Thời gian trôi đi - Thơ đọng lại
(Đọc Nhịp thời gian của Lưu Trọng Phú
Nhà xuất bản Hội Nhà
văn 2008) Sau tập Lửa lòng in năm 2001, bảy năm sau (2008) Lưu Trọng
Phú trình làng tập thứ hai - Nhịp thời gian. Với bốn mươi bốn bài thơ lấy mốc từ
cuối năm 2003 đến gần hết năm 2007, cũng đủ thấy Lưu Trọng Phú có ý thức trách
nhiệm với thơ như thế nào. Anh không chạy đua theo số lượng như nhiều người đam
mê thơ phú thời nay nôn nóng vẫn làm, mà cẩn trọng tìm tòi, cố gắng vượt qua
chính mình, vượt qua thời gian, lắng nghe những rung động của cỏ cây, hoa lá mà
nuôi lớn hồn thơ.
Phải chăng trước một mùa thu lãng đãng với con nai vàng ngơ
ngác/ đạp lên lá vàng khô của tiền nhân ngày nào, nay lại có dịp vận vào hậu
thế, cũng bằng con mắt quan sát tỉ mỉ ấy, cũng bằng những rung động thi sĩ ấy,
có khác chăng là khác, thay vì con - nai - vàng - ngơ - ngác, nay là con - kiến -
đồng - dao “tí teo”. Anh viết:
Người ơi, quán dốc khó tìm
Để cho con kiến làm mềm cành đa
(Bao giờ)
Cái quán - dốc - khó - tìm nào đây? Niềm trắc ẩn nào ám vào
thi sĩ họ Lưu? Để rồi đến như loài kiến tí teo “thấp bé nhẹ cân” cũng khiến
cành đa to lớn, lực lưỡng, cứng rắn kia phải mủi lòng. Người xưa có câu: “Nước
chảy, đá mòn”; “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”! Phải chăng sự mẫn cán, cần cù,
tính kiên trì của loài kiến đã hóa giải, đã “thổi lửa” làm rung động, làm mềm
lòng cả cành đa vô vi vốn khô cứng, chai lỳ vì đời, vì sương gió; đã làm “mềm
hóa” tâm hồn vốn khô cảm, đặng thổi vào đấy luồng sinh khí của đất trời? Cũng bởi
chính có cái quán - dốc - khó - tìm đời sống ấy mà hình ảnh cành đa - con kiến
trong đồng dao xưa (Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào)
bỗng chốc biến thành thi ảnh, câu thơ trở nên hồn vía. Lòng - kiến, lòng - đa
hòa vào lòng cố nhân mà thổn thức.
Trầm ngâm nhìn dòng thời gian mải miết trôi để rồi nhận ra
bao kỷ niệm vui buồn, bao khát vọng… đang vội vã ngược về quá khứ mà cô đơn, tiếc
nuối… để rồi tự vấn, tự dằn vặt, tự trả lời :
Và cứ thế
Dòng thời gian vẫn chảy
Và cứ thế
Nhịp con tim vẫn đập
Và cứ thế
Ta và em tồn tại
Vậy mà
Sao lại chia xa?...
(Chia xa)
rồi lại buông mình trôi vào mộng mơ mà quên đi tuổi tác:
Nửa đời ta chẳng thơ ngây
Bên em ta hớp men say mất rồi
(Hoa hậu)
rồi thót tỉnh, giật mình ngẩn ngơ nhận ra thực tại mà bùi
ngùi:
Bây giờ còn lại mình tôi
Giật mình. Ước trở lại thời đôi mươi…
(Hoa hậu)
Cứ thế anh loay hoay như con ong mộng du, gạn hết những phấn
hoa mong manh của trần thế ngào trộn với bản năng, với óng ánh tâm linh nhiều
màu từ cõi xa xăm mà xây nên thành vách, mà tinh luyện mật ngọt để sống hết
mình với đời, hết mình với thơ:
Mùa xuân dường như mong manh
Như sợi tơ mành giăng mắc
Mùa xuân dường như rất thật
Dường như từ cõi xa xăm
(Bất chợt mùa xuân)
Lưu Trọng Phú người làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng
Bình. Anh sinh ra bên dòng sông Gianh hiền hòa, mộng mơ nhưng cũng lắng đầy nước
mắt. Dòng sông thời Trịnh, Nguyễn phân tranh nhận nỗi đau không muốn về mình
làm nhát cắt ngăn giới tuyến chia đất mẹ thành hai xứ: Xứ đàng ngoài và xứ đàng
trong, mà trầm mình trong tiếng cuốc kêu ai oán. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại chuyện
xưa, ta hãy còn thấy cay cay nơi khóe mắt. Và có lẽ chính cái cay cay nơi khóe
mắt một thời ấy đã hằn dấu lên bao thế hệ quê anh, lên tuổi thơ anh, cho đến tận
bây giờ sau những thăng trầm dẫu dòng sông ấy lại hiền hòa, gần gũi như bao
dòng sông chảy qua trên quê hương đất Việt ta, nhưng đâu đó sâu thẳm trong tâm
hồn anh, ở một góc khuất nào đó, người đọc thường bắt gặp phảng phất một nỗi buồn
man mác:
Khắc nào em của ngày qua
Khắc nào em vẫn còn là trong tôi
(Trước biển)
Cũng như bao người làm thơ thời nay, anh chăm chút nhiều cho
mảng thơ tình. Anh say mê với một nắng cớm mà lòng trống trải, chơi vơi để rồi
ngờ vực chính mình Ai đem hồn tôi/ thả về miền nhớ/ ai đem hồn tôi/thả về gác
trọ. Anh ngu ngơ trước vầng trăng đang lên để rồi mải miết đuổi theo “bóng chim
tăm cá" đã ở cuối trời. Anh mắc nợ một nụ hôn nửa đời còn dằn vặt, đớn
đau. Anh chỉ dám chiêm ngưỡng từ xa một tà áo trắng tinh khiết để mong giữ lại
được mãi một chút thương chút nhớ … Cứ thế mà làm nên “vôi vữa” kết dính hồn
thơ:
Từng nhát bay như múa
Trên đôi tay nhịp nhàng
Em say cùng vôi vữa
Khắc họa chiều không gian
(Tâm tình cô thợ xây)
Khắc họa chiều không gian hay khắc họa thơ? Đó là những mảng
của đời sống lung linh, là nhịp điệu của thời gian mà Lưu Trọng Phú muốn giãi
bày, muốn chạy đua, muốn thử sức, bằng tất cả nhiệt huyết, bằng chính cả cuộc đời.
Trong cuộc chạy maratông “hụt hơi” đến với nàng thơ, tôi thấy Lưu Trọng Phú gần
gũi biết bao, trân trọng biết bao… vẫn biết đích cuối cùng còn nhiều bề lắm,
nhưng tôi muốn nói với Lưu Trọng Phú một điều: hãy đến với nàng một cách mạnh mẽ,
tự tin chớ đừng đứng từ xa chỉ để chiêm ngưỡng, chỉ để - giữ mãi một chút hương
thương nhớ.
Quảng Bá, 1/3/2008
Lê Quang Sinh
Theo
http://baobariavungtau.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét