Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Cõi màu nào cho sông Hương

Cõi màu nào cho sông Hương

Tôi tin những giọt nước mắt ấy sẽ chở che cho màu xanh Huế - sông Hương trở nên trường cửu.
Nếu bình chọn một ngộ nhận lớn nhất về sông Hương, tôi sẽ không bình chọn truyền thuyết rằng để có dòng sông mang hương thơm từ nguồn ra biển, người dân hai bên bờ đã hái cỏ thạch xương bồ nấu từng nồi lớn rồi đổ xuống dòng sông; hương cỏ đã phảng phất dùng dằng theo sông hàng trăm, hàng nghìn năm qua; từ đó sông hoài mang cái tên “Hương” ngọt ngào sâu lắng.
Theo tôi, giữa quá nhiều giả thuyết về “dòng sông ai đã đặt tên?” thì truyền thuyết lãng mạn cỡ bậc nhất thế giới ấy, không hề là một ngộ nhận. Cái ngộ nhận lớn nhất, lại liên quan đến câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng lừng danh và kỳ dị: “Dạ thưa phố huế bây giờ/ Vẫn còn núi ngự bên bờ sông hương”. Nhiều người vẫn cho rằng chữ “ngự” và chữ “hương” ở câu thơ này là chỉ “núi Ngự” và “sông Hương” nên đã viết hoa ba chữ “Huế”, “Ngự”, “Hương” trong rất nhiều văn bản. Mới đây, thi sĩ xứ Huế Lê Huỳnh Lâm lục tìm trong sách báo cũ và trưng ra văn bản gốc trong Tạp chí Tư tưởng (Viện Đại học Vạn Hạnh) bài thơ 6 câu “Thôn xóm Thừa Thiên”:
“Vào thôn xóm trọ một chùa
Qua xuân tới hạ ghé chùa chiền hoa
Cô nương mắt ngọc răng ngà
Nhìn bồ tát gọi rằng là: dạ thưa
- Dạ thưa phố huế bây giờ
Vẫn còn núi ngự bên bờ sông hương”
Quả nhiên, như lời bình của Lê Huỳnh Lâm: “núi ngự” và “sông hương” có nghĩa rộng và sâu hơn “núi Ngự” và “sông Hương” trong ý nghĩa thi ca rất nhiều.
Tôi đem cái ngộ nhận mà chính tôi cũng từng đa mang từ thời trai trẻ lên đồi Vọng Cảnh một chiều mưa lất phất, bên kia sông khói lam chiều từ những mái nhà khuất trong tre trúc lơ lửng bay lên, từ đó nhìn xuôi hay nhìn ngược dòng trôi đều bất giác thấy ngập vào hồn cảm giác bao la bát ngát mịt mùng sương khói. Ở đó có một chỗ hàng triệu lữ khách đã dừng chân ngắm sông; cũng ở nơi đó bỗng nhiên có gốc thông điềm nhiên thư thái mọc riêng ra như một bàn tay nồng hậu để du khách đắm say có thể tựa vào. Tôi đã treo ngộ nhận của mình lên đó, thầm thì với những mái tóc không hề lả lơi chút nào của thông: chao ôi Huế, đến bao giờ mới hiểu hết những gì liên quan đến xứ sở này đây?
Nếu có một cuộc bình chọn dòng sông đẹp nhất thế giới, hẳn dòng sông Hương sẽ có tên, bởi từ xa xưa, sông ấy không chỉ đẹp trong mắt lữ khách, nó dường như đã in sâu vào tâm cảm bao người; sông ấy không chỉ đẹp qua bao biến thiên thăng trầm lịch sử mà còn đẹp trong tâm hồn bao thế hệ; sông ấy không chỉ là món quà của thiên nhiên ban tặng, sông ấy còn là một dòng sông tâm thức...
Nơi ngắm dòng sông Hương đẹp nhất, phải là từ Vọng Cảnh. Mùa Xuân, khi những cây thông thắp nến, sông đã trong xanh trở lại sau những ngày đục ngầu mưa lũ. Bấy giờ sông như một dải lụa xanh ngắt vắt ngang trời. Núi Kim Ngọc, Thiên Thai, Lựu Bảo... sẽ là bình phong cho dải lụa nền nã và sang trọng. Tưởng như từng sợi vải dệt nên dải lụa ấy, được dệt bằng triệu triệu ánh mắt yêu mến dòng sông và có cảm giác rằng bất cứ những ai đến Huế đều muốn có một lần được vuốt ve dải lụa mềm đã dệt đan từ vang vọng một màu xanh ngăn ngắt.
Sông Hương có bao nhiêu màu? Thật khiên cưỡng nếu cố tình đếm màu của sông như thể đếm 7 sắc cầu vồng bởi sắc màu bảng lảng chuyển luân trên các thời khắc sông Hương có thể nhiều hơn thế nữa. Con sông chảy giữa không gian bao la là một bảng phối màu tài tình đến nỗi bây giờ người ta cũng không biết sông có bao nhiêu sắc màu. Đỏ - cam - vàng - lục - lam - chàm - tím chỉ là 7 màu đơn; còn hoa đỗ quyên rừng đỏ thăm thẳm Trường Sơn, cam như hoa cánh kiến gợi những ngọn đuốc xa xưa trong truyền thuyết những đêm săn đầu người rùng rợn, chàm như những thân cổ thụ sót lại giữa hoang vu rừng già..., đã là những mảng màu đa mang phái sinh khác, quánh đọng những lưu dấu thời gian tâm thức và cả tâm linh.
