Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Thiên nhiên vắng bóng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương

Thiên nhiên vắng bóng 
trong tiểu thuyết Lê Văn Trương
“Ngựa Đã Thuần Rồi, Mời Ngài Lên”, nhan đề một cuốn tiểu thuyết ngắn nhất của Lê Văn Trương, gợi cho độc giả hình dung những dặm đường trường. Phải chăng đây là chuyện tình lồng trong bối cảnh xanh xanh miền biên giới của những chuyến tải hàng buôn lậu? Thực sự không phải. Đi sâu vào cốt truyện, chúng ta sẽ nhận thấy nhiên giới hoàn toàn nhường chỗ cho nhân giới. Suốt truyện chỉ là những tương giao xã hội giữa người và người, thiên nhiên vắng bóng trong tác phẩm. Bối cảnh không còn là không gian, tất cả quy tụ trong gia đình, và khung cảnh gia đình cũng mất cả tính chất không gian, mô tả sự vật gần như không có mặt:
Kim Dung, một cô em gái ngoan hiền, thỉnh thoảng đến thăm người anh ruột sống độc thân. Cô em gái ngại cho tình cảnh hiu quạnh của anh, khuyên anh nên lấy vợ để có người săn sóc thành một mái ấm gia đình. Trái với ý muốn của em, Đào chỉ thích sống độc thân, ích kỷ với những thú vui cá nhân, sợ bị trói buộc bởi đời sống vợ chồng. Chàng bằng lòng lấy vợ chỉ vì chiều em gái, cô em gái mà Đào rất thương yêu đùm bọc từ khi hai anh em trở thành mồ côi lúc chàng 18 tuổi. Đào nuôi nấng em thay cho mẹ lúc nàng mới 7 tuổi.  Đến khi lo cho em lấy chồng xong. Đào mãn nguyện với một cuộc đời đầy đủ vật chất lẫn tinh thần. Là đại diện của một hãng chế tạo đồ tạp hóa bên Pháp nên chàng sống rất dư dả, có nhà riêng, có đồn điền rộng lớn, đó là chưa kể 3/4 tài sản Đào đã dành cả cho em gái khi lấy chồng.
Đời sống tinh thần của Đào cũng rất thảnh thơi, có vợ chồng em gái, tức vợ chồng giám đốc Thiều bên cạnh, có các cháu Xuân Sinh dễ thương, có một đời không bận rộn dành cho thú đọc sách, Đào cho như thế là đủ rồi, không muốn bận bịu thêm.
Vả lại Đào cũng có thành kiến e ngại các thiếu nữ... Minh Thu, bạn học của Kim Dung, được cô em gái đưa tới giới thiệu. Đào không thể bình phẩm gì nữa về dung nhan thiếu nữ nhưng còn tính tình của nàng Đào hứa với em gái sẽ trả lời dứt khoát sau một năm tìm hiểu tận tường. Đào ngại Minh Thu cũng chỉ là một cô thiếu nữ còn nhiều nông nổi, còn nhiều ước vọng phù phiếm...
Đào có một người bạn thuộc vào loại lưu manh trong xã hội, chuyên lường gạt tình và tiền, ấy thế mà Thoại lại được Đào mời đến xen vào cuộc tình của mình. Vậy là Thoại không bỏ lỡ dịp trổ ngón nghề, ra tay mê hoặc Minh Thu bằng cái tài ăn nói lịch duyệt hào hoa, cái cách ăn mặc sang trọng hào nhoáng.  Đào lại còn giúp cho Thoại có tiền mua xe hơi để tập cho Minh Thu cầm lái, chở nàng dạo chơi khắp phố xá, và cũng dùng xe hơi đó để đi lường gạt những hãng buôn; những chỗ quen biết.  Cái đích của Thoại là thành hôn với Minh Thu, của hồi môn lớn lao của nàng sẽ thuộc về mình. Tiền mượn mua xe hơi, Thoại chỉ bị ràng buộc bởi những điều kiện dễ dàng: mỗi tháng trả cho Đào 30 đồng, trả góp trong 30 tháng thì xong số tiền 1000 đồng mua xe hơi đó.  (Thời giá lúc Lê Văn Trương viết cuốn tiểu thuyết này, năm 1938). Tại sao Đào lại dung túng hành vi của Thoại? Lắm khi Đào lại còn thích thú ngồi nghe lời phẩm bình của Thoại về giá trị của các thiếu nữ... “Các mợ đến chơi nhà đệ, thấy đồ đạc sang trọng là y như lóa mắt, sau khi đã lóa mắt về cách ăn mặc và dáng điệu ông hoàng của đệ...Huynh thiếu một thứ kiên nhẫn.  Và có lẽ cái lối đẹp trai của huynh đàn bà ít đứa hiểu. Huynh trông dữ dội và nghiêm nghị quá, chúng nó sợ. Đối với những đàn bà đã từng trải và hiểu đời một cách sâu xa thì huynh ăn “rơ” lắm. Còn đối với hạng cừu non thì chỉ cái nhìn như moi ruột gan của huynh cũng đủ làm cho chúng ù té chạy...” (Trang 38-39)...
Đợi cho cuộc tình Thoại và Minh Thu sắp đi vào khúc quanh, Đào mới có dịp làm sáng mắt Minh Thu: Một hôm Minh Thu hẹn hò với tên lường gạt gặp nhau tại nhà riêng của Thoại, lúc hai người đúng hẹn Đào mới gõ cửa xin vào, Minh Thu phải ẩn mặt nơi buồng phía trong. Ở ngoài này, Đào cố ý trách mắng rất lớn tiếng về Thoại, kể tội hắn lường gạt, hạch hỏi những lem nhem của hắn ở khắp nơi quen biết, vạch lỗi không trả tiền mượn của chàng mua xe hơi suốt 4 tháng rồi, nào thất nghiệp chàng giúp cho có việc làm không biết ơn lại còn bội ước...Tất cả vẻ hào hoa sang trọng của Thoại lần lượt rơi xuống trước sự nghe thấy của Minh Thu...
Từ đó Minh Thu trở nên buồn bã, ưu tư về sự giả dối bề ngoài của người đời. Lúc này Đào mới nhờ Kim Dung nói rõ tấm lòng thành của Đào cho nàng hiểu. Minh Thu chợt biết Đào mới xứng đáng và đeo đuổi mình trong sự sáng suốt bấy lâu nay. Hai người tiến lần đến hôn nhân và trở thành một đôi vợ chồng gắn bó...
Thỉnh thoảng cái bóng lởn vởn của Thoại thoáng qua trước cửa, cái bóng hình như muốn đe dọa để làm tiền Minh Thu với những bức thư tình quá khứ. Đào hiểu ý, đến nhà Thoại cho biết mối tình quá khứ giữa Thoại và Minh Thu thật ra chỉ là sự sắp đặt của Đào, sắp đặt để cho Minh Thu sáng mắt về tính tình ưa thích cái phù phiếm của nàng. Thoại chỉ là một thứ người thị mã mà Đào lợi dụng để tập luyện cho con ngựa chứng, nay ngựa đã thuần rồi, đã hiểu rõ thế nào là chân hạnh phúc lứa đôi, đúng như sự phán đoán sáng suốt của Đào khi chàng được em gái giới thiệu Minh Thu lần gặp gỡ đầu tiên: “Nếu lời ví này mà không quá đáng thì nàng là một con ngựa hay nhưng còn bất kham, chưa được chịu ơn những ngọn roi của một tên thị mã, để làm cho trọn cái chức trách con ngựa là chạy nổi đường nghìn dặm và chạy cho nhanh... Đẹp thật, nhưng nếu dại dột đem đóng ngay vào cái xe gia đình thì thế nào cái xe cũng gẫy càng long bánh.  Phải chờ cho đến khi nào nó thuần đã” (Trang 41-42) (*).
