Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Mưa về trên phố

Mưa về trên phố

Lão lang thang trên con đường đẫy nước. Sau cơn mưa, dường như mọi thứ trở nên láng bóng, cầy cựa sức sống, còn lão, hình hài như một bộ xương di động, vẫn cái nhìn mệt mỏi và bộ mặt mất hết sinh khí. Lão lê đôi dép tổ ong đầy vết chó cắn nham nhở nặng như một tấm sắt dưới chân. Mọi vật xung quanh đối với lão trở nên nhầy nhụa. Thi thoảng, lão lại thất thần lao ra chắn ngang một hình dáng nào đó đi qua chỉ để nhận lấy câu chửi rủa của thiên hạ. Đối với họ, lão hệt như một kẻ hành khất, điên khùng. Nhưng có ai biết rằng lão đang tìm kiếm một người, một người đã khiến lão mất hết tâm trí, rách rưới hình dạng.
Dường như đã mệt mỏi với cuộc kiếm tìm vô vọng, lão đặt cái mông mỏng như giấy dó xuống gốc cây xà cừ bên vỉa hè. Cũng vài bộ mặt lem luốc như lão đang thô lố hai con mắt ngắm nghía vô định, gả ngồi, ưỡm ờ ở mọi tư thế. Những hạt mưa sót lại trên tán cây tót tảy rơi xuống, đọng lại ở hố mắt lão, hệt như hai giọt nước ứ lại lâu ngày. Nàng ở đâu trong hàng ngàn con người nhờn nhợt đi qua, sao nàng lại có thể nỡ bỏ lão. Cái tình yêu, hạnh phúc mà lão đã phải đánh đổi quá đắt để có nàng, giờ chỉ như bong bóng thôi sao. Lão lẩm nhẩm như tụng kinh, như sám hối với chính mình.
Ở cái vùng Tây Nguyên gió bụi này, tên tuổi lão ai mà chẳng biết. Đi đến đâu, lão cũng được mọi người tán tụng bằng những lời hoa mỹ nhất, nào là nhà thơ vĩ đại, nào là cây viết xuất chúng. Từ các vị lãnh đạo cấp cao một bước lên xe, hai bước nhà hàng sang trọng, đến những người dân nhem nhuốc, đều cho lão là người đại diện cho tiếng nói của mình. Mỗi lời lão nói ra không khác gì ngọc ngà, châu báu. Lão có tất cả trong tay, trừ tiền bạc. Hẳn sẽ khó tin lắm, vì khó gì đâu, nếu lão cho ra một bài thơ sẽ có hàng tá người chờ đợi mua lại với cái giá cao chót vót và lão chỉ việc ung dung ngồi đếm và tận hưởng những tờ bạc xanh đỏ. Nhưng lão không phải là người dễ dãi để rao bán đứa con tinh thần của mình như vậy. Đối với lão, phụ nữ sau một cuộc vượt cạn nghỉ dăm ba ngày sẽ lại sức, còn lão “vượt cạn” ròng rã cả tuần trời, tháng trời, thậm chí có lần cả năm mới thoát ra được những cảm xúc thăng hoa ấy. Vì vậy, mỗi “đứa con” của lão, đứa nào cũng đẹp, cũng được bao bọc, trân trọng hơn cả tính mạng mình. Còn nhớ có lần một tay giám đốc cỡ bự muốn mua cái danh hão, đặt cả cọc tiền xuống mặt lão nói:
– Anh cho tôi xin một đứa con tinh thần mới nhất, hoặc là tôi đặt hàng để nó có thể mang họ của tôi. Như đứa này chẳng hạn…
Tay giám đốc rút phẹt một tờ trong vô số những bản thảo của lão đang nằm ềnh àng trên bàn viết. Bài thơ đó đầy lỗi tẩy xóa, chưa ráo mực. Lão nhìn con người bụng phưỡn trước mặt giây lát, rồi như người bị động kinh lão tiến đến gầm gừ:
– Cút… cút… cút khỏi nơi đây với đống tiền bẩn thỉu của mày. Tao thà đốt đi chứ không bao giờ giao chúng cho những đứa ô uế.
Nói rồi không kịp để cho tay giám đốc ú ớ hết câu, lão cầm bật lửa đánh xoẹt một cái. Lửa bốc cháy trên những con chữ như một sự siêu thoát trong tiếng cười âm âm nơi cổ lão. Tay giám đốc như bị trúng độc, vội vàng cầm tiền chạy thục mạng. Chuyện đó được truyền tụng, lan ra ngoài rồi trở thành giai thoại trong bất cứ một diễn đàn nào nói về lương tâm nghề nghiệp. Chính vì thế mà lão nghèo. Quả là nghèo thật. Một nhà thơ lớn như lão mà ở trong ngôi nhà không rộng hơn hộp cát tông là mấy với hai mặt con và một bà vợ còng keo như cọng cỏ héo. Vợ lão một phụ nữ thuần nông đúng nghĩa, cam chịu và nhẫn nhịn. Chị chàng lấy lão cũng vì những vần thơ bay bổng thời trai trẻ mà lão làm tặng chị. Thời ấy, cuộc sống không quá cay độc như bây giờ. Ngày ngày, chị chàng phiêu du cùng lão với những vần thơ bồng bềnh. Rồi hai đứa con ra đời nheo nhóc, đói rã, da bung bủng nước. Về cùng một nhà, lão vẫn say sưa với những thứ ngôn ngữ hỗn độn, chị chàng nhìn con rồi gạt nước mắt lao vào vòng xoáy kiếm tiền trang trải cho bốn miệng ăn. Chị chàng hãnh diện gánh trên mình những đồng tiền lẻ, nát bươm kiếm được từ những bó rau đi mót lại, vậy mà không nửa lời kêu la. Thi thoảng, lão cũng mang về cho chị và các con dăm trăm, những lúc ấy, mắt lão sáng lên kỳ lạ. Chứ không hề để ý đến ánh mắt người vợ nhìn lão đầy tin cậy và ngưỡng vọng.
Nơi lão làm việc là một cơ quan báo chí có tiếng trong tỉnh, đáng lẽ với tiếng tăm, lão hiển nhiên phải leo lên được đến một chức danh nào đó, nhưng bao lần quyền lợi đến mình, lão lại gạt đi, rồi phát ngôn rằng: “Quyền lực và tiền bạc làm cho thơ phú của tớ bị thui chột. Tớ chỉ thích làm một công dân quèn, để sống hết mình với nàng Thơ cho đến khi tớ chết”. Có người tán tụng triết lý ấy, có người thù hằn thì cho lão là đồ dở hơi. Mặc kệ tất cả, hàng chiều, lão vẫn lang thang hết con đường này, đến lối ngõ khác, đánh bẹn đít quần trắng bợt từ những quán cóc hàn huyên với bạn bè hàng tiếng trời, mặc kệ ngày hay đêm. Để rồi sau đó, lão về “cái hộp cát tông” của mình vật lộn cho ra những tác phẩm “để đời” ai cũng phải trầm trồ xuýt xoa. Càng được ca tụng bao nhiêu, lão càng thấy lòng mình bí bách bấy nhiêu. Càng ngày lão càng nhận ra mình giống như con chim đại bàng to lớn bị nhốt ở trong một cái lồng chật hẹp, muốn sải cánh bay ra giữa trời xanh mà không được thỏa mãn. Ở cái nơi gió bụi chỉ có những đồi là đồi, cây là cây này, con người quanh năm suốt tháng chổng mông lên trời giữa những dãy cà phê. Có ai dư thời gian để hiểu hết được những điều lão viết, có mấy ai hiểu được hoài bão trong lão đối với thi ca đâu. Lão muốn tìm một nàng thơ mới cho mình, một nàng thơ mang lại cho lão những cảm xúc mạnh hơn, tuyệt mỹ hơn và rồi hàng loạt đứa con đẹp đẽ của lão sẽ ra đời, sẽ như một quả bom dội xuống mảnh đất mới ấy. Nghĩ vậy, lão hăm hở về nhà.
– Này bà… cuối tuần, bà thu xếp để tôi ra Hà Nội một chuyến. Tôi muốn đi đâu đó thời gian xem tài năng của mình với thiên hạ đến đâu.
