Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Cậu út - Truyện ngắn Trần Thanh Mai

Cậu út - Truyện ngắn
Trần Thanh Mai

– Mẹ chưa ngủ ạ?
– Ừ, mẹ không ngủ được.
– Mấy bữa thời tiết thất thường mẹ lại đau ạ?
– Cũng không đau lắm, con đừng lo.
– Có chuyện chi mà mẹ gọi con muộn rứa?
– Ừ thì … Mẹ chợt nhớ ra mấy ngày nữa là đến giỗ cậu út con. Không biết… con có mắc dạy không để về quê cùng mẹ.
Tôi giở quyển lịch bàn. Ngày giỗ cậu út… Là 20/9 âm lịch, vào đúng thứ 6.
– Con có 3 tiết. Chắc không về quê được rồi mẹ ạ.
Ở đầu dây bên kia, mẹ “ừ” mệt mỏi rồi tắt máy.
Tôi chợt thấy bần thần trong người. Cậu út tôi … Mới đó mà đã mười lăm năm rồi.
***
Mẹ tôi thường gọi cậu là út. Nhưng cậu tôi được ông ngoại đặt cho một cái tên rất ý nghĩa: Phúc Long. Long là rồng, con vật cầm tinh năm sinh của cậu. Long trong chữ “Thăng Long”, rồng bay lên, mang theo hi vọng và tin tưởng của ông tôi về cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc cho cậu con trai út.
Nhà giáo Trần Thanh Mai, Trường THPT Đặng Thai Mai, Thanh Chương, Nghệ An
Mẹ từng kể tôi nghe những câu chuyện ngày xưa của mẹ, của cậu út. Và bao giờ mẹ cũng thở dài: Cuộc đời cậu út con chưa có mấy ngày được sướng. Rồi đôi mắt mẹ lại nhìn vào xa xăm, cố mà không giấu được những vệt đỏ trong khóe mắt.
Cậu tôi sinh ra khi đất nước vẫn đang còn chiến tranh. Ông ngoại tôi đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Bà ngoại tôi hoạt động cách mạng ở địa phương, một thân một mình phụng dưỡng mẹ già, nuôi con thơ. Khi cậu tôi, đứa con thứ tư, chào đời vừa tròn 20 ngày tuổi thì bà trúng gió độc rồi qua đời. Mẹ tôi khi đó mới 4 tuổi, trầy trật bế em, đi xin chút hồ loãng, cháo loãng bên hàng xóm. Mẹ kể có khi cậu út đói quá, khóc thét lên, mẹ không biết dỗ cậu nên cũng khóc theo. Rồi cứ thế, cậu cùng mẹ lớn lên nhờ sự cưu mang của hàng xóm và các cô chú cùng hoạt động với ông bà ngoại. Đến khi cậu út hơn 1 tuổi, ông ngoại tôi mới về.
Không biết có phải vì thiếu hơi mẹ, sữa mẹ từ bé không mà cậu út tôi nhỏ thó hơn tất cả anh chị em trong nhà. Da cậu ngăm ngăm, khuôn mặt nhỏ gầy, đôi mắt lúc nào cũng ánh buồn (kể cả khi cậu cười). Nhưng cậu tôi lại có vầng trán rộng lắm. Người ta hay nói người có vầng trán như thế thường bướng nhưng thông minh. Vậy mà cậu tôi lại rất hiền, chẳng nói tiếng to với ai bao giờ cả. Cậu tôi ít nói lắm, khi nói thì từ tốn, cứ thủ thà thủ thỉ. Nhiều khi, tôi thấy mẹ “quát” cậu chỉ vì cái tội đàn ông con trai gì mà không biết ăn nói dõng dạc, đường hoàng. Cậu tôi ăn nói không bằng người ta thật nhưng cậu làm gì cũng nhanh và khéo không ai theo kịp. Việc gì cậu cũng nhìn qua là làm được ngay. Cậu tôi theo học nghề mộc chỉ hơn một tháng là đã có thể tự tay đóng các vật dụng trong nhà: bàn ghế, tủ áo quần, tủ bếp, giường ngủ… Tôi còn nhớ năm ba mẹ tôi làm nhà xong, cậu bắt xe từ Quảng Bình ra Vinh chỉ để ngó xem cái nhà mới của anh chị. Cậu tôi vui lắm, vui như chính mình vừa làm được cái nhà, dù nó chỉ là căn nhà cấp 4, lợp pờ rô xi măng, rộng chừng 60 mét vuông thôi. Rồi thấy nhà cửa tuyênh huyênh, chưa có gì, cậu chẳng nói chẳng rằng hì hục đóng cho ba mẹ tôi bộ bàn gỗ. Đơn giản nhưng chắc chắn và đẹp. Đến giờ, tôi thấy bộ bàn ghế ấy vẫn “hợp mốt”, hợp với phòng khách nhà tôi.
Nhưng nghề mộc không phải là nghề chính của cậu. Cậu tôi chỉ làm mộc khi người chủ xưởng hay ai đó trong làng gọi cậu đóng cái bàn, cái giường cho họ. Những lúc nông nhàn, cậu xuống Đồng Hới làm phụ nề, làm thợ đóng cửa cho người ta. Trong kí ức của tôi, cậu là một nông dân “chính hiệu”. Tôi còn nhớ, năm tôi lớp 7, tôi được nghỉ hè hơn một tuần ở quê, được về với các cậu. Tôi có ba người cậu, có nghĩa là có thể “tung hoành” ở cả ba “vương quốc”. Nhưng tôi vẫn thích nhất được ở nhà cậu út, được ăn món đu đủ xào ớt mọi Quảng Bình, cay đến xé lưỡi nhưng mà ngon. Càng thít thà lại càng ngon. Tôi và ba đứa em (con của cậu) ăn lấy ăn để, thi nhau uống nước mà nước mắt cứ đầm đìa. Vì cay. Những lúc ấy, cậu nhìn chị em chúng tôi cười quên cả và cơm.
Rồi vèo một cái, tôi thi hết cấp 3, đỗ đại học Vinh. Năm đó, dù đang vất vả nhưng ba mẹ tôi cũng tổ chức liên hoan nhỏ, mừng tân sinh viên khoa sư phạm văn. Cậu tôi không ra được, chỉ gọi điện chúc mừng. Lần đầu tiên, tôi thấy cậu nói nhiều đến vậy. Nói mà như reo vì quá đỗi vui mừng. Và cậu hứa sẽ thu xếp công việc trong quê, ra Vinh một chuyến để nhìn cô giáo tương lai của cậu. (Vì hồi ấy, nhà tôi chỉ có điện thoại bàn. Còn cậu tôi thì phải xuống dưới thị trấn mới gọi điện thoại được. Nếu như bây giờ thì cậu út đã vừa nói chuyện vừa thấy mặt cô giáo tương lai của cậu rồi).
Mãi đến khi tôi học đại học năm thứ hai, cậu út tôi mới ra Vinh. Lúc đó, ngoài mục đích nhìn cô giáo tương lai, cậu còn tính ở lại kiếm chút tiền. Tôi chỉ nghe loáng thoáng câu chuyện của cậu với ba mẹ nên cũng không rõ vì sao cậu phải ra tận Vinh để làm thêm. Mùa thu năm đó, cậu ở Vinh và đi làm phụ hồ. Mẹ tôi xin bác chủ thầu cho cậu được làm cùng công trình với ba mẹ để tiện đi lại và tiện bảo ban em. Thế là, cứ sáng sáng, mẹ tôi lại chuẩn bị cơm và thức ăn trong cái cặp lồng to, có ba khay cho ba, mẹ và cậu út. Vốn nhanh nhẹn, tháo vát nên cậu tôi được cả bác chủ thầu và cả tổ thợ Huế quý lắm. Còn ba mẹ tôi, từ ngày có cậu đi làm cùng, cũng vui vẻ hơn, bữa cơm tối nào cũng rôm rả hơn. Không phải vì cậu tôi đã thay đổi, nói nhiều hơn, to hơn mà là vì có cậu, mẹ tôi hay hỏi chuyện ở quê, nói chuyện “chuyên môn” với cậu. Cậu tôi thì vẫn vậy, nói ít và nhỏ nhẹ.
Sau một ngày làm việc vất vả, ba mẹ tôi thường đi ngủ sớm (cứ tầm khoảng 9h tối). Nhưng tôi để ý thấy chưa bao giờ cậu tôi đi ngủ trước 11h. Mặc dù lúc nào mẹ tôi cũng nhắc: “Út đi ngủ sớm đi em. Cháu nó thức học, kệ nó.” Cậu tôi chỉ “dạ” rồi mượn một cuốn sách của tôi, nằm trên giường và đọc. Cậu tôi mê tiểu thuyết lắm. Nào là “Bố già”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Trăm năm cô đơn” … tôi mượn bạn hay mượn thư viện trường về, cậu đều đọc hết. Cậu còn giục tôi mượn thêm thêm cho cậu “ké với”. Có lúc, đang đọc, cậu bỗng dừng lại rồi nói với tôi: “Gắng học đi con. Không phải ai cũng có may mắn như con mô.” Lúc đó, tôi chỉ mang máng hiểu cái may mắn mà tôi có là được đi học, không như cậu út và mẹ tôi, chỉ học đến lớp 6 hay lớp 7 gì đó. Sau này, mẹ tôi kể tôi mới biết ngày xưa, cậu út học rất giỏi văn, đã từng đi thi học sinh giỏi huyện. Hồi đó, mẹ đưa cậu đi bộ 7 cây số xuống thị xã Đồng Hới để thi. Cậu út mặc đồ của cậu hai để lại, vừa dài vừa rộng thùng thà thùng thình. Nhưng cậu vui lắm, phần vì được đi thi, phần vì được mặc đồ “mới”.
***
Một buổi sáng chủ nhật, tôi tự cho mình “đặc quyền” ngủ nướng để “hồi sức” sau một tuần tạm gọi là “thức khuya dậy sớm”. Mặc dù lúc ấy, tôi vẫn nghe thấy tiếng mẹ lục cục xới cơm vào cặp lồng, tiếng ba và cậu cột xô, xẻng vào xe đạp. Tiếng mẹ ới tôi từ bếp:
– Huế, dậy đi con. Ba mẹ và cậu đi làm đây. Cơm mẹ cắm rồi, xuống ăn mà học.
– Dạ, con biết rồi. Con dậy ngay đây.
Tôi trả lời mẹ nhưng mặt vẫn áp trên gối, mắt vẫn chưa chịu mở. Chỉ chờ tiếng cổng kéo rẹt rẹt, tiếng cửa khóa lách cách nữa là cả buổi sáng của tôi sẽ là những giấc mơ. Bất chợt, tôi nghe tiếng chân bước đến gần.
– Dậy đi con. Dù không làm gì, con gái cũng nên dậy sớm.
May quá! Là cậu út. Nếu là mẹ thì chắc đã khác. Ngay lập tức, tôi bật dậy. Lấy cho cậu đôi găng tay mà cậu quên, rồi ra khóa cổng cho cậu. Cậu nhìn tôi, cười rồi đạp xe theo kịp ba mẹ tôi đang đứng đợi cậu ở ngã ba phía trước.
Đó là ngày chủ nhật đầu tiên của đời sinh viên mà tôi không ngủ nướng. Hôm đó, không hiểu sao tôi thấy mình làm được thật nhiều việc. Tôi cảm nhận được niềm vui của việc dậy sớm, của cái sự “con gái dậy sớm”.
Tối hôm đó, tôi dọn sẵn cơm trên bàn như lệ thường đợi ba mẹ và cậu út về. Rồi ra ghế, ngồi bật ti vi xem. Ngón tay ấn nút điều khiển vẫn còn đau đau. Lúc chiều, vì hậu đậu nên tôi bị đứt tay. Vết cắt hơi sâu nên máu ra nhiều. May mà lúc ấy, tôi nhớ đến gói thuốc lào của ba. Những sợi thuốc cầm máu thật hiệu quả. Không biết có phải vì bị đứt tay hay không nữa mà tôi không chú ý chút gì trên ti vi, chỉ mở cho có tiếng người. Rồi tôi cứ ngong ngóng ra cổng. Chưa ai về cả. Đã hơn 7 giờ. Tự nhiên tôi có cảm giác nôn nao. Thường thì 6 rưỡi, 7 giờ kém là mọi người đã về nhà, tắm rửa rồi đến khoảng 7 giờ là cả nhà cùng nhau ăn cơm. Không biết hôm nay có “lỡ hồ” không mà ba mẹ và cậu về muộn quá. Hay xe bị thủng lốp giữa đường. Tôi đang phỏng đoán lung tung thì giật mình bởi tiếng chuông điện thoại.
– A lô.
– Huế à, chị Ngân đây. Em ăn cơm rồi dọn dẹp trước đi. Ba mẹ đang ở viện. Cậu Long bị tai nạn, đang cấp cứu…
Cổ họng tôi nghẹn cứng. Không nói được gì. Không nghe rõ được gì. Mãi một lúc sau, nghe thấy tiếng tút tút từ đầu máy bên kia, tôi mới lẳng lặng đặt tay nghe vào đúng vị trí. Tôi ngồi bên mâm cơm. Rồi bỗng dưng khóc nức nở.
Không biết tôi ngồi thần ra như thế bao lâu. Nhưng khi chị Ngân (con bác cả tôi đang làm ở bệnh viện) dừng xe máy trước cổng, phải gọi to mấy tiếng liền, tôi mới định thần được. Tôi khóa cửa, theo chị đến viện. Tôi không nhớ chị đã nói những gì khi ấy. Chỉ nhớ rằng khi ngồi sau chiếc Wave của chị, người tôi lạnh toát, tay run đến mức chị phải lái xe một tay, còn tay kia giữ chặt tôi như sợ tôi rơi mất.
Xe không dừng ở cổng chính bệnh viện mà dừng ở cái cổng phía sau, vắng vẻ, im lìm và không hề có nhà dân. Không hề có ba mẹ đứng đó đợi tôi. Chị Ngân bảo tôi đứng ở xe, rồi nhanh nhẹn đi qua cánh cửa nhỏ vào trong. Tôi nhìn chiếc cổng sắt đã hoen rỉ, lạnh tanh. Đợi chị. Lúc sau, chị trở ra, dắt theo chiếc xe đạp của mẹ:
– Em đi xe về nhà được không? Áo quần của ba mẹ chị để ở giỏ rồi. Em về giặt liền nhé. Xe kia tí chị nhờ người đưa về sau. Tối nay, đóng cửa cẩn thận, ngủ trước đi. Đừng đợi ba mẹ. Xong việc, chị qua.
Tôi như biết việc phải làm, lẳng lặng đến chỗ chiếc xe. Tay tôi nắm ghi đông. Tay chị nắm chặt tay tôi. Chị hỏi lại:
– Em đi về mình được không?
Phải đợi đến khi tôi đáp “Được ạ”, chị mới buông tay.
***
Tôi về đến nhà thì đã hơn 9 giờ tối. Tôi bưng mâm cơm vào bếp, đổ thức ăn lại nồi, rồi dọn rửa. Rồi tôi đến giỏ xe, lấy áo quần ba mẹ ra để giặt. Dưới ánh đèn nê-ông, tôi nhìn rõ mồm một màu máu khô trên chiếc áo bảo hộ của mẹ. Toàn bộ phần thân trước của áo đã cứng lại, thẫm đen. Một mùi tanh tanh xộc thẳng vào mũi tôi. Tôi òa khóc. Tôi biết đó là máu của cậu út. Tôi ôm chiếc áo của mẹ mà khóc rưng rức. Không biết khi ôm cậu út vào lòng, trong giây phút ấy, mẹ tôi đã đau đớn đến thế nào.
Tôi hì hục đẩy tay cầm của chiếc bơm Uniceft. Nước đầy chậu. Màu trong suốt của nước phút chốc lừ lừ đỏ. Lần thứ nhất. Lần thứ hai… Đến lần thứ năm, nước mới không chuyển màu. Tôi giặt mấy lần xà phòng mà vẫn cảm giác áo mẹ chưa sạch. Mùi máu vẫn còn vương đâu đây quanh cái giếng bơm, trên chiếc áo của mẹ, nơi bàn tay của tôi. Mấy ngày sau, tôi vẫn cảm thấy cái mùi ấy. Sau này, khi bình tĩnh lại, mẹ tôi bảo: “Chắc tại cậu út con đi đột ngột quá nên vương vấn nhiều.”
11 giờ, chị Ngân ghé qua nhà tôi. Lúc đó, tôi đã đủ bình tĩnh để nghe chị kể. Thì ra, chiều nay, tổ thợ “vào da” tường ngoài. Không biết dàn giáo dựng thế nào mà tự nhiên đổ sập xuống ngay chỗ cậu út khi cậu đang lúi húi trộn hồ. Thanh sắt đạp mạnh trên đầu cậu. Lúc ấy, ba tôi đang vác xi-măng ở phía ngoài, mẹ tôi xách hồ cho nhóm thợ ở phía trong nhà nên “may mắn thoát nạn” (chị tôi bảo vậy). Tôi không biết chắc đó có phải là “may mắn” hay không nữa? Tôi chỉ biết chắc một điều rằng lúc nào, mẹ tôi cũng ám ảnh cái giây phút ôm đứa em vào lòng, cũng day dứt khôn nguôi khi chứng kiến sự ra đi của em trai ngay trước mắt mình mà không thể làm gì được. Ba tôi, hơn một tháng sau, không bữa cơm nào không nghẹn ngào nhớ cậu. Còn tôi, luôn nhớ cậu mỗi khi mượn một cuốn sách, mỗi khi dậy sớm vào ngày chủ nhật…
Ngày 20/9 âm lịch, năm ấy, cậu út mất. Cậu mất đúng ngày sinh của mình. Lần sinh nhật thứ 42.
Ngày 20/9 âm lịch, năm ấy, tôi biết dậy sớm vào ngày chủ nhật. Và biết được thế nào là “Máu chảy ruột mềm”.
***
– Không chấm bài nữa thì tắt điện ngủ đi em.
Tôi giật mình vì tiếng nhắc khẽ của chồng. Tôi cất gọn tập bài chấm giở rồi nằm xuống giường.
– Lúc nãy, mẹ gọi điện, hỏi có về giỗ cậu út không, anh à. Em xem lịch rồi, 4 ngày nữa, vào đúng thứ 6.
– Rứa thì sáng mai, em xin báo nghỉ tiết dạy ngày thứ 6 đi mà về cùng mẹ. Con học xong thứ 6, anh cho con về nội. Rồi anh vào sau, đón mẹ và em ra luôn.
Tôi không biết nói gì hơn. Khẽ “dạ” một tiếng rồi nằm áp bên chồng. Chợt thấy nghẹn lòng câu hát mà cậu út tôi hay ngân nga: “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn, coi khói đốt đồng để ngậm ngùi…”. 
27/7/2021
Trần Thanh Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...