao, thay vị
trí cô Thao ngày xưa đứng bên "cây thông cụt một thước". Tiếng còi thổi
Morse vang lên. Cấp 1. Không ai kịp giải. Cấp 2. Một vài nhóm chạy lên báo cáo
và được phép đi. Cấp 3. Vài đội nữa xuất phát. Cấp… thật chậm… Tất cả được đi.
Hành trình trò chơi lớn qua 5 chặng: 1. Xuất phát tại trường. Nhận tín hiệu
Morse - 2. Chạy xuống Đường Mới Trong, vòng qua đường ray xe lửa. Giải mật thư
bằng vòng đồng hồ. - 3. Tiếp tục theo đường xe lửa xuống chân cầu xe lửa, ra bờ
sông. Trò chơi thử thách. - 4. Chạy men theo sông, lên cầu xe hơi, xuống lại bờ
sông. Trò chơi thử thách kết hợp mật thư: mỗi đội một cặp nam nữ cõng nhau lội
xuống nước, người dưới chỉ để ló đầu, người trên tranh lấy bong bóng có thông
điệp mật thư hoá học (theo nguyên tắc là kỵ nước, cần tránh làm bể bong bóng
hay thấm nước, và giải bằng cách hơ trên ngọn lửa nóng).
Chỉ vài đội đảm bảo được yêu cầu này, dĩ nhiên các đội khác bị trừ điểm. - 5. Các đội chạy về lại cổng trường thì bị… anh Phó chặn lại ngay cổng. Cổng bị chốt bên trong, dưới chân cổng hở cách mặt đất một khoảng chừng hơn gang tay. Đội trưởng báo cáo tới trạm xong thì được yêu cầu cho toàn đội… chui qua cổng vào trong chờ nhận Morse tìm kho báu. Cô bé Tâm Hoài (ở Châu Sơn) người hơi… phương phi, vừa chui qua vừa than "Anh Đại ác quá!"… Rồi tất cả đều chui qua lọt cả, người vừa ướt nhẹp nước sông, giờ lại lấm lem đất cát…
Chỉ vài đội đảm bảo được yêu cầu này, dĩ nhiên các đội khác bị trừ điểm. - 5. Các đội chạy về lại cổng trường thì bị… anh Phó chặn lại ngay cổng. Cổng bị chốt bên trong, dưới chân cổng hở cách mặt đất một khoảng chừng hơn gang tay. Đội trưởng báo cáo tới trạm xong thì được yêu cầu cho toàn đội… chui qua cổng vào trong chờ nhận Morse tìm kho báu. Cô bé Tâm Hoài (ở Châu Sơn) người hơi… phương phi, vừa chui qua vừa than "Anh Đại ác quá!"… Rồi tất cả đều chui qua lọt cả, người vừa ướt nhẹp nước sông, giờ lại lấm lem đất cát…
Qua cổng, tất cả các đội tề tựu, chuẩn bị truy tìm kho báu.
Thông điệp Morse "BÀN THỜ NGOÀI AO" được phát đi. Cấp 1: tất cả ngồi…
ngẩn tò te. Cấp 2: vài đội chạy lên báo cáo. Thông điệp mật thư cuối cùng được
truyền đạt: "Bây giờ cho cả đội xếp thẳng hàng, số lẻ ngồi số chẵn đứng,
tìm nơi giấu kho báu theo thông điệp đã nhận." Mấy cái đầu chụm lại chau
mày. Cú này quả là khó, không bị lộ liễu như vụ "CÂY THÔNG CỤT MỘT THƯỚC"
năm xưa!… Người đưa ra kiểu mật thư "ác chiến" này là thầy Tùng ở trường
Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, chuyên gia về kỹ năng sinh hoạt của tỉnh Lâm Đồng, mà
cậu Phó đã là người đầu tiên giải được ở Trại tập huấn Cán bộ Đoàn cấp tỉnh hồi
đầu năm. Khi tất cả giải được tín hiệu Morse và vận dụng mọi cách giải cái mật
thư này, ai nấy vẫn lắc đầu chào thua. Cho tới khi có người bật mí "Thầy
Thao đang giấu cái gì trong phòng kìa" thì kho báu mới được phát hiện. Số
lẻ ngồi, chỉ còn số chẵn đứng, tức là "Thờ ao Thao"…
Đó cũng là sự kiện ấn tượng cuối cùng trong cuộc đời sinh hoạt
Đoàn Đội của cậu Phó ngày nào… Bởi từ đó về sau, cậu không còn tìm đâu thấy được
cái chất vô tư, nhiệt tình và say mê quên mình như thời ấy. Cậu đã may mắn có cả
một quãng thời gian ngưỡng mộ và tiếp xúc, và học hỏi những thế hệ anh chị Đăng
Khoa, Minh Khoa, Thanh Hiệp, Vỹ Hằng, Ngân Hà, Quốc Trí,…; được khai tâm và dìu
dắt bởi những người phụ trách gạo cội như cô Thao, anh Tài, anh Chí, anh Được,
thầy Tùng,…; có những người thầy, người cô luôn tin yêu và động viên, thậm chí
cùng san sẻ (dù cậu có không ít những lỗi lầm của tuổi học trò): thầy Bạch, cô
Thâm, thầy Nghi, thầy Thao, cô Mai Hương,…
Ấn tượng phong trào cuối cùng của thời học sinh lại là những
trận bóng đá. Một đội tuyển trường suốt 3 năm gắn bó với nhau, hiểu nhau từng
đường banh, từng bước chạy, với những Hoài Nam, Quốc Sơn, Minh Lít, Văn Thử, Út
La (Xuân Duy), Trung Chánh, Hoàng Hải, Tấn Đại, Anh Tú, Đình Phiên, Nguyễn Ngọc,…
đã ghi danh bằng chiến thắng oanh liệt tại giải đấu loại cấp huyện (bóng đá
mini) chọn đội tham dự Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh Lâm Đồng năm 1996.
Đội tuyển trường Lạc Nghiệp được thầy Thao, huấn luyện viên,
giảng giải cho một buổi về bóng đá mini 7 người. Buổi học lí thuyết ngắn ngủi bắt
đầu với một câu chuyện... ngôn ngữ, giải thích tại sao khi ném biên thì dân
mình cứ hay gọi là "nu": trong trận đấu, khi banh lăn ra khỏi biên
hai bên đều giành quyền ném biên về mình và cãi nhau "của tao", tiếng
Pháp viết là "à nous", đọc là /à nu/, sau đó người ta quen miệng gọi
luôn quả ném biên là "quả nu"... Sau đó là những điểm quan trọng về
luật thi đấu 7 người, và cách xếp đội hình thi đấu. Buổi chiều chủ nhật vắng vẻ
trong căn phòng gỗ phía sau dãy nhà A. Có lẽ là do nằm ngay vị trí cầu môn của
sân Lạc Nghiệp thuở xưa, nên cả đội được thừa hưởng cái hồn của đội bóng lừng lẫy
một thời...
Hai trường Thạnh Mỹ và Lạc Nghiệp trước giờ "gờm"
nhau như nước với lửa. Đội Bán công Dran thời ấy mới chỉ có 2 khối 10 và 11 nên
chỉ xem như đội lót đường. Và quả thật, trận khai mạc giải tại khoảng đất trống
bên hông Đài Tưởng niệm Liệt sĩ ở Thạnh Mỹ, đội Lạc Nghiệp đã đè bẹp đội Bán
công Dran với tỷ số 5-0, bằng một quintuple (một người ghi cả 5 bàn)
đầy ấn tượng. Đội Thạnh Mỹ cũng đầy tham vọng với "danh thủ" Kiếm,
quyết không chịu thua kém, nhưng rồi chỉ thắng Bán công Dran với tỷ số 3-1, bởi
các bạn Bán công Dran sau thất bại nặng nề đầu tiên đã quyết không để mất mặt lần
thứ hai dù với lực lượng rất mỏng… Trận cuối cùng hứa hẹn vô cùng quyết liệt, một
bên quyết thắng bởi phải thắng đậm mới có mặt ở Đà Lạt, một bên chỉ cần thủ hòa là đủ nhưng cũng không muốn mất mặt anh hào và lại đang tràn đầy khí thế của một
tập thể gắn bó muốn khẳng định ngôi vô địch huyện…
Do không đủ người, thầy Thao lại chính là người được phân
công làm trọng tài, và thầy đã quyết thể hiện sự công tâm, không thiên vị cho đội
nhà, để đáp ứng niềm tin của Ban tổ chức. Trận đấu vừa mở màn, đội Lạc Nghiệp
giao bóng, hai cú đẩy bóng đã chuyển chếch lên biên phải, Nguyễn Ngọc ào lên
làm một quả trái phá bay thẳng vào lưới đội Thạnh Mỹ trước sự ngẩn ngơ của tất
cả mọi người. Tỉ số 1-0 đã làm trận đấu trở nên căng thẳng kịch liệt.
"Danh thủ" Kiếm không hổ danh là người hùng của đội tuyển Thạnh Mỹ, tả
xung hữu đột nhiều phen uy hiếp khung thành thủ môn Hoài Nam. Rồi trong một pha
tranh chấp, Kiếm đã đưa bóng tung lưới trong sự reo mừng của cổ động viên nhà.
Nhưng… Trọng tài chính đã thổi còi không công nhận bàn thắng vì Kiếm đã phạm lỗi
trước đó… Cầu thủ và khán giả Thạnh Mỹ nhao nhao phản đối. Không khí trở nên
căng thẳng. Một người đang ông nồng nặc mùi rượu (sau này nghe nói là người cá
độ) xông vào đòi hành hung trọng tài. Ban tố chức vội can thiệp nhưng vẫn không
làm lắng dịu tình hình, trọng tài phải được hộ tống vào một khu nhà tập thể gần
đó để tránh mối đe dọa hành hung. Trận đấu gián đoạn. Vài ngày sau, Ban tổ chức
quyết định xử thua đội Thạnh Mỹ, và cử đội Lạc Nghiệp tham dự giải tỉnh…
Tiếc là niềm vui đó đã không được biến thành hiện thực! Trong
kế hoạch tham dự Hội khỏe Phù Đổng năm đó, trường có hai đội tuyển bóng đá và
điền kinh. Vì trường không đủ kinh phí nên chỉ cho một đội tham dự. Thầy Thao đề
nghị cho đội bóng đá đi vì có khả năng đạt giải, còn đội điền kinh không mạnh,
khó có thành tích cao. Nhưng quyết định của thầy hiệu trưởng vẫn là: đội bóng
đá ở nhà. Đã có nhiều ý kiến đề nghị tự quyên góp để đưa đội bóng đi, nhưng rồi
"áo sao qua khỏi đầu" và thầy trò đùa vui với nhau: chỉ vì không có
tiền, nếu không đội tuyển trường đã có trong tay chức… vô địch tỉnh.
Bao tháng năm nơi xứ lạ quê người, nhiều lần cả năm trời biền
biệt không về quê, trong lòng tôi vẫn luôn ngóng trông về miền cao nguyên bé nhỏ
yên bình đó… Và còn ray rức hoài khi đọc lại những câu thơ con trẻ viết tự những
ngày xa xưa ấy:
Hỡi những cánh chim bay xa!
Đừng quên mảnh đất nơi ta thành hình.
Công thành nơi chốn phồn vinh,
Chớ quên ngày tháng quê mình đợi mong.
(10/4/1996)
Mười chín mùa mưa nắng thấm vào nhau
Thành máu đỏ trong con cuộn chảy.
Mười chín mùa nghe thông reo gió hát
Thành tình yêu hòn đất đỏ sương mù.
Mười chín mùa dòng sông đứng không trôi,
Mang trong lòng những nỗi niềm tâm sự,
Người ta bảo sông quê thường chảy chậm,
Bấy đến nay sông ta vẫn im lìm.
Mỗi mùa qua mỗi đoàn thuyền đi xa
Theo cánh gió lênh đênh về phía biển
Nơi mưa và nắng đều mang nồng vị mặn
Mỗi mùa qua sao chưa thấy thuyền về!
(17/5/1997)
Xứ mình kẻ chợ người quê
Cánh chim mấy bận quy về cố hương?
(23/6/1997)...
TP. HCM, tháng 3/2006
Thay lời kết
Đến đây là đoạn hồi ức về thuở học trò viết cách đây hơn bảy
năm chấm dứt. Nhưng kỷ niệm thì còn nhiều, không chỉ trong mười tám năm tại Đơn
Dương ấy mà cả bao nhiêu sự kiện về sau trong đời. Nhất định sẽ còn có dịp quay
trở lại. Bởi, như cổ ngôn đã nói "ôn cố nhi tri tân", nếu quên đi hay
không hiểu về quá khứ, sẽ khó biết được mình như thế nào trong tương lai.
Tháng 5/2013
Nguyễn Tấn Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét