Thi nhân Việt Nam 4
Thâm Tâm
Chính tên là Nguyễn Tuấn Trình. Sinh ngày 12 - Mai - 1917 ở Hải
Dương. Học ở Hải Dương.
Hiện viết giúp: Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá.
Bài thơ này trích dưới đây rút ra ở tập Thơ Thâm Tâm chưa xuất
bản.
Thơ thất ngôn của người ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn
cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây lại thấy sống lại cái không khí riêng của
nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rõi, gân guốc. Không mềm
mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó
hiểu của thời đại.Novembre - 1941
TỐNG BIỆT HÀNH
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước.
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cùng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc
Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.
(1940)
Phan Thanh Phước
Dòng dõi Phan Thanh Giản. Chánh quán ở Nam kỳ. Sinh ở Huế năm
1916. Học ở Quản Trị, Faifo, Huế. Có bằng thành chung. Hiện làm việc ở Nam Triều.
Bài thơ trích sau đây rút trong tập Vương hương chưa xuất bản.
Phan Thanh Phước nói: "Một bài thơ của tôi xong là tôi tự
thấy sút kém một tí sức trong sức khỏe của tôi, như vậy tức nhiên có một phần sức
khoẻ của tôi đã vào trong thơ tôi, tôi tự hỏi thế là trong thơ tôi có cả hồn lẫn
xác tôi chăng" [1].
Chú thích:
[1] Trong một bức thư gửi cho chúng tôi ngày 24.3.41
Ai đọc hết tập Vương hương chắc cũng có cảm giác ấy: trong
thơ Phan Thanh Phước quả có cả hồn lẫn xác và cái xác đã làm tội cái hồn. Một
bài thơ hay, dầu nhẹ nhàng vui vẻ, dầu sầu não thương đau, bao giờ cũng là một
sự giải thoát. Giải thoát ra khỏi cái u tối của xác thịt để sống cái sáng láng
của linh hồn. "Tự giác nhi giác tha", cái tôn chỉ của nhà Phật cũng
là tôn chỉ nhà thơ. Phan Thanh Phước ít khi đạt được tôn chỉ ấy. Ta thấy người
khổ sở lắm, mỗi bước mỗi ngập ngừng, mỗi bước mỗi vấp vào xác thịt. Tập Vương
hương với cái tên yêu kiều, đã bày ra một cuộc hỗn chiến gay go, đau đớn giữa
xác và hồn.
Kể cũng đáng tiếc, mỗi lần Phan Thanh Phước thoát ly được ra
ngoài cái vương víu của xác thịt, người tỏ ra có bản lĩnh lắm.
Tôi vẫn biết người có tính ưa lập dị, nhưng dầu sao cũng là một
tâm hồn phong phú hay hay.
Khi người yêu, mối tình của người luôn luôn thắc mắc. Người
có ngồi suốt đêm nhìn người yêu hay không, không ai biết được. Nhưng người đã
có những cảm giác của một người thức đêm như thế:
Anh đã thức trọn đêm không biết nhọc
Ngồi lặng yên cho mắt ngắm em say;
Đời vắng xa, xa hết những chua cay
Còn em đẹp mềm thơm và chua ngọt.
Song gần nhau lâu rồi cũng có khi chán. Lúc bấy giờ người sẽ
sống lại cái vui xưa:
Muốn sống êm ta gợi phút yêu đầu,
Anh bỡ ngỡ say em người xa lạ.
Thiết tưởng ta vẫn có thể để hy vọng vào những tác phẩm sau
này của Phan Thanh Phước.
Octobre-1941
ĐÊM TẦN
(Tặng Vương Sương Linh)
Canh trăng sương dẫn phiên về,
Buồn thao thức đọng bốn phương nghiêm lâu;
Sân mê ngậm bóng cây sầu:
Liễu nghiêng tóc rũ trước lầu gió se.
Địch rầu giọng kéo lê thê
– Thơ ai khuya lạnh ngã đề tương tư?
Nến hao lệ ứa từ từ,
Ngẩn ngơ tựa gối nàng như mất hồn.
(Vương hương)
Lưu Trọng LưSinh năm 1912 ở Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Học
trường Quốc học Huế đến năm thứ ba, ra Hà Nội học tư rồi bỏ đi làm báo, làm
sách cho đến nay.
Chủ trương Ngân sơn tùng thư, Huế (1933- 1934).
Đã viết giúp: Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Tiến hóa,
Hà Nội báo, Tân thiếu niên, Tao đàn...
Đã xuất bản: Tiếng thu (1939).
Lư đang nằm trên giường xem quyển "Tiếng thu" bỗng
ngồi dậy cười to:
- A ha! Thế mà mấy bữa ni cứ tưởng...
- ?
- Hai câu:
Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh,
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi.
mấy bữa ni tôi ngâm luôn mà cứ tưởng là của Thế Lữ...
Thì ra hai câu ấy của Lư!
Ở đời này, ít người lơ đãng hơn. Thi sĩ đời nay họ khôn lắm,
có khi ranh nữa, Và yêu thơ, thường ta chả nên biết người: thiệt thòi cho họ và
thiệt thòi ngay cho mình. Nhưng yêu thơ Lư mà quen Lư vô hại, thì đời Lư cũng
như một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác
ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết. Giá
một ngày kia Lư có nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết ta cũng không nên ngạc
nhiên tí nào.
Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta
hãy tin rằng tiếng kia màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của
Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy
gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày xuống các con đường Hà Nội,
mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào.
Cảnh mộng có khi cũng có màu sắc như chiếc cánh diều lững thững
trên sườn núi hay con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu. Nhưng thường ta chỉ thấy
những cảnh rất mơ hồ, không có ở thời nay mà cũng không có ở thời nào. Hãy đọc
bài "Thơ sầu rụng": Bóng người con gái quay tơ trong đó ẩn sau một
màn mây mờ. Ta biết có nàng nhưng ta không thấy nàng và ta cũng chớ nên tìm
nàng làm chi... Cứ để lòng trôi theo cái âm hưởng đặc biệt của bài thơ, ngân
nga, dằng dặc, buồn buồn, đều như tiếng guồng xa... Sau bài thơ bát ngát một trời
đất ta không hiểu, thi nhân cũng không hiểu.
Nhưng dầu sao con người mơ mông ấy cũng đã rơi xuống giữa cõi
trần, người đã sống một cuộc đời rất thực ở trần gian. Có điều mỗi khi kể lại
những chuyện thực trong đời mình, người để xen vào rất nhiều chuyện trong mộng.
Nhưng chuyện dầu chuyện mộng, tình bao giờ cũng thực. Và mối tình chan chứa
trong bài thơ bắt ta phải bồi hồi.
Đặc sắc của Lư chính là ở chỗ này. Từ những kỷ niệm tươi sáng
về người mẹ đã khuất, cho đến bao nhiêu buồn thương, bao nhiêu chán nản, bao
nhiêu đâu khổ vì tình yêu, cả cái cảnh đời giá lạnh của đôi vợ chồng lúc
"tình đà xế bóng", cùng cái thú ngây ngất của cuộc đời "giang hồ".
Lư đều kể cho ta nghe một cách rất cảm động.
Một điều rõ ràng: Đọc thơ người khác ta có thể tìm thấy nhiều
bài âm điệu tinh tế hơn, nhiều hình ảnh xinh đẹp hơn, nhưng ít bài cảm động như
thơ Lư. Ấy, chỉ vì Lư thành thực hơn. Hãy xem: tuy chẳng phải là người của gia
đình Lư đã không ngần ngại mà nói đến vợ đến con, một điều các thi nhân ta gần
đây hình như kiêng lắm.
Tôi bỗng nhớ câu nói của Pascal: "Tưởng kẻ viết là một
nhà văn, không ngờ lại gặp một người".
Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn
chữ, không chịu khó gọt giũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng
mình tràn lan trên mặt giấy. Tình đã gửi trong lời thơ, Lư không còn đoái hoài
đến nữa. Lư vứt chỗ này một bài, chỗ khác một bài, với cái phóng khoáng cả một
kẻ khinh hết thảy những cái gì gọi là quý ở đời này. Sánh với những người yêu
thơ Lư, Lư là người thuộc thơ mình ít nhất. Âu cũng là điều bất lợi. Một điều bất
lợi nữa là trong khi thơ Việt Nam đương đi tìm nghệ thuật mới lạ, những tình cảm
khuất khúc, những hình sắc phiền phức của thiên nhiên, thì Lư cũng chỉ có một
ít khúc đàn bình dị, một ít khúc đàn xưa, dầu có đổi xoang đổi điệu cũng vẫn là
những khúc đàn xưa.
Nhưng ngoài cái sở thích nhất thời còn những sở thích đời đời
không thay đổi.
Bao giờ còn có những cặp vợ chồng nhớ tiếc buổi tân hôn thì
những câu như:
Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối?...
Đêm ấy xuân vừa sang
Em vừa hai mươi tuổi.
Vẫn khiến họ bâng khuâng.
Bao giờ còn có những kẻ say đắm tình yêu và đau khổ vì yêu
thì những câu như:
Ta mơ trong đời hay trong mộng?
Vùng cúc bên ngoài động dưới sương.
Hay:
Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.
Chờ anh dưới gốc sim già nhé!
Em hái đưa anh đóa mộng đầu.
vẫn tìm thấy những tiếng dội trong lòng người.
Dầu chưa lăn lóc trong trường tình, đọc thơ Lư người ta cũn
phải bồi hồi vì cảnh phong ba ngoài kia, nơi thi nhân đương trôi nổi. Qua khung
cửa bài thơ, ngọn gió lạnh ngoài khơi đưa tới, người ta sẽ thấy xao động cho dầu
đã khép chặt cõi lòng để sông một cuộc đời êm ấm.
Sao lại có người có thể đọc những câu như thế mà vẫn dửng
dưng. Họ bảo những nỗi đau thương ấy thường quá. Vâng thường, thường lắm thường
như hầu hết những nỗi đau thương thành thực của loài người. Tôi không muốn nói
nhiều. Trước sự đau thương của người bạn, tôi muốn im lìm kính cẩn. Tôi chỉ biết,
dầu có ưa thơ người này hay người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với
Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào
cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa
là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức của lòng ta.
Mars 1941
NẮNG MỚI
Tặng hương hồn thầy me
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.
(Tiếng thu)
THƠ SẦU RỤNG
Vừng trăng từ độ lên ngôi.
Năm năm bền cũ em ngồi quay tơ.
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng,
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều...
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay,
mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,
thời gian lặng rót một dòng buồn tênh.
(Tiếng thu)
GIANG HỒ
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay
Để lòng với rượu cùng say
Chừ đây lời nói chua cay lạ thường
Chừ đây đêm hãy đầy sương
Con thuyền còn buộc,trăng buông lạnh lùng
Chừ đây trăng nước não nùng
Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn
Tiếng gà lại rộn trong thôn
Khoan đừng tơ tưởng vợ con chuyện nhà
Giờ này còn của đôi ta
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người
Ồ sao rượu chẳng kề môi
Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng
Tay em nâng chén hoàng hoa
Sá gì hớp rượu vì ta bận lòng
Hãy gượm lắng nghe dòng sông chảy
Gió đùa trăng trên bãi lạnh lùng
Sá gì hớp rượu, bận lòng
Đợi gì môi nhấp rượu nồng mới say
Hãy nhích lại đưa tay ta nắm
Hãy buông ra đằm thắm nhìn nhau
Rồi trong những phút giây lâu
Mắt sầu gợn sóng, lòng đau gợn tình
Phút giây ấy, ta mình ngây ngất
Bỗng con thuyền buộc chặt, rời cây
Cho ta khất chén rượu này
Vì ta em hãy lựa dây đoạn trường
Khoan để đốt chút hương trầm đã
Đợi trầm bay rộn rã lời ca
Nghe xong ta ngắm trời xa
Dòng sông ngân đã nhạt mờ từ lâu
Tiếng gà đã gáy mau trong xóm
Bình minh đà rạng khóm tre cồn
Trông nàng môi nhạt màu son
Giật mình ta nhớ vợ con ở nhà
Từ đấy chẳng bao giờ phiêu lãng
Niềm thê nhi ngày tháng quen dần
Đôi phen nhớ cảnh phong trần
Bóng nàng ẩn hiện xa gần đâu đây
Tưởng nghe tiếng gọi nơi hồ hải
Mắt lệ mờ ta mải trông theo
Trong buồng bỗng tiếng con reo
Vội vàng khép cửa gió heo lạnh lùng
Đêm ấy rượu nàng ta không uống
Từ sau thề không uống rượu ai
Đôi phen ngồi ngóng trân trời
Chẳng bao giờ nghĩ đến đời phiêu lưu
Ngoan ngoãn như con cừu non dại
Cỏ quanh vườn cắn mãi còn ngon
Sau lưng nghe tiếng cười giòn
Vội vàng ngoảnh lại... thằng con vẫn cười
Nó đưa ta một chai rượu bé
Bảo rằng: "đây rượu mẹ dâng cha"
Giật mình ta mới nhớ ra
Là ngày sinh nhật vợ ta đó mà
Ta uống chẳng hóa ra lỗi hẹn
Mà từ nan đâu vẹn đạo chồng
Than ôi, trời giá đêm đông
Máu du tử thực trong lòng hết sôi
Chén lại chén kề môi thủ thỉ
Càng vơi càng túy lúy càng đầy!
Lúc tỉnh rượu lặng ngồi bên án
Trông vào gương, lằn chán có vôi
Vợ con khúc khích đứng cười
Còn ta vô ý lệ rơi xuống bàn
Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng
Xót xa thay cái giống giang hồ
Ngón đàn thêm một đường tơ
Mà người sương gió nghìn thu nhọc nhằn
Thôi rồi ra chốn nước non
Lồng son lại để sổ con chim trời
Thú hồ bể cuốn mời du tử
Niềm thê nhi khôn giữ được người
Biết sao trái được tính trời
Giang hồ cốt ấy trọn đời phiêu linh...
(Tiếng thu)
Nguyễn Nhược PhápCon nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh ngày 12-12-1914 ở Hà Nội,
mất ngày 19-11-1938. Học ở Hà Nội. Có bằng tú tài Tây.
Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch.
Có viết giúp: Annam nouveau, Hanoi báo, Tinh hoa, Đông Dương
tạp chí.
Đã xuất bản: Ngày xưa (1935).
Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không
ai bằng Nguyễn Nhược Pháp.
Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp
đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời tráng lệ hay mơ màng của
Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ
nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười
của những "thắt lưng dài đỏ hoe", những đôi "dép cong" nho
nhỏ. Những cảnh ấy vốn có thực. Nhưng dầu sự thực không có thì nhà thơ sẽ tạo
ra, khó gì Mặc cho những nhà khảo cổ cặm cụi tìm nguyên do câu chuyện hai vị thần
giành nhau một nàng công chúa, thi nhân cứ cho là có thực và người thấy khi Thuỷ
Tinh đã bắt quyết gọi mưa để khoe tài, thì Sơn Tinh chẳng chịu thua, liền:
Vung tay niệm thần chú. Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò
Chạy mưa.
Sáng hôm sau, Thủy Tinh cưỡi rồng vàng đến xin cưới:
Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia độ năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khễnh bò lê trên đất lạ;
Trước thành tấp tểnh đi hai hàng.
Nhưng chậm mất rồi. Sơn Tinh đã đến trước. Tức quá Thủy Tinh
liền ra lệnh cho bọn đồ đệ dương oai:
Cá voi ngoác mồm to muốn đớp;
Cá mập vẫy đuôi cuồng nhe răng;
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.
Ai xem những cảnh ấy mà không buồn cười. Thi nhân cũng chỉ muốn
thế: kiếm chuyện cười chơi.
Cũng có khi người cười những nhân vật chính người đã tạo ra,
như cái cô bé đi chùa Hương trong thiên ký sự chép những câu thật thà:
Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.
Có khi chẳng biết người muốn cười ai. Sau khi tả cái đẹp của
Mỵ Nương, người thêm một câu:
Mê nàng bao nhiêu người làm thơ,
Người vờ ngớ ngẩn để kiếm cớ giễu mình chơi, hay người muốn
giễu những kẻ đứng trước gái đẹp bỗng thấy hồn thơ lai láng?
Lại có khi không giễu mình không giễu người, thi nhân cũng cười:
cười vì cảnh ngộ. Như khi Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương, Hùng
Vương sung sướng nhìn con.
Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều.
Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng
người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những
lối bông lơn khó chịu của các ông tú, từ Tú Xuất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền
lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó một địa vị trên thi đàn.
Nhưng còn có điều này nữa mới thật đáng quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên
miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người
đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến. Người mến
cô bé đi chùa Hương và cùng cô bé san sẻ mọi nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu.
Người mến nàng Mỵ Nương. Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy:
Lầu son nàng ngoái trông lần nữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
Rồi:
Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ vương ôi! Phong Châu!"
Một điều lạ là những câu tình tứ như thế ghép vào bên cạnh những
câu buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó. Chắc
Nguyễn Nhược Pháp không chịu ảnh hưởng của A.France, nhưng xem Ngày xưa tôi cứ
nhớ đến cái duyên của tác giả ‘‘Le livre de mon ami’’. Phải chăng Nguyễn Nhược
Pháp cũng hay giễu đời và thương người như Ạ.France? Không? nói giễu đời e
không đúng. Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn tìm những cảnh, những tình có thể mua
vui. Dầu sao tôi thấy Nguyễn Nhược Pháp già lắm, khác hẳn người bạn chí thân của
người là Huy Thông. Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ
nghĩnh và cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm hai mươi
bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ.
Octobre-1941
TAY NGÀ
Đêm nay chờ giăng mọc
Ngồi thẩn thơ trong vườn
Quanh lá hoa róc rách
Như đua bắt làn hương
Ta ngồi bên tảng đá
Mơ lều chiếu ngày xưa
Mơ quan Nghè, quan Thám
Đi có cờ lọng đưa
Rồi bao nàng yểu điệu
Ngấp nghé bay trên lầu
Vừa leng keng tiếng ngựa
Lẹ gót tiên gieo cầu
Tay vơ cầu ngũ sắc
Má quan Nghè hây hây
Quân hầu reo chuyển đất
Tung cán lọng vừa quay
Trên lầu mấy thị nữ
Cùng nhau rúc rích cười:
"Thưa cô đừng thẹn nữa
Quan Nghè trông lên rồi"
Cúi đầu nàng tha thướt
Yêu kiều như mây qua
Mắt xanh nhìn man mát
Mỉm cười vê cành hoa
Ta còn đang luyến mộng
Yêu bóng người vẩn vơ
Tay ngà ai phủ trán?
- Hiu hắt ánh trăng mờ
2-5-1934 (Ngày xưa)
CHÙA HƯƠNG
(Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa)
Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy.
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Lưng đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới;
Tay cầm nón quai thao.
Mẹ cười: "Thầy nó trông!
Chưn đi đôi dép cong
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"
- Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
Ý đợi người tài trai
Em đi cùng với mẹ
Me em ngồi cáng trẹ
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe
Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy,
Đưa cánh buồm lô nhô.
Mơ xa lại nghĩ gần.
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân...
Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?
Chàng ngồi bên me em
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông giời ôi chen!"
Chàng thưa vâng thuyền đông
Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.
Giòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ!
Thầy khen hay, hay quá!
Em nghe ngồi ngẩn ngơ.
Thuyền đi, bến Đục qua,
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A di-đà!"
Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồị
Tới núi con voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi
Chùa lấp sau rừng cây,
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày
Em đi, chàng theo sau,
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu
Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ
Hương như là sao lạc
Lớp sóng người lô nhô.
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong"
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong"
Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.
Em mơ, em yêu đời
Mơ nhiều... Viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười
Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.
Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo
Mẹ bảo:"Đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan thế âm Bồ tát
Là tha hồ đi mau"
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu)
Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng bay
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)
Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi
Mẹ vui mừng hả hê:
"Tặc! con đường mà ghê!"
Thầy kêu mau lên nhé,
Chiều hôm nay ta về.
Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoáng ngày vui qua rồi!
Làn gió thổi hây hây
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?
Đường đây kia lên giời
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.
(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin hai người lấy nhau, vì
không lấy nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện).
(Ngày xưa)
Chúng tôi còn muốn trích hai bài nữa: ‘‘Sơn Tinh, Thủy
Tinh’’ và ‘‘Một Buổi Chiều Xuân’’ nhưng không thể được vì phải chìu theo lời yêu
cầu của Ô. Nguyễn Giang. Các bạn chịu khó tìm xem quyển ‘‘Ngày xưa’’.
Phan Văn DậtSinh ngày 17-8-1909 ở làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (Thừa
Thiên). Chánh quán: làng Đạo Dầu, phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Học trường Quốc
học Huế đến đậu thành chung. Hiện làm thư ký ngạch trước bạ Huế.
Viết văn từ 1924, đến 1927 có đăng Nam Phong, Thần Kinh, Rạng
Đông, (ký Tiêu Lang và Thường Nga Phố).
Đã xuất bản: Bâng Khuâng (1935).
Hồi tháng 12-1935 tôi có viết trên báo Tràng An một bài về
quyển Bâng Khuâng. Nay xem lại thơ Phan Văn Dật cảm tưởng vẫn không khác xưa. Vậy
xin trích mấy đoạn chính trong bài thơ ấy.
Trong làng thơ, Phan Văn Dật thuộc về phái thanh niên. Nhưng
có lẽ thanh niên vì tuổi hơn vì thơ. Giữa lúc ấy một luồng không khí mới thúc
giục người ta thoát ly gia đình, Phan Văn Dật đã dám ca tụng cái tình cha con,
anh em; sách của người, người đề tặng song thân, tưởng ngày nay cũng là một điều
ít có.
Những điều người mơ ước cũng giống hệt những điều mơ ước của
các cụ ta ngày xưa: một cuộc đời bình dị nơi thôn dã. Tôi thấy ở người cái lòng
chán nản, hơn nữa cái lòng căm giận những nơi đô hội. Mối hận dài trong thơ
Phan Văn Dật sẽ chẳng là cái hận của Dương Quý Phi bị hy sinh vì lẽ nước, nó là
cái hận một người đàn bà bị sức quyến rũ của thành thị cướp mất chồng con. Nguyễn
Nhược Pháp với tập "Ngày xưa" đã nhìn vào cảnh vật xưa bằng con mắt một
người thời nay, Phan Văn Dật với tập "Bâng khuâng" đã nhìn cảnh vật
ngày nay sau bức màn một tâm hồn xưa.
Giữa cuộc đời náo động, người ngoảnh mặt làm ngơ và tự tạo
cho mình một thế giới riêng, một thế giới lặng lẽ đầy mơ mộng. Cuộc đời như thế
ắt sẽ bằng phẳng vô sự. Nhưng chỉ vô sự đối với những con mắt không tinh. Thực
ra trong lòng thi nhân không phải là vô sự: thi nhân không thiết chuyện hằng
ngày nhưng vẫn luôn luôn sống với một cuộc đời đã qua rất phong phú:
Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại.
Hững hờ, tôi thường để nó đi qua.
Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,
Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại.
"Những giờ không trở lại" đó, Phan Văn Dật nhắc đến
một cách âu yếm. Nào những mối tình xưa, xa hơn nữa, những cảm hoài thời thơ ấu,
những khi nô đùa với những trẻ con hàng xóm, những khi anh em dắt tay nhau vơ vẩn
trong vườn:
Vào buổi bình minh, năm ấy xưa,
Trong vườn đào lý, phủ sương mờ,
Dắt tay hai trẻ tìm hoa rụng,
Mơ chuyện thần tiên, nghĩ vẩn vơ.
Những cảnh ấy đã qua trong đời mình có khi thi nhân để lẫn với
những cảnh đã qua mấy mươi năm đời trước. Nhân biệt một người bạn, Phan Văn Dật
đã thay lời người đàn bà xưa tiễn chồng đi lính viết lên những câu nhịp nhàng
và cảm động. Nỗi buồn riêng ấy của thi nhân còn khiến người nghĩ liên miên đến
những nỗi đau đớn của người xương phụ cùng cái ngao ngán vì mọi cuộc tang
thương.[1]
Nói cho đúng, thi nhân chẳng phải hoàn toàn sống trong cảnh
xưa cảnh mộng và cái thế giới chung quanh tuyệt không có trong con mắt thi
nhân. Người cũng biết say vì cảnh đẹp thoáng qua trước mắt. Có lúc bỗng sực nhớ
mình là một trai trẻ đương tuổi yêu, nghệ sĩ nắn mấy vần thơ:
Ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp em,
Lời thơ réo rắt tôi săn tìm.
Cậy người mang tặng cho em đọc,
Em để vào ngăn em chẳng xem.
Thì xưa nay vẫn thế!
Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ không réo rắt, không hùng
tráng, không làm ta bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: nó là những vần
thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất
Kinh đô là nơi quê hương của thi nhân. Người yêu văn sẽ xem thi nhân như bạn nếu
không thể xem như thầy.
Chính Phan Văn Dật cũng không muốn làm thầy ai. Người vốn biết:
Sự hoàn toàn tìm kiếm chỉn thêm hoài.
Ngọc lành là chuyện nói mà chơi,
Chớ kể ngọc nào không có vết!
Décembre-1935
TIỂN ĐƯA
(Lời một người đàn bà xưa đưa chồng đi lính)
Ngày mai chàng lên đường,
Thân gió bụi tuyết sương,
Tối nay còn với thiếp
Xin cạn chén quỳnh tương.
Chàng mặc áo nhung này,
Thiếp vì chàng mới may,
Thiếp dù xa chân ngựa,
Tơ lòng theo chàng bay.
Đừng nghĩ đến ngày mai!
Hôm nay biết hôm nay,
Thiếp đây mà chàng đó,
Chừng ấy là đủ rồi.
Ngày mai chàng ruổi xa,
Mặc kẻ nước mắt sa,
Yên ngựa rong đường thẳng.
Thức dậy lúc canh gà.
Ngày mai khi chàng về,
Thiếp dù chống gậy lê,
Xin vì chàng dâng rượu,
Tình xưa, cạn chén thề.[1]
Rồi bên chàng có thiếp,
Giấc hòa cùng thiêm thiếp.
Yêu nhau đến trăm năm
Phong trần cho bõ kiếp.
19.10.1927 (Bâng Khuâng)
BI XUÂN NƯƠNG
(Một người khách qua chơi xóm bình khang gặp kẻ cố nhân là Bi
Xuân Nương, nhân hỏi vì sao đến đỗi. Bi Xuân Nương rơi lụy mà tặng cho khách
bài này)
Em là gái giang hồ,
Hầu hạ người khách du;
Vì tiền khách bán thịt [2]
Mặc lòng khách giày vò.
Khách bảo gì em vâng,
Dám thương chút bụi trần,
Hôm nay em của khách,
Quỳ gối, tùy lượng xuân,
Em đã bán mình rồi,
Nhị đào người chán chơi.
Mình băng từ bùn nhuộm
Hoa trôi mặc sóng dồi.
Khách nhắc gì chuyện cũ?
Nẫu ruột đứa xương phụ!
Hãy bằng lòng mình em,
Hồn em tha cho nó!
Gặp nhau đừng nhớ nhau,
Em đau mà khách đau.
Đừng trêu nhau nợ cũ,
Dòng châu thả dòng châu.
Muốn hỏi xin đừng hỏi
Biết ra chi thêm tủi.
Cố nhân gì em đây?
Đồ chơi cho trăm mối
Thương nhau còn một quên!
Quên là thương nhau bền.
Khách không hay em đã…
Em còn được khách tin.
Gạt lệ thôi làm lơ,
Khách vui mà em nhờ,
Mấy lời muôn thu giận
Ruột tằm chưa hết tơ.
29-10-1927
NGƯỜI CON GÁI HỌ DƯƠNG
Năm xưa ta lại chốn này,
Hồ thu nước mới chau mày với thu.
Nàng Dương mười bốn hái dâu,
Hoa non đâu đã biết sầu vì thu.
Năm sau ta đến chốn này,
Nàng Dương tóc đã đến ngày cài trâm.
Chiều xuân hoen hoẻn trăng rằm,
Con ong lén gửi thơ thầm ngoài hiên.
Qua năm ta lại chốn này,
Ngựa xe chen bước dấu dày in sân.
Phòng khuê cửa đóng mấy tầng,
Chim xanh mỏi cánh mấy lần về không.
Rồi năm ta lại chốn này,
Nàng Dương mở cửa suốt ngày đợi tin.
Thềm ba khách vắng rêu in,
Cành hoa năm ngoái ai vin năm này?
Năm nay ta lại chốn này,
Lầu không chim vắng, chim bay đằng nào?
Hỏi người có biết tăm hao,
Láng giềng rằng có cô nào đâu đây!
29-10-1927 (Bâng khuâng)
Chú thích:
[1] Trong tập Bâng khuâng: ''Tiếp theo chén hôm ni''
[2] Chúng tôi có bàn với thi sĩ nên đổi hai chữ ''bán thị''
Nhưng thi sĩ không muốn đổi vì 'hai chữ sống sượng ấy, làm người ta thấy cảnh
thương tâm của Bi Xuân nương đem thân nghìn vàng của mình ra bán như người hàng
thịt bán thịt bò, thịt heo ngoài chợ, tính từng cân từng lạng''.
Đông HồChính tên là Lâm Tấn Phác. Sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Ngọ
(10-3-1906) ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Thôi học nhà trường năm 16 tuổi. Chịu ảnh
hưởng tạp chí Nam Phong.
Lập trí đức học xá. Chủ trương báo Sống (1935).
Đã viết giúp: Nam Phong, Trung bắc tân văn, Đông Pháp thời
báo, Kỳ lân báo...
Đã xuất bản: Thơ Đông Hồ (1932), Cô gái xuân (1935).
Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng
Nam. Âu cũng vì tiếng Nam đương ở trong cảnh khốn cùng, đương bị nhiều người rẻ
rúng. Thói thường con nhà nghèo vẫn thương yêu cha mẹ hơn con nhà sang trọng.
Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít. Thất học từ
năm mười lăm, mười sáu; từ đó người chỉ học quốc văn, viết quốc văn, rồi mở trường
chuyên dạy quốc văn. Cả những lúc người đai cơm bầu nước cùng học trò đi chơi
các vùng thắng cảnh đất Phương thành, các đảo dữ miền duyên hải, tôi tưởng cũng
chỉ vì quốc văn: người đi tìm cảm hứng vậy.
Khốn nỗi, người ra đời vào lúc văn học nước nhà đương hồi tàn
tạ. Vốn tính hiền lành, không đủ táp bạo để gây nên giữa làng văn một cuộc biến
động cần phải có, lúc đầu người chỉ cam tâm hiến mình cho những lối xưa ràng buộc,
và người cũng không hề lấy thế làm bứt rứt khó chịu, chưa bao giờ người có ý muốn
thoát ly.
Mặc dầu sự tình cờ đã đôi lần đưa người ra ngoài khuôn sáo.
Trong tập Thơ Đông Hồ, giữa bao nhiêu câu trơn tru mà tầm thường, trống rỗng đột
nhiên ta gặp đôi lời dường như trong ấy ẩn náu một linh hồn. Như những lời thuật
hoài sau khi nàng Linh Phượng đã thành người thiên cổ:
Mối sầu khôn dãi cùng trời đất;
Chén rượu đành khuây với nước non.
Cùng những lời nhớ bạn, hoặc thật thà:
Khi biệt dễ dàng khi gặp khó;
Chốn vui ai nhớ chốn sầu chi.
hoặc kín đáo
Cái oanh đâu bỗng ngoài hiên gọi:
Đã hai lần rồi xuân vắng mai (1)
Với nỗi thắc mắc ấy, với nỗi buồn man mác ấy, Đông Hồ đã đi
xa trường thơ Nam Phong nhiều lắm.
Nhưng trong tập Thơ Đông Hồ, lạ nhất là bài "Tuổi
xuân", người ta có thể tưởng nó đã ở đâu lạc tới. Đến khi tác giả đưa in lại
vào tập Cô gái xuân, ta mới thấy nó tìm được hoàn cảnh tự nhiên của nó. Bởi vì
trong bài "Tuổi xuân" có cái bồng bột, cái trịnh trọng trước tình yêu
mà cả thế hệ trước đây không từng quen biết: họ quen xem người đàn bà như một
thứ đồ chơi.
Đông Hồ vẫn là người của thế hệ bây giờ vậy. Cho nên phong
trào thơ mới vừa nổi lên là người nhận ngay được con đường của mình. Với phong
trào thơ mới tưởng không có sự đắc thắng nào vẻ vang hơn.
Từ nay, Đông Hồ sẽ chỉ ca tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của
thi nhân riêng âu yếm những nỗi lòng của thiếu nữ, khi bình yên lặng lẽ, khi phới
phới yêu đương. "Cô gái xuân" của Đông Hồ thỏ thẻ những lời đến dễ
thương, những lời tuồng như lả lời mà vẫn trong sạch. Ta thấy trong lời nàng cả
cái êm dịu cái mơn trớn vuốt ve của tình ái. Nghe nàng nói lòng nào không xiêu?
Nhất là khi nàng kể cảnh ái ân trên bãi biển ta khó có thể không cùng nàng mơ
tưởng đến những cảnh ấy. Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt nam
cái vị bát ngát của tình yêu dưới ánh trăng thanh tiếng sóng.
Ai cũng thấy thơ Đông Hồ và Cô gái xuân khác nhau xa. Tuy vậy,
nếu trong Thơ Đông Hồ ta thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân
vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ.
Août-1941
Chú thích:
[1] "Mai" cũng là tên người yêu (xem bài "Nhớ
Mai" trong Cô gái xuân)
CÔ GÁI XUÂN
Trong xóm làng trên, cô gái thơ,
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.
Lững thững lên trường buổi sớm chiều,
Tập tành nghiên bút, học may thêu
Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ,
Ngọn xoã ngang vai, tóc bỏ đều
Lá rợp cành xoài bóng ngả ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên đường,
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán,
Gió mát lòng cô cũng nhẹ nhàng.
Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
Lòng cô phất phới biết bao tình.
Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.
Áo trắng khăn hồng gió phất phơ,
Nhẹ nhàng vui vẻ nét ngây thợ
Trông cô hớn hở như đàn bướm,
Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ.
Đàn bướm bay cao, cô trở về,
Sửa khăn, cắp sách lại ra đi,
Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi!
Cũng xóm làng trên cô gái thơ,
Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ.
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia náo nức chờ.
Tưng bừng hoa nở, bóng ngày xuân,
Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân.
Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng,
Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân.
Tình quân cô; ấy sự thương yêu,
Đằm thắm, xinh tươi, lắm mỹ miều
Khao khát, đợi chờ, cô chửa gặp,
Lòng cô cảm thấy cảnh đìu hiu.
Một hôm, chợt thấy bóng tình quân,
Gió lộng mây đưa thoáng đến gần.
Dang cánh tay tình, cô đón bắt,
Vô tình mây gió cuốn xa dần.
Gót ngọc phăng phăng cô đuổi theo:
“Tình quân anh hỡi! Hỡi người yêu!
“Gió mây xin để tình quân lại;
“Chậm chậm cho em nói ít điều…”
Han ôi! Mây gió vẫn vô tình,
Cuồn cuộn bay trên ngọn núi xanh.
Nhìn ngọi núi xanh, mây khói toả,
Mắt cô, đôi giọt lệ long lanh.
Lá rợp cành xoài bóng ngả ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên dường.
Cởi khăn phẩy gió mồ hôi trán,
Gió mát, lòng cô những cảm thương.
Lủi thủi bên đường, cô ngẩn ngơ
Chốn này, đuổi bắt bướm ngày xưa,
Cô buồn, cô tiếc, cô nguôi ngậm,
Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ:
“Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
“Lòng cô phất phới biết bao tình.
“Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
“Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh…
“Đàn bướm bay cao, cô trở về,
“Sửa khăn cắp sách lại ra đi
“Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
“Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi!…”
Ái tình nào phải bướm ngày xuân,
Tình ái ngày xuân chỉ một lần.
Một thoáng bay qua không trở lại,
Gái xuân rỏ lệ khóc tình quân!
MUA ÁO
“Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi
Bán thơ, nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!
– Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích từng bao rộng, vạt bao dài?
– Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!”
TUỔI XUÂN [1]
Kể từ khi quen nhau
Vừa mười ba tuổi đầu
Tuổi xuân, tuổi vui sướng
Nào có biết chi sầu
Quen nhau thì yêu nhau
Yêu nhau quấn quít nhau
Quây quần trong một tổ
Như đôi chim bồ câu
Ngày tháng chỉ mong cầu
Bên nhau được dài lâu
Sum vầy lòng những ước
Ly biệt có ngờ đâu
Muốn thế, vẫn được thế
Ai khéo chiều nhau tệ
Bao những cuộc vui cười
Cùng nhau cùng chia sẻ
– Anh ơi, em muốn học
Anh hãy dạy em đọc
Dạy em không? Hở anh?
Không dạy em, em khóc
– Em đừng làm nũng chứ!
Hãy nói anh nghe thử
Em muốn học chữ gì?
– Em muốn học Quốc ngữ!
Quốc ngữ chữ Việt Nam
Này thơ em, anh xem
– Anh nghe, em cứ đọc!
– Thơ rằng: “Anh yêu em!…”
“Em muốn dạy anh theo
– Yêu em, anh phải chiều,
– Chỉ kim, anh thử lựa,
Nghe lời em, em yêu
Này! Anh thêu khéo chán,
Ngàn mây đôi chiếc nhạn
Chắp cánh tung trời bay,
Trăm năm cùng kết bạn
– Tươi thắm bức lụa là,
Đôi chim nhạn kông già
Đời mình âu cũng thế
Ngày xuân ở với ta…
– Này anh, buổi thư nhàn
Em dạy anh học đàn
– Học đàn khó! – Đâu khó!
Chỉ đôi tiếng nhặt khoan!…
Khoan nhặt đôi đường tơ
Lay động đôi lòng thơ
Gảy nên khúc tình ái
Khúc dứt, lòng ngẩn ngơ…
Buông bắt bên tơ trúc,
Nhìn em, năm ngón ngọc,
Năm búp măng nõn nà,
Mải nhìn đàn chửa thuộc…
“Anh ơi! Em muốn chơi,
Non nước chốn này vui…”
Âu yếm, cầm tay dắt
Cùng nhau hưởng cảnh trời
Ngày lặng, màu hoa cỏ,
Đêm thanh, thú trăng gió
Cảnh trời với lòng người
Biết bao lần gặp gỡ.
“Anh! Em muốn chơi thuyền
Một ngày ta làm tiên…”
Buông buồm theo ngọn gió,
Sóng nước những triền miên
Trời biển cảnh lồng lộng,
Đôi tấm lòng rung động.
Kề vai sẽ tựa nhau,
Chập chờn trong giấc mộng.
Bên rừng chiếc là rơi,
Mặt nước, cánh hoa trôi
Chòm mây bay tản mác,
Đôi nhạn rẽ phương trời
Trông cảnh, em ngậm ngùi
Nhìn anh, em thở dài,
Cảm nghĩ chuyện dời đổi
Giọt lệ bắt đầu rơi!…
Biết đời từ hôm ấy
Tuổi lớn, ngày dần thấy:
Chuyện buồn đưa đến thường,
Ngày vui không có mấy
Đôi lứa cũng xa nhau
Tuổi xuân còn mãi đâu
Biệt ly nay mới biết,
Chi xiết nỗi thuơng đau
Giọt lệ một lần ứa,
Biết bao lần chan chứa;
Một lần khi bắt đầu,
Biết bao lần sau nữa!
Chốc, mười mấy năm trời,
Trăm nghìn cảnh đổi dời,
Nói đến chuyện gặp gỡ
Sóng ngược lại bèo xuôi!
Cuộc đời những lăn lóc.
Tiếng cười đổi tiếng khóc
Nào đâu bạn trẻ thơ
Cùng ta kề mái tóc?
Buồn nhớ cảnh năm xưa
Lòng riêng những thẫn thờ
Tóc xanh hồ đã bạc,
Luống tiếc tuổi ngây thơ!
(Cô gái xuân)
[1] Bài này nguyên ở trong Thơ Đông Hồ, sau lại đưa vào
Cô gái xuân. Thi nhân có thêm ít nhiều. Tiếc sao người lại không bổ đôi đỏm đảnh
quá.
BỐN CÁI HÔN
“… Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,
Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng
Theo khe cửa sổ, gió thổi rít
Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng!
Em cuốn mình trong làn chăn đệm,
Đệm cỏ, chăn bông em chẳng ấm,
Bỗng như có một ánh than hồng.
Chạm vào trán em chạy vào lòng,
Lòng em ấm áp, hơi lạnh tan;
Em nằm sung sướng mà bàng hoàng
Sờ tay lên trán em mới biết:
Hơi ấm âu yếm mẹ em hôn…
… Em nhớ: một buổi chiều mùa thu,
Bấy giờ mẹ em mất đã lâu
Trông chiếc lá rơi, em ủ rủ.
Hơi may hiu hắt, em buồn rầu
Mất mẹ, em mất tình âu yếm,
Lạnh lùng, em thiếu hơi hôn ấm.
Đứng tựa bên vườn em ngẩn ngơ
Chợt thấy cha em về trước sân,
Áo quần lấm láp vết phong trần,
Chạy ra mừng rỡ đưa tay đón,
Cúi xuống mái đầu, cha em hôn
Từ hôm em được cha em hôn,
Đầm ấm lòng em bớt nỗi buồn.
Nhưng cha em mải bận xuôi ngược,
Rày đó mai đây việc bán buôn…
... Em nhớ: một buổi trưa mùa hạ,
Buổi trưa nặng nề, trời oi ả.
Tựa cửa lớp học, em rầu rầu,
Nghe tiếng ríu rít đàn chim sâu
Trước sân, bè bạn em nô đùa
Riêng em buồn cảm thân bơ vơ:
Mẹ mất, còn cha, cha ít gặp,
Một năm chỉ hai lần rước đưa!…
Đi qua, gọi em hỏi sự tình.
Cầm tay cô dắt lại bàn học,
Ân cần, thương yêu vuốt mái tóc.
Rồi cô âu yếm hôn tay em,
Lộng qua cửa lớp cơn gió nồm,
Bao năm buồn bực, gió thổi mát,
Cái hôn như ngọn gió êm đềm…
Nay em đang giữa cảnh đêm xuân
Gió trăng tình tứ đêm thanh tân
Trước vùng trời biển cảnh lồng lộng,
Cùng anh trao đổi tình ái ân
Khoác tay anh đi trên bãi cát,
Cát bãi, trong soi màu trắng mát.
Nghiêng đầu lơi lả tựa vai anh,
Lặng nghe sóng bãi đưa rào rạt.
Nước mây êm ái bóng trăng sao,
Say sưa em nhìn lên trời cao,
Buông khúc đàn lòng theo nhịp gió.
Giờ phút thần tiên hồn tiêu dạo
Một hơi thở mát qua, dịu dàng,
Như cơn gió biển, thoáng bay ngang
Rồi luồng điện ấm chạm trên má:
Ân ái môi anh kề nhẹ nhàng.
Nũng nịu, em ngả vào lòng anh,
Ngẩn ngơ ngừng lặng giây cảm tình
Tóc em xoã tung, tay gió lướt,
Bàng hoàng em nhớ chuyện sau trước:
Đời em khoảng hai mươi năm hơn
Được hưởng bốn lần âu yếm hôn
Bốn lần em thấy em sung sướng,
Mưa gió đời em đỡ lạnh buồn.
Nhưng, từ khi em thôi học rồi,
Cùng cô giáo em không gặp gỡ.
Mà rồi từ đó em lớn khôn,
Cha em cũng chẳng hôn em nữa,
Ba lần hôn kia em mất rồi,
Lần này biết có được lâu dài
Nước bèo, em nghĩ đời chia biệt,
Mà lệ sầu em thổn thức rơi!…
(Cô gái xuân)
Mộng TuyếtChính tên là Lâm Thái Úc (đáng lẽ là Út, nữ sĩ vẫn nhận tên
mình là út). Sinh ngày 9-janvier-1918 ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Chỉ học trường hết
bậc Sơ đẳng, rồi luyện tập quốc văn ở Trí Đức học xã.
Hai bài thơ trích sau đây rút trong tập Phấn hương rừng.
Trong những người do Trí Đức học xã đào luyện ra thì Mộng Tuyết
có đặc sắc hơn cả. Nhờ ô. Đông Hồ nói giùm, tôi được xem tập ‘‘Phấn hương rừng’’
của nữ sĩ. Tập thơ bìa thếp vàng, giấy tàu tốt, chính nữ sĩ viết và vẽ để làm
vui riêng trong khuê phòng. Nét bút hoa mỹ, nét vẽ phóng túng, thỉnh thoảng lại
chen vào ít câu chữ Hán cũng của Mộng Tuyết, thực là một cái thú cho người xem.
Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng dí dỏm, hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ
nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tình tự,
khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như
khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ
riêng tây của một tâm hồn, trong tay như đương nắm cả một niềm ân ái.
Nhưng có một điều đáng suy nghĩ: người thiếu nữ trong tập thơ
này có làm ta quên những thiếu nữ do trí tưởng thi nhân đàn ông tạo ra không?
Nàng, một người đàn bà thiệt, nàng có đàn bà hơn những người đàn bà trong tưởng
tượng kia không? Dầu sao, có những lời thơ như câu sau này tả cảnh xuân:
Chốn buồng khuê, xuân đến thăm em.
hay như bài đề tặng bộ Việt Pháp tự điển [1], những lời tuy
bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra
được.
Tháng Août - 1941
Chú thích:
[1] Trích theo đây: Một người bạn chí thân của Phan
Thanh Giản.
DƯƠNG LIỄU TÂN THANH
Trân trọng mạc giao hành khách thú
Đoản trường tình tự ký, ân cần
LÊ BÍCH NGÔ [2]
"Dương liễu mười bài" [3] chép gửi anh.
Ly hoài, ai khéo gợi cho mình.
Bích Ngô âu cũng lòng thôn nữ
Chung với nghìn xưa một mối tình.
"Bên đường, qua lại bao nhiêu khách;
"Riêng bẻ cành xuân đưa tặng nhau.