– Sao lại thế, ở đây ông vẫn được trọng dụng lắm mà. Ra ngoài đó, họ biết mình là ai đâm khổ ra, sắp có tuổi rồi…
Cái tắc lưỡi của vợ, nhất là hai từ “có tuổi” làm các cơ trên mặt lão giật lên phừng phừng. Mặc kệ vợ cúi gầm, co rúm, lão vẫn rít qua cổ họng
– Đi là đi… biết gì mà nói chỏ vào… Đúng là đàn bà… đái không qua ngọn cỏ.
Chị chàng nhìn chồng đi khuất, mới khẽ lau những giọt nước mắt ứ lại. Chị thẫn thờ, rồi toan tính trong đầu một điều gì đấy.
Lão đi thật, hăm hở như thời trai trẻ. Cái thân hình lép kẹp của lão oằn xuống bởi chiếc ba lô con cóc còn sót lại từ thời lính, căng phồng, đầy mùi giấy mực lẫn thức ăn và số tiền chị chàng đã phải vay mượn đủ mọi nơi mới có được. Ngày lão đi, chị chàng rức lên từng tiếng, hai đứa con túm lấy vạt áo vàng ệch của lão dặn dò: “Bố đi nhớ mang nàng thơ về cho bọn con nhé”. Nhìn cảnh đó, bỗng chốc lão thấy chững lại, nằng nặng trong lòng. Không một lời hứa hẹn với vợ con, không một cái vỗ về an ủi, bước chân lão chình chịch leo lên tàu. Gió sắt se theo tiếng rít của đường ray.
Lão ra Hà Nội thật, nhưng không phải để thi thố tài năng với thiên hạ, mà lão đi học. Sự học cũng đến thật bất ngờ với lão. Ấy là một ngày đầu thu, thoảng hương hoa sữa, ông bạn nhà văn nói với lão:
– Hay là trong lúc rãnh rỗi, chú mày thử đăng ký một lớp học viết văn đi. Nghe thì vô lý hả? Nhưng thời buổi bây giờ, văn chương cũng phải có một tấm bằng, một giấy phép hành nghề mới hợp thời.
– Thủ tục thế nào?
– Làm quái gì có thủ tục với những đứa viết lách có tài như chú mày. Chú mày cứ gật đầu một cái là xong tất.
Cũng phải, ra Hà Nội đã mấy tháng nay, công việc thì không, suốt ngày lão chè chén với vài ba ông bạn viết cũng đã chán ngây ngấy rồi. Định về nhưng thể diện với vợ con vì chưa phân cao thấp, chưa tìm được nàng thơ cho mình làm lão chần chừ. Thì ừ, tại sao lão không đi học nhỉ? Nhìn đống bằng cấp đang được xếp xéo chồng lên nhau của ông bạn nhà văn, lão chợt thấy mình thiếu hụt một tờ giấy quan trọng. Vậy là lão bước chân vào con đường học hành, khi cái tuổi gần tới con số năm hai
Ngày nhập trường, lão lạc lõng giữa những gương mặt còn búng ra sữa. Đang luống cuống ngó nghiêng thì lão va vào nàng. Nàng là kiểu của lão gọi chứ mọi người bảo nàng đáng tuổi con gái lão, mặc kệ thiên hạ. Ánh mắt đầu tiên chạm vào lão chính sự ngây thơ, một khuôn mặt trắng hồng với những lọn tóc xoăn đúng điệu buông lơi nơi bờ vai tròn chĩnh của nàng. Nàng cười, điệu cười mủn mỉm khiến trái tim lão nghẹn lại. Lão không cất thành lời, chỉ biết ngây người ngắm cái dáng nhỏ nhắn ấy. Đêm đó, lão không ngủ, cũng không thèm ngồi chè chén với mấy ông bạn già viết vài câu thơ “hú họa”. Lão muốn có một cái gì đó mát mẻ, có một cái gì đó tươi sáng, thoáng đãng, nhưng phải thật thơ mộng. Vậy là lão lang thang ra khuôn viên hồ. Gió phe phẩy trên mấy ngọn tóc gần như cụt lủn ở đầu lão. Những đôi trai gái dập dìu, rồi biến mất trong những khóm cây không giấu được vạt áo người. Tiếng thủ thỉ, tiếng cấu véo đầy tình ái càng khiến lão rậm rịp hơn. Mặt hồ nổi sóng, gương mặt và điệu cười của nàng nhập nhòe. Lồng ngực lão như bị ai bóp chặt. Cố hít một hơi thật sâu, nhưng lão không thể nào xua nàng ra khỏi tâm trí. Dường như không chịu nổi những cảm giác “cắn dứt” ấy, lão lôi từ trong túi quần ra tờ giấy gấp làm tư đã nhầu nhuyễn, rồi mặc những ánh mắt đang nhìn, lão ngồi phịch xuống đất, cui cui trên mặt ghế đá, từng dòng chữ hiện ra trên giấy. Trong đầu lão hàng vạn hàng nghìn câu cứ luẩn quẩn, rồi đẩy mạnh ra nơi ngòi bút hết dòng này đến dòng khác. Nàng khơi dậy trong lão nguồn cảm hứng thơ phú không ngừng nghỉ. Đêm ấy lão một mình ở ven hồ cho đến khi mặt trời sáng rõ, giấc ngủ đến với lão khá muộn màng, nhưng bóng nàng từ đó cứ ấp vào trái tim si tình của thi sĩ vùng Tây Nguyên. Lão vẫn mơ có một ngày được cùng nàng sóng bước trên những con đường thơ mộng, được chìm đắm trong thế giới chỉ có hai người và hoa bướm, được tận mắt ngắm khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt lúc nào cũng trong veo như hồ nước của nàng.
Nắng chói ngắt, mặt đường phả lên hơi nóng hầm hập, mọi thứ dường như muốn tan chảy. Đã quen với những cơn nóng rạt mặt người ở vùng Tây Nguyên, những cái nắng nơi xứ Bắc giữa thủ đô hoa lệ này khiến lão muốn nghẹt thở. Sự oi nồng, ngột ngạt lẫn những dòng người như nêm cứng làm cô đặc hơn cái không khí vốn quá ít ỏi nơi đây. Dưới nền nhà lát đá hoa, những tấm thân trần cong queo như lão nằm la liệt, chỗ thì sách, chỗ thì đồ ăn, khói thuốc bừa bãi. Lão căng lồng ngực lép kẹp, hai lỗ mũi vận hành nở lên mức cực đại, vậy mà khí trời vẫn không có lấy một chút để phập phồng trong cơ thể. Những giọt mồ hôi nơi tấm lưng cứ lét đét ám xuống nền nhà, trả lại sự ức chế lẫn bức bối cho lão. Lão vùng dậy, vớ vội chiếc áo, rồi hì hục ra khỏi phòng. Những hàng cây thẳng đứng, im lìm, thi thoảng mới hích nhau đưa đẩy trên tán lá. Vài ba con người lúp xúp dưới gốc cây gật gù, gương mặt ai cũng lộ rõ vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Lão ghé vào một quán nước ven đường, gọi một chén chà đá. Bà chủ quán dường như cũng đuối sức dưới cái nồng nã của trời đất nên nhìn vị khách hàng bằng con mắt thờ ơ. Lão mặc kệ, những dòng nước lạnh đang len lỏi mọi ngóc ngách trong cơ thể dần khiến cái lồng ngực thoi thóp ấy bỗng dưng lập cập đập trở lại. Ước gì lúc này có một cơn mưa đổ xuống sẽ tuyệt vời biết bao. Mưa là thứ nước cứu rỗi nhanh nhất những gương mặt khô cằn, nứt nẻ kia, mưa làm cho mọi vật cầy cựa một sức sống mới, mạnh mẽ hơn và sinh động hơn. Lão chán ngắt mọi thứ trì trệ, buồn tẻ.
– Bà ơi! cháu xin cốc trà đá. Xin lỗi, anh làm ơn nhích chỗ dùm.
Tiếng nói trong trẻo, gương mặt trắng hồng với những lọn tóc xoăn đúng điệu buông lơi nơi bờ vai tròn chĩnh. Đôi mắt lão mở to, tim lão nghẹn lại. Nàng, đích thị nàng, nụ cười mủm mỉn ấy lấp lóa trong nắng. Nàng mặc chiếc váy mầu tím nhẹ điểm những cánh hoa mỏng. Lão luống cuống xuýt đánh rơi chiếc cốc thủy tinh gần cạn nước trong tay, bủn rủn nhích vào trong ghế. Lúc này lão cũng không biết thực hay mơ, những câu thơ chứa đầy hình bóng nàng lại lởn vởn trong cái đầu bóng lộn. Nàng xưng với lão từ “anh” ngọt lịm, không một chút ngượng ngùng, vậy mà tim lão cứ rộn lên như trống. Nàng cười đáp trả lại thành ý của lão, rồi khẽ hướng đôi mắt trong veo như nước ra xa, tiếng nàng nhẹ hơn gió
– Anh là nhà thơ có phải không?
– Sao em biết?
– Dễ thôi, anh không thấy những câu thơ đang lượn lờ quanh mình sao?
Câu nói của nàng làm lão giật mình đứng dậy ngơ ngáo nhìn quanh cái thân thể lép kẹp. Tuyệt nhiên không có một con chữ nào, sao nàng có thể tự tin nhận ra lão là nhà thơ kia chứ. Thái độ của lão làm nàng không nén được tiếng cười, tiếng cười trong trẻo phá tan hết sự nóng nực.
– Ôi trời! Nhà thơ “ngố” ơi, em chỉ nói đùa thôi. Chữ nghĩa đâu có chân mà chạy theo anh được, tại em xem “tướng” anh giống nhà thơ ý mà.
– Xem tướng? Em biết sao?
Chiếc đầu xinh xinh khẽ lúc lắc, ánh mắt nàng sáng lên nhìn thẳng vào lão. Không nói không rằng, nàng kéo tay lão xòe ra, sự va chạm đầu tiên ấy khiến mọi dây thần kinh nơi lão bị tê liệt hoàn toàn, lão chỉ thấy mình đang trôi dập dềnh trên một bãi biển với những làn gió mát lạnh cứ miên man thổi. Lão nhìn nàng chăm chú. Cái nhíu mày, điệu cắn môi của nàng sao mà tự nhiên và hoàn hảo đến thế. Tất cả vũ trụ giờ chỉ còn là lão và nàng. Chả hiểu nàng đọc được gì qua những đường chỉ tay đứt quãng của lão, mà từng chân tơ kẽ tóc khuất lấp lão cũng bị nàng rầm rầm nói ra, nhất là về bà vợ còm cõi, về thời hai người yêu nhau ra sao, và hiện tại thế nào, nàng như người được chứng kiến tất cả. Lão thấy khâm phục cái đầu nhỏ bé ấy và càng thấy đây đúng là nàng thơ mà lão đã cất công tìm kiếm.
Từ đó nàng thường xuyên đến chuyện trò cùng lão, lúc cùng ăn cơm, khi lang thang vào những quán cóc, rồi ngồi đó với đám bạn văn cho đến tối mịt. Trong những cuộc đàm đạo, nàng không nói gì, khuôn miệng luôn mỉm cười. Có thêm nàng những gã văn giống lão như có thêm một chất men kích thích làm phấn chấn từng gân cơ trên gương mặt. Thơ lão xuất hiện hàng loạt trên các mặt báo, những bài thơ lão rút ruột viết ra theo một hình mẫu định vị sẵn trong đầu, tiếng tăm lão cũng vì thế mà đã gây được sự chú ý không ít. Cái gia đình trong hộp cát tông đối với lão cứ dần mờ đi, thi thoảng, sau những vần thơ liêu xiêu về nàng, hình ảnh bà vợ héo hắt lại hiện lên, khiến lão canh cánh một nỗi day dứt bâng quơ, và rồi những câu thơ vừa mới viết kia trở nên nặng nề hơn.
Nhưng rồi tất cả không giản đơn như lão nghĩ. Một ngày nọ, lão lại lang thang ra đường. Trận mưa rầm rã suốt hai ngày qua khiến cây cối nghiêng ngửa, mặt đường nhoèn nhoẹt nước. Hít một hơi thật sâu, cái cảm giác khoan khoái, thanh nhẹ khiến lão thấy phấn chấn. Bước chân lão bước nhanh hơn về phía quán cóc cuối con đường Thanh Niên, nơi ấy là điểm hẹn thường xuyên của lão và nàng. Đã gần tháng nay bóng dáng nàng cứ nhạt dần bên lão, gọi điện thì nàng chỉ nói cụt lủn với lão một câu “bận” rồi cất tiếng cười vang. Nỗi nhớ nàng, lão cứ chất chồng theo những câu thơ. Người ta đọc thơ lão không còn thấy sự hưng phấn, sự nhưng nhức sức sống, cầy cựa của một tình yêu đầy khao khát, thơ lão hiu hắt một nỗi buồn, nỗi lo lắng lẫn chút giật mình cố che giấu. Cứ mỗi ngày trôi qua, cái cảm giác ấy lại càng rõ rệt hơn, muốn đến chỗ nàng nhưng có bao giờ lão biết nàng ở đâu. Từ trước đến nay, mọi cuộc gặp gỡ đều là do nàng chủ động. Hay nàng gặp chuyện gì, đau ốm chăng, mới nghĩ đến đó, tim lão như ứ lại thổn thức, nhưng rõ ràng tiếng nàng vẫn trong ngần kia mà. Vậy lý do tại sao?… Lão không thể tự trả lời cho mình được.
Bà bán hàng rót cho lão chén trà thứ năm, bà quan sát gương mặt của kẻ đối diện mình đang hằn lên sự sốt ruột, rồi khẽ lắc đầu. Có lẽ, bà hiểu những diễn biến trong lão. Con đường Thanh Niên sau mưa láng mượt như làn da con gái dậy thì, dưới những tán cây từng đôi đang rúc rích, lão lại liên tưởng đến lũ chuột vẫn làm tình mỗi đêm trong cái ký túc xá đầy mùi mỳ tôm thiếu tiền. Hầu như ở đây chỉ dành riêng cho tình yêu, bất cứ lúc nào, sáng hay đêm khuya, cái bầy “chim chích” ấy suốt ngày tìm đến bám riết vào nhau, chụm mỏ, tỉa lông, rồi lại rủ vào một chỗ nào đó khuất để làm tổ ấm. Đã nhiều lần lão cùng nàng sánh bước trên con đường này, lão thấy mình cũng hạnh phúc giống họ. Vậy mà giờ đây, những hình ảnh ấy cứ như muốn trêu ngươi lão, muốn thách thức vào sự thèm khát lão đã cố gắng kìm lại. Rồi mắt lão hoa đi, khi nhìn thấy bóng nàng cùng một gã choai choai, tóc nhuộm màu lửa đang chễm chệ trên chiếc xe máy đời cao. Vẫn khuôn mặt, mái tóc xoăn lơi tơi trên đôi má bầu bĩnh, vẫn nụ cười làm xiêu lòng ấy, lão không thể nhầm. Nàng đó, những ngón tay thuôn dài của nàng đang ve vuốt gã choai ấy, đôi mắt lúng liếng dậy tình. Ngụm nước chè lão vừa hớp không kịp trôi xuống cái cuống họng nổi lên một cục, mà cứ đắng ngăn ngắt. Đầu lão trống rỗng, mặt nước phía hồ nhiễu đi, nhiễu lại. Bước chân lão vô định tiến về phía nàng. Lão khô cằn như cái cây bị bật gốc. Hành động ấy khiến gã choai choai buông bờ vai tròn của người yêu, gắt gỏng.
– Ăn xin hả?… đi chỗ khác khiếm ăn đi “cha”, không thấy đang bận sao?
Nói rồi gã dương đôi mắt ốc lồi lên nhìn lão như muốn ăn tươi nuốt sống.
– Đây không ăn xin… đây đang tìm người quen…
Tiếng lão đứt quãng, vẫn chăm chú nhìn nàng.
– Người quen… chỗ nào… nào… đừng làm trò hề cho thiên hạ nữa, bố già ạ.
– Kìa anh – Nàng lúng túng lên tiếng – Đây là nhà thơ Nghĩa Sỹ, người mà em vẫn kể anh nghe đấy.
Gã choai nhìn lão từ đâu đến chân, rồi ậm ờ chìa tay mình về phía lão.
– Thất lễ, thất lễ đến nhà thơ rồi. Em xin lỗi “đại ca” vì có mắt mà không thấy núi lớn trước mặt. Xin tự giới thiệu em là “bồ” của Diễm Quyên – một tâm hồn đồng điệu với “đại ca”.
Diễm Quyên. Thì ra nàng tên là Diễm Quyên, chứ nào phải Nàng Thơ của riêng lão nghĩ. Lão cất tiếng cười xoáy vào sự ngơ ngác của hai con “chim chích”. Tiếng cười làm tan mặt hồ, âm âm nhưng không vang xa được. Lão quay đầu bước đi như người bị mộng du, những bài thơ về nàng nhảy múa, chúng đung đưa, ngoạc mồm, giật giật, rồi lũ lượt kéo nhau mất hút.
Cơn ho kéo dài khiến lão đưa tay chắn ngang bộ ngực. Hơi thở từ hai lỗ mũi nóng hơn lửa, cổ khan khan thèm một chút nước, vậy mà lão không tài nào lê tấm thân lép kẹp dậy được. Lão cố với, cố với hơn chút nữa về phía chiếc bàn nhưng bất lực. Bàn tay lão cứ rơi dần rơi dần.
– Kìa mình… mình để em giúp.
Cái giọng nặng mùi đất đỏ, gió núi làm lão bừng tỉnh. Lúc này lão mới mở hết vồng mắt nhìn xung quanh. Một mầu trắng, một mùi sát trùng và ba gương mặt ập vào hệ số ngắm của lão. Đây là bệnh viện và bên cạnh là vợ và hai gương mặt non nớt của con lão.
– Sao tôi ở đây, sao ba mẹ con bà lại ở đây. Mà đây là đâu, là nhà hay…
– Vẫn ở Hà Nội thôi. Nghe tin mình ốm, mẹ con em vội ra ngay. Đã mấy ngày nay rồi, mình cứ nửa mê, nửa sảng gọi tên Thơ tên Thẩn nào đó, giờ mới tỉnh lại. Mẹ con em lo lắm.
Tiếng chép miệng của vợ làm lão gợn lòng. Nhìn hai đứa con đang tủm tỉm vì thấy bố khỏe lại, lão lại càng sót xa. Trong giấc mộng mị của mình, lão nhớ đã nằm ẹp bên vệ đường khi cố đi tìm nàng. Rồi lão lờ mờ nhận được một bàn tay mềm mại của ai đó cứ liên tục chấm mồ hôi và gọi tên lão. Nhưng lão không ngờ rằng đó lại chính là bà vợ như cọng cỏ héo của mình lặn lội một đoạn đường dài ra đây.
– Thế mẹ con mình ở đâu?
– Thì ở viện chứ ở đâu nữa, chỉ tội hai đứa nhỏ, lo cho bố mà bỏ cả ăn…
Lão không nói gì, sự ân cần bao năm của người vợ bên cạnh, lão lãng quên. Giờ lão mới nhận ra mình đã làm cuộc hành trình tìm kiếm những ảo ảnh không có thực, tất cả đều không bằng vẻ đẹp của cuộc sống thực tại và của tâm hồn con người. Lúc này lão thấy gương mặt chị chàng đang bừng lên một ánh sáng lung linh, một sinh khí căng đầy và một sự lôi cuốn kỳ lạ.
– Bố… bố đã tìm được nàng thơ cho bọn con chưa?.
Hai đứa trẻ hồn nhiên túm tay lão lắc lắc. Lão lẫy những ngón trẻ mềm mềm của con mà nghẹn lại.
– Bố không tìm nữa. Bố về với mẹ và các con thôi. Nàng thơ là ở xung quanh chúng ta thôi con ạ. Làm một người chồng người cha tốt, là bố đã làm được một bài thơ hay rồi.
Lão nói như với chính mình và với chị chàng. Ngoài trời những cành lá rung rinh. Lão hít căng lồng ngực, cảm giác khoan khoái, thảnh thơi khiến lão thấy vui theo tiếng gió đầu thu phe phẩy. Mưa nhẹ nhàng phủ đầy trên phố.
21/7/2021
Ngân Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...