Đếm màu sông Hương “sáng xanh, trưa tím, chiều vàng”, cũng chỉ là một công thức cũ càng. Sông cũng có nhiều khi chiều tím ngát, tím như từ chân núi tím ra, tím như theo gió biển khơi lan ngược lên nguồn, tím như một niềm hoài vọng, tím như ánh sáng chân trời chỉ có thể là màu ấy, lúc ấy, giờ ấy, khoảnh khắc ấy, như ai đó chờ ai. Tím như Đoàn Phú Tứ: “Màu thời gian thanh thanh/ Hương thời gian tím ngát”. Và màu vàng của sông nhiều khi đã mọc lên từ thượng nguồn bình minh đầy gió. Gió của mùa nam nồm khiến con sông vốn lặng nước mặt hồ bỗng sôi động vô vàn lưỡi sóng như những biến thể của cái vô hạn. Một màu vàng phơn nam, một màu vàng phóng khoáng của gió như thể đã thong dong theo các nàng tiên kiều diễm từ đáy sông bay lên. Trong cái màu vàng hoài mong phơn phớt thênh thang ấy, bỗng động vọng tiếng chuông chùa lan trên mặt sông ùa trên lá cỏ, chợt nhận ra một màu thiền đã từng an nhiên lững thững cùng đất trời xứ sở này suốt mấy nghìn năm.
Nhưng nhiều khi trong chốc lát hoàng hôn dần lịm tắt, sông hắt lên nền trời màu đỏ phảng phất như những cánh hoa đỗ quyên từ rừng thẳm. Và sông trắng hay vương trùm cõi lam (?), là màu ánh trăng trên sông đêm ly biệt, bối cảnh thoát thai giai điệu nức nở “Đêm tàn Bến Ngự” của nhạc sĩ tài hoa Dương Thiệu Tước, câu thơ siêu việt “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” của Văn Cao đầy trăng; và làm sao có thể quên: “Hương giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu” của đại thi hào Nguyễn Du... Trăng cũng là màu chiếc cầu Trường Tiền huyền thoại mà đến nay vẫn lặng im cất giữ bóng thời gian một thời hoàng kim rực rỡ...
Vậy thì làm sao có thể vẽ được sông Hương đa sắc màu trong một bức họa, làm sao có thể định hình được màu sông trong ánh mắt hạn hẹp cõi trần?
Nếu đếm màu sông Hương, làm sao có thể đếm được màu của bao nhiêu ánh mắt sang sông; còn nữa là màu nhớ nhung, màu hoài niệm, màu của hy vọng rong rêu lênh đênh theo ta suốt một đời người?
Nhưng có một điều không thể chối cãi là tất cả mảng màu mà sông Hương đã phối cảm trên nền trời trên hành trình từ đại ngàn về biển đều mang âm hưởng của màu xanh ngút ngàn rừng thẳm. Khởi thủy từ Trường Sơn, khởi thủy từ Bạch Mã, từ Động Dài, thác Cọp, từ những thôn làng A Mong, A Rí..., sông Hương thủy chung với một màu xanh hiền hòa của màu rêu đá suối hoang vu, của thạch xương bồ, của tre trúc, của đại ngàn trầm mặc. Sự thủy chung xanh rất đỗi minh triết ấy của sông chính là cội rễ cho người Huế từ xưa mọc lên trong tâm cảm ý thức xây dựng một đô thị xanh hài hòa rất mực với thiên nhiên. Khi một nhà thơ Huế đã thốt lên lời khấn nguyện “Ôi thành phố này, đừng có bốc hơi đi!” cũng là lời khẩn cầu cho sự thủy chung xanh ấy. Một trăm năm hay một ngàn năm sau nữa, liệu dòng sông có còn mang trong mình dòng chảy thủy chung xanh?
Tôi biết xứ sở này chưa bao giờ nguôi trong máu huyết của mình những giấc mơ xanh lớn lao. Như hơn nửa thế kỷ trước, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính đã phác họa cho Huế những khu lâm viên rộng lớn ở Bạch Mã, ở Thiên An...; kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn mơ một vườn xanh trên cồn Dã Viên và mùa Xuân đi ngắm hoa trong lễ hội thanh trà; “đôi mắt người sông Hương” - Thái Kim Lan từng mơ trong khói sương vườn phủ ngày Xuân tiếng gà canh năm xanh và thoang thoảng mùi hoa sầu đông tím... Và làm sao tôi có thể quên giọt nước mắt rơi xuống thềm rêu của một người Huế râu tóc bạc phơ như tro tàn tờ lịch khi ông nhìn thấy cây hoàng lan trong vườn An Hiên thương nhớ bị đại hồng thủy năm 1999 làm gãy đổ? Tôi tin những giọt nước mắt ấy sẽ chở che cho màu xanh Huế - sông Hương trở nên trường cửu. Đó là những giọt nước mắt có thể cứu vãn thế giới đang đau một cơn đau vô cảm, khiến cho từng ngày những khoảng rừng xanh biến mất vô hồi...
Khó mà định được màu sông Hương trong ánh mắt hạn hẹp cõi trần.
26-1-2017 
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Theo https://nld.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...