"Sung sướng Giang Nam chàng phới ngựa,
"Tháng bảy bóng liễu rũ tơ sầu...
"Lả lướt đợi ngày xuân trở lại;
"Ngày xuân trở lại, hỏi bao ngày!
"Năm canh lạnh lẽo kinh sương gió,
"Ngùi ngậm tàn xuân hoa rụng đầy..."
Nét mực vừa khô, lệ ướt dầm.
Lời xưa thêm gợi mối thương tâm
Biệt ly còn bận đời danh sĩ;
Huống chốn buồng the khách chỉ kim.
(Phấn hương rừng.)
[2-3] Lê Bích Ngô là một người bạn chí thân của Phan
Thanh Giản, có viết gửi Phan Thanh Giản mười bài thơ dương liễu.
VÌ ANH THỌ XƯƠNG
Đề tặng anh Đông Hồ bộ Việt Pháp tự điển
Vì ai, đề tặng sách cho ai;
Rồi lại vì ai, cảm tạ người;
Bởi sợ nhà thơ nghèo đến chữ,
Yêu nhau, đưa tặng mấy muôn lời.
Tiếng nhà, của sẵn kho vô tận,
Mặc sức tiêu hoang, mặc sức chơi:
Mua bốn phương trời mây nước đẹp,
Mua nghìn năm cỏ cảnh hoa tươi
Hãy còn thừa thãi, tiêu chưa hết,
Mua lấy, trần gian tiếng khóc cười.
Trước hết, đã mua rồi một món:
Thành Phương hương điểm mối tình dài.
(Phấn hương rừng)
Nguyễn Xuân HuySinh ngày 15-7-1915 ở làng Dũng Quyết, huyện ý Yên (Nam Định).
Học ở Nam Định. Hiện dạy học ở Hà Nội.
Đã viết giúp: Đông tây, Phụ nữ thời đàm, Nhật Tân, Tân thiếu
niên, Hà Nội báo.
Hai bài thơ trích dưới đây rút trong tập Hương Xuân chưa xuất
bản.
Cứ mỗi chiều Nguyễn Xuân Huy lại ra ngồi ở một mỏm đá trên bờ
sông Vân (Ninh Bình) để sống những giờ thần tiên trong tưởng tượng với một nữ học
sinh có gặp qua vài lần.
Thi nhân còn nhỏ, người tình trong mộng lại nhỏ hơn. Thi nhân
sẽ dạy cho người yêu học. Hai người sẽ sống chung với nhau, âu yếm nhau, nhưng
cũng dỗi nhau, đùa nhau và chơi với nhau đủ mọi trò trẻ con.
Tôi tưởng theo Nguyễn Xuân Huy [1] thuật lại giấc mộng tình ấy
mới có thể hiểu được hai bài thơ trích dưới đây, nhất là bài "Giận
nhau", mà báo Phụ nữ thời đàm hồi Ô. Phan Khôi chủ trương đem sánh với bài
"Trường can hành" của Lý Bạch. Tôi sẽ không có cái táo bạo của ông
Phan, nhưng tôi cũng thấy thơ Nguyễn Xuân Huy hay lắm. Mối tình ở đây vừa thanh
sạch như tình ruột thịt, vừa nồng say như tình yêu. Tình ấy, một đời người ta
chỉ để nuôi trong mộng một lần, khi lòng xuân mới nhóm và người ta còn giữ được
cái trong trắng của tuổi ngây thơ. Chúng ta - những ai không còn tuổi ấy - xem
thơ Nguyễn Xuân Huy sẽ được hưởng chút gió trong lành thổi về thời mười tám.
Octobre 1941
[1] Văn học tạp chí (1935 ) ra ngày 8 juin.
GIẬN NHAU
Hôm nọ em biếng học,
Khiến cho anh bất bình,
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh.
Anh nhiếc em "biếng lười"
"Rắn mặt", cùng "khó dạy"
Rồi lệ em chan hòa
Rồi lòng anh tê tái...
Giận anh, em ủ rũ
Từ hôm đó mà đi:
Anh hỏi, em không đáp
Anh cười, em ngoảnh đi;
Chơi "đi trốn đi tìm",
Em không chơi với nữa;
Khăn đào em đang thêu
Cho anh, em bỏ dở.
Hôm nay em đã cười,
Nũng nịu đến "xin lỗi".
Được thể anh làm cao:
"Sao em không giận mãi''
(Hương Xuân)
EM ĐƯƠNG THÊU…
Em đương thêu bên cửa,
Mơn mởn trăm vẻ xinh.
Anh ghé đến ngồi cạnh
Vuốt ghẹo làn tóc anh.
Giật tay, em sẽ trách:
"Cho Hà thêu đi anh!"
Không nghe anh cứ nghịch.
Em bực, nắm tay anh:
"Vì tội đã trêu Hà
"Kết án tay phải giữ:
"Bao giờ biết hối lỗi
"Hứa chừa đi thì tha"
- "Không, chả chừa đâu, em
"Vì em đẹp lắm đấy.
"Muốn em giữ suốt đời
"Để ngồi cạnh em mãi.
(Hương Xuân)
Hằng PhươngVợ Ô. Vũ Ngọc Phan. Con Ô. Lê Dư. [1] Sinh năm 1908 ở làng
Nông Sơn (Quảng Nam). Học chữ Hán bảy tám năm. Chữ Tây chỉ học đến lớp nhất.
Đã đăng thơ: Phụ nữ tân văn, Ngày nay, Hà Nội tân văn, Đàn
bà.
Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân
Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn. Như đoạn cuối trong bài
"Lòng quê" trích theo đây lời thơ thực yểu điệu dễ thương. Hằng
Phương mượn lời chim để nói nỗi lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đây là
lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Người
thơ tưởng chừng đã biến thành chim...
Tình quê còn đưa thi hứng cho Hằng Phương nhiều lần nữa. Có
khi nó lẫn với lòng thương người mẹ đã khuất:
Ngày nay bên khóm trúc
Em thơ khóc rưng rức,
Tìm mẹ biết tìm đâu?
Trời xanh xanh một màu...
Có khi nó chỉ là tình lưu luyến cảnh quê hương:
Ai về cố quận cho ta nhắn
Gửi chút lòng thương nhớ núi sông.
Hằng Phương rất mến cảnh. Người âu yếm nhìn những lúc trăng
lên:
Sáng trưng mái ngói nhà ai,
Đôi chim ngỡ buổi ban mai, giật mình.
Những lúc bình minh:
Sương đêm còn đọng trên cành,
Rưng rưng hạt ngọc, long lanh nhìn trời.
Và:
Nách tường đôi lứa chim sâu,
Nằm trong tổ ấm thò đầu nhởn nhơ...
Những bức tranh nho nhỏ ấy đơn sơ mà xinh tươi làm sao. Hồn
thi nhân âu cũng thế.
Décembre-1941
Chú thích:
(1) Hằng Phương là tên, không phải là biệt hiệu.
LÒNG QUÊ
Tặng VNP (Vũ Ngọc Phan)
Xưa kia em ở bên trời
Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi,
Mặc cho ngày tháng trôi đi
Tóc mây nào biết có khi bạc đầu!
Chim non ở chốn rừng sâu,
Quanh mình chỉ thấy một màu xanh xanh.
Bình minh buổi ấy gặp anh
Rủ em ra chốn đô thành xa khơi.
Yêu anh, em hóa yêu đời,
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao.
Anh đưa em đến vườn đào,
Màu tươi, sắc thắm, em nào dám chê.
Nhưng em luống nặng lòng quê,
Nhớ thương cảnh cũ bốn bề núi non.
Nhớ làng nhớ xóm con con,
Nhớ hương cây quế chon von trên đồi;
Bạn xưa, nhớ yến tha mồi,
Cành xưa, em đỗ trong hồi còn thơ...
Đường xa, ngoảnh lại ngẩn ngơ,
Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh...
(Hà Nội tân văn)
Nguyễn BínhSinh năm 1919 ở làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản (Nam Định).
Không hề học ở trường, chỉ học ở nhà với cha và cậu.
Làm thơ từ năm 13 tuổi. Đã làm được gần một nghìn bài. Được
giải khuyến khích về thơ Tự lực văn đoàn năm 1937.
Đã đăng thơ: Ngày Nay, Tiểu thuyết thứ năm, Nam Cường.
Đã xuất bản: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (Lê Cường, Hà Nội
1940), Hương cố nhân (Á Châu, Hà Nội 1941).
Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm
ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn
năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng khôn hay dại- chúng ta ngày một lìa
xa nền nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sao, những tính
tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời
mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền
lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi. Ở
Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống
như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm.
Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng
thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn toàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình
đơn giản của dân quê là những tình cảm căn bản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ra
thời trước, tôi chắc người đã làm những âu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm
và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô sỗ những nhà thông thái nghiên cứu.
Họ chẳng ngớt lời khen những câu như:
Nhà em có một giàn bầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
Hay:
Lòng anh: giếng ngọt trong veo
Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh
Lòng em như bụi kinh thành,
Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.
Tiếc thay Nguyễn Bính lại không phải là người thời xưa! Cái đẹp
kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc,
khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay. Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính
họ sẽ bảo: "Thơ như thế này thì có gì?". Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một
điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý vô ngần: hồn xưa
của đất nước.
Kể, một phần cũng là lỗi thi nhân. Ai bảo người không nhà quê
hẳn? Người đã biết trách người gái quê:
Hoa chanh nở ở vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều.
Thế mà chính người cũng đã "đi tỉnh" nhiều lắm. Dấu
thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in vào tận trong hồn. Khi
người than:
Đời có gì tươi đẹp nữa,
Buồn thì đến khóc, chết thì chôn.
Khi người tả cảnh xuân:
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
ta thấy người không còn gì quê mùa nữa.
Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng có
những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái đặc sắc của Nguyễn Bính, chỗ Nguyễn
Bính thì hơn các nhà thơ khác, ít được người ta nhìn thấy, Đó là một điều đáng
vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao
người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi
chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ. Cái lối gặp gỡ ấy của hai thời đại rất
dễ trở nên lố lăng.
Août-1941
TƯƠNG TƯ
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy cho tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Hoàng Mai, 1939
(Lỡ bước sang ngang)
HAI LÒNG
Lòng em như quán bán hàng,
Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi
Lòng anh như mảng bè trôi,
Chỉ về một bến, chỉ xuôi một chiều
Lòng anh như biển sóng cồn
Chứa muôn con nước, ngàn con sông dài
Lòng em như cánh lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu
Lòng anh tựa hoa hướng dương,
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời
Lòng em như cái con thoi,
Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành.
(Lỡ bước sang ngang)
GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Để tôi mơ mãi mơ nhiều:
''Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khóa thi
Tôi đỗ quan Trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò''
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người trả chín quan tiền, lại thôi!…
(Tâm hồn tôi)
LẲNG LƠ
Láng giềng đã đỏ đèn đâu?
Chờ em ăn dập miếng trầu em sang.
Đôi ta cùng ở một làng,
Cùng chung một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh,
Hình như họ biết chúng mình... với nhau.
Ai làm cả gió đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?
(Tâm hồn tôi)
QUAN TRẠNG
Quan Trạng đi bốn lọng vàng,
Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm.
Mọi người hớn hở ra xem,
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
Từ ngày cô chửa thành hôn,
Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi.
Thế rồi vua mở khoa thi,
Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng...
(1937 Tâm hồn tôi)
XA XÁCH
Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng;
Nhà em xa cách quá chừng.
Em van anh đấy, anh đừng thương em! [1]
(Tâm hồn tôi)
[1] Thi sĩ mới sửa lại trong quyển Tâm hồn tôi:
Em van anh đấy, anh đừng yêu em
NGƯỜI HÀNG XÓM
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có dậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...
Tại sao không thấy nàng cười,
Khi hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên...
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: "Hay tôi yêu nàng?"
- Không, từ ân ái lỡ làng,
Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao?
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái lỡ làng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.
Tầm tầm trời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Hôm nay mưa đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng... tôi gục xuống bàn rưng rưng...
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Ðêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này
(Tâm hồn tôi)
XUÂN VỀ
Đã thấy xuân về với gió đông.
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa
Gậy trúc giắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.
(1931 Tâm hồn tôi)
Vũ Hoàng ChươngSinh ngày 5-5-1916 ở Nam Định. Có bằng tú tài Tây. Đã theo học
trường Luật, nhưng lại bỏ để làm Phó thanh tra Sở Hỏa xa miền Bắc hơn một năm.
Dạy tư một độ, hiện giờ theo học ban cử nhân toán học.
Đã xuất bản: Thơ say (1940).
Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của
Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình
đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập cảng:
say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to
hơn mọi say sưa khác: say thơ. Vũ Hoàng Chương có cái dụng ý muốn say để làm
thơ. Cái dụng ý ấy không khỏi có hại. Nhưng một lần kia, bước chân vào tiệm nhảy,
người quên dụng ý làm thơ ngoài cửa và lần ấy người đã làm một bài thơ tuyệt
hay.
Tôi yêu những vần thơ chếnh choáng, lảo đảo mà nhịp nhàng
theo điệu kèn khiêu vũ...
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...
Quả là những vần thơ say.
Cái dụng ý làm thơ Vũ Hoàng Chương cũng còn bỏ quên lần nữa.
Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa chừng
mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng
còn dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm
ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn
học và bi đát riêng.
Mỗi lần nói đến hôn nhân, Vũ Hoàng Chương có giọng khinh bỉ
vô cùng. Người thấy hôn nhân chỉ là sự chung chạ của xác thịt, một sự bẩn thỉu
đã làm dơ dáy bao mộng đẹp của tuổi hoa niên:
Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải,
Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn.
Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi Hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.
Khốn nỗi! Thoát ly được hôn nhân cùng mọi trói buộc khác, nào
người có tìm được hạnh phúc, người chỉ thấy bơ vơ:
Mênh mông đâu đó ngoài vô tận
Một cánh thuyền say lạc hướng đêm.
Con thuyền say kia chính là linh hồn và cuộc đời của thi
nhân. Rút lại, hy vọng cao nhất của người là quên. Quên hết thảy những thứ lợm
giọng của khách làng chơi:
Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên,
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.
Septembre-1941
SAY ĐI EM
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương...
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê ly chưa cùng trời Phóng đãng
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
(Thơ say)
QUÊN
Đã hẹn với em rồi, không tưởng tiếc
Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu!
Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu.
Đêm nay lạnh tìm em trên gác tối,
Trong tay em dâng cả tháng năm thừa,
Có lẽ đâu tâm linh còn còn trọn lối,
Để đi về cay đắng những thu xưa.
Trên nẻo ấy tơi bời, - Em đã biết
Những tình phai duyên úa, mộng tan tành.
Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt,
Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh.
Không em ạ, không còn can đảm nữa,
Không! nguồn yêu, suối lệ cũng khô rồi,
Em hãy đốt giùm anh trong mắt lửa,
Chút ưu tư còn sót ở đôi môi...
Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên,
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
Đưa hồn say về tận cuối trời quên.
(Thơ say)
PHƯƠNG XA
Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng,
Xô về đông hay giạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng hoạ dần vơi.
Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng hát tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.
(Thơ say)
NGHE HÁT
Phách ngọt đàn say nệm khói êm
Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm
"Canh khuya đưa khách...". Lời gieo ngọc
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm
Ai lạ nghìn thu xa tám cõi
Sen vàng như động phía châu liêm
Nao nao khói biếc hài thương nữ
Trở gối, hoa lê rụng trắng thềm.
(Thơ say)
27/9/2018Hoài Thanh - Hoài Chân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét