Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Cảm ơn cô - Nguyễn Thị Bích Nhàn

Cảm ơn cô - Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nhìn tôi bây giờ, mồm năm miệng mười, thích đọc thích viết nên chẳng ai tin hồi nhỏ, tôi yếu nhất môn Văn.
Ba kỹ năng đọc, nói, viết, tôi chỉ đạt mỗi khâu đọc, còn nói, viết thì rất tệ.
Không tự tin giao tiếp, yếu kỹ năng diễn đạt, chưa hết, thảm đến độ dù đã thuộc bài ro ro nhưng nếu bị gọi tên, tôi tái mặt, lúng túng liền. Không chỉ dở khâu nói, tôi viết cũng chẳng khá hơn. Bài tập làm văn của tôi luôn chi chít chữ ở ô Lời phê của cô/thầy giáo. Tóm lại, từ trước khi gặp cô Nguyễn Thị Thanh – cô giáo dạy Văn năm tôi học lớp 8 – thì môn Văn của tôi ở trường chưa bao giờ vượt qua điểm sáu.
Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Bích Nhàn
Cô Thanh có dáng người đầy đặn, cô không quá nghiêm khắc nhưng ít cười. Chỉ vậy thôi, cô không chỉ trích hay to tiếng nếu học sinh có biểu hiện “thái quá” nhưng cô vẫn là người tôi sợ nhất. Giờ nghĩ lại, tôi nghĩ chắc tại mình học Văn yếu nên tự thấy sợ môn Văn rồi sợ luôn cô giáo dạy môn đó. Càng sợ hơn khi tôi thường bị cô gọi tên – dù tôi không xung phong – rồi lúng túng, bối rối trước lớp. Vì sợ nên cứ muốn tránh cô. Tin không, đang đạp xe trên đường nhưng nếu thấy thấp thoáng bóng dáng cô Thanh ở đằng xa thì tôi lật đật dừng xe lại, làm như xe bị trật sên rồi lúi cúi nên đã không thấy cô – để khỏi phải nói “em chào cô”. Vậy đấy, sợ đến nỗi ra đường không dám chào cô, đến tiết cô là ngồi trong tâm thế khép nép, chưa một lần dám nhìn thẳng vào mặt cô.
Và vì tất cả những lý do đó nên tôi không thể nào quên cô. Nhưng phải tận sau này, khi cô đã chuyển vô thành phố sống, khi tôi đã trở thành cô giáo dạy Văn tôi mới biết công lao của cô – người đã chỉ tôi bí quyết rèn kỹ năng viết, nói.
Tôi nhớ, cô chú trọng những tiết trả bài, cô phê lỗi rất chi tiết và lên lớp sẽ hướng dẫn cách khắc phục những lỗi đó. Và với những học sinh “lắp bắp”, cô thường tạo cơ hội để được nói. Với một cô nàng thiếu tự tin nên cứ lúng túng như gà mắc tóc như tôi, cô rất kiên quyết bảo: sợ, nhát thì càng phải nói, cô sẽ gọi trả bài tới chừng nào hết sợ, hết nhát mới thôi. Cô bảo viết nhật ký, ghi lại cảm xúc mỗi ngày, là cách hay để rèn viết mà không thấy áp lực. Và như vậy, tôi đã có nhúc nhích, từng chút một sau những tiết Văn của cô. Mỗi một thay đổi nhỏ cô đều có lời khen.
Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là cái hôm cô gọi, khi tôi còn chút chần chừ, chưa kịp đứng dậy liền vì còn mãi tìm kiếm từ ngữ hay ho để trả lời câu hỏi của cô thì thằng Sang ngồi bên “hét”: Cô kêu ba mắt nói lắp kìa. Thấy tôi đỏ mặt, cô Thanh giải nguy: đừng đùa với “con mắt thứ ba” của bạn ấy, cái này gọi là “thiên nhãn”, những người có “thiên nhãn” thường rất thông minh. Bằng chứng là từ một cô học trò “nói không thạo”, bạn ấy có thể sẽ làm được MC – chí ít là cấp trường – vấn đề chỉ là thời gian. Tôi biết, tôi nói chưa tốt tới mức ấy nhưng nghe cô nói vậy, ngay lúc đó, tôi thấy mình tự tin ngút ngàn luôn. Và tôi đã không nhớ mình đã vượt qua lỗi “nói không thạo” từ lúc nào. Nhưng tôi biết đó là nhờ công của cô.
Cô đã tạo tiền đề để bây giờ tôi cũng theo nghiệp cô. Là cô giáo dạy Văn, ngoài việc chú trọng rèn kỹ năng nói, viết cho học trò, tôi còn một nhiệm vụ đặc biệt nữa là giúp học trò tự tin - như cô đã làm với tôi.
24/11/2019
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...