Ngô Tất Tố: Cây bút một lòng
tận trung với đất nước nhân dân
Nhắc
đến dòng văn học hiện thực phê phán Việt
Nam, chúng ta có thể bắt gặp một vài gương mặt nổi bật như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao hay Vũ
Trọng
Phụng và
không thể bỏ qua Ngô Tất Tố, cây bút đấu tranh cho giai cấp,
dân tộc trong giai đoạn 1930 - 1945.
1. Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố
Tác giả sinh năm 1893 trên mảnh đất kinh kỳ, nơi hội tụ tinh hoa của hầu hết những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học lúc bấy giờ.
Ngô Tất Tố xuất thân trong một gia đình nhà nho gốc nông dân nghèo nên từ lúc nhỏ, ông sớm được thụ hưởng một nền giáo dục từ đạo Khổng.
Năm mười tám tuổi, ông nội đã dạy tiếng Hán cho Ngô Tất Tố nhưng con đường công danh lại lận đận, nhà văn nhiều lần lều chõng lên đường đi thi hương thì bị hỏng ở kỳ đệ nhất, sau này cũng không thể qua được kỳ đệ nhị. Hình ảnh chân dung nhà văn Ngô Tất TốNăm 1917, phủ Toàn quyền Đông Dương quy định lại bộ máy giáo dục ở miền Bắc lúc bấy giờ, chế độ thi cử bằng chữ Hán nhường chỗ cho tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, điều này đã tác động rất mạnh mẽ đến bộ mặt đời sống xã hội mà theo Tế Xương thì:
“Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!”
– Đổi thi
Bởi Ngô Tất Tố thuộc vào thế hệ các nhà nho cuối mùa nên sự kiện trên đã đặt ra cho kẻ sĩ rất nhiều thử thách, từng là người được thụ giáo những
quan niệm của Khổng Tử, Mạnh Tử thì giờ đây, khi ông chứng kiến cảnh nền Hán học hơn nghìn năm rực rỡ bị sụp đổ thì nhà văn đã quyết định cho mình một lối đi riêng.
Thay vì lui về ở ẩn rồi dạy học tại các làng quê hay ra chợ lang thang làm các nghề như bói toán, ông đồ viết thư pháp giống những bạn làng nho khác thì Ngô Tất Tố lại lựa chọn đến với nghiệp báo, dịch sách để nương tựa sống qua ngày.
Năm 1922, Tản Đà thành lập nhà xuất bản riêng là Tản Đà thư cục, chính nơi này đã cho ra mắt tác phẩm dịch Cẩm hương đình đầu tay của Ngô Tất Tố, từ điểm xuất phát đó, chúng ta thấy được tác giả đến với văn chương không giống như các nhà văn khác.
“Thi
chữ Nho bãi rồi, tôi mới tính đến nước đi ngồi dạy học. Ngồi dạy học ông tính thì còn có gì. Bởi nhàn rỗi quá, không có
việc gì mà làm, tôi mới nảy ra ý tưởng viết văn. Tôi dịch cuốn Cẩm hương đình. Năm ấy tôi đã 22 tuổi.”
– Ngô Tất trả lời phỏng vấn của tờ báo Con Ong
Một thời gian sau, những bài viết của ông được đăng tải trên các tờ báo khác như Phổ thông, Trung Bắc chủ nhật hay Thời vụ và cả Hà Nội tân văn, đa phần tác phẩm đều có nội dung lên án, phản ánh thói hư tật xấu trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Sau này Ngô Tất Tố bắt đầu chắp bút nhiều hơn với một số thể loại khác như tạp văn, phóng sự hay tiểu phẩm báo chí, chính điều này đã giúp cho ông có nền tảng vững chắc trong việc lập luận cũng như quan điểm sáng tác của bản thân.
Tư tưởng yêu nước của nhà nho nghèo Ngô Tất Tố được thể hiện rõ nét trong các tiểu thuyết lịch sử là Vua Hàm
Nghi với việc kinh thành thất thủ và Đề Thám,
để rồi sau này, tác giả đã lựa chọn trở thành cây bút một lòng tận trung gắn liền với đời sống nhân dân.Hình ảnh bìa của cuốn sách Ngô Tất Tố tuyển tậpKhông chỉ dừng lại ở đó, ông còn viết về sự khắc nghiệt, trói buộc của chế độ thi cử phong kiến trong Lều chõng hay Tập án cái đình lên
án những hủ tục lạc hậu và quái gở tại một làng quê do cường hào địa chủ nắm quyền thống trị.
Thuộc trong số những nhà văn giao thời cũng như dòng văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945, Ngô Tất Tố đã chứng minh được tài năng khi chập chững bước chân vào văn đàn và Tắt đèn chính là
tiểu thuyết giúp cho tên tuổi của ông vụt sáng.
Đọc những trang viết mang tên Ngô Tất Tố, người ta sẽ dễ dàng nhìn thấy được bản tố cáo đanh thép khi nói đến sự tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến cũng như tình yêu nước thương dân mà nhà văn luôn xây dựng trong suốt sự nghiệp cầm bút.
Với quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, trước Cách mạng tháng Tám nhà văn chủ yếu viết về đề tài số phận người nông dân, đó là câu chuyện xoay chính sách sưu thuế nặng nề cũng như việc áp bức bóc lột sức lao động, sau 1945 thì ông tập trung tuyên truyền, phục vụ kháng chiến.
Và Tắt đèn chính
là tác phẩm tiêu biểu cho cảm quan sáng tác cũng như phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố, khi nói về cuốn sách, Nguyên
Hồng đã
nhận xét rất rõ rằng:
“Ngòi bút rắn chắc của Ngô Tất Tố đã không e dè đưa lên những sự thật. Người nông dân giãy lên trên những dòng chữ của Ngô Tất Tố. Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thực, căm giận, chửi rủa và phá bỏ. Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố còn ở chỗ đi sâu vào những khía cạnh đen tối, sai trái của kẻ thù.”
Bởi Balzac từng nói, nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại nên Ngô Tất Tố luôn có sự chuyển mình trong sáng tác sao
cho phù hợp với bối cảnh xã hội, ngòi bút Nho giáo tiến bộ ấy đã không ngừng tận tụy vì dân, vì nước đến hơi thở cuối cùng.
2. Ngô Tất Tố là cây bút xuất sắc trong dòng văn học hiện thực phê phán
Văn học hiện thực phê phán hình thành không chỉ đáp ứng yêu cầu của những cuộc đấu tranh xã hội trong một thời lịch sử đầy biến động mà còn góp phần giúp cho tư tưởng, ý thức con người ngày càng phát triển.
Sự ảnh hưởng từ phong trào cách mạng do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo đã khiến đông đảo các tác phẩm đủ mọi thể loại được ra đời, chúng ta có thể điểm qua Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan hay Nam Cao với Kép Tư Bền.
Và Ngô Tất Tố cũng không ngoại lệ, thuộc trong số những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán, ở mỗi trang văn ấy luôn thể hiện được sự phản kháng quyết liệt trước Nho giáo với các quan điểm lạc hậu.Hình ảnh bìa tiểu thuyết phóng
sự Lều chõngLà một nhà nho cuối thời, trong Con cháu
khôn hơn ông vải thì việc làm quan dựa theo lời Khổng Tử dạy cũng phải tùy thời, tùy thế.
Nếu Nguyễn Tuân trở về tìm lại những nét đẹp của chế độ khoa cử thời phong kiến ở Vang bóng một thời thì Lều chõng lại châm biếm sâu sắc mặt trái của nó.
“Không
hiểu vì sao người ta lại cứ bắt tội trẻ con phải học những sách quái gở? Những đứa độ tám, chín. tuổi, mới vỡ lòng được vài bốn tháng, còn biết đời “hỗn mang” là cái gì, kẻ “hiền hào” là người như thế nào, vậy mà chúng nó cứ phải học cho thuộc lòng, thật.là một sự khổ cho con trẻ”
– Lều chõng
Với bản lĩnh của một cây bút có tư tưởng độc lập và vững chắc, Ngô Tất Tố luôn tìm mọi cách để không ngừng phát triển tư tưởng sao cho kịp thời đại, từ đó trong Việc làng, nhà văn lên
tiếng phê phán nghiêm khắc một xã hội lạc hậu.
Ông thấy rõ được sự thối nát ở phong trào phục cổ do thực dân Pháp đề xướng và cả tấn bi kịch đau xót không chỉ của các nhà nho có tài trong thời đại lúc bấy giờ mà còn là nhân dân, họ như những con rối thui chột không có thuốc chữa.
Qua một số tác phẩm phóng sự của Ngô Tất Tố, độc giả có thể thấy rõ được từ những tục lệ quái gở đến lớp tri thức cũ với cái nhìn hạn hẹp và cả đời sống nhân dân trong hoàn cảnh nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, đặt ách đô hộ cùng xã hội phong kiến hỗn loạn.
“Một nước giống như một cái xe bò, lớp trí thức là người làm bò, lớp dân quê là người đẩy xe.”
– Việc làng
Theo Ngô Tất Tố thì hủ tục không phải là thứ thiên kinh địa nghĩa, nó vẫn có thể thay đổi nếu phái tri thức khai hóa cho dân quê, nhà văn luôn dồn
hết bút lực vào những trang viết để giúp nhân dân có cái nhìn rộng lớn hơn trước một xã hội đang không ngừng đổi thay.
Thông qua các tác phẩm, Ngô Tất Tố phê phán những tục lệ do lũ địa chủ cường hào đặt ra để kiếm lời, cướp cái ăn, cái mặc và khoe khoang quyền lực trên mồ hôi nước mắt của nông dân.Hình ảnh bìa tiểu thuyết phóng
sự Việc làngTắt đèn cũng không ngoại lệ, bức tranh thôn quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám nhuốm một màu khốn khổ và nhục nhã khi đi qua ngòi bút của Ngô Tất Tố cũng trở nên chân thực, rõ nét hơn cả.
Văn học được xem là thứ vũ khí lợi hại đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của xã hội nên khi Tắt đèn ra đời, ông không che đậy mà mạnh dạn lên án chế độ phong kiến mục nát cũng như trực tiếp vẽ lên bức tranh đời sống đói khổ của nhân dân lúc bấy giờ.
“Mõ lại thúc, trống lại giục, tù và lại inh ỏi thổi lên.
Ánh nắng bứt rứt chiếu đến nửa sân đình. Mấy con trâu, bò vẫn nằm gò lưng dưới những gốc gạo, gốc đa, hơi thở trong
cổ họng kéo ra hồng hộc.”
– Tắt đèn
Sưu cao thuế nặng khiến con người lâm vào cảnh lầm than, họ luôn mang trên mình sự kiệt quệ và rũ rượi, anh Dậu dù ốm đau bệnh tật cũng phải gắng sức đi vay mượn nhưng không đủ, cuộc đời khốn nạn ấy đã dồn anh đến bước đường cùng.
Cả người sống và người chết đều phải nộp thuế, chính lòng tham không đáy ấy đã khiến cho những số phận cùng cực không có tiếng nói, họ phát ra âm thanh kêu gào thảm thiết nhưng chẳng có ai nghe.
Ngô Tất Tố phơi bày rõ cái giả dối của bọn dân
quan bán nước từ đó ông thể hiện được sự phản bác rõ ràng cũng như cuộc đấu tranh mạnh mẽ không chỉ của nhà văn mà còn là toàn thể nhân dân đối với xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
3. Cầm bút là để đồng hành với nhân dân
Tử thuở ấu thơ, Ngô Tất Tố đã gắn bó với ruộng đất cày cấy nên cái đói, cái nghèo đã
ăn sâu vào tận xương tủy, sự bóc lột vô hạn cũng như cuộc đời tù túng đã giúp ông có niềm yêu thương tha thiết và đồng cảm với số phận của những người nông dân khốn khổ.
Nhà văn luôn xây dựng vững chắc tư tưởng trong việc tìm lại quyền sống và sự công bằng cho nhân dân, từ chương Lớp người bị bỏ sót thuộc Việc làng,
chúng ta sẽ có một cái nhìn cảm thông hơn đối với những số phận không có tiếng nói cho riêng mình.
“Một người chăm
chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha.”
– Lớp người bị bỏ sót
Một tiệc ăn vạ cũng thế, những kiếp người ở quê làng nợ nần như đày ải trong ngục tù, sống không bằng chết, cực nhọc và tủi khổ, cuộc đời tăm tối ấy do sự giàu có của cường hào địa chủ quyết định.
Làng Đông Xá trong Tắt đèn vì
sưu cao thuế nặng mà thoáng chốc cũng biến thành một bãi chiến trường, cuộc sống mưu sinh khó khăn trên những luống cày khiến chị Dậu không còn sữa cho đứa con nhỏ, cái Tý phải cúi người ăn cơm thừa của chó.
“Dường như thương mẹ bị quở, cái Tý vội vàng đón lấy rá cơm. Rụt rè nó bốc một nắm bỏ vào miệng, uể oải nhai như bò nhai trấu.”
– Tắt đèn
Nạn sưu thuế trở thành một thứ dịch bệnh không có thuốc chữa, Tắt đèn ra đời năm 1937 như tiếng nói giãi bày nỗi khổ của người nông dân đồng thời cũng là lên án những việc làm bẩn thỉu, xấu xa mà thế lực cầm quyền vẫn đang thực hiện lúc bấy giờ.
Tiếng khóc lầm than vang mãi không dứt, ngày mai hay tương lai đều không rõ thế nào, chỉ biết ngay cả trong giấc ngủ, Lý trưởng cùng lũ cai lệ sẽ kéo đến phá những căn nhà tan hoang không
thể sửa, trong phút chốc, tất cả như biến thành cánh đồng chết chóc đầy rẫy nước mắt và lo toan.Hình ảnh bìa của tiểu thuyết Tắt đènNgô Tất Tố luôn có ý thức tự nguyện để văn chương gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân, ông dùng bút lực để giúp cho những con người lam lũ khốn khổ ấy có thể cất lên tiếng nói của mình cũng như đấu tranh cho một đời đau thương.
Ông phơi bày sự thật phía sau những lời nói giả nhân giả nghĩa của bọn thực dân nhân danh mẫu quốc, chúng thực hiện chính sách ngu dân, khiến dân ta chìm trong men say, khói thuốc, giống với Số đỏ, Ngô Tất Tố cũng nhắc đến lối sống đua đòi trong Cô Tây Hoẻn.
“Rồi tôi sẽ dìu dắt cho lũ trẻ làng ta ra ngoài ấy, dạy dỗ cho tiếng Tây thông thạo, phấn son vào, ăn mặc vào rồi mối manh cho khéo, bùa thuốc cho linh, thay quyền cha mẹ chúng mà gả bán cho Tây, thì phải biết là khá!”
– Cô Tây Hoẻn
Tác giả luôn nhìn trực diện vào hiện thực để phá bỏ xiềng xích và sống hết mình trong văn chương, từ đó khiến cho bản thân ngày càng đến gần với cuộc sống con người, hòa mình vào máu thịt của nhân dân để hiểu thấu nỗi đau khó lành mà họ phải trải qua.
4. Vẻ đẹp của một tài năng lớn mang cốt cách cao cả
Ngô Tất Tố không những là một nhà văn mà còn là nhà báo có đôi mắt nhìn rộng mở, các văn tiểu phẩm và phóng sự của ông liên tục đạt được sự thành công và xuất hiện hàng loạt trên các tờ báo nổi tiếng như An Nam tạp chí hay Hà Nội tân văn.
Cây bút tài năng mang trái tim tràn đầy yêu thương ấy đã khẳng định được vị thế của mình với Tập án cái đình được đăng trên tờ báo Con Ong, phóng sự đã giúp cho ông truyền tải được những giá trị nhân văn sâu sắc.Tác phẩm Kinh Dịch được Ngô Tất Tố viết năm 1944Hoàn cảnh xuất thân và lối sống từng trải giúp Ngô Tất Tố lột tả được một thời kỳ biến động với những gì chân thật mà đau thương nhất, trái tim nhạy cảm của ông luôn có sự rung động đối với số phận khốn khổ lầm than.
Đến với Ngô Tất Tố là đến với sự giãi bày nỗi lòng sâu kín, những cái nhìn nhân hậu trước cuộc đời đắng cay, cơ cực của người nông dân và quan điểm thẳng thắn về sự ung nhọt của xã hội phong kiến lạc hậu, đúng như giáo sư Phan Cự Đệ nhận xét rằng:
“Một người có tư tưởng độc lập, không chịu nhắm mắt theo những thành kiến của cố nhân.”
Ba mươi năm cầm bút dành trọn cuộc đời cho văn chương và sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã làm cho Ngô Tất Tố có một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam để rồi sau này tác phẩm của ông đã được đưa vào chương trình giảng dạy với giá trị nhân văn cao cả.
Ngô Tất Tố để trái tim gắn bó sâu nặng với người nông dân nghèo khó trong xã hội Việt Nam, mỗi tác phẩm ít nhiều cũng sẽ để độc giả có cái nhìn đồng cảm hơn về nỗi oan ức nhẫn nhịn mà họ phải trải qua.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngô Tất Tố xuất bản những tác phẩm để phục vụ cách mạng như Quà tết bộ đội hay Buổi chợ trung du, một tài năng luôn được người đời công nhận bởi những cống hiến lớn lao, giống như Lev
Tolstoy cho rằng:
“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng máu nóng của mình cho nhân loại.”
Từ một nhà Nho tiến bộ yêu nước đến một người chiến sĩ cách mạng, dù ở mặt trận văn chương hay cứu quốc thì Ngô Tất Tố vẫn luôn là tấm gương sáng, ngôi sao rực rỡ trên bầu trời xã hội Việt Nam trước và sau cách mạng tháng Tám.
6/11/2020 Minh Minh
6/11/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét