Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Tập truyện Aziz Nesin 4

Tập truyện Aziz Nesin 4

NGƯỜI THAY CẢ DÀN NHẠC
Có những người mà mỗi ngón tay của họ là một nghề. Các ngón tay của tôi thì không có khả năng gì đặc biệt. Tuy vậy, tôi không muốn nói sai sự thật, – khi có cơ hội thì ở một đám đông nào đó chúng cũng có thể véo trộm mông đàn bà. Nhưng cái biệt tài đó không đem lại cho tôi cái gì, ngoài những cái tát.
Tôi chỉ nắm được một nghệ thuật duy nhất. Những nhạc cụ của tôi là mũi và lưỡi.
Tôi biết dùng mũi bắt chước giống hệt tiếng kèn zurna, còn vừa dùng lưỡi vừa dậm chân tôi có thể bắt chước cả một dàn trống. Về lĩnh vực này thì không ai có thể bì được với tôi.
Song, không dễ gì kiếm ăn được bàng cái kèn mũi và cái trống miệng. Rất tiếc là do trình độ và thẩm mỹ âm nhạc của người ta không được cao lắm. Và, giống như bất cứ nhà nghệ sĩ không được thừa nhận nào, tôi thường xuyên bị đói.
Tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi để xin việc!
Người ta hỏi tôi:
– Thế anh biết làm gì?
Tôi không thể trả lời như mọi người khác: ”Tôi có thể làm bất cứ việc gì ông giao”.
Mỗi người cần có việc làm. Nhưng tôi là người ủng hộ sự phân công lao động. Và tôi cho rằng, nếu năng khiếu của tôi là thổi kèn bằng mũi và đánh trống bằng mồm thì như thế đã là đủ lắm rồi.
Nhưng tôi cứ vừa mở miệng nói ”thưa các vị, tôi có thể thổi kèn bàng mũi!” là lập tức mọi người cười rộ lên, chế giễu.
Thấy vậy tôi bèn nói:
– Các vị cứ cho phép tôi thử biểu diễn đã, rồi hẵng phán xét!
– Được, thế thì làm đi, – họ bảo: Lúc đầu tôi trình bày theo kiểu ứng tác. Thỉnh thoảng tôi lại gõ vào ”cái trống” của mình. Các thính giả của tôi hết sức thán phục. Nói các bạn có lẽ không tin, nhưng có bao nhiêu các vị quan chức với những khuôn mặt to bự nghiêm túc trong lúc nghe tôi chơi đã hưng phấn cao độ. Họ cởi cả quần áo và bắt đầu uốn éo lắc lư nhảy điệu nhảy của cái bụng.
Và các bạn có biết sau khi nghe tôi thổi ”kèn” họ nói gì không? Họ bảo tôi:
– Chà, chà, nếu con người này sống ở Châu Âu hay ở Mỹ chắc chắn anh ta sẽ thành tỉ phú.
Ở nước ta người ta an ủi những người đó như vậy.
Hóa ra, chỗ của chúng ta không phải ở quê hương mình, mà ở Châu Âu hay ở Mỹ. Té ra Đấng tạo hóa đã sinh ra hai loại người. Một loại là người Châu Á và Châu Phi, còn lại kia là người Châu Âu và người Mỹ. Và bởi vì người anh em đói của chúng ta được xếp vào hoại hai nên chúng ta không thể tìm được chỗ cho mình trong cuộc sống. Dù chúng ta có làm nên những điều kỳ diệu đến đâu chăng nữa chúng ta vẫn không có việc làm.
Thế rồi họ thưởng cho tôi một tràng vỗ tay hào phóng, vào dúi vào tay tôi dăm ba xu và đuổi tôi đi.
Bây giờ chắc các bạn đã hiểu tôi đã chịu bao nhiêu đau khổ vì nghệ thuật. Và giá như không gặp một ông chủ có trái tim rất nhân hậu, một người biết đánh giá nghệ thuật, tôi đã phải sống vất vưởng cho đến cuối đời như một anh nhạc công nghiệp dư, thổi kèn bằng cái mũi của mình.
Tôi làm quen với ông ta trong một sân khấu ứng tác, nơi một thời gian tôi phải thay thế cả một dàn nhạc. Các bạn ngạc nhiên ư?
Phải, tôi đã thay thế cả một dàn nhạc, bắt chước kèn và trống. Nhưng nhiệm vụ của tôi không phải chỉ có thế: tôi phải ra sân khấu, hát các ca khúc và còn phải nhảy trong bộ váy đàn bà nữa. Ngoài ra, tôi còn phải ngồi bán vé, phải kê phông màn, tháo dỡ lều rạp. Nếu có diễn viên nào bị ốm, tôi còn phải nhận đóng cả vai của anh ta.
Một lần chúng tôi dựng vở ”Hămlet” của Sêchpia. Tôi được giao đóng vai Hămlet. Nhưng người ta không báo trước cho tôi biết là chúng tôi sẽ diễn vở Hămlet. Cũng có thể người ta đã báo nhưng tôi quên mất. Trước đó một ngày chúng tôi đang diễn vở ”Người bán đậu rang ở thành Khôkhorơ”, và tôi cứ tưởng sẽ tiếp tục diễn vở này. Thế là khi đến lượt tôi, tôi bước ra sân khấu với trang phục của người bán đậu rang thành Khôkhorơ, tôi vừa thổi kèn vừa đánh trống. Bỗng tôi nhìn cảnh bài trí và các diễn viên khác: chúng tôi đang ở nước Đan Mạch, trong cung điện nhà vua, nghĩa là, chính tôi là hoàng tử Đan Mạch. Thoạt tiên tôi rất lúng túng không biết làm gì. Nói chung là – tồn tại hay không tồn tại? Sau phút bối rối tôi quyết định: một khi vở diễn đã bắt đầu trước khi tôi bước ra thì phải đóng vai Hămlet thôi. Và nàng Ôphêlia đã đứng trước mặt tôi, do Êlêna, bà vợ to béo của ông Khristôs chơi đàn viôlông mặc chiếc váy nilông của con gái, đóng. Bộ ngực của bà rất to và sau chiếc váy mỏng nilông chật căng, cặp vú của bà hằn lên như cái chảo đồng mà ở nước ta người ta hay mua tặng đám cưới.
Tôi bắt đầu phần độc thoại của Hămlet:
– Ta sẽ thay cha ta trả thù bà hoàng hậu đã mất danh dự này, tức mẹ của ta. Ta là hoàng tử Hămlet! Và vụ án về cái chết bí mật của cha ta sẽ không bao giờ nằm trong hồ sơ với dòng chữ ”Những vụ án không tìm ra”. Ta sẽ viết đơn gửi Phòng giám định pháp y yêu cầu người ta cho khai quật tử thi của cha ta lên và sẽ khám phá ra bí mật của vụ giết người độc ác này. Và ta sẽ bắt ông chú sát nhân của ta giao cho cảnh sát.
Sau khi nói hết đoạn độc thoại đó, tôi gào to:
– Ôphêlia!... Ôphê-ê-li-a!. Ôphê-ê-li-a! …
Người nhắc vai nói khẽ:
– Này, cảnh sát đã nhắc nhở là vào giờ này những người bán hàng rong bị cấm hét to.
Nhưng tôi đã lao vào vòng tay của bà béo Êlêna.
Khán giả không thích tôi trong vai Hămlet. Có những tiếng la ó.
– Chúng tôi muốn nghe kèn cơ! Nghe kèn cơ! …
Những tiếng la hét khiến ông chủ chúng tôi giận điên người. Ông ra lệnh hạ màn và rít lên:
– Này, chàng trai, đây là sân khấu! Chắc anh tưởng anh đang ở cuộc mít tinh ngoài phố và muốn nói bất cứ cái gì nảy ra trong đầu thì nói đấy phỏng?
Rồi ông ta đuổi việc tôi ngay lập tức.
Quả thật. Khi người ta còn đang làm việc thì anh ta còn có thể vay tiền người này người khác. Nhưng ai dám cho một anh thất nghiệp vay tiền? Sau khi gói ghém chiếc quần của bộ quân phục mà tôi mặc ra sân khấu đóng vai Hămlet tôi bước ra khỏi nhà hát. Những kẻ ăn không ngồi rồi chỉ vào tôi bảo nhau:
– Có nhìn thấy không? Anh ta là nghệ sĩ đấy. Cái mũi của anh ta đúng là một cái kèn thực sự.
Có một người tiến lại gần tôi.
– Thưa ngài, – ông ta nói, – tôi muốn thưa chuyện với ngài.
Tôi đáp:
– Tôi không có thời gian. Những người muốn nói chuyện với tôi nhiều lắm. Ông phải xếp hàng chờ.
– Nhưng tôi có việc rất quan trọng muốn nói với ngài! – Ông ta năn nỉ.
– Nếu vậy hãy cho tôi điếu thuốc. Phải rít vài hơi thuốc tôi mới tỉnh táo được.
Ông ta đưa cho tôi điếu thuốc lá thơm. Chúng tôi ngồi lên ôtô của ông ta và ông ta đưa tôi đến một nhà máy lớn. Chúng tôi bước vào một văn phòng bài trí rất sang trọng. Ở đó đẹp đến nỗi tôi phải thốt lên:
– Đây mới đúng là nơi ”Hămlet”!
Người lạ mặt nói:
– Chúng ta hãy bàn ngay công việc. Tôi là chủ của nhà máy này.
– Lẽ ra ông phải báo trước cho tôi, – tôi đáp với giọng hơi bối rối, – ít ra là để tôi biết cách ứng xử.
– Không quan trọng, tôi là người dân chủ và tôi không coi trọng những chuyện như vậy, – người nói chuyện với tôi đáp.- Cậu hãy để tôi nói đây, – ông ta nói thêm, tự dưng chuyển sang xưng hô “cậu”. – Tôi là nhà doanh nghiệp, nhưng tôi không chèn ép quyền của ai cả.
– Chà, chà! Nghĩa là ông chịu đói.
Ông ta tức giận:
– Ngu ngốc! Tôi nói cho cậu biết, tôi là người phản đối sự bóc lột. Nếu cậu muốn cậu có thể hỏi bất kể người công nhân nào.
Chúng tôi xuống phân xưởng, tôi ngăn một người công nhân đầu tiên tôi gặp:
– Này, anh hãy nghe ông chủ anh nói gì!
– Ông chủ nói hoàn toàn đúng sự thật, – anh ta khẳng định: – Ở đây một ngày chúng tôi được nhận lương cao gấp đôi so với công nhân các nhà máy khác. Mỗi năm chúng tôi được nghỉ phép một tháng vẫn có lương. Nhân dịp năm mới và các ngày lễ khác đều có thưởng.
– Thế mới tuyệt vời chứ! – Tôi thốt lên với vẻ hoàn toàn bối rối.
Khi chúng tôi quay trở lại văn phòng, tôi hỏi:
– Ông là một người tâm thần hay một kẻ ngốc?
– Cả hai đều không phải, – ông ta đáp. – Tôi biết tôi đang làm gì.
– Vậy ông hãy kể cụ thể hơn, – tôi yêu cầu.
– Anh hãy nghe đây. Trước kia ở nhà máy tôi có ba trăm công nhân. Chắc anh cũng hiểu, họ được ít lương. ”Thế nào, nếu tôi tăng lương cho các anh mười phần trăm, thì các anh sẽ được bao nhiêu?” – Tôi hỏi. ”Được gấp đôi”, – họ đáp. Vậy là tôi giảm số công nhân xuống còn hai trăm. Năng suất nhà máy tăng lên gấp đôi. Tôi lại hỏi công nhân: ”Thế nếu tôi tăng lương cho các anh thêm mười phần trăm nữa, các anh sẽ làm bao nhiêu? – ”Làm gấp đôi”- Họ đáp. Tôi lại cho năm mươi công nhân nữa thôi việc. Năng suất tăng lên gấp bốn lần. Cuối cùng nhà máy chỉ còn lại hai mươi nhăm công nhân. Họ được một tháng nghỉ phép ăn lương, nhận được tiền lương nhiều hơn nhiều so với các nhà máy khác, còn tôi thì kiếm được nhiều gấp mười.
– Vậy ông muốn gì ở tôi?
– Tôi giải thích đây…. Bây giờ thì không thể giảm số công nhân được đi nữa. Và tôi muốn tìm mọi cách tăng năng suất lao động. Trong tất cả các nhà xưởng đều sạch một cách lý tưởng và trong các phân xưởng sạch sẽ công nhân sẽ làm việc tốt hơn. Các cửa sổ lúc nào cũng mở. Khi càng sáng sủa thì năng suất càng cao hơn. Sau đó, như anh biết đấy màu sắc khác nhau cũng có tác động khác nhau. Các màu xanh và trắng làm dịu mắt và dễ ngủ, vì thế các bệnh viện thường quét vôi xanh và trắng. Màu đen gây cảm giác nặng nề. Màu hồng và vàng dễ làm người ta sao lãng công việc. Màu đỏ và xanh lá cây làm người ta hồi hộp, máu sẽ chảy nhanh hơn trong huyết quản. Vì thế các phòng ngủ thường quét vôi đỏ. Tất cả các phân xưởng tôi cũng cho quét vôi màu này. Và năng suất lao động đã tăng lên gấp đôi.
– Nhưng cuối cùng ông muốn gì ở tôi?
– Anh biết đấy, tôi là người phản đối sự bóc lột. Nhưng tôi cần nâng cao hơn nữa năng suất lao động. Muốn vậy tôi phải thỏa mãn nhu cầu của công nhân về âm nhạc. Khi nghe nhạc người ta tự nhiên làm việc hăng hái hơn nhiều. Từ trước đến nay tại nhà máy tôi vẫn có một dàn nhạc, nhưng để nuôi họ tốn kém quá.
– Thế sao ông không mua một cái máy quay đĩa và cho mắc loa vào tất cả các xưởng?
– Âm thanh của nó có cái gì cơ khí. Nó tác động tới thần kinh con người, cản trở làm việc. Âm thanh phải tự nhiên cơ!
– Tuyệt lắm! Tôi đồng ý…
– Chỉ có một điều kiện: không được chơi nhạc trong nước. Anh biết chơi các bản nhạc phương Tây không?
– Còn phải nói!
– Anh hãy chơi thử cho tôi nghe một bản rapxôđia của Hungari xem nào!
Với cái mũi làm kèn và cái bụng làm trống tôi biểu diễn bản rapxôđia. Ông chủ hết sức kinh ngạc.
– Tuyệt vời, – ông nói. – Nhưng chỉ có trống và kèn không thì ít quá. Hai tay anh cũng phải làm việc. Như thế thôi sẽ tăng gấp đôi lương cho anh.
– Được, – tôi đồng ý… Tay phải tôi sẽ vỗ vào bụng, như một cái trống.
– Tuyệt! thế nhưng hai cái chân anh không làm việc à?
– Tôi sẽ gõ gõ hai đế giày như gõ đĩa.
– Tốt! Còn gì nữa!
– Còn gì nữa ấy à? Còn …còn …. khoan! Tôi nghĩ ra rồi! Tay trái tôi còn rỗi. Tôi sẽ vỗ vỗ vào mông để đánh nhịp.
– Còn gì nữa?
– Nhưng tôi phải để lại cái gì cho minh chứ?
– Thôi được. Như vậy là anh sẽ thay thế một dàn nhạc sáu nhạc công. Nếu tôi thuê một dàn nhạc như vậy tôi phải trả ít nhất hai trăm lia một ngày. Mà anh thì chắc sẽ đồng ý với năm mươi lia chứ?
– Rất cám ơn! Tôi thậm trí chưa bao giờ kiếm được năm mươi lia một tuần.
– Nếu vậy coi như ta đã thỏa thuận. Anh thấy đấy, tôi trả lương cho công nhân cao gấp hai, gấp ba lần các nhà máy khác. Nhưng vấn đề không phải ở tiền. Tôi không tiếc điều gì miễn sao năng suất lao động của công nhân được nâng cao. Hãy nói xem anh cần gì? Tôi sẽ quét vôi buồng anh màu xanh lá cây nhé? Hay màu đỏ? Đặt may cho anh bộ quần áo mới nhé? Sai người mang rượu đến nhé?
Tôi nhìn chằm chằm vào mặt ông chủ tốt bụng và nói:
– Tôi không cần ông làm gì cả. Tôi chỉ yêu cầu một điều: Nếu ông muốn khích lệ tôi làm việc, hãy thực hiện yêu cầu của tôi và hãy coi như chúng ta đã thỏa thuận.
– Nhưng anh yêu cầu gì?
– Tôi không muốn nhìn thấy cái bản mặt của ông. Có thế thôi.
Ông chủ reo lên sung sướng:
– Đồng ý – ông thét lên. – Nào, bây giờ hãy biểu diễn kèn đi!
RẤT TIẾC LÀ KHÔNG XONG RỒI…
Muốn gì thì muốn, chúng tôi cũng cứ cưới vơ cho anh! – Mọi người xúm vào bảo tôi như vậy.
Tôi giãy nảy lên, làm ra bộ không thích. Nhưng kỳ thực trong tâm tôi không có gì phản đối cả.
Cô này nết na chăm chỉ lắm? – họ tìm cách thuyết phục tôi.
Con gái mà điều trước tiên được khen lại là nết na chăm chỉ, thì ắt là nhan sắc không ra gì rồi! Chắc thế nào cũng phải có khuyết tật gì đó.
– Nết na hay không, tôi cũng không cần lắm. Cốt nhất là làm sao mặt mũi phải dễ coi một tý, để nếu không phải suốt ngày, thì ít ra đôi lúc có thể ngắm được. Tôi rụt rè bảo họ.
– Cô ấy đi với anh thì xứng đôi lắm rồi, – họ nới cốt để tôi yên lòng.
Nhưng chính đó lại là điều tôi sợ nhất…
– Cô ấy là người có học thức. Tiếp xúc với cô ấy nhất định anh sẽ thấy hợp ngay?
Điểm này thì tôi thích. Một cô gái có học thức! Phải nói rằng học thức dù sao cũng là một nét hấp dẫn đấy chứ! Các bạn cứ đọc các mẩu rao vặt kết hôn trên báo thì biết đấy. Từ anh thợ mới học nghề quét vôi cho đến nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, có ai là người không muốn kiếm một cô vợ có học thức đâu nào!.
– Mẹ cô ta là người Đức, còn bố là người Thổ.
– A! Điểm này cũng hay đấy!
Giống vật lại cũng như giống người lai, bao giờ cũng có những phẩm chất tốt lắm nhé! Tôi chợt nhớ đến phu nhân Phôn Xađrextainơ trong truyện ngắn trứ danh của Hôme Xaiphetiin. Đó là một phụ nữ Đức có thân hình rắn rỏi. Sáng nào cũng vậy, ở chợ về, mình mặc bộ quần áo thể thao, tay xách làn, bà vừa đi vừa nện mạnh gót giầy cộp… cộp… cộp… trông rất oai vệ.
– Cô ta nói được cả tiếng Đức, tiếng Pháp lẫn tiếng Ý!
Tôi thầm nghĩ: nếu săn được con chim này thì thật cũng bõ công chờ đợi hơn bốn chục năm giời! Người ta nói thế mà đúng: chỉ có kẻ nào biết nhẫn nhục chờ đợi thì mới đạt được ý nguyện.
Bà mối chính trong chuyện này là madơmmoaden Êleptơra, năm mươi chín tuổi, người gầy đét như con cá mắm.
– Cô này rất xinh, thuộc loại tờré giôni1 đấy! – madơmmoaden Êleptơra nói, – người cao thon thả… trông tơré cuyntivè2, mà lại giòng dõi con nhà quý phái nhé!
– Bà Êleptơra này, – tôi bảo, – thế bà đã nói cho cô ấy biết rằng tôi đã ngoại tứ tuần chưa?
– Nói rồi! Cô ấy bảo đàn ông cứ là phải ngoài cái tầm bốn mươi mới có thể gọi là đàn ông được!
– Thế bà có bảo với cô ấy là vóc người tôi thắp bé không?
– Có. Nhưng cô ấy bảo được cái chắc anh thông minh!
– Nhưng bà đã kể cho cô ấy biết tôi chỉ là một anh làm báo quèn, lương tháng không hơn gì mấy cô thợ đan bít tất, tức là chỉ có năm mươi lia một tuần, mà với điều kiện là phải vừa lòng ông chủ đấy! Bà đã kể cho cô ấy biết điều đó chưa?
– Rồi! Kể hết rồi! Cô ấy có những ba cái nhà cơ! Đồ đạc đủ hết, thẳng thiếu thứ gì?
Nếu vậy thì được. Không có sau lại bảo không nói trước! Đã biết thế rồi mà cứ lao vào, sau này khổ thì đừng có trách! Đúng là cô ả tự dưng muốn chuốc nợ vào thân, mà tôi thì hoàn toàn có khả năng làm cô ta được toại nguyện.
Nói thật ra thì tôi cũng chẳng quan tâm mấy đến tất cả những chuyện này, nhưng chết nỗi một ông bạn tôi cứ thiết tha muốn tôi lấy vợ.
– Thôi, cưới quách đi cho rồi cậu ạ! Cho đời nó dễ chịu – Anh ta thuyết phục tôi. – Và cũng để bọn tớ khỏi phải lo lắng về cậu nữa! Lo mãi cho cậu, tớ cũng phát ngán lên rồi?
– Sao cậu lại nói thế. – Tôi bảo anh ta. – Cậu tưởng thời buổi bây giờ, một người con gái như thế… Chắc gì cô ta đã chịu lấy một thằng như tôi!
– Thôi đừng có nói vớ vẩn! Đã bao năm nay cậu không được biết hạnh phúc là gì, thì bây giờ hạnh phúc tự nó đến với cậu. Chuyện ấy là thường chứ!
Tôi đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cuối cùng đánh liều gật đầu, mặc cho mọi sự muốn đi đến đâu thì đến.
Theo sắp đặt, người con gái mà số phận đã định cho tôi phải lấy làm vợ, sẽ đi cùng madơmoaden Êleptơra đến sở chúng tôi. Người bạn tôi sẽ phải có mặt ở đó để đón họ.
Ngày hẹn đã tới. Phải người nào đã từng nếm mùi cuộc sống độc thân mới hiểu điều đó có ý nghĩa như thế nào. Từ ngày hôm trước tôi đã phải lấy chiếc áo sơ mi trắng ra giặt, rồi phơi lên ban công cho khô. Nhưng ác một cái là hôm sau trời mưa tầm tã suốt đến tận chiều. Áo rút trên dây xuống mà nước từ hai ống tay vẫn còn tong tỏng. Tôi còn hai cái áo nữa, nhưng một cái thì bẩn quá, cái kia thì nhầu nát. À, thôi được, không sao! Tôi quyết định vắt thật khô… Lấy hồ phết vào cổ và hai ống tay, rồi cắm bàn là cho thật nóng… áo may sẵn cái nào cũng thế, mặt trong cổ bao giờ cũng rộng hơn mặt ngoài, là thế nào cũng không thẳng được! Sau đó tôi mang bộ com lê ra chải xăng. Chải xong đi tìm bít tất và mùi xoa thì không còn cái nào sạch cả! Đang cạo râu thì bỗng ngửi thấy mùi khét lẹt. Hoá ra tôi để quên bàn là trên quần. Tôi chạy vội đến nhấc ra, nhưng nó đã kịp làm cháy một miếng tướng ở đầu gối. Chà! Cái cảnh sống độc thân đáng nguyền rủa này! Thôi, muốn gì thì muốn, tôi cũng phải lấy cô gái này thôi!
Rút cuộc tôi đành phải mặc cái áo hãy còn ẩm, vác cái bộ mặt xây xước như bộ que tính có khía nấc, hãy còn rớm máu vì cạo vội, mà ra đi.
Muộn mất rồi! Tôi nhảy đại lên một chiếc tắc xi, phóng như bay đến sở. Vừa đến nơi, anh bạn tôi đã nhảy bổ ra, ghé sát tai tôi bảo:
– Cậu chết rấp ở đâu thế? Để người ta chờ đến hơn một tiếng đồng hồ rồi!
– Thế nào?… Trông xài được chứ hả? Anh bạn tôi mặt không còn thần sắc.
– Cứ vào xem thì khắc biết!
Tôi hồi hộp quá! Ngay cả lúc sắp bước vào phòng thi hay thậm chí lúc sắp bị đưa ra toà án tối cao, tôi cũng không thấy hồi hộp như thế… madơmoaden Êleptơra đây rồi! Và trên ghế cạnh bà ta là… chao ôi!… một sinh vật kỳ dị. Nó đưa mắt nhìn tôi có vẻ sợ sệt. Tôi ngoảnh vội sang phía người bạn, nhưng anh ta đã quay mặt vào tường. Thế là hết người cầu cứu.
– Rất hân hạnh được gặp ông!
– Xin lỗi vì đã làm cô phải chờ!
Hai ánh mắt chúng tôi chợt gặp nhau… Trời ơi! Tôi muốn bê lấy cái bàn mà đập vào đầu madơ- moaden Êleptơra một cái! Tôi tuy khù khờ thế, nhưng đâu đến nỗi thế… Cái người đàn bà mà bà ta định giới thiệu làm vợ tôi này chỉ có thể dùng vào một việc thích hợp nhất là đem nhốt vào một cái lều, rồi đứng ngoài cửa mà kêu:
– Vào xem đi, Vào xem đi! Kỳ quan thứ tám của thế giới đây!
– Một quái vật kinh dị chưa từng có đây! Nói đúng hay sai, vào xem đi sẽ rõ!
Thoạt tiên có thể mang y đi trưng bày ở các chợ phiên hay các đám hội, sau đó mang đi biểu diễn ở các tỉnh, rồi dẫn đi khắp vùng Anatôli. Rồi can đảm nữa thì làm một vòng quanh châu Âu, châu Mỹ, cho các nước người ta biết hệ động vật của nước ta còn có thêm loại gì.
Chúng tôi bắt tay nhau.
– Cô có được khoẻ không ạ?
– Mécxì! Còn ông?
Đột nhiên madơmoaden Êleptơra to giọng hỏi tôi:
– Ông thấy cô ta thế nào?
– Bà Êleptơra ạ, bà có nghe nói ở Xtămbun người ta mới mở một vườn bách thú không? – Tôi bảo.
– Không? – Bà mối buông một tiếng cộc lốc.
Người con gái mà bà ta muốn sẽ làm tôi sung sướng, trông chả khác gì một con ngựa thồ nòi Hung-gia-lợi mà trước kia trong pháo binh người ta vẫn dùng để kéo những cỗ pháo nặng. Khi duyệt binh thì nó sùi cả bọt mép ra. Nói của đáng tội, giống ngựa thồ dù sao cũng còn có ưu điểm là nó biết im lặng. Chứ đằng này vị hôn thê của tôi không lúc nào ngơi mồm. Y nói tiến thoắng át hết cả chúng tôi. Những câu y nói không ai hiểu gì cả, vì cái miệng y, giống như kim địa bàn, lúc nào cũng muốn bật lên phía trên. Tuy vậy, để câu chuyện khỏi bị đứt quãng, thỉnh thoảng tôi lại phải lịch sự đáp lại những câu y hỏi, mặc dù thực tình tôi không sao hiểu nổi y muốn hỏi gì. Nhưng bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có lối thoát của nó. Nên tôi cứ nhìn mắt y mà trả lời ”Vâng” hoặc ”Không”. Vì nhìn mắt bao giờ người ta cũng đoán được phần nào ý nghĩ. Nhưng đôi mí to mọng úp xụp trên mắt y trông thật dễ sợ. Y nhìn chúng tôi một cách lấm lét, như anh chủ hiệu tạp hóa giấu hàng lậu trong quầy bán trộm vào những hôm chủ nhật.
Nói tóm lại, đấng Tạo hóa chí tôn khi nặn ra kẻ tội đồ đáng thương này đã tỏ ra vô cùng sành sỏi về các kỳ hình quái dạng! Thánh Ala muốn gì, là đều ấy được thực hiện.
Người ta bảo y biết bốn thứ tiếng. Chao ôi! Lời đồn sao quá điêu ngoa! Có một hồi, đứng bán ở quầy y cũng bập bẹ được dăm ba câu tiếng Pháp. Nhưng sau ít khách, người ta không mướn y nữa. Người ta bảo mẹ y là người Đức. Cả chuyện này cũng đã sai lạc ít nhiều. Không phải mẹ y, mà là bà hàng xóm ở cạnh nhà y cách đây mươi năm, là người Đức. Rồi, hẳn các bạn còn nhớ, người ta bảo y có ba căn nhà. Té ra không phải ba căn nhà, mà là một căn nhà có ba buồng. Mà bây giờ cũng đã bị cầm rồi. Ấy là chưa kể cả tám anh chị em y cùng chui rúc vào đó…
Madơmoaden Êleptơra hỏi lại tôi một lần nữa:
– Thế nào? Anh có ưng cô ta không? Bằng lòng nhé?
Nếu vì lịch sự tôi bảo bằng làng, thì sẽ hết đường rút lui. Người ta sẽ thít lấy cổ tôi mà bắt làm lễ cưới ngay. Vì thế tôi cứ ậm à, ậm ừ.
– Bà biết đấy… về những vấn đề như thế này thì… Có phải thế không ạ?… Trước hết người đàn ông phải… đúng không ạ? Người phụ nữ trong chuyện này thì… Vâ…â…ng! Còn về phần tôi… nhất định là tôi sẽ thưa chuyện với bà sau…
Tôi liếc nhìn người con gái đáng thương: đôi mắt cô ta dán chặt vào môi tôi. Không khí bỗng trở nên nặng nề…
– Trời hôm nay đẹp quá!
Tôi vội chộp ngay lấy lời cô ta như vớ được cọc.
– Vâng thưa cô, trời hôm nay thật là tuyệt! Năm nay…
Gì chứ đề cập đến chuyện thời tiết thì tôi có thể nói cả tuần liền không nghỉ!
Nhưng bỗng tôi cảm thấy có một cái gì đau nhói ở trong lòng. Các bạn cứ nghĩ xem: người con gái xấu xí ấy muốn lấy chồng, mà tôi lại là niềm hy vọng cuối cùng của cô ta… Nói ra sợ các bạn không tin, chứ quả thật lúc ấy mắt tôi bỗng rớm lệ. Nhưng tôi phải vội vàng quệt ngay nước mắt, vì sợ cô ta lại tưởng đó là dấu hiệu của bệnh già.
”Mi hãy cưới người đàn bà này làm vợ đi! – tôi tự nhủ thầm như vậy, – dù sao đây cũng không phải là hành động điên rồ đầu tiên của mi cơ mà! Hãy lấy cô ta đi, rồi hãy cứ là một thằng ngốc như từ trước đến nay mi vẫn là như thế. Hãy tự hy sinh thêm một lần nữa để cứu lấy người đàn bà khốn nạn này!”.
– Năm nay thời tiết không giống như năm ngoái…
– Vâng, đúng ạ!
Tôi nhìn người đàn bà: Chẳng giấu gì các bạn, trong lúc nhìn như thế, tôi tự hỏi: Không biết sau khi cưới nhau, người ta còn phải làm gì nữa? Gì chứ, việc tôi phải hôn y là cái chắc rồi! Với những ý nghĩ hết sức thiện chí ấy, tôi bắt đầu quan sát kỹ khuôn mặt y, cố tìm xem có chỗ nào khả dĩ có thể đặt môi vào được. Nhưng… hỡi ôi!… Không một minimét vuông nào trên mặt y là không có nốt sần hay mụn trứng cá. Vẫn với một động cơ đầy thiện chí như thế, tôi lại quan sát các chỗ trên đôi cánh tay và mái tóc của y. Nhưng than ôi, cũng chẳng thấy một khu vực nào nhẵn nhụi.
“Đó chẳng qua là do tâm hồn mi quá thơ mộng và óc tưởng tượng của mi quá phong phú đấy thôi! – Tôi tự bảo mình như vậy. Mi cứ hãy nhìn khuôn mặt này rồi lại tưởng ra khuôn mặt khác!”
Rút cuộc là buổi gặp mặt hôm ấy chúng tôi cứ loanh quanh suốt hai tiếng đồng hồ về chuyện thời tiết Khi madơmoaden Êleptơra và y đứng dậy ra về, tôi còn để ý thấy chân trái của y ngắn hơn chân phải đến năm sáu đốt. Nhưng bây giờ thì cái tật thọt của y chỉ khiến tôi càng thêm thương y mà thôi!
Khi cánh cửa vừa đóng lại sau lưng các vị khách, bạn tôi hỏi:
– Cậu thấy cô ta thế nào?
– Tôi sẽ cưới người con gái này. – Tôi đáp.
– Cậu điên à!… – Anh bạn tôi quát lên.
– Tôi không thể tìm được người đàn bà nào khá hơn thế đâu! Nhất định tôi sẽ cưới cô ta!
Buổi tối, madơmoaden Êleptơra đến nhà tôi.
– Tôi bằng lòng cưới đấy! – Tôi bảo bà ta.
– Cưới ai? – Bà ta hỏi.
– Còn ai nữa! Người con gái mà bà dẫn đến ấy!
– Ồ rất tiếc là không xong rồi!… Cô ấy lại chê anh!!!
Chú thích:
1. Tờré giôni – tiếng Pháp có nghĩa là “Rất đẹp”
2. Tơré cuyntivè – tiếng Pháp có nghĩa là “Rất có văn hóa”
CHUYỆN VỢ CHỒNG
Lẽ ra tôi phải viết xong và nộp bản thảo từ tháng trước, nhưng tôi không hoàn thành hợp đồng.
– Viết đi anh! Nào có ai quấy rầy anh đâu?
– Đâu có, em yêu của anh. Đáng ra anh đã phải đánh dấu chấm hết cuốn sách, thế mà không xong… Chẳng hiểu sao anh lại không tập trung được tư tưởng em ạ… Đầu óc cứ để đi đâu…
– Làm sao đầu óc anh lại để đi đâu?
– Chính anh cũng không biết nữa… Hôm nay anh sẽ ngồi nghiêm chỉnh. Trời mát mẻ và đầu óc anh cũng đang thư thái.. May ra cũng xong đề cương…
– Thế thì anh ngồi viết đi.. Có khi em quấy rầy anh cũng nên.
– Có gì đâu, em yêu dấu.
– Thế anh viết đi.. Anh đại lãn thật!
– Hả! Lạy trời hôm nay tôi không bị chuyện gì quấy quả!
– Ủa! Anh nói thế nghĩa là thế nào?
– Chả thế nào cả… Anh không có ý gì đặc biệt… Anh chỉ cầu trời cho anh hôm nay làm được nhiều việc…
– Thế nhỡ đột nhiên hôm nay em chết thì sao?
– Sao em lại sang chuyện ấy?
– Thì sao? Em chết thật đấy…
– Nói thế làm gì, vợ yêu của anh?
– Anh ơi, ngộ như em chết… anh có lấy vợ khác không?
– Em yêu dấu! Đừng nói với anh những điều như thế.
– Nhưng, anh thấy đấy, anh có trả lời được đâu. Mà từ lâu em đã biết tỏng bụng dạ anh, biết anh nghĩ gì về em rồi.
– Em gái nhõng nhẽo của anh, tính nết em kỳ thật đấy.
– Mọi sự chỉ vì anh…
– Thì anh có làm gì em đâu, hả người ngọc? Anh chẳng bao giờ muốn em buồn cả!
– Thế anh trả lời em đi: sau khi em chết anh có đi lấy vợ khác không nào?
– Lạy thánh Ala!
– Ái chà! Thấy chưa! Em biết rồi mà… Anh vừa mới tự thú đấy nhé!…
– Tự thú! Tự thú cái gì kia chứ?
– Anh chả vừa nói cái câu: ”Lạy thánh Ala” là gì?
– Thì anh nói đấy… Nhưng làm sao nào?
– Em chết rồi tất nhiên anh không lấy ai được nữa… Bọn đàn bà nó ghê tởm anh, anh chả căm ghét cuộc sống gia đình là gì… Tưởng em không biết đấy hả! Em chết rồi dù anh có sống đến nghìn tuổi anh cũng không lấy được vợ… Nhưng chẳng lẽ anh ghê tởm cuộc sống gia đình lại là tại em à?
– Nàng tiên của anh, tại sao em lại cứ kiếm chuyện thế nhỉ? Ngay cả trong ý nghĩ, anh cũng chẳng bao giờ có những chuyện ấy… Em lau nước mắt đi, bình tâm mà nghe anh đây… Em chẳng thương em tí nào mà cứ làm mình làm mẩy vô ích… Em quả là không hiểu những lời anh nói …
– À à à! Nghĩa là anh không định nói những điều như thếch gì?
– Phải ạ?
– Nghĩa là nếu em chết anh sẽ tục huyền chứ gì?
– Trời ơi là trời, tôi biết nói thế nào đây… Có… thể…
– Anh cứ nói toạc ra xem nào…
– Bây giờ anh không thể đoán chắc điều gì… Nhưng có thể anh sẽ lấy vợ cũng nên!
– Tất nhiên là lấy vợ rồi… Làm như em không biết bụng dạ anh ấy!
– Trời đất ơi! Thánh Ala! Cầu trời cho tôi được bình tĩnh. Em làm anh rối cả ruột, em yêu ạ chính anh cũng không biết anh nói gì nữa…
– Lấy vợ, đằng nào rồi cũng lấy vợ…
– Anh nói thế làm vui lòng em đấy thôi…
– Làm vui lòng em? Đầu tiên anh bảo không lấy, sau lại bảo lấy. Như thế mà bảo làm vui lòng em!
– Thánh Ala ơi? Con phải làm thế nào đây… Xin Thánh rủ lòng ân ưu. Thôi, nín đi em… Lúc anh bảo anh không lấy vợ thì em cáu. Đến lúc anh bảo anh có lấy vợ em cũng lại cáu. Thế em lệnh cho anh nói gì có phải hơn không?
– Thôi, em đã đoán từ lâu là anh chán em rồi.
– Thiên thần của anh, tại sao em lại quyết đoán rằng anh đã chán em.
– Thì anh bảo rằng anh không biết sau này có lấy vợ hay không chứ gì?
– Vâng, thì tô có no…ó…ó…i!
– Thế là thế nào? Tức là anh bảo em rằng: thôi cô có chết thì chết mau lên, cho tôi còn liệu! Thế mà anh lại còn choi phắt đi được!
– Thôi, thôi… tôi im. Tôi không nói một lời nào nữa. Tôi xin rút lui mọi ý kiến. Tôi chỉ xin cô đừng khóc nữa, tôi van cô. Chúng ta ngồi im nhé. Thôi, nín đi, em yêu của anh!
– Ôi, tôi khó thở quá, tôi ngất đây,.. Tôi chết đây!
ĐỨC MẪN dịch
ĐÚNG LÀ THỜI BUỔI BÂY GIỜ
T
ôi đã ngoài bốn mươi, đến giờ vẫn chưa lấy vợ, và không có vẻ gì là đến lúc nào đó tôi sẽ lấy vợ. Người ta nói người không có vợ chẳng khác gì cây không có quả. Nhưng dù sao không thể coi tôi là cái cây không có quả, vì tôi có những đứa cháu. Bao nhiêu tình thương tôi dành cho những đứa con của các anh em tôi. Ông anh tôi là một công chức quèn, có cuộc sống khá chật vật. Trong ngân sách chi tiêu của gia đình anh ấy không bao giờ có các mục như giải trí, du lịch hay tiệc tùng. Anh ấy không đi xem phim, xem hát, cũng không đi tắm biển. Hai vợ chồng anh ấy chỉ có thú vui duy nhất là đẻ con, mỗi năm một.
Người em giữa thì công việc làm ăn bình thường, vì nó chỉ học đến lớp bảy. Nó lấy vợ đã mười lăm năm nay. Có hai con.
Tôi còn một đứa em út. Nó học tối dạ và vất vả lắm mới hết lớp bốn.Chính vì nguyên nhân đó mà nó rất giàu. Hai vợ chồng nó ăn chơi xả láng không thiếu thứ gì. Tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu sao giữa tất cả bấy nhiêu thứ giải trí như thế hai vợ chồng nó vẫn tìm được thời gian để đẻ con.
Chúng tôi có bốn anh em, và cả bốn anh em như kẻ thù của nhau. Những đứa em không bằng lòng với ông anh cả vì ông đã biến vợ mình thành “cái máy đẻ”. Còn anh ấy thì trả lời vui: “Tổ quốc cần có đàn ông”. Tôi bị gọi là “Cái cây không có quả”. Nhưng tôi nhìn những cái quả của họ: một đứa thì giống như quả đào sâu, đứa khác thì giống quả lê ủng, đứa thứ ba thì như quả dưa héo… Nhưng tôi rất yêu những đứa cháu của mình. Và chúng cũng quý tôi. Hôm qua chúng ở chơi nhà tôi suốt một ngày. Tám đứa. Đứa lớn nhất mười hai tuổi, bé nhất ba tuổi.
Thằng Altan lên chín lục hết đống sách của tôi rồi nói:
– Bác ơi, sao bác có nhiều sách thế mà chẳng có cuốn nào để đọc?
Tính đến lứa tuổi của nó, tôi bảo:
– Sao lại chẳng có cuốn nào? Đây này, “Rôbixơn”, “Juyn vecnơ ở xứ xở những con thiên nga trắng…”
Bọn trẻ cười khanh khách. Thằng Altan nói:
– Bác hãy giữ lấy những cuốn đó cho bác, thế bác có cuốn “Những bước chân đẫm máu”, “Những bài học tình yêu”, hay ít nhất là “Bách khoa toàn thư tình dục” không?
Tôi không có cuốn nào như vậy cả. Con bé Phatôx mười một tuổi đúng là một con quỷ con. Nó hỏi luôn mồm không lúc nào nghỉ. Nó muốn biết tất cả. Đúng là tôi không phải là người bố thật, nhưng tôi cũng hiểu đôi chút về giáo dục trẻ con. Trong hầu hết các cuốn sách viết về cách giáo dục trẻ con đều có nói: “Trẻ con trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài ngày càng muốn biết nhiều hơn về những gì xung quanh và thường xuyên hỏi người lớn. Cần phải trả lời tất cả những câu hỏi của trẻ con và kiên nhẫn giải thích cho chúng tất cả”.
Theo đúng những nguyên tắc giáo dục mà sách nói, khi những đứa cháu tôi hỏi bất cứ vấn đề gì tôi đều cố gắng trả lời chúng như thể trước mắt tôi là người lớn chứ không phải trẻ con. Con quỷ con Phatôx chỉ cho tôi một chỗ trong tờ báo và hỏi:
– Bác ơi, “thụ tinh nhân tạo” là gì hả bác? Trong báo viết như thế.
Tôi cựa quậy trên ghế không biết trả lời thế nào. Nhưng theo các nguyên tắc sư phạm tôi phải giải thích cặn kẽ tất cả những gì trẻ con hỏi.
– Đó là, – tôi bắt đầu, – nói thế nào cho cháu hiểu nhỉ… Ví dụ như những đứa trẻ…
Mấy đứa cháu xúm lại chỗ tôi. Chúng chằm chằm nhìn vào miệng tôi.
– Những đứa trẻ làm sao ạ? – Chúng hỏi.
– Muốn có những đứa trẻ thì cần có cái gì?
– Cần có bố và mẹ.
– Sao nữa ạ?
– Còn nếu một người mẹ nào đó muốn tự mình làm ra đứa con… Nếu bà mẹ đó không tìm được người bố để cùng làm ra đứa con… Thì lúc đó…
Tôi toát cả mồ hôi. May sao thằng Erol xen vào cắt ngang và đã cứu tôi.
– Bác ơi, thế còn “trong tư thế không đẹp mắt” là gì hả bác? Đây này, báo viết là: “Cảnh sát đã bắt quả tang đôi nam nữ đang trong tư thế không đẹp mắt…”
Tôi không biết các tác giả sách giáo khoa sư phạm sẽ trả lời thế nào câu hỏi này. Họ viết rằng tùy theo lứa tuổi của đứa trẻ mà bố mẹ cần phải tìm hình thức giải thích phù hợp, nhưng nhất định phải nói sự thật…
– “Trong tư thế không đẹp mắt”, – tôi ấp úng, – nghĩa là khi người ta làm phiền người khác, la hét, làm ồn…
Bây giờ lại đến lượt con bé Ilđưz:
– Bác ơi, ở đây viết là: “Hắn ta đã dụ dỗ một thiếu nữ”. Thế là gì hả bác?
– Thôi chúng ta đi chơi đi! – Tôi nói.
– Không, bác kể đi, kể đi! – Mấy đứa trẻ khăng khăng.
– Thế nghĩa là, nghĩa là… Nếu như người ta lấy mất của cô gái một thứ rất quý giá…
– Thế thì hôm qua cháu cũng bị chúng nó lấy mất! … – Con Ilđưz kêu lên.
– Im ngay – Tôi ngắt lời con bé! – Cháu không biết ngượng à!
Thằng Aiđưn còn đi xa hơn:
– Bác ơi, thế những đứa trẻ lấy ở đâu ra hả bác?
Tôi đã định chuyển đề tài, nhưng vừa lúc thằng Altan kịp nói chêm vào:
– Người ta tìm thấy chúng ở ngoài phố, phải không bác?
– Có một vài đứa trẻ thôi, chứ không phải tất cả cháu ạ!
– Các thiên thần mang chúng trên đôi cánh của mình, phải không ạ? – Con Ilđưz hỏi.
Tất cả bọn chúng cười ồ lên. Thằng cháu chín tuổi của tôi nói:
– Bác ơi, may mà bác không lấy vợ.
Tôi đỏ mặt.
– Tại sao?
– Còn tại sao nữa? – Thằng bé đáp. – Cho đến bây giờ bác vẫn không biết các đứa trẻ từ đâu ra? Bác không biết “trong tư thế không đẹp mắt” là gì. Bác không biết một tí gì cả. Thế mà cũng đòi làm người lớn!…
Rồi bọn chúng ôm nhau cười lăn cười bò. Tôi cúi gầm mặt bước ra khỏi phòng.
CHIẾC ĐÈN CHÙM NĂM VÒI
Trong tiệm cà phê tôi gặp một người thấp nhỏ, hơi đậm. Anh ta là ai tôi không biết.
Đó là thời kỳ khó khăn, tôi bị thất nghiệp, không kiếm đâu ra tiền. Để cố cầm cự cho qua ngày, vợ chồng tôi phải đem bán dần những đồ đạc không thật cần lắm. Ít lâu sau chẳng còn gì để bán, trong nhà chỉ còn toàn sách, mấy cái giường và vài cái xoong.
Khi chủ nhà đuổi chúng tôi ra khỏi nhà vì không có tiền trả, tôi gửi vợ con đến nhà bố vợ. Quan hệ giữa tôi và bố vợ vốn dĩ đã không êm đẹp lắm, nên tôi chỉ dám đến thăm vợ con vào lúc mọi người trong nhà đã đi ngủ hết. Người ra mở cửa phải là vợ tôi – chúng tôi đã giao hẹn nhau như vậy.
Một hôm, vào lúc đêm khuya, tôi đến nhà bố vợ, khẽ gõ vào cánh cửa. Chính ông bố vợ ra mở. Thấy tôi ông không nói một câu, tắt phụt đèn rồi bỏ đi ngay. Trong bóng tối tôi bị vấp ngã đè lên không biết vật gì. Hoá ra đó là một đống sách. Khó khăn lắm mới đứng dậy được, tôi bắt đầu men theo tường lần mò đi tiếp. Bỗng tôi nghe thấy tiếng nức nở, tôi mở cửa căn buồng có ánh đèn và nhìn thấy vợ tôi và ông bố vợ – vợ tôi đang khóc, mắt sưng đỏ.
– Bảo nó đem cái đống giấy lộn ấy đi, không có tao đốt hết đấy – Bố vợ tôi doạ – Và chừng nào nó không kiếm nổi tiền nuôi vợ con thì đừng có vác mặt đến đây nữa.
Từ hôm đó suốt ngày tôi ngồi quán cà phê. Cái lão béo lùn giống tôi cũng đến đó từ sớm và ngồi lì cả ngày ở quán.
Một hôm mãi đến tối mới thấy lão ta đến. Trong tay lão ta cầm một cái đèn chùm năm vòi. Lão ta đặt cái đèn lên bàn và uống một tách cà phê. Từ đó lúc nào đến quán cà phê lão cũng xách theo cái đèn chùm. Lão đặt cái đèn lên bàn và ngồi đến tận tối mịt mới về.
Hôm sau tôi thấy một cái vòi đèn bị gẫy. Sau đó lại gẫy thêm hai cái nữa và cả năm bóng đèn bị vỡ. Ba hôm sau nữa thì không còn một vòi, một bóng đèn nào. Chỉ còn lại mỗi cái khung bằng thép mạ đồng.
Bây giờ tôi và vợ tôi phải gặp nhau trong công viên, hai chúng tôi đứng nói chuyện. Quyết định của bố vợ tôi là không thể không chấp hành: chừng nào tôi chưa nuôi nổi con cái thì ông cấm tôi gặp cả con gái ông. Còn nếu tôi không kiếm được việc làm và không có tiền thì có thể ông sẽ bắt tôi làm đơn ly dị con gái ông.
Tôi chấp nhận làm bất cứ việc gì. Nhưng đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối.
Một hôm tôi gặp người bạn cũ và kể anh ta nghe về tình cảnh của tôi.
Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả làm phụ hồ trên công trường xây dựng, – tôi nói.
Bạn tôi rất thông cảm.
– Nếu đã đến nước này thì anh hãy thử đi buôn xem. Lúc đầu buôn bán mấy thứ hàng xén thôi. Bán mấy đôi tất, khăn mùi xoa chẳng hạn – trước mắt là kiếm để tự nuôi mình đã. Ngày mai anh đến đây tôi sẽ cho anh năm trăm lia. Rồi anh bắt tay vào việc ngay đi!
Tôi ghi địa chỉ của anh ta và chúng tôi chia tay. Tôi chỉ muốn nhảy cẫng lên vì sung sướng. Thời buổi này liệu còn mấy ai cho anh được năm trăm lia?! Nghĩa là vẫn chưa phải đã hết những người tốt.
Buổi sáng, trước khi đến nhà người bạn, tôi ghé vào quán cà phê. Một lát sau người đàn ông có cái đèn chùm xuất hiện. Anh ta ngồi xuống gần tôi và đặt cái đèn lên bàn.
– Khoẻ chứ? – Anh ta chào tôi.
– Cảm ơn, còn anh? – Tôi hỏi, rồi làm như tình cờ nói tiếp: – Xin lỗi vì tò mò nhé, nhưng tại sao lúc nào tôi cũng thấy anh mang cái đèn chùm theo vậy?
– Đây không phải đèn chùm, mà là cả một cực hình, một nỗi khổ của tôi đấy!
– Sao thế vậy? – Tôi ngạc nhiên.
– Chuyện dài lắm. – Anh ta nói – không dễ gì xoay chuyển được tình thế khi nó đã trở thành tồi tệ. Cách đây không lâu tôi bị mất việc làm. Nhân tiện phải nói, ngay cả khi có việc làm gia đình tôi cũng khó khăn lắm mới xoay xoả được đủ sống. Chúng tôi không để dành được đồng nào. Hoàn cảnh có thể nói là cực kỳ bi đát. Tôi có vợ và hai con. – Thế thì giống tôi, – tôi buông một câu buồn bã.
– Anh không hiểu được những nỗi khổ của chúng tôi đâu!
– Tôi cũng có những nỗi khổ giống hệt anh!
– Lúc đầu chúng tôi phải bán đi đồ đạc. Chúng tôi phân loại đồ đạc ra thành những thứ thật cần thiết – nghĩa là những thứ mà không có thì không thể sống được – và những thứ hoàn toàn không cần. Rồi bắt đầu bán từ những đồ đạc không cần. Ít lâu sau chúng tôi hiểu ra là chúng tôi chẳng cần thứ gì hết, và đem bán sách.
– Hệt như hoàn cảnh của tôi rồi!
– Cuối cùng, khi chủ nhà tống cổ chúng tôi khỏi nhà thì chỉ còn lại mấy cái giường, sách vở và vài ba cái nồi niêu, bát đĩa.
– Và anh gửi vợ con đến nhà bố vợ phải không?
– Làm sao anh biết?
– Thì tôi cũng làm y như vậy!
– Phải, tôi gửi họ về nhà bố vợ. Ngay từ đầu quan hệ giữa tôi và bố vợ đã không được tốt đẹp lắm.
Có cảm tưởng như ông khách béo lùn kia đang kể về cuộc đời của chính tôi. Tôi nghe anh ta mà hết sức ngạc nhiên. Một đêm, anh ta đến nhà bố vợ. Người mở cửa lại chính là ông bố vợ. Thế là ông ta tắt đèn, ông thấp béo ngã ngay vào đống sách. Hệt như chuyện của tôi, không sai một chi tiết!
Thật không thể tưởng tượng được! Hay là anh ta nghe lỏm được chuyện của tôi, rồi nảy ra ý định chế giễu tôi?
– Tôi biết rồi, biết rồi, nói ngắn gọn thôi, – tôi kêu lên. – Đừng dài dòng nữa, anh kể về cái đèn chùm đi!
Tôi kể đây… Một hôm tôi gặp anh bạn cũ.
– Và anh ta cho anh năm trăm lia?
– Phải? Nhưng sau anh biết? Tôi chưa hề kể cho ai nghe mà!
– Chuyện đó cũng xảy ra với tôi.
– Được, thế anh đã nhận năm trăm lia chưa?
– Rồi.
– Còn tôi thì chưa nhận, nhưng tôi sắp đi nhận. Thế sau đó thế nào?
Khi tôi đến nhà người bạn, chân tôi như muốn khuỵu xuống vì đói. Hai ngày vừa qua tôi chỉ uống hai cốc nước trà. Người bạn cho tôi năm trăm lia. Tôi không muốn đem đi buôn hết ngay số tiền đó. Khi đi ngang qua một tiệm ăn, ánh mắt tôi dừng lại ở những món ăn bày trong tủ kính. Chân tôi bủn rủn. Phải vào ăn cái gì đã! Chỉ cần ba lia là có thể chén một bữa no nê? Nhưng tôi sợ phá tờ tiền chẵn. Chỉ cần phá lẻ ra là chúng sẽ tan biến ngay và anh sẽ chẳng còn lại đồng nào hết!
Khi đi ngang một quán bán chả nướng, mùi chả thơm phức phả vào mũi tôi. Không nhịn được, tôi bước vào, nhưng rồi lại vội vàng bước ra ngay. Lúc đầu phải kiếm tiền đã, rồi mới ăn sau? Ở một quầy bán bánh mì, mùi bánh mì mới ra lò làm đầu óc tôi ngây ngất. Hay là làm một cái bánh mì vậy? Không, tôi không có quyền!
Tôi dừng lại trước một quầy bán bánh vòng. Những chiếc bánh vòng của bước ta trông thật thơm ngon, ròn tan. Hay là mua một cái? Không! Tôi phải làm ra thật nhiều tiền và đưa vợ con trở về nhà đã!
Trời hôm đó nóng kinh khủng. Suýt nữa tôi đã xơi một cốc nước chanh đá. Nhưng may kiềm chế được.
“Rồi ông bố vợ sẽ thấy với năm trăm lia này mình sẽ làm được những việc lớn lao như thế nào. Lúc đó ông ta sẽ hối tiếc vì đã xử tệ với mình” – Tôi nghĩ thầm.
Tôi khát khô cả cổ nhưng không muốn phá nát tờ tiền chẵn này. Tôi không dám mua một cốc nước giá có mười xu. Không dám đi cả tàu điện mà cứ cuốc bộ.

Cuối cùng tôi đã đến khu chợ có mái. Khi đi ngang qua khu bán các loại đá quý, vũ khí và đồ cổ, tôi thấy một đám đông đang tụ tập. Hoá ra đang có phiên bán đấu giá. Trời đã về chiều. Sáng sớm mai, tôi nghĩ bụng, mình sẽ buôn một ít đào, lê đem về đây bán. Lúc này tôi chưa có việc gì. Tất nhiên có thể rẽ vào quán cà phê, nhưng tốn tiền uống chè với cà phê làm gì! Tốt hơn hết là vào xem cách thức họ mua bán như thế nào, cũng là giết thời gian nhân thể. Vì chưa bao giờ tôi bước chân vào khu này.
Tôi bước vào một gian phòng rộng. Có nhiều người đang ngồi trên những chiếc ghế nhựa. Tôi cũng ngồi xuống một chiếc. Người bán đấu giá rút từ trong cái bao to ra một chiếc máy ánh và xướng thật to:
– Máy ảnh nhãn hiệu “Rô-lây-phờ-lếch”, ống kính hai phẩy rưỡi, gần như còn mới nguyên, đang hoạt động tốt. Trị giá ba trăm lia. Ba trăm lia! Ai muốn mua? Ba trăm…
– Ba trăm mười – Có người nào đó trong hàng ghế kêu to.
– Ngài kia đã trả ba trăm mười… Ba trăm mười, ba trăm mười,.. – Người bán đấu giá tuyên bố.
– Ba trăm mười lăm! – Có tiếng ai đó hô.
Từ bốn phía bắt đầu nghe thấy những tiếng hô:
– Tôi trả ba trăm hai mươi!
– Bốn trăm năm mươi
Im lặng. Người bán đấu giá tuyên bố”
– Máy ảnh “Rô-lây-phờ-lếch”, kèm ống kính phụ và giá đỡ ba chân, đã được bán với giá bốn trăm năm mươi lia.
Một khách mua đến gặp người bán đấu giá;
– Cho phép tôi xem qua cái máy ảnh.
Người bán đấu giá đưa cho ông ta cái máy ảnh.
Người này xoay bốn phía ngắm nghía, rồi nói:
– Bốn trăm sáu mươi!
– Bốn trăm sáu mươi hai!
– Bốn trăm tám mươi!… Có ai trả hơn không?… Đã được b-á-á-n!
Người bán đấu giá gõ một tiếng búa. Viên trợ lý đưa chiếc máy ảnh, tờ hoá đơn cho chủ nhân mới của nó, ghi tên họ ông ta rồi nhận tiền.
Tiếp theo người bán đấu giá đặt trước mặt cái máy chữ.
– Máy chữ còn tốt, nhãn hiệu “Rơ-minh-tông”!… Đặt giá sáu trăm lia! – Sáu trăm lia!
– Sáu trăm linh một!
– Sáu trăm mười!
– Sáu trăm năm mươi!…
Trong đời chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cảnh tưởng nào hồi hộp hơn. Số tiền được trả càng cao bao nhiêu thì không khí càng căng thẳng bấy nhiêu.
– Sáu trăm năm mươi nhăm!
– Sáu trăm tám mươi!
Tôi không ngồi yên được nữa, thỉnh thoảng lại phải đứng lên.
– Sáu trăm chín mươi!
– Bảy trăm!
– Bảy trăm mười!
Tôi bị lôi cuốn kích động đến nỗi quên hết mọi chuyện, hét lên:
– Bảy trăm năm mươi!
Tiếng hết của tôi to quá khiến cả gian phòng bỗng lặng đi một lát.
Người bán đấu giá nhìn tôi, tuyên bố:
– Bảy trăm năm mươi? Ai trả hơn không! Đã bán với giá bảy trăm – năm – m-ư-ơ-i!
Bỗng có một giọng nói vang lên:
– Bảy trăm năm mốt!
Tôi thở phào!
Vì nếu không ai trả hơn tôi biết làm thế nào? Cả thảy trong người tôi có năm trăm lia!
Cuối cùng chiếc máy chữ được bán với giá bảy trăm tám mươi lia.
Sau đó người bán đấu giá đặt lên bàn cái đầu máy khâu quay tay. Nó được định giá năm trăm lia. Bị lây cái không khí cuồng nhiệt của đám đông, tôi phải cố gắng lắm mới kìm được.
– Năm trăm mười!
– Năm trăm hai mươi! – Năm trăm năm mươi! – Năm trăm tám mươi!
– Sáu trăm!
Người cuối cùng, kêu to là tôi. Mọi người ngoái ai nhìn tôi. Tôi như người bị phỏng nước sôi. Một người lạ mặt ngồi cạnh tôi bảo:
– Nó không đáng giá sáu trăm đâu!
– Việc gì đến ông? Tôi trả tiền chứ ông trả à? – Tôi cắt lời ông ta.
– Tôi là thợ cơ khí, tôi biết, – ông ta nói.
– Tôi cũng hiểu biết về máy móc.
Chợt ông ta gào lên: – Sáu trăm linh một!
Lần thứ hai tôi lại thoát nạn!
Đến lượt cái lọ hoa cổ. Cứ sau mỗi lần nghe con số mới tôi lại nhẩy lên, và để ngăn mình không được nói tôi phải lấy hai tay bịt mồm lại:
Sau lọ hoa là đến bức tranh sơn dầu, rồi đến máy hút bụi.
Cuối cùng người bán đấu giá giơ cao cái đèn chùm:
– Đèn chùm năm vòi, còn tốt!… Giá bốn mươi lia!… Ai trả cao hơn? Bốn mươi lia!
– Bốn mươi mốt!
Có người bên trái kêu:
– Bốn mươi hai? Người bên phải:
– Bốn mươi nhăm!
Người ngồi trước:
– Bốn mươi tám! Người ngồi sau:
– Năm mươi!
Tôi không kìm được nữa, hét lên:
– Năm mươi mốt!
Không khí đã nóng bỏng đến độ tôi không làm chủ được mình nữa.
Người bên phải:
– Năm mươi ba
Bên trái:
– Năm mươi nhăm!
Tôi:
– Sáu mươi!
Trời ơi, tôi đã cố hết sức kìm chế mình, nhưng cái không khí ganh đua này mạnh hơn tôi.
– Bảy mươi!
– Bảy mươi mốt!
– Bảy mươi nhăm!
Mọi người đã bị quá kích động, bản thân tôi cũng không còn nhớ mình là ai, kêu lên:
– Tám mươi! – Một trăm!
– Một trăm mười!
Bên trái:
– Một trăm năm mươi!
Tôi:
– Hai trăm!
Bên trái:
– Hai trăm năm mươi!
Tôi và hắn thi nhau kêu. Hắn cứ trả cao hơn ít một, thì tôi trả cao hẳn lên.
– Hai trăm năm mươi mốt!
– Hai trăm sáu mươi!
– Hai trăm sáu mươi mốt!
– Hai trăm bảy mươi!
– Hai trăm bảy mươi mốt!
Cứ sau mỗi con số tôi lại thầm khấn “Lạy thánh Ala, cầu cho hắn trả cao hơn để cho cái đèn chùm thuộc về hắn!”
– Hai trăm chín mươi!
Nếu hắn trả “Hai trăm chín mươi mốt”, – tôi không tốn thêm một xu.
– Hai trăm chín mươi mốt!
Tôi quyên khuấy mất điều mình vừa nghĩ, kêu to:
– Ba trăm?
Cứ dần dần tăng lên, giá tiền đã vượt qua bốn trăm.
Cái gã cạnh tranh với tôi hét to:
– Bốn trăm linh một!
Tôi:
– Năm trăm!
Dường như lúc đó không phải tôi, mà là người nào khác kêu… Nếu hắn nói: “Năm trăm linh một” – tôi thề sẽ im ngay. Vì tôi không còn hơn một xu nào! Và anh có biết không, dường như cái gã ấy biết trong túi tôi có bao nhiêu tiền.
– Thôi, bước hãy lấy đi cho may mắn? – Hắn nói.
Cả gian phòng im lặng. Người bán đấu giá:
– Đèn chùm năm vòi!… Giá năm trăm lia! Ai trả hơn không?
Khi anh ta nói: “Ai trả hơn không?” – tôi nhìn khắp mọi người. Không có một người cao thượng nào lên tiếng cứu giúp tôi. Chỉ thấy có một người môi mấp máy, hay là tôi chỉ tưởng như vậy thôi? Tôi khích lệ ông ta:
– Thưa ngài, hình như ngài muốn nói gì?
– Không, không có gì, – ông ta đáp.
Thế là hết… Chà, lũ người bây giờ! Chẳng ai còn chút lương tâm gì! Khi bán những đồ vật khác, gã bán đấu giá còn cố ý dềnh dàng, nhưng lần này hắn vội vàng tuyên bố ngay:
– Đã bán, đã bán! – Rồi gõ một tiếng búa.
Rồi hắn chìa ngay cho tôi tờ hoá đơn, ghi tên và địa chỉ của tôi. Tôi thậm chí chưa kịp phản ứng hắn đã hoàn tất giấy tờ, nhận của tôi năm trăm lia và trao cái đèn cho tôi. Thằng cha ganh đua với tôi tiến đến gần tôi:
– Anh đã mua được đồ tốt! – Hắn nói.
– Làm sao anh biết nó là đồ tốt? – Tôi hỏi lại hắn.
– Vì tôi là chủ nhân cũ của nó!
Chắc hẳn anh đang bị kẹt nên phải bán nó đi. Thật đáng tiếc! Nếu anh muốn, tôi để lại cho anh với giá bốn trăm chín mươi lia?
– Anh đã gặp may, tôi không muốn lấy đi của anh cái đồ giá trị như vậy! – Hắn đáp.
– Tôi hoàn toàn không cần đến nó, anh hãy đưa tôi bốn trăm thôi, và lấy nó đi, – tôi nói.
Nhưng hắn lại nhắc lại là tôi đã gặp may, rồi bỏ đi.
-Này, thôi, tôi lấy ba trăm thôi, – tôi kêu với theo, nhưng hắn thậm chí không ngoái đầu lại.
Tôi nghĩ, tôi đã mua cái đèn không phải đắt lắm, nhưng tôi cần quái gì cái đèn? Tôi mang nó đến dãy hàng bán các đèn bàn và đèn chùm.
– Anh định bán nó bao nhiêu? – Những người bán hàng hỏi.
– Chiếc đèn này rất đắt, nhưng tôi chỉ lấy sáu trăm thôi.
Đám con buôn cười rộ lên.
– Với giá ấy chúng tôi bán cho anh hẳn mười cái mới tinh, y hệt như cái của anh?
– Tối đến tôi lại gặp vợ tôi ở công viên, cô ta bảo tôi:
– Bố bảo hoặc là phải ly dị, hoặc không thì phải đi chỗ khác. Anh phải kiếm việc làm ngay đi.
Tôi đưa cho vợ xem chiếc đèn chùm.
– Đừng lo, – tôi an ủi cô ta, – điều đáng sợ nhất đã qua rồi. Anh sẽ thuê một căn nhà khiến bố phải lác mắt. Anh đã mua đèn chùm rồi, em xem này, đẹp không, năm vòi hẳn hoi.
Vợ tôi ngồi trên ghế đá đứng phắt dậy, nhìn tôi chằm chằm, rồi không nói không rằng, quay lưng bỏ chạy.
Từ hôm đó đi đâu tôi cũng xách theo cái đèn này. Vì chẳng có chỗ nào cất. Và cũng chẳng có ai muốn mua. Tôi cứ kéo lê cái đèn này đi khắp nơi, kính và bóng đèn đã vỡ từ lâu, chỉ còn lại cái khung sắt. Tôi chỉ tiếc có một điều: có năm trăm lia mà chưa kịp ăn một bữa thật ngon! Giá đã tiêu được dù chỉ mười xu thôi, tôi cũng cảm thấy đỡ đau đớn!
Tôi thương hại nhìn ông béo lùn. Đã đến lúc phải đến nhà người bạn hứa cho tôi năm trăm lia. Tôi bước ra khỏi quán cà phê. Dọc đường đi tôi luôn nghĩ một điều: làm sao mà cái số kiếp nhà ông béo lùn này giống y chang cái số kiếp của tôi vậy?
Có thể các bạn cũng tò mò muốn biết điều đó? Vậy thì để tôi nói các bạn biết: con người thấp nhỏ, hơi béo, đã mua ở cuộc bán đấu giá cái đèn chùm giá năm trăm lia ấy, không phải ai khác, mà chính là tôi. Nhưng muốn để mọi người đừng cười cái ngu dốt của mình, tôi phải bịa rằng chuyện đó xảy ra với người khác, chứ không phải với tôi.
NGƯỜI ĐẾN NÓI CHUYỆN TÀO LAO XIN MỜI RA CỬA!
Một số nhà làm báo giữ kín không cho ai biết số lượng in và số lượng phát hành là bao nhiêu, đó là bí mật nghề nghiệp. Tôi thì không như vậy. Tôi nói hết. Vì dù không nói thì mọi người cũng sẽ biết.
Khi tôi chưa ra báo thì chỗ tôi yên tĩnh lắm. Nhưng chỉ cần ra một tờ báo nào đó là lập tức không biết bao nhiêu người kéo đến, cầu thánh Ala phù hộ cho họ!
Khi bán được mười nghìn bản thì có một người đến, còn nếu bỗng nhiên xuất hiện hai người, thì chẳng cần gì phải kiểm tra cũng biết ngay là đã bán được hai mươi ngàn.
Mà tính tôi rất thích bạn bè. Để có thể thường xuyên được gặp họ tôi sẵn sàng tăng ngay số lượng phát hành. Thời gian gần đây mỗi ngày có khoảng hai chục người đến thăm tôi. Thật thú vị!
Chỉ một cái làm tôi lo: có những người đến chỉ nói chuyện tào lao, mà tiếp họ thì tôi không còn thời gian đâu để đọc, viết, hay thậm chí hít thở tự do nữa. Cuối cùng tôi nghĩ ra được cách thoát khỏi tình trạng này. Tôi treo ở sau lưng một tờ thông báo:
“Người đến nói chuyện tào lao xin mời ra cửa!”
Còn ai dám ngồi tán phét nữa khi nhìn thấy cái thông báo viết bằng những chữ to tướng như thế?
Một vị khách đầu tiên đến – trông biết ngay là người mới. Anh ta tự giới thiệu, ngồi xuống, rồi bắt đầu liên thoắng kêu ca, chửi bới! Hai từ “tờ báo”, bạn thấy không, đã thay đổi ý nghĩa ban đầu của nó, bây giờ nó có nghĩa là: người bảo vệ, bênh vực nhân dân!… Đến đây ánh mắt anh ta bắt gặp tờ thông báo.
– Ông bạn thân mến, bạn làm như vậy là rất đúng. – Anh ta cười khinh khích – Đó là cách tốt để ngăn chặn những tay ba hoa tán phét!
– Biết làm sao được? Có thể làm như vậy hơi bất lịch sự, nhưng người ta không cho tôi làm việc…
– Anh hoàn toàn đúng, – anh ta ngắt lời tôi. – Nếu không người nào cũng đến đây, liến thoắng hết chuyện này chuyện nọ hàng giờ đồng hồ! Đầu óc rối tinh hết! Anh làm thế là rất đúng đấy. Cứ để cho các ông thao thao bất tuyệt ấy nhìn thấy tờ thông báo và tự mình rút lui. Tôi cũng không biết ở đâu ra lắm người thích tào lao thế. Bây giờ tôi cũng phải treo trên bàn làm việc một thông báo như vậy mới được.
Rồi suốt gần cả tiếng đồng hồ anh ta giải thích cho tôi ý nghĩa của những loại thông báo như thế, miệng không ngớt nguyền rủa những kẻ ba hoa lắm lời. Sau đó anh ta mới chuyển sang nói lí do anh ta đến gặp tôi, và cuối cùng cáo từ ra về, hứa sẽ còn đến tôi lần nữa.
Sau anh ta đến lượt một trong những người quen của tôi bước vào, và khi nhìn thấy tờ thông báo, từ cửa anh ta đã kêu toáng lên:
– Anh bày ra cái trò này cho ai vậy, chả lẽ cho chúng tôi sao? Thôi được, tôi đi vậy. Nhưng thề từ giờ không bao giờ thèm bước chân đến đây nữa!
Song, tuy miệng nói thế anh ta vẫn ngồi như đóng đinh vào miệng ghế ở trước mặt tôi. Tôi bắt đầu thanh minh:
– Sao anh lại nói thế? Tại sao anh lại cho đó là dành cho anh? Tôi thề là không phải như vậy!
Sau đó đến lượt anh ta nói. Trong vòng một giờ đồng hồ anh ta thủng thẳng giải thích cho tôi rằng, những thông báo kiểu như vậy là dấu hiệu của sự không có văn hoá, và thậm chí là xấu mặt người viết ra chúng, và rằng nếu như bạn bè có đến với tôi thì chẳng qua là do lòng yêu mến tôi, thậm chí họ phải hy sinh cả những việc quan trọng nhất của mình. Khi chia tay, anh ta yêu cầu tôi phải bỏ ngay cái thông báo ấy đi.
Tiếp đó là một ông khách xồng xộc vào buồng.
Tôi thậm chí không biết tên ông ta, chỉ gật đầu chào mỗi khi gặp.
– Tất nhiên cái này không phải nhằm vào những người quen rồi, – ông ta mỉm cười khi đọc tờ thông báo.
– Vâng, dĩ nhiên…
Vị khách cười rộng hơn, rồi ha hả:
– Nếu thông báo này muốn ám chỉ tôi, tôi thề là sẽ giận đấy!
– Ôi sao tự nhiên anh lại nghĩ thế?
– Tôi với anh không phải là bạn bè bình thường, mà gần như là họ hàng thân thích với nhau rồi!…
Có người đi tới và từ ngưỡng cửa đã nói xen vào câu chuyện của chúng tôi:
– Thấy chưa, anh ấy còn chưa kịp thở, vậy mà đã lại có người đến lôi anh ta vào câu chuyện tào lao vô bổ rồi? Thật là không biết điều!
– Còn phải nói!
– Đúng là đồ mặt dầy!
– Đúng thế!
– Không có gì xuyên thủng da mặt họ được.
– Chí lí!
– Tất nhiên với những người quen rồi thì không cần thông báo. Ví dụ như với tôi, anh có thể nói thẳng: “Anh đi về đi, tôi đang bận” – là lập tức tôi đi ngay. Tôi nói thế đúng không?
– Tôi cũng không biết nữa. Quả tình là…
– Này, người ta mang cho chúng tôi cà phê gì thế này? Hãy bảo họ đối xử ra con người một tí…
Tách cà phê thứ hai được uống hết. Câu chuyện vẫn tiếp tục xoay quanh tờ thông báo. Cuối cùng cả hai vị khách ra về, và người tiếp theo đến. Anh này quay lưng lại tờ thông báo và nói như bắn liên thanh không nghỉ. Tôi chỉ muốn nắm vai, xoay anh ta về phía tờ thông báo.
Tôi bèn lập mưu:
– Anh sang chỗ này, kẻo chỗ ấy có gió lùa!
Anh ta chuyển qua, nhưng vẫn chưa đúng hướng.
– Ngồi ghế ấy hơn cứng, anh ngồi vào chiếc sa lông này này!
– Cảm ơn, tôi ngồi đây được rồi.
– Tôi không để anh ngồi đấy đâu! Anh qua đây đi!
Tay đểu, hắn vẫn không ngồi quay mặt vào tờ thông báo, mà vẫn cứ ngồi nguyên như thế.
Tôi quyết định dùng biện pháp cực đoan:
– Theo anh thì nói thế nào đúng hơn: nói tào lao hay nói ba hoa?
– Tại sao bỗng dưng anh lại hỏi như vậy?
– À vì tôi mới dán tờ thông báo.
Hắn ta quay lại nhìn tờ thông báo, rồi bắt đầu chậm rãi, rành rọt giải thích cho tôi các nguyên tắc ngữ pháp của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra một lô ví dụ về cách dùng động từ “nói tào lao” và các từ phát sinh của nó. Mệt mỏi sau câu chuyện dài, cuối cùng hắn ra về. Bấy giờ tôi môi thở phào và ngồi viết bài báo của mình!
Nhưng lập tức một trong những ông khách ban nãy lại quay lại và kéo thêm ba người nữa.
– Chà, chà, chà!
– Hát-xan, anh nghĩ ra trò quái quỷ gì thế này?
– Làm sao cái đầu anh có thể nảy ra ý nghĩ như vậy được nhỉ?
Họ làm ầm ĩ nên một hồi rồi bỏ đi. Một lúc sau một trong những người vừa đi lại quay lại và dẫn thêm hai người mới:
– Anh thử nhìn xem anh ta làm cái trò gì kia?
– Ha – ha – ha!
Khi cánh cửa đóng sập sau lưng họ, tôi chạy ngay đến chỗ tờ thông báo giật nó ra khỏi tường, vò nát rồi ném vào sọt rác!
ĐÔI GIÀY CHẬT
Nếu lần đầu tiên bạn đến chơi nhà bố mẹ của cô gái mà bạn quyết định sẽ cưới, tôi khuyên bạn hãy đi đôi giày bé hơn chân mình độ hai – ba số. Bảo đảm chắc chắn sẽ thành công.
Phải, phải, nếu trong lúc đi hỏi vợ mà bạn mang giày chật, thì hãy coi như đám cưới của bạn và vị hôn thê đã được chấp thuận. Thậm chí nếu cô gái không đồng ý thì bố mẹ cô ta cũng sẽ bắt cô ta phải lấy bạn.
Tôi rút ra chân lí này từ cách đây nhiều năm, khi anh bạn Netzhet của tôi đang yêu. Chúng tôi, các bạn bè của anh ta, thực tâm thương xót cho anh chàng tội nghiệp. Anh ta xọp hẳn đi, bỏ cả công ăn việc làm.
Một hôm tôi hỏi anh ta:
– Thế cô gái có yêu cậu không?
– Còn phải nói?
– Thế thì cưới cô ta đi?
– Cưới đi! Nói thì dễ lắm! Nhưng ai là người đến nhà bố mẹ Mêlikha để ăn hỏi cho tớ? Cậu biết rồi đấy, ở Stambul này tớ có mỗi một thân một mình, không họ hàng thân thích. Bố mẹ tớ đều sống ở Eczênum.
– Ôi dào, vớ vẩn! Bây giờ thời buổi khác rồi. Cậu cứ đến gặp trực tiếp bố mẹ cô gái và nói: “Chúng cháu yêu nhau, con gái bác cũng đồng ý. Cháu kính xin các bác cho chúng cháu được kết hôn với nhau.”
– Bạn ơi, chả lẽ cậu còn không hiểu tớ sao? Nói một câu cho gãy gọn tớ còn không biết nói nữa là! Phải nghe chính mình nói tớ cũng thấy khó chịu rồi. Thậm chí nếu bố mẹ cô ta đồng ý hay phản đối tớ cũng chưa chắc dám mở mồm. Giá bảo tớ có cái lưỡi dẻo như cậu kia, thì chẳng cần phải đắn đo, mà đã đến thẳng xin hỏi vợ ngay.
Netzhet gầy tọp hẳn đi trước mắt chúng tôi. Một hôm anh ta đến gặp tôi.
– Cậu hãy thương tớ với, – anh ta van xin tôi. – Chỉ mình cậu mới có thể cứu tớ. Chúng ta cùng đến nhà Mêlikha và cậu hãy nói chuyện với bố cô ấy, may ra ông ta đồng ý gả con gái cho tớ.
– Cậu điên à, Netzhet! Tớ thậm chí không quen biết gì bố mẹ cô ta, sao có thể đến được?. Bố cô ta sẽ cầm gậy mà tống cổ chúng ta ra đường ấy chứ!
– Chúng ta cứ đi, – Netzhet năn nỉ. – Cậu hãy kể cho bố cô ấy chuyện gì thật buồn cười, làm ông già vui lên. Cái chính là làm sao cho ông già vui vẻ. Ông già mà đã cười thì coi như công việc của chúng ta chót lọt. Cậu hãy kể cho ông già nghe hết chuyện cười này đến chuyện khác.
– Tớ không làm được đâu, Netzhet ạ.
– Cậu phải làm được. Mêlikha đã ra tối hậu thư cho tớ. “Hoặc anh phải đến xin cưới em, hoặc chúng ta sẽ chia tay!”.
Tôi thử tìm cách can ngăn bạn tôi.
– Đừng vội, Netzhet. Cậu còn chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nghề nghiệp của cậu có thể nói là chưa có. Cậu là ai? Một anh làm báo quèn. Lương tháng chỉ có 60 lia. Làm sao cậu nuôi được gia đình?
– Bố của Mêlikha rất giàu, – Netzhet đáp. – Cậu tưởng tớ chỉ đơn giản muốn cưới vợ không thôi? Đó còn là cơ hội duy nhất để tớ được thành người. Tớ van cậu, hãy giúp tớ! Hãy đi cùng với tớ. Hôm nay là ngày bố mẹ cô ấy có nhà.
– Netzhet thân mến ơi, tớ không thể đi được.
– Hãy là bạn bè! Hạnh phúc của tớ tùy thuộc vào cậu đấy! Đừng phá hỏng nó!
– Tôi thấy anh ta như sắp khóc đến nơi. Tôi đành đồng ý. Nhưng có một khó khăn: Đôi giày của tôi đã há cả mõm. Làm sao có thể đi ăn hỏi với bề ngoài như vậy được! Mà mua giày mới thì không có tiền. Tôi hỏi xin ứng trước tiền ở ông chủ tờ báo chúng tôi làm, nhưng ông ta kiếm cớ từ chối.
– Vừa hôm nọ anh đã xin ứng trước 10 lia rồi. Anh đang còn là con nợ của tôi đấy!
Đồ keo kiệt!
May sao ông tổng biên tập của chúng tôi là người rộng rãi hơn, ông cho tôi vay mười lăm lia cho đến kỳ lương.
Không để mất thời gian, tôi và Netzhet ra ngay chợ bán hàng nội địa, nơi có bán những đôi giày rẻ tiền nhất. Chúng tôi hỏi thì được biết: Giày cỡ số 37 giá 14 lia 75, còn cỡ từ 38 – 40 thì đắt hơn 10 lia. Tôi mang giày cỡ 38.
Chúng tôi hỏi người bán hàng:
– Tại sao giá lại chênh nhau nhiều thế?
Ông ta giải thích:
– Giày từ số 37 trở xuống được coi là giày trẻ con.
– Thật quá vô lý! – tôi nổi cáu. – Lấy của người ta thêm 10 lia chỉ vì chân nhỏ hơn người khác có một xăngtimet! Vậy tại sao tôi phải trả một đôi giày cỡ 38 bằng số tiền của một gã khổng lồ nào đó mang giày cỡ 46?
Chúng tôi không sao nói cho lão bán hàng đó hiểu ra cái sự vô lý ấy. Chúng tôi đến gặp ông phụ trách quầy bán giày đàn ông với hy vọng ông ấy hiểu được chúng tôi. Nhưng, than ôi, chúng tôi cũng không làm sao để ông này thông cảm cho. Khi đó chúng tôi đến gặp thẳng ông giám đốc cửa hàng. Ông này tuy hiểu điều chúng tôi phàn nàn, nhưng cũng không thể thay đổi gì được.
– Tôi không thể làm gì giúp các vị được, – ông ta nói rất lịch sự. – Giá đã quy định thế rồi!
Tôi không kìm được nữa và tuôn ra một tràng những lời lẽ phê phán đầy tức giận mà tôi còn nhớ bắt đầu bằng câu như thế này: “Mẹ kiếp tất cả những điều bất công vô lý!.”
– Tôi xin cảnh cáo ông, – ông giám đốc cửa hàng ngắt lời tôi. – Ngay bây giờ chúng tôi sẽ lập biên bản.
Nói tóm lại, chúng tôi không đủ tiền mua đôi giày đúng cỡ chân tôi.
– Thôi, cứ lấy đại số 37 đi vậy? – Netzhet nói.
– Nhưng tôi không xỏ vừa.
– Hãy vì tình yêu của tôi, anh hãy cố xỏ đi!
– Trời ơi, Netzhet, nhưng đôi chân tôi nó không thông cảm – vì cái này hay vì cái nọ!
Làm sao bây giờ? Tôi thương hại Netzhet quá và đành mua đôi cỡ 37. Rồi sau đó phải lấy hết sức bình sinh cố xỏ chúng vào. Nếu không có sự trợ giúp của hai người bán hàng có lẽ cũng chịu. Họ phải cố gắng đến toát mồ hôi mới nhét được đôi giày vào chân tôi. Netzhet cũng mệt phờ người. Mồ hôi từ mũi anh ta chảy từng giọt. Sau khi buộc giây cho tôi xong, anh ta nói:
– Thôi được rồi, bây giờ anh đứng lên đi!
Được dìu hai bên nách, tôi từ từ đứng dậy khỏi ghế và thét lên như người bị dao cứa vào chân.
– Ái – ái!
Cầu thánh Ala cho các bạn đừng bị cái gì trói buộc tự do của đôi chân! Giây phút này tôi mới hiểu ra tự do của đôi chân đối với con người ta cũng quý giá không kém gì so với tự do báo chí, ngôn luận hay tín ngưỡng.
– Ngài cứ đi ít lâu là nó doãng ra ngay, – người bán hàng nói với tôi.
– “Đi ít lâu!!”, nói thì dễ lắm! Bước một bước còn không nổi nữa là đi!
Netzhet phải dìu tôi bước ra ngoài. Áo sơ mi của tôi ướt đầm mồ hôi.
– Cậu đã chuẩn bị những chuyện cười để kể cho bố Mêlikha chưa? -Anh ta hỏi.
Chúng tôi bước lên xe điện.
– Lạy chúa, Netzhet, anh hãy tháo dùm đôi giày khỏi chân tôi với! – Tôi van xin anh ta.
– Cậu cố chịu một tí, đi một lúc nó doãng ra ngay ấy mà!
Tôi có cảm giác không phải đôi giày doãng ra, mà đôi chân tôi bị bóp chặt lại.
Tôi nhăn mặt vì đau đớn và rên rỉ:
– Cởi ra…!
Bao nhiêu hành khách trên xe điện đều quay lại nhìn tôi.
– Cởi ra… nhanh lên… Netzhet. Đến khi nào xuống xe tôi sẽ đi.
Hành khách, người lái tầu, người soát vé ái ngại cho tôi, xúm vào cố giúp tôi cởi đôi giày chết tiệt. Nhưng dù đã cố hết sức họ vẫn không làm sao cởi được. Đôi giày không chịu tuột ra.
Một hành khách góp ý:
– Phải cắt nó ra thôi, may ra mới cứu được anh chàng tội nghiệp!
– Ấy, không, không! Không đời nào. – Tôi ngăn họ ngay.
Tôi phải vất vả thế nào mới vay được số tiền đó? Hơn nữa, tôi vẫn còn hy vọng đi một thời gian nó sẽ doãng ra.
Vừa tập tễnh vừa kêu rên, tôi bước xuống tàu điện. Netzhet phải đỡ tôi. Tôi ngạc nhiên không biết tại sao tôi vẫn còn tập tễnh đi được. Còn Netzhet thì vẫn chỉ quan tâm đến một chuyện:
– Cậu đã nghĩ ra cái chuyện cười chưa? Thế nào cậu cũng phải làm cho bố Mêlikha cười lên đấy nhé! Chỉ cần ông ta mỉm cười thì coi như mọi việc đã xong – chắc chắn ông ta sẽ gả con gái cho tớ. Cậu cứ kể cho ông ta nghe chuyện Khôtgia Naxrêđin ấy!
Chúng tôi đến nơi. Vào đến phòng khách, tôi ngồi phịch ngay xuống chiếc ghế sa lông và đưa hai tay ôm mặt.
– Các vị đến nhà tôi có việc gì vậy? – Bố Mêlikha hỏi.
Netzhet nhìn tôi với vẻ mặt như sắp khóc. Còn tôi thì như người bị cắt mất lưỡi. Những đau đớn mà tôi đang chịu đựng thật chẳng kém gì những đau đớn mà kẻ có tội phải chịu đựng dưới địa ngục. Đến mắt tôi cũng chảy mồ hôi. Cả người, cả tay và mặt nóng bừng. Tôi cảm thấy như mình đang lên cơn sốt. Giá đo nhiệt độ lúc này chắc phải đến 430.
Netzhet nhìn tôi và hiểu rằng không thể chờ đợi gì ở tôi nữa. Thế là bỗng nhiên anh ta mở miệng nói, nói thao thao bất tuyệt không ai ngăn được! Tôi cứ ngồi mồ hơi toát đầm đìa, còn anh ta thì cố ra sức làm cho bố mẹ cô gái vui.
Mẹ cô gái hỏi tôi:
– Sao anh im lắng thế?
– Thưa bác, tính anh ấy nhút nhát lắm, Netzhet đỡ lời cho tôi.
Tôi cứ ngồi cắn răng vì đau, hai tay nắm chặt, kẹp giữa hai đầu gối.
Người yêu của Netzhet bê khay cà phê bước vào phòng. Lạy chúa tôi, sao có người xấu đâu mà xấu đến thế. Nhìn thấy cô ta tôi chỉ muốn cắm đầu bỏ chạy. Mong sao cho cậu bị từ chối, Netzhet! Chả lẽ bao nhiêu đau đớn tôi phải cố chịu vì cậu chỉ vì cô gái xấu xí như thế này?!
Netzhet cuối cùng cũng làm cho bố mẹ Mêlikha phải cười. Trong khi đó tôi gần như sắp bị ngất. Trước mắt tôi hiện ra những vòng tròn lửa. Theo tôi, thậm chí tôi đã khóc.
Cuối cùng Netzhet mới nói đến chuyện anh ta muốn cưới Mêlikha.
Ông bố mỉm cười có vẻ thân thiện.
– Chúng tôi sẽ suy nghĩ, cậu ạ.
– Cậu cứ tin vào điều tốt lành, – bà mẹ nói thêm – Nếu đã là số phận thì khó tránh được.
– Thế còn cậu cũng chưa có vợ à? – Ông chủ nhà hỏi tôi.
Tôi cúi thấp đầu để họ không nhìn thấy những giọt nước mắt và lí nhí đáp:
– Vâng ạ!
Đó là câu duy nhất tôi nói ra trong nhà họ.
Ra ngoài phố Netzhet bắt đẩu trách mắng tôi:
– Thế cũng gọi là bạn bè! Sau chuyện này tớ chẳng còn muốn nhìn mặt cậu nữa! – Nói đoạn anh ta bỏ đi.
Còn lại một mình, tôi ngồi xuống vỉa hè cố tháo đôi giày ra khỏi chân, nhưng không tài nào tháo được. Đôi giày như dính liền vào chân tôi. Tôi không nhớ làm cách nào tôi lết về được đến toà soạn.
Vừa bước qua ngưỡng cửa, tôi nằm vật ngay xuống sàn và kêu to:
– Cứu tôi với, các bạn ơi!
Các bạn đồng nghiệp cũng không tài nào giúp tôi tháo được đôi giày.
– Phải cắt nó ra thôi, – Có ai đó bảo.
– Thì cắt đi! -Tôi rên rỉ.
Các đồng nghiệp của tôi người dùng dao gíp, người dùng dao cạo, người dùng kéo, xúm vào giúp tôi.
– Không được, phải gọi bác sĩ phẫu thuật mới được, – Ông sửa mo-rat của chúng tôi nói. – Ca này không phải đơn giản đâu!
Đôi giày như dính chặt vào da, đã bị rạch ra mà nó vẫn không rời khỏi chân tôi. Cuối cùng người ta phải cắt nó ra thành từng miếng nhỏ, lúc đó đôi chân tôi mới được giải thoát.
Tôi phải nằm trên giường mất ba ngày. Nhưng như thế vẫn chưa phải là hết. Từ trước đến nay tôi vẫn đi giày cỡ ba tám, vậy mà bây giờ xỏ vào đôi cỡ bốn mươi vẫn còn khó khăn. Vì đôi chân tôi, sau khi được giải phóng, trở nên to hẳn ra.
Đến ngày thứ tư bố mẹ Mêlikha đến gặp tôi và bảo:
– Vợ chồng tôi quyết định gả con gái cho anh.
Tôi luống cuống.
– Chúng tôi rất thích anh, – hai vị khách nói tiếp. – Chúng tôi chưa bao giờ gặp một thanh niên nào hiền lành và tử tế như anh. Khi anh ngồi ở nhà chúng tôi, chúng tôi thấy mồ hôi trên má anh chảy ròng ròng, còn mặt anh thì đỏ như gấc. Anh ngồi trên ghế mà không nói một lời nào, mặt cứ cúi gầm, tay thì không biết để vào đâu. Thời buổi bây giờ mà có người lịch sự nhã nhặn như anh thật là hiếm! Anh có thể làm vinh dự cho bất cứ gia đình quyền quý nào.
– Thế còn Netzhet ạ? Anh ấy là bạn tôi.
– Ôi, tôi xin anh đừng nói về anh tay. Một kẻ ba hoa khoác loác chưa từng thấy trên đời! Một gã bồng bột, xốc nổi: chúng tôi đoán ra ngay cái anh bạn Netzhet của anh. Anh tay không khi nào được nhìn thấy con Mêlikha nhà chúng tôi nữa!
– Nhưng hiện cháu chưa có ý định cưới vợ ạ.
– Anh cứ suy nghĩ đi, chúng tôi sẽ còn đến nữa.
Sau đó ông già cô gái thường xuyên ghé qua chỗ tôi và tâng bốc tôi lên tận mây xanh.
– Trong đời chúng tôi chưa bao giờ… người khiêm tốn, điềm đạm như thế… anh ngồi mặt đỏ dừ như gấc… anh không biết để tay vào đâu…
Đến một hôm không nhịn được nữa tôi lôi trong ngăn kéo ra những mảnh da giày bị cắt vụn và quăng xuống chân ông già:
– Tất cả là do cái này đây! Ông hãy gả con gái ông cho cái này này! Có giáo dục, khiêm tốn, tế nhị!…
Từ đó ông ta không đến nữa.
Tóm lại, các bạn chớ quên nếu có đi hỏi vợ thì hãy mang đôi giày thật chật. Tôi có thể chúc mừng trước các bạn!
LÀM THẾ NÀO ĐỂ IN ĐƯỢC TIỂU THUYẾT?
Tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết. Tôi phải mất cho nó hai tháng trời. Ngồi viết suốt ngày đêm.
Cuốn tiểu thuyết rất khá, không xấu hổ khi nói thế. Tôi mang bản thảo đến toà soạn một tờ báo.
– Chúng tôi không đăng những tiểu thuyết trong nước.
– Nhưng dù sao các anh cũng nên đọc qua!
– Không cần, dân chúng không thích những tiểu thuyết trong nước!
Tôi lại mang bản thảo đến gặp nhà xuất bản. Tôi chưa kịp nói: “Tôi mang đến cho các ông…” thì đã được trả lời ngay: “Chúng tôi chỉ in những tiểu thuyết dịch”.
Tôi lại mang đến một nhà khác. Cả nhà này cũng không nhận:
– Nếu anh có cái gì dịch của nước ngoài thì hãy mang lại, những tác phẩm trong nước người ta không mua.
Đi đến bất cứ chỗ nào tôi cũng đều được trả lời như vậy. Vậy là cuốn tiểu thuyết mà tôi viết ròng rã hai tháng trời, viết suốt ngày đêm không nghỉ, và đặt bao nhiêu hi vọng vào nó, cuối cùng vẫn còn lại trong tay như kết quả của một tình yêu tội lỗi, như đứa bé bị vứt bỏ ở cửa nhà thờ. Bỗng một ý tưởng chợt loé lên trong đầu tôi. Chẳng phải nhiều đồng nghiệp của tôi đã mượn các truyện ngắn của các nhà văn Pháp, Đức, Anh, Italia và các nhà văn nước ngoài khác, đổi tên các nhân vật như Giônxơn, Mart Fatmam, sau đó kí tên mình vào rồi cho đăng trên các tạp chí đó sao! Vậy thì sao mình không thể làm ngược lại?

Tôi ngồi vào bàn và bắt đầu sửa lại tất cả các tên Thổ Nhĩ Kì thành tên Mĩ. Tôi nghiên cứu kĩ sơ đồ thành phố Nữu Ước. Tất cả mọi địa danh cũng được chuyển thành địa danh Mĩ. Bây giờ đến lượt tác giả. Đến đây tôi bèn cho một nhà văn Mĩ là Mark Ô’Braiơn ra mắt.
Sau khi làm xong tất cả những chuyện đó, tôi lại đến toà soạn báo và lại được tiếp đón bằng những lời nói vội vã khó chịu đó:
– Nhưng chúng tôi chỉ đăng những tiểu thuyết dịch thôi!
– Thì tôi mang đến cho các ông tiểu thuyết của nhà văn Mĩ Mark Ô’Braiơn đây!
– Thế à? Thế thì tốt lắm! Cái ông Mark Ô’Braiơn này là ai vậy?
– Các anh không nghe nói về ông ta à? Ông ta là nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay của Mĩ đấy? Truyện của ông ấy đã được dịch sang tất cả các thứ tiếng trên thế giới!
Sau lời tuyên bố đó thì chẳng cần phải đọc tiểu thuyết làm gì nữa, và được tạm ứng nhuận bút ngay lập tức. Người ta chỉ yêu cầu tôi một việc: viết lời giới thiệu cho cuốn sách này và đôi nét về tác giả.
Tôi về viết ngay:
“Kiệt tác cuối cùng của Mark Ô’Braiơn “Cuộc đấu tranh giành phụ nữ”. Cuốn sách gây tranh cãi ở Mĩ. Đã bán hết ngay bốn mươi triệu bản. Đây là một tác phẩm vô giá, đã được dịch sang tất cả các thứ tiếng trên thế giới, và cuối cùng đã được dịch ở nước ta với nhan đề “Đầu lạc đà”.
Vậy Mark Ô’Braiơn là ai?…
Xin các bạn đừng hoài công tìm hiểu làm gì, tôi đã bịa ra cả tiểu sử ngài Mark Ô’Braiơn.
“Là người con út trong một gia đình gồm 19 anh em. Bố là một chủ trại ở Filađenfia, muốn biến Mark thành mục sư, nhưng cậu bé, ngay từ năm mười bốn tuổi, nổi tiếng mưu mẹo, đã tìm được cách bị đuổi học bằng cách đâm kim vào mông thầy giáo thần học. (Nói chung đó là tiểu sử điển hình của nhiều nhà văn Mĩ nổi tiếng). Đã kinh qua các nghề đánh cá, buôn lậu, một thời gian còn là người đi tìm vàng. Cuối cùng, vào năm bốn mươi tuổi đã gửi cho một tờ tạp chí truyện ngắn đầu tay của mình với nhan đề “Hôn nhau đi?”. Ngôn ngữ và văn phong của ông tệ đến nỗi…”
Như các bạn thấy đấy, một tiểu sử khá dài. Hãy cẩn thận đấy, các tiểu thuyết của chúng ta!
Những nhà làm sách đi theo tôi từng bước chân:
– Này, anh hãy dịch cho chúng tôi một tiểu thuyết của Mark Ô’Braiơn.
Nếu còn sống tôi còn dịch nữa. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Như các bạn đã biết, có một thám tử nổi tiếng tên là Giek Lemmer. Những tác phẩm của ông được người ta tranh nhau đọc. Tôi đã dịch sáu cuốn của tác giả này. Thời gian gần đây tôi còn đi xa hơn. Bây giờ tôi dịch cả từ tiếng Hin đi, tiếng Trung Quốc và từ nhiều thứ tiếng khác.
Các bạn độc giả thân mến!… Tôi cần cho các bạn biết rằng, chín mươi chín trong số một trăm các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết của Thổ Nhĩ Kì mà các bạn được đọc trong các báo và tạp chí của chúng tôi, than ôi, đều là vay mượn của nước ngoài. Còn những tiểu thuyết người ta mời chào các bạn như các tiểu thuyết dịch, thực ra lại do các nhà văn trong nước viết. Trong các tiểu thuyết này chỉ có tên người, tên địa danh là nước ngoài.
Trong tất cả chuyện này có một điều khiến tôi được an ủi: sẽ đến một ngày khi những người nghiên cứu lịch sử văn học Mĩ buộc phải đọc các tiểu thuyết Thổ Nhĩ Kì. Đến lúc ấy mơ ước thiêng liêng của tôi sẽ trở thành hiện thực – tôi sẽ có vị trí trong văn học Mĩ dưới cái tên Mark Ô’Braiơn.
HỘI NGHỊ PHỤ HUYNH
T
ôi cứ đắn đo mãi không biết có nên đi họp phụ huynh hay không. Đi thì chẳng biết nói gì. Mà giả dụ có gì muốn nói, thì chưa chắc tôi dám mở miệng. Vì tính tôi không quen nói trước chỗ đông người.
Tuy vậy, cuối cùng tôi cũng dẹp được những nỗi băn khoăn và quyết định đi. Đến nơi, cuộc họp đang vào lúc sôi nổi nhất.
Tôi khẽ mở cửa, rón rén bước vào phòng. Thấy tôi vào, một bà tỏ vẻ khó chịu, đứng dậy bảo:
– Quí ông đến muộn rồi đấy, thưa quí ông!
Tôi ngượng đến chín cả mặt, ấp úng đáp:
– Thưa vì nhà tôi đến đây không tiện đường. Tắc xi chuyến không chạy, mà ô tô buýt cũng không có.
– Đó không phải là việc mà ban giám đốc cần biết!
Tôi không hiểu bà ta định nói ban giám đốc nào? Ban giám đốc công ty xe điện hay ban giám đốc công ty xe khách?
– Cái mà ban giám đốc mong các vị phụ huynh lưu ý cho nhất là việc con em họ thường xuyên đi học muộn. Giờ học bắt đầu từ 9h, nhưng…
– Tôi đề nghị phải cấm các nữ sinh đi bít tất ni lông! – Một bà trong số phụ huynh bỗng đâm ngang một câu – Và không phải chỉ các nữ sinh, mà cả các bà có tuổi nữa!
– Tôi tán thành ý kiến của bà vừa phát biểu đấy! – tôi cũng đế theo một câu mà chính mình cũng không ngờ.
Thú thực trong đời tôi chưa từng thấy cặp chân nào xấu như cặp chân của bà phụ huynh này. Nó vừa cong như cái đòn gánh, mà phần cổ chân lại to hơn phần bắp. Đi tất dày mà vẫn trông rõ cả những đường gân to tướng.
– Tất cả nữ sinh phải bắt mang tất dày màu đen hết! – Tôi tiếp thêm, mắt vẫn không rời khỏi đôi chân bà phụ huynh.
Không hiểu tại sao bỗng dưng tôi lại dính vào chuyện tất tai này thế không biết? Lúc ở nhà đi tôi đã định không nói gì cả. Một ông ăn vận sang trọng bỗng đứng phét dậy, nói như hét:
– Chúng ta còn có nhiều vấn đề quan trọng khác cần phải bàn, chứ cái chuyện tất tiếc đấy chỉ là chuyện vặt thôi! Trước hết chúng ta phải bàn đến chuyện dạy sinh ngữ. Theo tôi, tất cả các môn phải dạy bằng tiếng Đức hết! Tôi đã từng ở bên Đức nên tôi biết. Bên ấy người ta dạy trẻ con môn gì cũng bằng tiếng Đức cả!
Vẫn mặc cảm mình là người có lỗi, nên để chuộc lỗi, tôi hăng hái hùa theo:
– Tuy chưa sang Đức nhưng tôi cũng tán thành ý kiến của ông vừa phát biểu là chúng ta phải dạy học bằng tiếng Đức. Chắc các vị muốn hỏi tại sao? Xin thưa rằng vì chính người Đức là người đã đem lại triết học và khoa học, văn minh cho toàn thế giới. Chúng ta phải biết ơn người Đức. Nếu như trẻ em Đức không học tất cả các môn bằng tiếng Đức…
– Thưa ông – Một ông đeo kính ngắt lời tôi – ý kiến của ông đã ra ngoài cuộc họp rồi! Dạy học bằng tiếng gì là việc của Bộ chứ! Còn ở trường chúng tôi, như ông biết đấy, cũng có dạy tiếng Đức. Nhưng hôm nay chúng ta họp ở đây là để thảo luận về vấn đề liên lạc giữa ban giám đốc và phụ huynh.
– Thế một tuần có mấy giờ tiếng Đức? – ông ăn mặc sang trọng hỏi.
– Cái đó tuỳ theo mỗi lớp – ông đeo kính đáp – lớp 1 là 6h, còn lớp 7 là 8h…
– Thế thì ít quá!
– Ít quá! – tôi chêm vào.
– Cái chính là phải cấm đá bóng trong trường – Một ông có tuổi ngồi dưới phòng bỗng kêu lên – Nếu không tháng nào cũng mua giầy mới thì đào đâu ra tiền!
– Ơ hay! Nhưng con gái chúng nó có đá bóng đâu! – Một bà tóc hoa râm phản đối ngay lập tức.
– Nhưng tụi con trai nó đá! – ông có tuổi vẫn bướng.
– Tại sao lại dính đến chuyện con trai ở đây? Trường này là trường nữ sinh cơ mà!
– Trường nữ sinh à? Thế ra đứa cháu gái tôi học ở đây ư? Thế mà tôi cứ ngỡ là…
Muốn trường gì thì trường, cứ là phải cấm đá bóng! Trẻ con bây giờ quên hết cả truyền thống của cha ông…
– Cái đáng lo nhất là con em chúng ta hay bỏ học – Một bà giáo lên tiếng – Các vị phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến chuyện này mới được!
Ông ngồi cạnh tôi hỏi:
– Không biết bao giờ mới bắt đầu dạ hội nhỉ?
– Không biết – tôi đáp – ông hỏi ông hiệu trưởng xem!
– Hiệu trưởng là ông nào?
– Tôi cũng không rõ… Nhưng trông ba ông kia ông nào cũng giống hiệu trưởng cả…
Ông ngồi cạnh tôi bèn quay sang một ông có dáng điệu rất bệ vệ ngồi sau dãy bàn của ông giám đốc:
– Thưa ông hiệu trưởng, bao giờ thì bắt đầu dạ hội ạ?
– Ông hiệu trưởng đâu nhỉ? – ông này đưa mắt nhìn quanh hỏi:
– Ông hiệu trưởng ốm, không có ở đây – bà đeo kính trả lời.
– Thế bao giờ mới bắt đầu dạ hội ạ? – ông ngồi cạnh tôi lại hỏi.
– Làm gì có dạ hội nào mà dạ hội? – bà đeo kính ngạc nhiên.
Ông bên cạnh tôi ngượng quá ngồi xuống, đoạn quay sang bảo tôi:
– Hừm!… Về nhà tôi cho con ranh con một trận mới được! Nó láo quá đi mất!
– Tôi không hiểu ông định nói gì? – tôi đáp.
– Cái con mất dạy nó bảo hôm nay ở trường nó có dạ hội và cứ nằng nặc đòi tôi đi dự. Nó còn bảo là chúng nó sẽ múa điệu Khácmanđalư nữa! Vợ tôi đang có mang không đi được, nên tôi phải đi thay.
Trong khi đó, cái bà đòi các nữ sinh phải mang bít tất dày màu đen cứ ra sức tuyên truyền để lôi kéo thêm đồng minh cho mình. Cái ông đòi phải dạy các môn bằng tiếng Đức thì cứ bô bô kể chuyện đời sống bên Đức. Một ông còn trẻ ngồi bên trái tôi quay sang hỏi:
– Xin lỗi, ông có biết người ta nói gì không ạ? Tôi chả hiểu gì hết!
Tôi nói vắn tắt lại cho ông ta biết những ý kiến trái ngược nhau trong cuộc họp.
– Ông cụ này thì đề nghị cám trẻ con chơi đá bóng và phải giáo dục chúng theo truyền thống cũ. Bà giáo kia thì than phiền về việc học sinh trốn học đi chơi. Còn bà này thì…
– Làm thế nào ra khỏi đây bây giờ nhỉ? Tôi bị nhầm mất rồi! Mấy ông bạn chơi xỏ tôi. Họ không nói rõ cho tôi biết gì cả. Hôm nay là tôi phải đi họp công đoàn… Suýt nữa tôi đứng lên phát biểu về quyền tự do bãi công thì có thật là dơ không?
Bà tóc hoa râm đứng lên yêu cầu trật tự:
– Thưa các vị! Các trò học ở trường ta đây đều là con em các gia đình nghèo. Gần một nửa trong số 670 nữ sinh của chúng ta không có đủ tiền để sắm cả sách giáo khoa. Trách nhiệm của chúng tôi là phải trợ cấp bữa ăn trưa cho ít nhất là 100 học sinh. Và chuyện này, chúng tôi xin nói thẳng là trông mong vào sự trợ giúp của các vị.
– Trợ giúp! – Một bà phụ huynh kêu lên – Lúc nào cũng trợ giúp! Suốt đời chỉ thấy con gái đòi hết tiền này đến tiền khác không biết để làm gì? Không cho thì nó nói: “Mẹ không cho thì con không đi học đâu! Con xấu hổ với tụi bạn lắm!” Vậy tôi xin hỏi, những tiền ấy nó đi đâu? Không thể ngày nào cũng cho tiền mãi được! Phải qui định dứt khoát mỗi tháng là bao nhiêu tiền chứ! Và phải làm sao để chúng tôi ai cũng có thể kiểm tra xem tiền ấy chi dùng vào việc gì chứ!
– Đúng đấy – tôi gào lên.
Bị đỏ mặt, bà tóc hoa râm bèn hỏi cái bà vừa yêu cầu phải cho biết tiền trợ giúp các học sinh nghèo được chi dùng vào việc gì xem con gái bà ta tên là gì.
– Guynten Iasôba ạ!
Bà tóc hoa râm “hừm” một tiếng.
– Lớp 3B, số 141. Guynten Iasôba phải không? Đúng rồi… Từ sau hè, con gái bà chỉ đi học có một tuần thôi, rồi không thấy đến trường nữa. Chúng tôi đã biên thư báo cho bà biết chuyện này…
– Thế chả hóa ra tôi nói điêu hay sao? – bà phụ huynh nọ tức lắm – Ngày nào con gái tôi cũng xin tiền, bảo để giúp ai không biết – đoạn bà quay sang bà bên cạnh phân trần. – Mà tối cũng không thấy nó về nhà. Thế thì chả hiểu nó lang thang ở đâu? Tôi và bố nó thì đã ly dị nhau. Nó sống với ông ấy…
Cứ thế, phòng họp có khoảng 30 người, nhưng người nào cũng ra sức nói to để át người khác và để bảo vệ ý kiến của mình, nên khắp phòng cứ ào ào như chợ vỡ. Cuối cùng bà tóc hoa râm phải kêu lên:
– Đề nghị trật tự! Ồn quá, không còn nghe thấy gì hết! Ai muốn phát biểu đề nghị nói lần lượt, chứ không nói cùng một lúc như vậy.
Một rừng tay giơ lên. Ông có tuổi được phát biểu đầu tiên.
Sau khi mở đầu bằng câu “Kính thưa các thầy cô giáo” ông bắt đầu trình bày về cái tác hại của bóng đá, về ảnh hưởng xấu của nó đến tư cách, đạo đức và tư tưởng của học sinh. Ông kể rằng những người đầu tiên chơi bóng đá là những người Iadit. Bấy giờ chưa có bóng, nên họ phải đá bằng cái sọ của một người tử vì đạo tên là Huyxên. Vì thế chơi bóng đá là một tội rất lớn.
Nghe ông kể lể con cà con kê mãi, mọi người sốt ruột không chịu được nữa, phải đồng thanh kêu lên:
– Thôi đi! Cho chúng tôi còn nói với chứ!
Ông phát biểu thứ hai đề nghị mọi người hãy xới thêm một suất cơm vào cặp lồng của con em mình để tương trợ các em khác “Chúng ta làm như thế để ủng hộ các em con nhà nghèo” – ông ta nói, đoạn quay sang than phiền về chuyện giá sinh hoạt đắt đỏ, chuyện không có bơ tốt để bán, chuyện than củi khan hiếm…
Bài diễn văn của ông tưởng chừng không bao giờ chấm dứt. Bị kéo ngồi xuống ghế rồi mà ông còn tiếp tục lẩm bẩm một mình.
Biết rằng có theo thứ tự thì chẳng đời nào đến lượt, nên bất chấp cả trật tự, tôi đứng phắt dậy nói luôn:
– Thưa các ông các bà!
Tôi bắt đầu. Nhưng thực ra vẫn chưa biết nói gì. Tôi bèn kể luôn một câu chuyện tiếu lâm về Khốtgia Naxrêđin để lôi kéo sự chú ý của mọi người đã. Nhưng không may, đến đúng đoạn hay nhất, thì tôi quên béng đi mất. Thế là tôi đành phải nói chữa thẹn: “Câu chuyện kết thúc thế nào thì chắc các vị đã biết cả rồi”.
Lúc này mà ngừng nói, dù chỉ một tích tắc thôi, là người khác sẽ cướp lời ngay. Vì thế, chả cần logic quái gì cả, tôi nói luôn sang chuyện khác.
– Nếu con cái chúng ta bị đúp, thì lỗi hoàn toàn là ở các bậc cha mẹ hết!
Tôi nói thế cốt để lấy lòng ban giám hiệu, vì tôi cũng sợ con gái tôi bị đúp.
– Các bậc phụ huynh bây giờ không chịu quan tâm gì đến con cái của mình cả – tôi tiếp tục ba hoa – Có những ông bố thậm chí không biết con mình học trường nào lớp nào nữa.
Tôi bắt đầu hăng máu, không còn ai ngăn được nữa. Các giáo viên vỗ tay hoan hô tôi nhiệt liệt. Cuối cùng, bà tóc hoa râm phải bảo:
– Bây giờ khí đã muộn, nên ý kiến của ông xin để đến cuộc họp sau vậy!
– Nhưng tôi đã nói được gì đâu!
Lúc ra về, tôi được các giáo viên tiễn ra tận cổng và cảm ơn rối rít. Nhưng vừa về đến nhà, thì lại bị vợ độp ngay cho một câu:
– Anh đi đâu suốt từ tối đến giờ?
Tôi nhìn đồng hồ: kim đã chỉ 10h.
– Đi họp phụ huynh chứ đi đâu! – tôi đáp – Anh đã phát biểu rất hăng và ý kiến của anh được các giáo viên rất thích. Anh nói là các phụ huynh không chịu quan tâm gì đến con cái cả, cứ mặc cho chúng chơi bời lêu lổng, đến lúc bị đúp thì bao nhiêu tội lại đổ cả lên đầu giáo viên.
Bỗng con gái tôi chạy như bay vào phòng:
– Bố ạ! Các thầy giáo con lại hỏi tại sao bố không đi họp đấy?
Vợ tôi lập tức tra khảo ngay:
– A, thế ra những điều anh vừa nói là dối trá hết! Anh chui rúc ở đâu đến tận nửa đêm mới về mà bảo là đi họp hở?
– Bố vừa họp ở chỗ con về mà…
– Nhưng con cũng vừa ở đấy…
– Thì bố cũng vừa họp ở trường nữ sinh của con mà…
– Sao bố lại đến trường nữ sinh? Con có học ở trường nữ sinh đâu! Con học ở lớp cuối trường Baiadít cơ mà!
– Thế nào? – vợ tôi sửng sốt – Tao gởi mày đến học ở trường nữ sinh Khôkhora kia mà!
– Nhưng con bị đuổi khỏi đấy từ lâu rồi mẹ ạ!
– Trời ơi, con mất dạy – tôi điên tiết sấn vào đứa con gái – Tại sao mày không nói cho bố mẹ biết mày học ở đâu, học hành ra sao hở? Con cái nhà mất dạy đến thế là cùng!…
VẬN RỦI THÌ ĐÂU CÓ GẶP MAY
đã len tới các văn phòng cung và cầu. Thấy báo đăng chỗ nào “Cần nhân viên”. “Cần thợ” thì lao như tên bắn đến chỗ đó ngay. Nếu người ta bảo:”Cứ để địa chì lại, chúng tôi sẽ báo sau” và ghi địa chỉ vào cuốn lịch bàn thì y hiểu ngay là không có hy vọng gì.
Mỗi tối về nhà, câu đầu tiên của vợ là:
-Có tìm được việc làm không?
Lúc này tìm được việc làm khó hơn là bắt được tiền ai đánh rớt trên đường.
-Tôi chưa bao giờ gặp kẻ nào đần độn, thảm hại, hèn hạ như cái thứ anh!
Vợ y thường mở đầu cuộc oanh kích của mình bằng những lời lẽ tệ hại như vậy đấy.
Để vợ im miệng, y phải viện đến trò nói dối:
-Một người bạn hứa là: “Mai cứ đến, chúng tôi nhất định sẽ giải quyết!”.
-Giải quyết cái gì?
-Thì công việc chứ còn gì nữa! (vô tình vợ y đã biến y thành kẻ nói dối ).
-Công việc thế nào?
-Một công việc rất tốt, rất dễ chịu. Một công việc tuyệt vời!
-Hiểu rồi! Cơ mà có công việc gì?
-Đây là thứ công việc…làm bằng chân, nhưng lại ngồi yên tại chỗ.
-Chả lẽ lại có thứ công việc làm bằng chân mà lại ngồi yên tại chỗ sao?
-Dĩ nhiên là có! Tôi sẽ đạp máy khâu mà!
-Họ trả lương bao nhiêu?
-Ba trăm đồng.
Những câu hỏi và câu trả lời dối trá như thế kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ.
Tối hôm sau, như thường lệ vợ lại hỏi:
-Thế nào, anh đã nhận việc chưa?
-Anh tới rồi!…Cơ mà chưa xong! Vợ anh ấy mới mất nên anh ấy không tới cơ quan được. Người ta hẹn thứ tư đến.
Mấy thứ tư thứ nam qua rồi mà vẫn chưa chấm dứt được trò bịa đặt, dối trá.
Thế là vợ phải ra tối hậu thư cho y:
-Đồ đốn mạt! Anh chỉ quen thói ăn không ngồi rồi! Mai mà không tìm ra việc làm thì đừng có mà vác mặt về nhà nữa đấy!
Hôm đó, y phải để địa chỉ lại ở bốn năm chỗ. Lúc y về nhà, cánh cửa không chịu mở ra.
-Mình ơi, có tin vui này! Anh tìm được việc làm rồi. Anh đã nhận việc và bắt đầu làm rồi.
Sau câu nói đó cánh cửa mới chịu hé ra.
Y làm ra bộ hết sức hân hoan, tả lại cho vợ nghe công việc làm của y nó ra làm sao. Y bịa khéo đến mức chính y cũng tin vào lời y.
-Thôi được rồi, mình đi ngủ sớm đi kẻo mai lại trễ giờ đi làm.
Sáng sớm tinh mơ vợ đã đánh thức chồng dậy đi làm. Suốt ngày y lang thang trên các đường phố, công viên, lê gót tới các văn phòng, bàn giấy, le lói chút hy vọng tìm được việc làm. Tối về nhà, hệt như bất cứ người đàn ông có công ăn việc làm nào, y gây chuyện với vợ, la hét ầm ĩ.
Hai mươi ngày kéo dài trong niềm hy vọng tràn trề. Sắp tới ngày phát lương rồi, y lo quá, tự nhủ: “Mình phải kiếm cho ra ba trăm lia”. Đêm nào vợ cũng mơ thấy món tiền chồng sắp đưa cho. Y bảo vợ:
-Em đem con về ngoại chơi đi. Ngày mồng một anh lãnh lương em hẵng về.
Vợ ngoan ngoãn dắt con đi. Anh chàng quyết định phải đi ăn trộm. Y đã nhắm được căn nhà để hành sự vào lúc đêm xuống.
Đêm cuối tháng. Từ chập tối y đã lảng vảng quanh ngôi nhà y sẽ vào vơ vét. Ở đúng lầu hai đèn lại tắt ngóm. Không mấy người ở nhà. Cả chủ nhà cũng đi vắng – đúng là gặp may. Bây giờ y có thể đàng hoàng đi vào ngôi nhà đó. Y còn loanh quoanh bên ngoài một lát. Không thấy ai, y bèn nhảy qua hàng rào thấp bao quanh vườn. Y lần theo khung cửa sổ, leo ống máng lên ban công, hoàn toàn không khó nhọc gì. Đúng là vận may đã tới. Cánh cửa thông ra ban công lại mở. Vào đến trong nhà rồi, y dạn dĩ hẳn lên, bật điện rồi nhìn quanh. Y không ngờ rằng ăn trộm hóa ra lại là một công việc dễ làm đến như vậy.
Ở tủ, những chiếc chén quý đặt trên những chiếc đĩa bằng vàng. Y vươn tay về phía mắc áo. Khi y mở chiếc bóp dày cộp móc trong túi áo vét ra thì mắt y chợt hoa lên: nguyên một xấp giấy bạc một trăm năm chục lia. Y mở ngăn kéo bàn kê trong phòng ngủ: những tập giấy bạc mới toanh như vừa mới in xong. Đâu đâu cũng thấy tiền là tiền.
Y rút trong ví ra ba trăm lia, rồi viết vào một mảnh giấy:
“Thưa ngài kính mến, tôi vào nhà để ăn trộm. Tôi chỉ lấy số tiền ba trăm lia cần thiết cho tôi. Hãy tin rằng bao giờ có tiền tôi sẽ hoàn lại. Xin gửi lời chào trân trọng!”
Y đặt mảnh giấy lên bàn, rồi thản nhiên ra khỏi nhà bằng con đường đã vào. Như thế là y sẽ thoát được sự mắng nhiếc những một tháng nữa. Lần đầu tiên sau nhiều tháng trời, y cảm thấy thư thái trong lòng.
Y đi về nhà mình, thấy ở cửa sổ sáng ánh đèn. Có nghĩa là vợ y đã về. Giờ thì y sẽ ném ba trăm lia vào mặt vợ y, sẽ la hét om sòm để tỏ rõ “cái tôi” của mình.
Y lấy chìa khóa, mở cửa. Bất ngờ có hai nòng súng lục gí sát vào ngực y:
-Giơ tay lên!
Một gã cười nói:
-Nghe đây, anh là một thằng vô lương tâm! Bọn ta lục lọi suốt hai tiếng đồng hồ rồi mà không tìm được thứ gì đáng lấy. Người nào cũng phải có món đồ gì kha khá phòng trường hợp có kẻ trộm tới thăm chứ!
Chúng lục người y, lấy được ba tờ trăm lia mới toanh rồi bỏ đi mất.
Còn anh chàng kia cứ thế ngồi cho tới lúc mặt trời mọc để nghĩ ra lý do nói với vợ. Tờ mờ sáng, nghe có tiếng gõ cửa. Vợ đó! Y run run mở cửa và trông thấy trước mặt y lù lù hai cảnh sát viên và hai gã trộm bị còng tay – đúng những gã đã lấy của y ba trăm lia đêm qua. Mắt y ánh lên, vui vẻ. Nghĩa là bọn trộm đã bị thộp cổ!
Một viên cảnh sát chìa ba tờ trăm lia mới cứng cho y:
-Tiền này của ông?
Tim y đập thình thịch. Chính y cũng đi ăn trộm số tiền này mà!
Y toan nói:”Không, không phải của tôi!” để cứu hai gã khốn khổ kia. Song viên cảnh sát đã nói trước:
-Hai tên tội phạm này thú nhận là đêm qua chúng lẻn vào nhà ông và dùng vũ lực cướp của ông ba trăm đồng lia này!
Không thể khước từ niềm hạnh phúc của mình:
-Vâng, của tôi – Y nói.
Viên cảnh sát hỏi:
-Ông lấy chúng ở đâu?
Anh chàng tái mặt. Chẳng lẽ họ biết là y cũng đi…ăn trộm?
-Sao ông lại hỏi thế? – Y lắp bắp.
-Tiền này là tiền giả nên chúng tôi mới hỏi. – viên cảnh sát đáp.
Anh choáng váng. Viên cảnh sát nói thêm:
-Yêu cầu ông theo chúng tôi về đồn!
NHỮNG NHÀ TÀI CHÍNH LỖI LẠC
Câu chuyện này rất phức tạp và rối rắm. Tôi sợ khi kể lại cũng làm cho các bạn rối mù. Nhưng dù sao xin các bạn cứ bình tĩnh nghe. Câu chuyện không hoàn toàn bình thường này xảy ra với năm người bạn.
Để năm người đàn ông chơi thân được với nhau cần phải có điểm gì chung liên kết được tất cả. Ba người trong số họ là những nhà hoạt động tài chính nổi tiếng, còn hai người kia là những chuyên gia kiết xuất trong lĩnh vực toán học. Đó chính là điều kiện đã gắn kết các nhân vật trong câu chuyện của tôi.
Ngài Taliat, tổng giám đốc một trong những ngân hàng lớn nhất nước, mời bốn ông bạn thân đến ngôi biệt thự mới xây của mình ở Sauđie.
Cuộc họp mặt diễn ra vào chủ nhật.
Ngài Taliat là một nhà tài chính kiệt xuất và nhà ngân hàng danh tiếng của chúng tôi. Sau lưng ông là cả hai mươi bảy năm hoạt động ngân hàng. Ông giỏi trong các vấn đề tài chính và các con số đến nỗi bạn bè nói về ông:”Chỉ cần ông Taliat bước vào một cái quầy trống rỗng nào đó và treo lên cửa tấm biển “Nhà băng” thì lập tức chưa đầy hai năm sau, cái quầy này sẽ biến thành một nhà băng với số vốn hai trăm triệu lia”. Ông Taliat đã cứu sống vài nhà băng đang bên bờ vực phá sản, hơn nữa còn làm cho chúng trở thành những nhà băng thịnh vượng và đáng tin cậy nhất nước.
Một trong những vị khách được mời là Liutfi – một nhà doanh nghiệp nổi tiếng thành thạo trong công việc kinh doanh. Người ta nói về ông ta:” Trong tay của Liutfi thì hòn đất cũng biến thành vàng!”. Đất đai được ông ta đụng đến lập tức biến thành tiền, và đó không phải là kết quả của ảo thuật, của vận đỏ may mắn, mà hoàn toàn là do đầu óc tính toán tài chính, bởi đối với đất đai không có triển vọng đẻ ra tiền thì ngài Liutfi không bao giờ động đến.
Vị khách thứ hai là ngài Zêki, một trong những quan chức cấp cao của Bộ Tài chính. Người ta đồn cả Bộ đứng vững được là chỉ nhờ mình ông ta. Người nước ngoài gọi ông là nhà tài chính lỗi lạc của Thổ Nhĩ Kì.
Hai vị khách, ngài Rêfik và Zia là bạn học từ thời phổ thông của chủ nhà. Ngài Zia là giám đốc đài thiên văn Xtămbun và được coi là nhà thiên văn học lớn – Còn ngài Rêfki thì rực sáng trong lĩnh vực toán cao cấp, là giáo sư khoa toán lý trường đại học tổng hợp Xtămbun.
Cả bốn người đều đến cùng gia đình.
Buổi sáng mọi người cùng nhau đi tắm biển. Sau buổi trưa họ ngồi nhấm nháp cà phê. Một người ngả lưng ngủ ngay trên ghế sa lông, những người khác thì lui về phòng ngủ cho thoải mái.
Hai ông Taliat và Zêki thì ngồi chơi bài nácđư tăng dần tiền. Sau bốn ván với tiền đặt ban đầu là hai mươi nhăm curusơ, ông Taliat thắng ba trăm bảy mươi nhăm curusơ. Ông Zêki không có tiền lẻ, bèn đưa cho nhủ nhà tờ mười lia (1 lia = 100 curusơ). Ông Taliat muốn trả lại tiền, thò tay vào túi áo lấy ra lúc đầu năm lia, sau đó hai lia rưỡi, là tất cả số tiền lẻ ông có. Ông Zêki cầm lấy tiền và nói:
-Như vậy là tôi nợ anh…bao nhiêu nhỉ?
Ông Taliat ngập ngừng:
-Anh nợ tôi…-ông lẩm nhẩm – khoan, để tôi tính.
Ông Zêki thò tay vào các túi quần, tìm thấy tờ một lia và đưa cho ông Taliat, muốn để cho việc tính toán dễ hơn
-Bây giờ thế nào? – Ông hỏi.
-Tôi đã đưa anh bảy lia rưỡi – chủ nhà nói.
-Phải.
-Thế anh phải trả tôi bao nhiêu?
-Tôi đã đưa anh thêm một lia nữa.
-Anh bạn, anh nợ tôi ba trăm bảy mươi nhăm curusơ, đúng không?
-Đúng.
-Nghĩa là, anh hãy đưa thêm cho tôi một trăm bảy mươi nữa.
-Phải, nhưng tôi đã đưa anh thêm một cái lia nữa. Và trước đó đã đưa mười lia. Tổng cộng là mười một lia rồi. Còn anh đã đưa cho tôi…
-Khoan, khoan, đừng làm tôi nhầm.
-Anh đã đưa tôi năm lia, sau đưa thêm hai lia rưỡi…
Nghe thấy tiếng cãi nhau hai ông Zia và Rêfil tỉnh giấc.
-Có chuyện gì mà hai ông cãi nhau vậy?
-Anh Rêfik thân mến – chủ nhà nói – tôi chơi bài thắng anh ấy. Anh ấy nợ tôi ba trăm bảy mươi nhăm curusơ.
-Khoan, khoan – ông Zêki cắt ngang – để tôi kể. Chúng tôi chơi bốn ván nac đư. Mỗi ván bắt đầu từ hai mươi nhăm curusơ…
-Khoan đã, anh Zêki! Cần gì kể chi tiết! Chúng ta có thể bắt đầu từ hai mươi nhăm và năm mươi. Anh nói đi, anh nợ tôi ba trăm bảy mươi nhăm curusơ, đúng không?
-Đúng. Nhưng tôi đã đưa anh mười một lia.
-Đúng. Và tôi đã trả lại anh bảy lia rưỡi. Nghĩa là anh nợ tôi…
-Được. Nhưng tôi lại đưa anh thêm một lia nữa.
Giáo sư tóan cao cấp Rêfik nói:
-Các anh từ từ đã!…Đừng làm tôi rối. Từng người nói một mới hiểu được.Anh đã đưa bao nhiêu, anh Zêki?
-Mười lia.
-Thế anh nợ bao nhiêu?
-Ba trăm bảy mươi nhăm curusơ, nhưng…
-Đừng có “nhưng” gì vậy!…
-Sau đó tôi đưa anh ấy một lia nữa.
-Rõ rồi. Nghĩa là anh Taliat, anh phải trả lại anh Zêki sáu trăm hai mươi nhăm curusơ. Mà anh đã đưa anh ấy bảy lia rưỡi. Như vậy, anh còn phải…Khoan, để tôi tính xem nào…Bây giờ anh còn nợ anh ấy…Lấy bảy lia rưỡi trừ đi mười một lia…Thành bao nhiêu nhỉ?
-Làm sao lại lấy số nhỏ trừ số lớn được?
-À, phải! …Phải lấy bảy lia rưỡi trừ đi sáu trăm hai mươi nhăm curusơ. Nào, ta thử trừ…Còn bao nhiêu nhỉ? Một trăm hai mươi nhăm curusơ, đúng không?
-Thánh Ala ơi! Nhưng tôi đưa anh ấy mười lia cơ mà!
-Phải. Nhưng tôi lại đưa anh bảy lia rưỡi.
Nhà thiên văn nổi tiếng Zia xen vào cuộc tranh cãi:
-Các anh làm rối hết. Hãy kể lại từ đầu, Zêki. Anh nợ anh Taliat ba trăm bảy mươi nhăm curusơ, đúng không?
-Ông bạn ơi, tôi đã đưa anh ấy mười một lia rồi. Bây giờ anh ấy là người nợ tôi!
-Nhưng anh Taliat đã đưa anh bảy lia rưỡi? Bảy lia rưỡi cộng mười một là…
-Sai hết rồi, ông bạn! Tôi thua anh Taliat ba trăm bảy mươi nhăm curusơ. Bây giờ xem nào…
-Tôi hiểu rồi. Anh hãy đưa thêm anh ấy vào một trăm hai mươi nhăm curusơ…
-Trời ơi, cái anh này!…Tại sao lại cứ đưa thêm một trăm hai mươi nhăm curusơ. Cứ tôi phải đưa, phải đưa…Còn anh ta chẳng phải đưa cái gì cả.
-Thế không phải anh đưa thì còn ai: Anh thua cơ mà!
-Một trăm hai mươi nhăm?
-Không…
-Nghe đây, anh Zia. Lúc đầu tôi đưa anh ấy mười lia, sau đó đưa thêm một lia nữa, tổng cộng là mười một lia.
-Thế anh Taliat đưa anh bao nhiêu? – Ông Rêfik hỏi.
Nhà thiên văn thở dài:
-Các anh làm tôi nhầm hết. Anh có hai mươi nhăm curusơ không?
Ông Zêki lấy trong túi ra hai mươi nhăm curusơ và đưa chúng cho chủ nhà.
-Đây, hai mươi nhăm curusơ nữa đây.
-Thế bây giờ còn bao nhiêu? – ông Taliat hỏi.
-Làm sao tôi biết còn bao nhiêu? Các anh làm nhầm lẫn hết. Lúc đầu anh ta đưa cho anh mười lia, sau đó một lia nữa, sau đó lại hai mươi nhăm curusơ. Tổng cộng là mười một lia hai mươi nhăm curusơ. Bây giờ, Taliat, anh hãy đưa anh ấy một lia.
-Thánh Ala ơi!… Anh nghe đây, tôi đã đưa anh ấy bảy lia rưỡi rồi.
Chủ nhà chạy sang buồng bên cạnh, nơi nhà doanh nghiệp xuất sắc Liutfi đang ngủ ngon lành trong ghế bành, nắm tay lôi ông ta dậy kéo ra chỗ mấy người bạn.
-Lạy thánh Ala, Liutfi, anh hãy giúp chúng tôi tính toán đi!
-Liutfi thân mến – ông Xêki nói – Chúng toi chơi bài nac đư tăng dần tiền…
-Này Zêki, cần gì phải nói “tăng dần tiền “.
-Chúng tôi chơi bài nac đư…
-Cần gì nác đư ở đây?! Anh nợ tôi ba trăm bảy mươi nhăm curusơ, đúng không?
-Nhưng tôi đã đưa anh mười một lia, rồi lại thêm hai mươi nhăm curusơ.
-Phải. Nhưng tôi đã trả lại anh bảy lia rưỡi.
-Rõ rồi – ông Liutfi nói – Anh đưa cho anh ấy bảy lia rưỡi. Tại sao?
-Vì tôi không có tiền lẻ.
-Thế tại sao anh đưa anh ta mười một lia?
-Anh ấy yêu cầu tôi. Tôi cũng không có tiền lẻ…
-Thế là rõ rồi. Việc quá đơn giản. Mười một lia cộng hai mươi nhăm curusơ, rồi lại cộng ba trăm bảy mươ nhăm…
-Anh đừng cộng, mà phải trừ đi!
-Tôi biết rồi. Lúc đầu phải cộng, rồi sau mới trừ…Lần cuối cùng anh đưa anh ấy hai mươi nhăm curusơ…
Việc tính toán trở nên rối tinh đến mức ngài Liutfi phải dang tay thất vọng.
-Khoan! – cuối cùng ông kêu lên – Tôi tính ra ngay cho các anh xem đây. Bây giờ mỗi người các anh hãy thu tiền của mình về. Zêki, anh hãy lấy lại hai mươi nhăm curusơ của anh Taliat đi…Thế! Còn anh, Taliat, hãy lấy bảy lia rưỡi của mình về. Zêki – lúc đầu anh đưa bao nhiêu?
-Mười lia. Sau đó lại một lia nữa…
-Nghĩa là, mười một lia? Anh hãy lấy lại đi.
Cuộc trao đổi tiến hành.
-Bây giờ anh hãy đưa mười lia cho anh ấy – nhà kinh doanh vĩ đại ra lệnh – Thế…Còn anh hãy trả lại từ số tiền mười lia này.
-Tôi không có tiền lẻ. Chỉ có bảy lia rưỡi đây.
-Zêki, anh hãy cầm lấy bảy lia rưỡi đi. Bây giờ anh là người nợ của anh ấy. Anh phải trả lại bao nhiêu?
-Tôi có một lia và hai mươi nhăm curusơ đây.
-Hãy đưa chúng cho anh ấy. Bây giờ thế nào?
-Thì lại giống y như lúc nãy!
-Tốt lắm…Bây giờ anh hãy đưa anh ấy…Thế, bây giờ…Anh hãy đưa thêm anh ấy một trăm hai mươi nhăm curusơ…
-Nhưng đã bảo là tôi không có tiền lẻ.
-Thế thì anh, Zêki, anh hãy đưa anh ấy một trăm hai nhăm.
-Rồi thì sao?
-Cứ đưa đi, đưa đi! Khi đó anh còn thiếu anh ta…Sao lại thế nhỉ?…Lại nhầm hết rồi.
-Này!…
-Ôi trời!…Anh đã đưa tôi bao nhiêu, anh bạn?
-Bao nhiêu? Tôi đã đưa anh bao nhiêu?
-Phải, anh đưa tôi…
-Khoan! – giáo sư Rêfik nói – bây giờ mỗi người lại lấy lại tiền của mình về đi.
Tiền cứ được trao cho người kia rồi lại lấy về mấy lần mà cả Taliat lẫn Zêki đều không tài nào thanh toán được với nhau.
Nhà thiên văn học Zia muốn giúp các bạn của mình đơn giản hóa việc tính toán, bèn đổi tờ mười lia cho ông Zêki. Sau khi đổi tiền, mấy ông bạn lại hoàn toàn bế tắc.
Đến chiều ngài Liutfi tuyên bố:
-Thôi, mỗi anh lại cầm hết tiền của mình về đi!
Hai người ai nấy lại lấy tiền của mình. Sau đó ngài Liutfi quay sang bảo nhà tài chính kiệt xuất của Thổ Nhĩ Kì:
-Anh Zêki, anh phải nhớ anh còn nợ anh Taliat ba trăm bảy mươi nhăm curusơ. Khi nào có tiền lẻ, anh phải trả anh ấy. Rõ chưa?
-Rõ!
-Lạy thánh Ala! Thế là cuối cùng đã giải quyết xong!
Và sự việc đến đấy là chấm dứt.
KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA TÔI
-Cảnh sá…át! Mau lên!…Giúp tôi với!
Khách qua đường dừng lại, lúng túng nhìn một người đã kêu la ầm ĩ. Ở đó có khối nhân viên cảnh sát nhưng họ chẳng may chú ý đến tiếng kêu đã lạc cả giọng của người kia. Họ lững thững qua đám đông rồi điềm nhiên đi thẳng như không hề có chuyện gì xảy ra hết.
-Cảnh-sát!…C-ả-ả-n-h-s-á-á-t!
Thật kì lạ! Không một cảnh sát nào nghe thấy tiếng kêu. Nhưng ngay ở bên kia đường có một cảnh sát đang đứng. Chả lẽ anh ta cũng không nghe thấy? Người kêu đưa hai tay lên mồm làm loa và lại kêu thật to:
-Cảnh sát! Mau lên! Đến cứu với…Cảnh sát!
Đoạn anh ta gạt đám đông đứng vây kín xung quanh mình, chạy thẳng đến chỗ người cảnh sát đứng ở bên kia đường.
-Thưa ngài cảnh sát! Ngài có thể làm ơn đi với tôi được không ạ?
-Có chuyện gì?
-Đằng kia có người đang bị giết.
-Không phải việc của tôi!
-Tại sao?
-Tôi là cảnh sát giao thông. Nếu tôi rời chỗ này, giao thông sẽ rối beng lên mất.
Người khách lại tiếp tục kêu:
-Ơi cảnh sát!…Cứu với!…Cảnh sát…
Vừa lúc có một viên chức cảnh sát đi qua. Người kia vội lao tới phía đó:
-Thưa ngài đáng kính! Một phút thôi ạ! Chúng đang giết người, ngài hãy chặn tay tên tôi phạm lại ạ!
-Tôi không can thiệp vào những chuyện như thế! Đồn cảnh sát số 16 trông nom những thứ loại đó. Tôi chỉ phụ trách các vấn đề cấp hộ chiếu thôi.
Người ta căng thẳng đến tột độ, hết chạy sang phía này lại tấp về phía bên kia, không ngớt tiếng la:
-Cảnh sá…át! Chúng đang giết người! Bới cả..ảnh sá…át!
Rốt cuộc cũng có một nhân viên cảnh sát từ phía đối diện đi tới. Anh chàng kia vội đón đầu:
-Ngài cứu tôi với! Chúng ta đi mau lên, kẻo anh ta bị giết chết mất!
-Xin lỗi, đó không phải là việc của tôi. Tôi là cảnh sát trực thuộc Bộ!
Đám đông mỗi lúc một thêm đông. Người kia vội chạy đến bên một viên cảnh sát đang thao thao bất tuyệt với một tay chủ tiệm:
-Xin lỗi, thưa ngài đáng kính mến! Mong ngài đến ngay chỗ kia! Ở đó chúng đang giết người!
-Tôi không có quyền can thiệp vào chuyện đó. Tôi là cảnh sát của Tòa thị chính mà!
Cảnh sát thì vô khối ra đấy. Nhưng xui ra xui nhé! Bất cứ tay nào cũng đều đang mắc bận một việc gì đó tương tự.
-Biết tìm cảnh sát thích hợp ở đâu bây giờ? Cảnh sá…át!
Lạy chúa, may quá, lại một cảnh sát viên nữa hiện ra. Lần này, để khỏi lâm vào một tình trạng khó xử, anh chàng kia thận trọng hỏi trước:
-Xin lỗi, ngài làm ơn cho biết ngài thuộc đồn nào ạ?
-Đồn số 16.
-Ồ thưa ngài, quả là một cuộc gặp gỡ rất đúng lúc! Ở ngay bên cạnh đây người ta đang giết người. Lẽ nào ngài lại không lưu tâm đến việc bắt tên hung thủ?
-Ồ, tuy ở đồn số 16 thật song tôi lại thuộc về đội giải quyết vấn đề trộm cắp kia.
Vừa nge xong những lời đó, người kia vội đâm bổ ra quảng trường Adamet và nài nỉ viên cảnh sát đầu tiên anh ta gặp ở đó:
-Ông nghe tôi nói đã. Ở đằng kia đang có vụ giết người, chúng ta phải tới ngay mới kịp.
-Đó không phải việc của tôi.
-Thế ông không phải ở đồn 16 à?
-Tôi ở đồn 16 thật nhưng tôi là nhân viên của đội chống buôn lậu kia. Anh phải tìm tay chỉ huy đội hình sự ấy.
Người kia bèn chạy ngược lại. Trong đám đông chật cứng đường phố, anh chợt thoáng thấy một chiếc mũ cảnh sát:
-Ông đúng là ở đồn 16 chứ?
-Đúng!
-Ông ở đội hình sự?
-Phải!
-Thế là ổn rồi…!Thưa ngài đáng kính, ngài chạy mau lên cho! Có người đang bị giết.
-Ở đâu?
-Ngay kia thôi. Không xa đâu ạ!
-Tôi không thể giúp được gì đâu.
-Sao vậy?
-Đó không phải là khu vực của tôi. Nếu chuyện này xảy ra ở khu vực Xormaghip thì có thể được.
Người kia chưa kịp bước đi thì đã chạm trán một viên cảnh sát khác:
-Xin lỗi, hình như ngài thuộc đồn 16?
-Tôi đúng thuộc đồn 16.
-Ngài ở đội hình sự?
-Đúng!
-Đây là khu vực do ngài phụ trách?
-Phải. Mà có chuyện gì vậy?
-Lạy chúa, ở đây chúng đang giết người?
-Tôi không thể giải quyết được đâu. Hôm nay là ngày nghỉ của tôi!
Lúc đó có một người đến bên anh chàng kia, cúi xuống nói thì thầm vào tai anh ta:

-Một bữa nọ tôi cũng gặp phải chuyện tương tự đấy. Và bây giờ thì tôi đã rõ là: người ta không tìm cảnh sát như vậy đâu. Nếu anh cần cảnh sát thì cứ đứng ra giữa quảng trường này mà ráng gào cho đến hết sức rằng:”Thật là quá lắm, không còn có thể chịu được nữa!”
Thế là người kia đứng ra ngay giữa đường xe điện mà kêu đến khan cả tiếng:
-Thật là quá lắm! Đâu là công lý? Đâu là trật tự?
Anh ta vừa mới làm vậy thì, hệt như xăng gặp lửa, một đám đông lao đến chỗ anh ta, quây kín chung quanh:
-Ê, về đồn cảnh sát ngay!
-Các ông là ai? – Người kia kinh ngạc.
-Bọn ta là nhân viên cảnh sát dân sự!
Tiếng còi huýt vang. Viên cảnh sát đang thực hiện cái ngày nghỉ của y chạy đến trước tiên. Tiếp đến anh chàng cảnh sát chỉ có trách nhiệm ở khu vực Xormaghip. Lại một hồi còi nữa rúc lên, rồi tay cảnh sát giao thông và tay thuộc Tòa thị chính lao tới. Cả anh chàng đã giúp lời khuyên tuyệt diệu ấy cũng có mặt.
-Ủa, thế ông cũng là cảnh sát à? – Người kia ngớ ra.
-Ta là chánh cẩm!
Anh chàng kia bị dẫn về đồn cảnh sát, đi ngang qua chỗ xảy ra vụ án mạng.
Nạn nhân đang vật vã trong cơn hấp hối trên mặt đất.
-Đáng thương cho nạn nhân! – Anh chàng buồn rầu nói.
-Người thân của anh hả? – Viên cảnh sát giao thông tò mò hỏi.
-Đâu có! – người bị bắt đáp – Hoàn toàn không quen biết! Tôi kêu cảnh sát chỉ là vì lòng nhân đạo thôi.
Viên cảnh sát trực thuộc Tòa thị chính thúc anh ta:
-Đi lẹ lên nào! Ôi chao, chảy bao nhiêu là máu! À, chờ một lát nhé, để ta quay lại phạt gã một cái. Cho gã chừa cái thói làm bẩn đường phố đó đi!
ĐỪNG CÓ LẮM LỜI
Anh ta sinh vào năm 1915. Ở nhà người ta không cho khóc. Mẹ giơ ngón tay dọa:
-Im đi!
Cười không được, khóc không được. Cha ra lệnh:
-Khẽ mồm!
Nếu nhà có khách, người ta đe trước:
-Ngồi yên, đừng có làm ồn!
Nếu mẹ ở nhà một mình, bà nói:
-Im đi, cho mẹ ngồi yên một lúc!
Cứ tiếp tục như thế cho tới khi bảy tuổi.
Tới trường học. Anh ta mới thốt ra một lời trong giờ học là thầy giáo đã la:
-Không được nói chuyện!
Gọi lên bảng, người ta đe trước:
-Chỉ nói cái gì người ta hỏi thôi. Đừng có lắm lời!
Cứ tiếp tục như thế cho tới mười hai tuổi.
Lên học cấp hai. Vừa mới mở miệng, người ta đã ngăn lại:
-Đâu có hỏi anh.
Hiệu trưởng nhắc nhở câu châm ngôn: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”.
Thầy giáo dạy môn quốc văn nói:
-Hãy nghe hai lần,trả lời một lần. Người ta có hai tai và một miệng.
-Khẽ chứ!
-Im đi!
-Đừng có lắm lời!
Cứ tiếp tục như thế cho tới mười lăm tuổi.
Vào trường trung học. Điều đầu tiên anh ta nghe thấy là:
-Im lặng tốt hơn là lắm lời!
-Đừng có bẻm mép!
-Ngậm miệng lại!
-Không được nói chuyện!
Cứ tiếp tục như thế cho tới năm mười chín tuổi.
Thi đậu vào trường đại học. Ở nhà dặn dò anh ta:
-Khi người lớn nói, người ít tuổi phải lắng nghe.
Mẹ dạy:
-Lời nói dành cho người lớn, nước uống dành cho người ít tuổi.
Vị giáo sư nhiều lần nói:
-Hãy giữ mồm giữ miệng!
Cứ tiếp tục như thế cho tới năm hai mươi ba tuổi.
Vào quân đội. Chỉ huy đơn vị ra lệnh:
-Câm mồm, đồ chó đẻ!
Trung sĩ:
-Chấm dứt chuyện ba láp!
Đại úy:
-Không nói chuyện!
Gọi lên cơ quan cảnh sát. Viên cảnh sát thét lên:
-Người ta không hỏi mày!
Viên thanh tra nói:
-Suỵt!
Ra làm việc. Các bạn bè để tay vào môi:
-Suỵt!
-Xin hãy vì chúa mà ngậm miệng lại giúp cho! Lại gây vạ cho mình bây giờ! Hãy thận trọng!
Thủ trưởng răn đe:
-Đừng có thọc vào chuyện người khác!
-Không liên quan đến anh!
-Đâu có dính dáng gì tớí anh?
-Đừng có can thiệp vào!
Lấy vợ. Vợ bảo:
-Em xin anh, đừng có dính dáng vào!
Sinh con đẻ cái. Lũ trẻ lớn lên. Chúng nói:
-Cha ơi, chuyện này cha không hiểu được đâu. Cha hãy lánh qua một bên thì hơn.
Con người ấy là một phần tôi, một phần là các bạn, một phần là tất cả chúng ta.

Thuở xưa người ta bảo phụ nữ trộn lẫn cúc gai vào thức ăn để làm chồng mất lưỡi. Vậy thì các bạn hãy coi là người ta cũng đã cho chúng ta ăn cúc gai rồi. Hãy coi thử xem các bạn còn lưỡi không? Chúng ta đã nuốt mất lưỡi rồi! Chúng ta có miệng, nhưng lưỡi thì không.
Bây giờ chính con người ấy, cái người mà một phần giống tôi, một phần giống các bạn, đang đòi tự do ngôn luận. Anh ta muốn nói.
Nhưng người ta ra lệnh cho anh ta:
-Im đi!
Tôi muốn nói với anh ta:
-Hãy nói đi! Hãy nói đi! Nói đi nào! Nhưng nói về cái gì? Nói thế nào? Mà lưỡi của chúng ta ở đâu kia chứ?
KHÔNG THỂ THÀNH NGƯỜI
T
rong bọn tôi chỉ cần có một kẻ nào đó hoài nghi kêu lên: “Không thể được, anh em ơi, lũ chúng ta không thành người được!” là lập tức mọi người gật đầu tán thưởng: “Ðúng, chí phải, chí chí phải, không thể thành người!…” Và không bói đâu ra một người phản bác: “Sao lại thế! Phải tự trọng chứ!”.
Hồi còn trẻ, có một lần, dạo ấy tôi vào quãng 25 tuổi, bầu nhiệt huyết còn sôi sục, tôi đã cả gan chống lại luận thuyết đó.
Lần ấy tôi đi tàu thuỷ ra đảo Hoàng Nam. Trên tàu bỗng có một người đàn ông đứng tuổi càu nhàu một mình, đến hung thần cũng không hiểu vì sao tự nhiên lại thế.
– Xin lỗi các người, làm sao chúng ta có thể thành người được!
Mọi người có mặt trong phòng khách lúc ấy đều gật đầu đồng ý.
Riêng tôi thì nóng mắt cự lại:
– Sao lại không thành?! Còn thành thế nào nữa!… Dứt khoát là thành!… Mà còn thành những người làm chấn động địa cầu là khác!
Mọi người trong phòng khách tưởng như ăn ý với nhau từ trước, đồng thanh kêu ầm lên:
– Bậy nào, bậy nào, không thể thành người được!…
– Chúng ta còn lâu mới đuổi kịp thiên hạ!
– Chúng ta không thể thành người được!
Ðược mọi người hỗ trợ, ông già kia bớt nóng:
– Nghe thấy chưa, con?… Các vị đây đều nhất trí ủng hộ tôi đấy. Như thế nghĩa là quả thật chúng ta không thành người được. Con xem, có ai buộc các vị kêu lên thế đâu.
– Thành người!… Nhất định sẽ thành người! – tôi lặp lại.
Ông già cười nhạt:
– Ðó, con vừa nói: “Nhất định sẽ thành người”. Chữ “sẽ” như thế nghĩa là trước đây và bây giờ chưa thành người chứ sao.
Từ bấy đến nay bao nhiêu năm trôi qua mà lúc nào tôi cũng băn khoăn “Vì sao chúng ta không thành người được?”.
Lần đi tù mới đây đã mở cho tôi đôi mắt: cuối cùng tôi đã tìm ra câu đáp.
Trong tù tôi bị nhốt vào một khám lớn của tù chính trị. Quanh tôi là cả một xã hội trí tuệ: các nhà doanh nghiệp nổi tiếng, các nhân sĩ lỗi lạc, các ngài tỉnh trưởng, các quan đốc học, các cựu nghị sĩ, các chính khách xuất chúng, các vị đại thần, các bậc kỹ sư, các bác sĩ danh vang toàn cõi. Hầu hết những người này đều đỗ đạt tận Châu Âu, Châu Mỹ, đã từng xuất dương và biết đến vài ba thứ tiếng.
Mặc dù cách nhìn đời của tôi và họ còn khác xa nhau, nhưng trước hết là nhờ có họ mà tôi hiểu ra được rất nhiều điều về cái sự tại sao chúng ta không thành người được.
Những ngày tiếp người nhà, tôi được nghe toàn những tin xấu: lúc thì gia đình tôi không trả được tiền nhà, lúc thì chịu tiền ông chủ quán nước, và biết bao nhiêu chuyện dằn vặt khác nữa. Tôi thấy nặng nề, ủ dột.
Tệ hơn nữa là tôi có mặc cảm tuyệt vọng.
Bấy giờ chỉ còn một lối thoát: phải lập tức ngồi viết tiểu thuyết. May ra có một tờ báo nào chịu đăng tải thì tôi kiếm được ít tiền. Nội dung cuốn sách đó tôi cũng đã thai nghén từ lâu.

Ðã quyết là làm, tôi bèn đi kiếm một cây bút máy, một xấp giấy rồi ngồi chéo ngoe trên giường mà viết. Không được lãng phí thời giờ! Phải chấm dứt chuyện trò ba láp hoặc ngồi không nghĩ vơ nghĩ vẩn!
Chưa viết được 10 dòng thì một vị phạm nhân, đầu óc sáng láng đến gần tôi:
– Chúng ta không thể thành người được! – vị ấy tuyên bố ngay – Quyết không, quyết không!
Tôi nín im.
– Anh nói sao tôi nghe nào? – vị ấy gặng – Tôi đã ăn học ở Thuỵ Sĩ, 6 năm làm việc ở Bỉ.
Rồi ông ta kể lể dài dòng và cặn kẽ về cuộc sống ở hai nước đó. Tôi phát rầu rĩ vì bị quấy quả đột nhiên, nhưng biết làm sao được. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn xuống, cố ý cho ông ta hiểu rằng tôi rất bận và mong ông ta đứng dậy. Than ôi! bạn tôi nào có biết phán đoán. Ông ta cứ thế mà nhớ đâu nói đấy:
– Bên ấy anh sẽ thấy không ai không cầm sách vở. Một người Thụy Sĩ hoặc một người Bỉ có được vài phút rỗi rãi là họ mở sách ra ngay. Ði ô tô, đi tàu hoả, chỗ nào cũng đọc. Mà giá anh thấy họ trong nhà cũng thế! Lúc nào cũng đọc, đọc và đọc…
– Chà, ghê thật, ghê thật! – Tôi ngắt lời ông ta với hy vọng ông ấy tha cho tôi nhờ.
– Ghê hẳn đi chứ lỵ! – ông ta nói tiếp – Còn bây giờ anh cứ thử nhìn những người quanh đây xem. Ai cũng nhận mình là trí thức mà không có ai cầm sách cả. Không, bạn thân mến của tôi ơi, chúng ta không thành người được.
– Ông nói quả đúng – tôi đồng ý.
Tôi vừa nói thế, ông ta liền hăng tiết lên gấp hai lần và lại tiếp tục câu chuyện người Bỉ người Thụy Sĩ đọc sách mọi nơi mọi lúc.
Ðến giờ ăn trưa. Chúng tôi cùng đứng lên.
– Chúng ta không thành người được. Bây giờ anh đã rõ vì sao như thế chưa? – Ông ta hỏi.
– Rõ – tôi đáp.
Thế là tôi mất đứt nửa ngày để nghe một bài giảng về lòng hiếu sách của người Thụy Sĩ và của người Bỉ.
Nuốt vội vàng mấy hạt cơm trưa tôi lại leo lên giường viết sách. Tờ giấy trên đầu gối, cây bút trong tay, tôi vừa ngồi vừa nghĩ.
Chưa viết được một chữ lại một người quen bước đến:
– Anh làm gì vậy?
– Tôi viết tiểu thuyết.
– Ở đây viết không ra cái gì đâu. Anh này ngộ thật!… Anh đã ở Châu Âu lần nào chưa!
– Không, tôi chưa bao giờ ra khỏi đất Thổ.

– Tiếc quá! Thế thì anh phải đi Châu Âu mới được. Sống bên đó, được tận mắt nhìn thấy mọi vẻ sinh hoạt là điều rất thú vị. Những chuyến đi ấy làm con người mở rộng được tầm mắt. Tôi đã đi hầu khắp Châu Âu, có lẽ không nước nào không đặt chân tới. Lâu nhất là thời kỳ tôi ở Ðan Mạch, Hà Lan và Thụy Ðiển. Ở các nước đó mọi người tôn trọng nhau hết sức. Thậm chí người ta không nói to để khỏi phiền người bên cạnh. Còn ở nước ta, anh xem! Muốn thủng hai màng nhĩ! Có lúc tôi muốn chợp mắt một tý, muốn đọc hoặc viết một tý, tôi thiếu gì việc phải làm hả anh, thế mà cũng không được. Ồn như chợ vỡ thế này anh không viết tiểu thuyết được đâu. Không thể viết được.
– Ồn như chợ vỡ tôi cũng viết được. Tôi chỉ không viết được khi bị người khác lải nhải bên tai mà thôi.
– Bạn thân mến ơi, nhưng được yên tĩnh thì thích hơn biết mấy. Có phải thế không? Mà họ có quyền gì quấy rầy anh kia chứ? Họ có thể nói nhỏ được quá chứ lỵ. Ở Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Hà Lan không có ai bất lịch sự như thế bao giờ. Dân chúng người ta tân tiến vì biết tôn trọng lẫn nhau.
Ông ta cứ nói lảm nhảm hết chuyện này chuyện khác, lôi ra trăm thứ dẫn dụ để minh họa cho trình độ lịch thiệp và giáo dục của người Châu Âu.
Tôi cúi xuống mặt giấy và bắt đầu viết. Nói đúng hơn là tôi làm ra bộ viết. Hẳn như thế là bất nhã nhưng tôi còn biết làm sao khác được?
– Ðừng hoài công vô ích – ông bạn lại nói – không viết được gì đâu. Viết thế anh chỉ làm hỏng đầu óc. Nước Thổ chứ có phải là Châu Âu đâu. Anh có biết một người dân Châu Âu thì phải thế nào không? Trước hết là phải có lòng tôn trọng người bên cạnh mình. Còn ta thì sao? Bạn thân mến của tôi ơi, chính là vì lẽ đó mà chúng ta không nên người được đâu. Không, chẳng thể nào được!
Chắc ông ta chưa chịu kết thúc ngay, nhưng may quá, luật sư của ông ta đến cứu nguy cho tôi.
Sợ rằng lại có người khác đến ám, tôi cúi gằm hẳn mặt xuống.
Vừa viết được hai dòng, lại một ông bạn cùng xà lim bước đến.
– Chúc anh thành công! – ông ta nói.
– Cám ơn bác – tôi đáp.
Ông ta ngồi xuống giường tôi nói:
– Còn xa chúng ta mới thành những người chân chính!…
Tôi không hé răng nửa lời hòng chặn đứng câu chuyện ngay từ khởi thủy.
– Anh đã sang Mỹ bao giờ chưa? – ông ta hỏi.
– Chưa.

– Tiếc thật! Anh được ở đó vài tháng anh sẽ hiểu ngay vì sao chúng ta lạc hậu thế này. Người Mỹ đâu có như ta, họ không thích tán gẫu. Bên họ có câu: “Time is money.” “Thời gian là tiền bạc”. Người Mỹ chỉ đến với anh khi có việc. Họ nói vài câu cần thiết rồi đi làm việc khác. Còn nước Thổ ta thì sao? Cứ lấy chúng ta mà xem. Chúng ta đang làm gì? Tán dóc chứ sao. Tán hết ngày này qua tháng khác! Ở Mỹ như thế thì đừng có hòng. Chính vậy mà họ tân tiến.
Tôi thở dài liên tiếp, lòng thầm mong ông ta hiểu cho là tôi rất bận và ông ta đi đi cho rồi. Nhưng ông ta cứ tiếp tục khoa đại ngôn như chẳng hề hám chuyện gì cả.
Ðến giờ ăn tối. Trước khi cáo lui ông ta bảo:
– Chúng ta không thành người được. Ðúng thế. Cứ cái lối sa đà trò chuyện thế này thì chẳng có bao giờ nên người.
– Bác nói thật chí lý – tôi đáp.
Khoắng vội cho xong bát cơm, tôi quay về làm việc. Tiểu thuyết! Phải viết tiểu thuyết!
– Cái chính là phải lao động. Những việc khác là phụ – tôi bỗng nghe có tiếng người nói.
Ngẩng đầu lên tôi thấy một bạn cùng khám đứng cạnh.
– Theo anh thì sao? – anh ta hỏi và ngồi xuống giường bên.
– Ai dám tranh luận chuyện đó? Lao động cần quá đi chứ – tôi đáp.
– Bố mẹ tôi giáo dục tôi theo tinh thần nước Ðức…
Tôi giận đến tím ruột.
Còn anh bạn thì sôi nổi tiếp tục:
– Tôi tốt nghiệp trường li-xê Ðức ở Xtămbun rồi sang Ðức học đại học, sau đó tôi ở lại làm việc bên ấy nhiều năm. Người Ðức chả có ai ăn không ngồi rồi cả. Còn bên ta thì thế nào? Cứ lấy tất cả những người trong khám này ra làm bằng mà xem. Không. Không, chúng ta không thể thành người được. Còn lâu chúng ta mới là những người chân chính!

Tôi hiểu ra: ban ngày người ta không cho tôi viết tiểu thuyết. Cố viết, tôi chỉ giết chết thần kinh của mình mà thôi. Bây giờ chỉ còn nước đợi đến đêm cho mọi người đi ngủ cái đã.
Anh bạn không mời mà đến của tôi lại thao thao về đất nước Ðức.
– Ở Ðức mà ngồi không ăn bám là điều sỉ nhục. Người Ðức dù bị số phận xua đuổi đến đâu đi nữa cũng không bao giờ chịu ngồi bó gối, thế nào họ cũng phải tìm được một việc gì đó mà làm. Một lẽ đương nhiên là không thể không lao động được. Còn đây là một dẫn chứng phản diện: chúng ta đã nằm đây mấy tháng rồi, thử hỏi có ai làm gì hay không? Ðụng đến chuyện ấy là người ta lấy làm lạ: trong tù thì làm gì được! Một người trí thức nước Ðức sẽ không nói vậy. Ông ta sẽ ngồi viết hồi ký, viết báo, lo nghĩ công việc của mình hoặc đọc sách báo, tóm lại, ông ta không có chơi bời phí phạm. Còn chúng ta thì sao? Anh muốn nói gì thì nói, chúng ta không thể thành người được.
Ðến tận nửa đêm anh ta mới về. Bây giờ có thể làm việc được rồi. Không còn ai đến ngồi quấy phá và lên lớp cho tôi về chuyện để lý do khiến chúng ta không nên người được.
Chao ôi, tôi đã lầm to: lại có người đến. Người này đã lăn lộn nhiều năm bên Pháp. Ông ta khe khẽ thì thầm sợ phiền đến giấc ngủ mọi người. Theo lời ông, người Pháp là người biết làm việc ra trò, nghỉ ngơi và vui chơi ra trò, dân tộc đó không bao giờ lẫn lộn thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi. Rồi ông ta khuyên tôi không nên làm việc quá nửa đêm như thế.
– Bây giờ anh đi ngủ ngay đi, sáng mai đầu óc tỉnh táo anh lại tiếp tục viết. Bên nước ta mọi thứ cứ lùng chùng với nhau: lao động, nghỉ ngơi, giải trí, không cái gì ra cái gì cả. Lúc nghỉ thì mình làm việc, giờ làm việc mình lại muốn nghỉ. Ðấy cứ bảo tại sao chúng ta không biết làm việc cho có năng suất. Không bao giờ chúng ta thành người được đâu. Không bao giờ!
Lúc ông ta đi thì tôi cũng không còn sức để viết được nữa. Hai mí mắt tôi cứng lại. Tôi lăn ra ngủ vùi.
Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, lúc chưa ai dậy, và lại bắt tay vào việc.
Có một người cùng khám mà tôi rất kính nể vừa đi ngoài về.
Thấy tôi ông ta bước lại.
– Mọi thứ ở bên Anh không có như bên ta – ông nhận xét – Anh đã ở bên Anh bao giờ chưa?
– Chưa ạ.

– Anh cứ hình dung như anh đang ở bên ấy và đang đi tàu. Người cùng phòng với anh suốt nửa ngày không thèm nói câu nào. Bên ta mà thế thì lại bảo: “Cái thằng kênh kiệu! Mặt lạnh như tiền!” Nhưng đó có phải tại người ta lạnh lùng và kênh kiệu đâu, đó là người rất có ý thức và rất tế nhị. Biết đâu anh không thích nói chuyện với người ta thì sao. Cơn cớ gì mà người ta làm phiền đến anh! Còn bên ta thì sao?… Anh ta có quen anh hay không, anh đang bận hay đang rỗi, mặc! Anh ta cứ mở miệng tán phét. Chính vì thế mà chúng ta chẳng bao giờ thành người được cả.
Tôi vò nát tờ giấy trên đầu gối, quẳng xuống gậm giường và nhét bút vào túi.
Thế là hết!… Thế là tiêu tan cái mộng tiểu thuyết của tôi. Phải, trong tù tôi không viết được gì cả. Nhưng mà tù đã mở ra cho tôi một chân lý trăm ngàn lần quý hơn cuốn sách thai nghén kia. Tôi đã hiểu ra vì sao chúng ta không thể thành người được.
Bây giờ chỉ cần một người nào đó đứng bên tôi bảo rằng: “Không chúng ta không thể thành người được!…” thì lập tức tôi giơ tay hô lớn:
– Tôi biết lý do rồi!
Tôi trưởng thành hẳn lên.
VỤ LỘN XỘN TRONG QUÁN RƯỢU
Đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được chuyện xảy ra với tôi trong quán rượu Hacđen.
Quán này đã bị dỡ đi từ lâu, và ở đó người ta đã xây một vườn hoa cho trẻ con chơi, nhưng trí nhớ của tôi không hiểu sao cứ quay về với kỷ niệm cũ ấy.
Chuyện xảy ra vào quãng gần sáng. Tôi đang ngồi trong quán đối diện với một cô gái người Hung có khuôn mặt nhỏ múp míp như búp bê. Hồi đó trong các quán nhậu ở Xtămbun hay gặp nhiều con gái Hung. Trên bàn trước mặt mỗi chúng tôi có đặt một bát rượu “bồn” rõ to, loại rượu này bây giờ thường đựng trong những cốc vại, nhưng thời đó người ta uống chúng bằng những cái bát to gần bằng cái chậu. Và mỗi bát rượu như vậy, như tôi còn nhớ, giá khoảng mười lia.
Lúc đó tôi còn là một sinh viên mới hai mươi tuổi, tôi rất sợ bị mất tiền thì ê cả mặt, nên lúc nào cũng phải thò tay vào túi quần xem lại.
Tôi mời cô bạn gái của tôi nhảy. Nhưng nhảy với cô ta tôi chẳng thấy hứng thú chút nào. Người cô ta gầy đét như que củi, và cao đến mức loại thấp người như tôi chỉ đứng đến ngực cô ta. Trở lại bàn chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện, nếu như có thể gọi đó là cuộc trò chuyện. Vì cô ta cứ liến thoắng bằng thứ tiếng Pháp giả cầy của mình, còn tôi thì bằng thứ tiếng Anh giả cầy. – Phải khó khăn lắm chúng tôi mới hiểu được nhau.

Tất nhiên tôi có thể ngồi ngậm miệng cũng chả sao, nhưng tôi nghĩ như thế không được lịch sự. Vì con người khác con vật chẳng qua cũng chỗ biết nói.
Vậy là giữa chúng tôi đang toát mồ hôi ra để cố hiểu nhau thì trong quán xảy ra một chuyện khác thường.
Đầu tiên chiếc đèn chùm tự nhiên rơi đánh “xoảng” một cái xuống sàn. Giá như không có mấy đèn mờ ở bốn góc tường thì cả gian phòng sẽ tối như bưng. Những cuộc ẩu đả diễn ra ở mấy chỗ khác nhau. Bàn con và ghế đẩu cứ bay vèo vèo qua đầu. Ngay chính giữa phòng một đám rất đông đứng tụ lại, sau đó tản ra thành từng nhóm nhỏ tiếp tục đánh nhau.
Tôi chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao đã thấy một bàn tay mạnh như gọng kìm siết chặt lấy gáy và ấn đầu tôi vào bát rượu. Tôi thấy mình như một con gà bị túm chặt cánh, sắp ngạt thở đến nơi. Phải khó khăn lắm tôi mới thoát ra được. Nhưng hai chân tôi bỗng chổng vó lên trời, và chính tôi cũng không ngờ, tôi ngồi ngay vào bát rượu…
Có nhiều tiếng còi hét inh ỏi. Tiếp đó là tiếng chạy thình thịch. Rồi có người túm tay tôi lôi đi. Trong phòng tối om, nên ra đến ngoài đường có đèn sáng tôi mới nhận ra đó là cảnh sát. Sau đó người ta lôi từ trong quán ra vài thanh niên nữa. Rồi bắt tất cả đứng xếp thành một hàng. Té ra chúng tôi có sáu người, còn cảnh sát khoảng mươi, mười lăm người.
Một lúc sau người chủ quán bước ra áo quần rách tả tơi.
– Chính bọn chúng đấy! – Lão ta nói – Tôi đã gọi điện cho ngài Muamme.
Cảnh sát xếp hàng đôi giải chúng tôi về đồn. Ở đó một viên cảnh sát báo cáo với thanh tra cảnh sát:
– Chúng tôi đã giải bọn côn đồ đến.
– Ngài Muamme sẽ đích thân tra hỏi chúng. Tôi vừa hân hạnh được ngài gọi điện báo cho biết như vậy. – Viên thanh tra nói.
Chúng tôi bị tống lên xe cảnh sát và tống đi. Tất cả năm người bạn bất hạnh của tôi cứ như bắt được của, ngồi trên xe họ hát vang như trên đường ra ngoại ô chơi.
Chúng tôi bị dẫn lên một căn phòng rộng trên tầng hai trong sở cảnh sát. Có hai người đã chờ sẵn ở đó. Một người là chính tay chủ quán nọ, đã kịp thay quần áo, đang ngồi ở xa lông nhai thuốc lá. Người kia là giám đốc sở thì đúng. Hai mắt ông ta ánh lên như tia chớp, hệt như thần Zớt đang nổi giận. Sau này chúng tôi mới được biết, đó chính là ngài Muamme. Vừa nhìn thấy ngài tôi đã thấy bủn rủn cả người. Nhưng năm anh bạn của tôi thì dường như chẳng coi ngài ra cái gì. Một anh cứ thản nhiên nhai kẹo cao su chóp chép. Anh thứ ba cứ mấp máy môi khẽ hát câu gì trông rất xấc láo.
– Bọn chúng đây phải không? – Ngài giám đốc hỏi.
– Vâng, – lão chủ quán đáp. – Chúng đã đập phá làm gẫy hết cả bàn ghế trong quán. Làm bị thương hai cô gái. Còn tôi bị chúng đánh thâm tím cả mặt.
Bản chất học trò đã ăn sâu vào máu thịt tôi từ bé, nên tôi không sao bỏ được cái thói quen học trò. Lần này cũng vậy, vừa nghe nói đến đó thì tôi giơ ngón tay trỏ lên ra ý kiến được trả lời.
Ngài Muamme quay tít dùi cui trên không một cái đe dọa rồi quật đánh “bốp” một cái xuống bàn.
– Không được nói chuyện! – Ngài gầm lên.
Sau đó ngài bắt đầu hỏi cung từ anh chàng nhai kẹo cao su.
– Nhổ cái thứ tởm lợm ấy ra! Anh đang đứng ở đâu?
Anh chàng này vẫn thản nhiên nhai kẹo cao su như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có đôi mắt hơi nheo lại tỏ ý khinh tất cả mọi cái và mọi người. Ngài Muamme điên tiết:
– Hừm, được, chờ đấy, ta sẽ bẻ gãy hết xương sống chúng bây. Ta sẽ làm chúng bay phải ân hận vì đã sinh ra trên đời này, đồ quái thai, lũ mất dạy!
Một anh cười hô hố, còn mấy anh kia tiếp tục cười khẩy. Ngài Muamme hỏi từng người và dùng những lời lẽ tục tằn nhất để chửi rủa tất cả. Nhưng chả ai buồn động đậy. Khi ngài đến gần tôi, chân tôi như muốn khụy….
Ngài Muamme quay sang lão chủ quán bảo:
– Trông biết ngay một lũ con nhà không cha mẹ. Ông cứ nhìn chúng xem! Trông không ra hồn người. Một lũ bụi đời. – đoạn ông quay sang tôi nói thêm – Họa chăng có thằng này trông còn có vẻ có giáo dục một tí.
Rồi ông giáng cho tôi hai cái tát và nhổ vào mặt tôi một cái.
– Thằng này ít ra trông còn có vẻ biết sợ. – Ngài Muamme nói tiếp – Có cảm tưởng dù sao cha mẹ nó còn biết dạy nó đôi chút.
Sau đó ông lại quay sang chửi bới, thóa mạ tất cả chúng tôi.
– Lũ chó đẻ, đồ quái thai! – Ông quát to đến nỗi cửa kính rung ầm ầm. Ngài chửi một thôi một hồi, dùng hết tất cả những lời lẽ tục tằn thô lỗ nhất. Tôi lại giơ ngón tay trỏ, nhưng vừa định nói “Thưa…” thì ngài đã lại rít lên: “không nói chuyện!”
Rồi ngài chồm tới chỗ anh chàng đang cười khẩy:
– Ông thử nhìn cái thằng mặt thớt này coi! Đừng có trông mong chút gì tử tế ở nó! Thế mà cứ bảo “Thanh niên là nguồn hi vọng của cả nước!”
Sau khi nhìn khắp lượt bằng cặp mắt trấn áp, ngài tiến đến gần cậu thanh niên đang nhai kẹo cao su:
– Tên mày là gì?
– Mêtin.
– Họ?
Anh chàng nói họ của mình.
– Thế tên bố là gì?
Nghe anh chàng trả lời xong, mặt ngài Muamme bỗng ngẩn ra.
– Thế ông bố đáng kính của cậu làm gì? – Ngài hỏi, giọng đã đổi hẳn.
– Thế ông không biết bố tôi làm gì à? – Cậu thanh niên bắt đầu phản công.

– Tôi biết… tôi biết… Tất nhiên… tôi biết… Chà chà… Sao cậu lại đi giao du với tụi đầu đường xó chợ này? – Ngài giám đốc nói với giọng khuyên răn – Người ta đã nói “Gần mực thì đen…” – Ngài nói thêm rồi quay sang lão chủ quán bảo:
– Sao ông lại dẫn cậu ấy về đây?
– Dạ… thưa… tôi không có kêu ca phàn nàn gì về cậu này cả… cậu ngồi rất ngoan, không có hành động gì xấu cả. Tôi không có khiếu nại gì về cậu ấy cả.
– Lần sau phải chú ý hơn nhé! – Ngài Muamme quở trách – Không có khiếu nại gì, nhưng do lỗi của ông mà cậu ta bị giải đến đây. Thật xấu hổ. Bây giờ chúng ta biết xin lỗi cậu ấy ra sao?
– Thề có thánh Ala, tôi không dẫn cậu ấy đến đây. Chẳng qua vì thiện chí cậu ấy tự nguyện đến thôi. – lão chủ quán ấp úng nói.
– Tôi không có nói xấu gì về cậu cả, – ngài Muamme quay sang bảo cậu thanh niên đang nhai kẹo cao su – Hoàn toàn không. Vì thế mong cậu đừng giận, đừng nghĩ những lời tôi vừa nói là ám chỉ cậu… Sao cậu cứ đứng mãi thế? Xin mời cậu ngồi xuống đây. Xin cứ coi như ở nhà vậy. Còn thằng này tên gì? – Ông quay sang cậu thanh niên đang khe khẽ hát.
– Erơgin.
– Bố là ai?
Nghe thấy tên bố cậu ta, sắc mặt ngài Muamme thay đổi ngay. Một mắt ngài cứ giật giật. Ngài quăng ngay cái dùi cui đi, rồi cứ lấy hai tay vỗ vào đầu gối:
– Chà, chà… Làm sao tôi không đoán ra ngay cậu là con nhà ai nhỉ? Lẽ ra tôi phải biết ngay. Xin mời cậu ngồi… Mong cậu tha lỗi cho… Thề có thánh Ala, những lời tôi chửi lúc nãy hoàn toàn không nhằm vào cậu…
Lão chủ quán ngồi mặt tái nhợt không còn hột máu và lẩm bẩm câu gì nghe không rõ.
Ngài Muamme lại quay sang hỏi một trong mấy anh chàng cứ đứng cười nhạt.
– Còn cậu… cậu là con ai?
– Ông vừa bảo tôi là đồ chó đẻ. Nghĩa là tôi là con của chó!
– Ai? Tôi bảo ấy à? Đâu có! Mà nếu tôi có nói thế thì cũng không phải tôi nói với cậu.
– Nhưng tôi vẫn là đồ chó đẻ. – Anh chàng say khướt tỏ ra rất ngông nghênh.
Ngài Muamme phải lôi lão chủ quán ra làm người làm chứng.
– Thề có thánh Ala, ông hãy làm chứng là tôi không nói cậu ấy như vậy đi!
– Tôi cũng không nói gì xấu về cậu ấy cả. – Lão chủ quán cũng vội vàng thanh minh.
– Phải, phải… chẳng qua tôi chỉ nói chung chung thôi, chứ không ám chỉ cụ thể ai.
Ngài Muamme cứ lần lượt hỏi cụ thể từng thanh niên một, rồi sau khi biết bố họ là ai, giữ chức vụ gì, ngài thay đổi hẳn thái độ, tươi cười niềm nở mời từng người ngồi.
Tôi hiểu rằng chỉ có tôi là kẻ giơ đầu chịu báng. Vì những câu chửi rủa của ngài Muamme phải nhằm vào ai chứ? Nên chỉ còn tôi là người mà ngài có thể trút hết cơn giận dữ và đổ hết tội vào đầu tôi để tháo thân. Như thế sự việc sẽ kết thúc ở đó. Còn mấy thanh niên có những ông bố có thế lực kia tất nhiên ngài sợ không dám đụng đến.
Khi đến lượt tôi, tôi đã định nói bừa tên một người có thế lực nào đó. Nhưng nói tên ai bây giờ? Vả lại, ngài Muamme đã bảo rằng dù sao tôi cũng còn là con nhà có giáo dục. Nhưng nếu lời bịa đặt của tôi bị bại lộ thì sao? Tôi đưa mắt liếc trộm anh chàng đang nhai kẹo cao su. Anh này nháy mắt ra hiệu gì đó với tôi, nhưng tôi không hiểu ý anh.
Vậy là hi vọng cuối cùng của ngài Muamme đặt hết vào tôi. Ngài rít răng hỏi tôi, nhưng để phòng xa, miệng vẫn cười:
– Còn cậu, cậu là con ai?
– Anh ấy cùng hội với chúng tôi. – Bất ngờ một thanh niên lên tiếng trả lời thay tôi.
Rồi cậu nhai kẹo cao su cũng ủng hộ luôn:
– Đúng, anh ấy cùng hội với chúng tôi.
Cuối cùng bao nhiêu tức giận, ngài Muamme đành trút hết vào đầu gã chủ quán:
– Hừm! Đồ súc sinh vô lại! Đồ con lừa! – Ngài gào lên với lão ta. Một trận chửi rủa trút vào đầu gã chủ quán – Cho mở những cái quán như thế làm gì? Chả lẽ ông không tìm được việc gì tử tế đúng đắn hơn là đi vu khống cho những thanh niên vô tội này sao?
Mấy chàng thanh niên say đến nỗi định gây lộn xộn ngay trong sở cảnh sát.
– Chúng ta là đồ chó đẻ. – Họ đồng thanh gào to.
– Xin lỗi, tôi không có nói như vậy – ngài giám đốc quay sang họ phân trần – Nếu tôi có chửi ai thì chỉ chửi cái lão xỏ lá này thôi… – ngài chỉ vào lão chủ quán.
Biết rằng mọi việc thế là hỏng bét, sợi chỉ cuối cùng đã đứt, lão chủ quán gật đầu thú nhận:

– Tất nhiên, tất nhiên, ngài chửi như thế là chỉ chửi tôi thôi. Tôi có lỗi vì đã không kính trọng mấy vị trẻ tuổi này…
Rồi lão ta và ngài giám đốc, hai người tranh nhau xin lỗi, trong khi năm anh chàng kia cứ ra sức gào lên:
– Bọn ta là đồ chó đẻ! Bọn ta là đồ chó đẻ!
– Tôi là đồ chó đẻ! Tôi là đồ chó đẻ! – Lão chủ quán ra sức gào to hơn để át đi.
Ngài giám đốc nghiêm mặt nhìn gã và bảo:
– Đêm nay ông phải mời các cậu ấy ăn nhậu thỏa thích. Hết bao nhiêu tôi sẽ thanh toán.
– Ấy chết, sao lại thế ạ! Tôi xin chịu một nửa chi phí… Chỉ mong các cậu ấy tối nào cũng đến… – Lão chủ quán lắp bắp.
Mãi lúc đó mấy chàng thanh niên mới chịu thôi không gào nữa. Trước khi thả họ, ngài giám đốc bắt tay từng người. Người thì ngài nhờ chyển lời hỏi thăm kính cẩn đến cụ thân sinh, người thì được ngài bảo “Tôi xin hôn tay ông cụ thân sinh đáng kính của cậu”, người được ngài nói “Thề có thánh Ala, tôi không hề nói gì xấu về cậu. Đây là tôi nói về cái thằng mặt lợn ngu ngốc kia!”
Khi đến lượt tôi, ngài đặt tay lên vai tôi bảo:
– Ta biết anh không phải cùng hội với họ, nhưng nhờ mấy thằng đầu đường xó chợ ấy anh đã thoát thân một cách quá rẻ. Nhìn mặt anh, ta biết ngay anh là con nhà tử tế. Anh đừng tưởng lừa được ta. Thôi, cút ngay khỏi đây!.
24/9/2015
Aziz Nesin
Đức Mẫn - Thái Hà dịch
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...