Đọc xong cuốn tiểu thuyết, ta thấy trong đó hoàn là những tương giao, va chạm, liên hệ giữa người với người. Sự vắng bóng thiên nhiên trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương là một dấu mốc để ta phân biệt tiểu thuyết theo nghĩa thông thường và quan điểm “tiểu thuyết mới” hiện nay (còn gọi là phản tiểu thuyết). Tiểu thuyết Lê Văn Trương là tiểu thuyết trong khuôn khổ phản ánh vũ trụ đã thành hình của nhân loại, sự trao đổi lời nói có tính cách xã hội gia đình, tương phản với vũ trụ tiểu thuyết mới, một vũ trụ còn đang hình thành, chưa có những tương giao nhân loại. Trong loại tiểu thuyết mới vũ trụ vắng bóng con người, thành ra sự mô tả đồ vật, không gian, bao trùm tất cả. Thiên nhiên vô ngã là cái bóng lớn phủ lên những nhân vật chưa là nhân vật, những câu chuyện chưa là câu chuyện, mọi biến cố còn lần mò trên con đường trở thành con người. Nghĩa là nhân vật mới chỉ là sự phôi pha tâm lý, mù mờ nhân ảnh...
Trái lại, nhân giới đã đẩy nhiên giới ra ngoài tác phẩm của Lê Văn Trương. Người giao tiếp với người nhưng không giao tiếp với thiên nhiên, phải chăng đó là đặc tính rõ ràng nhất trong tác phẩm của Lê Văn Trương mà “Ngựa Đã Thuần Rồi, Mời Ngài Lên” là một thí dụ.
Nếu các tiểu thuyết khác của Lê Văn Trương đều như thế, ông quả là một tiểu thuyết gia đại diện cho tiểu thuyết của tương giao nhân loại, tương phản với tiểu thuyết của thiên nhiên vô ngã theo nhóm tiểu thuyết mới. Tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là tiểu thuyết của người giao tiếp với người và với vũ trụ, nghĩa là con người và thiên nhiên đều có mặt trong tác phẩm, và tiểu thuyết của nhóm này dĩ nhiên, không làm thành một lằn ranh rõ ràng một giữa tiểu thuyết và phản tiểu thuyết...
Thiên nhiên bị đẩy ra ngoài tác phẩm, đó không phải là một chủ trương cố ý của Lê Văn Trương. Ngày nay có vấn đề “tiểu thuyết vắng bóng con người”, ta mới có dịp so sánh với “tiểu thuyết vắng bóng thiên nhiên” trong tác phẩm của Lê Văn Trương. Mặc dù không có ý chủ trương, vũ trụ tiểu thuyết của Lê Văn Trương có lẽ xứng đáng là một đề tài nghiên cứu để đối lập với vũ trụ vô ngã của tiểu thuyết mới. Tiểu thuyết vắng bóng thiên nhiên hình như là loại tiểu thuyết bỏ mất chất thơ bàng bạc ở bên trong, vì vậy nó không thích hợp với những tâm hồn yêu thiên nhiên, muốn xa lánh xã hội phiền toái. Nhưng bao lâu còn những tâm hồn bận bịu chuyện gia đình, liên hệ với những tương giao xã hội, bấy lâu tiểu thuyết của Lê Văn Trương còn được đón nhận như một tấm gương phản ảnh: phản ảnh bi kịch con người, phản ảnh những va chạm nhân loại...
(*) Số trang trong “Ngựa Đã Thuần Rồi, Mời Ngài Lên” của Lê Văn Trương, Nam Cường tái bản, Sài Gòn 1952.
Trần Văn Nam
Nguồn: Trích Tạp chí Thời Tập, 
Sài Gòn, số 22, tháng 3.1975). Bản của tác giả
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...