Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Tập truyện Aziz Nesin 3

Tập truyện Aziz Nesin 3

KHÔNG HẲN NHƯ VẬY
Buổi tối, khi ngồi vào ăn cơm, ngài Oxman than phiền:
– Hôm nay tôi chẳng muốn ăn gì cả.
– Súp mình cũng không muốn ăn à? – Vợ ngài hỏi.
– Có lẽ tôi ăn súp vậy, bà múc cho tôi một ít.
Bà vợ múc cho ngài độ nửa đĩa súp. Lúc bắt đầu ăn ngài Oxman bảo:
– Ngày mai tôi có chuyến đi.
– Bố đi đâu, hả bố? – Cô con gái ngài hỏi.
– Bố với mấy người bạn phải đi đến một vùng để tiếp xúc với cử tri.
Vợ ngài nhăn mặt:
– Lại đi?… Lần này là lần thứ mấy rồi?
– Súp được lắm, múc cho tôi thêm ít nữa, – ngài Oxman yêu cầu.
Vợ ngài múc thêm cho ngài hai nửa đĩa nữa.
Oxman thở dài:
– Hôm nay tôi ăn chẳng ngon miệng tí nào. – Ngài bẻ hai miếng bánh mì khô vào đĩa súp. – Phải tiếp xúc với dân chúng thường xuyên hơn.
Cậu con trai đang ăn súp ngẩng đầu hỏi:
– Để làm gì ạ?
Ngài Oxman nổi khùng:
– Sao lại để làm gì?… Cần phải biết những khó khăn của nhân dân. Còn để làm gì nữa…
Bà vợ mở cái vung xoong lớn.
– Món thứ hai là gà rán và khoai tây nghiền.
Ngài Oxman buồn bã lắc đầu.
– Tôi chẳng thấy thèm ăn gì cả, nhưng thôi cứ cho tôi một tí. Cho cái ức gà ấy…
Bà vợ đặt đĩa thức ăn trước mặt ngài.
– Bà múc thêm ít nước sốt vào. Tôi thích ăn gà rán với nước sốt. Thế món cơm rang thịt làm chưa?
– Rồi ạ.
– Tốt lắm. À, bà cho xin đĩa salat nhé. À, nhà ta có món gì ngâm dấm không nhỉ?
– Có ạ
– Bà mang ra đây cho tôi. May ra món ngâm dấm làm tăng vị giác.
Vợ ngài sai cô người làm mang món rau trộn dấm ra.
Ngài Oxman dùng dĩa xọc một quả dưa chuột.
– Cần phải tiếp xúc với dân chúng thường xuyên hơn.
– Năm ngoái bố đã tiếp xúc rồi, – cô con gái nhận xét.
– Năm ngoái bố mày không đi, đó là năm kia, – vợ ngài chữa lại.
– Bà nó cho thêm ít khoai tây đi. Món dưa chuột dầm ngon đấy.
– Món salat củ cải đâu có kém gì?
– Tôi sẽ ăn, sẽ ăn. Củ cải giúp tiêu hóa tốt. Hôm nay tôi mất hết cảm giác thèm ăn. Không biết tại sao nhỉ?
– Mình ăn rau cần tây hay xúp lơ nào? – Vợ ngài hỏi.
Ngài Oxman nhún vai:
– Thú thật, tôi không biết nữa… Đầu tiên cứ cho rau cần tây, tôi thử xem nào.
– Cần tây và gia vị.
Ngài Oxman dùng dĩa xọc hẳn một dúm lớn rau cần tây cho vào mồm.
– Ngon thật đấy. Tiếc là hôm nay tự nhiên tôi mất cảm giác ăn.
– Khi nào bố đi? – Cậu con trai hỏi.
– Nhớ đánh thức tôi dạy sớm, kẻo ngủ quên mất. Nghe không, đánh thức thật sớm nhé!… Món cần tây vừa lắm. Cho tôi một ít nữa nào.
Vợ ngài lại xúc đầy đĩa cho ngài.
– Có hành tươi không? Hành cũng làm cho ăn ngon miệng đấy.
– Hành tôi cho vào salat rồi.
– Sáng sớm mai tôi lên đường rồi. Tiếp xúc với nhân dân…
– Mình ăn xúp lơ nhé?
– È, thôi được, cho một chút vậy… Chả buồn ăn gì cả. Phải cố ăn vậy.
– Đánh thức mình lúc mấy giờ?
– Tám giờ. Chín giờ là phải ra khỏi nhà rồi.
– Phải cố ăn. Chẳng muốn ăn tí nào.
– Hay mình ăn tỏi nhé? Tỏi làm cho ngon miệng.
– Cũng được. Cần phải thường xuyên tiếp xúc với dân chúng! Món xúp lơ ngon đáo để. Bà cho tôi thêm ít nữa.
– Thế cơm rang thịt mình không ăn à?
– Sẽ ăn, sẽ ăn. Ngày mai phải lên đường mà…
Cậu con trai lại chen vào câu chuyện:
– Bố ơi, con không hiểu..
– Có gì mà không hiểu? Với dân chúng…
– Vâng, nhưng…
– Bà cho tôi ít cơm rang đi. Không biết có ăn nổi hay không?
– Tôi cho ít đậu hà lan lên trên nhé?
– Tất nhiên rồi. Đành phải cố nuốt vậy. May ra món đậu này nuốt được.
– Món canh gà đây.
– Ngửi mùi hấp dẫn quá! Ngày mai nhớ đánh thức tôi sớm, đừng quên đấy. Không biết tôi bị làm sao nữa?… Hoàn toàn chẳng muốn ăn gì cả.
– Mình chẳng nghĩ gì đến sức khoẻ cả. Phải đi khám bác sĩ đi.
– Ôi dào, bác sĩ giải quyết được gì?
– Ông ấy kê thuốc giúp cho ăn được.
– Món cơm rang này khéo đấy.
– Mình ăn thêm nhé?
– Ề, thôi được, cho thêm ít nữa vậy. May ra ăn cố được. Muốn hiểu rõ khó khăn của dân chúng, cần phải thường xuyên…
– Tất nhiên.
– Khi đã mất vị giác người ta chẳng thèm ăn gì hết. Nhà có váng sữa không nhỉ? Rưới cho tôi một ít lên trên cơm rang.
– Thế bao giờ bố về?
– Đi đâu về? Gặp dân chúng về ấy à?… Hai – ba ngày gì đó. Không biết tôi làm sao thế này? Tự nhiên chẳng buồn ăn gì cả.
– Đó là vì mình ngồi nhiều quá. Chẳng hề vận động gì cả.
– Nhưng mai tôi sẽ đi mà… Tiếp xúc với cử tri rất có ích. Có lẽ cho tôi thêm ít cơm rang. Rưới thêm váng sữa vào… Ngày mai nhớ đánh thức tôi dậy sớm, đừng quên đấy! Kẻo không lại ngủ quên mất. Phải tiếp xúc với dân chúng…
– Còn món bánh cuốn thịt, mình có ăn không?
– Thú thật tôi không biết nữa. Tự nhiên không thấy thèm gì cả… Nhưng thôi, cứ gắp cho tôi hai chiếc ra đây. Đành cố ăn vậy.
– Bố sẽ đi bằng gì?
– Bằng ô tô… Bánh cuốn ngon nhỉ! Cho vào mồm là trôi ngay.
– Có nước mận muối đấy, mình ăn không?
Ngài Oxman uống hết hai cốc nước quả và một bát mận muối. Sau đó ngài ăn hạt dẻ rang.
– Trời ơi, sao bụng nóng thế nhỉ! Khát quá, như thể tôi ăn cái gì quá ngọt hay quá mặn.
Ngài uống một cốc nước xong rồi ợ.
– Lạy Chúa, cho tôi cốc sôđa!… Khát quá.
Vợ ngài mang hộp sôđa đến, Ngài Oxman uống ngay một lúc hết hai cốc sôđa, rồi lại ợ thật to.
– Đỡ rồi.
– Tôi làm cho mình cốc vang sủi bọt nhé?
– Ừ, làm đi. Sáng mai nhớ đánh thức tôi sớm nhé. Tiếp xúc với dân là quan trọng lắm đấy. – Ngài uống hết cốc vang sủi và… lại ợ. – Ôi, trời… Vì cần biết những nỗi khổ của dân… Sáng mai từ mờ sáng lên đường rồi. Phải đi nằm sớm thôi.
– Còn đói thế mình ngủ sao được?
– Ề, tôi quen rồi.
– Ngộ nửa đêm thức dạy muốn ăn gì thì sao? Hay tôi để đĩa bánh bích quy ở đầu giường nhé?
– Ừ, tốt. Có thể tôi sẽ ăn. Nhưng ai ăn riêng bánh bích quy bao giờ? Phải kèm thêm một phong sôcôla nữa.
– Còn nước chanh?
– Đúng, để một chai nước chanh nữa. Chỉ sợ không biết có ăn được không?
Ngài Oxman lui về phòng ngủ. Trước khi cởi quần áo ngài ăn hết đĩa bích quy và phong sôcôla. Lúc đi nằm, ngài làm một cốc nước chanh nữa. Rồi vừa đặt đầu xuống gối, ngài thiếp đi ngay.
Sáng hôm sau ngài Oxman cầm lấy chiếc cặp và bước ra khỏi nhà. Ba nhà chính khách gặp nhau ở quán cà phê, lên ô tô và khởi hành.
Buổi diễn thuyết đầu tiên của họ được tiến hành ở “Câu lạc bộ thương gia” tại một thị trấn nhỏ trong tỉnh, nơi các công chức địa phương đều có mặt. Các chính trị gia của thủ đô đã phát biểu trước họ và lắng nghe những khiếu nại của họ.
Ngài Oxman rút cây bút máy trong túi, mở cuốn sổ ghi chép ra và nói với những người có mặt:
– Xin thưa các vị! Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các vị. Như các vị đã biết, mục đích chuyến đến đây của chúng tôi là gặp gỡ các vị và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các vị.
Một thương gia đứng lên.
– Tôi xin thay mặt các đồng nghiệp của tôi, – ông này nói, – nhiệt liệt cảm ơn các ngài đã cất công về tỉnh chúng tôi để tiếp xúc với chúng tôi. Nhưng chúng tôi không có khó khăn gì cả.
Các chính khách đưa mắt nhìn nhau.
– Ồ phải, tất nhiên rồi, – ngài Oxman nói. – Tôi nói: những khó khăn, nhưng đó là do tôi buột miệng nói vậy thôi. Chúng tôi biết rất rõ các vị không cần gì cả. Song có thể các vị có những khiếu nại nho nhỏ…
Nhà thương gia thứ hai ngắt lời ngài:
– Rất mong ngài thứ lỗi, nhưng chúng tôi chưa hiểu ý ngài. Hay ngài định đưa ra những câu hỏi có tính khiêu khích?
Nhà thương gia thứ ba lên tiếng:
– Các ngài gỡ nhầm cửa rồi! Cầu thánh Ala, chúng tôi không có khiếu nại gì cả.
Ngài Oxman chưng hửng.
– Tất nhiên, tất nhiên. Làm sao có thể nói đến những khiếu nại được – Rồi ngài quay sang các đồng nghiệp của mình. – Có phải vậy không, các ngài? Chúng ta cũng không quan tâm đến khiếu nại nào. Đúng vậy không?
Mấy người đồng nghiệp của ngài đồng thanh đáp:
– Tất nhiên, tất nhiên.
– Có thể các vị có những nguyện vọng hay yêu cầu gì đó? – Ngài Oxman hỏi.
– Cám ơn, mọi việc ở chỗ chúng tôi đều tốt đẹp. Chúng tôi có thể nhập khẩu không hạn chế, có thể vay tín dụng không hạn chế.
– Không hẳn như vậy, – ngài Oxman nhẹ nhàng nói. – Tất nhiên điều đó đúng, nhưng cũng không hẳn như vậy…. Thậm chí chúng ta cũng còn gặp khó khăn…
Nhà thương gia tiếp tục:
– Chúng tôi có rất nhiều ngoại tệ. Chúng tôi được xuất khẩu tất cả thứ gì chúng tôi muốn. Chưa bao giờ chúng tôi kiếm được nhiều tiền như thế!
– Quả thực, tôi không biết… – ngài Oxman nói khẽ. – Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng không hoàn toàn như vậy.
Từ “Câu lạc bộ thương gia” ngài Oxman và mấy vị đồng nghiệp đến một cuộc họp khác, nơi gặp gỡ với các viên chức lương thấp.
Ngài Oxman phát biểu trước:
– Thưa các công dân kính mến? Chúng tôi tới thành phố của các vị để tìm hiểu những khó khăn và lắng nghe khiếu nại của các vị.
Có một phụ nữ gày gò đứng phắt dạy:
– Thế nghĩa là gì?… Khiếu nại nào? Khó khăn nào? Các ngài nói gì thế?
Ngài Oxman lúng túng:
– Các vị muốn nói là các vị không có khiếu nại gì?
Một người đàn ông đứng lên:
– Không hề có! Lạy thánh Ala, chúng tôi sống thoải mái, lương cũng không tồi, chúng tôi có đủ mọi thứ…
– Ala! Ala! – ngài Oxman ngạc nhiên. – Thậm chí chúng tôi…
– Không không, thưa ngài, chúng tơi sống rất tốt. Nhờ ơn Đấng sáng lập, chúng tôi ai cũng tin ở tương lai.
– Không hẳn thế… Nghĩa là… E hèm… tất nhiên mọi thứ đều đúng cả, nhưng không hoàn toàn…
Sau đó các vị chính khách đến cuộc họp công đoàn của các công nhân.
– Thưa đồng bào – ngài Oxman nói với họ. – Các vị có thể nói chuyện hoàn toàn thẳng thắn với chúng tôi. Chúng tôi đến thành phố các vị để tìm hiểu những khó khăn và lắng nghe nhũng khiếu nại của các vị.
Một công nhân đứng tuổi hỏi:
– Ngài nói như vậy là ý gì?
– Nghĩa là… ví dụ như… đồng lương chết đói của các vị, ngày làm việc quá dài, không có trang bị bảo hộ lao động.
– Xin lỗi ngài nhé! Nhờ ơn thánh Ala, chúng tôi chẳng kêu ca điều gì cả. Làm sao có thể mong ước hơn thế?!… Chẳng hạn… hàng tháng tôi có thể gửi tiết kiệm vào ngân hàng ba trăm lia.
– Ala! Ala! Các vị không có khiếu nại gì cả hay sao?
– Tất nhiên là không.
– Điều đó tất nhiên không hẳn như vậy, bạn thân mến!
Ngài Oxman và mấy đồng nghiệp lại lên ô tô đi về một làng xa xôi. Nông dân đã tập trung ở một bãi đất rộng trong làng.
– Thưa các bạn nông dân! – ngài Oxman nói với họ. – Các bạn có biết vì sao chúng tôi đến đây không? Chúng tôi đến để tìm hiểu những khó khăn của các bạn.
– Khó khăn nào cơ? – Một bác nông dân có tuổi lên tiếng.
– À, chẳng hạn như… Các vị có những vấn nạn nho nhỏ như thiếu đường xá, nước sạch…
– Chúng tôi có những đường trải nhựa tuyệt vời. Giếng nước cũng có.
– A, bác ơi, không hẳn như vậy… Còn chuyện thiếu ruộng?
– Đất chỗ chúng tôi đủ cho tất cả mọi người. Chúng tôi còn được cấp tín dụng chỉ có điều chúng tôi không lấy, vì không cần đến.
– À, không hoàn toàn như vậy…
Vợ ngài Oxman bước vào phòng ngủ:
– Dậy đi, dậy đi, mình! Dạy ngay đi… Mình bị muộn rồi!
Ngài Oxman ngáp. Vợ ngài lay lay ngài. Ngài mở mắt, ngồi dậy.
– Không hẳn như vậy….
– “Không hẳn như vậy” nghĩa là gì? Đã chín giờ hơn rồi.
Ngài Oxman bắt đầu vội vã mặc quần áo.
– Mình ngủ quên mất! Ngủ quên mất! Mấy ông bạn chắc đang đợi. Phải đi xuống nhân dân, phải tiếp xúc với họ!…
CÂU LẠC BỘ CÁC ÔNG CHỒNG MỌC SỪNG
Những bức tường phòng khách lớn của Câu lạc bộ được trang trí bằng đầu những con vật có sừng. Đặc biệt đập vào mắt là những chiếc đầu hươu và đầu bò rừng. Cặp sừng của những chiếc đầu treo trên tường đều được mạ vàn. Bất cứ người nào trở thành hội viên Câu lạc bộ đều phải mang đến đây một vật trang trí như vậy.
Dưới mỗi cái đầu gắn một tấm biển nhỏ ghi tên chủ nhân. Song thực ra chẳng cần có biển thì các thành viên Câu lạc bộ vẫn biết rõ cái đầu nào là của ai.
Cuối gian phòng lớn, sau lễ đài, có những chiếc sừng hươu lớn treo kín cả bức tường.
Ngày hôm đó ở Câu lạc bộ người ta tổ chức lễ kết nạp hội viên mới. Theo điều lệ, người muốn xin kết nạp vào Câu lạc bộ phải có sự giới thiệu của hai hội viên cũ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Những người muốn gia nhập Câu lạc bộ phải bước lên diễn đàn và kể cho mọi người nghe tại sao anh ta bị mọc sừng và bị mọc sừng như thế nào. Song chỉ sau khi câu chuyện của anh ta được các thành viên chính thức Câu lạc bộ tán thưởng và bản thân anh ta được thừa nhận là xứng đáng gia nhập Câu lạc bộ các ông chồng bị lừa dối, thì khi đó anh ta mới chính thức được coi là được kết nạp.
Ông chủ tịch Câu lạc bộ, chủ nhân của cặp sừng hươu lớn nhất, gọi từng người xin vào Câu lạc bộ lên diễn đàn.
Sau khi bắt họ đọc câu thề: “Dưới bóng những chiếc đầu có cặp sừng cong này tôi xin thề sẽ nói sự thật”, ông ta bảo:
– Anh sẽ được kết nạp vào Câu lạc bộ trong trường hợp nếu câu chuyện của anh được các thành viên Câu lạc bộ công nhận là độc đáo.
Tất cả đúng như một kì thi, vì các ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ có quyền ra câu hỏi cho các ứng cử viên.
Hai hội viên cũ của Câu lạc bộ giới thiệu với những người dự họp ứng cử viên thứ nhất.
– Chúng tôi chứng nhận: vợ anh ta đúng là đã phản bội anh ta.
Sau đó ứng cử viên này bắt đầu kể:
– Tôi đến trường bình thường – lúc tám tuổi. Tại trường tiểu học tôi bị đúp mất một năm, nên tốt nghiệp nó vào năm mười lăm tuổi. Ở trường trung học tôi cũng bị đúp. Và năm 19 tuổi tôi từ trường trung học chuyển sang cao đẳng. Tôi phải bỏ học một năm vì bệnh tật. Sau đó tôi lại đúp một năm. Tôi tốt nghiệp cao học năm hai mươi nhăm tuổi – vì thời đó ở các trường cao học có mười hai lớp. Sau đó tôi vào học đại học tổng hợp. Nhưng sau một năm tôi hiểu ra mình đã chọn không đúng khoa, nên tôi chuyển sang khoa khác. Ngoài ra tôi lại còn phải làm việc thêm để kiếm tiền nên phải mất sáu năm tôi mới tốt nghiệp đại học. Sau đó tôi lại phải đi nghĩa vụ quân sự mất hai năm, thế là tôi đã ba mươi tư tuổi. Tôi muốn trở thành một chuyên gia, và muốn vậy phải mất ba năm tập sự. Đến năm ba mươi bảy tuổi tôi trở thành chuyên gia. Tôi mất một năm đi tìm việc làm. Sau ba năm tôi đã có được công việc thích hợp. Nghĩa là mãi đến năm bốn mốt tuổi tôi mới có việc làm ổn định. Tôi muốn cưới vợ, nhưng chưa đủ khả năng nuôi vợ. Mãi mười năm sau thu nhập của tôi mới cho phép tôi trở thành một chủ nhà khiêm tốn, nghĩa là tôi có khả năng trả tiền thuê nhà và mua sắm vài thứ đồ dùng. Nhưng để cưới vợ thì không đơn giản. Tôi mất bốn năm để đi tìm người vợ phù hợp. Và mãi đến năm sáu mươi tuổi tôi mới tìm được người vợ như thế. Nhưng để chinh phục trái tim cô gái tôi phải mất một năm nữa. Sau đó nàng nói: “Chúng ta hãy là người yêu của nhau một thời gian đã, đến khi nào hiểu rõ nhau sẽ cưới”. Nàng nói đúng. Hai năm chúng tôi là đôi vợ chồng chưa cưới. Đến khi cưới nhau tôi đã sáu mươi ba tuổi.
Một ủy viên Ban chấp hành hỏi:
– Thế vợ ông bao nhiêu tuổi?
– Hai mươi nhăm!
– Ông có chắc là cô ta phản bội ông không?
Không để ông ta kịp mở mồm đáp, những ủy viên khác của Ban chấp hành đã đồng thanh kêu to:
– Chúng tôi tin!
Người đàn ông nói:
– Nếu vậy tôi đề nghị các vị ban cho tôi vinh dự được gia nhập Câu lạc bộ.
Ông chủ tịch nói:
– Không, không thể được!. Câu chuyện ông vừa kể là ví dụ cổ điển về sự phản bội của người vợ. Nó rất nhàm chán, không có gì là độc đáo cả. Rất tiếc chúng tôi không thể kết nạp ông được.
Khi người đàn ông này buồn bã rời bục diễn đàn thì ứng cử viên thứ hai bước lên.
– Kính thưa các ngài! – Ông ta bắt đầu. – Tôi hoàn toàn không chút nghi ngờ rằng, chỉ cần nhìn mặt tôi, các chuyên gia như các ngài đều hiểu ngay rằng tôi là người chồng bị phản bội.
– Chúng tôi có nghe kể về vinh quang của ông. – Các ủy viên Ban chấp hành đồng thanh nói.
– Cám ơn các ngài, các ngài thật là tốt bụng! – người chồng bị phản bội nghiêng người nói. – Tôi tốt nghiệp phổ thông một cách bình thường, và do không có khả năng nên không theo học tiếp được. Nhưng tôi là người đàn ông chân chính, người đàn ông mẫu mực: cao lớn, vai rộng, da ngăm ngăm, mắt xanh – loại người như tôi nói chung phụ nữ chỉ gặp từ xa đã mê rồi. Nhờ có vẻ ngoài đàn ông đó tôi kiếm được khá nhiều tiền.
Một ủy viên Ban chấp hành ngắt lời ông ta.
– Rõ rồi, rõ rồi, – ông nói. – Sau đó có một phụ nữ rất xinh đẹp kết thân với ông: “Hãy cưới em đi!”. – Ông nói rằng ông không thể cưới được, vì ông không có một xu dính túi. Cô ta đáp: “Em rất may mắn trong cuộc sống, nếu cưới em, em sẽ đem may mắn lại cho anh”. Rồi ông và cô ta lấy nhau. Và mặc dù ông tốt nghiệp phổ thông loại xoàng, cô ta vẫn thu xếp cho ông được một công việc tốt. Nhưng đó không phải là tất cả. Ông cưới vợ mới chỉ năm năm, mà ông được thăng chức đến năm lần. Cuối cùng ông trở thành giám đốc một hãng, và chiếm được vị trí cao như hiện nay.
Người đàn ông ngạc nhiên hỏi:
– Làm sao ngài biết tất cả các chuyện đó?
– Ông bạn thân mến ơi, cách lừa đảo này đã lỗi thời rồi. Những trường hợp như vậy quá nhiều, chính vì thế nên tôi biết, – ông ủy viên Ban chấp hành đáp.
– Nhưng nếu các ông tin rằng vợ tôi đã phản bội tôi, thì các ông phải kết nạp tôi vào Câu lạc bộ.
– Chúng tôi tin ông là người chồng bị phản bội. Nhưng rất tiếc chúng tôi không thể kết nạp ông vào Câu lạc bộ được. Vì vợ ông phản bội ông một cách thường xuyên, ở mọi nơi, và trong bất cứ trường hợp thuận lợi nào.
Không còn cãi gì được nữa, người đàn ông chuẩn mực đành phải rời diễn đàn. Khi ông ta rời khỏi gian phòng nước mắt rơm rớm vì đau khổ, thì một ứng cử viên khác bước lên và bắt đầu nói:
– Cách đây hai mươi năm tôi là một người rất nghèo. Tôi có một người vợ.
Ông chủ tịch Câu lạc bộ ngắt lời ông ta:
– Được rồi, không cần dài dòng nữa. Sau đó vào một ngày kia, khi ông kiếm được khá nhiều tiền trong một phi vụ mà không thể kể ra ở đây, mức sống của ông cao hẳn lên. Nhưng vợ ông không phù hợp với mức sống cao này, ông đã li dị bà ta và cưới một người phụ nữ phù hợp với mức sống của ông. Thu nhập của ông và mức sống của ông cứ tăng cao không ngừng. Người vợ thứ hai của ông tỏ ra rất ấu trĩ so với mức sống của ông. Ông lại bỏ bà ta và cưới một người đàn bà đẹp hơn và có học thức hơn.
– Phải, phải! Mọi chuyện đúng như vậy!
– Ông kiếm được rất nhiều tiền, và cứ mỗi khi thu nhập của ông cao lên, ông lại thay vợ, và mỗi lần ông lại chọn người phụ nữ mà sắc đẹp và tâm hồn cô ta phù hợp với số tiền của ông. Ông đã thay đổi sáu, bảy hay tám người phụ nữ. Ông còn có quan hệ với một số cô bồ, vì không thể tìm được người phụ nữ nào cao hơn người vợ cuối cùng của ông. Sau đó vào một ngày nọ…
– Vào một ngày nọ mọi chuyện bỗng đảo ngược hoàn toàn.
– Ông lại trở lại tình trạng cũ của mình. Người vợ cuối cùng của ông không chịu nổi cuộc sống thấp kém này nên đã…
– Phải… nên cô ta bắt đầu phản bội tôi. Các ông phải kết nạp tôi vào Câu lạc bộ.
– Không! Rất tiếc, trong chuyện phản bội của vợ ông không có gì mới cả. Nó rất tẻ nhạt và thô thiển. Loại phản bội như thế có rất nhiều.
Ứng cử viên thứ tư thông báo rằng vợ ông ta là một phụ nữ tuyệt vời và nhờ cô ta ông được sống sung sướng mười lăm năm mà không phải làm gì. Nhưng cuối cùng ông ta cũng bị đá đít.
Ứng cử viên thứ năm chỉ đơn giản tuyên bố:
– Tôi và vợ tôi đều là diễn viên điện ảnh.
Các ủy viên Ban chấp hành ngắt lời ngay.
– Thôi đủ rồi! Rõ rồi! – Họ nói. – Không có gì hay ho cả!. Chuyện phản bội để giành lấy một vai diễn là một chuyện quá bình thường, không có gì thú vị cả.
Ứng cử viên thứ sáu thông báo rằng ông ta cưới vợ đã hai năm, và trong thời gian đó ông ta đếm được vợ ông ta có hơn sáu chục bạn trai, và sau đó thì ông ta không đếm được nữa.
Không một ai trong số ứng cử viên đó được công nhận xứng đáng vào Cau lạc bộ.
Sau hết là ứng cử viên cuối cùng, một người đàn ông béo tốt, quay về phía các thính giả và nói:
– Thưa các vị? Vợ tôi không và không thể phản bội tôi. Không một người đàn bà nào có thể phản bội tôi. Như các vị thấy, tôi là người đàn ông tiêu biểu. Không còn trẻ lắm, nhưng cũng chưa già. Tiền bạc có, địa vị xã hội cũng có. Tôi giàu có, nhưng hơn nữa lại là người có văn hóa. Đối với phụ nữ tôi là người đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Để bắt vợ tôi phải sợ, mỗi tuần hai lần tôi đánh cho cô ta một trận thừa sống thiếu chết. Vợ tôi không dám kêu một tiếng. Tôi tuyệt đối cấm cô ta ra phố một mình. Khi tôi đi vắng, tôi khóa trái cô ta trong nhà. Tôi cấm cô ta không được có cả bạn trai lẫn bạn gái. Nhưng tôi đáp ứng mọi nguyện vọng của cô ta. Chúng tôi có ô tô. Có một căn hộ tuyệt vời. Tôi lái xe đưa cô ta đi chơi. Cô ta không được khêu gợi quá. Vợ tôi biết rõ nếu cô ta phản bội tôi, tôi sẽ nghiền nát cô ta như một củ hành. Người phụ nữ mà không thể phản bội tôi chưa sinh ra trên đời này.
Khi ông ta kể xong toàn bộ câu chuyện, đầu mũi ông ta đỏ ửng lên như mào gà tây.
Các ứng cử viên Ban chấp hành suy nghĩ một lát rồi nói:
– Phải, thật khó mà phản bội được ông. Vả lại cũng không có cơ sở để phản bội!
Khi đó con người vừa nói chuyện bằng giọng rất to tát, tự tin, bỗng cúi đầu và nói thầm:
– Chính vì thế mà tôi thấy nghi ngờ.
Ứng cử viên này được mọi người nhất trí kết nạp vào “Câu lạc bộ các ông chồng mọc sừng”.
NHỮNG NGƯỜI THÍCH ĐÙA
Cuộc đời thật là cay đắng. Cuộc đời thật là chông gai. Cuộc đời thật là… Tôi có hẳn ba quyển vở dày cộp chép toàn những câu triết lý về cuộc đời như thế. Tổng cộng khoảng gần 16 nghìn câu mà tôi cho là hay nhất.
Đời là bể khổ. Đời là bờ dốc đứng. Đời là một ghềnh thác. Đời là một cái sân khấu, vân vân…
Nhưng rồi ở trang cuối, tôi lại ghi mấy chữ: “Vậy thì đời là cái cóc khô gì?”
Ồ, thưa quí vị, đời cay đắng và chua xót lắm! Không tin, xin quí vị cứ nghe câu chuyện tôi kể đây rồi tự xét đoán xem tôi nói có đúng hay không.
Hồi ấy tôi không làm ăn gì cả. Chẳng phải vì tôi giàu có hay vì được thừa hưởng một gia tài kếch xù gì mà chẳng qua vì tôi không sao tìm nổi việc làm. Đã hai ngày tôi sống bằng không khí và nước lã. Một hôm, tôi đến ngồi trên một chiếc ghế đá vườn hoa để suy nghĩ về bản chất cuộc đời. Bên cạnh tôi có một ông ngồi xem báo. Lúc ông ta nhét tờ báo vào trong túi, tôi hỏi:
– Ông có thể cho tôi ngó qua tờ báo một chút được không ạ?
Ông bạn ngồi cùng ghế đưa cho tôi tờ báo. Tôi vội lướt nhanh các mục rao vặt. Có một mẩu tin khiến tôi thoáng hy vọng: ”Cần tuyển người làm, bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ”. Thế là không để lỡ một phút, tôi trả lại tờ báo cho chủ nhân rồi ba chân bốn cẳng phóng ngay đến cái địa chỉ ghi trong mẩu rao vặt. Đó là một ngôi nhà năm tầng, nằm ngay giữa khu vực đông đúc nhất của thành phố. Sợ đến chậm, nên chẳng càn chờ thang máy, tôi cứ thế bước mấy bậc lên thẳng tầng thứ năm. Cánh cửa treo biển số 18 đây rồi! Tôi thấy người ta bước vào đó, lần lượt từng người một. Người nào lúc vào trông mặt cũng đầy hy vọng. Nhưng khi bước ra thì trông ai cũng hầm hầm tức giận.
Để cho hơi thở đã trở lại bình thường, tôi mới tiến lại phía cửa.
– Tôi xem báo thấy nói ở đây…
Không đợi tôi nói hết câu, người gác cửa khoát tay ra hiệu cho tôi vào. Tôi bước vào một căn buồng có kê rất nhiều ghế băng và ghế bành. Đã có 6 người đàn bà và 8 người đàn ông ngồi chờ ở đó. Còn 5 người khác, trong đó có tôi thì đứng.
– Công việc gì đấy hả ông? – Tôi hỏi người đứng bên cạnh.
Người này cũng có số phận hẩm hiu như tôi. Ông ta đáp:
– Tôi cũng không biết. Chỉ thấy người ta gọi từng người một vào. Nhưng vẫn được độ mười phút, hay cùng lắm là nửa tiếng, thì thấy ai cũng chạy bổ ra như ma đuổi, chửi ầm cả lên.
Đúng lúc đó cửa xịch mở và một người đàn ông mặt đỏ gay lao ra phòng chúng tôi, chửi rủa om sòm:
– Đồ đểu, đồ khốn nạn!
– Đến lượt ai? – Người gác cửa kêu to.
– Tôi ạ!. – Một phụ nữ còn trẻ, phấn son loè loẹt, nói đoạn bước vào buồng trong. Tôi hỏi một người đang ngồi đợi:
– Họ làm gì trong ấy thế hả ông?
– Chắc họ thử trình độ!
Thế là tôi hối hả ôn lại trong trí nhớ tất cả những gì người ta dạy tôi ở trường học. Cứ dựa vào các dấu hiệu bên ngoài mà xét, thì ở đây là một cơ quan thương mại, như vậy ắt họ phải kiểm tra trình độ toán học. Tôi vội vàng nhẩm lại bảng cửu chương, rồi ôn lại cách tính phần trăm, tính hạ giá…
Bỗng cửa mở tung và người phụ nữ mang đồ trang sức rẻ tiền ban nãy bước ra, mặt đỏ như gấc.
– Quân khốn nạn, đồ vô lương tâm!
Chị ta kêu ầm lên và từ phía trong vọng ra một giọng cười đàn ông khả ố.
– Chả lẽ họ làm nhục chị ấy? – Tôi chợt rùng mình.
Không phải đâu – Người bên cạnh tôi đáp. – Tôi chắc người ta ra một câu hỏi gì hóc búa quá mà chị ta không trả lời được đấy thôi!
– Đến lượt ai nào? – Người gác cửa lại kêu to. Lần này người vào là một thanh niên, chính cái anh chàng vừa nãy nói rằng chị phụ nữ không trả lời được câu hỏi. Trong lúc tôi đang loay hoay ôn lại cách tính phần trăm rắc rối, thì thấy anh ta đã lao vọt ra như một mũi tên, miệng gào lên:
– Mẹ kiếp! Thế mà cũng gọi là công việc!
– Anh chàng này hoá ra lại kém cả đàn bà! – Người ngồi cạnh tôi với giọng chế giễu.
Lúc này sau lưng tôi đã có một dãy người. Người gác cửa vẫn tiếp tục gọi từng người một vào.
Tôi túm lấy áo ông ta, rụt rè hỏi:
– Họ làm gì trong ấy thế hả bác?
– Sát hạch! Ông ta cười khẩy đáp.
Cứ mỗi lần thấy có người từ bên trong lao ra và lớn tiếng chửi rủa, là tôi lại thấy mừng thầm. Vì như thế tôi càng có nhiều hy vọng có công ăn việc làm. Nhưng mừng mà vẫn lo. Vì không biết công việc gì mà họ kiểm tra một cách kỳ lạ như vậy? Giá như chưa đến nỗi đói lắm, thì tôi đã nhổ toẹt vào công việc và bỏ đi quách cho rồi! Hàng người cứ tiến lên rất nhanh. Trước mặt tôi là một ông già xanh rớt như tàu lá. Ở trong phòng bước ra, ông ta mệt lả người, đến nỗi không còn sức mà chửi rủa nữa.
– Họ làm gì trong ấy thế hả bố? – Tôi tò mò hỏi. Ông ta khoát tay bảo:
– Không phải hỏi. Cứ vào trong ấy khắc biết.
Người gác cửa hỏi to đến lượt ai. Tôi im lặng.
Người xếp hàng sau tôi bảo:
– Đến lượt anh đấy.
– Ông vào trước đi. Tôi không vội lắm. – Tôi nói vậy, nhưng bị ông ta phản đối.
– Không được! Phải có trật tự chứ! Tôi chưa đến lượt, tôi không vào.
Đồ con lợn! Giá đây là xếp hàng đi xe điện hay xe buýt, thì có lẽ hắn chả tử tế như vậy mà huých bật tôi ra khỏi hàng từ lâu rồi.
– Mời ông cứ vào trước đi?
– Không, không! Anh phải vào trước chứ!
Người gốc cổng huých vào lưng tôi đẩy vào. Tôi nghe thấy cửa đóng sập lại sau lưng.
– Ôi lạy Chúa! – Tôi thầm khấn – Xin ngài che chở cho con. Nếu đúng là sát hạch hay kiểm tra gì thì xin ngài hãy giúp con vượt qua tất cả, để con có thể kiếm được việc làm.
Không hiểu vì đói hay vì sợ, tôi bỗng thấy mặt mày sa sẩm.
Căn buồng mà tôi bước vào bày biện như một văn phòng. Những người ngồi ở đó đang cười ha hả. Trông người nào cũng to béo, bụng chảy sệ, cằm thì hai ngấn. Thế thì làm gì mà họ không hay cười?
Tôi tiến lại gần một ông ngồi sau chiếc bàn lớn có mặt kính. Ông này chắc hẳn là chủ tịch hội đồng giám khảo.
– Anh có thích đùa không? – Ông ta hỏi.
Tôi đưa mắt quan sát tất cả mọi người có mặt trong phòng. Có chừng mười người tất cả. Nhưng không người nào ăn mặc tồi tàn và trông ốm đời như tôi. Vậy ắt hẳn họ phải là những người thích đùa. Vì thế tôi vội nở ngay một nụ cười đáp:
– Tất nhiên là thích chứ ạ? Chả nhẽ trên đời này lại có người không thích đùa hay sao?
– Tốt lắm. Thế nghĩa là anh r.â.ấ.t thích đùa? – Ông ta kéo dài giọng – Vậy thì anh hãy ngồi xuống chiếc ghế xa lông này!
Chân tôi lúc bấy giờ đã mỏi lắm, chỉ muốn khuỵu ngay xuống, nhưng vì sợ thất lễ nên tôi không dám ngồi.
– Dạ, thưa ngài, tôi đứng cũng được ạ.
– Không, không được! Anh vừa nói là thích đùa cơ mà! Thế cứ ngồi xuống!
Tứ chói nữa e không tiện, tôi đành cảm ơn rồi rón rén ngồi xuống ghế.
– Không, ngồi vào đây, vào chiếc xa lông này cơ!
Tôi lại đứng dậy và ngồi sang chiếc xa lông.
– Thế, phải rồi! Tất cả những người mà anh thấy đang ngồi đều là những người thích đùa. – Viên chủ tịch giám khảo nói.
– Thưa ngài, thế thì hay quá! Gì chứ đùa thì tôi mê lắm ạ!
Thế là họ bắt đầu hỏi tôi đủ mọi chuyện. Tôi đáp lại họ bằng những câu ngắn gọn và lễ phép. Bỗng tôi cảm thấy cái ghế ngồi bắt đầu nóng lên, mỗi lúc một nóng hơn. Tôi thấy mình như một cái hạt dẻ bị rang trên chảo nóng. Lạy thánh Ala!… Hay là tôi lên cơn sốt chăng? Nhưng nếu sốt, thì cái nóng phải tập trung ở đầu, chứ không thể ở chỗ nào khác. Tôi bắt đầu nhăn nhó, oằn oại trên ghế. Thấy vậy mọi người phá lên cười. Thì họ là những người thích đùa mà lại, và điệu bộ tôi lúc ấy chắc phải tức cười lắm. Tôi cảm thấy như ngọn lửa đã cháy vào tận ruột gan nhưng nhìn thấy họ cười, tôi cũng bất đắc dĩ phải nở một nụ cười gượng gạo.
– Anh làm sao thế? Trong người khó chịu à? – Họ hỏi tôi.
Nếu tôi trả lời là bị ốm, thì tất nhiên đời nào họ còn lấy tôi vào làm nữa. Vì thế tôi phải nói:
– Đâu có ạ! Tôi khoẻ như trâu ấy chứ ạ!
– Thế tại sao anh cứ oằn oại thế?
Rồi họ lại nhìn tôi cười rũ ra.
– Xin lỗi, tội bị bệnh rò hậu môn, – tôi tìm cách nói dối như vậy, – xin các ngài cho phép tôi được đứng!
Nói đoạn, tôi đứng dậy, lau mồ hôi trán. Tôi đã toan hét to vào mặt họ: ”Làm gì mà các ông cười rống lên như vậy”, nhưng chợt nhớ ra họ là những người thích đùa, nói thế chỉ tổ bị đuổi thẳng ra ngoài, nên tôi lại thôi.
Vị ngồi sau bàn lại rung chuông gọi người gác cửa và bảo:
– Mang nước chè vào cho ông này!
Tôi nghe nói mà mát cả ruột. Như vậy là họ đã thích tôi. Nhưng cơn đói làm bụng tôi cồn cào. Chà, cái lũ giun chết tiệt ấy nó hành hạ tôi! Người gác cửa mang vào cho tôi một tách nước trà. Nhưng tôi chưa kịp thả hai miếng đường vào, thì nước trong cốc bỗng nhiên sủi bọt và trào ra ướt hết cả tay. Mọi người lại được một trận cười no bụng. Mà kể ra nhìn cái bộ dạng ngây độn của tôi lúc ấy thì ai mà nhịn được cười cho được!
Một vị trong ban giám khảo cố nhịn cười và bảo tôi:
– Anh hãy mở cánh cửa kia ra. Ở trên cái bàn phía sau cửa ấy có một cái gậy. Anh hãy cầm cái gậy ấy lại đây!
Tôi làm theo lệnh của ông ta, nhưng không thấy cái gậy nào cả.
– Thưa ngài, trên bàn không có gì ạ! – Tôi bối rối nói.
– À đây rồi, người ta lại gọi tôi lại. Rồi một viên giám khảo khác tiếp tục thẩm vấn tôi. Nhưng thật là tai hại, tôi bỗng lên cơn hắt xì hơi và không tài nào trả lời được. Đúng là hoạ vô đơn chí.
– Anh tên là gì?
– Tôi… hắt… hắt xì hơi? Tôi… tôi… tôi… hắt… hắt… xì. Tôi tên là… Ac… mét, xì hơi!
“Mình bị làm sao thế này?”. Tôi lo lắng tự hỏi.
Lần đầu tiên trong suốt bốn mươi năm, hy vọng có được việc làm vừa chợt loé lên, thì ác thay, cái ghế ngồi bỗng nóng rực lên, rồi nước chè tràn ra khỏi cốc rồi lại hắt xì hơi!
– Bốn… bốn… bốn… hắt xì.. hơi. Bốn mươi… hắt… xì hơi… mốt…
Mọi người lại cười rộ lên. Cuối cùng, một vị trong ban giám khảo nói.
– Đằng kia có cái vòi nước kia kìa! Anh ra rửa mặt đi!
Tôi ra rửa mặt và cảm thấy dễ chịu hơn, không hắt xì hơi nữa, nhưng không hiểu sao nước mắt tôi bỗng chảy ràn rụa như suối. Hay là tại đói chăng? Tôi bắt đầu khóc nức nở như một thằng hề vậy. Thôi, thế là đi tong! Chưa hết hắt xì hơi đã lại bắt đầu chảy nước mắt thế này, thì còn ai người ta nhận vào làm nữa!
– Tại sao anh lại khóc?
– Ai? Tôi ấy ạ? Dạ, tôi cũng không biết tại sao nữa? Chắc tại tôi nhớ đến bà mẹ tôi đã mất…
Thế là mọi người lại lăn ra cười. Còn tôi thì cứ thút tha thút thít như đứa trẻ. Một vị giám khảo khác lấy trong túi ra một lọ nước hoa đưa cho tôi và bảo:
– Anh hít lấy một tý nước hoa này cho nó dễ chịu!
Tôi nhỏ mấy giọt nước hoa vào lòng bàn tay rồi đưa lên mũi hít. Thứ nước hoa đúng là đặc biệt thật. Vừa hít vào đã thấy dễ chịu ngay. Nhưng… ơ kìa! Tôi lại bị làm sao nữa thế này? Ấc… ấc. Chết cha rồi! Tôi lên cơn nấc? Thôi, lần này thì mới thật là hết nhé! Này… người ta sắp tống cổ tôi đi này!
– Trước đấy anh làm nghề gì?
– Dạ…ấc…ấc! Trước đây…ấc! Tôi làm…ấc! Nghề đánh…ấc? Giầy…ấc!…
– Thôi lạy Chúa, xin anh đừng nói nữa! Anh hãy mở cái tủ này ra!
Tôi vừa mở cánh cửa tủ thì bỗng… ầm một cái như tiếng đại bác. Hết hồn, tôi ngã bệt xuống đất. Thôi đến nước này thì còn hy vọng gì công việc nữa, tôi nghĩ thầm, không khéo mình còn phạm tội giết người nữa là đằng khác! Vì có khi họ bị vỡ bụng ra vì cười.
Bỗng tôi thấy một ông to béo thổi tung bụi ở bàn. Rồi một lát sau tôi cảm thấy ngứa không chịu được.
– Tại sao anh cứ phải gãi thế?
– Dạ, tôi cũng không hiểu tại sao nữa ạ! Tôi mới tắm hôm qua…
– Hay là tôi bị bọ nẹt đốt chăng? Nhưng nếu bọ đốt thì chỉ ngứa một chỗ thôi chứ? Đằng này khắp người tôi chỗ nào cũng ngứa ran.
– Trình độ văn hoá của anh thế nào? – Một ông nhiều tuổi nhất trong ban giám khảo hỏi.
– Dạ, thưa, tôi đã tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp,ạ!
Ông ta dí sát tai vào mặt tôi bảo:
– Anh nói to lên, tôi bị nặng tai.
Quả thật tôi thấy một lỗ tai có đeo một cái ống nghe. Tôi hét to, trong khi vẫn ra sức gãi.
– Khoa văn.
– Cái gì?
Tôi lại hét to một lần nữa vào lỗ tai ông ta: “Khoa văn!”. Thế là từ cái ống nghe ở lỗ tai ông ta có một tia nước bắn vọt vào mặt tôi. Quá bất ngờ, tôi lại ngã phịch xuống sàn. Không biết đây là cái chỗ gì vậy nhỉ? Văn phòng quái gì mà lại thế? Hay là tôi rơi vào một cái hang quỉ sứ!
Xung quanh tôi, các vị giám khảo cứ ôm bụng lăn ra mà cười. Họ cười giật từng cơn như bị động kinh. Nhưng rồi cuối cùng, cơn cười cũng chấm dứt. Mọi người nghiêm trang đứng cả dậy.
– Khá lắm! – Một ông trong ban giám khảo khen tôi – Anh đã chịu được tất cả các cuộc thí nghiệm. Chúng tôi đã thử đến bốn chục người, nhưng không ai chịu được đến phút cuối cùng. Thậm chí có người mới vừa sau thí nghiệm thứ nhất đã bỏ chạy.
– Thưa ngài, tôi chưa hiểu. Ngài bảo tôi chịu được những cuộc thí nghiệm gì cơ ạ?
– À chả là thế này, ở Mỹ có một hãng chuyên sản xuất các thứ hàng đặc biệt. Họ gọi đó là những món hàng “biết đùa”, vì chúng có thể làm cho người ta cười. Hãng này có gửi cho chúng tôi một số hàng mẫu và đề nghị chúng tôi cùng kinh doanh.
– Vâng, thế thì sao ạ?
– À, nhưng vì một số thứ hàng có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm, nên chúng tôi quyết định phải thử trước…
Rồi họ quay sang bàn bạc với nhau:
– Nghe đâu ở bên Mỹ có đến hơn một vạn cửa hàng bán các thứ hàng này…
– Phải đấy! Riêng tiền xuất khẩu các thứ hàng này nghe nói cũng đã lên tới trên 20 triệu đôla cơ đấy?
– Họ có giới thiệu cho ta hơn 50 mặt hàng.
– Ta phải ký hợp đồng với họ ngay đi. Cái món hàng này hời đấy! Vì dân ta cũng ham đùa lắm, gì chứ món hàng này của Mỹ dứt khoát là họ phải đổ xô vào mua.
Vị nhiều tuổi nhất trong, đám nói với viên thư ký:
– Ông viết đi: Hai nghìn đệm ghế phát nhiệt, hai vạn hộp bột ngứa, năm trăm hòm nước hoà nấc, năm nghìn tá máy điếc bắn nước, hai vạn chai nước làm chảy nước mắt, năm tấn đường gây cười, ba vạn hộp phát tiếng nổ. Ông nhớ bảo họ gửi ngay cho ta tất cả các thứ đó nhé!
Tôi hiểu rằng như thế là tôi đã được nhận vào làm, nhưng không hiểu sẽ phải làm gì? Mọi người vẫn say sưa thảo luận nên chẳng còn ai nhớ đến tôi. Thấy vậy, tôi mới lên tiếng hỏi vị chủ tịch giám khảo:
– Thưa ngài, tôi có được nhận vào làm không ạ?
– Được – ông ta đáp, – anh tỏ ra là người có sức chịu đựng khá nhất trong số những người mà chúng tôi đã thử.
Đoạn ông ta quay sang bảo viên thư ký:
– Ông nói với ông thủ quỹ trả cho ông này 2 lia rưỡi. Rồi lại quay sang phía tôi nói tiếp:
– Công ty của chúng tôi mỗi tháng sẽ nhận được của hãng sản xuất hàng gây cười ở bên Mỹ tất cả những mặt hàng mới. Vậy cứ ngày mồng 5 mỗi tháng anh hãy đến đây để chúng tôi thử các mặt hàng mới nhận được. Anh sẽ được anh 2 lia rưỡi một tháng. Anh nhớ là cứ vào mồng 5 đầu tháng nhé!
– Ha ha ha!… Ha ha ha!… Đột nhiên tôi ôm bụng cười vang. Vị chủ tịch giám khảo cũng mỉm cười nhìn tôi:
– Ồ, té ra anh cũng là người biết đùa đấy nhỉ?
Tuy đã lả người đi vì đói, nhưng tôi vẫn cố thu nốt chút sức tàn, thoi một quả đấm vào giữa mũi lão chủ tịch. Lão ta bị một cú đấm trời giáng, ngã quay xuống đất.
– Xin các vị cứ coi như là tôi đùa. – Tôi bảo họ thế.
– Đùa kiểu du côn thế à?
– Các vị thứ lỗi cho, nhưng có 2 lia rưỡi một tháng thì bọn dân đen chúng tôi đâu có thể mua nổi những món hàng biết đùa của các ngài được! Nên chúng tôi phải đùa theo kiểu của chúng tôi vậy!
Nói đoạn, tôi đóng sập cửa, bỏ về.
NHỮNG NGƯỜI THÍCH KHÓC
Các nhà làm phim của chúng ta thường nói: Nếu trong lúc xem phim khán giả không ràn rụa nước mắt thì có nghĩa họ mất toi tiền bỏ ra mua vé.
Tôi tán thành ý kiến này. Chúng ta là những người rất giỏi cười và giỏi khóc. Ngoài ra không có người ở giữa hai loại này. Cứ nhìn những người đi đường bạn sẽ hoặc chỉ thấy những khuôn mặt như đang chực khóc, hoặc chỉ nghe thấy những tiếng cười ròn tan như ngô rang. Chúng ta quả là những người thích khóc! Bộ phim hay cuốn tiểu thuyết nào không làm rơi nước mắt thì không đáng một xu!
Cho đến bây giờ vẫn không ai biết lý do tại sao hồi bé tôi đã phải bỏ học ở trường tiểu học. Vào thời ấy không ai là không mơ được vào học ở trường này, vậy mà tôi lại bỏ nó mà đi. Đó là trường nội trú và không mất tiền. Ở đó người ta cho chúng tôi ăn và còn phát cả quần áo, nói chung là được phát không tốt cả những gì cần thiết. Thế thì vì lẽ gì mà tôi lại bỏ đi khỏi trường? Tôi không phải là đứa trẻ lười học. Trong lớp tôi thậm chí được coi là học trò gương mẫu.
Ít lâu sau, khi biết chuyện tôi bỏ trường, mọi người bắt đầu tra hỏi tôi:
– Tại sao cháu lại bỏ học?
Còn tôi thì không sao giải thích được tại sao tôi bỏ học, từ đó đến nay đã tròn ba mươi hai năm. Bây giờ thì tôi đã có thể giải thích lý do. Nguyên nhân khiến tôi phải bỏ trường chính là do nước mắt. Vào năm mười tuổi tôi thi đỗ kì thi tuyển sinh của trường này, sau đó đại thắng trong cuộc bốc thăm, thế là tội được nhập học. Năm học đầu trôi qua tốt đẹp. Nhưng đến năm lớp năm thì bắt đầu xảy ra mọi chuyện.
Vào thời kỳ đó trong trường có những giờ học gọi là “Trò chuyện về đạo đức”, một kiểu những lời khuyên răn về các quy tắc và hành vi đạo đức. Chúng tôi đã được nghe các học sinh lớp trên nói rất nhiều về những tiết học này. Người phụ trách các tiết học ấy là thầy Siukru. Theo lời họ, ông là con người tốt nhất trong số các giáo viên của trường, giờ học nào ông cũng làm cho các học trò phải khóc hết nước mắt. Đấy, ông là người tốt như thế đấy! Các anh chị lớp trên thường nói:
– Thầy ấy mà kể chuyện thì cứ gọi là đá cũng phải chảy nước mắt!
Từ đó tôi rất tò mò muốn biết thầy Siukru như thế nào. Thật ra, hồi đó tất cả các thầy giáo của chúng tôi lúc nào cũng bắt chúng tôi phải khóc. Và nếu thầy nào càng làm chúng tôi chảy nước mắt nhiều hơn thì chúng tôi càng thấy quyến luyến với thầy ấy nhiều hơn. Khi thầy giáo dạy môn “Cuộc đời các nhà hiền triết” kể về cái chết của nhà hiền triết Hutxâyin, con trai của Ali, trong cuộc giao chiến ở Kerbel, hãy cử thử không khóe xem. Mà đâu phải chỉ chuyện ấy. Cả chuyện về Muavia nữa chứ!
Sau khi thầy giáo bước ra khỏi lớp, nước mắt chúng tôi vẫn còn ràn rụa trên má thì đến giờ của thầy giáo dạy môn tôn giáo. Và đến khi thầy bị kích động đến cực độ và kể cho chúng tôi nghe về những hình phạt đang chờ đợi những kẻ có tội, thì cả sáu chục đứa học trò mười một, mười hai tuổi chúng tôi đều oà lên khóc nức nở. Tôi thường không có khăn mùi xoa nên nước mắt cứ chảy ràn rụa trên má, tôi cứ vừa khóc nấc lên vừa khịt mũi. Tiết học cuối cùng hầu như bao giờ cũng là tiết học tiếng Thổ nhĩ kì. Muốn không bị thua kém các đồng nghiệp của mình nên thầy giáo dạy tiếng Thổ cũng cố sức bắt chúng tôi phải chảy nước mắt. Trong lúc thầy kể về những nỗi đau đớn của nhà thơ yêu nước Namưc Kêman, thì những tiếng rên khóc hoà cùng những tiếng than vãn “Ôi” “Ai” phát ra từ cổ họng non nớt của hơn sáu chục đứa con nít chúng tôi, từ cửa sổ lớp học vang đến tận trời xanh. Đến tiết học nhạc, khi chúng tôi đồng thanh hát những bài thánh ca thì nước mắt chúng tôi đã chảy như suối.
Không có giờ học nào chúng tôi không khóc, không có thầy giáo nào là không khiến chúng tôi phải đầm đìa nước mắt. Thậm chí chúng tôi khóc cả trong tiết học thể dục, mà thời đó gọi là “giáo dục thể chất”. Thầy giáo dạy thể dục chẳng có gì để kể, nên để bắt chúng tôi phải khóc, thầy cứ lôi chúng tôi ra mà đánh.
Uy tín của các thầy được đo bằng nước mắt của chúng tôi. Và nếu có học sinh trường khác nói với chúng tôi: “Cậu biết không, thầy giáo tớ mà giảng bài thì nước mắt cậu cứ là phải tuôn như suối!”, thì để chứng tỏ sự hơn hẳn của trường mình, chúng tôi ngắt lời ngay: “Thế đã ăn thua gì? Giá cậu được gặp thầy giáo của tớ. Thầy ấy mà kể chuyện thì cứ gọi là đá cũng phải chảy nước mắt”.
Nước mắt chúng tôi chảy ra nhiều hơn là nước chúng tôi uống vào. Vì thế tôi rất muốn biết thầy Siukru như thế nào. Tôi tự hỏi thầm: nếu như tất cả các thầy giáo khác đều bắt chúng tôi phải rơi nhiều nước mắt như vậy, thì thầy Siukru, người đặc biệt giỏi về mặt này, sẽ còn khiến chúng tôi phải khóc đến đâu? Tôi nhớ là tất cả chúng tôi ai nấy đều đã sẵn sàng khóc thật tốt trong khi chờ tiết học của thầy Siukru.
Tiết học đầu tiên là môn sử, thầy giáo dạy sử kể cho chúng tôi nghe về các sự tích anh hùng của cha ông chúng tôi một cách xúc động đến nỗi chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Tiết thứ hai là môn tiếng Thổ Nhĩ Kì. Thầy giáo này cũng bắt chúng tôi phải khóc khi đọc cho chúng tôi nghe khúc bi ca của nhà thơ Retgiaizađe Ekrem viết về cái chết sớm của con trai mình. Đến tiết học thứ ba, khi thầy giáo địa lí kể cho chúng tôi nghe chuyện đế chế của chúng tôi, mà một thời đã chiếm hết ba lục địa, đã dần dần bị tan rã như thế nào, thì chúng tôi cảm thấy như trong người không còn giọt nước mắt nào nữa.
Đến tiết học thứ tư thì thầy Siukru đến. Đó là con người thấp nhỏ, có cái đầu to. Ăn mặc rất diện. Quần đen kẻ sọc, áo vét bằng len đen. Chiếc áo sơ mi trắng hồ cứng. Đôi giày đánh xi bóng lộn. Từ túi ngực của áo vét thòi ra mảnh tam giác mùi xoa trắng. Chùm tóc dài thưa có thể đếm được từng sợi được chải vắt từ bên này sang bên kia và ép cẩn thận vào trán. Thầy bước vào lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng rón rén như sợ dẫm phải kiến, rồi ngồi vào bục giảng.
Trước đây chúng tôi đã nghe kể quá nhiều về thầy, và tin rằng thế nào thầy cũng bắt chúng tôi phải khóc, đến nỗi dù thầy có ngồi im không nói gì thì chắc chắn chúng tôi vẫn phải rơi nước mắt.
Trời ơi, cuối cùng thầy Siukru có mở miệng không? Không biết các học sinh khác thế nào, chứ nước mắt tôi đã sắp sửa chảy đến nơi. Lúc này tôi nghĩ rằng ở mấy tiết học trước tôi đã khóc cạn cả nước mắt rồi. Nhưng bây giờ tôi vẫn không sao cầm được nước mắt.
Đến khi hết tiết học và thầy Siukru bước ra khỏi lớp thì tôi suýt bị ngất vì khóc nhiều quá.
Vậy thầy Siukru là người thế nào? Chúng tôi được biết thầy rất giàu có và là hiệu trưởng một trường khác, trường cao học. Nhưng vì hồi bé thầy cũng là học sinh trường này nên thầy tự nguyện xin về dạy cho các lớp tiểu học của chúng tôi không lấy tiền, chỉ vì thú vui riêng của thầy. Mà thú vui ấy thầy tìm được ở việc bắt chúng tôi phải khóc. Và không có gì so sánh được với thú vui ấy!
Và chưa có trường hợp nào thầy Siukru đến lớp dạy mà chúng tôi không khóc. Thầy kể cho chúng tôi nghe về thời thơ ấu của thầy ở trường này, thế là chúng tôi khóc. Thầy chỉ nói đến hai từ “Tổ quốc”, thế mà chúng tôi khóc. Thầy nói: “Đất nước”, chúng tôi lại khóc. Thầy khuyên dạy chúng tôi “Các em hãy yêu mến cha mẹ của mình”, và chúng tôi khóc nức nở.
Nguyên nhân khiến tôi phải bỏ trường chính là vì những giọt nước mắt mà chúng tôi đã nhỏ ra nhân vụ động đất ở Toocbala. Ở đó nhà cửa đổ sập và người bị chết. Thầy Siukru bước vào lớp trông như người vừa từ dưới mồ sống lại. Cho đến lúc này mới chỉ có chúng tôi khóc. Nhưng ngày hôm đó thầy Siukru đã khóc cùng chúng tôi. Thầy bảo chúng tôi cũng nên quyên góp tiền cho những nạn nhân động đất. Tiền là cái gì, ngay cả tính mạng mình chúng tôi cũng sắn sàng hy sinh! Thầy hỏi từng người xem ai đóng góp bao nhiêu để thầy ghi vào sổ. Khi nào tan học chúng tôi phải về nhà lấy tiền đến. Chúng tôi… Mà chúng tôi là ai? Những đứa trẻ mười một, mười hai tuổi. Tất cả chúng tôi đều là con cái của các gia đình nghèo, không cha hoặc không mẹ… Trong số chúng tôi người nào được mẹ cho mỗi tuần hai mươi nhăm curusơ đã được coi là giàu rồi. Thầy Siukru kể về những người bị chôn vùi trong trận động đất, bị mất nhà mất cửa, cảm động đến nỗi bọn trẻ con chúng tôi vừa nuốt nước mắt vừa gào lên:
– Một lia!
– Hai lia!
Từ bé tôi đã là đứa trẻ tốt bụng, không ai có thể sánh với tôi về lòng thương người.
Khi thầy Siukru nói: Trong khi các em đang được ngồi trong lớp học ấm cúng này thì bạn bè, anh chị của các em ở Toocbala lúc này đang…” thì tim tôi như thắt lại. Tôi không kiềm chế nổi bản thân.
– Hai lia rưỡi! – Tôi thét lên.
Thầy Siukru ghi vào tờ giấy bên cạnh tên tôi: “Góp hai lia rưỡi”. Tuổi: “mười một”. Mà số tiền hai lia rưỡi cách đây ba mươi hai năm to bằng mười lăm lia bây giờ. Nhưng lúc đó làm sao tôi có thể tính toán gì được?
Thầy Siukru im lặng một lát, thầy lại vẽ ra cảnh tượng thiên tai đau thương sinh động đến nỗi tôi ràn rụa nước mắt, rồi vừa nức nở tôi vừa không kìm được:
– Ba lia!
Bây giờ tôi không còn nghĩ gì nữa.
– Bốn lia!
Khi thầy Siukru nghẹn ngào nói: “Các đồng bào của chúng ta…”, tôi gào lên:
– Năm lia!
– Những người cùng tín ngưỡng với chúng ta…
– Thưa thầy, sáu lia!
Rồi cả lớp oà lên khóc nức nở.
– Bảy lia!
Những người cùng Tổ quốc của chúng ta… Những người anh em của chúng ta…
– Tám lia!
Khi chuông tan học vang lên, tôi gào thật to:
– Mười lia!
Nếu chuông reo muộn hơn chút nữa thì cứ nghe những lời nói thống thiết của thầy Siukru, có lẽ tôi sẽ còn hô đến một trăm, một nghìn, một triệu lia.
Khi ra khỏi lớp, đôi mắt đỏ ngầu vì khóc của tôi đau nhức. Hai mí mắt tôi xưng húp. Tôi vẫn tiếp tục sụt sịt. Sau khi được phép tôi trở về nhà.
Khi nhẹ tôi dúi vào tay tôi hai mươi nhăm curusơ tiền quà hàng tuần, tôi chợt nhớ ra.
Nếu tôi nói: “Mẹ ơi, con phải ủng hộ các nạn nhân động đất, mẹ hãy cho con mười lia”,chắc mẹ tôi cũng phải khóc lên đau xót vì tưởng rằng con trai bà bỗng dưng bị điên.
Từ hôm đó tôi không đến trường nữa và cho đến bây giờ vẫn không ai biết tại sao tôi lại bỏ học ở cái trường tốt như thế – trường nội trú không mất tiền.
Không biết trong số các giáo viên thời nay có thầy giáo nào giống các thầy giáo cũ ngày xưa của chúng tôi không, những người mà mỗi lời nói ra có tác dụng như một quả bom hơi cay? Và trong số các học trò ngày nay có học trò nào sẵn nước mắt như lớp học trò chúng tôi ngày xưa không?
NHỮNG NGƯỜI QUEN CỦA TÔI
Nhiều khi chính chúng ta là người có lỗi trong những tai hoạ, rủi ro của mình. Trong trường hợp này tôi đang nói về tôi.
Vào những ngày diễn ra Liên hoan phim Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ nhất, tôi cố gắng không bỏ sót một phim nào. Đến hôm cuối cùng tôi hiểu ra rằng xem phim trong nước còn khó hơn cả việc làm ra các phim ấy. Vào đúng lúc giác ngộ được điều đó thì tôi lăn ra bất tỉnh ngay tại rạp chiếu phim.
Anh bạn Mêtin của tôi phải nâng tôi dậy, rồi xốc nách dìu tôi ra ngoài đường. Anh gọi một chiếc tăcxi
– Mặt anh không còn giọt máu, – anh vừa dìu tôi ngồi lên xe vừa nói với giọng lo lắng.
Tôi rên rỉ:
– Tôi thấy trong người khó chịu quá.
– Không ngờ những bộ phim lại có thể tác động mạnh đến con người như vậy.
Nhân đây tôi muốn nói thêm, các bộ phim do nước ta sản xuất thường hết sức lâm li tình cảm. Một diễn viên nam chỉ cần nhìn xoáy vào một cô gái từ cách xa mười lăm mét là cô nàng đã lập tức có chửa ngay. Mà đó là một cảnh cưỡng hiếp, cô gái cầu khẩn: “Không bao giờ!… Không đời nào!… Hãy thương xót tôi!…” Nghe cô ta nói tôi sợ chết khiếp đi được.
Đến bến tàu chúng tôi chia tay với người lái xe tăcxi. Tôi loạng choạng bám vào tay Mêtin để đi. Trời nóng bức ngột ngạt y như ở xa mạc Xahara. Tại bến tàu một đám đông đang đứng chờ. Chúng tôi phải tìm mọi cách để chen đến gần bờ. Sau đó đứng chờ tàu cập bến. Hàng rào sắt ngăn lối xuống tàu gợi lại cho tôi những kỉ niệm buồn bã. Cánh cửa sắt của hàng rào lát nữa sẽ mở ra, và chúng tôi sẽ xuống tàu thủy.
Có một người phía sau xô đẩy tôi rồi lách vào giữa tôi và Mêtin. Người khác lại xô đẩy ông này rồi lách vào đứng giữa ông ta và Mêtin. Bây giờ chúng tôi bị ngăn cách bởi hai người lạ. Sau đó những người chen vào giữa càng nhiều hơn. Tôi bị chen bật về một phía, còn Mêtin về phía khác.
Tôi kêu lên bảo anh:
– Chúng ta sẽ gặp nhau dưới tàu thủy!
Anh kêu to đáp lại:
– Anh đang ốm đấy! Anh không nên đứng! Xuống đến tàu tìm chỗ mà ngồi đi. Nhớ đấy nhé!
Tôi bị xô đẩy hết bên này sang bên khác. Rồi không nhìn thấy bóng dáng bạn tôi đâu nữa. Trên cái biển đầu người chỉ thấy thấp thoáng cánh tay anh ta.
– Azit, tôi sẽ tìm anh trên tàu thủy!
Cánh cửa sắt mở ra.
Bị một cú huých mạnh đến một nghìn mã lực, trong nháy mắt tôi rơi ngay vào khoang “Luých” ở boong trên và ngã phịch xuống một chiếc ghế còn trống. Vài giây sau thì người kéo đến đã chật cứng. Không nhìn thấy Mêtin đâu. Tôi vẫn chưa bình phục hẳn sau cơn bất tỉnh: đầu vẫn quay quay, mắt vẫn tối sầm, miệng vẫn buồn nôn.
Trước mặt tôi có hai người ngồi. Một là ông đeo kính, đầu hói, chạc tuổi tôi. Người thứ hai ba mươi tuổi, vai rộng, người đô con, trông như một đô vật, giọng nói ồm ồm.
Tôi liếc mắt nhìn: ông đầu hói đang cầm trong tay tờ báo của chúng tôi, và đang đọc trang bốn, là trang có đăng truyện ngắn của tôi.
– Chà, thế mới là viết chứ? – Ông ta quay sang tay đô con nói.
Tôi thích cái phản ứng của ông ta. Thậm chí tôi cảm thấy hơi ngượng và quay nhìn ra phía biển. “Thế nào rồi họ cũng nhận ra mình!”
Tây “đô vật” nhếch mép cười kháy và nói rít:
– Biết rõ là hắn viết gì rồi! Đồ chìm ăn xác thối!
Không biết ở địa vị tôi các bạn sẽ làm gì đây?
Tôi làm ra vẻ không nghe thấy những lời xúc phạm vừa rồi. Rõ ràng là họ không nhận ra tôi. Đã vậy thì cứ mặc cho họ muốn nói gì thì nói.
Tay “đô vật” im lặng một lát rồi nhận xét:
– Hắn viết kể ra cũng được đấy, nhưng giọng rất ba que xỏ lá!
Tôi cần phải làm một trong hai việc: hoặc lấy hai tay tóm chặt lấy cổ họng hắn, hoặc đứng lên và bỏ đi. Nhưng tôi không đủ sức để đứng dậy. Mà cho dù có đứng dậy được chăng nữa, tôi cũng không thể nào đi được một bước giữa đám đông chật cứng như thế này.
Tôi nghĩ bụng: “Dù sao họ cũng không quen biết mình. Cứ kệ cho họ nói. Trong bất cứ câu chuyện nào cái quan trọng nhất là ý tưởng chính. Qua đây có thể thấy họ cũng thích sáng tác của mình. Chúng ta ai cũng thường khoác cái mặt nạ khoan dung suồng sã khi khen người thân cận.”
Vậy là tôi quyết định làm ra vẻ không nghe thấy gì.
Ông đầu hói hỏi:
– Anh quen hắn ta à?
Tay “đồ vật” lại cười nhạt:
– Tôi?… Quen hắn ta ấy à?… Tất nhiên rồi!
Tôi đưa mắt liếc nhìn hắn: “Có thể hắn là một trong những đồng nghiệp cũ của tôi chăng? Không thể nào, vì hắn trẻ hơn tôi nhiều. Rõ ràng lần đầu tiên tôi nhìn thấy hắn.”
Tay “đô vật” tiếp tục nói:
– Dùng từ “quen” chưa chính xác lắm. Tôi còn biết rõ họ hàng tông tích của hắn ấy chứ! Một tên bịp bợm khét tiếng!
Ông đầu hói thốt lên:
– Thật thế à?! Cũng hay thật! Tôi cũng có lần gặp hắn ta, nhưng đọc các truyện của hắn tôi cứ nghĩ hắn là người đứng đắn tử tế.
Có thể đúng họ là những người quen của tôi và trước mắt tôi họ cố tình nói ra những lời lẽ đểu cáng làm ra vẻ như không nhận ra tôi. Nếu vậy, cần dự đoán rằng sự việc sẽ kết thúc tại đồn cảnh sát.
– Hắn toàn viết nhăng nhít, – tay “đô vật” lại nói giọng ồm ồm. – Nhưng bác tìm thấy cái gì độc đáo trong truyện của tên bịp này? Tôi nói riêng với bác thôi nhé, chính tôi đã làm cho hắn thành người đấy!
– Thế à?
– Than ôi, đúng vậy, và đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Bố của tay viết báo này làm nghề đánh cá. Hồi nhỏ gia đình hắn sống nhờ ở nhà tôi.
– Hình như anh là người làng Koni? – Ông đầu hói hỏi.
– Phải. Bố hắn cả đời làm nghề đánh cá, nhưng vì ở Koni, nơi gia đình hắn dọn đến, không có biển, nên lão già phải chuyển sang làm nghề bán cá khô.
Câu chuyện của hai người này từ lâu đã lôi cuốn chú ý của các hành khách khác. Mọi người chăm chú lắng nghe với vẻ thích thú ra mặt.
Tôi cứ ngồi chết lặng, không kịp lau cả mồ hôi trên mặt. Giá có Mêtin bên cạnh, tôi đã đứng dậy và bỏ đi rồi.
– Tôi và hắn cùng học một trường, – tay “đô vật” giải thích. – Hắn có biệt hiệu là Smorchok.
Ái chà! Cái thằng nói dối? Tôi chưa bao giờ đến vùng Koni cả!
– Theo tôi hắn kí bút danh, – ông đầu hói nói, – Còn tên thật của hắn khác.
– Hoàn toàn đúng, – tay “đô vật” khẳng định. – Tên thật của hắn là Durmus. Nhà hắn có mười bốn anh em.
– Mười bốn anh em cơ à? – Có một hành khách thốt lên.
– Phải, mười bốn. Nhưng tất cả đều chết từ khi còn bé. Vì thế bố mẹ mới đặt tên cho hắn là thằng Durmus1. Ở trường hắn bị tất cả học sinh thi nhau bắt nạt. Chỉ có mình tôi đứng ra bảo vệ. Tôi không bao giờ quên được trong một lần thi văn hắn đã “bơi” như thế nào. Thầy giáo phải cho hắn thêm giờ chuẩn bị. Tôi dúi cho hắn bài của tôi để hắn cóp, nhưng hắn chỉ trả lời được một nửa. Hắn bị chuyển sang lớp khác. Ít lâu lâu sau thì bị đuổi khỏi trường vì lười biếng. Nhiều năm sau bỗng tôi gặp hắn ở Stambul. Tôi đang đi trên phố Bâyôg bỗng nhìn thấy ở góc phố có một người đang đứng và gân cổ gào lên: “Khuy cài tay áo sơ mi đây!… Ai mua khuy cài tay áo đây!…” Hoá ra hắn đã trở thành kẻ đi bán rong các đồ tạp hoá. “Ê, này, cái đầu đất kia, – tôi bảo hắn. – Làm sao cậu đến nỗi này hả?” – “Ôi, đừng hỏi nữa, người anh em, cái số tôi không may!” – Hắn đáp. Tôi dẫn hắn đến nhà tắm, cho một ít quần áo cũ, sau đó dúi vào tay hắn một trăm lia và bảo:
“Khi nào gặp khó khăn cứ ghé qua, tôi sẽ giúp.” Hắn sướng quá, thế là quen mui ngày nào cũng đến xin tiền.
Lúc này cả khoang tàu đã lắng nghe những lời ba hoa phét lác của tay “đô vật”. Cảm thấy mình là trung tâm chú ý của mọi người, hắn càng nói hăng hơn.
Ông hói đầu hỏi:
– Nhưng hắn xin tiền để làm gì?
Tay “đô vật” bĩu môi khinh bỉ:
– Tất cả bọn cờ bạc đều thế cả. Có khi nào chúng giữ được tiền đâu?
– À, ra thế. Nghĩa là hắn chơi bạc?
– Chơi tàn bạo là đằng khác! Suốt ba ngày đêm liền không rời khỏi ghế. Hắn phải bán nốt bộ quần áo cuối cùng của bố hắn rồi nướng hết vào bài bạc. Vì chuyện này tôi rất phẫn nộ. Khi hắn lại mò đến hỏi xin tiền tôi túm cổ đẩy ra khỏi cửa.
– Anh làm thế là đúng. – Ông hói đầu ủng hộ.
Không muốn để sót một câu nào, mọi người cố cúi sát vào người kể chuyện, đặt tay lên tai để nghe cho rõ hơn.
– Rồi sau thế nào? – Ông hói đầu háo hức hỏi.
– Từ lần đó hắn không dám đặt chân đến nhà tôi nữa… Đời nào tôi chơi với những tên vô lại như hắn!
Một người đàn ông bụng phệ tham gia vào câu chuyện.
– Đúng lắm, – ông này lên tiếng. – Tôi cũng biết hắn ta. Nhiều lần hắn thua bạc phải bán cả quần. Có lần tại câu lạc bộ của chúng tôi người ta nện cho hắn một trận thừa sống thiếu chết.
– Cái đó thì không có gì ngạc nhiên, – tay “đô vật” cười nhạt. – Nhưng vì chuyện gì?
– Hắn định giở trò sàm sỡ với một chị có chửa. Hay đại loại là như vậy.
– Chà, chà, chà! – Một người đàn ông tóc đen, da ngăm ngăm, thốt lên, giọng nghiêm trọng, thậm chí nét mặt còn tỏ giận dữ.
– Phải, không thể nào mà không đánh hắn được các vị ạ. Cứ ngay như tôi đây, một con kiến không dám giết, thế mà đã ba lần tôi cũng phải nện hắn. Hắn mắc cái tật rất bệnh hoạn là đi nhìn trộm các đôi trai gái yêu nhau. Các vị có biết không, người ta gọi loại người như hắn là những người thích làm bác sĩ X quang”. Ban đêm bọn người này thường trèo lên cây, lên các cột điện, hàng rào và ngó vào phòng ngủ của chúng ta. Một thứ bệnh đê tiện, thưa các vị. Cầu thánh Ala cho chúng ta tránh xa được hắn! Có một lần nào đêm trăng sáng tôi đang cởi quần áo trong phòng ngủ, vô tình nhìn ra cửa sổ thì thấy trên cây một bóng người. Tôi chạy ra vườn và kéo tên đốn mạt xuống đất. Chính là hắn! Tôi bảo hắn, mày hãy liệu hồn đấy! Rồi tôi cầm gậy đập cho hắn một trận. Hắn cứ quỳ móp dưới chân tôi van xin: “Người anh em tha cho tôi! Tôi thề không bao giờ nhìn trộm nữa!” Tời thương hại, tha cho hắn đi. Nhưng rồi các vị có biết không?… Đến tối hôm sau hắn lại trèo lên cây cạnh cửa sổ nhà tôi.
Một ông già khọm có cái cằm run run thều thào hỏi”
– Thế hai vợ chồng ông ở nhà à?
Ông tóc đen, người gọi tôi là “người thích làm bác sĩ X quang” im lặng một lúc rồi đáp:
– Không, tôi chỉ có một mình. Rõ ràng cái tên đê tiện này đã rình mò khắp thành phố nhưng không tìm được đối tượng nào là phụ nữ để nhìn trộm nên đành phải chọn tôi. Tối hôm trước hai vợ chồng con gái tôi đã về Canhit để thăm bố mẹ chồng.
Tôi chỉ muốn nhổ vào mặt bọn họ và hét lên:
“Đồ đểu cáng! Khốn nạn! Đồ bịa đặt vô liêm sỉ!” Nhưng sự việc chưa phải kết thúc ở đây. Chắc chắn thế nào tôi cũng sẽ phải chửi nhau với họ, và khi đó hoặc tôi sẽ phải giết một người nào đó, hoặc bọn họ sẽ bóp cổ tôi.
Mà nào tôi có quen biết ai trong số họ cho cam! Lần đầu tiên tôi nhìn thấy họ! Làm sao họ có thể bịa chuyện trắng trợn như thế được cơ chứ!
Một hành khách có khuôn mặt trẻ măng nói:
– Nhưng ông ấy viết hay!
– Vớ vẩn, – ông đội mũ be-rê ngắt lời cậu ta. – Cái chính là phải có đạo đức. Con người trước hết cần phải đứng đắn.
Một ông già tóc bạc trắng gầy như cây sậy lắc đầu vẻ đau xót.
– Than ôi, than ôi! Tôi chính là người đã làm hắn trở thành nhà văn và chính vì thế đã mang lại tai hoạ cho dân tộc chúng ta. Tôi là người đầu tiên đặt cây bút vào tay hắn.
– Sao, cụ cũng biết hắn à? – Tay “đô vật” hỏi.
Ông già cười chua xót.
– Tôi biết hắn ta ấy à? Nói thế chưa đủ. Tôi đã nói với các vị rằng chính tôi là người làm cho hắn trở thành nhà văn. Hồi đó tôi là một tờ báo ở Bilegik. Một hôm có một người trẻ tuổi ăn mặc tồi tàn đến toà soạn xin việc. Tôi thương hại anh ta. Chắc là quỷ sa tăng đã làm tôi mờ mắt. Tôi quyết định làm cho chàng thanh niên bất tài này thành nhà báo. Để cho anh ta, tôi nghĩ, kiếm được miếng bánh mì và sẽ biết ơn tôi. Trời ơi, sao tôi lại đi mở lòng hào hiệp với hắn làm gì!
Tay “đô vật” vỗ tay vào đùi đánh “đét” một cái.
– Thôi, tất nhiên rồi. Bây giờ thì tôi hiểu hết rồi. Nghĩa là hắn đã làm cho báo của ông ở Bilegik trước khi lại quay lại chỗ tôi.
Tôi không còn đủ sức nghe những lời nói láo của bọn họ nữa. Phải chạy ngay khỏi đây! Chạy hoặc nhổ vào mặt bọn họ? Dù sao tốt nhất tôi nên bỏ đi. Mặc cho chúng vắng mặt tôi muốn nói gì thì nói. Quân ngu dốt! Tôi vài lần có việc đi tàu hoả ngang qua Bilegik, nhưng chưa bao giờ ở đấy cả. Lão già này nói về tờ báo nào vậy?
Tôi đứng dạy khỏi ghế. Ngay lập tức có người ngồi vào ghế tôi. Nhưng tôi không sao đi nổi một bước. Đầu quay cuồng, chân như muốn khuỵu xuống vì mỏi. Đám đông ép chặt tôi từ bốn phía, không sao nhúc nhích được.
Vậy là tôi lại phải đứng lại giữa đám “những người quen của tôi”.
Tay “đô vật” kể, một đêm tôi bị bắt ở một nhà chứa và sau đó trốn khỏi đồn cảnh sát, người trần như nhộng. Có người nào đó ngắt lời gã và bắt đầu tỏ ta ý phẫn nộ vì nghe đâu như tôi viết những tiểu thuyết khiêu dâm, bí mật đem truyền bá làm hư hỏng thanh niên ta. Theo lời ông này thì ông ta đã nhiều lần khuyên tôi phải chấm dứt những việc làm bẩn thỉu, sau đó, thấy tôi không chịu ăn năn hối cải, đã đuổi tôi ra khỏi nhà mình và từ đó không thèm nói chuyện với tôi nữa. Ông ta kết thúc câu chuyện hoang tưởng của mình như thế này:
– Nhưng thế chưa hết! Chính phủ nhiều lần hối lộ hắn, và kẻ lá mặt lá trái đã dùng bài báo của mình bôi nhọ các đảng đối lập.
Vài người đồng thanh kêu lên:
– Đến thế sao?
– Ô-ô-ô… Tôi xin nhắc lại, là nhiều lần!…
“Họ nói gì vậy? – tôi kinh hoàng nghĩ. – Hay có thể tôi bị chứng bệnh phân thân, con người chia thành hai con người, và tôi đã làm những hành động mà chính tôi không biết?”
Tôi ngạc nhiên nghe những câu chuyện kì lạ về bản thân tôi, về những hành vi và việc làm ghê tởm của tôi. Tôi nhận ra tôi là kẻ mang trong người đủ mọi thói hư, tật xấu.
Hoá ra, những con người này biết về tôi rất rõ. Họ đã giúp đỡ tôi, muốn đưa tôi trở lại con đường lương thiện, nhưng tôi không thể trở thành người tốt được thành thử cuối cùng mọi người buộc phải xua đuổi tôi bằng cách hoặc đá vào mông tôi, không thì nói thẳng vào mặt tôi: “Cút ngay đi, đồ con lợn!”
“Hay có thể họ nói về người khác?” – Một ý nghĩ cứu tinh chợt loé lên trong đầu tôi.
– Xin lỗi ông, – tôi hỏi cái ông khách vừa kể chuyện tôi tống tiền như thế nào. – Ông vừa nói về ai đấy ạ?
Ông ta chìa cho tôi xem tờ báo trong đó đăng truyện ngắn của tôi, và nói tên tôi.
– Chúng tôi công phẫn về cái thằng cha bịp bợm này. Ông cũng biết hắn à?
Tôi biết.
– Các ngài nghe thấy chưa? Ông đây cũng biết hắn ta đây này!
Tất cả quay lại nhìn tôi. Có người hỏi:
– Thế theo ông, hắn là người như thế nào?
– À phải, một tay không lấy gì làm tốt lắm.
Tôi lại cố tìm cách thoát khỏi cái đám người nói láo này, nhưng vô hiệu. Bỗng tôi nhìn thấy Mêtin đang đứng ở đằng xa. Và anh ta cũng nhận ra tôi, anh gọi to:
– Ây, Azit! Azit!
Có nên thưa không? Mọi người sẽ nhận ra ngay tôi là ai. Tôi sẽ đặt họ vào thế khó xử. Với lại, vấn đề không phải ở chỗ đó. Khi tự thú như vậy thì coi như tôi phải nuốt tất cả những lời lẽ thô bỉ, tục tằn của họ.
Tôi quyết định không thưa, kệ Mêtin gọi.
Còn anh thì vẫn cố hét thật to:
– Ây! Azit! Anh thấy thế nào rồi, đỡ hơn chưa, Azit?
Tôi không ngoái đầu lại. Khi nào tàu cặp bến và chỉ có hai chúng tôi với nhau tôi sẽ giải thích cho anh tất cả.
Mêtin rất cáu vì tôi không thưa, anh dùng khuỷu tay huých đám đông để cố len đến chỗ tôi:
– Anh điếc hay sao thế? Tôi gào suýt vỡ cả cổ họng!
– Ông cần gì? – Tôi lạnh lùng nhìn vào mắt anh.
– Thôi đừng vớ vẩn nữa, Azit? Anh đùa kiểu gì thế?
– Xin lỗi, ông nhầm rồi. Chắc ông nhầm tôi với người nào khác.
– Tỉnh lại đi, Azit. Chúng ta vừa xuống tàu cùng nhau mà!
– Tôi không biết ông.
Đám hành khách mấy phút trước đây vừa đơm đặt chuyện về tôi, nhìn chúng tôi với cặp mắt tò mò.
– Azit, thôi đừng đóng kịch nữa!
– Ông hỏi Azit nào? Xin ông để tôi yên.
– Thôi bỏ cái trò ngu ngốc ấy đi. Chúng ta vừa ban nãy cùng đi xem chiếu bóng. Anh còn bị ngất trong rạp, tôi phải gọi tăcxi.
– Ông nói lăng nhãng gì thế, tôi đâu quen biết ông!
– Đến phát điên lên được! Anh bạn thân mến của tôi, anh là bạn tôi mà. Anh viết truyện cho báo “Aksam”. Chả lẽ không đúng thế sao?
– Hồ đồ! Ông nhầm người rồi!
– Azit!
– Tôi xin ông tránh ra cho tôi đi.
– Azit, nghe đây…
Tôi quay lại phía những người cùng đi tàu.
– Xin lỗi các vị. Xin các vị làm ơn giải thích hộ với ông này là ông ấy nhầm. Vì tất cả các vị đều biết rõ tay nhà báo ấy. Chả lẽ là tôi?
Ông tóc đen nước da ngăm ngăm, nét mặt cau eo nhún vai. Tay “đô vật” phụ họa theo:
– Thật ngu ngốc! Tay kia cao lớn, tóc vàng…
Ông đeo kính đầu hói cười vang vẻ giễu cợt.
– Tất nhiên đó là sự nhầm lẫn, ông bạn ạ. Cái thằng cha bẩn thỉu kia đâu có quan hệ gì với ông! Không giống chút nào cả!
Rồi ông ta nhìn Mêtin với vẻ đắc thắng:
– Ông thấy đấy, ông nhận nhầm người rồi.
Mặt Mêtin đỏ ửng lên. Anh có vẻ sắp phát điên vì tức.
– Phù! Thật quái gở! – Anh văng tục một câu rồi bắt đầu lách đám đông đi ra cửa.
Cuối cùng tàu cập bến Kađưkiô.
Khi chúng tôi rời tàu lên bờ, tay “đô vật” đi sánh đôi với tôi kể chuyện rằng tôi, trong một chuyến đi châu Âu về, đã mang hàng lậu – quần áo lót phụ nữ bằng ni lông – và đã bị bắt quả tang ra sao, rồi sau đó hắn đã cứu tôi ra khỏi tù như thế nào. Ngoài ra, tôi còn biết thêm, tôi là kẻ nát rượu và hay gây gổ, và không bao giờ có ai nhìn thấy tôi tỉnh cả.
Bước chân lên bến, tôi nhổ toèn toẹt vào cái thanh vịn bằng gỗ sạch bóng của bến tàu. Mặc cho cảnh sát nhìn thấy, mặc cho họ phạt! Mặc hết! Tôi cóc cần gì hết! Tôi lại nhổ một cái nữa.
Từ đó Mêtin không thèm nói chuyện với tôi nữa. Tôi cũng không đủ can đảm giải thích mọi chuyện cho anh hiểu.
NGÀI AKHMET VÀ CON BÒ THIẾN
Tại vương quốc nọ, trong một quốc gia nọ có người đàn ông tên là Akhmet. Ông ta chuyên buôn bán hạt đại mạch, ngô, rơm. Một người giàu có. Giàu nhưng bủn xỉn, keo kiệt, không bao giờ chịu thiệt lấy một xu. Một hôm người vợ bảo ông ta:
– Đôi giày của con trai rách rồi, phải mua đôi mới cho nó…
Ông Akhmet nổi giận:
– Sao lại có chuyện như thế được! Ngày xưa mẹ tôi hai, ba năm mới mua cho tôi một đôi giày, mà bố tôi còn khó chịu. Ông ấy nói: ”Cái thời tôi một đôi giày phải đi được đến năm, mười năm. Bây giờ đám thợ giày toàn đóng bằng thứ da vứt đi”. Thằng con nhà mình mới có hai tháng đã hỏng đôi giày. Hỏi bà còn lương tâm nữa không hả?
– Tôi có lỗi gì trong chuyện này? – Bà vợ đáp. – Tôi có đi chúng đâu? – Và bà trút giận sang cậu con trai – Mày đúng là đồ vô lương tâm! Bố mày đi đôi giày phải được hai năm. Tao cũng hai năm mới phải mua giày một lần… Vậy mà mày mới hai tháng đã phá hỏng đôi giày.
– Nhưng con có lỗi gì, – cậu bé đáp – Mẹ cũng biết đấy, trước kia một đôi giày con đi được cả năm. Sau đó chỉ còn đi được nửa năm. Còn bây giờ thì tối hết sức… Chả lẽ con có lỗi khi giày chóng hỏng như thế sao? Mấy cái ông bán giày không còn lương tâm gì cả. Bán loại giày xấu như thế.
Cãi nhau mãi cuối cùng hai mẹ con đến gặp ông bán giày, hỏi xem tại sao ông bán giày tồi như vậy.
– Không phải lỗi ở tôi, – ông ta đáp. – Mà cũng chẳng phải mình mẹ con bà kêu. Tất cả khách hàng đều không hài lòng. Chính tôi cũng không hài lòng. Nhưng biết làm thế nào! Thời buổi bây giờ nó vậy. Chẳng còn ai còn lương tâm gì cả. Tất cả các thợ giày đều làm giày như vậy!
Ông bán giày tức giận vì người ta cung cấp cho ông ta loại hàng xấu, đến gặp ông thợ giày hỏi cho ra chuyện.
– Không phải lỗi ở tôi, – ông thợ giày nói. – Bây giờ tôi phải mua da đắt hơn trước nhiều, mà vẫn không được da tốt. Ngày xưa người ta còn có lương tâm hơn. Họ bán hàng còn bảo đảm chất lượng. Còn bây giờ – da làm đế hay da làm quai đều là loại vứt đi.
Ông thợ giày bực tức đến nhà ông bán da dể hỏi xem tại sao ông ta bán thứ da tồi như vậy.
– Đâu phải lỗi tại tôi, – ông bán da đáp. – Chả lẽ tôi lại muốn mất khách hay sao? Thời buổi bây giờ nó thế đấy, anh bạn ạ. Người ta không còn biết xấu hổ hay lương tâm là gì nữa. Dù có đặt mua da ở đâu thì cũng thế thôi. Đều hàng kém chất lượng cả.
Ông bán da đến hỏi ông chủ xí nghiệp da.
– Ông làm loại da tồi quá, cuối cùng chỉ vì ông mà khách hàng họ đến kêu tôi.
Ông chủ nhà máy da:
– Vẫn biết thế, – da bây giờ đúng là không tốt như ngày xưa. Nhưng tôi không có lỗi gì trong chuyện này cả. Chúng tôi mua da tươi ở những người nuôi gia súc. Họ bán da tươi đắt gấp ba ngày xưa, mà da vẫn không ra da…
Ông chủ nhà máy da đến gặp người bán da tươi than phiền rằng khách hàng họ kêu da xấu quá.
– Đúng thôi, – ông bán da tươi nói. – Da bây giờ không bền như ngày xưa. Nhưng đâu phải tại tôi. Chúng tôi mua lại da của những người chăn nuôi. Trước đây người ta còn có lương tâm nên da tươi còn tốt.
Rồi ông bán da tươi nguyền rủa người chăn nuôi đã cung cấp cho ông da xấu.
– Tôi có lỗi gì trong chuyện này, – người chăn nuôi nói. – Thời buổi bây giờ nó thế. Không chỉ đạo đức con người, mà cả da bò thiến cũng xuống cấp. Nếu tôi bán cho ông chính bộ da của tôi thì ông giận tôi còn có lý. Đằng này tôi bán không phải da tôi, mà là da bò thiến. Mà nói không biết ông có tin không, chứ ngay cả giống bò thiến bây giờ cúng không còn chút lương tâm nào nữa. Lỗi không phải ở tôi, mà ở con bò thiến.
Nhà chăn nuôi buồn rầu, chặn đường một con bò thiến đang sắp đi vào lò mổ, và nói với nó:
– Mày không biết xấu hổ à? Mày làm tao xấu cả mặt. Tại sao bộ da của mày bây giờ tồi thế?
Con bò thiến cúi đầu nói:
– Trong chuyện này họ hàng bò thiến chúng tôi không có lỗi gì cả. Cứ lấy ngay tôi đây thì biết. Tôi đã cố hết sức đem lại ích lợi cho ông chủ. Thịt, sừng, phân, da – tất tật tôi đều hiến cho ông chủ. Tất nhiên, tôi cũng muốn da mình được dày hơn, tốt hơn. Nhưng thời buổi đã thay đổi. Da chúng tôi bây giờ không còn được bền như da của tổ tiên chúng tôi trước đây. Nhưng tôi biết làm gì được, khi người ta cho tôi ăn thóc, đại mạch lẫn một nửa là đất? Còn tay cho rơm họ tống cho chúng tôi thứ cỏ mục, mà lại ít gấp đôi ngày trước. Thức ăn thế nào thì da sẽ như thế thôi.
Con bò thiến buồn bực vì người ta kêu về bộ da của nó như thế đến gặp ông chủ hỏi:
– Tại sao ông không chăm sóc tôi cho tử tế? Ông đã cho ăn ít thức ăn lại trộn cả đất. Thành thử xương tôi yếu, da thì không dầy. Rồi bao nhiêu tội người ta đổ lên đầu tôi.
Ông chủ con bò thiến nói:
– Ngài nói đúng nhưng không phải lỗi tại tôi. Ruộng của tôi ít, thành thử không đủ thóc và rơm. Thành ra tôi phải đến mua thức ăn của nhà ông lái buôn Akhmet. Thời buổi đã thay đổi, ngài Bò thiến ạ. Không còn người tử tế nữa. Ông Akhmét bán đắt gấp ba mà thức ăn thì lại pha các thứ vớ vẩn. Vì thế tôi không thể chăm sóc ngài đàng hoàng được.
Ông chủ rất buồn nghe những lời kêu ca của bò thiến bèn đến gặp nhà lái buôn Akhmét và hỏi tại sao sông ta bán thức ăn gia súc xấu mà lại đắt thế.
Nhà buôn Akhmet nói:
– Đúng thôi. Nhưng tôi không có lỗi gì trong chuyện này cả. Con người bây giờ hoàn toàn không còn tí lương tâm nào. Trước đây đôi giày con trai tôi đi được cả năm. Bây giờ khá lắm mới đi được hai tháng. Mà giá lại đắt hơn. Quần áo cũng thế. Để lo được đủ cái ăn, cái mặc, giày dép cho gia đình tôi cũng phải làm như họ đã làm với tôi. Nhưng ông hãy tin rằng tôi làm thế không phải do ý muốn… Trong Chuyện này tôi không có lỗi.
Ông nhà buôn Akhmet tức giận đến kêu với người thợ đóng giày. Thợ đóng giày đến kêu với chủ nhà máy da, ông chủ nhà máy da đến kêu với người cung cấp da tươi, người này đến kêu với người chăn nuôi gia súc, người chăn nuôi gia súc kêu với con bò thiến, con bò thiến lại kêu với ông chủ của nó, ông chủ của bò thiến lại kêu với ông nhà buôn Akhmet. Và người nào cũng đều trả lời với người đến kêu:
– Anh nói đúng, nhưng tôi hoàn toàn không có lỗi gì trong chuyện này cả. Thời buổi bây giờ nó thế. Con người chẳng còn chút lương tâm nào hết.
NHÂN CÔNG RẺ MẠT
Sáng sớm. Ông chủ một nhà máy lớn đang ngồi trong phòng làm việc uống cà phê. Bỗng cửa mở rầm một tiếng, một người quần áo lôi thôi lếch thếch lao vào phòng.
Trong tay vò nát cái mũ cát két, cử chỉ thường thấy của những người thất nghiệp muốn đi xin việc làm, anh ta nới với ông chủ nhà máy:
– Thưa ông, tôi muốn tìm việc làm!
Không ngẩng đầu lên, ông chủ chỉ khẽ liếc nhìn anh ta.
– Biết làm gì?
– Tôi đã tốt nghiệp trường học nghề, thợ nguội bậc một.
– Chúng tôi cần thợ tiện.
– Tôi đã năm năm làm thợ tiện cho một nhà máy ở Đức. Tôi có giấy chứng nhận.
Ông chủ bắt đầu quan tâm hơn.
Nhưng ở đây vẫn cần người chế tạo khuôn hơn.
– Tôi là người chế tạo khuôn hạng nhất.
Ông chủ liếm môi một cách ngon lành.
– Giá anh biết làm thêm nghề mộc thì tốt!
– Tôi đã có đúng bốn năm làm nghề mộc.
”Đúng là một người lý tưởng cho nhà máy. – Ông chủ bắt đầu mừng. – Nhưng thế nào hắn cũng đòi lương thật cao cho mà xem!”
– Tốt lắm, anh bạn, nhưng chúng tôi không cần công nhân nữa.
– Tôi xin làm bất cứ việc gì cũng được.
– Thôi được, tôi sẽ nhận anh, nhưng hãy nhớ: tôi chỉ nói một câu thôi và sẽ không trả thêm một xu nào đâu. Vì thực ra nhận anh vào cũng thừa.
– Cám ơn ông chủ. Tôi sẽ không đòi thêm một xu. Ông chủ trả bao nhiêu tôi cám ơn bấy nhiêu.
– Thợ bậc nhất ở đây chúng tôi trả năm lia một ngày. Còn anh, vì là lao động thừa, chúng tôi trả… hai lia…
– Cũng đành thôi, tôi đồng ý!
Được khích lệ bởi thắng lợi, ông chủ làm bộ mặt đe doạ:
– Còn điều này nữa: ngày làm việc của chúng tôi không bình thường. Phải nói trước kẻo sau này anh lại kêu ca! Một ngày làm tối thiểu mười một tiếng!
– Mười bốn tiếng cũng được, thưa ông chủ!
Ông chủ không tin ở tai mình nữa.
– Hãy chú ý lắng nghe đây, kẻo lại bảo nghe không rõ. Chỗ làm việc rất chật chội, tối tăm.
– Miễn là có chỗ làm thôi ạ!
– À, phải, suýt quên. Tiền không được nhận trước. Phải làm thử một tháng để xem tay nghề, nếu thấy được bấy giờ mới bắt đầu trả lương cho anh hai lia một ngày.
– Tùy ông chủ.
– Lại còn điều này nữa. Hai mươi phần trăm tiền lương phải trả cho tiền hao mòn và bảo dưỡng máy móc.
– Thưa ông chủ, điều đó là đương nhiên ạ!
– Còn nữa…..
– Tôi nghe đây ạ!
– Tôi tin tưởng giao cho anh, một người lạ, những kỹ thuật tiên tiến.
– Ông chủ có thể tin tưởng.
– Nhưng phải có sự đảm bảo cho chuyện đó. Anh phải đóng một nghìn lia tiền bảo hiểm.
– Tôi xin thề, tôi sẽ đóng, thưa ông chủ! Bố tôi có để lại cho tôi một túp nhà. Tôi sẽ thế chấp nó cho ông chủ.
– Vậy hãy đi vào xưởng và bắt tay làm ngay đi!
Một phút sau khi vị khách đi ra thì có hai viên cảnh sát chạy vào, thở hổn hà hổn hển.
– Thưa ngài, vừa có một thằng điên chạy vào đây. Hắn đã trốn khỏi nhà thương điên, chúng tôi đang đi tìm hắn!
TẠI SAO NGÀI RƯPHAT BỊ NGỨA?
- Alô Alô!… Anh Rưphat đấy à? Chào anh! Anh biến đi đâu đấy? Mấy hôm nay chẳng thấy mặt đâu cả?
– Anh Kêmal đấy à? Chà, anh Kêmal ơi…
– Bữa tiệc ở nhà ông tỉnh trưởng không thấy anh, tôi cảm thấy hơi lo lo. Rồi mấy tối ở nhà bạn bè cũng không thấy. Thiếu anh nên chơi bài bê-dích mất cả vui. Anh vẫn khỏe đấy chứ?
– Tốt nhất anh đừng hỏi sức khỏe tôi làm gì?
– Anh bị làm sao à?
– Ốm, tôi bị ốm…
– Chết chửa! Cầu thánh Ala cho anh chóng bình phục? Anh làm tôi lo quá! Thế anh bị bệnh gì vậy?
– Tôi bị lên mày đay?
– Cái gì?
– Mày đay…
– Mày đay à? –
– Phải, tôi bị ngứa, anh hiểu không? Ngứa không sao chịu nổi!
– Thế à? Chết thật! Thế ngứa chỗ nào?
– Không có chỗ nào không ngứa?
– Lạy thánh Ala! Thế cái bệnh đó gọi là mày đay à?
– Phải, các bác sĩ nói vậy.
– Thế sao anh lại bị bệnh ấy, anh có biết không?
– Tôi cũng không biết tại sao nữa. Cách đây mấy hôm nhà tôi có nấu món gà tây hầm. Ngon quá, bỏ vào miệng là tan ngay. Tôi không kiềm chế được: ăn luôn ba miếng. Anh bảo có thể vì vậy mà bị không?
– Anh nói gì? Ăn có ba miệng gà hầm mà bị lên mày đay á? Thế thì tôi bị mày đay từ lâu rồi. Tôi xơi hết cả con cũng chả làm sao cả.
– Vẫn không bị ngứa?
– Không.
– Trước món gà hầm tôi còn ăn món rán…
– Món gì rán?
– Gan rán.
– Gan rán? Có ai nói ăn gan rán bị ngứa bao giờ! Tôi còn ăn thứ khác nữa, nhưng không làm sao nhớ được là món gì. Lúc đầu, để cho ngon miệng, tôi có làm một đĩa salat dưa chuột trộn tỏi.
– Anh bạn ơi, ăn tỏi chỉ có buồn ngủ thôi, không thể ngứa được.
– Ngủ gì mà ngủ! Tôi ngứa suốt đêm không sao ngủ được. Cầu cho các anh đừng ai bị như tôi. Lúc tráng miệng tôi có ăn một ít chè khan-va.
– Chắc ngon lắm!
– Ngon thì ngon rồi! Nhưng khắp người cứ mẩn hết cả!
– Bạn ơi, món khan-va có tội tình gì. Tối hôm qua tôi sơi hết cả hai đĩa mà có làm sao đâu. Nguyên nhân là ở thứ khác đấy…
– Phải… Nhưng thứ nào nhỉ? Bữa tối qua nhà tôi làm món cá rô rưới mai-ô-ne…
– Cá rô sốt mai-ô-ne thì có gì hại? Theo kinh nghiệm của tôi thì món ấy hoàn toàn vô hại.
– Nhưng tôi ăn một lúc hai con?
– Ăn cả hai mươi con cũng không làm sao? Đã rưới mai-ô-ne thì không sao cả? Tôi mê món ấy lắm?
– Lạy trời cho tôi bình phục, tôi với anh sẽ cùng đi ăn món ấy…
– Chỉ mong anh chóng khỏi đi. Vậy là anh không đoán ra tại sao anh bị ngứa à?
– Này, hay tại món khoai tây rán rưới váng sữa nhỉ?
– Vớ vẩn! Món ấy cũng là món khoái khẩu của tôi.
– Nhưng tôi ăn đến bốn miếng váng sữa khô.
– Lẽ nào lại nổi mẩn vì váng sữa khô được?
– Thế thì vì cái gì?
– Anh chắc còn ăn cái gì khác.
– Nhưng tôi không ăn món gì hại cả. Vài quả chuối, mấy hạt hồ đào.
– Nhiều không?
– Không nhiều lắm.
– Hồ đào là thuốc chữa bệnh, không thể có hại được. Nó là loại hạt rất bổ…
– Thế thì vì đâu được?
– Có thể bác sĩ nhầm, anh chẳng bị này đay quái gì cả!
– Cũng có thể, nhưng người tôi cứ ngứa ran hết cả.
– Không phải cứ nổi mẩn là bị mày đay đâu…
– Thế thì tôi bị cái gì?
– Có khi là bệnh khác đấy!
– À, tôi nhớ là trước khi đi ngủ tôi có ăn vài quả hồ trăn tử và hạnh nhân nữa… Có khi tại mấy quả ô mai chết tiệt ấy…
– Làm gì có chuyện. Tối nào tôi chả ăn hạnh nhân…
– Mà không bị ngứa?
– Kh-ô-ô-n-g… Chúng chỉ bồi bổ thêm sức khỏe…

– Hay là tôi bị vì sữa. Trước khi ngủ bao giờ tôi cũng uống một cốc đầy. Mà tối hôm qua tôi lại uống những hai cốc…
– Sữa thì quá tốt có làm sao. Dù anh có uống bao nhiêu cũng chả thể ngứa được.
– Sáng ra tôi lại làm hai quả trứng gà đánh sữa. Anh bảo có thể vì thế mà bị không?…
– Nếu thế thì tôi bị ngứa ba chục năm nay rồi!
– Còn buổi tối trước nữa tôi ăn trứng cá đen với phomát cừu, hay có thể là phomát Thụy Sĩ, tôi không nhớ chính xác, nhưng ăn khá nhiều.
– Trứng cá đen ăn bao nhiêu cũng chả làm sao hết.
– Có thể là vây. Nhưng thế cái mày đay ấy là do đâu?
– Anh cố nhớ lại cho kĩ, anh còn ăn món gì nữa không?
– Gì nữa? Gì nữa? Đến ngay tối qua ăn gì tôi còn không nhớ nổi nữa, huống hồ cách đây cả tuần. Hay là món rau trộn dấm có gây ngứa không? Vì khi ăn cừu rán tôi có ăn kèm rau trộn dấm.
– Rau gì?
– Cà tím trộn dấm và váng sữa. Ngon quá tôi không nhịn được, ăn luôn sáu, bảy miếng.
– Trộn váng sữa à?
– Phải.
– Thế thì không sao. Đó là món nhẹ. Còn gì nữa không?
– Sau đó là mì sợi… với phomát rán. À này, hay là do ăn dấm?
– Anh bảo sao, anh uống dấm à?
– Không, chỉ là món ấy có rưới qua tí dấm.
– Không… salat thường trộn dấm, không bị làm sao cả.
– Trong món salat ấy có cả hạt tiêu và ớt nữa. Nhưng tôi luôn uống kèm nước khoáng.
– Anh còn ăn món gì nữa không, cố nhớ lại đi…
– Còn ăn uống gì không à? Còn ăn gì không à? Tôi không uống gì nữa, chỉ có làm một li uytxki pha sô đa thôi. À phải, ở tiệm ăn tôi và một người bạn ăn mỗi người một bát súp kêbap, sau đó ba miếng bánh pêtsô. Món chả nướng với cơm, cháo lúa lạch. Tôi đổ khá nhiều mù tạt. Tôi thích ăn thịt với mù tạt… Giá anh nhìn thấy tôi lúc này, một tay thì cầm điện thoại, tay kia thì gãi liên tục!… À, tôi còn ăn bánh rán nữa, hay là vì thế chăng? Rồi lại cả salat cá trộn trứng nữa… nhưng thường món ấy có bị làm sao đâu…
– Phải…
Hay là món súp đậu? Cách đây mấy hôm tôi thèm quá. Vợ tôi khuyên không nên ăn, bà ấy bảo món ấy nóng. Nhưng tôi cứ chén. Bà ấy nấu ngon lắm.
– Anh ăn nhiều không?
– Không, hai đĩa thôi…
– Thế bác sĩ bảo sao?
– Tôi kể hết cho bác sĩ như vừa kể cho anh. Ông ta bảo tôi: ”Không phải do thức ăn, ông không ăn phải cái gì có hại cả…” Hay là, do món dưa muối?
– Dưa muối nào?
– Các loại khác nhau… Hay là tại món mứt đào?
– Nếu vì mứt đào mà ngứa thì các cửa hiệu bánh kẹo đóng cửa từ lâu rồi?
– Thế thì vì cái quái gì mà tôi lên mày đay khắp người thế này nhỉ?
– Anh cố nhớ xem: vài ngày nay anh còn ăn gì nữa không?
– Chả còn ăn gì nữa. Anh biết đấy, tôi bị kém ăn…
– À này, mấy ngày vừa qua anh có ăn bánh mì không?
– Bánh mì á?
– Ư bánh mì…
– Bánh mì gì?
– Bánh mì bình thường, người ta vẫn nướng ở lò ấy.
– Bánh mì là đồ nặng tôi hay bị béo ra vì bánh mì. Thường tôi chỉ ăn một miếng bánh mì rán. Miếng bé tí thôi, hay một mẩu bánh mì Pháp… Hôm vừa rồi nhà chúng tôi có khách. Không còn tí bánh mì Pháp nào. Ở cửa hàng cũng lại hết bánh mì rán. Thế là tôi đành ăn nửa miếng bánh mì thường.
– Thế là rõ rồi … Anh bị ngứa chính là vì thế đấy. Bánh mì thường không phải ai cũng ăn được? Phải quen mới được. Thế anh có bảo bác sĩ là anh ăn bánh mì thường không?
– Không, tôi quên… May anh nhắc tôi nhớ ra. Bây giờ tôi mới biết tại sao bị mày đay… Ngứa đến sứt thịt ra. Giá anh nhìn thấy tôi!
– Ơn thánh Ala là anh mới chỉ ăn nửa cái, nếu anh ăn cả cái chắc anh đã phải lăn ra đất mà gãi như ngựa rồi… Thôi anh đi nằm đi, chúc anh mau khỏe!
– Cám ơn anh!
– Tôi sẽ còn gọi điện cho anh. Tạm biệt!
– Cầu thánh Ala cho anh khỏe mạnh. Tạm biệt!
CẦN PHỤ NỮ
Tôi đến chơi nhà Zeki. Anh là bạn tôi, thuê một văn phòng tại một toà nhà lớn của tư nhân. Tại đây đã có hai người cũng là bạn của Zeki đang ngồi chơi – đó là Altai và Fikret. Chúng tôi ngồi tán gẫu một lúc lâu. Cuối cùng tôi đứng dậy.
– Thôi, tôi phải đi đây.
– Vội gì? – Zeki nói. – Đừng đi vội.
Altai và Friket cũng nhấp nhỏm định đứng dậy từ lâu, lấy cớ bận công việc, nhưng chủ nhà cũng giữ họ lại.
– Cứ ngồi đã, ngồi đã! Tôi không cho các anh đi đâu cả.
Bỗng có tiếng gõ cửa.
– Xin mời vào? – Zeki nói to.
Một phụ nữ trẻ đẹp bước vào.
Chúng tôi ai nấy đều cảm thấy nghẹn thở như bị một xô nước lạnh giội vào đầu.
Cả mấy người đều đồng loạt đứng ngay dậy, như bốn sĩ quan trước sự xuất hiện bất ngờ của viên tướng. Hơn thế, chúng tôi đều khúm núm chạy đến chỗ nàng như người hầu bàn của khách sang hạng nhất chạy đến chỗ vị khách sang trọng.
– Xin mời tiểu thư.
– Kính mời tiểu thư.
– Xin mời ngồi, tiểu thư thân mến.
– Mời tiểu thư ngồi ghế sa lông này!
Người nào cũng muốn người phụ nữ xinh đẹp ngồi cạnh mình.
– Thôi, tôi ngồi đây, – nàng nói, – để không ai giận.

Người thiếu nữ lạ mặt đi ngang qua ghế sa lông và ngồi vào chiếc ghế đẩu cạnh bàn, hai chân bắt chéo lên nhau. Chiếc gấu váy của nàng hất lên phía trên đầu gối, và chúng tôi ngây ngất trước mùi thơm của loại nước hoa đắt tiền. Tôi cảm thấy tất cả chúng tôi đều cố hít một hơi thật nhiều không khí trong phòng.
Người thiếu nữ quyến rũ này là ai? Tại sao nàng đến đây?
– Thưa cô dùng gì ạ, – Zeki hỏi. – Trà, nước khoáng, nước chanh hay cà phê?
Altai rút trong túi ra bao thuốc lá đưa mời nàng.
Hai chiếc bật lửa cùng bật lên một lúc. Muốn nhanh hơn chúng, hai bàn tay cầm que diêm đã bật chìa ngay về phía nàng.
Ông chủ văn phòng quay sang bảo Altai:
– Hình như anh có việc vội đi đâu phải không?
Anh này ngớ người lắc đầu.
– Không!… Có việc gì đâu? Chuyện vặt ấy mà. Không đi cũng được.
– Tuỳ anh thôi, – Zeki lạnh lùng nói. – Nhưng cẩn thận đừng để lỡ việc của anh. – Rồi anh ta nhìn đồng hồ quay sang bảo tôi. – Anh Haxan, anh có bị muộn đến chỗ hẹn không đấy?
– Tôi không vội, – tôi đáp. – Ngày mai đến cũng được.
Người thiếu nữ rít một hơi thuốc và phả khói vào mặt Zeki.
– Phù…!
Và anh này hít thật mạnh:
– Ô-ô-ô-ph!…
Người thiếu nữ:
– Phù…ph.!
Zeki:
– Ô-ô-ô-ph!… Tôi có thể giúp gì cô đây, thưa cô?
– Ông lịch thiệp quá. Tôi nghe nói ông đang tìm một nữ thư kí. Có phải ông cần đàn bà không?
Tôi biết: Zeki không tìm ai cả. Tôi đọc được sự bối rối trên nét mặt anh.
– A, phải! – Anh kêu lên. – Tất nhiên, chúng tôi đang tìm… À, tôi muốn nói là tôi đang tìm…
Fikret cũng đứng bật dậy:
– Tôi cũng đang tìm một phụ nữ
– Cả tôi nữa, – Altai tuyên bố. – Tôi đang cần một người đúng như cô.
Tôi chìa cho người phụ nữ tấm danh thiếp của tôi:
– Mong cô quá bộ ghé qua chỗ văn phòng tôi. Tôi rất cần sự giúp đỡ của cô.
Zeki rõ ràng cảm thấy có thể mất người nữ thư kí xinh đẹp, vội nói ngay:
– Cô đã đến đúng lúc, thưa tiểu thư. Tôi đang rất cần một nữ thư kí.
Cô gái mỉm cười dịu dàng với Zeki:
– Tôi sẽ cố gắng làm ông vừa lòng.
– Trước đây cô đã từng làm việc chưa?
Nàng gật đầu:
– Rồi. Tôi có thư giới thiệu đây.
Nàng mở túi xắc lục tìm trong đó. Sau đó thò tay vào chỗ xẻ nơi ngực áo để tìm.
– Lạ thật, không biết tôi nhét nó vào đâu? Chắc tôi để quên ở nhà rồi.
Zeki dán mắt vào bộ ngực nở nang của cô gái.
– Không sao, thưa tiểu thư! Giấy giới thiệu làm gì tất cả đều rõ ràng. Bề ngoài của tiểu thư đã cho thấy tiểu thư là người có học thức. Xin phép tiểu thư cho hỏi, học vấn của tiểu thư thế nào ạ?
– Học vấn ư? Tôi có bằng tú tài.
Rồi nàng lại lục trong ví, sau đó lại đưa tay tìm ở trong nịt vú.
Cuối cùng nàng khẽ vén gấu váy và thò mấy ngón tay vào chiếc tất ni lông ở chỗ có gài dây chun.
– Tôi nhét cái bằng vào đâu nhỉ!
Zeki khoát tay.
– A, xin tiểu thư đừng bận tâm. Tôi hỏi thế chỉ cốt để cho có chuyện nói thôi – không phải nghi ngờ gì nữa, tiểu thư có học vấn cao rồi.
Cô gái nhíu mày.
– Tôi chưa có bằng đại học.
– Tiểu thư khiêm tốn quá, – Altai xen vào. – Khuôn mặt con người có thể nói lên nhiều đều. Lạy thánh Ala, tất cả trong con người tiểu thư đều nói lên tiểu thư là người có học vấn cao.
– Nhưng tôi không có học vấn cao. Tôi chỉ học xong phổ thông.
– Điều đó không có ý nghĩa gì cả, – Altai nói. – Dù sao cũng coi như có học vấn cao. Học vấn và bằng cấp là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Thưa tiểu thư, chúng tôi biết rất nhiều con lừa có bằng đại học trong túi. Con người phải tự hoàn thiện kiến thức của mình, như tiểu thư đã làm. Chúng tôi cần chính là những người tự học như tiểu thư.
Cô gái mỉm cười e thẹn.
– Thế ngài định trả bao nhiêu?
Altai đứng ngay dậy.
– Tôi trả ba trăm.
Tôi phải cố kìm để không lên tiếng trách Altai tham lam.
– Ít quá, – tôi nói.- Tôi nói thật đấy. Quá ít? Tôi sẵn sàng trả tiểu thư bốn trăm: Tất nhiên nếu tiểu thư vui lòng nhận…
Phải thành thật thú nhận rằng tôi đến nhà Zeki để định vay anh ta một trăm lia: Nếu anh ta cho tôi vay mười lia tôi cũng sung sướng lắm rồi.
Fikret ném cho tôi cái nhìn giễu cợt.
– Cần phải hào phóng, rộng rãi hơn! Đầu tiên cần nhìn kĩ vị khách của chúng ta, rồi hẵng đặt giá.
Tôi bối rối.
– Anh không hiểu tôi, Fikret. Tôi đề nghị bốn trăm lia một tháng, nhưng không chỉ có thế. Mỗi năm còn có khoản tiền thưởng bằng năm tháng lương. Cứ nửa năm được nghỉ phép một tháng. Thế có được không, thưa tiểu thư?
Cô gái khẽ nhấc chưa và qua chỗ xẻ ở váy tôi nhìn thấy cặp đùi nõn nà của nàng.
– Năm trăm? – Tôi buột miệng nói.
Zeki, người mà cách đây mười phút khi tôi hỏi vay một trăm lia đã thề sống thề chết rằng chính anh ta không còn đồng nào, rút ngay ví trong túi và lôi ra một tờ giấy bạc lớn.
– Xin tiểu thư nhận lấy, – anh ta nói.- Đây là tiền ứng trước. Tiểu thư cứ nhận đi, rồi chúng ta sẽ thoả thuận sau.
Cô gái một lần nữa lại khéo léo kéo chân để lộ ra cái phần cơ thể mà không nên nói to ở đây. Chúng tôi đồng thanh rên lên.
– Thưa ngài, – nàng nói. – Tôi không thể nhận tiền trước khi biết tôi sẽ phải làm gì cho ngài.
Zeki lúng túng.
– Tiểu thư biết đánh máy chứ? – Anh ta hỏi.
– Không.
– Mà cũng không cần: Thế công việc của một thư kí tiểu thư làm qua rồi chứ?
Cô gái chưa kịp đáp thì một người đàn ông không quen bước vào văn phòng. Tôi cảm thấy anh ta cũng bị người thiếu nữ kiều diễm làm mê mẩn ngay.
– Hình như chúng ta gặp nhau ở đâu rồi thì phải, thưa tiểu thư, – anh ta nói với cô gái. – Theo tôi, tôi có biết tiểu thư.
Cô gái nhí nhảnh lắc đầu.
– Tất nhiên, anh biết. Tất cả các anh đều biết tôi!
Tôi ngắm lại nàng chăm chú hơn. Quả thật, khuôn mặt trông quen quen.
– Tôi cũng gặp tiểu thư ở đâu rồi thì phải, – tôi nói.
Đáp lại nàng cười khùng khục. Nhưng trời ơi! Giọng cười ồm ồm.
– Đồ ngốc! Chả lẽ các anh không nhận ra tôi sao?
Hai cái độn ngực rơi xuống bàn Zeki. Bên cạnh đó là mớ tóc màu vàng. Tóc giả!
Trời ơi, thì ra anh bạn Giêmil của chúng tôi.
Zeki cau mặt:
– Trò cải trang gì thế này, Giêmil?
Nụ cười biến khỏi mặt Giêmil.
– Quân đểu! – Anh ta hét to. – Bao lần tôi đến gặp các anh, quy lụy xin xỏ các anh vài lia. Có ai trong các anh thương xót tôi?
– Anh thật khéo đùa, – Altai nói.
– Làm sao tôi còn đùa được?! Tôi đi tìm việc cả nửa năm nay. Đi đến đâu cũng bị từ chối: “Anh cứ để lại địa chỉ – Có tin gì chúng tôi sẽ báo”. Cả thành phố Stambul rộng lớn này không còn cơ quan nào mà tôi không để lại địa chỉ. Tôi đọc các thông báo trên báo “Cần đàn bà!… Cần đàn bà!…” Chả lẽ đàn ông không còn cần cho ai nữa sao?
Altai cầm lấy mũ.
– Thôi, chào các anh. Tôi có việc gấp phải đi.
Zeki ngăn anh ta lại.
– Ngồi yên đấy, anh bạn, anh vẫn kịp mà. Đi đâu mà vội?
Giêmil buồn bã nói tiếp:
– Cứ thế này nhiều người có thể chết vì đói. Chỉ còn nước treo cổ tự tử! Tôi bèn quyết định: phải cải trang thành đàn bà.
– Thế anh tìm được việc làm rồi chứ?
– Tạm thời tôi đang tập. Nhưng các anh tốt quá đấy, những ông bố của gia đình cao quý ạ! Những người được gọi là bạn bè đấy!
Tôi cũng chuẩn bị ra về:
– Thôi, chào tất cả các bạn. Hôm nay tôi có cuộc hẹn.
Đến cửa tôi dừng lai. Giêmil kể:

– Theo tôi, đó là lối thoát duy nhất. Quả tình, muốn làm thế cần có nhiều lưỡi dao cạo, mỗi ngày hai lần tôi phải cạo từ đầu đến chân. Mỗi ngày mất hai hộp dao cạo “Matador”. Các anh nhìn đây, tôi ngồi đây chưa được nửa tiếng mà lông chân đã bắt đầu mọc rồi. – Rồi anh ta lôi trong túi xăm ra con dao cạo – Tôi còn phải đến vài văn phòng nữa. Hôm nay là ngày tổng diễn tập của tôi. Tôi xin phép các anh tôi phải cạo lông chân.
AI CŨNG LÀ NHÀ XÂY DỰNG
Chúng tôi đang ở trong một trường cao đẳng dạy nghề. Trong số chúng tôi người trẻ nhất là hai mươi ba tuổi. Cách đây hai năm một ông hiệu trưởng mới đến nhậm chức ở trường chúng tôi. Việc đầu tiên ông làm là tìm hiểu xem ông hiệu trưởng cũ đã làm những việc gì. Hoá ra, ông ta đã không bỏ phí thời gian. Theo lệnh của ông, tầng hầm của trường được đào sâu thêm mét rưỡi, được sửa sang cẩn thận, ốp gỗ quét sơn và biến thành nhà ăn. Còn nhà ăn cũ ở tầng trên cùng thì chuyển thành lớp học. Vì cái quan trọng nhất trong nhà trường là lớp học!
Ông hiệu trưởng cũ còn làm gì nữa? Những bức tường phòng học được quét vôi lại thành màu vàng, còn phòng ở thì quét vôi màu hồng.
Và thế là hết? Tất nhiên chưa. Trong các lớp học các bàn học đều là bàn hai người ngồi. Nhưng khi ngồi học hai người học sinh thường hay nói chuyện chứ không học. Nên ông cho thay hết bằng loại bàn một người.
Ông hiệu trưởng mới chỉ sau khi tìm hiểu xong những việc người tiền nhiệm đã làm mới bắt tay thực hiện chức trách của mình. Ông hiệu trưởng cũ được gọi là nhà xây dựng ư? Không sao, rồi mọi người sẽ được biết ai mới là nhà xây dựng đích thực.
– Cái gian phòng tối tăm này là phòng gì vậy?
– Nhà ăn ạ.
– Sao lại bố trí nhà ăn ở tầng hầm thế nhỉ? Ở đây làm sao mà ăn ngon miệng được. Đập bỏ hết và cho lấp đi!
Nhà ăn lại được chuyển về chỗ cũ. Các bàn một người được mang khỏi các lớp học. Và thay vào đó lại xuất hiện những bàn hai người.
– Có người ngồi cạnh học sẽ tốt hơn nhiều!
Những bức tường màu hồng trong các buồng được quét vôi lại thành màu trắng, còn những bức tường màu vàng trong lớp học thì thành màu xanh.
Sau khi sửa lại tất cả những gì người hiệu trưởng trước đã làm, sếp mới bắt tay vào thực hiện những ý đồ xây dựng độc đáo của mình.
– Lẽ nào một trường cao đẳng hiện đại mà lại không có bể bơi?
Mọi người đều thích ông hiệu trưởng mới.
– Con người này đúng là có năng khiếu. xây dựng!
Một bể bơi lớn được quyết định xây dựng ở chính giữa khu vườn. Người ta chở đến cát, sỏi, xi măng, sắt thép. Nhưng… đúng lúc đó ông hiệu trưởng được chuyển sang chức vụ khác, quan trọng hơn, và công việc xây bể bơi đành phải bỏ dở.
Ông hiệu trưởng mới được thay cũng là một người máu mê xây dựng. Những bức tường lại lấp lánh những màu sơn mới. Tầng hầm cũ lại trở lại thành nhà ăn. Gian nhà ở được cải tạo thành phòng chiếu phim. Những bàn học hai người lại bị dỡ bỏ đi.
– Đây là trường tiểu học hay sao?
Và thay cho các bàn học là những bàn làm việc.
Tất cả những thay đổi ấy không làm chúng tôi quan tâm lắm. Nhưng còn bể bơi thì sao đây? Phải, cái bể bơi mới lẽ ra đã có thể trở thành niềm tự hào của một trường cao đẳng hiện đại!
– Cái hố này là cái gì vậy? – Ông hiệu trưởng hỏi. – Còn cát sỏi, sắt thép ở đây để làm gì thế này?
– Thưa ngài, đây sẽ là bể bơi ạ.
– C-a-á-i g-i-ì? Bể bơi? Thật là điên rồ? Lấp ngay, lấp ngay tức khắc!
Và thế là bao nhiêu thứ bên cạnh hố: gạch, sắt thép, xi măng, – tất cả đều bay vèo xuống hố.
Những công trình xây dựng của người tiền nhiệm làm cho ông hiệu trưởng mới không hài lòng. Và ông quyết định phá bỏ hết.
– Những thanh niên thường không thể trở thành những công dân hữu dụng cho xã hội chỉ vì họ không biết nhảy. Đến những buổi vũ hội họ không sao khắc phục được sự nhút nhát của mình.
Một hôm ông hiệu trưởng nói và ra lệnh xây ngay một sàn nhảy ngay tại chỗ định xây bể bơi. Công việc bắt đầu được tiến hành. Người ta đổ đất lấp đầy bể bơi, sau đó san bằng và đổ bê tông rồi cho xe lu lăn nhẵn. Nhưng đúng lúc đang chuẩn bị đánh bóng lần cuối mặt sàn thì ngài hiệu trưởng lại được điều sang công tác khác, quan trọng hơn.
Người đến thay ông tỏ ra là một chuyên gia lớn về lĩnh vực xây dựng.
Ông bắt đầu từ những chiếc bàn trong phòng học.
– Ở đây là trường học hay sòng bạc vậy hả? Dẹp ngay những chiếc bàn này đi?
Những chiếc bàn to lại được thay bằng những chiếc bàn học trò hai chỗ.
Rồi những bức tường lại được sơn lại, màu vàng đổi thành màu hồng, màu hồng – thành màu trắng. Các phòng học, nhà ăn phòng ngủ được đổi chỗ cho nhau. Cuối cùng đến lượt sàn nhảy.
– Cái gì thế này? – Nhà chuyên gia xây dựng hỏi.
– Thưa, sàn nhảy ạ! Ngài hiệu trưởng cũ cho xây… Nhưng công việc chưa kịp hoàn thành…
– Cái gì?! Đây là sòng bạc, hay quán bar? Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các học sinh chậm phát triển như thế? Dẹp ngay, dẹp ngay tất cả!
Và sàn nhảy được phá bỏ.
– Điều cần nhất là một cơ thể cường tráng, – ngài hiệu trưởng dõng dạc tuyên bố. – Học sinh cần phải luyện tập thể dục.
Tại chỗ sàn nhảy người ta bắt đầu xây dựng một sân vận động nhỏ: một bên là sân chơi tennit, còn một bên là sân bóng rổ và vòng sắt của Thuỵ Điển. Người ta đào hố để chôn các cái xà và cột. Và công việc đang lúc khẩn trương nhất thì ngài hiệu trưởng lại được chuyển đi nơi khác.
So với ngài mới đến thì tất cả các hiệu trưởng trước đây đều không là cái gì? Ngay ngày đầu tiên vừa xem qua ngôi trường ngài hỏi ngay:
– Những chiếc xà với vòng này để làm gì đây?
Chúng tôi chưa kịp nói “Ông hiệu trưởng cũ định xây…” ngài đã ngắt lời và lớn tiếng yêu cầu:
– Dẹp những thứ rác rưởi này đi ngay?
– Thưa ngài, vâng ạ!
– Đây là trường học hay rạp hát đây? Cái trước tiên mà trường học cần là vườn hoa, công viên. Ở giũa thì có đài phun nước.
Rồi ngài hiệu trưởng mới – một thiên tài xây dựng – cho đập phá tất cả những gì mà bao nhiêu ông hiệu trưởng cũ xây nên, từ cái lớp vôi vữa cho đến bàn ghế. Công cuộc xây dựng lại bắt đầu từ đầu.

Người ta bắt đầu đào lên sân chơi thể thao mà việc xây dựng còn đang dở dang. Nhưng phải nói thật là công việc không đơn giản chút nào. Cứ mỗi lần định xây cái gì mới, – bể bơi, sàn nhảy, sân vận động người ta lại phải đổ nền bê tông cho nó. Người ta thử dùng mìn để phá – kính bay loảng xoảng, nhưng vẫn không ăn thua. Khi đó người ta phải cho chở đến những chiếc búa máy điện. Cũng vẫn không được. Việc đào chỗ này hoá ra còn khó hơn cả khoan tìm dầu mỏ. Cuối cùng người ta đành đổ đất lên mặt bê tông rồi rắc phân lên trên. Sau đó chở đến các loại cây, cỏ và hoa. Một ngôi vườn tuyệt đẹp mọc lên. Nhưng cũng không đem lại điều gì. Công việc phải dừng lại vì ngài hiệu trưởng – chuyên gia xây dựng – được chuyển đi chỗ khác, và thay vào đó là vị hiệu trưởng mới, cũng là nhà xây dựng. Ông hiệu trưởng mới lập tức trổ tài ngay. Nhìn thấy trên mặt đất xếp thành dãy những cây thông, cây cọ, từng đống phân, đống đất bùn, ngài quát ầm lên:
– Sao lại bừa bãi thế này được! Theo các anh, chỗ này là cái gì, vườn bách thú hay lâm trường?
Sau đó, hơi nguôi một chút, ngài nói thêm:
– Dọn sạch ngay tất cả đi! Chỗ này sẽ là sân trượt băng.
Khi người ta lát đá mặt sân để làm sân trượt, thì chúng tôi tốt nghiệp. Vào giờ phút long trọng trao bằng tốt nghiệp thì phần nền của sân được trải bê tông.
Sau khi rời trường tôi không biết những vị hiệu trưởng tiếp theo đã làm những gì. Từ đó đến nay đã được đúng hai mươi mốt năm.
Trường tôi có một truyền thống là mỗi năm vào dịp làm lễ ra trường cho học sinh người ta đều tổ chức Hội trường. Người ta mời về dự Hội trường cả những người đã tốt nghiệp các khoá trước. Như vậy các thế hệ già và trẻ được làm quen với nhau.
Xảy ra một chuyện là một người bạn cùng lớp ngày xưa với tôi đã trở thành hiệu trưởng của trường. Tôi cảm ơn anh ta đã nhớ đến tôi và mời tôi về dự buổi dạ hội truyền thống.
Chúng tôi thích thú đi tham quan ngôi trường đã hai mươi mốt năm nay chưa được nhìn lại. Ông hiệu trưởng, bạn tôi, giải thích cho các quan khách:
– Khi tôi được phái về đây, lớp học ở tầng trên, còn nhà ăn ở tầng dưới. Nhưng từ các cửa sổ tầng trên nhìn ra phong cảnh rất đẹp nên làm sao nhãng sự chú ý của học sinh. Vì thế tôi cho chuyển các lớp học xuống tầng hầm, còn nhà ăn đưa lên tầng trên. Ngoài ra tôi còn đổi lại vị trí của phòng thí nghiệm và phòng ngủ. Những phòng toalét kiểu Thổ Nhĩ Kì được tôi sửa lại theo kiểu Âu châu. Còn sơn vôi thì…
Đã đến giờ ăn trưa, cũng hệt như cách đây hăm mốt năm, một hồi chuông réo vang. Rồi một cảnh tượng hỗn loạn xảy ra. Những người tốt nghiệp thuộc các khoá khác nhau bổ đi mỗi người một ngả để tìm nhà ăn. Người thì chạy nhầm vào phòng ngủ, người thì chạy nhầm vào lớp học. Tôi thì đâm đầu vào nhà xí! Vì không biết một vị hiệu trưởng nào đó nảy ra ý nghĩ biến cái nơi vốn là nhà ăn thời tôi còn đi học thành nhà vệ sinh! Cuối cùng khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà ăn. Sau bữa tiệc chiêu đãi ông hiệu trưởng nói với các học sinh mới tốt nghiệp:
– Các bạn trẻ của tôi! Nền văn minh tiến bộ lên là nhờ bàn tay những nhà xây dựng. Mỗi con người có giáo dục trân trọng gìn giữ tất cả những gì đẹp đẽ, cần thiết đã được tạo dựng nên từ trước khi có anh ta, sau đó anh ta đưa tất cả những cái đó đến trình độ hoàn thiện hơn nữa và chuyển giao lại cho bàn tay của những người khác. Văn minh, văn hoá cứ thế được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và như thế chúng ta sẽ góp phần làm cho văn minh ngày càng tiến bộ. Hãy đưa đất nước chúng ta tiến lên phía trước! Hỡi các đồng nghiệp trẻ của tôi! Nếu chúng tôi biết cách truyền cho các bạn lòng khao khát đối với công cuộc xây dựng, thì coi như chúng tôi đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của mình. Hãy trở thành những nhà xây dựng? Chúc tất cả các bạn thành công!
Lời phát biểu của ông hiệu trưởng được đón nhận bằng một tràng vỗ tay như sấm.
Sau đó chúng tôi tham quan “Phòng của những người vẻ vang”. Trên tường là những bức ảnh chụp cả người được phóng to của những người đã hoàn thành một việc gì có ích cho trường chúng tôi kể từ ngày nó được thành lập. Dưới mỗi bức chân dung là chữ ký phóng to của người đó.
Chúng tôi lần lượt đọc tất cả các chữ ký và được biết rõ ngay người nào đã làm cái gì:
Ngài Xaid – Người đầu tiên cho xây bể bơi ở trường.
Ngài Giêlian – Người đầu tiên cho xây sàn nhảy cho học sinh.
Ngài Rukhi đáng kính – Người đầu tiên thiết kế cho nhà trường một cái sân để học sinh tập ném tạ.
Ngài Rêgiati đáng kính – Người đầu tiên xây một công viên ngay trong trường.
Quý Ngài Akhmet – người đầu tiên xây cho trường một sân trượt băng. Và cứ thế kể về tất cả các vị hiệu trưởng, không thiếu một ai. Khi chia tay với tôi ông hiệu trưởng bạn tôi đưa ngón tay chỉ vào một khu đất xây dựng và nói:
– Vị hiệu trưởng trước tôi, cầu trời cho ông ta sức khoẻ, định xây ở chỗ này một sân đá bóng! Anh thử nghĩ xem, đây là chỗ nào – trường cao đẳng hay câu lạc bộ bóng đá?
– Thế anh định xây gì ở đây? – Tôi hỏi ông.
– Thú thực tôi cũng chưa quyết định dứt khoát. Cần phải xây một cái gì đó thật là… Anh có ý tưởng gì không?
– Có, tôi nói. – Nếu anh cho dựng ở giữa vườn hoa tượng của tất cả các vị hiệu trưởng đã lãnh đạo trường, thì một mặt, anh đã trả được cái nghĩa đối với họ, còn mặt khác – đó sẽ là điều giáo huấn đối với thế hệ trẻ?
Chúng tôi chia tay. Anh bạn tôi đã tiếp thu ý kiến của tôi một cách hết sức nghiêm túc. Ông đã cho đặt các bức tượng. Và khi đến lướt bức tượng của vị hiệu trưởng cuối cùng, tức bản thân ông, thì ông được điều sang công việc khác. Tôi nghe nói vị hiệu trưởng mới thay ông đã cho phá bỏ tất cả các bức tượng và xây dựng một nhà thờ.
Ông có xây xong được cái nhà thờ ấy không, hay mới xây được một nửa thì lại bị chuyển đi nơi khác – điều đó đến nay tôi vẫn chưa biết.
HÀO PHÓNG
Các báo đưa tin:

“Phạm tội chỉ vì năm curusơ1! Tên Rukhi đã cầm dao đâm vào bụng người bán vé xe điện!”
Một hành vi quá sức điên rồ. Ai nấy đều phẫn nộ.
– Quân dã man!
– Đồ thú vật…
– Cầm dao đâm người chỉ vì năm curusơ!…
Người ta nhổ vào ảnh tên Rukhi đăng trên báo.
– Đồ dã thú? Tội nghiệp cái ông bán vé xe điện, không biết sống chết ra sao?
Nhưng không ai biết được nguyên nhân sâu xa của cái tội ác ấy.
Các bạn chắc sẽ hỏi: “Hay người bán vé xe điện có lỗi gì chăng?”
Xin thưa ngay là hoàn toàn không!
Tôi không đồng ý với các báo. Tội ác được thực hiện không phải vì năm curusơ. Năm curusơ chỉ là cái cớ bên ngoài mà ta biết được.
Xin các bạn hãy tự phán xét.
Hôm đó là thứ bảy. Rukhi được lĩnh lương. Cả chỗ tiền lương ấy cũng không đủ trả dù chỉ một nửa số nợ. Y về nhà trong lòng buồn bã. Y ngó vào bếp. Vợ y đang bật diêm để châm bếp ga.
– Con mẹ đàn bà hoang phí. – Rukhi quát lên – Chỉ vì cô mà cuộc sống suốt đời chật vật. Phải tiết kiệm diêm chứ! Hay cô là bà triệu phú thích chơi trò bắn pháo hoa?! Một bên bếp đang cháy kia, việc gì phải dùng diêm. Dí mảnh giấy vào rồi châm vào bếp thứ hai là được rồi!
Mãi Rukhi không nguôi giận. Trạng thái tâm hồn y đã mất cân bằng. Y quay ra buồng.
Đứa con gái chín tuổi đang ngồi làm bài.
– Cái gì thế này?! Mày lại xé vở phải không?
– Bố ơi, con bị dây giọt mực vào vở.
– Mày lại bắt chước mẹ mày hả?!… Bừa bãi, hoang phí hệt như mẹ mày!… Các người chỉ muốn hại ta…
Thằng con trai ở cửa hàng về, lấy dao cắt sợi dây buộc hàng.
– Cái gia đình gì thế này không biết! – Rukhi lại nổi cáu. – Không ai biết coi trọng cái gì cả! Hay lắm!… Cứ cắt đi, cứ xé đi, cứ phá hết đi! Để xem cuối cùng sẽ thế nào? Chả lẽ cởi một sợi dây cũng khó khăn thế hay sao? Đến lúc cần buộc cái gì là lại ra cửa hàng, xì tiền ra mua! Bây giờ mình mới hiểu tại sao cái nhà này suốt đời thiếu tiền! Toàn một lũ ăn tàn phá hại!… Một lũ vung tiền qua cửa sổ!…
Y giận quá, bỏ cả cơm không ăn. Y ra khỏi nhà, đóng sầm của lại.
Trên phố y gặp một người bạn. Hoá ra anh ta cũng chưa ăn cơm. Hai người rủ nhau vào một tiệm ăn. Bữa ăn hết bảy lia hai mươi nhăm curusơ. Cả hai cùng móc ví một lúc.
– Xin anh đừng bận tâm, để tôi trả! – Rukhi nói.
Người bạn phản đối:
– Không đời nào! Tôi sẽ trả.
– Anh mà trả thì, tôi thề, tôi sẽ giận đấy!
– A, tôi không để anh trả đâu! Trừ phi anh bước qua xác tôi?… Bao nhiêu lâu mới gặp nhau!… Không, không, tôi không cho phép đâu!
Chỉ thêm chút nữa có thể họ sẽ cãi nhau to. Cuối cùng nhờ cương quyết hơn, Rukhi dành được quyền trả tiền. Y đưa cho anh hầu bàn tờ mười lia. Anh này mang cái khay tiền thừa lại – hai lia rưỡi và bảy mươi nhăm curusơ tiền lẻ.
Phải cho anh ta bao nhiêu tiền puôc-boa nhỉ? Bảy mươi nhăm curusơ thì ít quá, hai lia rưỡi thì lại nhiều quá. Đưa tay cầm số tiền thừa, Rukhi do dự một giây, sau đó cầm hai đồng hai mươi nhăm curusơ ở khay lên. Anh hầu bàn cảm ơn. Họ rời tiệm ăn bước ra ngoài. Rukhi thấy bứt rứt trong người.
“Trời ơi, đồ con lừa! – Y tự nguyền rủa mình. Tại sao lại không ăn cơm ở nhà cơ chứ? Được, cứ cho là không ăn cơm nhà đi. Nhưng có thể mua ngoài phố một cặp bánh mì vòng ăn tạm cũng được cơ mà. Mà mình không làm thế cũng được thôi. Nhưng vậy thì tại sao lại không tự cho phép mình ăn một bữa cơm? Hơn nữa, lại còn đi trả tiền cho một gã gần như là người lạ này. Còn tay hầu bàn đã được mười phần trăm tiền dịch vụ rồi, mình lại còn cho thêm hắn hai trăm bảy mươi nhăm curusơ nữa. Đúng là đồ con lừa, con lừa! Không biết đến bao giờ mi mới thành người được?!”
Những ý nghĩ buồn bã cứ luẩn quẩn trong đầu y.
Y chia tay với người bạn.
Đến đầu phố y lại gặp người quen khác.
– Ô, anh Rukhi, anh đi đâu đấy?
– À, đi loanh quanh thôi.
– Đến Emigrian ở ngoại ô uống trà đi!
– Đi thì đi!
– Ta gọi tăcxi đi.
Tại Emigrian cạnh quán trà họ xuống tăcxi, hai người cùng móc ví một lúc.
– Để tôi trả.
– Ấy không, anh cho phép tôi. Không tôi sẽ giận đấy!

– Không đời nào, để tôi trả.
– Tôi sẽ giận anh suốt đời đấy. Vì đây là ý của tôi!.
– Anh cứ thử trả đi, tôi thề từ giờ sẽ không chơi với anh nữa!
Rukhi cuối cùng lại là người cương quyết hơn.
– Hết bao nhiêu đây, bác tài? – Y nói người lái xe tăcxi.
– Các ngài cho bao nhiêu thì cho.
Rukhi không chờ câu trả lời như vậy. Đưa bao nhiêu bây giờ đây? Có lẽ tốt hơn cứ để bác ta tự lấy. Y đưa cho người lái xe tờ giấy bạc năm mươi lia. Người lái xe trả lại y hai mươi bảy lia rưỡi. Rukhi dúi vào tay bác ta thêm năm lia nữa.
Vào quán trà họ gọi một ấm samôva.
“Trời ơi, đồ con lừa! con lừa – Rukhi lại tự bực mình. – Không, mi không thể thành người được. Tại sao lại đến khu Emigrian này làm gì cơ chứ? Cứ ngồi nhà có phải hơn không? Mi cần cái xã hội thượng lưu này lắm hay sao?! Đồ ngu! Sao không để gã này trả tiền xe tăcxi? Ừ, thôi, mi trả cũng được, nhưng sao tự nhiên mi lại cho phép gã lái xe xỏ mũi? Thằng đểu, hắn xơi ngon hai mươi hai lia rưỡi. Thế mà mi, một con lừa đần độn, lại còn cho hắn thêm năm lia nữa!”
Y uống trà mà thấy đắng như thuốc độc. Gần tối khi chuẩn bị đứng dậy, cả hai cùng một lúc đưa tay sờ ví.
– Xin phép anh, để tôi trả! Anh làm ơn đi!
– Tôi xin anh, hãy cho tôi niềm vui này!
– Không đời nào!
– Hãy nhường tôi đi, tôi van anh đấy. Vì thánh Ala!… Để tôi trả!…
Rukhi bướng bỉnh hơn và cuối cùng y thuyết phục được người bạn.
– Hết bao nhiêu tiền đây, chú? – Y hỏi cậu hầu bàn.
– Ba lia rưỡi ạ!
Rukhi ném lên bàn tờ năm lia.
– Không cần trả lại.
Họ bước ra khỏi quán trà.
“Trời ơi, đồ con lừa! – Rukhi tự rủa thầm trong bụng – Đồ con lợn ngu ngốc! Ai lại đi uống trà những ba lia rưỡi bao giờ! Thà ngồi nhà cũng uống no được cái thứ nước thổ tả này! Vào đây uống trà cũng được, nhưng lẽ ra phải để người ta trả tiền chứ. Lại còn không lấy tiền thừa nữa! Con lừa! Con lừa! Con chó còn có thể trở thành người hơn là mi!”
Họ lại lên tăcxi. Về đến thành phố hai người lại bắt đầu tranh nhau xem ai trả tiền. Lần này Rukhi cũng lại thắng và được trả tiền.
“Ôi trời! Con lừa! Con lừa!…” – Y luôn mồm nguyền rủa mình.
Rukhi chia tay với người bạn, trong lòng đau khổ vì sự ngu ngốc của mình. Trên đường đến Galatasaray y lại gặp một người bạn nữa. Thậm chí không phải bạn, mà chỉ là một người quen sơ mà y không nhớ cả tên. Hai người được giới thiệu làm quen với nhau tại một bữa tiệc nào đó. Họ chỉ gặp nhau và chào nhau một câu thế thôi.
– Ô… xin chào!
– Chào anh!
– Anh đi đâu vậy?
– Dạo chơi loanh quanh thôi.
– Tôi đề nghị thế này. Ta vào quán bia làm một chầu đi. Đến quán “Passage” ấy!
Họ rẽ vào quán “Passage”, gọi mỗi người một vại bia. Rồi lại gọi tiếp. Rồi lại tiếp nữa.
Người bạn của Rukhi gọi hầu bàn.
– Cho hai li vôtka, một đĩa xalat, một món gì nóng. Có cá ômar sốt không? Tóm lại, cho đồ nhậu gì thật ngon ấy!
– Cuối cùng thanh toán – sáu mươi bốn lia.
– Để tôi trả. – Rukhi nói.
– Không đời nào!
– Nhưng tôi chiêu đãi mà.
– Tôi không cho phép đâu, anh bạn! Tôi là người mời anh.
– Cứ để tôi! Bao nhiêu lâu mới gặp lại…
Cuối cùng Rukhi trả tiền. Y đưa người hầu bàn một tờ năm mươi lia và hai tờ mười lia.
– Không cần trả lại đâu!
Gần nửa đêm họ mới rời quán “Passage”.
– Trời ơi! Con lừa, con lừa! – Rukhi bực tức nguyền rủa mình- Khi nào mi mới khôn lên được. Không ngồi nhà mà uống được! Còn nếu đã vào quan uống thì hãy để cho người nào mời mi trả tiền chứ! Không, lại tranh lấy trả cơ! Mà thế vẫn còn chưa đủ! Còn “boa” cho tên hầu bàn những sáu lia.
Hai người chia tay nhau.
Trong lòng Rukhi như có tảng đá đè. Đã đến lúc phải về nhà. Y bước lên tàu điện, trong bụng vẫn không ngớt nguyền rủa mình: “Con lừa, con lừa, con lừa! Ngày hôm nay đã bao nhiêu lần mi làm chuyện ngu ngốc rồi! Đây đúng là bài học tốt cho mi nhớ suốt đời!”
Đúng, từ bây giờ trở đi y phải tiết kiệm từng xu mới dược!
– Mua vé nào! … Hành khách nhớ mua vé đi!
Rukhi đưa cho người bán vé hai mươi nhăm curusơ. Hay là chỉ có hai đồng mười curusơ nhỉ? Y cũng không nhớ nữa. Đã đến bến của y.
Rukhi quay lại bảo người bán vé:
– Bác trả lại tiền thừa đi.
– Tiền thừa nào?
– Tôi đưa bác hai mươi nhăm curusơ.
– Ông nhầm rồi… Ông đưa tôi hai đồng mười curusơ.
– Đồ lừa đảo! Định bịp ai đấy hả?!
– Ông nói gì thế!…. Ông đưa tôi đúng hai mươi curusơ.
– Không đúng!
– Tôi nói điêu tôi chết. Tôi thề với ông đấy!
Rukhi rút trong túi ra con dao gíp, mở lưỡi ra và đâm một nhát vào bụng người soát vé.
Tên tuổi Rukhi được đưa lên các báo.
Chú thích
1. Curusơ: đơn vị tiền của Thổ Nhĩ Kỳ. 100 curusơ = 1 lia
CHIẾC CHÌA KHÓA NHÀ
Ibragim bảo:
– Chúng mình rẽ vào quán bar làm chén rượu đi!
– Rẽ thì rẽ, chỉ sợ đến lúc ra không còn cái quần mà mặc!
– Chuyện vặt? Loại “cáo” như chúng ta không dễ bị lừa đâu!
Người ta nói những người ngốc thường hay có linh cảm đúng. Tối hôm đó không hiểu sao tôi thấy hơi lo lắng trong bụng. Ở cửa ra vào quán bar có những cái đèn nê ông nhiều màu sáng nhấp nháy. Chúng tôi theo cầu thang chui xuống tầng hầm. Chúng tôi bước vào một gian hầm rộng rãi, ngồi vào một chiếc bàn nhỏ. Dàn nhạc đang chơi những bản nhạc jaz. Những người đàn ông ngồi sau những chiếc bàn nhỏ lao tới những người đàn bà, hệt như những khán giả xem đá bóng, khi họ lao xuống sân để đánh trọng tài.
Một anh hầu bàn đi tới.
– Cho rượu vốtka!
Người đàn bà ngồi ở bàn cạnh bàn chúng tôi cho một điếu thuốc lá vào mồm và quay sang hỏi chúng tôi:
– Xin lỗi, các anh có lửa không?
Tôi biết chỉ cần đưa cho cô ta lửa, là mọi chuyện tiếp theo sẽ xảy ra và chúng tôi sẽ chết. Tôi lắc đầu. Ibragim vội vàng bật lửa cho cô ta châm thuốc.
– Cám ơn anh!
– Không có gì!
– Đừng có bắt chuyện đấy!
Nhưng Ibragim đã ăn mòn răng ở các quán bar, anh ta đâu phải chú gà non nào.
Còn tôi, tôi có thể nói ngay không khoác lác rằng: đã hai mươi năm nay tôi nghiên cứu những người phụ nữ ở các quán bar rồi.
Người phụ nữ ở bàn bên cạnh thở dài thườn thượt:

– Không có gì nặng nề bằng cảnh cô đơn, phải không các anh?
Tôi ngước mắt nhìn trần nhà. Còn Ibragim thì đáp ngay:
– Cô đơn, đó là số phận của thánh Ala đấy, thưa cô!
Phải, tôi quên nói: quán bar này không phải là quán nhậu rẻ tiền, nơi chỉ mất hai tờ rưỡi bạc là có thể uống côctay và nhảy đến ba giờ sáng, tha hồ thay bạn nhảy. Còn ở đây bất cứ người đàn bà nào, nếu cô ta không đem về một đêm ít nhất một trăm tờ, thì coi như người đó đánh mất danh dự nghề nghiệp của mình và sẽ cảm thấy ngượng. Điều này ai cũng biết.
Người đàn bà ở bàn bên cạnh nói với Ibragim:
– Em có điều bí mật này muốn nói riêng với anh.
Khi Ibragim vươn dài cổ sang ghé tài nghe, tôi nghĩ thầm:
– Thôi, thế là Ibragim “bị” rồi. Không đúng cứ đem đầu tôi đi mà chặt!
Ibragim nắm tay người đàn bà và họ đi sang quầy bar Mĩ.
Tôi còn trơ lại một mình. Để tránh gặp những ánh mắt phụ nữ tôi cứ ngồi ngẩng đầu, mắt nhìn lên trần nhà.
– Hình như em có gặp anh ở đâu rồi thì phải!
Tôi rời mắt khỏi trần nhà. Một cặp mắt suy tư, buồn bã, mời gọi, một cặp môi hé mở, một hàm răng trắng muốt.
– Tôi không nghĩ vậy, – tôi đáp.
– Em có thể sang ngồi bàn anh được không?
– Nếu không có chỗ nào khác thì xin mời cô!
Người phụ nữ ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh tôi. Tôi luôn luôn bị xúc động bởi những người phụ nữ có khuôn mặt tai tái, cái nhìn huyền bí, với giọng nói trầm trầm, mà ta không hiểu được trong đó là cái gì – tiếng cười hay nước mắt.
– Tên em là Alix.
– Cám ơn, còn tôi là Retgiep.
– Rất hân hạnh.
Đúng lúc đó anh hầu bàn tới.
– Tôi không cần gì cả! – Nàng nói.
Lạy thánh Ala! Lần đầu tiên trong đời tôi gặp người phụ nữ không vụ lợi như vậy. Lúc này thì chính tôi chủ động.
– Có lẽ, chúng ta uống chút gì chăng?
– Cảm ơn anh, – nàng đáp. – Anh biết không, em không sao quen được cái bầu không khí này. Rượu vào tự nhiên em thấy khó chịu trong đầu. Em chỉ muốn tâm sự với người nào hiểu được nỗi khổ của em.
Sau đó nàng bắt đầu kể. Bố nàng là người Acmêni, mẹ nàng người Hy Lạp, gốc Thổ nhĩ kỳ. Còn nàng được coi là người Thổ nhĩ kỳ. Nàng pi lải đi vào con đường này là sau một câu chuyện đau xót. Nàng có một người yêu trông rất giống tôi. Không chỉ cái miệng, vóc người, mà cả giọng nói, cử chỉ y hệt như tôi. Anh chàng đó bỏ rơi nàng và đi mất. Vì thế nàng mới lại ngồi gần tôi.
– Em không như những cô gái khác ở quán bar này, em cảm thấy ghê tởm cuộc sống này.
Nàng nói rất nhiều, và tôi cảm thấy như sắp khóc đến nơi. Vậy là vẫn có những phụ nữ như nàng! Đó chính là người đàn bà mà suốt đời tôi đi tìm.
Lần này tôi đã phải năn nỉ:
– Tôi xin cô đấy, chúng ta uống một chút gì nhé?
– Nếu anh cho phép được tự gọi, thì em sẽ uống.
Ô la – la! Có vẻ như tôi đã thích người phụ nữ này! Dù sao mỗi người phụ nữ cũng có một trái tim chứ!
Tôi gần như phải ép mới dẫn được Alix đến chỗ quầy bar Mĩ. Tại đây tôi nhìn thấy anh bạn Ibragim của tôi đang ôm cô bạn gái đẫy đà tóc vàng.
– Cô muốn uống gì?
– Côctay.
Alix nói:
– Đôi mắt của anh đâu? Mắt anh đẹp lắm. Trong đời em chưa từng gặp đôi mắt nào đẹp như thế.
Thấy rõ ngay Alix là người phụ nữ có óc thẩm mĩ. Tôi nhớ đến một phụ nữ khác mà tôi yêu một cách điên dại. Cô ta cũng nói với tôi:
– Em không thể nhìn vào đôi mắt của anh!
Tôi gọi:
– Hầu bàn! Cho thêm một ly côctay nữa!
– Em yêu đôi mắt của anh.
Cô Alix này thật tinh tế.
– Hầu bàn! Cho nữa ra đây!
– Nhưng nếu đôi mắt này nhìn các phụ nữ khác thì em thề là em sẽ…
– Ôi, Alix yêu dấu, nếu anh nhìn người phụ nữ nào khác thì cứ cho cặp mắt của anh mù đi! Hầu bàn, cho hai ly uytxki!
Tôi nhìn Ibragim, anh ta đang gà gật. Thấy rõ là cô gái tóc vàng đã làm cho anh chàng say khướt.
Alix nói:
– Ôi, ước gì suốt đời em được ngắm đôi mắt anh!
Đôi mắt của tôi thú thực là có lẹo, và mỗi khi tôi uống chúng lại đỏ ngầu. Nhưng nói chung khi soi gương tôi cũng thích mình.
– Hầu bàn! Em uống gì nữa, Alix yêu của anh? Rượu bol nhé? Cho rượu bol!
Alix lấy trong túi sắc ra chiếc chìa khoá.
– Cuộc đời của em, – nàng nói. – Anh hãy cầm chiếc chìa khoá này. Đó là chìa khoá căn hộ của em. Đêm nay anh hãy đến đó lúc 4 giờ nhé! Địa chỉ là phố Xalcưmxachac, số 14, căn hộ Sereph. Tầng hai. Ôi, em ghen anh với tất cả những người đàn bà này.
Những tình cảm của nàng mới cao thượng làm sao!
– Hầu bàn! Tính tiền!
Trước mặt tôi là phiếu thanh toán: 285 lia! Tôi thấy như nghẹn thở. Tôi đưa mắt tìm Ibragim, nhưng không thấy anh ta đâu.
– Alix yêu của anh, anh chỉ mang theo có 170 lia. Mà phiếu thanh toán ghi 285 lia. Làm sao bây giờ?
Nàng Alix đáng thương tái hẳn mặt đi.
– Chúng mình uống nhiều thế làm gì! – Nàng nói – Bọn lợn ở đây chúng dã man lắm, không có thương xót gì ai đâu. Chúng sẽ không để chúng mình yên chừng nào anh không trả đủ tiền. Trong túi của em, trời ơi, tất cả có mươi lăm lia.
Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ:
– Xin lỗi Alix, anh đã gây ra chuyện rắc rối. Anh có chiếc đồng hồ đeo tay đây. Anh mua nó mất ba trăm hai mươi lia, nó là loại mười tám chân kính đấy!
– Nhưng ở đây, bọn chúng chỉ trả anh không đến một trăm lia đâu!
– Còn cái bút máy ngòi vàng này nữa. Anh đã mua nó gần một trăm lia đấy.
– Thật là kinh khủng, – nàng nói. – Nhưng dù sao vẫn không đủ.
Tôi tháo khuy gài tay áo mạ vàng ra. Alix cầm tất cả mang đi gặp ông chủ.
Mười lăm phút sau nàng quay lại:
– Anh còn nợ họ năm mươi hai lia, em sẽ trả nốt, – nàng nói.
– Cám ơn, Alix, em có trái tim nhân hậu quá! Ngày mai anh sẽ mang trả em!
– Đêm nay em chờ anh đấy! Nhất định anh đến nhé! Ôi, đôi mắt của anh!

Tôi bước ra khỏi quán bar. Trong lúc chờ đến 4 giờ sáng tôi cứ lang thang ngoài phố. Bốn giờ rồi! Tôi cầm chìa khoá trong tay đi tìm phố Xalcưmxachac. Tôi hỏi những người gác cổng nhưng không ai biết. Trời đã sáng. Tôi còn biết làm gì đây? Tôi trở về nhà và lên giường ngủ. Đến chiều tôi tỉnh dậy. Nhất định thế nào tôi cũng phải tìm được nàng Alix đáng yêu của tôi! Lại đến quán bar chăng? Nhưng túi tôi đã rỗng tuếch!
Đến nửa đêm tôi cứ lang thang qua các phố nhỏ. Bất ngờ tôi gặp anh bạn quen của chúng tôi là Matgit.
– Này Matgit, anh tìm gì ở khu phố này đấy?
– Người anh em, – anh đáp. – Đêm nay tớ vừa ở quán bar. Tớ gặp một phụ nữ. Giá cậu nhìn thấy nàng, tớ thề không bao giờ cậu có thể nghĩ đó là cô gái ở quán bar. Cô ta đưa mình chìa khoá nhà và hẹn bốn giờ cô ta về.
– Địa chỉ của cô ta thế nào?
– Phố Xalcưmxachac. Nhà số 14, căn hộ Sereph.
– Tên cô ta là gì?
– Alix.
– Thế cậu mất ở quán bar có nhiều tiền không?
– Cô ta không như những phụ nữ cậu gặp đâu! Tôi phải ép mãi cô ta mới chịu uống, thật đấy? Tớ đã tiêu mất bốn trăm lia. Nhưng thôi, miễn là làm cho cô ấy vui
Có một người đàn ông đi ngang qua chỗ chúng tôi.
– Xin lỗi, – anh ta nói. – Phố Xalcưmxachac ở đâu ạ?
– Nhưng anh cần tìm gì ở đó?
– Nhà số 14, căn hộ Sereph?
Tôi rút trong túi ra chiếc chìa khóa.
– Chìa khóa nhà tôi đang giữ đây, – tôi đáp.
Nếu muốn, sau nửa đêm bạn hãy lang thang qua các phố nhỏ ở Taclabashi. Và chắc chắn bạn sẽ gặp ở đó mười lăm, hai mươi anh đàn ông. Và anh nào trong tay cũng có chiếc chìa khóa. Họ đang đi tìm phố Xalcưmxachac, nhà số 14, căn hộ Sereph.
MỘT ĐÊM KHỦNG KHIẾP
Làm sao tôi có thể ngờ được rằng có ngày nào đó tôi lại bị ra hầu toà bởi các quốc vương và hoàng đế? Các bạn hẳn đã nghe nói về quốc vương Ai Cập Faruk, người đã bị chính thần dân nước mình đuổi ra khỏi vương quốc? Và vợ của quốc vương không sinh được cho ông những đứa con trai, thế là bà bị ông ruồng bỏ. Sau đó, quốc vương Iran phế truất hoàng hậu của mình cũng chỉ vì lý do như vậy.
Nhân chuyện đó tôi bèn viết một bài châm biếm về số phận các bà hoàng đôi khi cũng hẩm hiu như thế nào. Vì tôi còn viết về đề tài gì được nữa? Viết về những đồng bào của tôi thì chắc chắn chẳng bao giờ được in! Dù tôi có viết về cái gì đi nữa sẽ bị đưa ra toà ngay! Chính vì thế tôi đành phải viết về các hoàng hậu, quận chúa nước khác.
Vậy mà ai ngờ cả hai bà hoàng kiện tôi ra toà. Các vị đại sứ của họ ở Ăngcara gửi công hàm cho Bộ ngoại giao nước tôi cực lực phản đối, tuyên bố rằng bài báo của tôi có thể là nguyên nhân khiến quan hệ giữa nước tôi và nước họ xấu đi. Thế là vụ kiện được khởi tố và tôi bị đưa ra toà xét xử.
– Anh đã xúc phạm đến quốc vương và hoàng hậu!
– Không, tôi không xúc phạm!
– Anh xúc phạm!
– Tôi không xúc phạm!
Chúng tôi mặc cả với nhau rất lâu tại toà, cuối cùng tôi đành chấp nhận sáu tháng tù. (Tôi rất muốn biết người dân Ai Cập có biết tin tôi bị ngồi tù chỉ vì vị cựu hoàng đế của họ hay không?)
Câu chuyện tôi kể cho các bạn dưới đây xảy ra đúng vào thời gian tôi bị ngồi tù đó.
Tình cảnh trong tù của tôi thật bi đát. Dù có xoay xoả cách nào tôi cũng không có một xu, không có ai đến thăm và gửi quà cho tôi? Nhưng bị tù như tôi người ta chỉ giễu cợt!
Thậm chí nhiều người còn ghen tức vì tôi chỉ bị có sáu tháng. Bởi có người bị kết án đến hai mươi, ba mươi năm. Vì thế họ bảo tôi:
– Sáu tháng? Có thế mà cũng ca cẩm! Anh cứ xoay người sang trái, rồi xoay người sang phải là hết sáu tháng ngay!
Mà đúng thật, vì khi ngồi tù, mỗi lần trở mình xoay người anh sẽ làm thật chậm rãi. Quay sang phải là mùa hè, quay sang trái là đã là mùa đông. Bởi bốn mùa trong tù còn có thể trôi qua theo cách nào khác được nữa!
Mọi chuyện kể ra cũng không sao, duy chỉ có điều là không có tiền mua chè và thuốc lá. Thỉnh thoảng Hội chữ thập đỏ cũng vào phân phát thức ăn. Và anh cứ việc cầm thìa đi theo anh Chữ thập đỏ. Nhưng ở ngoài vợ con đang đói. Chữ thập đỏ không thể cứu trợ họ được. “Cho thế mới đáng đời, lão già ngu ngốc, – tôi thầm trách mình – Tự dưng dính dáng vào mấy bà hoàng, bà chúa!”.
Bỗng tôi nghe được tin: nếu tôi xin lỗi, người ta sẽ trả tự do cho tôi. Tôi suy nghĩ: Không! Chuyện đã đến nước này thì cứ mặc kệ, tôi sẽ không xin lỗi gì hết! Tôi cương quyết ngồi tù hết thời hạn. Đấy, các bạn thấy tôi dũng cảm, kiên cường thế đấy!
Nhưng thời buổi này người ta đâu có coi lòng dũng cảm ra cái quái gì! Thôi, đừng có nghĩ vớ vẩn nữa, mà phải tìm cách làm việc: phải viết báo, rồi gửi người quen đưa đến các báo và tạp chí. Thế là tôi bắt đầu bí mật viết báo. Các bài báo của tôi không ký tên, nhưng qua giọng văn người ta vẫn nhận ra tác giả là tôi thế nên một hôm ông giám ngục cho gọi tôi đến. Ông ta là người tốt, đã có hai đứa con: con trai đang học trung học, còn con gái học ở Đại học tổng hợp. Ông ta bảo các bài báo của tôi có thể khiến ông ta bị liên lụy – có thể ông sẽ bị đổi về tỉnh lẻ. Và như thế việc học hành của mấy đứa con sẽ bị dở dang…
– Anh hãy thương mấy đứa con tôi! – Ông ta van xin tôi.

Lạy thánh Ala! Tôi biết thương ai đây: con tôi hay con ông giám ngục? Thôi được, tôi sẽ thương mấy đứa con ông ấy, nhưng còn mấy đứa con tôi thì ai thương đây? Phải thú thật rằng tôi vẫn phải thương mấy đứa con tôi trước, vì thế tôi vẫn tiếp tục viết. Thế là người ta bắt đầu tìm cách ngăn chặn các mối liên hệ của tôi với bên ngoài. Nhưng ngăn chặn cách mấy thì các bài báo của tôi vẫn tiếp tục xuất hiện. Các vị xếp toà, tất nhiên, bắt đầu điều tra. Một vị thẩm phán đến gặp tôi, và với nụ cười dịu dàng, ông ta hỏi tôi làm cách nào chuyển được bài báo ra ngoài. Tôi bèn hỏi ông ta, thế làm cách nào mà dao găm và herôin vẫn tuồn được vào trong tù? Bởi nếu đám tù nhân có cách nhận được hêrôin và vũ khí thì tôi cũng có cách chuyển các bài báo ra ngoài…
Vị thẩm phán cười rất hồn nhiên, còn tôi thì bị nhốt vào biệt khám. Đối với dân nghiện ma tuý thì các phòng giam chung hơi thiếu, nhưng vì chỉ có mình tôi viết báo, nên chọn một phòng riêng cho tôi không thành vấn đề.
Người ta chỉ cho phép tôi ra ngoài vào những ngày thăm viếng, còn sau đó lại khoá chặt phòng lại. Với lại, cũng chẳng có ai đến thăm viếng tôi, hoặc giả có thăm viếng thì cũng toàn đến tay không. Mà các bạn biết đấy, suốt ngày thui thủi một mình không có người nói chuyện nặng nề biết chừng nào! Nhất là đối với người thích nói chuyện như tôi. Suốt ngày cứ đi đi lại lại trong buồng, xin ra ngoài đi vệ sinh, rồi lạị bị nhốt trở lại…
Thời gian như ngừng trôi! Tiền không có, không có gì hết. Hát mãi cũng chán. Gào mãi rồi cũng khản cổ. Ước gì người ta đưa thêm một người nữa vào buồng tôi… cho dù là tên ăn thịt người cũng được… Thậm chí một con quỉ dữ cũng được. Tôi đồng ý hết! Miễn sao có người để nói dăm ba câu. Cứ tối tối viên cai ngục đi kiểm tra biệt khám. Tôi gợi chuyện với hắn, nhưng hắn không bắt chuyện. Hắn cứ im lặng quan sát buồng giam, im lặng đóng cửa, gài then sắt kêu loảng xoảng, rồi im lặng bỏ đi.
Tôi phải sống đơn độc thế đúng ba tháng, còn một tháng nữa thì mãn hạn tù. Đúng ngày hôm đó tôi được người đến thăm. Anh ta mang cho tôi không biết bao nhiêu thứ! Nào thuốc lá, nào nho, nào dưa hấu, dưa bở, rồi lại cả bơ, pho mát, cà chua và mứt quả nữa. Căn buồng của tôi bỗng chốc biến thành một cửa hàng thực phẩm. Tôi chén một bữa thoả thuê, nhét làn thức ăn vào gầm giường, rồi khoan khái ngồi nghỉ. Chỗ thức ăn ấy chắc cũng đủ cho tôi cả tháng. Bây giờ chỉ cần có người để nói chuyện…
Đêm đến. Trong buồng bắt đầu lạnh. Tôi ngồi xuống tấm phản, choàng chăn dạ lên vai và bắt đầu làm thơ. Bỗng có tiếng khoá kêu lách cách, tiếng cửa sắt mở rin rít và có hai người bước vào. Một trong số đó là viên cai ngục.
– Tên này sẽ ở đây! – Viên cai ngục buông sõng một câu bảo tôi rồi bỏ đi ngay.
Vậy là cuối cùng tôi không phải sống một mình! Tôi hạnh phúc quá!
– Mời anh ngồi!… – Tôi nói và bắt đầu quan sát gã mới đến.
Trời ơi!… Người ngợm hắn trong mới kinh khủng làm sao! Ngắn ngủn, lùn tì, béo mập, trông như người vuông, lúc hắn đi người cứ lắc lư như con bò mộng vừa ăn quá no. Hắn hoàn toàn không có cổ. Cái đầu vuông như mọc thẳng từ thân người. Cặp mắt ti hí, lười biếng đảo đi đảo lại rồi nhìn chằm chằm vào tôi.
– Chào anh bạn, mong cho thời hạn của bạn chóng hết – Tôi lên tiếng.
– Cầu thánh Ala! – Giọng hắn vừa ồm ồm, vừa rè rè.
“Lạy trời, may quá! Hắn biết nói, nghĩa là dù sao vẫn là người!”.
Ngồi đi, – tôi mời hắn lần nữa. – Thế bạn vào đây vì tội gì vậy?
– Tớ “thịt” một thằng lợn! – Hắn đáp, đoạn nhìn tôi với ánh mắt khiến tôi gai hết người.
– Thế… tên bạn là gì
– Beni Tatgi.
– Đừng buồn, ông Tatgi!
– Đừng gọi tớ là “ông”, tớ cáu đấy!
– Thôi được, anh Tatgi!
– Đừng gọi tớ là “anh”, tớ điên tiết đấy… – Thế chuyện xảy ra ở đâu?
– Ở nhà thương điên…
“Càng ngày càng gay go hơn…” – Tôi lại bắt đầu thấy lạnh xương sống.
– Vào thời gian nào?
– Chập tối nay… Tớ bóp cổ nó, thế là bị tóm vào đây.
– Ai – ai – ai!…
– “Ai – ai – ai” cái gì?…
– À không, ấy là tớ muốn nói mọi chuyện thế là tốt! Cầu thánh Ala cho cậu lúc nào cũng gặp may!
Chúng tôi im lặng. Tôi khẽ nhìn trộm hắn, bụng nghĩ thầm:
“Chết rồi! Nguy cho mình rồi… Làm cách nào cho hắn vui vẻ lên một tí đây?…”
– Nhưng nguyên do là tại làm sao?
– Hôm nay ở nhà thương điên là ngày thăm viếng. Thằng lợn ấy được người nhà tiếp tế cho một tảng xúc xích. Hắn nhét ngay xuống dưới gối. Cứ hễ trông thấy thằng nào nhét cái gì xuống dưới gối hay gầm giường là tớ nổi máu điên. Có ai tiếp tế cái gì phải bỏ ra cho mọi người cùng ăn chứ! Thế là đang lúc hắn ngủ, tớ bóp cổ hắn!
– Ông Tatgi này, ông làm thế là đúng lắm! À này, ông ăn nho không? Có cả bơ và xúc xích đấy…
– Tớ đã nói rồi, đừng gọi tớ là “ông”, tớ điên tiết đấy.
Chúng tôi im lặng. “Ôi lạy thánh Ala, con phải cư xử thế nào bây giờ!…”
– Nghĩa là, chuyện xảy ra ở nhà thương điên?
– Phải.
– Kể cũng ngạc nhiên đấy!
– Ngạc nhiên cái gì?
– Vì tớ thấy cậu là người hoàn toàn bình thường. Sao lại phải vào nhà thương điên nhỉ?
– Lúc đầu tớ bị giam ở trại này. Ở đây tớ đã giết một thằng, thế là bị đưa vào nhà thương điên.
– Ai – ai – ai! Thật là bất công! Thế cậu giết thằng cha ấy vì… lý do gì?

– Tớ bị quẳng vào một căn buồng, bị cùm chân… Sau đó người ta tống thằng cha ấy vào cùng buồng tớ. Có lần người ta mang đến cho hắn một hộp mứt. Tớ theo dõi, thấy hắn nhét ngay vào gầm giường. Cứ nhìn thấy cảnh ấy là tớ sôi máu. Có ai đem tiếp tế cái gì phải bỏ ra cho mọi người cùng ăn! Vậy là đêm đến, lúc hắn ngủ, tớ “thịt” luôn.
– Ông Tatgi, ông làm thế là rất đúng! Cầu thánh Ala…
– Đã bao lần tớ nói rồi: đừng gọi tớ là “ông”, kẻo tớ lại điên lên đấy!
– Tôi vội vàng lôi ngay lọ mứt trong làn ra đưa mời hắn.
– Cậu nếm thử đi!
Chúng tôi lại im lặng. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Nếu tôi gọi người tới cứu chắc chắn hắn sẽ thịt tôi trước khi người ta kịp đến.
– Sao người ta lại có thể tống vào xà lim một người như cậu nhỉ? Thật không thể tưởng tượng được…
– Tớ giết một thằng trong khám nên mới bị vào xà lim.
– Chuyện thế nào?
– Chả thế nào cả…
– Nghĩa là cậu đã làm đúng! Cầu thánh Ala cho cậu sức lực để tiếp tục các việc công bằng! À, mà xin lỗi hỏi cậu một câu, thế vì chuyện gì mà cậu giết thằng cha ấy?
– Vào ngày thăm viếng người nhà mang đến cho hắn một quả dưa hấu. Hắn…
– Nhét ngay vào gầm giường?
– Sao cậu biết?
– À không… ấy là tớ đoán vậy thôi…
– Ban đêm khi hắn ngủ, tớ cho hắn “tiêu” luôn!
Tôi vội vàng lôi ngay dưa hấu và dưa bở trong làn ra.
– Xin mời cậu cứ tự nhiên. Cậu ăn cả hai thứ đi, đừng khách sáo… Thử nghĩ coi, cuộc đời thật là bất công!… Một người tử tế như cậu mà lại bị vào tù! Làm sao lại có chuyện như thế được nhỉ?
– Ở ngoài tớ giết một thằng, rồi bị người ta tống giam. Tớ với hắn sống chung một buồng. Và dưới gầm giường của hắn…
– Rồi chờ đến khi hắn ngủ, cậu đã…
– “Thịt” hắn. Nhưng sao cậu biết?
– À vô tình thôi… Cậu đừng để ý…
Trời ơi, làm sao tôi sống được đến sáng mai với gã ăn thịt người này đây? Chắc chắn người ta cố tình đưa thằng này vào buồng tôi để hắn kết liễu đời tôi đây…
– Mời cậu ăn hết đi, đừng để thừa làm gì…
Suốt năm tháng mọi người đến thăm tôi đều đến tay không. Vừa đúng hôm nay mới có người tiếp tế thì lại… Tôi đã định ăn dè cho hết tháng cuối cùng trước khi được thả…

Cả đêm hôm trước tôi đã thức ngồi viết báo nên bây giờ mắt díp lại. Nhưng nếu tôi thiếp đi thằng cha kia sẽ thịt tôi ngay… Nếu hắn tấn công tôi thì biết làm sao bây giờ đây? Tôi sẽ lấy cái làn chụp vào đầu hắn, sau đó chùm thêm cái chăn vào… Rồi chúng tôi sẽ quần nhau cho đến sáng… Không, tôi làm sao đủ sức cầm cự với hắn đến sáng được!…
Tôi bèn đưa cái chăn cho hắn:
– Cậu đi ngủ đi!
– Tớ không buồn ngủ, cậu cứ “giấc” đi!
Hắn không ngủ – thế này thì nguy to rồi… Tôi hơi ngả lưng xuống và bắt đầu đề phòng mọi chuyện.
– Tổng cộng tớ “thịt” có bốn thằng, thế mà bị tống vào tù! Trong chiến tranh người ta giết hàng nghìn người mà chẳng ai bị kết tội… Đằng này vẻn vẹn có 4 mống… thế mà cũng bị tống vào tù! Chúng tôi im lặng. Sau đó hắn hạ giọng hỏi tôi:
– Thế cậu vì làm sao?
– Tớ ấy à?… – Một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu tôi. “Không! nhất định phải thoát ra khỏi tình huống này”. – À phải… tớ… tớ “thịt” một thằng…
– Vì chuyện gì?
– Chẳng vì chuyện gì cả… Thích lên là tớ “thịt”, có thế thôi,..
– Chỉ đơn giản có thế thôi?
– Sao lại đơn giản có thế? Lúc đầu tớ “thịt” bố của hắn… Thằng con lợn này xông vào cứu, thế là tớ “thịt” luôn cả hai đứa…
Đôi mắt hum húp của Beni Tatgi bắt đầu mở to.
– Thế bố hắn vì tội gì?
– Chả vì tội gì cả… Tớ đang điên tiết và nghĩ là phải “thịt” một thằng cha nào đó, thế là tớ “thịt”!
– Chỉ thế thôi?
– À quên: lúc đầu tớ “thịt” mụ già – tức là mẹ của thằng thanh niên kia… Sau đó đành phải cho nốt lão chồng mụ về chầu giời…
– Thế cậu giết mụ già vì lý do gì?
– Tớ không nhớ nữa… Chuyện xảy ra lâu quá rồi…
– Thế tổng cộng cậu “thịt” bao nhiêu người?
– Khoảng mười lăm, hai mươi gì đấy…
– Lạy thánh Ala, thế thì cậu làm cả cuộc chiến tranh rồi còn gì!
Beni Tatgi lùi dần vào góc phòng để tránh xa tôi. Từ đó cho đến khi trời sáng, cố chống lại cơn buồn ngủ, tôi cứ ngồi bịa thêm những chi tiết mới.
Khi trời vừa rạng, Beni Tatgi lấy hai nắm tay đấm đấm vào cửa sắt. Viên coi ngục đến. Hai người thì thầm với nhau điều gì đó, rồi tôi thấy viên cai ngục dẫn hắn đi.
Tới lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
CHÚNG TÔI MUỐN NUÔI NGƯỜI Ở
Thực ra tôi hoàn toàn không có ý định thuê người ở, mà đó là ý muốn của vợ tôi.
– Nghe nói nhà bà Necmin ở tầng trên cũng đã nuôi người ở rồi đấy. Mà chồng bà ta chỉ là người buôn bán các phụ tùng lặt vặt!.. Lão ta thậm chí không thể bán nguyên cả chiếc ô tô, mà chỉ bán lẻ từng phụ tùng một.
Ngày nào trong nhà tôi cũng chỉ độc nói đến chuyện thuê người ở.
– Thậm chí đến nhà Pêrizat cũng có người ở. Còn anh thì lúc nào cũng chỉ biết nói mấy câu: “Anh sẽ viết như thế này! Không, tốt hơn anh sẽ viết như thế này!” Còn con mẹ hàng xóm Lalê thì sao? Anh thủ nghĩ xem, đến mụ ta mà cũng còn thuê được người ở. Lão chồng mụ ta phất lên là nhờ bán đinh đóng móng ngựa.
– Thì đời là vậy mà, em yêu: người thì giàu lên nhờ những cái đinh móng ngựa, còn người thì nhờ móng ngựa mà nên người.
– Thế còn những nhà như… nhà bà… bà gì nhỉ? Mình quên mất tên rồi? Họ cũng tạo dựng cơ nghiệp chỉ nhờ mấy cái đồ cao su phế thải. Nhà Aiphe thậm chí còn nuôi hai người ở. Còn tôi thì hai tay nhăn nheo hết chỉ vì suốt ngày phải giặt giũ. Trong cái nhà này tôi chẳng là cái gì cả. Chẳng ai coi tôi ra cái gì: người bé thì không tôn trọng, người lớn thì không yêu mến.
Rồi vợ tôi bắt đầu nhai đi nhai lại:
– Người ở! Người ở! Kiểu gì cũng phải nuôi người ở!
Với sự tuyệt vọng của người sẵn sàng tự tử, tôi nói:
– Thôi được rồi, được rồi! Em cứ tìm người đi rồi chúng ta sẽ nuôi!
Sau đó tôi được yên thân một thời gian. Vợ tôi đi tìm mãi mà vẫn chưa tìm được người ở. Buổi tối tôi nhìn bàn ăn: không có cơm tối!
Vợ tôi bảo:
– Xin lỗi, suốt ngày em bận đi tìm thuê người ở nên không nấu cơm được. Thôi, không sao, chúng ta uống trà vậy!

Và khi tôi nói: “Cái áo sơ mi của anh bẩn quá rồi”, thì vợ tôi đáp: “Anh chịu khó mặc nốt ngày hôm nay, em chưa kịp giặt quần áo”.
Nhà cửa không có ai dọn, cơm không có người nấu, quần áo không có ai giặt. Tất cả nhà, từ lớn đến bé đều bận đi tìm thuê người ở.
Một buổi tối khi về nhà tôi bắt gặp cả gia đình đang vui như Tết.
– Có chuyện gì thế?
– Suỵt! Anh nói khẽ chứ! Chúng ta đã thuê được người rồi.
– Thuê được người ở rồi à?
– Lạy Chúa, nói khẽ thôi kẻo cô ta nghe thấy!
– Nhưng anh có nói điều gì xúc phạm đâu
– Sao anh lại nói “người ở”? Ngộ nhỡ cô ta nghe thấy tự ái bỏ đi thì sao? Lúc đó thì hỏng hết việc.!
– Với lại bố phải nhớ: bây giờ người ta không gọi “người ở”, mà phải gọi là “cô bảo mẫu”, hay “cô phục vụ”.
– Nhưng trong nhà ta có ai cần phải nuôi dạy nữa đâu. Ơn Chúa, tất cả chúng ta đều đã được học hành cả rồi. Thôi, cứ gọi cô ta vào đây để xem mặt “cô phục vụ” của chúng ta xem nào!
– Nhưng anh nhớ đừng có nói gì vớ vẩn đấy!
Vợ tôi gọi:
– Chị Aiten!
– Ôi, trời đất! Sao lại có người xấu đến thế không biết! Tất nhiên là vợ tôi đã cố ý chọn người như thế để khỏi phải ghen!
Bạn sẽ nghĩ thế nào? Vợ tôi giới thiệu tôi với cô người hầu:
– Đây là Mucxin, chồng tôi.
Cô gái tiến lại phía tôi với dáng đi õng ẹo. Tôi bối rối không biết có nên đứng dậy hôn tay cô ta không? Cuối cùng tôi quyết định đưa tay ra bắt tay cô ta.
Cô ta chúm môi nói:
– Rất hân hạnh, tôi là Aiten.
Cô ta ăn mặc hoàn toàn như một quý cô thực thụ, thậm chí còn diêm dúa hơn cả một quý cô. Người ngoài mà nhìn chắc chắn thế nào cũng nhầm không biết ai là vợ tôi, còn ai là người hầu. Cô ta ngồi xuống ghế xa-lông trước mặt tôi, vắt chân nọ lên chân kia.
– Ông có thuốc lá không? Tôi quên không mang theo.
Vợ tôi chạy ngay sang buồng khác lấy thuốc lá. Con gái tôi thì châm bật lửa, còn “cô phục vụ” của chúng tôi thì vừa hút thuốc vừa chúm môi nhả những vòng tròn khói.
Cả nhà chúng tôi tròn mắt. Mọi người nhìn cô ta và im lặng. May sao cô ta là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng nặng nề ấy.
– Thôi, chúng ta trao đổi đi.
– Vâng, thưa tiểu thư.
– Ông định đặt bao nhiêu? Ý tôi muốn nói là ông có thể trả tôi bao nhiêu?
Mọi người trong nhà đều nhìn vào miệng tôi, chờ nghe tôi nói. Ai cũng thấp thỏm chỉ sợ tôi đưa ra cái giá rẻ quá khiến cô ta cảm thấy bị xúc phạm. Trả cô ta một trăm lia liệu có ít không nhỉ. Mà ngay cả một trăm lia cũng là vượt quá khả năng của chúng tôi rồi. Nếu mỗi tháng tôi viết được khoảng mươi truyện ngắn thì may ra mới đủ chu cấp cho cô người ở. Nhưng làm sao đăng hết được mười truyện ngắn một tháng?
Thấy tôi suy nghĩ quá lâu, cô ta bảo:
– Nào, ông bạn, cứ nói đi, chẳng có gì phải ngại!
Tôi lắp bắp:
– Tôi sẽ trả cho cô một trăm lia một tháng.
Cả gia đình tôi và cô người hầu cùng đồng thanh “ối” lên một tiếng.
– Sao, có chuyện gì vậy?
– Bố ơi, làm sao có thể trả như vậy được? Chả lẽ bố không đọc báo hay sao? Bây giờ một trăm lia còn không thuê nổi một cán bộ tử tế nữa là!
Vợ tôi chen vào:
– Anh thử nghĩ xem, một hộp son môi không ra gì đã mười lia rồi, hộp phấn thì bốn mươi lia.
Cô người hầu, nghĩa là “cô phục vụ buồng” Aiten nói:
– Một đôi tất – mà loại rất xoàng đã mất mười bốn lia. Mà lẽ nào một người mỗi tháng không tốn bốn, năm đôi tất?
Tôi vội vàng đút chân sâu hơn vào đôi dép đi trong nhà để cô ta khỏi nhìn thấy đôi tất đã mạng lại của tôi.
Cô Aiten đứng dậy:
– Xin lỗi vì đã làm phiền, nhưng giữa chúng ta không còn gì để nói nữa! Tạm biệt!
Cả nhà tôi xúm lại năn nỉ cô ta:
– Lạy Chúa, chị cứ ngồi xuống đã! Xin chị đừng vội! Chị đừng nên quá nóng nảy như vậy.
– Tôi làm cho nhà trước mỗi tháng bốn trăm lia. Nhưng tôi không thích cái nhà ấy. Lão chủ nhà già quá nên tôi bỏ đi!
– Ôi, Aiten, cô bạn của tôi, – tôi nói. – Tất nhiên có người có nhiều tiền, nhưng tiền đâu phải là tất cả. Chúng tôi tuy ít tiền, nhưng tôi sẽ cố gắng để cô cảm thấy hài lòng. Tôi là người tốt và tôi sẽ hết sức cố gắng vì cô.
– Tôi sẽ cố gắng! Thử nhìn xem, trên đầu ông ta không còn một sợi tóc mà ông ta nói muốn làm cho tôi hài lòng!
– Chingiz! – Tôi lên tiếng gọi.
Thằng con trai tôi đúng là giống Chingizkhan thật.
– Bố gọi con có việc gì ạ?
– Con hãy ra đây để cô Aiten ngắm con một chút.
Cô ta đưa mắt nhìn Chingiz từ đầu xuống chân, rồi từ chân lên đầu.
– Một chàng trai không đến nỗi nào, – cô ta nói. – Thôi được, vì nể gia đình này tôi đồng ý với mức lương hai trăm lia. Nhưng tôi muốn nhận bằng đôla.
Rồi cô ta lại nhìn thằng con tôi một lần nữa:
– Tất cả chỉ vì anh thôi đấy! Thế ông làm nghề gì? – Cô ta quay sang tôi hỏi.
– Tôi ấy à? Tôi làm nghề viết.
– Viết gì? Viết đơn từ à?
– Không, tôi viết truyện ngắn.
– Chà, chả lẽ người ta có thể sống bằng các truyện ngắn và truyện cổ tích hay sao?
– Chúng tôi cũng cố gắng xoay xở.
– Thế tủ lạnh nhà ông mác gì?
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, vợ tôi thú thật:
– Nhà chúng tôi chưa có tủ lạnh, nhưng chúng tôi sắp mua.
– Nhà ông không có máy quay đĩa à?
– Chúng tôi có rađiô kèm máy quay đĩa.
– Nếu ông không có những cái đĩa tôi thích tôi sẽ không làm đâu.
– Chúng tôi sẽ mua những đĩa nào cô thích.
– Thế máy giặt có chứ?
– Không
– Này, ông hãy kiếm việc gì khá hơn mà làm. Vứt quách cái nghề viết ấy đi. Xin đi làm thuê cho một nhà buôn giàu có nào đó, rồi bản thân cũng được sống đàng hoàng. Thế ít ra cũng có máy hút bụi chứ?
– Ngày mai chúng tôi sẽ mua!
– Ê, các vị đáng yêu của tôi, tốt nhất tất cả các vị hãy đứng ở quảng trường Eminhiô mà ngửa tay ăn xin còn hơn!
Đoạn cô ta quay lại phía tôi:
– Ông là thứ đàn ông gì vậy? Nếu không biết làm gì thì hãy vác lên vai một hòm cam mà đi bán rong còn hơn!
Tôi ngọ ngậy trên ghế vì xấu hổ.
– Nhà ta có ấm đun nước còi không?
Tất cả chúng tôi im lặng. Hết sức thất vọng, cô ta đứng dậy quay sang bảo thằng con trai tôi:
– Này, chàng trai của tôi, tất nhiên anh cũng khá đẹp trai, nhưng cho dù ở đây có cả Maclông Branđô1 đi nữa, tôi cũng không thể chịu nổi cái nhà nghèo khổ này!
Sau đó cô ta quay sang tôi:
– Thật đáng thương cho loại đàn ông như ông, – cô ta nói: – Xem cái bề ngoài của ông này, ông thử nhìn bộ com lê của ông xem!
Cô ta quay sang con gái tôi và nói:
– Cô em của tôi, cô đã lớn rồi, hãy tự lo cho mình đi!

Sau đó cô ta để ý đến vợ tôi:
– Còn bà thì khỏi nói, bà thật thông minh đấy! – Cô ta dài giọng – Thế mà họ dám đòi thuê mình! Các vị hãy lo cho mình được ăn mặc đầy đủ trước đi đã!
Cô ta nói không còn thiếu những lời lẽ gì xúc phạm chúng tôi nữa! Cuối cùng cô ta giật mạnh cửa và bước ra ngoài. Chúng tôi không thể nhìn vào mắt nhau được nữa. Vợ và con gái tôi bật khóc. Thằng con trai tôi thì nguyền rủa tất cả mọi thứ trên đời.
– Ngày mai con sẽ bỏ học – Nó nói
Tôi thì quyết định sẽ tự tử.
Nhưng ở đời trong cái không may lại có cái may. Sau chuyến viếng thăm của cô gái đó cả gia đình tôi bỗng nhiên thức tỉnh.
Bây giờ vợ tôi nhận làm thuê cho cái nhà ông buôn cao su phế thải, con gái tôi thì đi làm cho nhà buôn phụ tùng ô tô. Con trai tôi thì làm người giúp việc cho một nhà buôn bông. Còn tôi… thì thậm chí chẳng có ai muốn thuê làm người ở. Nhưng bù lại mọi người trong nhà đều thương hại và quan tâm chăm sóc tôi như một cựu chiến binh già trong nhà. Và một điều nữa tôi muốn nói riêng, nhà tôi còn gửi được tiền tiết kiệm trong ngân hàng!
Chú thích:
1. Một nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng đẹp trai.
24/9/2015
Aziz Nesin
Đức Mẫn - Thái Hà dịch
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...