Tạo
hóa thật ưu đãi muôn
loài sinh vật. Chẳng biết cỏ cây hoa lá và muông
thú có biết nhìn
ngắm con người và những kỳ công của nó hay không nhưng con người có thêm khả năng thưởng thức vẻ đẹp của muôn loài trong vũ trụ, như một ân huệ từ Trời. Văn
chương, thi phú,
âm nhạc, vũ điệu, hội họa, điêu khắc, nhiếp
ảnh, là những sinh hoạt nghệ thuật làm đẹp, làm phong phú đời sống vượt qua ranh giới thời gian và sự hạn hẹp của kiếp người. Trong các loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo kể trên, có lẽ âm nhạc và nhiếp ảnh gần gũi nhất với cảm quan của chúng ta, hầu như thường trực hiện diện, xâm nhập, thẩm thấu toàn bộ cơ cấu con người, làm nên một mảng sống thi vị. Khoảng cuối
thập niên 2000,
lúc kẻ viết bài còn trông nom hội trường Văn Lang trên đường Moran, thị xã Westminster, mỗi năm
một lần, có năm hai lần, tôi được hân hạnh tiếp tay với nhiếp ảnh gia Phí Văn Trung, chưởng môn hội Việt Ảnh Nghệ Thuật, cùng các học viên tổ chức những buổi triển lãm công trình săn ảnh của các anh chị thành viên trong hội. Ngoài triển lãm thu gọn trong hai ngày, các
tác phẩm thể hiện tài năng, cảm xúc và những góc nhìn mới mẻ, đa dạng của các hội viên được in vào cuốn sưu tập ảnh do Hội phát hành, rất giá trị. Chúng ta thường nghe câu "một bức hình bằng vạn lời nói hay trang
sách," điều này không ngoa. Lời nói nếu không dùng dao khắc lên đá, lập
tức thoảng bay, bốn ngựa đuổi không kịp, chưa kể bia đá cũng
mòn theo tháng năm. Trang sách so với
đá, xem ra mỏng manh hơn. Tuy không giãi dầu
mưa nắng nhưng ròn vỡ qua thời
gian, có chăng phải thu vào vi phim để gìn giữ. Trên đường dài, màu ảnh chụp cũng phai úa nhưng khoảng
khắc thu vào ống kính là thiên thu ngưng lại trong một giây, thậm chí một sát na. Tôi thực sự
không biết niềm say mê trong trái tim
các nhiếp ảnh gia là sự soi thấu những tầng nội tâm bí ẩn của một người (trong ảnh chân dung) tượng trưng cho nhiều người; là duyên may bắt gặp đâu đó một thoáng đẹp
đến nao lòng , đến ngây ngất của thiên nhiên đổi thay; là bộc lộ xuất thần của bất cứ đối tượng nào với cuộc sinh tồn ẩn mật của nó; là chỉ có mấy phút để mặt trời như trái chín nứt
ra ở phương đông hay chìm
xuống ở phương tây. Tôi không có kiến thức về nhiếp ảnh để có thể thẩm định giá trị những tấm ảnh trưng bày trong các cuộc triển
lãm hay tại ảnh viện của các nhiếp ảnh gia tài danh, về chủ đề chọn lựa, ánh sáng, bố cục, tính cân đối cùng nhiều chi tiết nghệ thuật khác đưa chúng lên vị
trí các tác phẩm để đời nhưng với tôi, có lẽ cũng hệt như với các nhà săn ảnh tài tử, quyết định trong chớp mắt thu cái gì vào ống kính hay sự thưởng thức của khán giả khi đứng trước tấm hình, cũng trong chớp mắt, là sự đồng cảm soi tỏ tâm can đôi bên như một thứ duyên tình tri ngộ. Được
xem qua hai cuộc
triển lãm của hội Việt Ảnh Nghệ Thuật, tôi cảm nhận được tấm lòng trân quý đời sống vô biên của nhiếp ảnh gia Phí văn Trung khi ông đặt nặng
tình yêu cuộc sống, lòng khao khát thể hiện cuộc sống ấy (gồm cảnh trí và muôn loài
sinh vật) trong những khía cạnh đa dạng và chân phương nhất hơn là sự cầu
kỳ về mặt kỹ thuật. Tất nhiên vẫn có những hạt ngọc bất ngờ chiếm vị thế trang trọng trong phòng tiển lãm nhưng những hạt mưa ồ ạt từ cơn mưa lớn mới đem theo chúng sức sống
cho mặt đất trở nên giàu có. Tôi nhớ một
lần lúc bước vào phòng triển lãm của Việt Ảnh. Không khí yên lặng với những bước chân xê dịch chậm và khẽ trên thảm không gây tiếng động. Ba phía tường rộng treo kín những khung ảnh của Thầy Trò, đủ loại hình và đủ kích thước, tạo ra một góc đời kỳ thú. Tôi đi quẩn quanh trong thiên thu
lặng thầm của những khung kính bất động với lòng biết ơn người đã phát
minh ra chiếc máy
chụp hình đầu tiên. Tuy vậy, phải chờ tới khi điện ảnh ra đời, thách đố giữa quyền năng vô hạn của
Tạo Hóa và trí
khôn của nhân loại mới có cơ may tiến gần đến một hình thức thỏa hiệp, phần thua vẫn về phía con người lăn lóc trong vòng quay sinh tử. Hàng trăm bức
ảnh với chủ đề con người, muông thú, cảnh trí thiên nhiên, được các tác giả hoặc dàn dựng để gửi gấm ước mơ hoặc tình cờ bắt gặp trong một tích tắc rủi may, san sát bên nhau
như những mộ bia nghệ thuật. Mắt tôi bỗng dưng chạm vào một thân cây cổ thụ không biết bao nhiêu thước cao, bao nhiêu tầng lá nhưng dưới gốc nó là một vùng rêu xanh sống động, tựa như từng cọng rêu đang thi nhau rào rạt thở
làm tôi quá đỗi
kinh ngạc. Tôi
không biết điều gì đã tạo
nên cái sức sống rạo rực của vạt rêu kia? Ánh nắng xuyên qua những tàn lá cổ thụ, đổ xuống nó, nóng ấm, lung linh? Ống kính máy ảnh quá tốt, đôi mắt
người nghệ sĩ quá tinh anh, ngón tay người nghệ
sĩ quá tài hoa hay còn
gì nữa để ghi nhận được cả những hạt sống vi tế của mảng rêu bám vào mặt đất ẩm? Tôi dọn nhà, không nhớ đã xếp tập
sách Việt Ảnh ở đâu ngoài
những gì ký ức ghi lại từ hai cuộc triển lãm nhiều năm trước. Bên cạnh những tấm hình là phiên bản sao chép thiên nhiên
hay sinh hoạt đời thường, có những tấm là tuyệt phẩm với nhiều công trình sáng tạo đượm màu sắc tâm tư và tài năng
của từng tác giả, một mình trong giây phút
thiêng liêng ở một cõi riêng. Thật không lạ khi đọc qua những bài viết về sự đam mê khó hình
dung ra của số người chọn đi tìm hạnh phúc trong thú vui săn ảnh. Cũng có những tình cờ
may mắn nhưng thường thì họ thức dậy trước hừng đông, mang vác,
lang thang hay ẩn
nấp đâu đó ở
một địa điểm nổi tiếng và đôi khi chỉ
còn chừng 30 phút
là buổi chiều tắt nắng họ mới bấm được một "shot" cuối cùng ưng ý. Chờ đợi
nhiều giờ, nhiều ngày cho một cái hẹn hoàn toàn không báo
trước, một khoảnh khắc đẹp, một người tình như có như không.
Một ngàn hay ba
ngàn lần bấm máy mới thấy hoan lạc đến bất ngờ. Trong sửng sốt. Trong rã rời. Trong tận cùng vui thỏa. Sự kiên nhẫn ấy có phần thưởng xứng đáng theo sau. Cảm
ơn nhiếp ảnh gia Phí văn Trung. Tạ ơn đời với chỉ một lần đi qua trần gian này, sao đủ? Nên nấn ná. Nên miệt mài. Nên mải mốt mời gọi những đôi mắt,
những trái tim, những tấm lòng. Để thu góp cho nhau những hạt ngọc trời nếu thiếu bàn tay người chắt chiu và gìn giữ, cuộc sống sẽ nghèo nàn và vô cùng
buồn bã, sẽ mất trắng biết bao tặng phẩm kỳ diệu Tạo hóa yêu thương giành tặng cho con người để
đền bù kiếp nhân sinh ngắn ngủi.
8/2016 Bùi Bích Hà Theo http://chimvie3.free.fr/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét