Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Xuân Quỳnh: Trái tim dung dị của làng thơ Việt Nam

Xuân Quỳnh: Trái tim dung dị
của làng thơ Việt Nam

Xuân Quỳnh là nữ thi sĩ tài hoa của văn đàn Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp, hồn thơ của cô bắt rễ từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống và nở hoa trên nghệ thuật đặc sắc qua tài năng của người nghệ sĩ.
Cuộc đời Xuân Quỳnh đẹp và bình dị như chính con người cô nhưng cũng quá đỗi ngắn ngủi, tuy nhiên nhà thơ cũng đã kịp để lại cho đời một phần hồn trong sáng và thấm nhuần cảm xúc chân thuần, tha thiết trong các thi phẩm đặc sắc của mình.
1. Xuân Quỳnh và sứ mệnh cao cả mang tên tình thương
Nhà thơ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, bà sinh trường trong một gia đình công chức vào những năm đất nước chìm trong đau thương của lửa đạn, tuổi thơ của nữ thi sĩ gắn liền với bao mất mát thương tâm nhưng chính điều ấy đã góp phần hun đúc nên tấm lòng đong đầy tình yêu thương của bà với cuộc sống sau này.
Xuân Quỳnh là nhà thơ của những điều bình dị
Mẹ của Xuân Quỳnh là bà Nguyễn Thị Trích sau khi sinh hạ đứa con gái thứ hai là nhà thơ thì cũng lâm vào căn bệnh lao hiểm nghèo, không lâu sau bà qua đời trong cơn bạo bệnh và để lại hai đứa con thơ bơ vơ lớn lên trong sự khiếm khuyết của tình mẫu tử.
Ít lâu sau, cha bà là ông Nguyễn Quang Thường cũng tái giá với người phụ nữ khác vì mong muốn mẹ già có người chăm nom, con thơ có người dạy bảo nhưng quyết định của ông đã gây nên rất nhiều mâu thuẫn trong gia đình.
Cuối cùng, cha của Xuân Quỳnh cùng người vợ sau và bốn đứa con riêng trong hoàn cảnh túng quẫn của gia đình đã lựa chọn vào Nam để làm ăn, hai chị em Xuân Quỳnh và Đông Mai ở lại sống với bà nội.
Từ đây, tuổi thơ của nữ thi sĩ và chị mình chính thức vắng đi bóng dáng của những người thân thương nhất, cả hai phải chịu cảnh sống túng bần và mồ côi tuy nhiên đó chưa bao giờ là cái cớ để Xuân Quỳnh oán trách cuộc đời hay người thân của mình.
Ngay từ thuở nhỏ nhà thơ đã sống rất tình cảm, cô biết nhường nhịn với những người xung quanh và luôn khóc mỗi khi bố về thăm, Xuân Quỳnh chưa bao giờ giận bố và sự ra đi của mẹ càng khiến nhà thơ khát khao mãnh liệt về một mái ấm vẹn tròn.
Xuân Quỳnh cả đời luôn mang 
một sứ mệnh cao cả là yêu thương
Vì vậy sau này khi được làm mẹ, nhà thơ đã dành tất cả tình yêu thương cho con cái, cô cố gắng vun vén những gì tốt đẹp nhất cho mái ấm gia đình nhỏ của mình, chính những tổn thương thuở ấu thơ đã làm nên một trái tim lớn đầy ấm áp.
Ngoài gia đình, Xuân Quỳnh còn dành một niềm trân quý vô bờ đối với chị Đông Mai của mình, tình cảm ấy lớn đến nỗi khiến cô yêu quý tất cả những ai đối tốt với chị gái nhưng đồng thời nó cũng có phần tiêu cực khi nhà thơ nói với cháu gái của mình rằng ai làm mẹ con khổ, đó là kẻ thù của cô.
Xuân Quỳnh là người sống trọng tình cảm, cuộc đời cô gắn liền với sứ mệnh đem yêu thương gửi đến con người qua những vần thơ đong đầy chất lãng mạn để rồi đến bao thập kỷ sau, hồn thơ của cô vẫn sống mãi với tháng năm.
“Trời đày em xuống trần gian để sống cho người khác, như người trồng cây, cây đơm hoa kết trái thì trời gọi em về, để lại cho đời hoa thơm và trái ngọt.”
– Một nửa cuộc đời tôi
Chính vì vậy sự ra đi của Xuân Quỳnh đã khiến cả trăm triệu trái tim phải hẫng đi một nhịp bởi sự đau lòng, tiếc thương và trân quý cho một tài năng đang trên trong giai đoạn thăng hoa phải chịu sự cay nghiệt của số phận.
Hồn thơ Xuân Quỳnh vừa bình dị vừa lãng mạn
Đặc biệt là người chị Đông Mai bởi mất Quỳnh, chị như mất đi nửa cuộc đời vì nhà thơ vừa là người em gái thương mến vừa là người bạn tâm giao của Đông Mai.
Tình cảm của hai chị em đã vượt lên trên mọi rào cản về tuổi tác, khoảng cách và khắc nghiệt cuộc sống nhưng cuối cùng lại chẳng thắng được sinh tử.
Tuổi của Xuân Quỳnh dừng mãi ở độ tứ tuần ấy nhưng phần hồn cô gửi vào đời thơ của mình vẫn luôn sống mãnh liệt bên trong trái tim mỗi độc giả, đập cùng nhịp đập với thời gian và không bao giờ lụi tàn theo thời đại.
2. Xuân Quỳnh và câu chuyện tình đẹp mang tên bi thương
Trước khi bén duyên với nghiệp thơ, nữ thi sĩ từng có một khoảng thời gian theo đuổi nghề múa, cô được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương để đào tạo thành diễn viên múa chuyên nghiệp và đã nhiều lần lưu diễn ở nước ngoài.
Xuân Quỳnh là người nghệ sĩ đặt cả trái tim trong vần thơ
Thuở còn trẻ, Xuân Quỳnh là một thiếu nữ nổi danh với sắc đẹp duyên dáng và tài năng múa nổi bật khiến không ít trai phải si mê, nhiều người còn thông qua cách lấy lòng chị Đông Mai để được tiếp cận với cô, thời hoa niên của nhà thơ trải qua vô cùng rực rỡ.
Tuy nhiên sau không ít câu tỏ lòng của bao chàng trai, Xuân Quỳnh đã quyết định dừng chân với bến đỗ Lưu Quang Tuấn, một nhạc sĩ vĩ cầm cũng ở Đoàn văn công nhân dân Trung ương, nhà thơ thường tâm sự với chị gái về tình yêu này nhưng Đông Mai luôn cảm thấy giữa họ vẫn còn một điều gì đó ngăn cách.
Giữa Xuân Quỳnh và Lưu Tuấn luôn có một bức tường khoảng cách không ai hiểu rõ nhưng vì tình yêu, nhà thơ nghĩ chỉ cần bước vào đời sống hôn nhân sẽ dần cảm hóa được trái tim của người kia và phá vỡ khoảng cách của hai người.
“Anh ấy là những động tác cơ bản đẹp chứ chưa thành điệu múa, là một bát phở ngon không có gia vị, chỉ là một cốt truyện hay chưa viết thành văn…”
– Lời bộc bạch của Xuân Quỳnh với chị gái Đông Mai
Tuy nhiên, trong cuộc đời luôn có những chuyện xảy ra không theo ý muốn con người, đặc biệt là tình cảm không thể cưỡng cầu, những khác biệt trong ý niệm và hai tâm hồn không cách nào đồng điệu đã kéo đôi vợ chồng đến những vòm trời khác nhau.
Bức thư mộc mạc nhưng đầy chất tình 
mà Lưu Quang Vũ gửi đến vợ mình
Sau bao mâu thuẫn ngày càng lớn trong hôn nhân, ly hôn là chuyện không thể tránh khỏi, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Tuấn cuối cùng cũng chia xa nhưng cô vẫn sống chung tòa nhà với chồng và con là Lưu Tuấn Anh ở phố Huế, Hà Nội.
Trong khoảng thời gian này, Xuân Quỳnh làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Tác phẩm mới và cũng sáng tác không ít thơ ca, đồng thời cô đã gặp được chân ái của đời mình là nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ.
Chuyện tình của hai người vướng phải không ít dị nghị và ngăn cản bởi trước đó cả hai đều đã có những nứt vỡ trong hôn nhân nhưng bằng tình yêu chân thành và mãnh liệt, họ đã vượt qua tất cả.
Câu chuyện của Xuân Quỳnh và Lưu quang Vũ giống như ngôn tình ở đời thực, trong ngôi nhà nhỏ của họ trên phố Huế có “con anh, con tôi, con của chúng ta” và những tiếng cười chưa bao giờ ngớt.
Đối với cả hai mà nói, đi qua những nứt vỡ từ cuộc hôn nhân trước đã phần nào giúp họ thấu hiểu và trân quý nhau hơn.
Tình yêu cuộc sống luôn là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi ca, vậy nên từ tình yêu nồng nàn mà đôi vợ chồng dành cho nhau đã viết nên không ít những bản tình ca đẹp đẽ, Lưu Quang Vũ luôn dành cho Xuân Quỳnh những câu từ mộc mạc, chân thành nhưng không kém phần lãng mạn.
Sau bao đỗ vỡ trong tình yêu cuối cùng nữ thi sĩ 
cũng tìm được bến đỗ an yên của đời mình
Trong những chuyến công tác xa nhà, nhà thơ luôn nhận được những bức thư đầy tình yêu thương của chồng, những dòng thư như được viết nên từ cảm xúc nhớ nhung mãnh liệt mà tha thiết của Lưu Quang Vũ, anh chia sẻ với Xuân Quỳnh từ những điều bình dị đến lớn lao nhất trong cuộc sống.
“Em đi đã được một tuần. Nhớ em và buồn lắm. Mấy bố con ở nhà vẫn bình thường. Mẹ đi vắng. Mí cứ quấn bố, tối không chịu xuống bà. Hôm nào cũng bảo: bố với em đi đón mẹ đi. Mí ăn được, ngủ được, vẽ thêm nhiều tranh mới. Tuấn Anh xuống bác, bà Tuấn Anh vẫn ở đây, ngày nào Tuấn Anh cũng về đi bơi, xong ăn cơm chiều với bà hoặc với anh rồi lại xuống bác. Kít thì vẫn về luôn.”
– Lưu Quang Vũ
Trong suốt mười lăm năm đằng đẵng, tình cảm của đôi vợ chồng vẫn vẹn nguyên như thuở đầu, Xuân Quỳnh còn cảm thấy khoảng thời gian sống chung chưa bao giờ là đủ, đời sống ngọt ngào của họ đi từ trái tim nồng cháy tràn ra trang giấy trắng thành những vần thơ lưu danh muôn đời.
3. Đau thương ập đến với số kiếp bất hạnh của người nghệ sĩ tài hoa 
Những tưởng Xuân Quỳnh sẽ sống một cuộc đời rực rỡ và cống hiến hết mình cho văn học bằng tài năng xuất chúng nhưng trời cao không thương người tài, thượng đế để cô rời xa nhân gian trong một tai nạn tang thương cùng chồng và con của mình.
Cái chết của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là một mất mát đầy đau đớn đối với bạn bè thân hữu nói riêng và đất nước nói chung, tình yêu của cả hai cùng chôn lại nơi đất sâu còn tài năng lại nở hoa ngát hương trong lòng độc giả muôn đời.
Xuân Quỳnh và những trang thơ 
bình dị đi sâu vào hồn người
Xuân Quỳnh ra đi nhưng những thi phẩm của cô vẫn sống mãi, đề tài trong thơ ca nhà thơ chủ yếu hướng về ký ức thơ ấu, tình yêu đất nước và hạnh phúc gia đình nên thường được đưa vào chương trình giảng dạy, đồng thời cũng nhận được sự yêu mến của rất nhiều độc giả bởi những câu từ bình dị mà sâu lắng gợi lên vô vàn cảm xúc.
Một số thi phẩm tiêu biểu như Sóng, Thuyền và bến, Tiếng gà trưa và một số sáng tác khác vẫn còn vẹn nguyên sức sống cho đến ngày hôm nay, bài thơ Sóng còn phổ thành nhạc và được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?”
– Sóng
Những thi phẩm của Xuân Quỳnh không chỉ chứa đựng cảm xúc tha thiết của người viết và những điều dung dị trong đời sống thường nhật mà còn tiềm ẩn một chất tình rất đỗi lãng mạn, điều này đã làm nên vân chữ riêng không cách nào trộn lẫn với người khác của nhà thơ.
Bằng sự tài hoa của mình, Xuân Quỳnh đã có những cống hiến không nhỏ đối với nền văn học nước nhà, điều này đã giúp cô nhận được sự công nhận của đông đảo độc giả qua giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà Nước và được Google Doodle vinh danh.
Đời thơ của Xuân Quỳnh đã dệt trên dải lụa văn học nước nhà một đường chỉ tinh tế, phần hồn mà cô gửi lại qua mỗi vần thơ sẽ còn ở đấy và sống mãi với tháng năm. Xuân Quỳnh là một cái tên, một cuộc đời và một tài năng bất hủ với thời gian.
30/10/2020
Diệu Uyển
Theo https://revelogue.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...