Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Tội nghiệp cháu tôi

Tội nghiệp cháu tôi

Cháu sinh năm 1997, có thiên tư văn chương từ nhỏ. Thời mới lớp ba, đến chùa đã biết dừng lại đọc kỹ lịch sử tóm tắt ngôi chùa yết trên tấm bảng to ở cửa chính. Biết làm một sổ tay, trang đầu là Mười bốn điều dạy của Phật. Còn đây là đoạn cháu ghi theo phật pháp những từ Nam Mô A Di Đà Phật: Chữ Nam có nghĩa là phước của mình; Mô là nghĩa của sự phản kháng của mình; A nghĩa là sự dũng cảm của mình; Di là sự vững bền của mình; Đà nghĩa là sự bất chấp của mình; Phật nghĩa là một danh từ chống ma, quỷ”. (Tôi thực sự không biết như thế có đúng không, nhưng tôi lưu giữ cuốn sổ của cháu và cảm động bởi tố chất thiện lành của đứa bé chín tuổi).
Nhà văn Dạ Ngân
Từ lớp một cho đến mãi sau này, chưa bao giờ mẹ nó phải đánh thức nó. Tự đặt đồng hồ báo thức và bật dậy, quần áo mẹ giắt sẵn trên lưng ghế, cháu nhanh chóng những việc cho thân thể và bao giờ cũng ghé dưới vòi lavabo để làm mát đầu, vài giọt nước chảy xuống cổ áo trắng. Một lần, đề văn lớp ba của cháu là tả cái cặp sách. Gần 11 giờ đêm cháu chưa xong, tôi đứng phía sau “cho chữ”, nó không vùng vằng sợ ngoại buồn, nó chỉ cắn bút để tìm đúng những chữ nó muốn. Từ cấp II trở lên, bao giờ cũng cao điểm nhất khối nhờ điểm Văn và Anh văn chót vót.
Vào đại học, thương ba mẹ đã tốn quá nhiều cho mình “tị nạn giáo dục tại chỗ” bằng môi trường quốc tế, cháu thi Sư phạm ngoại ngữ Pháp, lý lẽ là “con đã giỏi tiếng Anh, con muốn học lên thì phải có ngoại ngữ thứ hai, học luôn”. Bắt đầu buồn và chật vật “Ngoại ơi năm thứ nhất năm thứ hai có những môn không để làm gì cả”. Nhưng nó đã tìm cách vật lộn với chán ngán của mình, nó dồn sức cho ngoại ngữ. Năm thứ ba đã được lãnh sự Pháp mời đi phiên dịch cho những đoàn từ thiện phi chính phủ. Đi với những người muốn làm từ thiện trực tiếp, phải đi vùng sâu vùng xa, tiền thù lao đổ vào từ thiện hết “Ngoại ơi, người ta khổ lắm ngoại”.
Năm 2015, vợ chồng tôi đưa cháu về quê ông ngoại Quang Thân để biết gió Lào và cái nôi thơ bé của biết bao nhiêu người. Từ sân bay thành phố Vinh, chúng tôi chọn đường Trường Sơn để cháu biết con đường huyết mạch thứ hai xuyên bắc nam như thế nào. Ngoảnh nhìn xa xa phía sau là chập chùng đồi mía xanh xanh vùng Thanh Hóa, đi sâu vào Hương Sơn bán sơn địa với dãy Hồng Lĩnh, thung lũng và những đồi sim. Khi trở ra bắc, chúng tôi đi quốc lộ 1A, để qua Vũng Áng, nhất định phải thấy Vũng Áng bằng mắt của mình.
Cháu tra Google và Wikipedia cho biết Vũng Áng bao gồm 22.781 ha chạm đến 9 xã của huyện Kỳ Anh, cảng quan trọng của bắc Trung bộ. Ông ngoại phải nói cho cháu nghe cảng nước sâu là như thế nào và sự then chốt sống còn của nó. Cháu reo lên “Thủ tướng ký QĐ số 72/2006 TTg, năm sau khởi động, đúng năm sinh của con nè ngoại”. Chiếc ô tô nhỏ chở chúng tôi đi chậm rãi trong nỗi niềm bất an không nói nên lời, kia là rừng cần cẩu sau bức tường không dễ vào, họ đã và đang làm gì, Wikipedi lại viết “lao động người Trung Quốc ở Vũng Áng đủ lập 2 sư đoàn”; xa kia là tháp Formosa dự định cao 32 mét. Chiếc xe lăn chầm chậm miên nam, biển nằm ở tay phải không còn là của mình nữa rồi, phía tay trái là đường Trường Sơn đã hết hiểm trở và cháu thở dài: Vũng Áng là chỗ eo nghèo nhất, chặn ngang đây là chia cắt Việt Nam không khó!
Bao nhiêu khao khát trải nghiệm một bắc miền Trung hầu như đã bị linh cảm xấu về Vũng Áng và cái gai Formosa làm cho cháu tôi xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Cháu mới 18 tuổi năm 2015 đó, thanh tân khát vọng, nhạy cảm văn chương lịch sử, nỗi buồn của cháu khiến chúng tôi quá đau lòng. Có xơ cứng mấy cũng không thể không biết tiên liệu về một cái gì đó nghiêm trọng cho sinh tồn của quốc gia, dân tộc. Tại sao là Hà Tĩnh ngoại ơi, cháu kêu thống thiết với ông ngoại Quang Thân, vì Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hoàng Xuân Hãn, Xuân Diệu… đã cho nó niềm tự hào sâu sắc với mảnh đất nhiều người lừng lẫy này.
Giờ cháu đang bắt đầu cao học Pháp ngữ và sẽ học một ngoại ngữ nữa, có lẽ là tiếng Trung. Chi vậy con, tôi hỏi, nó quả quyết “hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung, nhưng có lẽ tiếng Trung có ích cho quốc gia hơn”. Giờ cháu đã là một chàng trai tự giác mọi phương diện, nhảy xe bus đi học và đi thư viện, làm thêm việc biên dịch tiếng Anh tiếng Pháp cho những nơi cần, không những đủ tiền tự nuôi mình ăn học mà còn làm từ thiện nữa.
Nhưng cháu cũng gian nan hơn bởi càng học càng thấy rõ hơn sự nhếch nhác của nền đại học nước nhà. Và bơ vơ, quá nhiều hỗn loạn va đập mỗi ngày vào sự nhạy cảm đặc biệt của nó. Khát vọng nào, giữ mình ra sao và phải làm gì, làm gì đây cho quốc gia dân tộc, hả ngoại?
23/11/2019
Dạ Ngân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...